(Chủ nhật, 20/10/2019, 03:24 GMT+7)

CHÙA MÍA
(Theo tài liệu Phòng Văn hóa Thể thao và Du lịch thị xã Sơn Tây)

Chùa Mía (tên chữ là Sùng Nghiêm tự) được xây dựng từ xa xưa, trên một quả đồi đá ong thuộc thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. Từ một ngôi chùa nhỏ, năm 1632, chùa Mía đã được bà Ngô Thị Ngọc Diệu (còn gọi là Ngọc Dong, Ngọc Dêu)  - tức Bà Chúa Mía, cung phi của Chúa Trịnh Tráng - cùng nhân dân trong vùng tôn tạo lại, trở thành một công trình kiến trúc Phật giáo tiêu biểu, bông hoa nghệ thuật của thế kỷ XVII.

Chùa được xây dựng theo lối nội công ngoại quốc. Vườn chùa có cây đa cổ thụ đã vài trăm tuổi, tán lá xòe rộng, rợp bóng cả khu vườn. Các công trình trong chùa đều rất quy mô và bề thế, gồm: Tam quan, chính điện, thượng điện, nhà tổ…; hành lang san sát lối kề, trong ngoài bao bọc, ngang dọc xen nhau. Chùa được dựng bằng nhiều cột gỗ to và thấp -là nét đặc trưng của kiến trúc thế kỷ XVII. Các vì kèo cũng được làm bằng gỗ, chạm khắc hình tứ linh (long, ly, quy, phượng), hoa lá… rất công phu, tinh tế, sinh động và gợi cảm.  
Điều đặc biệt ở chùa Mía là số tượng phật nghệ thuật ở đây. Trong chùa hiện có 287 pho tượng lớn nhỏ, gồm 6 tượng đồng, 107 tượng gỗ và 174 tượng đất - là ngôi chùa cổ hiện còn lưu giữ nhiều tượng phật có giá trị nghệ thuật nhất ở Việt Nam. Mỗi pho tượng, dù được đúc, nặn, hay chạm khắc đều thể hiện tính nghệ thuật cao, sự khéo léo, tài hoa của những người thợ thủ công xưa.

Trong số những pho tượng nổi tiếng ở Chùa Mía, có những pho tượng thuộc loại quý hiếm, vô vùng độc đáo, đã đạt đến độ tinh xảo trong nghệ thuật kiến trúc như tượng Phật Tuyết Sơn (cao 0,76m, tượng trưng cho Đức Phật khi tu hành ở Khổ Hạnh Lâm), Nam Hải Quan Thế Âm (cao 1,2m, có 12 cánh tay đan lồng vào nhau, tay giơ lên, tay buông xuống nhịp nhàng, tưởng chừng không có lúc nào dừng lại), Bát Bộ Kim Cương (bộ tám pho tượng Kim Cương làm bằng đất luyện; mỗi pho là hình tượng một võ tướng; hình khối, bố cục mỗi pho đều vững chắc, cân đối, đường nét thoải mái, khỏe khoắn), Quan Âm Tống Tử (cao 0,76m, thường được gọi là tượng Bà Quan Âm Thị Kính; diễn tả một người phụ nữ thùy mị, vẻ mặt hơi buồn nhưng rất nhân hậu, ẵm một đứa bé bụ bẫm kháu khỉnh; đường nét chạm khắc mềm mại, trau chuốt, thoải mái về dáng điệu, sinh động về tinh thần)...

Sau gần 4 thế kỷ tồn tại, chùa Mía - Sùng Nghiêm tự vẫn là một trong những ngôi chùa cổ lớn nhất và đẹp nhất của xứ Đoài nói riêng và Việt Nam nói chung. Với những giá trị lịch sử và kiến trúc độc đáo, chùa Mía đã được Bộ Văn hóa & Thông tin (nay là Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia ngày 31 tháng 1 năm 1964.