(Chủ nhật, 13/10/2019, 07:20 GMT+7)

ẨM THỰCSƠN TÂY
(Theo tài liệu Phòng Văn hóa Thể thao và Du lịch thị xã Sơn Tây)

 
 
Nói đến Sơn Tây ta có thể nghĩ đến làng Việt cổ Đường Lâm với một quần thể di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, vùng đất đá ong với những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi. Nhưng Sơn Tây còn là vùng đất nổi tiếng với nhiều đặc sản ẩm thực truyền thống mà mỗi khi có dịp qua đây, du khách nào cũng muốn được thưởng thức hoặc mua về làm quà cho người thân, bạn bè. Đó chính là bánh tẻ Phú Nhi (phường Phú Thịnh), gà Mía, tương Đường Lâm, thịt quay đòn, các loại kẹo lạc, kẹo dồi, chè lam, chè kho, bánh gai Đường Lâm (xã Đường Lâm), mít (xã Sơn Đông)…

Bánh tẻ Phú Nhi (phường Phú Thịnh)

Phú Nhi xưa còn gọi là Bần Nhi, một thôn cổ có từ cuối thế kỷ 19, nay thuộc phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội là làng nghề truyền thống bánh tẻ nổi tiếng trong vùng. Nguyên liệu làm bánh là những nguyên liệu gần gũi với cuộc sống người nông dân như gạo tẻ, thịt lợn, mộc nhĩ, hành… và lá dong, lá chuối để gói bánh. Để bánh trắng, thơm ngon người làng chọn thứ gạo ngon chứ không phải gạo thường. Trước hết, gạo đem ngâm nước cho nở, xay thành bột rồi đem ngâm nước khoảng 3-4 ngày vào mùa hè, 4-5 ngày vào mùa đông. Trong thời gian ngâm phải thay nước hàng ngày, gạn bỏ nước cũ thay bằng nước mới, mỗi khi thay nước phải khuấy đều bột để bột không bị chua và nhão. Sau đó cho bột lên bếp quấy đều tay cho bột mềm, mịn, tránh vón cục, công đoạn này người ta gọi là "ráo bột".Khâu ráo bột cực kỳ quan trọng trong quá trình làm bánh, bánh có ngon hay không là nhờ vào chất lượng bột được ráo. Phú Nhi có bí quyết riêng trong khâu ráo bột nên bánh tẻ ở đây có hương vị độc đáo.
Tiếp đến là công đoạn làm nhân bánh. Nhân bánh tẻ làm đơn giản nhưng không thể làm qua loa, vì nhân là linh hồn của bánh. Thịt ba chỉ ngon băm nhỏ, hành khô bóc vỏ băm nhỏ, mộc nhĩ ngâm cho nở, thái chỉ. Tất cả trộn đều ướp gia vị vừa đủ, thêm chút hạt tiêu cho thơm. Sau khi hỗn hợp đã ngấm gia vị cho lên bếp xào chín.
Khi công đoạn làm nhân bánh và ráo bột đã xong, tiến hành gói bánh. Người Phú Nhi thường dùng lá dong và lá chuối để gói. Lấy một lượng vừa phải thứ bột cô đặc đó đặt lên một hoặc hai tờ lá dong công đoạn này gọi là "ra bột".Lấy hỗn hợp thịt đặt lên lớp bột và ấn sâu xuống để bột phủ lên thịt, thường là theo hình thuôn dài, cuốn lá dong ngoài bánh, lớp lá ngoài cùng là lớp lá chuối. Bánh được buộc lại bằng lạt hoặc dây chuối khô, sau đó đem hấp khoảng 30 phút là chín.
Bánh ăn ngon nhất là khi vừa mới vớt ra. Bóc vỏ lá xanh, chiếc bánh trắng ngần hiển hiện, mùi thơm nhân thịt tỏa ra như chào mời thực khách. Bánh ăn nóng chấm với nước mắn ngon, thêm chút tiêu thì càng ngon hơn. Bánh tẻ là thứ quà quê chân chất mộc mạc, thứ bánh mà ai cũng có thể thưởng thức. Khi ăn, dùng con dao nhỏ cắt bánh thành từng miếng, xếp lên đĩa. Ăn một miếng để cảm nhận kết tinh của trời đất, độ giòn của vỏ bánh, vị đậm, béo của nhân, thơm mùi tiêu, hành. Bánh có thể thay bữa sáng, ăn chơi, ăn nhiều mà không bị ngán.
Ngày nay, bánh tẻ Phú Nhi được phổ biến rộng rãi đến các xã, huyện khác, thậm chí trong nội thành Hà Nội cũng có thể dễ dàng mua được món quà quê dân dã này. Dù ít người biết đến sự tích của bánh và câu chuyện tình yêu buồn của chàng Phú và nàng Nhi nhưng bánh tẻ Phú Nhi thì ngày càng gần gũi và trở nên thân thiết với thực khách.
 
 Cơm quê làng cổ.

Đến thăm quan di tích làng cổ Đường Lâm du khách không chỉ được đắm mình trong không gian cảnh quan của một ngôi làng cổ truyền thống với những di tích lịch sử cổ kính, những lễ hội làng truyền thống, được nghe giai thoại về các vị anh hùng, danh nhân nổi tiếng nơi đây mà còn được thưởng thức những bữa cơm quê làng cổ thắm đượm nghĩa tình. Với những món ăn dân dã, những sản vật địa phương gắn liền với mảnh đất nơi đây như: Gà Mía, thịt quay đòn, tương Đường Lâm, cá kho riềng, củ cải khô xào lòng gà, ốc hấp lá gừng, chè kho, bánh gai, rượu quê; được thưởng thức những chén chè xanh thơm mát với những thức quà quê dân dã cho chính người dân nơi đây làm ra.

Tương Đường Lâm.

Đến Đường Lâm, bước vào những ngôi nhà cổ kính có độ tuổi hàng trăm năm chúng ta sẽ thấy ở hầu hết các gia đình đều có những chum tương nằm ngay ngắn ở một góc sân nhà. Dù chưa cần thưởng thức, chỉ nghe người dân làng cổ nói về thứ nước chấm tuyệt vời này là du khách sẽ khó có thể cầm lòng quay đi. Vào khoảng tháng Sáu, khi cái nắng chói chang của mùa hạ lên đến đỉnh điểm là thời điểm người làm tương ở Đường Lâm sẽ cho gạo vào xay, giã, sàng sẩy cho thật bóng bẩy. Sau đó, gạo nếp cái hoa vàng sẽ được ngâm kỹ, đãi sạch và đồ thành xôi. Xôi để nguội mới đem đi ủ mốc cho có màu tựa như màu vàng của hoa cải là màu “chuẩn” nhất của mốc tương. Đỗ tương cũng được người làm tương đem rang vàng thơm, xay cho vỡ hạt rồi sảy cho hết vỏ, bỏ vào nồi nấu kỹ và ngâm trong nước. Để có nước tương ngon, người làng Đường Lâm có bí quyết dùng nước giếng Giang (giếng nước đá ong ở gần nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh), bởi nước từ giếng ấy thường trong vắt và ngọt lừ. Có nước đỗ ngâm từ đậu tương rồi, người làm tương Đường Lâm sẽ cho dấm mốc vào trong chum, phơi giữa sân dưới nắng hè tháng sáu cho thật nhuyễn. Đến một thời điểm hợp lý thì hòa nước đỗ vào để có được chum tương nơi góc sân, làm nên nét đặc trưng của ngôi làng cổ thuần Việt này.

“Đặc sản tiến vua” gà Mía.
Đường Lâm xưa kia còn có tên là kẻ Mía, nên giống gà quý được nuôi ở đây thường được gọi theo tên làng là gà Mía.Gà Mía, một giống gà quý được người Đường Lâm dày công chăm bẵm và bảo tồn. Xưa kia gà Mía từng là sản vật tiến vua một thời. Đó là những chú gà được miêu tả có vẻ đẹp phảng phất như con công, thường được tả là “đầu công, mình cốc, cánh trai, ngắn quản, dài đùi, diều vịt, mã lĩnh”… Gà Mía có đặc điểm là chân nhỏ, lông vàng. Khi luộc chín, thịt gà Mía có màu trắng, mỡ vàng,da rất giòn, vị thịt ngọt đậm và chắc nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Để gà Mía cho chất lượng thịt thơm ngon, người dân Đường Lâm thường cho gà ăn chủ yếu là ngô, thóc và các loại rau củ. Với gà mái, người nuôi gà ở Đường Lâm thường cho ăn bổ sung thêm thóc ngâm để chất lượng trứng gà được thơm ngon. Còn đối với gà trống, ngay từ khi nở, người nuôi gà đã chọn những con có dáng đẹp nhất, trông khỏe nhất để nuôi riêng. Khoảng vài tháng sau, gà sẽ được đem thiến, nuôi đến Tết để làm đồ tế, lễ vật cúng giỗ.
Trước đây, gà Mía là sản vật quý, thể hiện cho sự ăn nên làm ra, sung túc và đủ đầy trong mỗi gia đình, chỉ vào dịp Tết đến xuân về hay dịp hội làng, lễ lạt gà mới được giết thịt, dâng lên tổ tiên. Giờ đây, gà Mía dù không còn hiếm như xưa nhưng vẫn là một trong những sản phẩm nông nghiệp cao cấp, được thị truờng ưa chuộng và được người dân làng cổ bảo tồn nguồn gen, phát triển đàn gà với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường.
 
Thịt quay đòn.

Không phải tự nhiên mà món thịt quay đòn lại trở nên nổi tiếng và trở thành đặc sản nơi đây. Bởi khâu chế biến công phu của nó đã phần nào cho thấy được “giá trị” của món ăn. Chỉ với khoảng 1kg thịt heo ba chỉ nhưng phải mất gần 6 tiếng mới có được thành phẩm thơm ngon. Thịt quay đòn làm nức long thực khách bởi hương vị thơm ngon đậm đà không lẫn vào đâu được. Thịt quay chin khi bì heo phồng lên, giòn, dung xiên tre đâm vào thấy nổ lốp bốp là được, thịt heo mềm không ngấy. Khi ăn thịt quay đòn được thái lát vừa ăn, kèm với nước tương hoặc nước mắm chanh đều tuyệt vời.

Các loại kẹo lạc, kẹo dồi, chè lam, chè kho, bánh gai Đường Lâm

Kẹo dồi - thức quà quê dân dã này từ lâu đã vắng bóng trên các sạp hàng nơi phố thị. Tuy nhiên kẹo dồi, kẹo lạc, kẹo vừng… vẫn được người dân làng cổ Đường Lâm nuôi dưỡng trở thành món quà thú vị mà mỗi du khách từng ăn đều lưu luyến. Nguyên liệu làm kẹo không quá cầu kỳ, chỉ gồm mạch nha, đường và lạc, vừng. Tuy nhiên khâu làm kẹo mới quan trọng và đòi hỏi người làm phải có sức khỏe tốt để "đánh" kẹo.
Mạch nha và đường được đun trên bếp lửa cho đến khi có độ keo nhất định. Người chế biến sẽ dùng tay quật vào một chiếc cột cho đến khi dẻo quẹo để có thể nặn thành khối hình trụ và có màu trắng đục. Vỏ kẹo được dàn mỏng, cho lớp nhân gồm lạc đã nhào đường vào sau đó cuộn tròn, giống như miếng dồi.
Công đoạn làm kẹo đòi hỏi ít nhất 2 người. Trong đó, một người kéo vỏ kẹo, người kia sẽ nhanh tay cắt thành từng đoạn khoảng 3 cm. Nếu không nhanh, kẹo nguội sẽ bị giòn và vỡ. Kẹo sau khi chế biến xong sẽ được lăn qua lớp bột nếp trắng tạo thành một lớp phủ mịn màng. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận vị bùi, ngậy và thơm.

Mít Sơn Đông

Đến với xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây), chúng ta sẽ được thưởng thức những đặc sản từ nông nghiệp của vùng đất nơi đây như mít, rau sắn, dứa… Trong đó không thể không nhắc đến mít. Ở vùng quê này, hầu như gia đình nào cũng trồng một vài cây mít trong vườn nhà. Loại quả này được mỗi nhà chọn để cúng gia tiên và dâng lên Thành hoàng làng. Với cái nắng gay gắt đặc trưng của mảnh đất Sơn Tây, cái khô cằn của vùng đất đá ong đã cho ra cho đời những trái mít thơm ngon, múi to đều, màu vàng óng, ăn giòn ngọt mà ít nơi nào có được. Vì vậy trong những năm vừa qua, mít Sơn Đông đã khiến nhiều thương lái từ các nơi về đây thu mua mang đi bán ở khắp mọi miền đất nước. Tháng 8/2018 vừa qua, lần đầu tiên xã Sơn Đông tổ chức hội thi “Mít ngon, an toàn”, thu hút hàng trăm gia đình của địa phương mang mít đến dự thi và trở thành hoạt động mang nhiều ý nghĩa, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong nhân dân và tạo ra những cơ hội mới cho thương hiệu mít Sơn Đông.
Ngoài ra đến với Sơn Tây chúng ta còn được thưởng thức nhiều loại đặc sản của nơi đây như kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo bột, chè kho, bánh gai, chè lam (Đường Lâm), mật ong Kim Sơn.