(Thứ sáu, 13/05/2022, 08:41 GMT+7)

Phùng Thành Chủng, quê ở Quốc Oai, Sơn Tây. Sau khi đi bộ đội về ông học thêm chữ Hán, chữ Nôm, làm nghề dịch thuê gia phả, biên soạn địa chí xã, huyện, sưu tầm văn học dân gian Hội Rô. Ông còn viết báo, viết văn, làm thơ. Thơ Phùng Thành Chủng có cách tân về ngôn ngữ, cách cấu tứ và sáng tạo ý tưởng. Ngược với sự bay bổng của thơ, văn xuôi nói chung và truyện ngắn nói riêng của Phùng Thành Chủng lại thâm trầm, đáo để. Ở mảng đề tài lịch sử, đúng hơn là dã sử, Phùng Thành Chủng dựa trên những tư liệu dân gian khi dịch gia phả, thần phả, để dựng lên những truyện giả - lịch sử, nhằm chuyên chở và giải đáp những vấn đề hiện đại. Ở đây ngòi bút ông nghiêm cẩn, tri thức uyên thâm, quảng bác. Còn ở mảng đương đại - hài hước, sắc lạnh. Nối giữa hai mảng này là những mô típ báo ân báo oán, theo thuyết di truyền của nhà văn Émile Zola.


Nhà văn Phùng Thành Chủng

 


ĐI TÌM "VUA LÊ"


“Lại công văn ở đâu đấy?”.

Gỡ chiếc xà cột luôn mang theo trên vai quẳng lên bàn, Hạo - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn - vừa kéo ghế ngồi xuống phía đối diện vừa hỏi.

Bên kia, Thản - Phó chủ tịch thường trực kiêm Trưởng công an như cố đọc nốt những dòng còn lại. Cuối cùng, thay vì phải trả lời, Thản ngẩng lên đẩy tờ giấy sang cho Hạo: “Này, anh xem!”

Thái độ của Thản làm Hạo chú ý. “Chắc lại là ba cái vụ đơn thư kiện tụng, khiếu tố… (?)”. Nhưng Hạo ngạc nhiên khi thấy đó là lá thư của một bà có tên Janet Jackson ở bang Boston nào đó bên Mỹ, gửi đích danh cho Ủy ban nhân dân thị trấn H. Thư được viết bằng tiếng Việt. Nguyên văn như sau:

“Boston, ngày…. tháng….. năm…
Kính gửi: Quý ngài Ủy ban nhân dân thị trấn H.
Kính thưa quý ngài!
Đầu tiên, xin phép quý ngài được tự giới thiệu:
Tôi là Janet Jackson, năm mươi tư tuổi. Quốc tịch Mỹ. Hiện đang ngụ tại số 4, đại lộ X, bang Boston, Hoa Kỳ. Ngót ba mươi năm trước - năm 1968, chồng tôi - ông Vũ Văn Dụng (người Mỹ gốc Việt) có quan hệ với một người phụ nữ tên là Lê Thị Ngọt ở thị trấn H., nhưng không đi tới hôn nhân. Sau đó chồng tôi bỏ nhà ra đi khi bà Ngọt (lúc đó là cô Ngọt) đang có mang ba tháng. Theo chồng tôi cho biết thì chồng tôi là hậu duệ của một vị quan võ dưới triều nhà Nguyễn nhưng hiện nay thân thích không còn ai ngoài bà Ngọt và đứa con của hai người. Trước khi mất, chồng tôi có trăng trối cho tôi tìm cách liên lạc và bảo lãnh cho mẹ con bà Ngọt sang Mỹ. Thể theo nguyện vọng của người quá cố, tôi kính chuyển đến quý ngài lá thư này với hy vọng nhận được từ phía quý ngài sự giúp đỡ trên tinh thần nhân đạo về những thông tin cụ thể sau đây:
1. Tình hình bà Ngọt kể từ sau khi chồng tôi bỏ nhà ra đi đến nay ra sao? Lấy ai? Được mấy đứa con? Có còn ở thị trấn H. hay không?
2. Đứa con của chồng tôi với bà Ngọt là trai hay gái? Đã có chồng (hoặc vợ) con chưa?
3. Địa chỉ của bà Ngọt hiện nay?
4. Ngoài những thông tin trên, cảm phiền quý ngài gửi cho xin một hoặc hai tấm ảnh chụp chung (hoặc riêng) của hai người.
Kính thưa quý ngài:
Để đáp lại sự giúp đỡ của quý ngài, sau khi có những thông tin đầu tiên, tôi sẽ chuyển sang tặng riêng quý ngài một món quà nhỏ là 3.000 USD. Ngoài ra, khi thủ tục bảo lãnh cho mẹ con bà Ngọt sang Mỹ hoàn tất, tôi xin ủng hộ địa phương quý ngài một khoản tiền là 30.000 USD để phục vụ cho những công trình phúc lợi. Rất mong nhận được sự quan tâm giúp đỡ của quý ngài. Xin chân thành cảm ơn. Cuối cùng, kính chúc quý ngài luôn luôn mạnh khỏe và xin được gửi tới quý ngài lời chào trân trọng.
Kính,
Janet Jackson”.

“… Ý anh thế nào?”. - Thấy Hạo rời mắt khỏi lá thư, ngồi ngẩn ra, Thản lên tiếng.

Không trả lời thẳng vào câu hỏi của Thản, Hạo quay sang:

“Có phải ‘Dụng chiêu hồi’ không?”

Thản gật đầu:

“Chính hắn!”

Hạo lẩm bẩm như nói với chính mình:

“Thì ra… ‘tay’ Chổm bây giờ là con ông ấy”.

Thản cười:

“Tôi cũng không ngờ…”

… Ngày ấy khi Hạo và Thản ở lứa tuổi quàng khăn đỏ thì Ngọt - người được nhắc đến trong lá thư - đã ở cương vị Bí thư Đoàn xã. Sau đó, vì tội “trong quan hệ luyến ái có những biểu hiện không lành mạnh”, bà Bí thư phải nhận kỷ luật ở mức cách chức và bị khai trừ khỏi Đoàn! Thằng “Chổm” bây giờ chính là kết quả của mối tình vụng trộm đó (tên khai sinh của anh ta là Lê Văn Đường nhưng vì “hận đời”, Đường đâm ra cờ bạc, rượu chè, ăn chơi lêu lổng, chỉ làm nuôi thân mà “nợ như chúa Chổm”, nên người ta gọi Đường là Chổm, lâu rồi thành quen). Mấy chục năm qua, bà Ngọt ở vậy nuôi con (không những mang tiếng chửa hoang, người ta còn định kiến bà vốn xuất thân là con nhà mõ). Nhưng bà đã quan hệ với ai và ai là bố thằng Chổm? Đó là điều bí mật mà bà Ngọt đã không hề hé răng với ai và mang theo cho đến lúc xuống mồ. Vậy mà bây giờ, khi tất cả mọi việc đã lùi vào dĩ vãng, khi không còn ai nghĩ đến hoặc có ý định cất công tìm hiểu thì điều bí mật lại ngẫu nhiên được bật mí…

“Ý anh thế nào?” - Câu hỏi của Thản đã cắt ngang dòng suy nghĩ của Hạo và một lần nữa kéo Hạo về với thực tại.

Như đã có chủ ý, Hạo liếc xem đồng hồ tay rồi vớ lấy chiếc xà cột đứng dậy:

“Bây giờ thế này…” - giọng Hạo bỗng trở nên quan trọng. - “…Ông ra bảo ông Đạo bảo vệ đóng cửa trụ sở. Nhớ dặn ông ấy nếu có ai hỏi, bảo “chiều nay các anh ấy bận họp, Ủy ban nghỉ làm việc”.

…Thản còn đang ngập ngừng vì chưa hiểu ý Hạo trong cái quyết định đột ngột ấy thì Hạo đã nháy mắt, hất hàm:

“Tôi với ông đến chỗ ông Bòng…”

*

… Khi nghe Dụng ngỏ ý muốn lấy Ngọt về làm vợ, ông Vọng đã kịch liệt phản đối. Tuy gia cảnh bần bách, vị thế xã hội cũng đổi thay nhưng ông Vọng vẫn tự tôn cái quá khứ vàng son vốn là dòng dõi “con ông cháu cha” của mình (vợ mất sớm, ông không tìm được đám nào “môn đăng hộ đối” làm người kế phụ, kế mẫu, đành phải chịu cảnh “gà trống nuôi con” cũng vì lẽ đó!). Ông thường kể cho Dụng nghe về một khoa thi: “… Tháng 5, năm Ất Sửu (1865), niên hiệu Tự Đức năm thứ 18, triều Nguyễn bắt đầu mở khoa thi võ tiến sĩ. Quy định ba năm một lần - thi Hội võ và thi Đình võ vào các năm: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Ấn định lấy ngày mồng 2 tháng 5 (âm lịch) thi Hội võ, ngày 15 tháng 6 (âm lịch) thi Đình võ (nếu năm đó gặp tháng 5 nhuận thì thi Đình võ vào ngày 15 tháng 5 nhuận). Lấy năm Ất Sửu (1865) làm khoa thi võ tiến sĩ đầu tiên. Qua kỳ Hội võ vào kỳ Đình võ, khoa thi năm đó lấy được hai người đỗ võ tiến sĩ, sáu người đỗ võ phó bảng và một trong hai người đỗ võ tiến sĩ chính là ông nội ông”. (Dụng là tằng tôn (chắt) gọi bằng cụ). Ông còn tự hào: “Việc này đã được Quốc sử quán triều Nguyễn ghi rõ trong “Đại Nam thực lục chính biên”. Vậy mà bây giờ thằng con ông lại định lấy một đứa dòng dõi “tắc ơ”, con cái những kẻ trước đây chuyên “bưng mâm, cầm chổi” hầu hạ cha ông mình về làm vợ. Nhưng ông Vọng lặng đi khi Dụng cho biết Ngọt đã có mang ba tháng. Sau những giây phút im lặng nặng nề, cuối cùng ông Vọng ngẩng lên nhìn như xoáy vào mặt Dụng nhưng giọng ông rũ xuống, vẻ cam chịu, nhẫn nhục:

“Thôi việc đã đến thế… để tôi nhờ người đến nói chuyện với người ta…”

Dụng không hiểu tại sao bố anh lại định kiến với những người làm mõ (trước đây) như bố mẹ Ngọt đến thế. Thực lòng Dụng thấy bố mình bảo thủ, cố chấp. Bao nhiêu năm nay chính bố con anh chẳng đã từng là nạn nhân của những định kiến đó sao. Gia đình anh bị coi thuộc thành phần phong kiến bóc lột. Bản thân anh phải nghỉ học sau khi tốt nghiệp cấp III. Và bây giờ - hai mươi lăm tuổi, anh vẫn được xem là một thanh niên chậm tiến, ngoài Đoàn.

“Thú thật, khi được giao nhiệm vụ giúp đỡ anh, em rất ngại. Nhưng rồi…” - Ngọt chẳng đã nói với anh như thế khi hai người đến với nhau. Về phần mình, Dụng cũng thấy Ngọt là một cô gái rất đáng yêu. Dụng tin rồi đây bố anh sẽ hiểu ra…

Nhưng một tình huống bất ngờ mà cả ông Vọng và Dụng đều không ngờ đến đã ảnh hưởng và có ý nghĩa quyết định đến số phận sau đó của cả ba người.

Tối hôm đó, trong khi Dụng đang nghĩ đến những điều sẽ nói với Ngọt khi đến chỗ hẹn - về những dự định, những việc phải chuẩn bị cho ngày vui sắp tới của hai người thì Ngọt đã chủ động tìm đến:

“Anh Dụng! Kể từ giờ phút này, tôi tuyên bố cắt đứt quan hệ với anh…”

Nghe giọng nói và qua thái độ của Ngọt, Dụng hiểu là Ngọt không đùa! Nhưng… chuyện gì đã xảy ra?

“Ngọt…!” - Dụng lắp bắp.

Không để Dụng nói hết câu, Ngọt đã rít qua hai kẽ răng vì cố nén để không cho ai nghe thấy:

“Tôi căm thù anh”.

“Ngọt…!” - Dụng đã kịp trấn tĩnh lại - “… Có chuyện gì? Nếu không… chẳng phải là… anh … và em đều đã tự nguyện khi đến với nhau?”.

Không ngờ Ngọt lồng lên giận dữ:

“Đồ khốn nạn! Mày đã làm hại đời tao…” - tưởng Ngọt chỉ dừng lại ở đấy, ai dè Ngọt lại đi xa hơn - “Đả đảo bọn quan lại, phong kiến bóc lột…”

Dụng thấy xây xẩm mặt mày. Tai anh ù đi. Anh loạng choạng suýt ngã. Quá bất ngờ trước sự xúc phạm của Ngọt đối với gia đình mình, Dụng còn đang choáng váng chưa kịp có thái độ phản ứng thì ông Vọng xuất hiện:

“Tôi mời chị ra khỏi nhà tôi…”. - Môi ông Vọng run run, những thớ thịt trên mặt ông giật giật khi ông nói với Ngọt.

Quay lại, ông Vọng thấy gương mặt Dụng bệch ra như được nặn bằng sáp.

… Sau sự việc đó ông Vọng đã đóng cửa treo cổ trong buồng tự tử. Bởi đối với ông việc một đứa con nhà “tắc ơ” từ hôn với con trai mình (trước đó ông đồng ý chẳng qua chỉ vì nghĩ đến chữ “đức” khi biết Ngọt đã có mang) hơn nữa dám lăng mạ cả ông bà tổ tiên nhà mình là một cái nhục nghìn đời không bao giờ rửa sạch.

Cũng năm đó Dụng xung phong đi bộ đội và vào Nam…

*

…Gã hoạn lợn rong không hiểu ai mách đã vô tình phóng chiếc “cá xanh” tìm đến nhà ông Bòng:

“Nghe nói bác có con lợn cái quãng năm mươi cân, trước định gây nái nhưng giờ muốn hoạn?”

Ông Bòng ngớ ra:

“Có lẽ anh lầm chứ… Nhà tôi có lợn, gà gì đâu?”

Gã hoạn lợn lộ vẻ thất vọng:

“… Có ai trùng tên với bác?”

Ông Bòng thật thà:

“Anh hỏi lại người ta xem thế nào chứ nếu tên là Bòng thì cả xã này chỉ có mình tôi…”

Câu chuyện trên nhanh chóng loang ra. Đến lúc ấy ông Bòng mới biết là mình bị “lỡm”! Ông sạm mặt: “Không biết thằng nào nó nghĩ ra cái trò này? Đành rằng đùa nhưng mà “nó” đùa ác quá!”. Chả là cô con gái lớn của ông - cô Chanh - năm nay tuổi đã “tối trời” (ba mươi) vẫn chưa có nơi, có chốn! Gã hoạn lợn (dù vô tình) từ đấy cũng đâm ra ngại chạm mặt ông Bòng mỗi khi có việc phải đi qua ngõ nhà ông…

Thản và Hạo đến nhà ông Bòng đúng lúc vợ con ông đang có chuyện to tiếng:

“Bố chị đã nói với chị rồi đấy! Nếu mà chị vẫn cứ cố tình thì thụt đến gặp nó thì đừng có trách!”

“Nhưng… người ta có gì là xấu?”

“Thì… (tức quá mà bà Bòng không nói ra được!)… thế nào mới gọi là xấu nữa?”

Đúng lúc đó thì Thản và Hạo bước vào. Bà Bòng vội vàng phân bua:

“Chẳng giấu gì hai chú, không hiểu nghe ai mà con khốn nạn nhà này nó lại đâm đầu đi yêu cái thằng không cha, không mẹ…”

Thản buột miệng:

“Anh nào?”

“Thì cái thằng Chổm con nhà mụ “đốp” Ngọt chứ còn ai ở cái làng này nữa”.

Cô Chanh lúc này mới sụt sịt:

“Bố mẹ cháu vẫn còn “phong kiến” lắm các chú ạ!”

… Phải vất vả lắm Thản và Hạo mới dứt ra được cái mớ bòng bong nhà ông Bòng.

“Ông ấy ra trụ sở, sao trên đường đến đây tôi với ông không gặp?”. - Hạo hỏi Thản khi đã ra đến ngõ.

Thản trầm ngâm:

“Bà ấy bảo đi cùng với tổ an ninh, chắc có chuyện…”

Thản và Hạo vội vàng lộn trở lại trụ sở Ủy ban. Từ xa, hai người đã nhận ra ông Bòng và tổ an ninh đang dẫn giải một bọn lố nhố năm, sáu đứa, trong đó có Chổm đi tới…

*

“Bà chị cho em hai bìa đậu với nửa lít rượu…”

“Hôm nay trả đỡ cho chị đi chứ! Gần trăm nghìn rồi!”

“Bà chị thông cảm, hôm qua không biết đứa nào báo, mấy đứa chúng em bị bọn an ninh lột sạch! “Sông có khúc, người có lúc”, khi nào “ăn nên, làm ra” thằng em không bao giờ dám quên những lúc hàn vi đã được bà chị cưu mang…”

“Có họa đến ngày xuống lỗ”.

“Bà chị cứ yên chí, người ta giàu nghèo đều có số cả. Chẳng biết đâu, nhưng ai mà được em đến mua cho thì hôm đó cứ gọi là suốt ngày đắt hàng”.

“Chỉ được cái “dẻo mỏ”.

… Trên đường về, Chổm mới nghĩ đến số tiền gần trăm nghìn “cắm quán”! Mẹ kiếp! Hình như sáu hay bảy chục nghìn gì đấy chứ làm gì mà những… gần trăm nghìn! Con mụ này là chúa hay tính lận! Nợ của mụ quá vay lãi! Mấy lần rồi hắn đã ngờ ngợ… Nhưng rồi Chổm lại tặc lưỡi: “Những lúc “viêm màng túi” như thế này ai dám cho mình vay. Mụ bán chịu cho là tốt rồi”.

Lột chiếu trên chiếc giường tre đã ọp ẹp trải xuống giữa nhà (gọi là nhà cho oai chứ đúng ra là một túp lều), Chổm ngồi xếp bằng, thong thả và trịnh trọng rót rượu ra chén. Lấy luôn miếng lá chuối gói hai bìa đậu làm mâm. Đậu được bẻ ra từng miếng. Thêm dúm muối để một góc. Cũng chẳng cần đến đũa - “sai năm quân”, việc gì phải đũa với bát! Ấy thế, nhưng uống - với Chổm - phải nói là cả một nghệ thuật đã được hắn nâng lên đến mức “tửu đạo”. Chổm chúa ghét kiểu tu cả chai hoặc trăm phần trăm chén một. Theo hắn, chỉ những thằng thiếu rượu - để đủ “đô” hoặc những thằng ngu mới uống như thế. Và như thế, dù có uống đến hàng lít cũng mới chỉ gọi là uống được chứ chưa phải là đã biết uống rượu.

Dù có cái nhắm hay không, đã uống rượu là phải thong thả đàng hoàng. Cuối cùng, điều quan trọng (mà ít ai giữ được) là phải biết dừng lại khi thấy mình đã đến “ngưỡng”. Chổm tự nhận có phong thái (trong khi uống rượu) của bậc đế vương. Bất giác hắn thấy tự hào với cái tục danh người ta gán cho mình khi nhớ đến mấy câu thơ:

“Vua Ngô ba mươi sáu cái tàn vàng
Thác xuống âm phủ chẳng mang được gì
Chúa Chổm uống rượu tì tì
Chết xuống âm phủ kém gì vua Ngô”.


“Anh Đường! Ăn sáng hay ăn trưa mà dở dang thế này?”

Chổm giật mình nhìn lên. Hắn tỏ vẻ khó chịu vì có người quấy rầy trong lúc đang uống rượu! Hơn nữa, Chổm cảm thấy lạ tai khi được nghe người ta gọi mình với cái tên là Đường. Bởi từ lâu lắm rồi, hầu như hắn đã quên, thì hôm nay…! Và Chổm bỗng nhớ ra đấy là cái tên khai sinh của hắn. Nhưng  hắn thấy khó chịu vì nó có vẻ mỉa mai thế nào.

Chổm ngạc nhiên khi nhận ra người đứng trước mặt mình là Thản và sau Thản là cả tay “phó nháy” ngoài phố huyện đang nhăm nhăm chiếc máy ảnh trên tay. Chổm chưa nói gì thì Thản đã tiếp:

“Chúng tôi đến phiền anh để chúng tôi chụp ảnh…”.  Chổm còn đang ngồi, Thản đã xua tay: “Không phải đứng dậy! Anh cứ ngồi như thế, càng tự nhiên”. Lại sợ tay “phó nháy” lau tau lấy cả cảnh dưới chiếu thì bệ rạc quá, Thản quay lại nhắc: “Nửa người thôi nhé!”.

“Anh cứ yên chí!”. - Mồm tay “phó nháy” đã méo vì đang điều chỉnh ống kính lại càng méo hơn khi trả lời Thản.

“Thế, thế, cứ ngồi yên như thế nhé! Chụp này, chụp này! Hai… ba - tách”, - “Khoan!” - Tay “phó nháy” tiếp khi thấy Chổm đang định vớ lấy chén rượu - tách (lại một tiếng tách nữa) - Xong! “Phô nữa cho chắc ăn. Đáng bao nhiêu”, - tay “phó nháy” quay sang bảo Thản.

Thản lại bên Chổm:

“Bây giờ phiền anh hạ bức ảnh bà cụ xuống để chúng tôi chụp nốt”. Chổm ngơ ngác không hiểu người ta chụp cả ảnh mẹ mình để làm gì? Hắn miễn cưỡng đứng dậy đến bên bàn thờ gỡ bức ảnh bà Ngọt (đã được phóng to) đưa cho Thản.

…Mọi việc sau đó diễn ra nhanh chóng. - “Bây giờ thì anh có thể tiếp tục được rồi! Xin chúc mừng anh!”. - Thản nói với Chổm khi hai người rời khỏi nhà.

“Chuyện gì thế nhỉ?”. - Bất giác Chổm nhớ lại những lời bà Ngọt - mẹ hắn nói với hắn trước khi chết:

“Sai lầm lớn nhất của mẹ là đã không dám đứng ra bảo vệ, là đã để mất… tình yêu của mình”.

*

… Sau đó, một bức thư (kèm theo hai tấm ảnh) từ Ủy ban Nhân dân thị trấn H. đã được gửi sang Mỹ theo địa chỉ của bà Janet Jackson. Đầu tiên, Ủy ban Nhân dân thị trấn H. ngỏ lời cảm ơn tấm thịnh tình của bà Janet Jackson đối với địa phương. Về phần mình, Ủy ban Nhân dân thị trấn H. cũng cho biết: “… Rất tôn trọng và ủng hộ những đề nghị chính đáng của bà. Trên tinh thần nhân đạo, phù hợp với chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước Việt Nam (đồng thời cũng là để đáp lại tấm thịnh tình của bà), Ủy ban Nhân dân thị trấn H. thấy mình phải có trách nhiệm và nghĩa vụ giúp đỡ - sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để những nguyện vọng đó sớm được thực hiện…”. Bức thư cũng thông báo cho bà Janet Jackson biết: “Bà Ngọt đã mất cách đây ba năm. Đứa con của bà Ngọt với ông Dụng là Lê Văn Đường (khai sinh lấy theo họ mẹ) hiện nay đã hai mươi tám tuổi”. Chỉ có điều, Đường vẫn sống độc thân nhưng trong thư lại thấy nói: “Đường đã có vợ…”

Ba tháng sau, Ủy ban Nhân dân thị trấn H. nhận được một lá thư kèm theo khoản tiền 1.500 USD. Trong thư, bà Janet Jackson đã bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với Ủy ban Nhân dân thị trấn H. và đề nghị:

1. Ủy ban Nhân dân thị trấn H. công khai thông báo cho anh Lê Văn Đường biết việc được bảo lãnh sang Mỹ.
2. Tạo điều kiện để bà và anh Lê Văn Đường có thể trực tiếp liên lạc với nhau.
3. Cung cấp cho bà những giấy tờ (bản sao) có liên quan đến bà Lê Thị Ngọt và anh Lê Văn Đường.
4. Hướng dẫn, giúp đỡ để anh Lê Văn Đường và vợ hoàn tất càng sớm càng tốt những thủ tục xin xuất cảnh hợp pháp sang Mỹ theo diện sum họp gia đình.

Cuối cùng, bà Janet Jackson cho biết số tiền 3.000 USD được gửi làm hai đợt (1.500 USD còn lại sẽ được tiếp tục chuyển sang). Ngoài ra, bà cũng không quên nhắc lại số tiền 30.000 USD ủng hộ địa phương như đã hứa và mong muốn nhận được từ phía Ủy ban Nhân dân thị trấn H. sự hợp tác tích cực và hữu hiệu hơn nữa trong thời gian tới.

… Tất cả mọi việc sau đó đã tiến triển theo chiều hướng tốt đẹp. Những đề nghị của bà Janet Jackson được đáp ứng kịp thời và - về phần mình - bà Janet Jackson cũng tỏ ra là người biết giữ đúng lời hứa (chuyển nốt cho Ủy ban Nhân dân thị trấn H. số tiền 1.500 USD).

Một điều cần nói thêm là sau khi những thủ tục xin xuất cảnh sang Mỹ hoàn tất, trong thời gian chờ cấp giấy phép - một đám cưới đặc biệt đã được tổ chức để anh Lê Văn Đường vui duyên mới cùng cô Nguyễn Thị Chanh, con ông Bí thư Đảng ủy thị trấn Nguyễn Văn Bòng. Ông Trưởng ban Văn hóa của thị trấn được cử đứng ra làm chủ hội hôn hôm đó - khi giới thiệu chẳng biết lỡ mồm thế nào, cứ tên “huý” của chú rể - Lê Văn Chổm mà réo, làm tất cả những người có mặt như bị “thọc lét” mà phải lấy tay bưng miệng hoặc bậm môi, cúi mặt cố nín cười…
 

TRUYỆN NGOÀI CHÍNH SỬ

 
Lời dẫn truyện:

Vừa qua, trong một chuyến điền dã về thôn Cổ Hiền, xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai (Hà Nội), chúng tôi đã may mắn được nhờ dịch một cuốn sách do một người dân địa phương phát hiện được khi hạ móng nhà. Đó là cuốn thư tịch cổ (có thể nói là tối cổ) được bảo quản trong một chiếc khạp gốm, viết chữ Hán, lối đá thảo, nét chữ phóng khoáng, không theo một khuôn phép nào và được viết theo thể “Chí”, trong đó nói về hành trạng của một nhân vật có tên là Đỗ Thích, con Đỗ Cảnh Thạc - một danh tướng dưới triều nhà Ngô. Thấy đây là một tư liệu lý thú và có phần bổ ích với bạn đọc hôm nay, chúng tôi đã từ bản dịch thoát, mạo muội biên tập lại dưới dạng một truyện ngắn với tên truyện là: “Truyện ngoài chính sử”, vì trong sách có những chi tiết không thấy chính sử ghi chép. Để tiện theo dõi, trước khi làm quen với Đỗ Thích, nhân vật chính được nói tới ở đây, chúng tôi thấy cần phải nói qua về Đỗ Cảnh Thạc, một trong thập nhị sứ quân thời tàn Ngô.

Đỗ Cảnh Thạc (912-968) là người huyện Thuận Đức, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Năm 936, ông khởi binh chống lại triều Nam Tấn và trong một lần giao chiến, ông bị Lương Ngột, một viên tướng của nhà Nam Tấn lấy mất một tai (vì vậy, ông còn có biệt hiệu là Độc Nhĩ Vương), phải ôm đầu máu, dẫn tàn quân chạy sang Giao Chỉ, đến đất Đường Lâm khuất thân theo phò Ngô Vương Quyền. Nhờ có nhiều công lao, được nhà Ngô phong cho chức Chỉ huy sứ, cai quản cả một vùng Đỗ Động, Liệp Hạ (nay thuộc hai huyện Thanh Oai và Quốc Oai - Hà Nội). Năm 965, hậu Ngô vương là Ngô Xương Văn con Ngô Vương Quyền mất. Giao Chỉ đại loạn! Mười hai sứ quân nổi lên, mỗi người hùng cứ một phương, không ai chịu thống thuộc ai. Đỗ Cảnh Thạc xưng là Đỗ Cảnh Công, lấy luôn đất Đỗ Động và vùng Trại Quèn (tên nôm của thôn Cổ Hiền) làm căn cứ, tạo thành thế ỷ dốc để khi lâm sự có thể ứng cứu lẫn nhau, chống lại với các sứ quân. Ông là người cuối cùng cầm cự được với Đinh Bộ Lĩnh. Sau đó, vì mắc phải kế nghi binh của họ Đinh, trong một trận giao tranh tại khu vực núi Tượng Linh thuộc địa phận xã Hoàng Xá, Đỗ Cảnh Thạc bị trúng một mũi tên có tẩm thuốc độc, một người, một ngựa chạy được về đến chân núi Sài Sơn (núi Thầy) thì mất, thọ 57 tuổi. Đó là ngày 8 tháng Giêng năm Mậu Thìn (968).

Vì có nhiều ân huệ với dân từ khi còn giữ chức Chỉ huy sứ, nên sau khi mất, suốt một vùng thuộc quyền Đỗ Cảnh Thạc cai quản, không nơi nào người dân không lập đền thờ ông…

Đến đây, lịch sử mở ra một thời kỳ mới. Chính quyền về tay nhà Đinh. Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, tự xưng là Vạn Thắng Vương. Đặt tên nước là Đại Cồ Việt (nước Việt to cồ) bao gồm những vùng đất đã thu phục được và đặt dưới sự thống thuộc của mình…
 
I
 
Đỗ Cảnh Thạc sinh được một con trai là Đỗ Thích. Sau cơn binh hỏa, Thích là người duy nhất của dòng họ Đỗ Cảnh còn may mắn sống sót vì đang theo học đạo sĩ Trương Ma Ni bên kinh thành Cổ Loa. Thời thế đổi thay, bỏ Đỗ Động Giang - quê mẹ và cũng là nơi chôn nhau, cắt rốn của mình - Thích lánh sang trang Liệp Hạ, lấy một người vợ họ Phùng và sống mai danh ẩn tích ở đó. Năm Tân Mùi, niên hiệu Thái Bình thứ hai (971), nhà Đinh mở khoa thi tam giáo, bao gồm cả Nho, Phật, Lão để chọn người tài. Thích nhân dịp này muốn đem sở học để tiến thân, liền lều chõng vào kinh đô Hoa Lư ứng thí. Phép thi lần ấy là một bài Kinh nghĩa hỏi nghĩa chữ “Đạo” trong “Đạo Đức Kinh”, chữ “Thời” trong “Chu Dịch”, và hai chữ: “Sắc”, “Không” trong kinh “Bát Nhã” - ba bộ kinh tiêu biểu cho kinh điển của ba nhà. Đề ra phải nói là khó, cho nên rốt cuộc chỉ có ba người qua được thì một là đệ tử đạo Phật: Ngô Chân Lưu, một là đệ tử đạo Nho: Đặng Huyền Quang, và thuộc diện học trò mặt trắng là Thích, trong đó Thích là người ít tuổi nhất. Để định cao thấp, ba người phải bước vào kỳ Đình thí với đề ra là một bài văn sách hỏi về việc đế vương trị thiên hạ so với vũ công của nhà Đinh trong việc đánh dẹp mười hai sứ quân. Vốn nặng kiến thức sách vở song chưa lịch duyệt việc đời nên trong bài làm của mình, Thích đã “hớ hênh” khi dùng chữ “Vương” - vua để chỉ mười hai sứ quân và chữ “Quốc” - nước để chỉ những vùng đất dưới quyền các sứ quân cai quản. Đọc thấy những: Thái Bình vương, Tam Chế vương, Ngô Lãm vương, Kiều Lệnh vương, Nguyễn Hữu vương, Trần vương, Lã vương, Lý vương, Phạm vương, Đỗ vương, Ngô vương, Nguyễn vương, rồi… nước Bố Hải Khẩu, nước Phong Châu, nước Tam Đái, nước Đường Lâm, nước Siêu Loại, nước Tiên Du, nước Tế Giang, nước Tây Phù Liệt, nước Hồi Hồ, nước Đằng Châu, nước Bình Kiều, nước Đỗ Động, Đinh Bộ Lĩnh lộn ruột, vứt ngay bài văn sách xuống đất, quát võ sĩ lôi Thích ra trước sân điện, nọc nằm sấp xuống đất, đánh đủ năm mươi trượng! Không hiểu do quá sợ hay do bọn võ sĩ quá tay hay do cả hai mà Thích phọt cứt ra cả đằng đít và đằng mồm! Cũng may là Thích còn giữ kín hành tung của mình, nếu không qua vụ này Đinh Bộ Lĩnh biết Thích là con Đỗ Cảnh Thạc thì dòng họ Đỗ Cảnh đã tiệt giống.

Kết quả khoa ấy Thích bị đánh hỏng dù bài Kinh nghĩa trước đó kiến văn của Thích có phần trội hơn hai người kia (trong khi Ngô Chân Lưu đề cao đạo Phật, Đặng Huyền Quang bài Lão và cổ súy cho việc lấy Nho giáo làm Quốc giáo thì Thích chủ trương dung hợp cả ba nhà - Tam giáo đồng nguyên). Ngô Chân Lưu đỗ đầu được phong là Thái sư; Đặng Huyền Quang đỗ thứ hai được phong là Sùng Chân uy nghi.
 
II
Đinh Bộ Lĩnh (924 - 979) người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng, vốn là dòng dõi quyền Thứ sử Hoan châu Đinh Công Trứ thời Dương Diên Nghệ và tiền Ngô vương. Mồ côi cha từ khi còn nhỏ, Đinh cùng mẹ là Đàm thị dẫn đám gia thuộc dời Hoan châu về Hoa Lư, lập nên thôn Đàm gia và cũng chính tại đây, ngay từ tuổi còn thơ, Đinh đã sớm bộc lộ một tính cách khác người. Chăn trâu với lũ trẻ cùng động, bày trò đánh trận giả, Đinh luôn cầm đầu và luôn là người dành phần thắng. Được suy tôn làm Động chủ, Đinh thường bắt lũ trẻ tréo tay làm kiệu, lấy hoa lau làm cờ, đi kèm hai bên để rước Đinh như nghi vệ của bậc quân trưởng. Cùng động không có đối thủ, Đinh kéo lũ trẻ đi đánh trẻ con các động khác. Đến đâu bọn chúng đều sợ phục. Sau khi “thống nhất” được các động, một lần Đinh tổ chức “hội quân” ở Hoa Lư. Nhân lúc Đàm thị đi vắng, Đinh cho bắt lợn của nhà đem ra nơi vẫn thường tập trận làm thịt để khao chúng. Biết chuyện, chú của Đinh là Đinh Dự nổi giận, vác dao ra động tìm Đinh. Lũ trẻ đang ăn uống thấy thế bỏ chạy tán loạn. Đinh chạy về phía sông Nương Loan, theo sau là hai “tướng” Đinh Điền và Nguyễn Bặc hộ vệ. Qua cầu, cầu gãy, Điền, Bặc nhanh trí nối người làm cầu để đưa chủ tướng sang sông. Dự đuổi đến nơi, nhìn gà hoá cuốc, tưởng là rồng vàng vươn mình ngang sông hộ giá, sợ quá, ném bỏ cả dao chạy về. Đinh chạy đến đất Giao Thủy, ở lại đó và theo phường chài làm nghề chài lưới. Tại đây, một lần kéo lưới, Đinh được một viên ngọc khuê nhưng bị va vào mũi thuyền sứt mất một góc. Giấu viên ngọc dưới đáy giỏ cá, đêm ấy Đinh vào ngủ nhờ ở chùa Giao Thủy. Nửa đêm thấy từ giỏ cá có ánh sáng lạ phát ra, vị sư trụ trì vội đánh thức Đinh dậy để hỏi duyên cớ. Đinh kể lại chuyện mình được ngọc và lấy ngọc ra cho xem. Xem xong, nhà sư than rằng: “Nhà ngươi ngày sau phú quý không thể nói hết, chỉ tiếc phúc không được dài!” Lúc này, Trần Lãm, một trong mười hai sứ quân đã xưng là Trần Minh công chiếm giữ vùng Bố Hải Khẩu. Đinh bèn bỏ nghề chài lưới, dẫn vợ con chạy sang với Trần Minh công. Thấy Đinh tướng mạo khác thường, Trần Minh công đem lòng biệt đãi, nhận Đinh làm nghĩa tử và cho cùng được bàn việc quân ở nơi màn trướng. Sau khi Trần Minh công mất, binh quyền về tay Đinh. Nhận thấy Bố Hải Khẩu là nơi trống trải khó có thể phòng thủ khi bị tấn công, Đinh liền bỏ Bố Hải Khẩu, kéo quân về Hoa Lư. Nơi đây tuy chật hẹp nhưng thế đất hiểm, bốn mặt đều có núi đá bao quanh, dựng đứng như bức trường thành, duy nhất chỉ có một lối để ra vào, khiến tiến có thể công, thoái có thể thủ đã được Đinh coi là đất căn bản để xây dựng lực lượng và tính kế lâu dài. Nam Tấn vương Ngô Xương Văn và Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập (hai con của Ngô vương Quyền) liền cất đại binh, thân chinh đến đánh. Ban đầu, vì thế còn yếu, Đinh sai con trưởng là Đinh Liễn sang làm con tin để giảng hoà. Liễn đến, Văn và Ngập gọi Đinh là giặc, kể tội Đinh manh tâm làm phản, xé bỏ thư nghị hoà rồi giữ Liễn luôn ở trong quân. Đánh suốt hơn một tháng trời vẫn không thắng nổi vì Đinh dựa vào địa thế hiểm trở, cố thủ không ra, Văn và Ngập liền đem Liễn treo lên đầu ngọn sào, dẫn ra trước quân, sai người bảo Đinh nếu không chịu hàng thì sẽ giết Liễn. Đinh thản nhiên trả lời: “Tài trai đã quyết chí ở chỗ công danh, khi nào lại chịu bắt chước lũ đàn bà, con trẻ”. Rồi sai mấy chục tay cung nỏ nhằm Liễn mà bắn. Văn và Ngập thấy thế, kinh hãi bảo nhau: “Ta làm thế là muốn lấy tình cốt nhục để buộc hắn phải đầu hàng, nay hắn đã tàn nhẫn như vậy thì dẫu có giết con hắn đi cũng chẳng ích gì mà lại mang tiếng là giết sứ giả”. Bèn tha cho Liễn và rút quân về…

Vốn trọng võ hơn trọng văn, sau khi lấy được nước, Đinh chủ trương dùng pháp trị chứ không dùng đức trị. Trước sân điện, Đinh cho đặt những chiếc vạc lớn và cũi nuôi hổ dữ. Nếu ai phạm pháp, bất kể nặng nhẹ đều phải chịu chung một hình phạt là bỏ vạc dầu hoặc ném vào cũi cho hổ xé xác.

Nhân vụ Đỗ Thích, Liễn đã hỏi Đinh:

“Tội của Thích là tội phải bỏ vạc dầu hoặc ném vào cũi làm mồi cho hổ, sao phụ vương chỉ phạt trượng?”

“Sở dĩ có chuyện đó là vì ta còn tiếc tài…”

“Tài sao không dùng?”

“Tài có nhiều hạng! Có tài dùng được, có tài không dùng được…”

“Dùng được và không dùng được thì cái nào hơn?”

“Không dùng được hơn”

Lại hỏi:

“Tài của Thích “dùng được” hay “không dùng được?”

“Đó là điều ta cũng chưa biết”.

“Thần e rằng điều đó sẽ dẫn đến hậu họa”.

“Ta không muốn mang tiếng là giết kẻ sĩ! Hơn nữa, ta muốn cho hắn một cơ hội. Bởi, nếu ta không nhầm thì sẽ còn gặp lại hắn. Đến lúc đó, dù thuận hay nghịch, dù “dùng được” hay “không dùng được”, hắn không thể trách ta và ta cũng không còn phải ân hận gì…”

“Liệu có thể biến cái ‘không dùng được’ thành cái ‘dùng được’?”

“Chỉ có điều là bền hay không bền?”

“Thế nào là bền? Thế nào là không bền?”

“Thành thật khác với thủ đoạn”.

“Và… Vua chúa khác với thánh nhân?”

“Như vậy là ngươi đã hiểu được ý ta…”

 
III
Lại nói chuyện Đỗ Thích vì sự làm bài trội hơn Ngô Chân Lưu và Đặng Huyền Quang nhưng do “tội” dùng chữ bất cẩn trong bài văn sách mà hai người kia được lấy đỗ còn mình thì bị đòn và bị đánh hỏng, Thích thấy chuyện “Long bảng đề danh” nơi trường ốc đối với y cũng không lấy gì làm khó, chỉ có điều Thích tự dặn mình, câu: “Được làm vua, thua làm giặc” luôn luôn phải nhớ nằm lòng.

Năm Mậu Dần, niên hiệu Thái Bình thứ 9 (978), nhà Đinh lại mở khoa thi và Thích một lần nữa lều chõng vào kinh đô Hoa Lư ứng thí. Phép thi lần này so với lần trước có sự thay đổi. Thay vì bài Kinh nghĩa, thích nghĩa các Kinh và bài văn sách hỏi về việc đế vương trị thiên hạ là các thể: Thi, phú, cáo, chế, chiếu, biểu, mỗi thứ một bài. Như vậy về số lượng (sáu đề so với hai đề) thì lần này “nặng” hơn nhưng đòi hỏi về mặt kiến văn (nói chung), sáu đề lần này lại có phần “nhẹ” hơn hai đề lần trước. Cụ thể là: “Đại Cồ thi vịnh” (theo thể Đường luật) một bài, “Tụng Hoa Lư phú” một bài, “Cáo bình mười hai sứ quân” một bài, “Chế về việc ban bố hình luật” một bài, “Chiếu lên ngôi” với đề ra là ba chữ “Vạn Thắng Vương” một bài, và cuối cùng là “Biểu chúc mừng” (việc lên ngôi) một bài. Riêng phép chấm là có phần chặt chẽ hơn. Tất cả các “quyển” của thí sinh đều phải qua ba kỳ sơ khảo, hai kỳ phúc khảo và được phân làm bốn hạng: Ưu, bình, thứ, liệt. Từ sáu ưu trở xuống đến bốn ưu hai bình mới được kể là ưu; từ ba ưu ba bình đến sáu bình chỉ được kể là bình và mới được lấy đỗ; còn trong sáu quyển chỉ cần “dính” một quyển thứ hoặc một quyển liệt (mặc dù năm quyển kia đều ưu) là bị đánh xuống hạng thứ, hạng liệt và bị đánh hỏng! Lại phân ra đầu hạng hỏng và cuối hạng hỏng: Nếu là năm ưu một thứ (thứ thượng) hoặc bốn ưu, một bình, một thứ (thứ trung) thì còn được cấp cho một khoản “học bổng” và được lưu lại kinh học tập để năm sau thi tiếp; nếu lại là cuối hạng liệt (quá kém), chẳng những không đỗ còn bị phạt theo quy định: Phạt tiền (hai thứ, bốn liệt), phạt trượng (một thứ, năm liệt) và phạt cả tiền, cả trượng (sáu quyển đều liệt). Bài của Thích, ngoài quyển “Chế” là chịu điểm bình, còn năm quyển kia tất cả đều được lấy ưu và vì không có ai có phân số điểm cao hơn nên Thích là người được lấy đỗ đầu với phân số điểm cao nhất: năm ưu, một bình. Những bài này đã được Đinh Bộ Lĩnh lệnh cho khắc in ngay vào “kim sách” (sách vàng) để lưu giữ và coi như vật “Quốc bảo” (vật quý của nước). Chỉ có điều Đinh không ngờ tới là tác giả của những “Lời vàng, ý ngọc” đó lại là Thích. Lúc nghe xướng danh, từ trên cao nhìn xuống, Đinh đã hơi ngờ ngợ. Kịp đến khi vời các tân khoa vào cung ăn yến và ban mũ áo, nhận ngay ra Thích, Đinh cười ầm lên “Trẫm không ngờ gặp lại khanh trong hoàn cảnh này. Để có ngày hôm nay quả là khanh đã phải trả một cái giá quá đắt! Nhưng dù sao trẫm cũng có lời mừng và mong khanh hãy vì trẫm mà cố gắng”. Thích đỏ mặt, cúi đầu nín lặng không nói gì.

Là người đỗ đầu lại đỗ cao nhưng sau đó Thích chỉ được Đinh phong cho chức: Chi hậu nội nhân là một chức quan nhỏ, chuyên dùng để sai bảo trong triều. Sở dĩ có sự không bình thường như vậy bởi đối với Thích, tuy không nói ra nhưng từ lúc biết Thích là tác giả của những bài được khắc in vào “Kim sách"” trong bụng Đinh đã có ý khinh…
 
IV
Ngày vinh quy, Thích lấy lễ “Tam sinh” cho giết trâu, dê, lợn để cáo yết tổ tiên và khao dân làng. Trước đó Thích đã tìm đến đỉnh Câu Lậu Sơn nơi đạo sĩ Trương Ma Ni đang trụ trì để trả ơn thầy học đồng thời mời Trương về đền “Tam sách” - ngôi đền do ba sách (xã) lập nên để thờ Đỗ Cảnh Thạc - dưới chân núi Sài Sơn (núi Thầy) làm lễ cho cha mình. Lúc đầu Trương cáo bận từ chối không đi nhưng vì Thích nài nỉ mãi, cuối cùng Trương nhận lời, song bảo Thích cứ về trước và hẹn sẽ đến sau. Không hiểu Trương có biết trước những gì xảy ra và đã có chủ ý hay không, chỉ biết vào ngày “chính tịch”, khi Thích vừa đọc xong bản “chúc văn” do chính tay mình soạn thì chân hương trong chiếc lư đồng đặt trên bệ thờ bỗng nhiên ngùn ngụt bốc cháy! Đỗ Cảnh Thạc “lên miệng” Phùng thị - vợ Thích, chỉ vào mặt Thích mà mắng:

“Tên nghịch tử Đỗ Thích nghe ta nói đây! Bản “chúc văn” ngươi viết cho ta hay lắm! Nhưng hôm nay ta muốn nghe những bài văn đã được họ Đinh cho khắc in vào “Kim sách” của ngươi”.

Sự việc xảy ra quá bất ngờ khiến Thích sợ đến ríu lưỡi:

“Xin thân phụ tha tội! Xin thân phụ tha tội!...”

“Ngươi đã đề cao Vạn Thắng vương lên tận mây xanh trong “Chiếu lên ngôi” và không tiếc lời mạt sát thập nhị sứ quân trong đó có cha ngươi trong “Cáo bình mười hai sứ quân”. Ngươi ca ngợi Vạn Thắng vương là “Vạn thặng”, “Vạn thế” trong “Biểu chúc mừng”, khen vũ công của nhà Đinh vượt xa so với vũ công của nhà Tần trong việc thống nhất nước “Đại Cồ” trong “Đại Cồ thi vịnh”. Ngươi tán tụng cảnh đẹp của kinh đô Hoa Lư; và nước Đại Cồ dưới thời Vạn Thắng vương được ngươi sánh ngang với cảnh thái bình thịnh trị thời Nghiêu Thuấn trong “Tụng Hoa Lư phú”. Ngươi đã hạ mình làm cái việc mà người có liêm sỉ không bao giờ làm. Chẳng lẽ chỉ vì cái chức “Chi hậu nội nhân” mà ngươi đã quên cái nhục mất nước và mối thù giết cha ngươi rồi sao?”

Vừa sợ lại vừa thẹn, Thích rập đầu xuống đất không dám ngẩng lên:

“Tội thần thật đáng chết! Tội thần thật đáng chết!...”

Đúng lúc đó thì Trương Ma Ni xuất hiện:

“Xin đại vương thứ lỗi cho tại hạ vì đã thất lễ…”

Giật mình ngẩng lên, nhận ra Trương Ma Ni, Đỗ đứng phắt dậy:

“Sự có mặt của Trương huynh lúc này không phải với ý định gây khó cho ta đấy chứ?”

“Tại hạ đã nghe được những lời đại vương trách mắng công tử. Đại vương đối với công tử là tình cha con. Tại hạ đối với công tử là nghĩa thầy trò. Nếu như công tử có lỗi, chẳng lẽ đại vương cho tại hạ là người ngoài cuộc sao?”

Đỗ vội vàng vòng tay thi lễ:

“Xin Trương huynh thứ lỗi bởi ta đã hiểu lầm thiện ý của Trương huynh”.

“Cũng chỉ vì đại vương trách mắng công tử “… đã quên cái nhục mất nước” nên tại hạ mới phải đường đột xin được tiếp kiến. Nước là gì? Nước chẳng phải là do con người bày đặt ra cho mình đấy ư? Bởi từ khởi thủy, có người nhưng có nước đâu! Vả lại, cái gọi là nước là của chung mọi người nào có phải của riêng ai! Vậy mà trong cuộc tranh giành, kẻ thắng thì nhận nước là nước của mình, người thua thì nước vẫn đấy lại kêu mất nước! Lại nữa, nước chỉ là sự phân chia biên giới về mặt địa lý nhưng chẳng phải biên giới cũng đã bao phen phải dời đổi rồi sao? Cho nên, suy cho cùng cái gọi là nước và biên giới một nước vốn dĩ phụ thuộc nơi lòng người. Được lòng người theo về, dù không có một tấc đất trong tay vẫn là có nước. Ngược lại, không được lòng người, thì dẫu có đất đai ngàn dặm cũng phỏng có nghĩa lý gì đâu?! Như đại vương, cai quản tuy chỉ một dải Đỗ Động (Thanh Oai), Thượng Cung (Thường Tín), Liệp Hạ (Quốc Oai), nhưng lúc sống được dân tin yêu, khi mất được dân thờ phụng, há chẳng phải cũng là có nước đó sao? Lại nữa, đại vương người Quảng Đông, những vùng đất trên thuộc Giao Chỉ, vậy mà đại vương lại nói đến “…cái nhục mất nước” thì chẳng hóa ra đại vương cũng nhầm lắm ru!”

Trương vừa dứt lời, bỗng nhiên thấy Phùng thị - vợ Thích hộc lên ba tiếng rồi ngã vật ra bất tỉnh! Đỗ Cảnh Thạc qua cuộc đối thoại, hoát nhiên đốn ngộ, biến thành một luồng khí trắng, lượn tròn trước mặt Trương ba vòng như cáo biệt trước khi biến mất.

*

… Về Đỗ Thích có thuyết cho rằng: Sau đó Thích trả lại mũ áo triều đình, không nhận quan chức, ở nhà mở trường dạy học và làm thuốc vì vợ Thích có nghề làm thuốc Nam gia truyền. Nhà nào nghèo, nếu đến lấy thuốc, vợ chồng Thích không bao giờ lấy tiền; nếu có con em theo học, được vợ chồng Thích chu cấp cho cơm ăn và tiền giấy bút. Cảm cái ơn ấy, cả hai sau khi mất đều được người dân các vùng Đỗ Động (Thanh Oai), Thượng Cung (Thường Tín) và Liệp Hạ (Quốc Oai) phối thờ cùng với tướng quân Đỗ Cảnh Thạc.

Lại có một thuyết khác nói Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn hai bố con ăn yến ban đêm, say rượu nằm ngoài sân điện, bị Chi hậu nội nhân là Đỗ Thích giết. Và sau đó Thích cũng bị Nguyễn Bặc giết. Đó là vào tháng 10 năm Kỷ Mão, niên hiệu Thái Bình thứ 10 (979).

Trong hai thuyết, riêng thuyết sau là thấy ghi trong chính sử. Như vậy, ngoại trừ trường hợp có hai người ngẫu nhiên trùng họ, trùng tên, còn như nếu lấy chính sử làm tin thì thuyết thứ nhất chẳng cũng đáng ngờ lắm sao?

 

NGHIỆP CHƯỚNG

 
Hoàn hơi bị “ấm đầu” cho nên để phân biệt với những Hoàn khác người ta gọi Hoàn là “Hoàn âm lịch”. Vì “âm lịch” Hoàn lấy vợ muộn, mãi đến năm Hoàn đã ở cái tuổi ba bảy, lão Thủ (bố Hoàn) mới lo được vợ cho Hoàn. Vậy mà từ bấy đến nay, năm năm rồi vẫn không thấy vợ Hoàn chửa đẻ gì. Hoàn béo khỏe. Trâm vợ Hoàn (dưới Hoàn năm tuổi) trái lại, trông cứ khô đét như người teo cơ…

Không biết bao nhiêu lần lão Thủ giục Hoàn “Anh phải bảo chị ấy đi bệnh viện khám xem thế nào chứ!” Hoàn chỉ ậm ừ. Nhiều lần như thế, lão Thủ phát cáu “Thế nào?”. Hoàn nhấm nhẳn: “Chẳng có thế nào!” - “Chẳng thế nào, mà đến bây giờ “nó” vẫn cứ đuồn đuỗn như con cá rô đực?”. Hoàn không nói gì. Lão Thủ đấu dịu: “Tôi với mẹ anh già rồi. Phận trai có mình anh chứ… nếu được thằng nữa thì tôi mặc xác”. Hoàn vẫn lì ra. Lão Thủ tức nghẹn họng mà không biết làm thế nào. Sốt ruột, nhằm lúc chỉ có mình Trâm, lão Thủ bảo thẳng:

“Tôi lấy vợ cho con để lo sau này có người nối dõi tông đường, trông nom giữ gìn đất hương hỏa chứ không phải là… lấy về để làm cảnh”.

Hơi bị bất ngờ, Trâm chưa nói gì, lão Thủ đã tiếp:

“Chị phải đi khám xem thế nào để… còn liệu. Đàn bà sinh nở có thì…”

Lão Thủ chưa nói xong, Trâm đã bưng mặt khóc:

“Con khổ lắm bố ơi!”

Lão Thủ ngờ ngợ:

“Sao…?”

Trâm nghẹn ngào:

“Con và nhà con đã đi khám rồi…”

“Khám rồi?”

“Vâng!”

“Thế…?”

Trâm tức tưởi:

“Họ bảo… nhà con… bị… vô sinh….”

Lão Thủ đứng lặng. Hai mắt trợn trừng, mồm lão như bị nhét giẻ, cứ há ra mà không kêu lên được! Ừ nhỉ, tại sao lão không nghĩ đến điều đó? Tại sao trước đây lão chỉ lệch về một phía mà cho rằng Trâm chính là nguyên nhân của sự “trục trặc” để đến bây giờ lão mới ngã ngửa người ra…?

Thật trớ trêu, lão đã tính đến chuyện tìm một “đám” khác cho Hoàn. Vì vậy, để khỏi mang tiếng với làng nước là bỗng dưng giãy vợ cho con, lão đã rốt ráo giục Trâm đi khám để có cớ. Vậy mà…

Hốt hoảng, lão chạy sang buồng bên:

“Này…!”

Đang nằm trên giường, nghe lão gọi giật giọng, bà Thủ vội vàng ngồi dậy xớ rớ đưa đôi chân xuống đất quờ quạng tìm dép:

“Ông gọi tôi?”

Lão Thủ đã đứng sừng sững trước mặt bà Thủ:

“Hỏng… rồi!”

Bà Thủ ngây mặt. Lão Thủ tiếp:

“Thằng Hoàn nhà mình đi khám, người ta bảo… bị vô sinh”.

“Vô sinh… là… là… thế nào hở ông?”. - Bà Thủ ngơ ngác.

Hai mắt lão Thủ như lồi ra khỏi tròng. Lão dằn giọng:

“Là không có con, là suốt đời làm ông mãnh, là… (đang định nói… là tuyệt tự nhưng lão đã kịp dừng lại)… là… thế, chứ còn gì nữa”.

Không ngờ bà Thủ thản nhiên:

“Ôi dào, nó không có con thì đã có con cái Kim. Tưởng gì…”

Không chờ để được nghe những câu như thế, lão Thủ rít lên: “Đồ… ngoại bang”. Và chỉ một chút nữa thì lão đã chồm đến bóp cổ con vợ khốn nạn đã trở nên vô tích sự, không còn khả năng đẻ đái từ ngót hai chục năm nay. Lão nấc lên, nghẹn ngào như chính lão đang bị bóp cổ. Ôi! Giá như lão biết được sớm hơn thằng con lão như thế! Giá như lão còn trẻ… - Lão chồm đến… - nhưng hai chân lão bỗng chới với như bị bước hụt. Mồm ú ớ, hai mép sùi bọt, lão từ từ khuỵu xuống rồi đổ vật ra ngay dưới chân giường. Bà Thủ sợ đến ríu lưỡi:

“Trâm ơi…!”.

Đến lượt Trâm chạy sang hốt hoảng cùng bà Thủ bế thốc lão Thủ lên giường. Vội vàng lo mấy đồ đánh gió bọc vào chiếc khăn mùi soa, Trâm đưa để bà Thủ đánh gió cho lão. Được một lúc chân tay lão ấm dần. Gương mặt đã thấy thần sắc của lão bỗng dưng động đậy. Lão từ từ mở mắt. Trâm nhẹ nhàng đặt một bàn tay trên trán lão. Ngước lên nhìn thấy Trâm, lão Thủ chớp chớp đôi mắt đờ dại. Mồm lão mấp máy. Lão thảng thốt:

“Con ơi!”

Bất giác Trâm không cầm được nước mắt. Từ hai hố mắt già nua của lão Thủ những giọt nước mắt cũng ứa ra, lăn xuống hai bên thái dương…

*

Kim, con gái lão Thủ lấy chồng đã từ hơn chục năm nay. Hai nhà tuy “trong phố ngoài làng” nhưng cùng xã và cách nhau chỉ độ hơn cây số. Vợ chồng Kim mải làm ăn buôn bán, cả năm may ra được một lần, ấy là vào dịp tết nguyên đán mới thấy vợ chồng con cái đặt chân đến cổng nhà ông bà vãi! Nhưng độ này thấy Kim thỉnh thoảng lại “đồng quà tấm bánh” về thăm vợ chồng lão Thủ. Hai thằng con Kim, đứa lên chín, đứa lên năm thì vài ngày một lần vào với ông bà ngoại. Mới đầu lão Thủ cũng vô tình không để tâm đến và coi là chuyện bình thường. Nhưng rồi lão ngờ ngợ cảm thấy sự việc cứ như là được thực hiện theo một kế hoạch đã được sắp đặt từ trước. Cho đến một hôm, vô tình lão nghe lỏm được cuộc đấu khẩu của hai đứa cháu ngoại ở sau nhà: “Mẹ bảo bác Hoàn không có con. Ngày sau tao ở ngoài kia, mày ở trong này”. - “Ứ phải! Em thấy bố bàn với mẹ là sẽ bán đi, mua miếng khác ngoài phố...”

“Thì ra thế! Thảo nào…!”. Không muốn lộ cho hai đứa cháu biết mình đã rõ chuyện, lão Thủ giận sôi máu nhưng phải cố nén: “Thì ra âm mưu của vợ chồng nó gớm thật. Để rồi xem vợ chồng nó giở những trò gì. Nhưng… ai đã nói với vợ chồng nó?”. Chờ hai đứa cháu về khỏi, lão Thủ túm ngay lấy bà Thủ: “Ai đã đem chuyện thằng Hoàn nói với vợ chồng cái Kim?” Bà Thủ còn đang ú ớ chưa biết trả lời ra sao, lão Thủ đã rít lên: “Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường. Cứ tin gái già, không khéo có ngày mất nước!” Đúng lúc đó thì Hoàn đi đâu về. Nếu không, sự thể không biết rồi sẽ ra sao…

Mấy hôm sau hai đứa cháu lại dò vào mang theo cả quần áo, sách vở: “Bố mẹ chúng cháu bảo vào ở với ông bà ngoại cho vui. Hàng tháng bố mẹ cháu sẽ gửi tiền và gạo vào…”. Lão Thủ điên tiết: “Về bảo thằng Trọng Thủy với con Mỵ Châu nhà chúng mày, tao không phải như An Dương Vương. Từ rày trở đi, vợ chồng con cái đừng có đặt chân đến cổng nhà tao làm gì cho bẩn. Xéo!”. Hai đứa cháu ngoại chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, sợ quá bỏ cả quần áo, sách vở chạy mất…

…Mấy tháng sau, bỗng một hôm bà Thủ thì thầm với lão Thủ vẻ quan trọng: “Này ông, hình như… con vợ thằng Hoàn nó chửa!”. Không ngạc nhiên cũng không ra biết rồi, lão Thủ buông một câu: “Thế à!”. Bà Thủ rụt rè: “Tháng thứ ba rồi! Mà tôi để ý thấy nó cứ khóc dấm, khóc dúi. Hình như… không phải là… nó “ấy”… với thằng Hoàn”. Lão Thủ trừng mắt: “Ai bảo bà thế!”. Bà Thủ ấp úng: “Thì… ông chẳng bảo với tôi… là thằng Hoàn…?” Lão Thủ ớ ra…! Thật không may cho Kim đúng lúc đó bỗng dưng mò đến. Lão Thủ sực nhớ đã mấy tháng nay Kim mất mặt. Gần đây lão lại mấy lần thoáng thấy bóng Kim ngoài cổng nhưng vì lão ở nhà Kim thập thò không dám vào. Cách đây mấy ngày có việc đi đâu về, lão lại bắt gặp Kim từ trong ngõ đi ra. “Loạn âm thật rồi”. Lão Thủ quay sang Kim: “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng! Cút!”. Kim há mồm vừa toan cãi lại, lão Thủ đã vào nhà vớ lấy chiếc điếu cày chạy ra…

Nhưng Kim đã không còn đứng ở đấy nữa…

*

Suốt thời gian Trâm có mang, Hoàn không ra vui cũng không ra buồn. Lầm lì, ít nói thì vốn dĩ Hoàn vẫn lầm lì, ít nói. Chẳng có gì ở Hoàn chứng tỏ hạnh phúc của một người sắp được làm bố. Nhưng bảo Hoàn dửng dưng cũng không phải! Cứ như là chẳng có chuỵên gì xảy ra, như Trâm có mang hay không thì cũng thế! Hoàn hiện diện trong gia đình như một cái bóng. Gần đến ngày Trâm nằm chỗ, tất cả từ tã lót, xô màn cho đến quả chanh, lát cam thảo, vợ chồng lão Thủ đều phải lo liệu, chuẩn bị. Thì có ai bảo cho Hoàn biết. Mà những việc như vậy Hoàn đã được lo bao giờ? Buổi sáng hôm Trâm trở dạ Hoàn cũng không có nhà. Bà Thủ dìu Trâm đi trước còn lão Thủ thì tay xách nách mang các thứ cần thiết, lếch thếch theo sau. Cũng may trạm xá gần nhà. Ra đến nơi, Trâm được đưa ngay lên bàn đẻ. Tất nhiên là lão Thủ phải đứng ngoài. Lòng dạ bồn chồn, chưa đến nửa tiếng đồng hồ mà lão Thủ ngỡ như nửa năm. Trâm đẻ ngay. Con so mà Trâm đẻ dễ quá. Vừa nghe tiếng “oa oa”… - hình như chỉ chờ có thế, lão Thủ quên cả giữ gìn, vội vàng xô cửa bước vào. Người nữ hộ lý ngẩng lên, cười chia vui với vợ chồng lão:

“Mừng cho ông bà nhé! Cháu trai…”

“Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ” - Như để chắc chắn, lão Thủ run run đưa tay sờ “chim” đứa trẻ. Không còn nghi ngờ gì nữa, hạnh phúc thực sự đang ở trong tay. Lão Thủ ngẩng lên ngơ ngác - một lần nữa, lão muốn kiểm tra liệu có phải lão đang mơ ngủ. Gương mặt lão bệch ra, đờ đẫn như gương mặt của kẻ mộng du. Thì đứa trẻ vẫn đang khóc ngằn ngặt! Bất giác lão Thủ đưa hai tay ôm mặt khóc tu tu…

*

Một tháng sau ngày Trâm đẻ.

...Sáng hôm ấy nấu chín nồi cơm bà Thủ vẫn không thấy lão Thủ dậy. Thường khi chỉ Hoàn là dậy sau cả nhà, còn cứ tầm bà Thủ hoặc Trâm dậy nấu cơm là lão Thủ cũng trở dậy quét dọn, xúc rửa ấm chén hoặc cho lợn cho gà ăn. Nhưng hôm nay…

Lúc đầu nghĩ có lẽ lão mệt để cho lão ngủ, bà Thủ không gọi. Không ngờ lúc bà Thủ vào đánh thức lão dậy ăn cơm thì lão đã chết tự lúc nào.
…Buổi chiều hôm trước cúng mụ (đầy tháng) cho thằng Vỹ (tên lão Thủ đặt cho thằng bé), lão Thủ còn dặn bà Thủ đi chợ mua đủ mười hai thứ quà và các thứ về để làm cơm. Hoàn đi làm vắng. Bà Thủ đi rồi, lão cứ quẩn quanh bên Trâm. Cuối cùng lão rụt rè: “Chị đưa tôi bế nó một tí”. Trâm đưa thằng Vỹ cho lão. Tay lão run bắn. Gương mặt lão giật giật. Lão nhìn thằng bé như hóa đá. Có lẽ từ ngày Trâm đẻ, hôm nay lão mới được ngắm nó kỹ đến thế. Nhìn cử chỉ lão âu yếm thằng bé, Trâm cũng mủi lòng. Bỗng nhiên lão gục mặt xuống mặt nó. Hai vai lão rung lên. Lão khóc nhưng cố kìm không để bật ra thành tiếng. Bất giác Trâm cũng cúi xuống nghẹn ngào…

Thằng Vỹ khóc thét lên. Mặt nó đã nhòe nhoẹt nước mắt lão Thủ. Trâm vội vàng đón lấy thằng bé. Lão Thủ ngập ngừng như muốn nói với Trâm một điều gì đó nhưng lại thôi…

Lão có đau ốm gì đâu. Vậy mà…!

Ai cũng bảo lão dính cảm. Duy chỉ có một người ngờ ngợ về cái chết của lão. Ấy là Trâm…

*

Năm mươi năm sau.
 
… Lão Thủ có ngờ đâu mảnh đất và dòng huyết thống mà lão quyết tâm bảo vệ bằng mọi giá, cuối cùng chỉ truyền được đến một đời. Năm hai lăm tuổi, Vỹ lấy vợ. Ngoài ba mươi, vợ chồng Vỹ vẫn không có con. Khi đi bệnh viện khám mới biết… Vỹ lại vô sinh.

Sau khi vợ chồng Vỹ mất (trước sau một năm và cùng mới ở tuổi bốn chín) vì vợ chồng Vỹ không có con, người ba họ - họ đằng bà Thủ, họ nhà Trâm, họ vợ Vỹ - tranh giành kiện tụng nhau để được hưởng thừa tự miếng đất.

…Trải qua bao nhiêu biến thiên dâu bể, đến nay không còn ai xác định được vị trí miếng đất ấy bây giờ ở đâu…