(Thứ bảy, 29/05/2021, 09:04 GMT+7)

Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
(Hai câu thơ trích trong Bình Ngô Đại Cáo của cụ ức Trai)
 
Tiểu thuyết Triệu Vương phục quốc nối tiếp những diễn biến ngay tiếp sau Nam Đế Vạn Xuân. Nước Vạn Xuân của Nam Việt Đế Lý Bí vừa thành lập, hưởng thái bình chưa bao lâu thì lại đứng trước cơn bão lửa chiến tranh. Lương Vũ Đế sau thất bại của người họ hàng là Vũ Lâm hầu Tiêu Tư thì vô cùng phẫn nộ. Một Giao Châu bé cỏn con mà dám vùng lên tự chủ, đánh tan tác đại quân Lương triều. Một Giao Châu bé cỏn con mà dám xưng đế, lập quốc, đủ cả nghi vệ bách quan văn võ không khác Lương triều. Dòng họ Tiêu của Lương Vũ Đế vốn tay cung tay kiếm xông pha trên lưng chiến mã để đoạt thiên hạ. Kiêu hùng là thế, nên thất bại tại Giao Châu của Vũ Lâm hầu Tiêu Tư là nhát búa đánh thẳng vào tự tôn của Lương Vũ Đế. Đại binh thủy bộ lập tức được triệu tập. Theo đường bộ là đại binh của Dương Phiêu còn theo đường thủy là đội chiến thuyền một viên tướng đặc biệt - Tư mã Trần Bá Tiên, dũng tướng bách chiến bách thắng của Lương Triều. Theo phò Bá Tiên ngoài quân sư Trang Sâm, hậu duệ của Trang Tử, với tài dụng binh tính kế không hề thua Tử Phòng, Gia Cát Vũ Hầu đời xưa, còn có Dương Sằn, viên đô đốc thủy quân dũng mãnh, thiện chiến [Trần Bá Tiên sau này chính là Trần Vũ Đế, hoàng đế nhà Nam Trần, người sẽ lật đổ chính Lương Vũ Đế kia. Ôi, lịch sử thật khó lường và nghiệt ngã]. Ở phương nam, Lương Vũ Đế còn sách động Lâm ấp, khiến vua nước này cử đại binh do tướng Bố Đa Ngai dẫn đầu quấy rối, cướp phá tàn khốc vùng đất phương Nam của Vạn Xuân. Dân gian gọi sự kiện này là “loạn Bố Đa Ngai”.

Vạn Xuân tứ bề thọ địch, chưa kể thời tiết năm đó dị thường, những cơn mưa trút không ngừng nghỉ khiến trời đất như chìm trong cơn thảm sầu.

Triệu Vương phục quốc đã mở đầu với bối cảnh như vậy. Đại binh Lương triều với tài dụng binh biến hóa khôn lường của Bá Tiên - Trang Sâm - Dương Sằn đã khiến cho binh lính Vạn Xuân liên tục thất bại. Đại tướng Phạm Tu hy sinh ngoài trận tiền, Thái phó Triệu Túc hy sinh ngay tại điện Vạn Thọ, quốc sư Phùng Hiến bị bức tự thiêu ngay trong sân chùa Khai Quốc, quân sư Tinh Thiều thân vong trong đám loạn quân, tướng quân Lý Thiên Bảo, Lý Phật Tử phải rút chạy sang Di Lạo gây dựng lực lượng, quốc chủ Lý Bí lâm trọng bệnh phải rút về động Khuất Lão cùng đám tàn binh. Vận nước quay cuồng trong cơn bĩ cực, thế thời hôn ám như đương ngày hối nhật nguyệt cũng lu mờ.

Giữa bối cảnh vận nước suy vi như vậy, Tả tướng Triệu Quang Phục - con trai của Thái phó Triệu Túc, viên tướng trẻ từng cùng Lý Bí đánh đông, dẹp bắc lập nên nhà nước Vạn Xuân không hề nản chí. Quang Phục dẫn tàn quân về Đầm Dạ Trạch, đất lập nghiệp của họ Triệu nhiều đời, luyện binh, rèn vũ khí, đóng khinh thuyền, tích lương thảo để đợi ngày đuổi giặc, phục quốc giành lại giang sơn. Cuộc kháng chiến của Triệu Quang Phục là huyền thoại đầu tiên về chiến tranh du kích của dân tộc. Một chiến thuật độc đáo giúp quân dân ta lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh. Thủy quân Lương triều với “thần chông” bách thắng từng phá tan thủy quân Vạn Xuân, Quang Phục đã chế ra khinh thuyền 6 mái chèo, mớm nước rất thấp để khắc chế lại. Trần Bá Tiên dụng độc kế thả “hắc tinh thần sấu” xuống Đầm Dạ Trạnh, Quang Phục và binh tướng cùng nhau bắt đám cá sấu ác hại, cứu khốn cho muôn dân.

Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai

Tài dụng binh xuất quỷ nhập thần cùng những thắng lợi liên tiếp khiến anh hùng hào kiệt theo về cờ nghĩa của Quang Phục ngày một đông. Quang Phục được chúng tướng gọi là “Dạ Trạch Vương” và suy tôn lên làm “Triệu Việt Vương”.

Để viết nên một Triệu Vương phục quốc đầy cảm hứng, nhà văn Phùng Văn Khai đã bám rất sát lịch sử, cộng với sự quan sát của một chiến lược gia quân sự, điểm tô thêm những nét lãng mạn từ những truyền thuyết dân gian như truyền thuyết Nhị thánh Đồng Tử - Tiên Dung tặng Quang Phục chiếc mũ đâu mâu móng rồng hay Nam Việt Đế được hổ vàng đưa đi giữa đêm… khiến câu chuyện càng thêm cuốn hút lạ thường.

Với cá nhân tôi, tiểu thuyết về Triệu Quang Phục là một câu chuyện rất truyền cảm hứng. Quang Phục là một tướng trẻ, chỉ với chút tàn quân mà kiên gan, bền trí không từ bỏ mục tiêu đuổi giặc phục quốc. Nếu bạn đang gặp chút khó khăn trong cuộc sống, hãy nghĩ tới những gian khổ của chàng thanh niên Triệu Quang Phục ngày chàng quay về Đầm Dạ Trạch để gây dựng lại lực lượng kháng chiến. Càn khôn bĩ rồi lại thái, nhật nguyệt hối rồi lại minh. Sau cơn mưa trời lại sáng bạn nhé!


Tác phẩm Triệu Vương phục quốc và hình ảnh đầm Dạ Trạch do họa sĩ Tạ Huy Long vẽ.

Tác giả: Đặng Xuân Lương