(Chủ nhật, 29/03/2020, 10:47 GMT+7)

   
Đấu vật (Tranh đông hồ)

   Mấy hôm sau, vừa sáng sớm đã có một người to lớn từ dưới bến Hoàng Giang đi lên. Người ấy mắt nhỏ như hai hạt đậu, đầu dẹt như mái chèo, mồm rộng đến mang tai, làn môi tím ngắt, hai bên mép có hai chòm râu đỏ, mỗi chòm ba sợi dài ngắn khác nhau, sợi nào cũng to như râu tôm. Toàn thân ướt sũng, đi đến đâu để lại vệt nước đến đó. Người ấy đi thẳng vào đình làng Giếng, đến xới vật của Đản Sinh, xin được thử sức.
   Đản Sinh nghe báo cũng chạy ra xem, nom thấy tướng mạo người kia thì cũng cảm thấy hơi quái lạ, bèn sai các đệ tử, từng người lần lượt vào vật thử. Từ sáng đến gần trưa, không anh nào vật nổi, cứ bám vào thân người kia là lại tuột, dở tất cả những tuyệt kĩ khóa cổ, khóa chân, khóa tay… ra, người kia cũng dễ dàng hóa giải. Đản Sinh đứng ngoài xem liền nghĩ ngay ra một kế. Đến khi các đệ tử thảy đều chịu thua, đến lượt đích thân mình phải bước vào xới vật, Đản Sinh ghé tai một đệ tử, bảo vào trong bếp xúc một thúng tro đem ra, rồi cứ làm như thế, như thế…
   Đản Sinh vào cuộc, ban đầu cũng loay hoay, không tài nào tóm được đối thủ. Đứng bên ngoài, anh đệ tử nghe lời dặn, bèn bốc tro bếp nhằm người ấy mà ném tới tấp. Lập tức người ấy bị Đản Sinh khóa chặt, quật ngã xuống đất, phơi cái bụng trắng hếu lên. Các đệ tử vỗ tay ầm ĩ. Nguyên người kia mình trơn, cơ thể như tiết ra một chất nhớt, khiến không anh nào tóm được. Đản Sinh biết thế, bèn dùng kế ném tro bếp vào thì nhớt hết tác dụng ngay. Người ấy lồm cồm bò đứng dậy, vòng tay vái Đản Sinh một vái mà bảo:
   “Xin chịu tài tráng sĩ. Ở trên cạn thì sức ngài không ai địch nổi. Nhưng ở dưới nước thì chưa biết thế nào. Chẳng hay tráng sĩ có dám vật nhau với tôi ở dưới nước hay không?”
   Thật là một thách thức khó từ chối. Nguyên người ấy chính là tên “Tiểu ngư tuần Cổn”, dưới trướng của Long vương Hồng hà, được Long vương sai lên thử tài của Đản Sinh, lại dặn phải dùng kế khích tướng, để dụ Đản Sinh xuống Long cung cho Long vương xem mặt. Đản Sinh khảng khái nhận lời. Cả hai liền dẫn nhau ra bến nước, nhảy ùm xuống sông Hồng, từ giữa dòng, sóng nổi lên cuồn cuộn, đánh vào bờ làm rung rinh cả cây cỏ, mọi người đứng xem ai nấy lắc đầu lè lưỡi. Giây lát sóng lặng, chỉ còn thấy tăm nổi lên, một lát thì lặng như tờ. Mọi người chờ mãi, chờ mãi… Không thấy Đản Sinh nổi lên thì bắt đầu hoảng sợ, bèn cuống cuồng gọi nhau nhảy xuống tìm kiếm, suốt cả ngày vẫn không thấy tăm hơi…
   Nói chuyện Đản Sinh lúc nhảy xuống sông, biết ở dưới nước thì không dùng tro bếp được nữa, sẽ khó mà khóa được mình mẩy người này, phải dùng đến một tuyệt kĩ trong môn đấu vật, gọi là “song chỉ tróc khẩu”, tức là miếng khóa mõm, hay tay dùng hai ngón trỏ, móc vào hai bên mép, ngón cái móc vào hai bên mang tai thì mới tóm được. Đản Sinh bèn lộn người xuống dưới, dụ cho người kia lướt vào, chờ đúng lúc hai bụng chạm nhau, liền phóng hai ngón trỏ lên, móc vào hai mép đối thủ. Tưởng thế là dễ dàng khóa chặt được cái đầu của y, không ngờ y quẫy mạnh một cái, làm động tác vùng vằng về hai bên, Đản Sinh liền thấy nhói lên như bị giáo đâm vào hai bên nách, tê buốt không thể chịu nổi, đến nỗi ngất lịm đi không biết gì nữa.
   Đản Sinh tỉnh lại, mở mắt ra thấy mình đang đứng trước một cung thủy tinh thất bảo cực kì lộng lẫy, xung quanh có tiếng róc rách, tiếng quạt nước mà không thấy cá, chỉ thấy bên trong, bóng những cô gái đẹp như tiên, xiêm y trong vắt, rực rỡ đi lại, chỉ trỏ. Ngẩng đầu lên nom thấy mấy chữ đại tự: “HỒNG HÀ THỦY CUNG”. Có mấy cung nữ từ bên trong bước ra, cung kính cúi chào, mở miệng tươi như hoa thủy tiên mời chàng vào cung. Thì ra đây là thủy cung của Long vương Hồng hà, thật là một nhân duyên hiếm có, Đản Sinh mừng rỡ nghĩ bụng, bèn đi theo các cung nữ. Bước vào bên trong, lại nom thấy mấy chữ: “ĐẠI THỦY THẦN CHỦ”. Đi một hồi nữa mới tới nơi ngự của Long vương, trên cửa đề: “CAN LONG ĐẠI VƯƠNG”. Đản Sinh theo cung nữ mạnh dạn bước vào, thấy Long vương đang ngự ở trên điện, hai bên là hai tiên nữ, trang phục lúc nào cũng thướt tha như thả trong bể nước vậy. Bên dưới là hai hàng quan chức nghi vệ chỉnh tề, chắp tay đứng hầu. Đản Sinh nom khắp một lượt, bụng lấy làm quái lạ, thấy người nào người nấy da dẻ tuy mịn màng, song đều đỏ như tôm luộc, hai mắt xanh như ngọc bích, người không râu thì nhẵn thín, người có râu thì sợi nào cũng to như râu tôm. Tất thảy đều có hai làn môi tím ngắt như màu quả sim chín. Đản Sinh cung kính hướng về phía Long vương, sụp xuống lạy ba cái. Nguyên Long vương Hồng hà là một chủ thần sông thuộc vào hàng “Phổ phát tấn lưu”, vì thế nước sông Hồng không bao giờ ngừng chảy, lại có thanh âm vang dội, gọi là “thập phương Sư tử hống”. Từ trên điện, Long vương cười khà một tiếng, rồi xua tay cất lời, tiếng nói làm rung cả cung thủy tinh, dội thẳng vào màng nhĩ:
   “Không phải đa lễ, không phải đa lễ, cứ việc xưng danh là được”.
   Long vương vừa nói xong thì Tiểu ngư tuần Cổn ở cuối hàng bên tả lập tức bước ra, rạp mình xuống đất tâu:
   “Muôn tâu, người này chính là Phùng Thanh Hòa, tục gọi Đản Sinh, người đất Nam Xương mà tiểu thần đã phụng mệnh đại vương triệu về đấy ạ”.
   Đản Sinh nghe nói mới biết, thì ra mình vừa vật nhau với gã toa nhân tên Cổn này. Từ trên điện, Long vương ngắm nghía tướng mạo, thần khí của Đản Sinh, thấy quả như lời tán tụng của thành hoàng họ Lê hôm trước thì mừng lắm, bèn bảo Đản Sinh:
   “Thế thì ta với ngươi tuy địa thủy khác nhau, song ở trong tam giới thì đều là thế chủ cả đấy. Đã vậy thì phải đãi vào hàng khách quý mới được”.
   Nó rồi sai cung nữ mang ghế ra mời Đản Sinh ngồi, lại sai rót nước, bưng trà. Đoạn hỏi:
   “Chuyện trên cạn hiện giờ thế nào?”
   Đản Sinh nghe hỏi, biết Long vương có lòng quan tâm đến nhân tình thế thái, bèn đem tình thế giang sơn đang bị bọn giặc phương Bắc dày xéo, dân lành bị ức hiếp ra kể lại, kể đến đâu căm giận đến đó, hai mắt lồi lên, khóe mắt nứt ra, máu chảy ròng ròng. Long vương chứng kiến càng lấy làm hài lòng lắm. Lại hỏi:
   “Nghe nói ngươi tụ tập trai tráng, luyện tập võ nghệ cũng có ý muốn trừ hại cho dân lành. Tại sao chưa khởi sự?”
   Đản Sinh nghe hỏi thấy trúng tâm sự của mình, bèn trả lời ngay:
   “Bẩm đại vương, tiểu nhân hiềm vì tài trí nông cạn, chưa đủ thế lực, lại chưa gặp được bậc cao nhân, minh chủ, cho nên còn phải nghiến răng ẩn nhẫn chốn thôn sâu để chờ thời cơ đấy ạ.”
   Long vương nghe đến đây thì mừng lắm, trong bụng đã quyết, liền nói ngay:
   “Hiện đã có bậc anh hùng cái thế, xuất hiện ở phía cung Kim long, thượng nguồn Đại Can long Hồng hà này. Ngươi có thể bái người ấy làm minh chủ. Ta lại có món bảo khí này giao cho ngươi. Có vật này trong tay thì lo gì không có hào kiệt, cao nhân tìm đến giúp rập, lại dùng nó dâng lên để làm lễ ra mắt minh chủ. Chẳng hay ngươi có chịu không?”
   Đản Sinh nghe nói thì mừng rỡ, trong lòng cảm động, quỳ ngay xuống rập đầu cảm tạ. Long vương đứng dậy rời khỏi điện, bước tới đỡ Đản Sinh dậy, cầm tay ân cần dặn dò, đoạn sai tả hữu bưng chiếc trống đồng ra. Đản Sinh vừa nom thấy đã sinh lòng ngưỡng mộ, chiếc trống đồng không ngớt phóng ra những tia hào quang lấp lánh, làm sáng rực cả tòa cung điện. Quả là một món bảo khí thiêng.
   Long vương lại sai gọi Phục Thủ đại phu, một chức quan coi giữ kho ngọc trong cung Thủy tinh, ra lệnh xuất cho Đản Sinh một túi ngọc lớn, trị giá ngàn lượng vàng làm chi phí quân lương. Đản Sinh mừng rỡ cảm ơn khôn xiết rồi cúi mình làm lễ từ biệt, cùng với viên Tiểu ngư tuần Cổn vác theo chiếc trống đồng hộ vệ trở về.
   Bấy giờ ở trên bờ đã sang ngày thứ ba. Sau mấy ngày dày đặc người mò tìm suốt một khúc sông mà không thấy tăm hơi, các đệ tử cùng cha mẹ Đản Sinh và dân làng hầu như đã tuyệt vọng, bèn lập bàn thờ ngay cạnh bờ sông, mời thầy về tế. Bỗng thấy giữa sông sóng lại dâng trào, từ dưới nước, phóng lên một luồng hào quang ngũ sắc. Mọi người chưa kịp kinh dị thì bỗng thấy Đản Sinh vọt lên khỏi mặt nước, đứng thẳng người giữa sông như thể có người đỡ ở bên dưới, trước mặt là một chiếc trống vàng chóe, lấp lánh hào quang. Mới đầu mọi người ngỡ là Đản Sinh đã chết, nay hiển linh trở về, ai nấy đều hoảng hồn quỳ xuống, chắp tay vái lia lịa. Sau thấy Đản Sinh tươi cười vẫy tay, gọi tên từng người thì mới biết chàng quả chưa chết, lập tức chuyển hoảng hồn thành mừng rỡ mà bật dậy reo hò.
   Đản Sinh cùng chiếc trống đồng cứ thế lừng lững trôi vào. Vừa bước lên bờ thì mặt nước lại quẫy mạnh một cái, đấy là hộ vệ Tiểu ngư tuần Cổn đã xong nhiệm vụ, lộn người trở lại Long cung. Mọi người đem kiệu ra rước chiếc trống đồng và Đản Sinh về làng, làm lễ tạ ân trời đất và Long vương Hồng hà rồi trịnh trọng gióng một hồi trống, mở tiệc lớn ăn mừng.
   Bấy giờ ở về phía tây bắc, vùng Sài Sơn có hai đạo sĩ đi tu lánh đời, một người có đạo hiệu là Vô Tình tiên ông, người kia là Yểm Mục tiên ông. Cả hai quyết không màng gì đến chuyện thế sự, nhân tình... Cùng nhau luyện cách dưỡng thân của loài thảo mộc, cách hít thở của bọn đá cuội, cách chuyển động của lũ côn trùng, đã đắc được một cái định có tên là “thần thông du hí tam muội”, thì cũng chỉ thỏa chí rong chơi, tìm đến những hồn cây, bóng quế, chuyện trò với những con rùa đá, nghê đồng… Hôm ấy hai người rủ nhau vân du về phía Nam. Ở trên mây bỗng nghe thấy tiếng trống, lập tức Vô Tình tiên ông trong lòng bỗng nổi lên một cảm giác kì lạ, chưa từng có bao giờ, khiến đường mây đang thơ thới, đột nhiên khựng lại. Riêng Yểm Mục tiên ông thì không cảm thấy gì, song đường mây cũng lệch hẳn về một bên, ngoặt ra phía biển. Thấy đạo hữu khựng lại, Yểm Mục tiên ông cũng mặc kệ, một mình cứ tiếp tục cuộc du hí. Vô Tình tiên ông dừng ở trên mây, định thân quan sát. Ba mươi năm tu luyện, tưởng đã quên hẳn chốn trần ai, không ngờ tất cả hiện về, chỉ trong một niệm, không sót tí gì, từ nỗi thống khổ của nhân gian đến sự sợ hãi của loài muông thú… Lại thấy rõ cái đau của những người cách mình hàng trăm dặm, chứng kiến sự hả hê của những kẻ bất lương ở bất cứ phương nào… bất giác nghiến răng căm giận. Đúng lúc ấy, ở dưới đình làng Giếng, thành hoàng họ Lê bỗng thấy bọn rùa đá, nghê đồng ở trong đình nhất loạt ngửa cổ nhìn lên trời thì biết có cao nhân, liền nhảy ngay lên, hiện thân ra mắt, miệng hết lời cầu thỉnh. Vô Tình tiên ông bèn thu mây, cùng thành hoàng họ Lê trở xuống đình đàm đạo. Câu đầu tiên hỏi ngay đến tiếng trống, thành hoàng họ Lê liền đem chuyện Đản Sinh và chiếc trống đồng của Long vương Hồng hà ra kể lại một lượt. Nghe xong, Vô Tình tiên ông càng thấy hâm mộ lắm, nói:
   “Thế ra Đức Ngài Vô Vị chân nhân đã trù liệu trước mọi việc. Ngài là bậc đứng đầu địa tiên, bần đạo ngưỡng vọng Ngài đã lâu mà chưa có duyên được gặp, cũng chỉ vì cái tính thích vân du, nên chưa định được phương luân. Nay vì một tiếng trống mà đến nỗi buộc phải dừng mây, thì chắc sẽ gặp được duyên lành đây”.
   Thành hoàng họ Lê nói:
   “Một bậc đã thành tựu phương luân, định được phong thủy, dựng nên hồn cốt của cả một cõi giang sơn như Đức Vô Vị chân nhân, thì những loài hữu tình ở bất cứ chỗ nào cũng không ra khỏi Ngài. Nay đạo sĩ đã nghe tiếng trống ấy, tức là đã gặp Ngài rồi đó, còn phải chờ gì nữa?”
   Vô Tình tiên ông nghe nói giật mình, bừng tỉnh như người vừa ra khỏi cơn đại mộng. Liền xá thành hoàng một cái, trả lời:
   “Ngài nói phải lắm. Vậy theo ngài, bần đạo phải làm gì bây giờ?”
   Thành hoàng họ Lê mừng rỡ, nói ngay:
   “Ở đây có một người họ Phùng, là người có chí khí anh hùng, nhưng vẫn còn trẻ người non dạ, việc chinh chiến, đối nhân xử thế ắt chưa có kinh nghiệm. Nay gióng trống tụ tập hào kiệt để cứu nước, giúp dân, nếu được một bậc cao nhân như ngài chỉ bảo cho thì còn nói gì nữa? Ngài giúp họ Phùng, tức là giúp dân, giúp nước, giúp dân giúp nước, tức là đã ở trong trướng của Đức Vô Vị chân nhân rồi đó.”

   
Nhà văn Phạm Lưu Vũ (trái) cùng Nhà văn Phạm Xuân Nguyên

    Vô Tình tiên ông bật dậy, vỗ tay liền ba cái rồi nói:
   “Bần đạo học theo những loài vô tình, đắc được du hí thần thông, tưởng như thế là đã xuất thế, ai ngờ không phải. Giờ nghe tiếng trống mới tỉnh ngộ ra, rằng muốn xuất thế, thì phải nhập thế. Đó chính là những việc của Đức Vô Vị chân nhân đang làm…”
Thành hoàng họ Lê nghe nói cũng phải lặng người đi vì cảm kích, lập tức đứng dậy, chắp tay vái ba vái rồi nói:
   “Ngài đã phát tâm nhập thế, thì tất phải xả bớt khí tiên, khác nào bỏ mất bao nhiêu năm tu luyện. Sự hy sinh ấy thật là lớn lao. Họ Phùng nay gặp được ngài, thì khác nào như cá gặp nước. Thật là một vận may hiếm có, đối với cả cõi giang sơn này”
    Rồi hai vị chia tay nhau, Vô Tình tiên ông ra khỏi đình làng, nhập vào định để xả bớt khí tiên, trở lại như người phàm. Nghĩ lại câu nói của thành hoàng họ Lê, bèn tạm giấu đạo hiệu đi, lấy phàm danh là Cát Vận, hỏi thăm vào nhà họ Phùng.
   Đản Sinh tức Phùng Thanh Hòa từ khi gióng trống, thì liên tiếp có người đến xin đầu quân trừ giặc. Nay bất ngờ gặp một vị tiên phong đạo cốt, dáng điệu thần tiên, xưng là Cát Vận, mắt nhìn xuyên thấu được lòng người, tai nghe hết mọi chuyện trong tam giới, việc thiên hạ như trong lòng bàn tay thì mừng lắm, lập tức làm lễ bái làm quân sư, lại mở tiệc ăn mừng.
   Bấy giờ ở về phía Tây Bắc, trấn Sơn Thiên có một cuộc đất gọi là Kim Long, thuộc thượng lưu của Đại Can long Hồng hà, xuất hiện một anh hùng, tên gọi Lý Bí đã nổi lên đánh đuổi bọn giặc Lương, quả đúng như lời nói của Long vương Hồng hà ngày trước. Hào kiệt bốn phương có nhiều người hưởng ứng. Quân của Lý Bí đánh đuổi thứ sử Giao Châu tên Tiêu Tư, chiếm thành Long Biên và truyền hịch đi bốn phương. Thì ở Nam Xương, Phùng Thanh Hòa cũng đã kịp chiêu mộ được vài nghìn trai tráng. Minh sư Cát Vận liền tập hợp lại, chia ra cơ đội rồi dạy thêm võ nghệ, huấn luyện phép hành binh, tiến, lui, công, thủ… Vài tháng sau thì đâu ra đấy. Chủ tướng là Phùng Thanh Hòa mở tiệc khao quân, định dẫn quân về ngay Long Biên để hợp quân với Lý Bí, đồng thời dâng trống đồng, tôn Lý Bí làm minh chủ. Quân sư Cát Vận bàn:
   “Hợp quân không bằng hợp cõi. Nay giặc Lương và bọn tay sai đóng ở thành Châu Cầu không khác gì rắn mất đầu, như cá nằm trong rọ. Nay ta kéo quân đến lấy thành tất sẽ dễ như trở bàn tay, rồi thẳng đường tiến ra Long Biên, đi tới đâu quét sạch giặc tới đó. Thế là cả một dải phía Nam sạch bóng quỷ dữ. Khi ấy sẽ hội quân với Lý Bí, tôn Lý Bí lên ngôi vua. Đó là việc của một bậc thượng tướng đấy.”
   Phùng Thanh Hòa nghe bàn mừng lắm. Liền sai may một lá cờ lớn, ở giữa thêu hai chữ: “Sát Quỷ”, rồi chọn ngày xuất quân. Đêm hôm ấy nằm ngủ trong trướng, Phùng tướng quân mơ thấy một cụ già mắt sáng như điện, râu trắng như cước, tiếng vang như chuông, chính là trưởng lão họ Lê ngày trước, cũng chính là thành hoàng làng Giếng hiện giờ. Vị thành hoàng dâng lời chúc mừng, rồi căn dặn chuyến này phải bắt bằng được tên Nguyễn Nộm, để trị cái tội ngày trước đối với làng Giếng. Phùng tướng quân kính cẩn ghi lòng tạc dạ.
   Trước lúc xuất quân, Phùng tướng quân và quân sư Cát Vận sai mổ trâu làm lễ tế cờ ở đình làng. Quân vừa kéo đi, bỗng thấy một con chó Đốm từ trong hậu cung chạy ra, đi lẫn vào trong quân, một lúc thì không thấy đâu nữa, mọi người ai cũng lấy làm lạ.
   Quả như quân sư Cát Vận đã trù liệu. Quân của Phùng Thanh Hòa bất ngờ kéo tới, vây chặt thành Châu Cầu. Thái thú Tiêu Đức và bọn giặc Lương ở trong thành vốn đã hèn nhát, giờ thêm khiếp đảm thì không còn bụng dạ nào chống đỡ nữa. Chỉ chưa đầy nửa ngày thành đã bị vỡ, quân của Phùng Thanh Hòa ồ ạt kéo vào, bắt gọn Tiêu Đức và bọn quan binh nhà Lương, không sót mống nào.
   Sau khi chém Tiêu Đức, Phùng Thanh Hòa giật mình nhớ lại lời dặn của thành hoàng họ Lê, lập tức sai người đến lục soát dinh thự của Nguyễn Nộm. Y đã lặn đâu mất tăm.
   Phùng Thanh Hòa nghe báo liền đích thân tới phủ Nguyễn Nộm xem xét. Phủ Nguyễn Nộm tòa ngang dãy dọc, như cung điện của những hạng vua chúa. Lộn đi lộn lại vòng vèo, qua hàng chục lần cửa ngách, tới một căn phòng rộng thì bỗng phát hiện có mùi khó ngửi. Một vật lạ nằm trên nền nhà, phía cuối gian phòng. Phùng tướng quân tiến lại xem xét, thì ra chính là miếng da bò, trên có mấy chữ thủ bút của Nguyễn Nộm ngày trước, không hiểu sao lại xuất hiện ở đây. Phùng tướng quân nhíu mày nhìn kỹ, thấy bên dưới miếng da có dấu hiệu của một nắp hầm. Trong bụng chợt hiểu ra, liền gọi quân sĩ vào cậy lên, quả nhiên bên dưới là một cái hầm ngầm.
   Nguyễn Nộm đang rúm ró trốn ở dưới hầm. Xung quanh y là cả một kho vàng bạc, châu báu… Lại có một chiếc hòm làm bằng đá ngọc bích, mở ra bên trong có bộ hài cốt. Hài cốt của bố Nguyễn Nộm, y chưa kịp đem về táng ở cánh đồng làng Giếng.
   Phùng tướng quân lập tức thiết lập pháp trường, xử cái tội tay sai của Nguyễn Nộm, tịch thu hết vàng bạc, châu báu, lại đem những đồ cướp trong dân gian trả về cho chủ cũ, quẳng hài cốt cha nó ra ngoài đồng nội. Đem đầu Nguyễn Nộm về tế thành hoàng họ Lê, rồi cùng với quân sư Cát Vận, thẳng đường kéo quân ra Long Biên.
   Bấy giờ Lý Bí đã làm chủ thành Long Biên, thêm lực lượng của Phùng Thanh Hòa thì mừng lắm. Họ Phùng dâng bảo khí trống đồng. Tiếng trống ngày càng giục giã, hào kiệt khắp nơi càng ngày càng kéo về tụ nghĩa. Một dải giang sơn đã sạch bóng giặc, Phùng Thanh Hòa cùng các tướng tôn Lý Bí lên ngôi vua, xưng là Nam Việt Đế, lấy niên hiệu là Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn Xuân.
   Vua Nam Việt Đế đặt ra trăm quan, phong Phùng Thanh Hòa làm Hữu tướng quân, cùng với Tả tướng quân là Triệu Quang Phục coi giữ việc chinh phạt. Một hôm, có người đánh cá ở Cồn Vành, chỗ cửa sông Hồng đổ ra biển đem tới dâng một vật lạ. Vật ấy cao gần bốn thước, chu vi bảy thước, tuyền một màu trắng đục, nom như có hình người ngồi ở bên trong, cứng như kim cương, dao chém không vào, búa đập không vỡ, ban đêm phát ra ánh sáng, đến mức ngồi gần có thể đọc sách được.
   Nam Việt Đế lấy làm quái dị, nhân lúc triều hội, bèn đem vật ấy xuống hỏi các quan. Các quan cũng không ai biết đó là vật gì. Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa bèn đứng ra tâu:
   “Quân sư của thần là Cát Vận, một người có kiến thức thông cả tam giới, có thể trả lời được.”
   Nam Việt Đế liền cho triệu Cát Vận tới. Cát Vận xem xét kĩ một lát, rồi tâu rằng có biết vật này, song xin khất đến hôm sau sẽ trả lời tường tận. Vua đồng ý rồi bãi triều.
   Nguyên Cát Vận nhìn vật ấy thì nhận ra ngay, bên trong đó quả có người ngồi, người ấy chẳng phải ai xa lạ, chính là Yểm Mục tiên ông, vị đạo hữu của mình ngày trước. Yểm Mục tiên ông ngày ấy đã không chịu dừng mây, cớ sao nay lại bị giam trong tảng băng kim cương này? Cát Vận muốn tìm hiểu cho rõ ngọn ngành đã, rồi mới tâu lại cho Nam Việt Đế biết.
   Tối hôm ấy Cát Vận nhập vào một cái định có tên là “túc vương trí tam muội”, biết Yểm Mục tiên ông nhục thân thì ở đây, song báo thân thì hiện đang ở trên cung trời Dạ Ma. Liền chuyển sang “phi nhân giới tam muội”, xuất hồn lên thẳng cung trời Dạ Ma, tìm mãi đến “Du hí địa” mới gặp Yểm Mục tiên ông ở đó. Hỏi nguyên cớ, Yểm Mục tiên ông trả lời:
   “Tôi tiếc ngày ấy đã không theo ông nhập thế, nên ngày nay mới ra nông nỗi này”.
   Cát Vận, cũng tức là Vô Tình tiên ông ngày trước nghe nói càng kinh ngạc. Vặn hỏi mãi Yểm Mục tiên ông mới chịu kể:
   “Lúc bấy giờ không hiểu sao đường mây của tôi bỗng ngoặt sang phía Đông, tới cửa biển thì va phải tấm lưới, tuy vô hình mà chắc như thép, không tài nào thoát ra được, liền rơi ngay xuống biển, tấm lưới lập tức biến thành khối băng kim cương, giam giữ tôi từ đó đến nay…”
   Vô Tình tiên ông nghe đến đây, đoán ngay ra việc này có liên quan đến Long vương Hồng hà, vì nơi Yểm Mục tiên ông rơi xuống là Cồn Vành, đúng chỗ cửa sông Hồng đổ ra biển. Yểm Mục tiên ông cũng hiểu ý nghĩ đó. Câu chuyện tiếp theo giữa hai vị diễn ra ở trong định, cũng chỉ kéo dài trong vòng một niệm. Đầu đuôi như sau:
   Nguyên ngày trước, ở hội Hưng Linh Tụ, ngoài bảo khí trống đồng, Long vương Hồng hà còn được Đức Vô Vị chân nhân bí mật giao cho một món bảo khí nữa, đó là một tấm lưới. Long vương thấy vậy ngạc nhiên, nghĩ mình là một chủ thần sông, thì chỉ cần gọi một tiếng, thủy tộc nào cũng phải có mặt, can gì phải dùng đến lưới? Đức Vô Vị chân nhân biết ý, liền cười mà bảo:
   “Lưới này không giăng ở dưới sông, mà giăng ở trên trời”.
    Long vương thắc mắc:
   “Bẩm, giăng lưới trên trời để bắt chim hay sao?”.
    Đức Vô Vị chân nhân trả lời:
   “Không phải để bắt chim, mà để bắt… tiên”.
   Lúc bấy giờ, Long vương cũng nhất thời chưa hiểu ý của Đức Vô Vị chân nhân. Mãi đến khi nghe Phùng Thanh Hòa gióng trống, liền thấy có một luồng tiên khí vụt vụt trôi trên đỉnh sông Hồng, mới chợt hiểu ra ý của Đức Vô Vị chân nhân ngày trước, bèn đem tấm lưới ra, từ dưới cung Thủy tinh phóng lên, trúng ngay vào Yểm Mục tiên ông.
    Yểm Mục tiên ông than thở:
   “Tôi chỉ vì thích cưỡi trên mây gió, không chịu nhập thế nên đã đắc tội với với Đức Ngài. Nay dẫu được sinh vào cung trời này, thì cũng là do phước báo từ đời trước. Hết phước sẽ bị đọa vào loài thủy tộc, hàng trăm kiếp mới được trở lại làm người”.
Vô Tình tiên ông an ủi:
   “Đức của Ngài Vô Vị chân nhân thật lớn lao thay, chúng ta dẫu có là phi hành tiên, thì cũng chả bao giờ ra khỏi được Pháp thân của Ngài. Ngài vì coi giữ phương luân, hun đúc hào khí nên mới phải làm như thế. Ông sau này nếu có phải đầu thai làm loài thủy tộc, thì cũng nên chọn loài nào có kiếp sống ngắn ngủi, thì trăm kiếp cũng chẳng lâu la gì”.
Hôm sau Cát Vận vào triều, tâu lại đầu đuôi mọi việc cho Vua và cả triều đình biết. Ai nghe cũng lắc đầu lè lưỡi. Nam Việt Đế nghe xong, liền ra lệnh cử hành trọng thể lễ tạ ơn Đức Ngài Vô Vị chân nhân, tôn Ngài là Tản Viên Sơn Thánh, lại xuống chiếu cho thiên hạ, lệnh khắp nơi phải lập đền thờ.
   Thế còn tảng thạch băng kim cương kia? Cát Vận tâu với Nam Việt Đế, rằng tảng băng ấy không gì phá nổi, song tới khi nào ban đêm không phát ra ánh sáng nữa, thì gõ nhẹ cũng vỡ vụn mà thôi. Nam Việt Đế bèn sai đem cất vào trong cung, đặt tên là Thạch Quang Băng, coi như một vật quý của triều đình.
   Thạch Quang Băng trải mấy triều đại, mấy cuộc giặc giã, binh lửa mà vẫn không hề suy suyển. Mãi năm trăm năm sau, vào đời vua Lý Nhân tông, một hôm thị vệ vào báo, ánh sáng của Thạch Quang Băng đã lịm tắt. Vua Nhân tông sai ngay sứ đến chùa Láng, triệu sư trụ trì là Từ Đạo Hạnh vào hỏi. Sư Từ Đạo Hạnh vào cung, nhìn tảng băng tối thui, thì biết phước báo của Yểm Mục tiên ông trên cung trời Dạ Ma đã hết, liền lấy búa gõ nhẹ một cái, tảng băng liền vỡ vụn, lộ ra một bộ hài cốt. Từ Đạo Hạnh khuyên nhà vua nên cho đem về táng ở một ngọn núi nhỏ thuộc Sài Sơn. Vua Nhân tông nghe theo, táng xong đặt tên ngọn núi ấy là Yểm Mục sơn. Về sau, sư Từ Đạo Hạnh trong một lần đi đò qua sông Hồng, thấy dân tụ tập ở ven bờ, bảo nhau vớt con vờ về rang làm thức ăn, sư bảo trong số những con vờ đó có Yểm Mục tiên ông ngày trước đấy. Trăm kiếp con vờ thì bất quá cũng chỉ trăm tuần mà thôi.
   Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa đóng ở thành Ô Diên, được Nam Việt Đế sai đi bình định các quận phía Nam, cùng Cát Vận lập được nhiều công lao. Sau trở về Thạch Thất, lập lên một làng gọi là Phùng Xá. Khi chết cũng đắc quả linh thần, đến nỗi làm kinh động đến Tăng Trường thiên vương, được Tăng Trường thiên vương phong làm thành hoàng. Quân sư Cát Vận báo cho làng Phùng Xá biết điều đó, rồi trở lên núi Tản Viên cầu Đức Vô Vị chân nhân, được Đức Ngài thu làm đệ tử, bèn bỏ tên Cát Vận, trở lại đạo hiệu Vô Tình, xưng là lão nhân.