(Thứ hai, 17/05/2021, 03:30 GMT+7)

PHẦN I
NGUỒN GỐC, HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN


Khi nghiên cứu về Họ Phùng Nghi Thu, mọi người thường nghĩ ngay đến Đô đốc, Đô Trung hầu Tướng công Phùng Phúc Kiều vì có Nhà thờ và Lăng mộ Tướng công ở đó đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa năm 1999, tọa lạc trên diện tích 1.600 m2 tại đình làng Thu Lũng xưa.

Nhưng căn cứ vào tư liệu dịch từ Gia phả họ Phùng và các dòng họ khác do cụ Phùng Bá Thủy C1N3, cụ Phùng Cảnh Thành C6 và những di tích lưu truyền trong nhân dân như Cồn Ông Giàu nằm giữa Đồng Tược Đông, Đồng Tược Tây và câu Phùng - Hoàng - Lê - Nguyễn; mộ bà Hoàng Thị Kế thân mẫu Phùng Phúc Kiều táng tại nghĩa trang Cồn Trại phường Nghi Thu ngày nay thì người họ Phùng về đây đầu tiên là Triều Trung hầu Phùng Bá Giàu từ Nam Biên xứ (nay là xã Nam Cường, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) về Thu Lũng khoảng giữa thế kỷ 17. Cho nên khi nghiên cứu về họ Phùng Nghi Thu phải từ Triều Trung hầu Phùng Bá Giàu và vợ là Nguyễn Thị Nhiễu.
 
PHÙNG BÁ GIÀU

Linh vị cao tổ khảo được trần thuật như sau:

Triều Trung hầu Phùng Bá Giàu là con trai Võ Thắng hầu Phùng Bá Đạt,vợ là Nguyễn Thị Nhiễu sinh con trai Phùng Bá Của là Quan viên tôn.

Mộ cụ tổ cao tổ khảo Phùng Bá Giàu được táng tại Nam Biên xứ.

Kỵ của cao tổ khảo vào ngày 4 tháng 4 âm lịch hàng năm.

Kỵ của cao tổ tỉ vào ngày 21 tháng 8 âm lịch hàng năm.

Dựa theo Trung Nguyên phổ ký Phùng tộc Đại tôn vào năm 1902, tức là năm Nhâm Dần, có đoạn trần thuật như sau:

“Chính tổ Phùng Huỳnh làm quan
Mở đường thiếp là Đinh Thị Quyền đoan trang
Sáu trai cũng được lập làng Triệu cơ
Phùng Liêm nhận tiếp văn từ
Khâm thừa binh bộ thượng thư tùy tòng
Thăng thụ những chức Lang Trung
Tới, ra tuần thám châu đông trở về
Khắp Vu Cấn, Khai Kim khê
Cùng Hoàng Nhàn Hậu chỉ huy vui mừng
Chuyên cần Phùng - Hoàng hai người
Vinh thân thám sát khắp hết Hải Tần, Sa Hoang
Vũng Lai, Thượng Xá liền tằng
Biệt thiết Hiếu hạp phân cương lập kỳ
Khai khẩn Điền thổ cao đê (cao, thấp)
Thiếp là Hoàng Thị Tạo phú trung vừa tròn
Sinh hạ nam tử 4 con
Cũng đều hưởng phúc nối đoàn phong lưu
Bách, Hạnh, Vạn, Thiện (cái) anh hào
Khánh Duệ, Long Tráo, Đồng Bàu nhân đinh
Thiện Thu Lũng, Vạn Xuân Đình”.
 
Dựa theo tư liệu này chúng ta có thể đoán định rằng:

Vào thế kỷ XVII, họ Hoàng Đại tôn có Quận công Hoàng Nhàn (tức là Hoàng Phúc Thoát ở Nghi Lộc) cùng với Triều Trung hầu Phùng Bá Giàu đã qua lại nơi đây để khảo sát địa hình làm cơ sở, đặt nền móng cho việc hình thành cụm dân cư vùng này.

“Theo sơ đồ thế hệ họ Hoàng Nhàn đời thứ 5 kể từ Hoàng Khánh trở về sau”.

Về lịch sử địa văn gắn chặt với lịch sử nhân văn trong bài ca dao “Vịnh phong cảnh làng Thu Long”, cụ Hoàng Khắc Thấn viết vào năm Kỷ Hợi 1899. Trong bài ca dao có câu:

Ông Giàu ở sau đuôi rồng
Đưa nước Đồng Tược (tây) hợp cùng Đồng Truông
Đồng Tược có chùa Long Thôn (Long tự)
Bàu Ngư bái Phật an yên bốn bề.

Nhân dân địa phương các làng, thôn kế cận thường nói gọn Cồn Ông Giàu.

Cồn Ông Giàu nằm trên cánh Đồng Tược Tây của làng Thu Lũng.

Hiện trạng “Cồn Ông Giàu” hiện nay không còn nữa, vì đã được Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp cải trang đi rồi, diện tích khoảng 3 sào Trung bộ.

Cụ Hoàng Khắc Thấu sinh 1842, mất năm đại dich 1916, hưởng thọ 75 tuổi. Cụ viết bài ca dao này vào lúc 56 tuổi.

Cụ sinh hạ 2 người con trai: Hoàng Khắc Giao (can Kháng) và Hoàng Khắc Cừu (can Hòa).

Tên gọi “Cồn Ông Giàu” là cứ địa để chúng ta khẳng định lịch sử địa văn gắn chặt với lịch sử nhân văn. Ông Giàu là người cắm mốc ấp trại địa danh này. Con trai thứ 6 của cụ Hoàng Nhàn là Hoàng Phúc Đàm(tức Hoàng Phúc Chạc). Đời thứ 6 kể từ Hoàng Khánh trở về sau.

Trong lời giới thiệu của gia phả Họ hoàng, bút ký Hoàng Phúc Trạch viết “Ngã Hoàng gia từ khai cơ lập ấp di lai, đội trưởng tức Võ hầu Hoàng Phúc Thạch vi chi tỵ tổ, dịch thế vân nhưng, văn võ kế tiếp dự Phùng Thị chư tộc vĩ thôn trung chi lĩnh tộc dạ..” (Bút ký Hoàng Phúc Trạch viết vào năm hoàng triều Thành Thái thập tứ niên chính nguyệt).

Qua bút ký của Hoàng Phúc Trạch, chúng ta có cơ sở, có căn cứ để đi đến đoán định 2 vấn đề:

1. Họ Hoàng, họ Phùng là hai dòng họ đặt dấu chân đầu tiên đến khai cơ hạ ấp hình thành làng Kén, sau đó các dòng họ khác kéo đến để chung làng, hợp sức xây dựng làng Kén.
 2. Làng Kén có lịch sử nhân văn tính đến nay hơn 4 thế kỷ.
 

PHÙNG BÁ CỦA

Quan viên tôn Phùng Bá Của là con trai của Triều Trung hầu Phùng Bá Giàu như đã nói phần trên.

Ông cùng thân phụ là một trong những người có công đóng góp đầu tiên việc khảo sát địa hình, cắm mốc ấp trại cho việc hình thành làng Kén vào những năm đầu thế kỷ XVII. Theo phổ ký Nam Cường xã, Nam Đàn huyện, thì Quan viên tôn Phùng Bá Của sinh hạ được 2 người con trai đó là:

- Tiền thủ hiệp Phùng Lĩnh công Phùng Bá Cải (tức Phùng Phúc Thiện) là con trưởng.
- Bản Phú hiệu sinh Phùng Phúc Quyền là con trai thứ.

Phùng Phúc Quyền đến tuổi thành niên theo việc vương sự, xa quê Nam Đàn rồi lưu lại tại các huyện Diễn Châu, Yên Thành...

Hiện nay, bản tộc Phùng Thị có đi liên hệ nhưng chưa thật rõ, nên chưa chắp nối được các chi phái với Đại tôn Phùng Thị - Nghi Thu xã.

Phần mộ quan viên tôn Phùng Bá Của táng tại Nam Biên xứ. Kỵ ngài vào ngày 10 tháng 2 âm lịch hàng năm.

Tý tiền tòng phu tước Cao Thị Bẹn, hiệu An nhân. Mộ táng tại Nam Biên xứ. Kỵ bà vào ngày 6 tháng 6 âm lịch hàng năm.


PHÙNG BÁ CẢI

Phùng Bá Cải (tức Phùng Phúc Thiện)

Tiền thủ Hiệp Phùng lĩnh công tự Phúc Thiện (húy Cải) là con trai trưởng Quan viên tôn Phùng Bá Của.

Phùng Phúc Thiện cùng cha là Quan viên tôn Phùng Bá Của là một trong những người đặt nền móng cho việc hình thành buổi khai sơ làng Kén, sau này gọi là làng Lộc Kén.

Theo duy danh chữ và nghĩa mà suy xét thì:

Tiền Thủ Hiệp

- Tiền: Là người đi trước, đến trước, đặt trước.
- Thủ: Là giữ, tức là giữ việc, nhận chức trách một công việc nào đó.
- Hiệp: Là hợp lại, như hiệp hội, hiệp lực, hiệp thương...

Tức là người đứng ra tổ chức  để thực hiện một công việc nào đó mà cần có mối liên hệ, liên kết với các thành viên khác cùng đồng lòng, hợp sức để tạo thành sức mạnh vất chất và tinh thần, đặng thực hiện mục tiêu đã xác lập- Đó là hình thành làng Lộc Kén buổi sơ khai.

Lần theo nghĩa đó, ngài Phùng Lĩnh công là người lĩnh xướng, người tổ chức và thực hiện việc hình thành làng Lộc Kén xưa kia.

Sau khi công việc tổ chức hình thành làng Kén đã tạm ổn, đến tuổi già, người trở về gốc tổ Phùng Thị tại xã Nam Cường, huyện Nam Đàn, tổng Phù Long rồi mất ở đấy.

Vợ của ông là bà Hoàng Thị Kế hiện có phần mộ tại Quần Trại - phường Nghi Thu.

Để tưởng nhớ đến công đức to lớn của Hiến tổ khảo, Hiến tổ tỉ trong việc xây dựng quê hương làng Kén buổi khai thiên, lập địa, con cháu xây dựng Lăng mộ bà Hiến tổ tỉ Hoàng Thị Kế.

Tại Lăng mộ có chữ đề: “Như Sơn Hải”.

Tạm dịch: Công đức to lớn như núi cao, biển cả.

Phần dưới cửa Lăng có đề câu đối: “Thiên niên tồn chính khí
Vạn cổ hiển anh linh”.
Tạm dịch: “Ngàn năm còn chính khí
Muôn thuở vẫn anh linh”.

Xem thế con cháu các thế hệ đến sau mới tỏ rõ công lao to lớn của các bậc tiền bối đến ngần nào.

Mộ ông táng tại Nam Biên xứ. Kỵ ngày 20 tháng 11 âm lịch hàng năm.


PHÙNG PHÚC KIỀU

Tướng công Phùng Phúc Kiều xuất thân trong một dòng họ công hầu kế thế. Qua các triều đại Lý - Trần - Lê…

Phùng Phúc Kiều sinh năm Giáp Thìn 1724, dưới triều vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Bảo Thái thứ 20. Ngài mất 1792. Ông đã làm việc qua các đời vua: Lê Dụ Tông - Lê Thần Tông - Lê Y Tông và Lê Hiến Tông.

Can nội của ông là Trều Trung hầu Phùng Bá Giàu.

Ông nội là Quan viên tôn Phùng Bá Của.

Thân phụ ông là Tiền Thủ Hiệp Phùng Lĩnh Công Phùng Phúc Thiện (húy Cải) cũng là một Võ quan.

Thân mẫu của ông là Hoàng Thị Kế thuộc dòng môn phiệt gia thanh. Trải  qua các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn… Trong dòng họ có nhiều quan đại thần, đóng góp nhiều công tích lớn lao đối với đất nước và nhân dân, Trung - Nghĩa - Tín - Dũng, đạt tới đỉnh cao chân thiện mỹ lúc đương thời ít người sánh kịp đó là:

  • Thái Thủy Tổ Phùng Tá Chu dưới hoàng triều cuối Lý đầu Trần.
  • Hiến Tổ Khảo Phùng Sỹ Chu tổng quốc chính, phụng mệnh quốc, phó sử quan, chư mỹ tự Đại vương Phúc thần.
  • Phùng Quang Lộc con trai con trai hiến tổ khảo Phùng Sỹ Chu được Lê triều phong tặng tước Đại vương phúc thần, chư mỹ tự, Thượng tướng quận công (tức Dị quận công).
  • Lưỡng quốc Trạng Nguyên thượng thư Bộ Lại - Mai Quận công Phùng Khắc Khoan.
  • Thiếu bảo Đông Quận công Phùng Bá Ngữ, Phùng Bá Nghĩ.
  • Tham đốc Quận công Phùng Viết Đán.
  • Thiếu bảo lệ Quận công Phùng Viết Đạm.
  • Triều Trung hầu Phùng Bá Giàu.
  • Quan viên tôn Phùng Bá Của.
  • Vĩnh an bá Phùng Viết Tào…
  • Tướng công Phùng Phúc Kiều sinh ra và lớn lên trong một dòng họ công hầu kế thế đã gây ấn tượng và tác động mạnh mẽ thúc ông có chí cảnh tiến từ thuở thiếu thời.
  • Lớn lên Phùng Phúc Kiều đam mê học từ chương, nghĩa lý, văn pháp. Ông còn đam mê binh thư yếu lược, võ thuật, côn, quyền, khiên, mộc, đao, cung luôn đứng đầu các võ sinh trong các cuộc đấu tài thử sức.
  • Lớn lên trong thời kỳ đất nước nhiễu nhương, đói rét, nội phản, ngoại xâm, là những đại họa đối với nhân dân ta, dân tộc ta lúc bấy giờ.
  • Ông thấm nhuần sâu sắc lời di huấn của các bậc hiền triết, đức triết rằng: “Trượng phu sinh thế lâm tế đại nạn”.
  • Tạm dịch: Kẻ trượng phu sinh ra trong trời đất, gặp lúc thiên hạ bị loạn ly khổ ải, phải đứng rache chở, gánh vác việc giang sơn, cứu với trăm họ thoát khỏi lầm than, khổ ái đó sao?”
  • Ý thức được điều đó, ông đã đi theo con đường binh pháp để có thể giúp nước cứu dân.

Ông gia nhập quân đội chính binh, ưu binh thuộc Đông nam đẳng đạo, trấn giữ vùng duyên hải thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảnh Bình.

Ông khổ học, khổ luyện, chẳng bao lâu đã trở thành chỉ huy thủy quân có bản lĩnh vững vàng.

Trên chiến trận ông đã lập được nhiều chiến công to lớn, được nhà Lê phong tước hầu. Đặc biệt là trận thắng trên dòng sông Lam thuộc tổng Phù Long lúc bấy giờ.

Trên quan điểm duy vật lịch sử mà xem xét, đánh giá công tích của Tướng công Phùng Phúc Kiều lúc bấy giờ có ích gì cho đất nước, nhân dân ta. Việc đánh giá Tướng công Phùng Phúc Kiều được xem xét trên các mặt sau đây:

Tướng công Phùng Phúc Kiều người có công to lớn trong việc trấn giữ, đánh dẹp giặc cướp ở vùng ven biển Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình lúc bấy giờ.

Nhà Hậu Lê vào thế kỷ XVI, đầu XVII, xã hội Việt Nam có nhiều biến động về kinh tế, chính trị và an ninh quốc gia.

Nhà Lê đặc phái một số quan đại thần văn, võ vào thám sát vùng duyên hải đang bỏ hoang, nhằm thực hiện hai mục tiêu có tính chiến lược đó là:

  • Lo trấn giữ an ninh quốc gia, chống bọn giặc cướp thâm nhập, đánh phá vùng duyên hải chưa có cư dân để bảo vệ biên thùy, giữ vững an ninh quốc gia.

- Quốc phòng kết hợp với dân sinh kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Vào những thập niên đầu thế kỷ XVII, nhà hậu Lê đặc phái hai vị đều là tước quận công. Đoạn ca dao nói về vấn đề này được trần thuật như sau:

“ … Chuyên cần Phùng-Hoàng hai người
Vinh thân thám sát khắp hải tầm sa hoang
Vũng Lai, Thượng Xá liên tằng
Biệt thiết Hiếu Hạp phân cương lập kỳ
Khai khẩn Điền(ruộng nước) Thổ(đất màu) cao đê…”

Hiện nay trong bút tích gia phổ họ Hoàng Đại tông, bút ký Hoàng Phúc Trạch viết:

“… Ngã Hoàng gia từ khai cơ, lập ấp dị lai, đội trưởng tức Võ hầu Hoàng Phúc Thạc (tức Hoàng Phúc Đàm) vị chi tỵ tổ, dịch thế vân nhưng, văn, võ kể tiếp dự Phùng Thị, chư tộc vi thôn trung chi lệnh tộc dã”.

Đoạn bút ký nói nôm na rằng:

“Tôi là Hoàng Phúc Thạc, chức đội trưởng tức võ hầu lúc bấy giờ và ở tại nơi đây, tôi đã chứng kiến bao sự đổi thay nay đây, mai đó như gió thổi mây trôi. Tôi (chỉ Hoàng Phúc Thạc) cùng với họ Phùng đã cùng nhau chung làng, hợp sức đặt nền móng đầu tiên cho việc hình thành làng Kén buổi bình minh, sau đó các dòng Họ khác tiếp tục kéo đến cùng chúng tôi lập nên làng Lộc Kén với mức độ ngày càng phát triển…”

Đoạn bút tích còn lưu lại đến ngày nay là phản ánh đích thực không ai chối cãi được.

Nhân dân địa phương Thu Lũng và các làng kế cận thường truyền miệng cho nhau câu: Phùng - Hoàng - Lê- Nguyễn là để khẳng định điều đó.

Nói gọn lại, Tướng công Phùng Phúc kiều công tích được xem xét, đánh giá trên hai mặt:

1. Phùng Phúc Kiều người có công lớn trong việc trấn giữ, dẹp giặc cướp ở vùng duyên hải các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, bảo vệ an ninh quốc gia.
2. Tướng công Phùng Phúc Kiều cùng các bậc gia tiên như: Phùng Bá Giàu, Phùng Bá Của, Phùng Bá Cải, ông có công đóng góp to lớn trong việc khai hoang, phục hóa ở ở vùng biển Nghệ An, đặc biệt là vùng Hiếu Hạp thất thôn, làm cho làng Kén ngày càng phát triển về dân sinh, kinh tế và quốc phòng.

Trong thời gian tại quân ngũ hải quân, Phùng Phúc Kiều đã có nhiều chiến tích vang dội, vượt ra khỏi phạm vi một tỉnh, lũy mà còn lừng lẫy cả nước.

Đặc biệt trong trận đánh bọn giặc cướp biển trên dòng sông Lam thuộc tổng Phù Long là trận thủy chiến khét tiếng nên được vua nhà hậu Lê phong sắc chiến công như sau:

“Sắc Châu Phúc huyện, Hiếu Hạp xã,
Úy thiên hộ Phùng Phúc Kiều vi dị hậu nội, thủy đội ưu binh, trùng phụng sai, Đông nam đẳng đạo, tùy đốc lệnh quan Hào Trung hầu công thảo Hải tặc tại Phù Long địa diện, nỗ trận tiền phá hữu công tặc kinh dị, chí chuẩn ứng thiên hộ.
Chức khá vi trung tướng quân,
Thăng thụ đốc lệnh quan,
Thống lĩnh đô trung hầu,
Hiệu lệnh ty kỳ, bài tráng sỹ vân kỹ,
Ứng thiên hộ thâu tuyến phó cố sắc,
Sắc mệnh,
Chí báu,
Cảnh Hưng tứ thập tứ niên thập nhất nguyệt.
Vua Cảng Hưng năm 1783 - tháng 11, ngày 11.”


Phùng Phúc Kiều người có công lớn đối với nước, với dân như đã nói phần trên. Dưới chế độ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cuối thập kỷ của thế kỷ XX (ngày 22 tháng 2 năm 1999), Tướng công Phùng Phúc Kiều được Nhà nước công nhận là Danh nhân Lịch sử Văn hóa. Đền thờ của ngài và khu Lăng mộ được xếp  là “Di tích Lịch sử Văn hóa”, được tôn tạo và bảo vệ.

Tại Đền thờ Tướng công Phùng Phúc Kiều và khu Lăng mộ của người, ngoài khí mạch tế tự ra, có nhiều câu đối và hoành phi nói về công đức to lớn của người.
Tại Đền thờ có các câu:

Câu 1:         “Thiên thu ngột lập cương thường trụ
                       Vạn đại huân danh kỷ niệm đường”

Tạm dịch: “Nghìn thu đứng vững cột cương thường
                 Muôn thuở lừng danh người gây nên cơ nghiệp”

Câu 2:  “Tụ tập ư tư thành vi mỹ
              Thăng đường tất kính bốn kỳ nghiêm”.

Tạm dịch: Nhóm họp sớm chiều để làm việc tốt
                  Tới Từ đường phải thành kính nghiêm trang”

Câu 3:  “Phù Long phát tích uyên nguyên viễn
                Thu Lũng khai cơ tộc tích trường”.

Tạm dịch: Tổng Phù Long là gốc ta xưa
             Thu Lũng nơi khai cơ lập nghiệp lâu dài”.

Tại khu Lăng mộ có các câu: Bắc chấn kỳ Sơn Hậu
                                                     Nam hướng Lộc Thúy tiền.

Tạm dịch: Đầu gối lên đằng sau núi Cờ
         Chân ngài đạp xuống trước cánh đồng Lộc Thúy hướng về phía Nam.

Câu 4:   “Nhất mạch triệu bồi thiên địa tịnh
                      Ức niên cảm phát cổ kim đồng”.

Tạm dịch: Một mạch tô bồi trời đất chứng
                 Ức năm cảm nghĩ xưa nay vẫn đồng lòng.

Câu 5:   Đô Trung hầu Phùng Tướng công tự cao ngưỡng phú quân
                        Tổ tý y phu chức, Lê Thị, hiệu hòa âm nghi nhân.
 
 

PHẦN II
DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA
ĐỀN THỜ VÀ LĂNG MỘ PHÙNG PHÚC KIỀU

 
Sự hình thành phát triển một dòng họ, một bản xứ bao giờ cũng bao hàm hai yếu tố tạo nên:

  • Đó là lịch sử địa văn và lịch sử nhân văn, trong đó lịch sử nhân văn có tính cách mạnh và đóng vai trò quyết định, yếu tố địa văn là điều kiện tất yếu làm bổ trợ cho nhân văn tồn tại và phát triển.

Vì lẽ đó khi đánh giá xem xét một di tích lịch sử - văn hóa của một dòng tộc, làng xã, thôn, ấp, công trình kiến trúc,  hội họa, nhạc phẩm, chúng ta phải luận bàn 2 yếu tố cấu thành đó:

Trong phạm vi được ấn định giới hạn cho phép chúng tôi chỉ lược thuật di tích lịch sử văn hóa, cụm từ ấy không thể tách bạch ra 2 phần tử biệt lập, đơn điệu vì rằng:

  • Trong một di tích lịch sử bao giờ cũng mang tính thời đại và tính văn hóa. Ngược một di tích văn hóa nào đó cũng có tính lịch sự của nó, chúng quyện chặt, đan xen, xâm nhập, lồng vào nhau như hình với bóng, làm cho di tích lịch sử văn hóa thêm đậm đà tính bản sắc, thêm hương vị và sống động.

Căn cứ vào những vật thể hiện có của Phùng thị, chúng tôi xin giới thiệu, lược thuật phần vật thể.

  1. Vài nét đặc trưng về từ đường Phùng Thị đại tông.

Từ đường được xây dựng thành tam cấp

Thượng điện - Trung điện - Hạ điện tiền sảnh trên một khu đất bằng phẳng, xen giữa làng mạc đầm bọc vây quanh, năm bên cạnh lăng mộ Tướng công Phùng Phúc kiều, về phía trái theo hướng đông nam, từ đường cấu trúc theo lối cổ phương đông, câu đối ngang xếp theo kiểu chữ tam, diện tích xây dựng khoảng độ 200m2, tường bao quanh cả khu lăng mộ thành một quần thể khoảng 80-100m2, lăng có song mộ, song hồn tổ khảo, tổ tý, tường cao khoảng 1m, mộ đắp đất nện.

Phần tiền sảnh: Mặt trước tiền sảnh có phù điêu Long - Ly - Quy - Phượng, có lưỡng long chầu nguyệt và đầu hổ phục đầu đội cuốn thư.

Có 4 chữ “Từ đường Phùng Thị”

2 bên có 2 cột đèn cao ngất, có kỳ lân chầu 2 bên đới sảnh

2 trụ cột trước tiền sảnh có câu đối

Thiên thu ngật lập cương thường trụ
Vạn đại huân danh kỷ niệm đường”.

Tạm dịch: “Ngàn thu đứng vững cột cương thường, luân lý
                 Muôn đời nơi thờ tự rạng rỡ tiếng tốt, danh thơm”.

Đi vào phần trong mộ thất tiền sảnh có câu đối đề:

Vật bản hồ thiên- Nhân sinh do tổ”
Nghĩa là “Tạo hóa(trời đất) sinh ra muôn vật
              Con cháu nối đời gốc rễ từ tiên tổ mà ra

Phần Trung điện: Bước vào trung điện - hoành phi có 3 chữ đề: “Lâm- Kỳ- Thượng”

Nghĩa là: Đây là nơi thờ tự các bậc thần tổ trang nghiêm, bởi các đấng thần tổ - gia tiên luôn luôn nghĩ đến, hạ cố đến con cháu. Giữa trung điện và thượng điện có khoảng trống gọi là ngưỡng thiên, để từ đường 3 cấp được thông thoáng sinh khí âm - dương trời đất.

Phần thượng điện: Trước bậc thềm  thượng điện có hai thần tượng đó là:

“Tả văn - Hữu võ”

  • Tả văn: Đứng phong thái ung dung, tao nhã. Tay phải cầm bút, tay trái cầm hốt ngọc như đang suy tư về áng văn từ, hay đang tầm chương, truy cứu.
  • Hữu võ: Mặt nghiêm nghị, mắt sáng quắc, dáng đứng oai phong, lẫm liệt, đứng nghiêm, nhìn thẳng, tay cầm cây bảo kiếm như đang đứng bảo vệ Từ đường, nơi thờ thần tổ - tiên tổ yên tĩnh, trang nghiêm.

Đi vào nội thất chính điện có câu đối.

“Phù Long phát tích uyên nguyên viễn
Thu Lũng khai cơ tộc tính trường”.

Nghĩa là: Họ Phùng Nghi Thu (Thu Lũng) xa xưa gốc rễ là ở tổng Phù Long (nay huyện Nam Đàn và một phần huyện Hưng Nguyên).

  • Thu Lũng xây cơ, dựng nghiệp, ăn ở lâu dài, bền vững, thịnh cường.
  • Lại có câu:  “Vạn nhận Kỳ Sơn bồi triệu tích

                        Nhất hoằng Lam thủy hải hà nguyên”.

Nghĩa là: “ Núi Cờ(Kỳ Sơn) cao vút, đứng giữa trời đất

      Dòng sông Lam (Lam thủy) bắt nguồn từ đó chảy ra biển cả mênh mông”.

Cuối chính điện, 2 bên có 4 chữ: “Tả chiêu- Hữu mộc”.

Nghĩa là: Bên phải vẫy gọi- bên phải đáp ngay.

Trên xà ngang 3 gian có 6 chữ:
“  Khai tất tiên- Hạ quyết xứng”.

Nghĩa là: Trước rẽ đường, rẽ lối, đời sau con cháu theo đó mà đi lên”.

Từ đường Phùng Thị đại tông là nơi liên lạc, cất dấu tài liệu, bí mật của Đảng cộng sản Việt Nam trong những năm 1930-1939. Tại nơi đây thường có đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Hoàng Văn Tâm, ông Bộ Phảng (Nghi Phong)... thường xuyên đi lại để nhận tin tức và bàn công tác hoạt động của Đảng thời ấy.

b. Lăng mộ Tướng công Phùng Phúc Kiều

Lăng mộ Tướng công cấu trúc hình chữ nhật, hướng Đông - Nam, trong đó có chứa song mộ: Tổ khảo - Tổ tý, xếp theo trên dưới, hàng dọc.

  • Cấu trúc mộ Tổ khảo hình đắp tròn (thiên viên).
  • Mộ Tổ tý cấu trúc hình vuông (địa phương).

Phần bành phía Bắc mặt sau có câu:

“Nhất mạch triệu bồi thiên địa tĩnh
Ức niên cảm phát cổ kim đồng”.

Nghĩa là:

Một dòng huyết mạch, tô bồi, xây đắp đứng vững muôn thuở giữa trời đất.
Muôn thế hệ cùng một dòng suy nghĩ: Tổ tiên xưa kia- con cháu ngày nay.

  • Mặt trước bành phía Bắc có chữ đề:

Đệ nhất thế tổ song mộ”.
Hai bên bành có câu “Lê triều sắc phong, Đô Trung hầu Phùng tướng công, tự cao ngưỡng phú quân”.
Tổ tỷ y phu chức Lê thị hiệu hòa âm nghi nhân”.
Bành phía Nam có bản đồ bát quái lâu đời đã phủ rêu phong xanh đậm có câu chữ đề
Bắc chấn Kỳ Sơn hậu
Nam hướng Lộc Thủy tiền

Nghĩa là: Phía Bắc mộ Tổ khảo - Tổ tỷ đầu gối lên núi Cờ.
              Phía Nam chân đạp xuống cánh đồng Lộc Kén.

Đứng tại địa điểm Lăng mộ đệ nhị thế tổ, nhìn chếch về phía Đông bắc tại nghĩa trang xứ Quần Trại có phần mộ Tổ bà: Hoàng thị - húy Kế (tức Hoàng Thị Kế) là thân mẫu tướng công Phùng Phúc Kiều và bà Lê Thị Loan. Lăng mộ bà Hoàng Thị Kế, nay đã được phục chế chu đáo, vững chãi, tôn nghiêm.

Tại nghĩa trang xứ mồ vụ còn có quần thể khu Lăng mộ 2 vị quan văn thời Lê, có cấu trúc mộ phần theo kiểu: Thượng gia, Hạ mộ (trên là nhà dưới là mộ) để thờ 2 vị Hương cống thời hậu Lê, đó là Hương cống Thời Tả (tức Phùng Thời Tả(hoặc Tổ) và Phùng Thời Giai).

Nhân dân thường gọi hai vị quan này là “Quan ba tràng và quan giáo tiền”. Sinh thời hai vị quan văn này làm chức “Giám sinh Quốc Tử Giám tuyên Hưng Hóa”. Hai vị quan văn này là chủ bút, là chủ biên toàn bộ gia phổ họ Phùng đại tông cả nước thời Hậu Lê, còn được lưu lại đến ngày nay(gia phổ viết chữ Hán Nôm). Hiện nay đã được con cháu họ Phùng đại tông phiên âm ra ngữ văn để con cháu đọc được.

Chuyện kể rằng, ngày trước(xưa) học trò học Hán văn, đến các kỳ thi Hương, thi Hội, theo thuyết tâm linh, các sĩ tử thường đến tại phần mộ hai vị cử nhân này làm lễ “Cầu may”, để đi thi đậu đạt, được công thành danh toại. Nên khu vực mộ hai ông gọi là “Văn Đàn” là vậy đó.

c. Phần kết

Các bậc thần Tổ - Tiên linh Phùng Thị xưa kia đã có công lớn chiêu dân, lập ấp, khai cơ, lập hương, chung làng Lộc Kén thời sơ khai, tính đến nay thời gian hơn 500 năm, biết bao công lớn nước mắt trộn lẫn mồ hôi, đã trút xuống địa danh này( chỉ làng Lộc Kén) để có được cơ ngơi như ngày nay. Công đức đó ví bằng trời cao, biển cả mênh mông, sơn tùng chất ngất thật là: Ân nặng tình sâu vậy.

Rằng: Tổ tiên xưa phấn đấu quên mình
Trải gian khó dày công mới có
Nhắc đến câu “nhân sinh do tổ”
Càng thấm sâu công đức cù lao
Công tổ tiên như biển cả non cao
Biển khôn cạn - Non đời nào cây hết…”
Các thế hệ đến sau tầng tầng lớp lớp
Đi cùng miền Nam-Bắc - Tây - Đông
Xây quê hương đất tổ anh hùng
Làm rạng danh là con Hồng cháu Lạc.

Con cháu các thế hệ hôm nay vinh hạnh, tự hào biết bao khi đọc trang Phổ kỷ oanh liệt ấy, lại càng thấy công lao các bậc thần Tổ - Tiên linh Phùng thị Đại tông là vô cùng to lớn.

Noi gương các bậc thần Tổ - Tiên linh con cháu Phùng Thị ngày nay nguyện ra sức phấn đấu trong học tập, công tác, lao động, trau dồi đạo đức, trong xây dựng quê hương, quyết tâm làm sáng tỏ chân lý: Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín. Phấn đấu làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội, công bằng, văn minh. Lý tưởng cao đẹp, là lòng mong ước tốt đẹp nhất đối với mọi con người từ xưa đến nay.

Trước hương linh các bậc thần Tổ - Tiên linh, con cháu các thế hệ kế tiếp xin hứa quyết làm kỳ được, đó là tâm huyết cũng là lời hứa danh dự không được lãng quên.

Di tích Lịch sử Văn hóa Phùng Thị xây cất đã lâu, trải qua nhiều thế hệ con cháu kế tiếp đến nay đã xuống cấp trầm trọng, xét thấy cần phải được phục chế, tôn tạo lại để bảo tồn Di tích.

Phần tộc phổ Đại tông phần lớn ghi chép bằng ngôn ngữ Hán Nôm, tữ ngữ uyên thâm, ý tứ sâu xa, kín đáo, trình độ người lược thuật, biên soạn, ghi chép, dẫn viện có hạn, chắc chắn không tránh khỏi khiếm khuyết mặt nọ, chỗ kia.Người biên soạn, ghi chép xin được quý ông, quý bà chỉ bảo cho để tư liệu được phần hoàn thiện hơn.
 
 

PHẦN III
HỌ PHÙNG NGHI THU - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

I. Trước khi được công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh

1. Cao cao tằng tổ khảo Triều trung hầu Phùng Bá Giàu và bà Nguyễn Thị Nhiễu, từ Nam Biên xứ được triều đình phái về vùng đất Hiếu Hạp cùng với cụ Hoàng Nhàn để thám sát, di dân lập ấp, sau đó mất táng tại Nam Biên xứ, di tích để lại ở Nghi Thu có Cồn Ông Giàu.

2. Cao cao tằng tổ khảo Quan viên tôn Phùng Bá Của và bà Cao Thị Bẹn người có công đóng góp đầu tiên việc khảo sát địa hình, cắm mốc ấp trại cho việc hình thành làng Kén vào những năm đầu thế kỷ 17, ông sinh hạ 2 người con:

  • Tiền thủ hiệp Phùng lĩnh công Phùng Bá Cải (húy Thiện) con trưởng.
  • Bản phú hiệu sinh Phùng Phúc Quyền con thứ. Ông đến tuổi thành niên theo việc vương sự xa quê Nam Đàn rồi lưu lạc tại các huyện Diễn Châu, Yên Thành…

3. Cao cao tằng tổ khảo Tiền thủ hiệp Phùng Phúc Thiện (húy Cải) - bà Hoàng Thị Kế, là con trai trưởng của Quan viên tôn Phùng Bá Của, mộ Bà Kế hiện táng tại Cồn Trại, nghĩa trang phường Nghi Thu.

4. Phần Lăng mộ của Đô đốc Đô Trung hầu Phùng Phúc Kiều - bà Lê Thị Loan táng tại mé tả đình Thu Lũng ở xóm Nam Hòa, nay là Khối 3, sau này là cơ quan hành chính xã Nghi Thu. Đến năm 1988 di dời ra đường Sào Nam. Ngày xưa trước Lăng có sân khấu hay diễn văn nghệ của xã.

5. Nhà thờ gồm Thượng điện, Trung điện ở tại tư gia nhà bác Thân - Tộc trưởng quản lý. Con cháu ngày kỵ về biện lễ, dâng hương ở xóm Tây Thống nay là Khối 4.

Đến khoảng năm 1995, các cụ cao niên nhận thấy con cháu ngày càng đông, Nhà thờ chật chội, tổ tiên xưa có công lớn, có sắc phong của triều đình. Cùng khi đó, Nhà nước ta có chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, các cụ Phùng Bá Thái - Tộc trưởng, Phùng Bá Chức C6, Phùng Bá Thủy C1N3, Phùng Cảnh Thành C6, Phùng Bá Kháng C2N3, Phùng Đức Thảo C8, Phùng Bá Tư C2N2, cùng các chi trưởng thành lập Ban Liên lạc Họ Phùng ở Nghi Thu và xúc tiến sưu tầm tài liệu, sắc phong, tộc phả, dịch từ chữ Hán ra chữ Quốc ngữ. Xây dựng kế hoạch, lập tờ trình đệ trình lên Nhà nước xét công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cho họ Phùng. Muốn vậy, khuôn viên Nhà thờ phải từ 300m2 trở lên và kế hoạch di dời nhà thờ ra bên cạnh Lăng mộ Tướng công Phùng Phúc Kiều.

Đến năm 1999, hoàn thành Thượng điện- Trung điện-  Hạ điện và được tỉnh Nghệ An cấp bằng Di tích Lịch sử Văn hóa theo quyết định số 34/1999 QĐ-UBND ngày 22tháng 4 năm 1999. Khuôn viên Nhà thờ và Lăng mộ khoảng 600m2.

Những đóng góp của con cháu để di dời và xây dựng Nhà thờ nơi mới như sau:

  • Mỗi đinh đóng 10.000 đồng và công lao động.
  • Gia đình cụ Phùng Bá Kháng cùng các con Phùng Bá Khoát, Phùng Bá Tuệ chi 2 nhánh 3 cung tiến xây dựng toàn bộ mặt tiền hạ điện, toàn bộ gạch lát nhà thờ Thượng - Trung -  Hạ điện.
  • Phùng Bá Tạo chi 5 cung tiến gỗ để làm Hạ điện.
  • Cụ Phùng Bá Thường C2N2 cung tiến lư hương, chiêng đồng, hạc đồng trong Thượng điện.
  • Gia đình cụ Phùng Trọng Khiếu C1N2 cung tiến 1 bộ bàn ghế gỗ, 1bộ cửa cổng bằng sắt.

II. Sau khi được công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa 

Năm 2000, Ban Liên lạc đổi tên là Hội đồng gia tộc gồm cụ Phùng Bá Thái - Tộc trưởng, Phùng Bá Thủy C1N3 - Chủ tịch HĐGT, Phùng Bá Kháng C2N2, Phùng Đức Thảo C8, Phùng Bá Tư C2N2, Phùng Cảnh Thành C6, Phùng Bá Mậu C5, Phùng Ngọc Phan C4: Xây dựng văn bia do cụ Thảo soạn văn, cổng Tam quan, bờ rào. Xin đất thêm 400m2. Tổng khuôn viên nhà thờ khoảng 1100m2

Năm 2014, Hội đồng gia tộc gồm các cụ: Phùng Bá Thái - Tộc trưởng,  Phùng Đức Thảo C8, Phùng Cảnh Thành C6, Phùng Bá Mậu C5, Phùng Minh Đức C3, Phùng Ngọc PhanC4, xin thêm 500m2 về phía đông, phía bắc. Xây dựng nhà chờ. Tổng khuôn viên Nhà thờ và Lăng mộ khoảng 1600m2.

Năm 2016, Hôi đồng gia tộc gồm các cụ: Phùng Bá Thái - Tộc trưởng, Phùng Bá Việt C2N2 làm Chủ tịch HĐGT, Phùng Bá Viên C1N3, Phùng Bá Lược C1N2, Phùng Bá Liên C8 xây dựng lát sân blốc, khuôn viên, nhà hóa đồ lễ.

  • Gia đình ông Phùng Bá Kháng C2N3 cung tiến gạch lát nền, vật liệu xây móng, tường Thượng - Trung - Hạ điện, tiền công thợ làm mặt tiền Hạ điện năm 1999.
  • Gia đình ông Phùng Bá Hùng C2N3 cung tiến nhà hóa đồ năm 2017, 2 con nghê bằng đá trước Hạ điện năm 2010.
  • Gia đình ông Phùng Bá Thường C2N2 cung tiến lư hương, hạc đồng trong Thượng điện năm 1999, lư hương bằng đá trước Thượng điện năm 2017.
  • Gia đình ông Phùng Đức Thảo C8 cung tiến 2 tượng Văn-Võ trước Thượng điện năm 1999, thiết kế cổng tam quan, thiết kế nhà và viết Văn bia.
  • Gia đình ông Phùng Trọng Khiếu C1N2 cung tiến cửa sắt năm 2004, 1 bộ bàn ghế gỗ năm 2005.
  • Ông Phùng Cảnh Thành C6, ông Phùng Bá Thủy C1N3 dịch, viết gia phả, văn tế, câu đối, các bút tích của dòng họ.
  • Ông Phùng Bá Tạo C5 cung tiến 1m3 gỗ làm Hạ điện năm 1999.
  • Gia đình Phùng Quốc Thể C1N4 cung tiến một cột cờ năm 2010.

Năm 2018, dòng họ được Nhà nước công nhận là Dòng họ Văn hóa.

Từ năm 1999 BLL, HĐGT đã xây dựng được Tộc ước, các nghi lễ như giỗ tổ, các ngày rằm, quy định quỹ khuyến học khuyến tài, hương khói, xây dựng, tôn tạo.
Đến nay (năm 2020), dòng họ có 8 chi, 220 hộ, 465 đinh và đã kết nối được với Họ Phùng Long Tráo, Yên Duệ (xã Khánh Hợp), phường Nghi Hương; họ Phùng Yên Lương, Mai Bảng (phường Nghi Thủy), Xuân Đình (xã Nghi Thạch), Yên Thành, Đô Lương, Nam Đàn, làthành viên của họ Phùng Nghệ An, họ Phùng Việt Nam.

Con cháu trong họ đang thi đua lao động sản xuất, học tập và công tác, xây dựng gia đình,phát huy truyền thống Dòng họ Văn hóa, Di tích lịch sử góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, hạnh phúc.

Dưới đây là một số hình ảnh:

















Thực hiện: Phùng Bá Thủy - Phùng Cảnh Thành - Phùng Bá Việt