(Thứ năm, 09/05/2019, 08:49 GMT+7)
    Sáng 8/5, UBND thành phố Hà Nội phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Hội đồng họ Phùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Bố cái Đại Vương Phùng Hưng - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp”. Đến dự Hội thảo có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý; Chủ trì Hội thảo gồm: Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội Tô Văn Động; Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam. 
    Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng là một nhân vật lịch sử tiêu biểu của đất nước Việt Nam và thành phố Hà Nội. Ông là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta chống lại ách đô hộ của phương Bắc ở thế kỷ thứ 8, lật đổ ách thống trị của nhà Đường, xây dựng đất nước; là người hết lòng vì nước, vì dân. Kể từ khi ông mất đến nay, thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng đã được lưu danh sử sách. Nhiều triều đại sau này đã sắc phong công trạng cho ông, nhân dân các vùng miền tưởng nhớ ơn đức của ông. Trong đó, số sắc phong tôn vinh ông là Thượng Đẳng Thần của các triều đại đã lên tới hàng trăm, tiêu biểu như: Đình làng Thổ Khối, xã Cự Khối, huyện Gia Lâm có 17 sắc phong; đền Lộc Điền, xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình có 14 sắc phong thần.
    Tại cuộc hội thảo, 25 tham luận của các nhà khoa học đã phản ánh toàn diện, khách quan và chân thực về Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Đây là cơ sở khoa học cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản về Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng.
     Sau đây là diễn văn khai mạc Hội thảo và một số hình ảnh của cuộc Hội thảo (Phần 1):
 
 
DIỄN VĂN KHAI MẠC HỘI THẢO KHOA HỌC
 
BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG PHÙNG HƯNG
 THÂN THẾ, CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP
 
    Hôm nay, trong không khí trang nghiêm tại Nhà Thái học - Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội, trước anh linh của các bậc tiên thánh, các vị vua hiền, đặc biệt là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, người có công lao lãnh đạo nhân dân ta đứng lên đánh đổ ách đô hộ nhà Đường đã trên 1200 năm, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Hội đồng họ Phùng Việt Nam trang trọng tổ chức Hội thảo Khoa học Bố cái Đại Vương Phùng Hưng - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp. Cuộc Hội thảo được thành phố Hà Nội, các nhà Khoa học Lịch sử và Hội đồng họ Phùng Việt Nam chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, được báo chí truyền thông và nhân dân hết sức quan tâm.
    Tôi xin gửi đến lời cảm ơn sâu sắc tới các nhà Khoa học Lịch sử, nhà nghiên cứu, nhà văn đã dành thời gian, sự tâm huyết có mặt trong Hội thảo hôm nay.
    Kính thưa các vị đại biểu khách quý và toàn thể Hội thảo!
    Đức vua Phùng Hưng là một danh nhân chính trị - lịch sử - văn hóa tiêu biểu của nước ta, của thành phố Hà Nội. Lăng của Đức vua Phùng Hưng hiện ở Kim Mã là một địa chỉ văn hóa có giá trị. Đình thờ Đức vua Phùng Hưng tại Cam Lâm - Đường Lâm - Sơn Tây vừa là địa chỉ văn hóa có tính giáo dục truyền thống cao, vừa là nơi sinh hoạt, hướng về nguồn cội của nhân dân cả nước, là niềm tự hào về du lịch của vùng đất cổ Đường Lâm, của thành phố Hà Nội. Có rất nhiều đình, đền, điểm thờ Đức vua Phùng Hưng trên cả nước, số sắc phong tôn vinh Ngài là Thượng Đẳng Thần của các triều đại đã lên tới hàng trăm, như tại đình làng Thổ Khối, xã Cự Khối, Gia Lâm có 17 sắc phong thần cho Bố Cái Đại Vương. Đền Lộc Điền, xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình có 14 sắc phong… đã cho thấy vai trò, vị trí quan trọng của vị vua tiêu biểu của đất nước. Một vị vua xứng danh với tinh thần quật cường của dân tộc Việt Nam anh hùng.
    Đất nước ta, trải hơn 4000 năm lịch sử, đã sinh ra nhiều vị vua hiền có công với nước, tạo dựng những võ công hiển hách, xây nền văn hiến vẻ vang, đồng hành cùng với nhân dân, tạc vào lịch sử những trang vàng truyền thống. Từ thời Hùng Vương dựng nước, tiếp đến các triều đại Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, Mai Hắc Đế, Phùng Vương, Ngô Vương, Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần - Hậu Lê - Nguyễn và thời đại Hồ Chí Minh hôm nay, nhân dân ta, đời nào cũng mong có được vị vua hiền sáng. Đức vua Phùng Hưng là một vị vua như vậy, là một danh nhân chính trị - lịch sử - văn hóa tiêu biểu. Các đời vua về sau đều sắc phong công trạng cho Ngài; nhân dân các vùng miền tưởng nhớ ơn đức của Ngài, đời đời thờ cúng, sử sách lưu danh, tiếng thơm truyền muôn thuở. Hiện nay, thành phố Hà Nội và nhiều nơi trên cả nước đã lấy tên Phùng Hưng để đặt thành tên phố, tên đường, trường học, đình làng, nơi thờ tự, đã nói nên sự tri ân của nhân dân và chính quyền đối với Đức vua Phùng Hưng.
    Cả cuộc đời Đức vua Phùng Hưng luôn vì nước, vì dân. Cuộc kháng chiến 24 năm do Phùng Hưng cùng các tướng lĩnh yêu nước lãnh đạo đánh đổ ách đô hộ nhà Đường ở thế kỷ thứ 8 là cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, thể hiện tinh thần quật cường của nước Việt chúng ta. Cuộc kháng chiến là một bản hùng ca, ca ngợi sự hi sinh, tinh thần mưu trí dũng cảm, trí tuệ và niềm tin tất thắng của chính nghĩa trước giặc ngoại xâm. Cuộc kháng chiến dù cách đây đã 12 thế kỷ nhưng tiếng vang của nó luôn còn mãi, bài học lịch sử từ cuộc kháng chiến thắng lợi vẫn còn nguyên giá trị tới hôm nay.
    Không chỉ hiện diện trong sử sách, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng còn từng hiển linh giúp vua Ngô Quyền đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, càng khẳng định sự linh ứng vì nước vì dân của Đức vua. Phùng Hưng và Ngô Quyền đã trở thành những vị anh hùng dân tộc, là tấm gương sáng, là điểm tựa tinh thần bền vững cho các thế hệ người Việt Nam chúng ta.
    Thành phố Hà Nội - Thành phố yêu chuộng hòa bình - Thành phố xanh thân yêu của chúng ta  đang trên đà phát triển mạnh mẽ với những thành tựu về Kinh tế, Chính trị, Văn hóa xã hội nổi trội. Chúng ta thật tự hào có những người con tiêu biểu được nhân dân xưng làm Bố Cái - cha mẹ như Đức vua Phùng Hưng. Các thế hệ học giả như Hoàng Đạo Thúy, Đào Duy Anh, Bùi Duy Tân, Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê từng nghiên cứu sâu sắc về Đức vua Phùng Hưng, luôn mong muốn có một cuộc Hội thảo Khoa học về Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Ngài. Ước nguyện ấy được kế tục bởi các Nhà khoa học lịch sử, Nhà nghiên cứu đương thời cũng là nguyện vọng và mong muốn chính đáng của Hội đồng họ Phùng Việt Nam, các nơi thờ tự Đức vua Phùng Hưng trên cả nước, để chúng ta có được cuộc hội thảo trang nghiêm và sâu sắc hôm nay.
    Với 25 tham luận khoa học về thân thế cuộc đời và sự nghiệp của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng của các Nhà khoa học lịch sử, chắc chắn sẽ phản ánh toàn diện, sâu sắc, sống động, chân thực, khoa học, khách quan về Đức vua Phùng Hưng. Đây sẽ là nguồn cổ vũ động viên lớn lao, dịp giáo dục truyền thống giàu ý nghĩa tới các thế hệ trẻ không chỉ của thành phố Hà Nội, mà còn đối với đất nước Việt Nam mến yêu của chúng ta.
    Trên tinh thần ấy, thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội, tôi long trọng tuyên bố Khai mạc Hội thảo Khoa học Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp.
    Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!
    Xin trân trọng cảm ơn!
 





Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại Hội thảo


Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam phát biểu tại Hội thảo




Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam phát biểu tại Hội thảo



Các Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà văn, Nhà nghiên cứu trình bày tham luận của mình về Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng:








Các Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại sân Nhà Thái học - Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội

 

Họ Phùng Việt Nam
hanoi.gov.vn