(Thứ tư, 24/02/2021, 08:37 GMT+7)

   Nhà thờ Họ Phùng Việt Nam tại Lâm Hà, Lâm Đồng được xây dựng và hoàn thành từ ý tưởng và ước nguyện của cố thượng tướng Phùng Thế Tài cùng một số anh em họ Phùng tại phía Nam có tâm huyết với dòng tộc. Sau 5 năm xây dựng đến ngày 19/12/2020 nhà thờ được khánh thành và đưa vào thờ tự. 

   Họ Phùng đã có mặt tại Việt Nam từ trước công nguyên. Trong quá trình hình thành phát triển chung của đất nước, họ đã tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước xuyên suốt từ hàng ngàn năm qua. Trong suốt 2 thiên niên kỷ qua, họ Phùng đã đồng hành cùng với những dòng họ khác, tham gia vào cuộc đấu tranh đánh đuổi quân xâm lược, xây dựng, mở mang bờ cỏi từ thế kỷ thứ nhất cho đến ngày nay. Theo dòng chảy lịch sử, ở bất kỳ thời kỳ nào, triều đại nào thì dòng họ Phùng cũng đều sinh ra những người con ưu tú, những danh nhân, danh thần, danh tướng nổi bậc đóng góp nhiều công lao cho dân tộc và đất nước.
   Cụ thể như ở thế kỷ thứ nhất dòng họ Phùng đã sinh ra nữ tướng Phùng Thị Chính là người phụ nữ thông minh, tài giỏi, có lòng yêu nước. Bà gia nhập vào đạo quân của Hai Bà Trưng cùng khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược nhà Hán lập nên nhiều chiến công vang dội. Bà Phùng Thị Chính được Hai Bà Trưng phong làm nữ tướng, tước là Nội Thị Tướng Quân Trung Lương Tướng.


Lẵng hoa Chúc mừng buổi Lễ của Đại tướng Phùng Quang Thanh -
nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng


Lẵng hoa Chúc mừng buổi Lễ của Tiến sĩ Phùng Quốc Hiển - Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam

   Đến thế kỷ thứ 6, họ Phùng Việt Nam lại sinh ra một danh tướng khác đó là Hữu Tướng Quân Phùng Thanh Hòa. Ông Hòa theo phò vua Lý Nam Đế đánh đuổi quân giặc nhà Lương bình định thiên hạ, xây dựng nên triều đại tiền Lý.
   Sau thời Lý Nam Đế, đến giữa cuối thế kỷ thứ 8, dòng họ Phùng lại tiếp tục sinh ra người anh hùng đất Việt đó là đức Bố cái đại vương Phùng Hưng, người đã lãnh đạo nhân dân ta đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường, lật đổ ách thống trị hà khắc của quân giặc phương Bắc thống nhất đất nước vào năm 791. Ông lên ngôi quân trưởng và được nhân dân ta suy tôn là Bố Cái Đại Vương.
   Những thế kỷ tiếp theo, dòng họ Phùng lại tiếp tục sinh ra các danh nhân, danh tướng tài năng như: Quan Thái phó Lưỡng triều Phùng Tá Chu, Hộ Bộ thượng thư Phùng Khắc Khoan….
   Đến thời đại Hồ Chí Minh, hậu duệ họ Phùng lại tiếp tục sinh ra những chính khách, những nhà chính trị, những danh tướng: Phùng Văn Cung, Phùng Thế Tài, Phùng Quang Thanh… để tiếp nối những truyền thống hào hùng của ông bà tổ tiên tiếp tục chiến đấu, xây dựng và bảo vệ non sông, tổ quốc Việt Nam.


Các Đại biểu tham dự buổi Lễ khánh thành Nhà thờ Họ Phùng Việt Nam tại Lâm Hà - Lâm Đồng

   Cùng với sự hình thành và phát triển chung của đất nước, con cháu họ Phùng theo chân các bậc tiền nhân, các vị vua hiền tướng giỏi mở mang bờ cõi về phía Nam, xây dựng làng xã, phát triển kinh tế xã hội để có một đất nước Việt Nam vẹn toàn và thống nhất.
   Qua những biến động của lịch sử và những biến thiên về chính trị xã hội, song song với quá trình phát triển và đi lên của dân tộc, đồng thời cũng vì mưu sinh, cuộc sống, những người con họ Phùng đã phải từ biệt nơi chôn nhau cắt rốn của mình tìm kiếm vùng đất mới để an cư lập nghiệp. Anh em từ đó bị xa cách về địa lý, lạc mất cành nhánh, song trong sâu thẳm tâm hồn của các thế hệ người con họ Phùng, hai từ “nguồn cội” như nhắc nhở không thể nào quên.
   Với tấm lòng hướng về tổ tiên, từ nhiều năm nay, các chi tộc họ Phùng trên khắp mọi miền đất nước đã kết nối thành công sợi dây dòng tộc với một ý nghĩa vô cùng sâu sắc “cây có cội, nước có nguồn”, những người con họ Phùng từ một cội mà ra.
   Để thể hiện tình đoàn kết và tính huyết thống của dòng tộc với tấm lòng hướng về tiên tổ, năm 2009, những người họ Phùng có tâm huyết và trách nhiệm với dòng họ như Trung tướng Phùng Khắc Đăng, tiến sĩ Phùng Thảo, nhà văn Phùng Văn Khai, ông Phùng Hệ đã đứng ra thành lập Ban liên lạc Họ Phùng Việt Nam (BLLHPVN) nhằm kết nối sợi dây dòng tộc xuyên suốt từ Bắc vào Nam với mục đích và tôn chỉ hết sức ý nghĩa hướng về tổ tiên, nguồn cội.


Nhà thơ - Nhà báo Phùng Hiệu phát biểu về quá trình xây dựng và hoàn thành Nhà thờ

   Sau 10 năm thành lập, đến nay, trên cả nước đã có hàng chục chi tộc họ Phùng được kết nối và hình thành dựa theo mô hình Trung ương, địa phương nhất quán.
   Trong 10 năm qua, bằng sự góp sức nhiệt tình từ các thành viên BLLHPVN và các anh em họ Phùng trên mọi miền đất nước đã góp công  sức và tiền của để tổ chức được nhiều sự kiện quan trọng, thể hiện sự tương thân, tương ái trong dòng họ, tạo dựng nhiều mối quan hệ xã hội, động viên các chi họ tôn tạo lại những nơi thờ tự tổ tiên, khuyến học, khuyến tài… Chính những việc làm đó như một sợi dây cố kết chặt chẽ anh em trong dòng tộc với nhau.
   Năm 2018, trong cuộc Họp mặt gặp gỡ họ Phùng toàn quốc được tổ chức tại Thiên Sơn, Ba Vì, Ban Liên Lạc Họ Phùng Việt Nam được đổi tên thành Hội Đồng Họ Phùng Việt Nam (HĐHPVN) do trung tướng Phùng Khắc Đăng làm Chủ tịch.
Cuộc họp đi đến thống nhất thành lập các Hội đồng họ Phùng các tỉnh trực thuộc Hội đồng họ Phùng khu vực và Hội đồng họ Phùng khu vực trực thuộc Hội đồng họ Phùng Việt Nam theo mô hình tháp. Theo đó, họ Phùng khu Miền Trung - Tây Nguyên do ông Phùng Tấn Viết, Phó chủ tịch HĐHPVN làm Chủ tịch Hội đồng Họ Phùng Miền Trung - Tây Nguyên, Khu vực phía Nam do ông Phùng Quốc Mẫn Phó chủ tịch HĐHPVN phụ trách.


Ông Phùng Quốc Mẫn - Phó Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ

   Hưởng ứng chủ trương kết nối dòng tộc từ Bắc vào Nam, nhiều anh em họ Phùng tại Phía Nam cũng đã bắt tay vào việc thành lập các hội đồng chi tộc, tổ chức, tìm kiếm và kết nối với những người họ Phùng đang sinh sống rải rác trên các tỉnh thành phía Nam để hình thành các Ban liên lạc làm phương tiện hỗ trợ, sẻ chia theo tinh thần và truyền thống tương thân tương ái, cùng nhau hướng về nguồn cội. 
   Bên cạnh những việc làm thiết thực đó, để thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn những người con họ Phùng phía Nam còn mong muốn làm sao ở vùng đất phương Nam này có một nhà thờ tộc để cho con cháu ngày nay và thế hệ mai sau có điều kiện đến thắp hương cúng tế ông bà, tưởng nhớ đến tổ tiên, nguồn cội… đó là điều mong ước chung của những người con họ Phùng Phương Nam sau nhiều năm vẫn chưa thực hiện được.
   May sao trong thời gian này, công việc hết sức ý nghĩa đó được một người con của họ Phùng nung nấu và quyết tâm kêu gọi những người anh em cùng chung tay thực hiện.


Ông Phùng Tấn Viết - Phó Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ

   Việc xây dựng nhà thờ Họ Phùng Việt Nam tại vùng đất này, từ lâu đã là ý tưởng và di nguyện của cố thượng tướng Phùng Thế Tài, Người cận vệ đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam, từng là Phó tổng tham mưu trưởng QĐNDVN. Trong một lần công tác tại vùng đất Tây Nguyên, thời điểm đó là vào năm 1946, ông tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong phái đoàn Việt Nam tham dự hội nghị trù bị Đà Lạt với phái đoàn Pháp. Trong những ngày lưu trú tại đây, ông bỗng yêu thích vùng đất Lâm Đồng vì nơi đây không khí trong lành thoáng mát với núi đồi thoải thoải, cây cối tốt tươi, phong cảnh hữu tình, bốn mùa mưa nắng. Từ đó, thượng tướng Phùng Thế Tài từng ước mơ ngày sau, tại vùng đất này, sẽ có một nhà thờ tộc Phùng để thờ cúng tổ tiên, ông bà tiền hiền, những vị danh tướng, danh thần họ Phùng từng có công với dân tộc và đất nước. Bên cạnh đó là một ngôi nhà lưu niệm nho nhỏ, nằm cạnh nhà thờ tộc Phùng cùng một tấm bia ghi dấu tên mình để lưu giữ những kỷ vật, kỷ niệm của Bác Hồ và những tướng lĩnh, những người đồng chí đã cùng Thượng tướng cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nhưng ước mơ đó bị thời gian phai nhạt dần vì tuổi cao sức yếu và khó khăn đi lại để thực hiện. Sau ngày ông mất (21/3/2014), gia đình, dòng tộc và đặc biệt là người vợ của ông đã cùng quyết tâm thực hiện di nguyện của ông.


Nhà thơ - Nhà báo Phùng Hiệu và anh Phùng Văn Luyện nhận tiền công đức của Hội đồng họ Phùng Việt Nam và
Hội đồng họ Phùng phía Nam

   Để thực hiện ước mơ này, người con út của ông là tiến sĩ Phùng Thế Tám đã cùng với hai người anh em trong họ là nhà báo Phùng Hiệu, đại úy Phùng Quốc Hưng và một số anh em khác đã nhiều lần đi đến vùng đất Lâm Đồng tìm một khu đất phù hợp với ước nguyện của ông. Với số tiền ít ỏi vài trăm trăm triệu, nhưng nhóm anh em họ Phùng vẫn quyết tâm đi tìm kiếm và hy vọng sẽ liên kết được những người anh em cùng họ trong cả nước, những người đồng ý tưởng và có tâm trong việc chung tay công đức, phát triển dòng họ, xây dựng đền đài thờ cúng tổ tiên. Và trong những tháng ngày rong ruỗi trên trên vùng đất cao nguyên Lâm Hà, may sao, vào giữa tháng 9/2014, qua kết nối với những người anh em trong họ, nhóm anh Phùng Thế Tám gặp được hai người anh em cùng họ là anh Phùng Văn Quyến và Phùng Văn Luyện, cả hai đều là những người nhiệt tình, có tâm huyết với công việc của dòng họ, biết nghĩ đến công ơn của những bậc tiền hiền, tiên tổ. Sau khi nghe nhóm anh Phùng Thế Tám trình bày về nguyện vọng của thượng tướng Phùng Thế Tài, cả gia đình anh Quyến đều nhận thấy đây cũng là nguyện vọng chung của những người con họ Phùng phía Nam, mà đặc biệt là những con họ Phùng đang sinh sống tại vùng đất Lâm Hà này, thì tất cả đều mừng rỡ lập tức ủng hộ ý tưởng và công việc thiêng liêng này. Và ngay sau đó, anh Phùng Văn Luyện quyết định công đức ngay 3.000 m2 đất tại xã Tân Hà, Huyện Lâm Hà (tức khu đất nhà thờ này) để làm nhà thờ tộc và khu tưởng niệm cố thượng tướng.
   Đến đầu năm 2015, nhóm anh em họ Phùng gồm; Tiến sĩ Phùng Thế Tám, nhà thơ Phùng Hiệu, anh Phùng Văn Quyến, Phùng Văn Luyện, Phùng Quốc Hưng và một số anh em họ Phùng ở các tỉnh thành như TPHCM, Đồng Nai, Lâm Đồng nhóm họp và quyết định thành Lập Ban Quản Lý xây dựng nhà thờ họ Phùng, Khu lưu niệm và Đài tưởng niệm Thượng tướng Phùng Thế Tài.
   Cũng trong thời gian này, anh Phùng Văn Luyện cùng vợ ký giấy giao đất cho Ban Chủ trương xây dựng nhà thờ để tiến hành khởi công xây dựng. Nhà báo Phùng Hiệu tiến hành vẽ bản thiết kế xây dựng và triển khai công tác tuyên truyền kêu gọi con em họ Phùng cùng đóng góp kinh phí thực hiện.


Thiếu tướng Phùng Thế Quảng chụp ảnh lưu niệm cùng anh em họ Phùng tại buổi Lễ khánh thành 

   Ngày 9/4/2015, nhà thờ chính thức khởi công xây dựng. Tuy nhiên, để có kinh phí xây dựng một khu liên hợp gồm nhà thờ tộc, nhà lưu niệm và đài tưởng niệm từ việc đóng góp từ những người trong họ là điều không dễ dàng, vì thế, thời gian, tiến độ cũng như kinh phí xây dựng bị chậm so với dự kiến ban đầu. Sau hơn 1 năm vận động, số tiền đóng góp của vài chục người con cháu họ Phùng bao gồm các thành viên trong Ban quản lý xây dựng vẫn không đủ để san lấp mặt bằng và thiết lập hạ tầng cơ sở. Thấy vậy, tiến sĩ Phùng Thế Tám dùng số tiền của gia đình anh cùng góp vào để hoàn thiện mặt bằng, hạ tầng, đường xá và xây trước Đài tưởng niệm cho cố thượng tướng Phùng Thế Tài trong khuôn viên nhà thờ. Cuối năm 2015, Đài tưởng niệm được xây dựng hoàn thành và khánh thành trước khi khởi công xây dựng nhà thờ tộc.
   Tuy Đài tưởng niệm thượng tướng đã xây xong, nhưng Ban Quản lý dự án và những người anh em họ Phùng vẫn còn trăn trở vì chưa có kinh phí để xây dựng nhà thờ theo dự kiến ban đầu. Mãi đến cuối năm 2018, bằng sự quyết tâm và trách nhiệm của mình, anh Phùng Văn Luyện cùng nhà thơ Phùng Hiệu đã quyết định tự cúng dường thêm kinh phí sao cho đủ để xây dựng nhà thờ theo kế hoạch đề ra. Theo dự toán, để xây dựng hoàn thành nhà thờ cần phải có khoảng trên 2 tỷ đồng. Để có đủ nguồn kinh phí này, Ban chủ trương, BQLXD nhà thờ tổ chức cuộc họp khẩn. Tại cuộc họp, Anh Phùng Văn Luyện quyết định công đức thêm 1 tỷ đồng, nhà báo Phùng Hiệu công đức tiếp 350 triệu đồng, anh Phùng Văn Quyến 60 triệu đồng và lập tức tiến hành xây dựng ngay sau cuộc họp vài ngày. Đồng thời, trong quá trình xây dựng, BQL tiếp tục kêu gọi sự đóng góp từ những anh em họ Phùng có tâm với dòng họ sao cho đủ số tiền theo dự toán đề ra. Theo thiết kế, Nhà thờ được xây dựng hướng về phía Tây Bắc với phía trước là hồ nước rộng lớn, có núi đồi nhấp nhô bao bọc hợp với phong thủy núi sông, với thiên nhiên trong lành, phong cảnh hữu tình, đất trời giao cảm đúng như ước nguyện của cố thượng tướng Phùng Thế Tài. Bên phải nhà thờ là Đài tưởng niệm, bên trái là nhà khách sẽ được tiếp tục xây dựng trong thời gian tới để hình thành một khu liên hợp mang tính tâm linh pha lẫn ý nghĩa lịch sử và sắc thái văn hóa dân tộc.


Thiếu tướng Phùng Thế Quảng và Nhà thơ - Nhà báo Phùng Hiệu
trước Đài tưởng niệm cố Thượng tướng Phùng Thế Tài

   Nhờ vào sự phát tâm và quyết tâm này của anh Luyện và anh Hiệu và các anh em trong họ, nhà thờ được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phần thô được cơ bản được hoàn thành ngay sau đó vài tháng. Nhận thấy phần thân của nhà thờ đã hoàn thành, nhiều anh em trong họ và các Hội đồng chi tộc, các đoàn thể trên cả nước vô cùng phấn khởi, Trung tướng Phùng Khắc Đăng chủ tịch HĐHPVN và các anh Phùng Quốc Mẫn, Phùng Tấn Viết PCT - HĐHPVN cùng vợ đã đích thân đến tận nơi động viên BQLXD và đóng góp thêm một phần kinh phí để đủ hoàn thiện phần nội thất còn lại. Ngoài ra, trong thời gian xây dựng, BQL còn được sự hỗ trợ của rất nhiều anh em họ Phùng, điều đó là sự động viên, sự khích lệ để BQLXD nhà thờ có thêm động lực và sự quyết tâm xây dựng nhà thờ đúng theo tiến độ và kế hoạch đề ra. Và đến tháng 10/2020, nhà thờ Họ Phùng Việt Nam đã hoàn thành đúng theo thiết kế.
   Tháng 6 năm 2020, nhà báo nhà thơ Phùng Hiệu và một số anh em họ Phùng gồm Phùng Văn Luyện, Phùng Văn Khai, Phùng Quốc Hưng đã tiếp tục tài trợ kinh phí để đúc 3 pho tượng danh nhân họ Phùng là Đức vua Phùng Hưng, Quan Thái phó Phùng Tá Chu và Trạng bùng Phùng Khắc Khoan để đưa vào thờ cúng tại nhà thờ Họ Phùng Việt Nam tại phía Nam này. Ý tưởng, thiết kế và tạo mẫu do nhà thơ Phùng Hiệu thực hiện.
   Ngày 1/11/2020, ba pho tượng đồng nặng hơn 500 cân được nhà báo Phùng Hiệu thỉnh về cúng an vị tại nhà thờ.
   Ngày 29/12/2020, nhà thờ chính thức được Ban chủ trương, Ban QLXD tổ chức làm lễ khánh thành và đưa vào thờ tự.
   Trong buổi lễ khánh thành, các tướng lĩnh, các quan chức họ Phùng như: Đại tướng Phùng Quang Thanh - Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ quốc phòng, Tiến sĩ Phùng Quốc Hiển - Phó Chủ tịch Quốc Hội, Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Chủ tịch HĐHPVN đã gửi lãng hoa đến chúc mừng. Đồng thời trong buổi lễ còn có sự tham dự của chính quyền địa phương cùng hàng trăm anh em, con cháu, dâu rể họ Phùng cùng đến tham dự và thắp nén tâm hương hướng về cội nguồn để tưởng nhớ đến ông bà, tiên tổ dòng tộc.
   Có thể khẳng định, Nhà thờ Họ Phùng Việt Nam tại Lâm Hà, Lâm Đồng được xây dựng và hoàn thành như ước nguyện đã mang lại một ý nghĩa hết sức thiêng liêng và nguồn cội. Đó chính là niềm vui, là niềm tự hào nhất của Ban chủ trương, BQLXD nhà thờ cũng như toàn thể con cháu họ Phùng trên toàn quốc.

                         

 
                                Nhà thơ - nhà báo Phùng Hiệu
Họ Phùng Việt Nam