(Thứ sáu, 19/07/2019, 04:43 GMT+7)

NGƯỜI  ĐÀN BÀ XỨNG DANH CÔNG LÝ[1]

 
Hơn 35 năm làm nghề Kiểm sát, tôi đã trực tiếp hoặc chỉ đạo giải quyết hàng ngàn vụ án. Nếu ai hỏi, vụ án nào gây ấn tượng mạnh nhất thì câu trả lời, đó là vụ án Tạ Đình Đề. Và nếu ai hỏi, tấm gương nào là bình dị và cao đẹp, để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc trong việc bảo vệ công lý, thì một trong số ít người như thế là Thẩm phán Phùng Lê Trân, Chủ tọa Hội đồng xét xử vụ án Tạ Đình Đề.
Thời bấy giờ và cho đến hiện nay khi nói đến vụ án Tạ Đình Đề, ai cũng nhắc đến tên tuổi ông. Đấy là chuyện đương nhiên bởi ông là nhân vật trung tâm, nhân vật chính của vụ án nổi tiếng này.
Thế nhưng, không mấy người biết và nhắc đến vị Chủ tọa phiên tòa và lý do gì để bà tuyên bố Tạ Đình Đề không phạm tội. Ngay tại thời điểm ấy và cho đến tận bây giờ, bản án tuyên Tạ Đình Đề không phạm tội và quyết định tha bổng ông tại Tòa là quyết định mang tính lịch sử tư pháp hiện đại, mà thế hệ hậu sinh của các cơ quan tư pháp Việt Nam có lẽ phải lấy đó làm gương. Thời gian đã trôi qua nhưng có một điều cần phải nhắc lại: Đằng sau quyết định của bản án là cuộc đấu tranh vô cùng cam go, phức tạp của nữ Thẩm phán dũng cảm, giàu lòng nhân ái, độ lượng, bao dung. Đó là bà Phùng Lê Trân, Ủy viên Ủy ban Thẩm phán, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ tọa phiên tòa. Người nữ Thẩm phán này đã gắn liền với vụ án nổi tiếng Tạ Đình Đề như là biểu hiện về sự công bằng nghiêm minh và dân chủ của pháp luật.
Bà Phùng Lê Trân sinh ra trong một gia đình có 9 anh em. Bà là chị cả. Em trai bà là bác Phùng Văn Tửu, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội. Phùng Văn Tửu (em) là Giáo sư, nhà giáo ưu tú, Phùng Văn Tửu (Ba Toàn), nhà giáo ưu tú, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng cơ khí nông nghiệp, và Phùng Văn Tửu (Tư Nít) là kỹ sư Đại học Nông nghiệp, khoa Cơ khí, tình nguyện đi bộ đội, sĩ quan quân đội chuyên ngành về làm lãnh đạo ở Nông trường Quân đội Ba Vì, sau đó nghỉ hưu. Bố bà là nhà giáo yêu nước Phùng Văn Trinh. Dù khó khăn nhưng gia đình hai cụ Phùng Văn Trinh và Lê Thị Cầu đã tạo mọi điều kiện cho các con ăn học thành người để được bằng chị, bằng em. Với vai trò là chị cả trong gia đình, Phùng Lê Trân phải chịu nhiều thiệt thòi để gánh vác việc gia đình cho các em học tập.
Tuổi thơ của bà chịu nhiều vất vả gian truân bởi các hủ tục phong kiến lạc hậu thời bấy giờ. Bà trở thành cô dâu khi mới 13 tuổi. Nhưng rồi, với nghị lực phi thường và tinh thần dũng cảm bà đã quyết định đi theo cách mạng từ thời đất nước còn bị thực dân Pháp xâm lược. Từ đó, cuộc đời người phụ nữ này gắn liền với ngành Tòa án nhân dân. Báo Tiền Phong tháng 12-1994 có đăng bài viết của Minh Tâm về Phùng Lê Trân:
“Công chúng Hà Nội đã từng dành rất nhiều hoa để tặng ông Tạ Đình Đề khi ông được Tòa tuyên trắng án vào những ngày tháng 6-1976. Nhiều năm về sau, người ta sẽ còn trân trọng, kính nể con người huyện thoại ấy. Song còn có một “huyện thoại” khác “làm nền” cho Tạ Đình Đề càng trở nên nổi tiếng hơn, mà công chúng còn ít biết đến. Đó là nữ Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa xử “vụ Tạ Đình Đề”... người đã nhân danh công lý và đạo lý mà vượt lên tất cả...
Gặp bà nguyên Chủ tọa phiên tòa vào những ngày cuối thu 1994 này, nhìn dáng đi tập tễnh và gương mặt nhiều nếp nhăn của tuổi 74, tôi không khỏi thảng thốt: Bà đã héo hon đến thế ư? Không, vẫn còn đó, đôi mắt kiên nghị luôn nhìn thẳng, mà thời gian và cả những nỗi đau cũng không tàn phá nổi.
... Sáu mươi năm về trước, sinh ra và chưa kịp thành thiếu nữ, cô bé Lê Trân phải cắp nón đi làm dâu nhà người. Ai mà ngờ được những năm tháng dậy thì của cô gái làng gốm Bát Tràng lại là những chuỗi ngày buồn tủi, u ám. 13 tuổi lấy chồng, 14 tuổi phải chịu tang bố chồng, 15 tuổi mẹ kế chồng mất, 16 tuổi, con trưởng bà cả lại nối gót theo cha... Vành khăn tang như nỗi đau định mệnh đè lên tuổi thơ của Lê Trân.
Song buồn hơn cả những đám tang là cuộc trốn chạy đức ông chồng không có tình yêu của cô gái bướng bỉnh. Lê Trân cam chịu “nhập gia tùy tục” theo đúng lễ giáo phong kiến, nghĩa là làm dâu cật lực, làm dâu hết mình với nhà chồng. Còn làm vợ thì không. Đêm tân hôn, cô dâu đóng trái cửa buồng, chong đèn thức trắng, kiên quyết không cho chú rể “động phòng”. Đêm hôm sau, đêm sau nữa cũng vậy. Anh chồng thỏ non hạ mình dỗ ngon, dỗ ngọt. Trước thì dỗ miệng, sau kết hợp cả chân, tay mà vẫn đành lòng...(!) Nhiều hôm, chồng chui vào buồng “phục kích”, cô vợ phát hiện được lại trốn sang hàng xóm, tá túc qua đêm. Có bận, cô lặn một mạch từ Hải Phòng về nhà mẹ đẻ ở Bát Tràng, Hà Nội, báo hại, nhà chồng đi tìm nhao nhác... Cô quyết liệt đến mức, hễ vợ đã ở trong buồng, thì tất chồng phải ở ngoài. Chỉ có thể thỏa hiệp đồng mâm nhưng chẳng thể đồng sàng! Cuộc ú tim đuổi bắt triền miên nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm mà chẳng hiểu cách nào mà cô gái Bát Tràng Hà Nội vẫn giữ mình nguyên vẹn cho người chồng mà cô chọn, thành hôn năm 1956. Ông tên là Nguyễn Văn Trí, Việt Kiều hồi hương, đảng viên Đảng cộng sản Pháp. Sau này ông là Trưởng phòng Kỹ thuật, kiêm Thường trực Đảng ủy Nhà máy Da Thụy Khuê. Ông đã mất năm 1986.
Cũng cần phải nói thêm rằng, để tự giải thoát, cô gái Lê Trân đã bí mật tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1944. Năm 1948, cô bị giặc bắt ở Hòn Gai. Và, cho tới nay, kỷ niệm về những ngày ăn cơm tù vẫn được lưu giữ mãi. Ấy là bộ răng giả mà cô phải mang trước “hạn định” nhiều năm, từ lúc con gái. Răng thật của cô bị thực dân Pháp đã “ưu ái” vặt trụi lúc ở tù, vì “can tội” dám thương xót, chăm sóc bạn tù bị tra tấn khi còn chưa biết họ là ai.
Sẽ không bao giờ Lê Trân quên được những ngày hoạt động sôi nổi ấy. Dù gian khổ, nhưng chính cách mạng với tất cả ưu việt của chế độ mới, đã giải thoát Lê Trân khỏi ràng buộc của tờ hôn thú cũ. Rồi, cũng cách mạng, đã dẫn dắt Lê Trân vào ngành Tòa án từ năm 1951. Lúc đầu cô làm ở Tòa án Quảng Yên, sau đi học nghiệp vụ về làm ở Tòa án Ba Đình. Rồi lên thành phố Hà Nội, làm hội thẩm, Thẩm phán...
Nhiều năm đã trôi qua, người dân nô lệ đã làm chủ cuộc sống mới độc lập tự do lâu rồi. Và, số phận cô gái làng gốm Bát Tràng đã khác xưa nhiều lắm. Tuy thế, nỗi khổ “trốn chồng” bởi áp đặt của chế độ phong kiến vẫn là nỗi ám ảnh đè nặng tâm can bà. Và hẳn là vì thế, mà những người thấu hiểu bà không hề tỏ ra ngạc nhiên khi bà kiên quyết từ chối mọi áp đặt bất luận nguồn gốc. Nhắc lại chuyện cũ, giọng bà lào thào, đứt quãng:
- Ông Đề không có tội. Tôi không thể... vẽ tội cho ông. Rất nhiều người không có thiện cảm với ông Đề đòi phải xử nặng. Tù giam... 10,15 năm chi đó, tôi không nghe. Sau, thấy diễn biến phiên tòa... khó luận tội, dư luận... nghiêng về phía bị cáo, lại có người “gợi ý”: Ít nhất phải... án treo... 18 tháng. Nhiều lúc, nhiều lúc... điên cái đầu! Trời ạ. Sao mà lắm... “gợi ý” thế?
Bà ngừng lời đưa tay vuốt ngực. Anh con trai độc nhất của bà, làm ở nhà máy Da Thụy Khuê, đã phải nghỉ việc không lương hơn 2 năm nay, phân bua với tôi: Mẹ em yếu lắm rồi. Bà đau tim từ sau vụ ông Đề. Anh cho biết: Khi sắp xử ông Đề, không khí nhà anh căng lắm. Nhiều người đến gặp bà vào cả buổi trưa, buổi tối. Nhà chật, lại chuyện kín, cậu bé 17 tuổi - là anh lúc ấy luôn bị đuổi... đi chơi. Có hôm, vào nửa đêm, còn có người gõ cửa lục mẹ em dậy bàn cãi cái chi đó ở ngoài hành lang. Cả ngày hôm khai mạc phiên tòa, bố anh không đi làm, cũng không đi xem, chỉ bồn chồn hết ngồi lại đứng trong căn phòng 16,2m2, mà tôi đang ngồi bữa nay. Trước khi đi bà đã nói với ông: “Hôm nay có thể em không về” (?).
Bà Trân tiếp tục câu chuyện:
- Nhưng mà tôi vẫn đi, vẫn xử. Và đã được chất vấn, nhiều, nhiều lắm, cả những người chưa bao giờ tôi biết mặt cũng cáu, cáu lắm!... Sau đó thì... tôi ốm. Nằm viện hơn một tháng... lại được giao xử một vụ nữa... nhưng mà... không thể xử theo luật, tôi chối... trả hồ sơ cho Viện kiểm sát. Và rồi, nghỉ luôn tới hôm nay!
- Từ bất đến nay, cô sống bình yên chứ?
- À lương hưu... 343 ngàn! Đôi khi cũng... buồn lại vắng ông nhà tôi!
Tôi lại hỏi dè dặt:
- Sau vụ Tạ Đình Đề, cô có... day dứt điều gì không?
Bà lắc đầu:
- Có chi mà day dứt! Cuộc đời đã giúp tôi... tự do giúp tôi có một gia đình hạnh phúc. Tôi nỡ lòng nào xử oan cho ai!
- Nhiều người cho rằng, vì vụ Tạ Đình Đề mà cô... phải nghỉ việc?
Bà lại lắc đầu, xua tay:
- Mặc kệ thiên hạ!... Tôi nghỉ năm 1978 đã “quá hưu” 2 tuổi. Không có vụ ông Đề cũng phải nghỉ thôi... Đã tới cái tuổi không tham được nữa cũng như các anh khi không viết được nữa thì coi như chẳng còn chi để nói!
Tôi dợm miệng đình tiếp lời thì anh con trai bà đã lên tiếng “mẹ quá yếu sức rồi! Đã bắt đầu lẫn đấy!”. Anh lấy thuốc, rót nước cho mẹ. Và tôi hiểu. Đành cúi đầu cảm ơn rồi ra về.
Tôi còn đến thăm bà tại căn hộ gác 3, số 7 Cao Bá Quát (Hà Nội) mấy lần nữa. Nhưng tuyệt nhiên không một lần bà nhắc lại chuyện cũ. Còn chuyện mới, thì ngay cả anh con trai độc nhất của bà cũng chẳng hiểu bà muốn nói điều gì. Anh bảo tôi, dạo này mẹ anh âm thầm như cái bóng. Nhiều hôm ngồi lặng lẽ một chỗ cả buổi, y như người niệm Phật”.
Đọc bài báo trên đây tôi vô cùng cảm phục ý chí, tâm đức của vị nữ Thẩm phán Phùng Lê Trân. Bà đã suy nghĩ và hành động vì lẽ phải cao cả, vì sự công bằng của sự thật. Nhân danh công lý bà đã hành động đúng đắn dù biết những hệ lụy không hay ho đang đón chờ mình ở phía trước.
Bà là nữ Thẩm phán được giới luật gia Việt Nam kính nể. Sự kính nể đó trước hết là do bà dám đi đến tận cùng của sự thật để bảo vệ lẽ phải. Vụ án Tạ Đình Đề là một minh chứng sinh động. Một vụ án vô cùng phức tạp đan chéo nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng bà đã khéo léo, đưa tất cả các tài liệu, chứng lý của hồ sơ vụ án lên bàn nghị sự. Tất cả đều phải được công khai, phát biểu dân chủ, khách quan, không được định kiến để đi đến tận cùng của sự thật và lẽ phải. Bà rất cương quyết nhưng cũng không kém phần nhẹ nhàng, vừa thận trọng vừa khách quan. Bà không hề áp đặt, ngược lại luôn đề cao dân chủ trong phát biểu, đối đáp tại phiên tòa để tìm ra sự thật. Cho đến bây giờ, nữ Thẩm phán Phùng Lê Trân và bản án lịch sử Tạ Đình Đề luôn là bài học tư pháp sống động để giới luật gia có thể rút ra những kinh nghiệm bổ ích trong công tác bảo vệ chân lý, bảo vệ lẽ phải. Vụ án Tạ Đình Đề là cơ sở thực tiễn sinh động để các nhà làm luật nước nhà đổi mới các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự trong việc tranh luận, đối đáp giữa bị cáo, người bào chữa với người buộc tội.
Lịch sử là công bằng. Hãy công bằng với lịch sử. Một khi chưa có sự công bằng với quá khứ thì khó có công bằng với hiện tại và không dễ dàng gì công bằng với tương lai. Thế hệ hậu sinh như chúng ta, hẳn có nhiều suy ngẫm từ những góc khuất của Tạ Đình Đề!
Hồng phúc thay cho đất nước Việt Nam ta không bao giờ vắng bóng những phụ nữ như Phùng Lê Trân.
 

 


[1] Trích trong sách: “Tạ Đình Đề những góc khuất cuộc đời” - TS. Dương Thanh Biển - NXB Hội Nhà văn - 2014