(Thứ sáu, 19/02/2016, 08:32 GMT+7)

HỒI THỨ MƯỜI BỐN

Phùng Hạp Khanh tế núi Nghĩa Lĩnh

Trương Bá Nghi trưng tập binh thuyền

 

Đây nói tiếp chuyện Phùng Công Phấn, Vũ Khánh, Bồ Phá Giang và các tướng dưới chân núi Ngõa Cương.

Luôn mấy hôm, thấy trên núi Ngõa Cương có vẻ im ắng khác thường. Lá cờ súy mang chữ Cao vẫn còn đó song dường như đã có điều gì khác thường xảy ra. Phùng công tử cho triệu tập các tướng về trướng hổ thong thả nói:

- Núi Ngõa Cương luôn mấy hôm không thấy quân tướng Đường triều động tĩnh gì hẳn chúng đã rút về Vũ Định chăng?

Vũ Khánh trầm ngâm giây lát tiến lên thưa:

- Thưa Phùng công tử! Có lẽ đại quân của chúng đã rút rồi. Nay muốn biết được hư thực ta cho năm trăm dũng sĩ có biết tài leo núi tiến đánh thăm dò một mặt đánh trống thách giặc ra khiêu chiến. Nếu giặc kia chưa rút ắt sẽ xuất tướng đối địch. Còn chúng chỉ hư trương thanh thế rồi lăn gỗ đá xuống ắt đại quân đã rút về Vũ Châu. Biết được quân tình giặc ta sẽ tính kế tiếp.

Phùng công tử cho là phải bèn tập hợp năm trăm dũng sĩ tay cầm khiên đồng lưng giắt đoản đao dặn cứ như thế như thế rồi cho nổi cồng chiêng, trống trận sẵn sàng vượt núi khí thế rất hùng dũng.

Trên núi Ngõa Cương các trại giặc vẫn im phăng phắc không động tĩnh gì.

Phùng công tử phất cờ hiệu, lập tức năm trăm dũng sĩ chia làm năm đội hò reo xông thẳng lên đỉnh núi nơi cắm lá cờ súy của giặc.

Mới được một đoạn, một loạt pháo nổ ầm ầm trên đỉnh núi đồng thời gỗ đá ào ạt lăn xuống. Được căn dặn từ trước, năm đội dũng sĩ mau chóng dạt sang hai bên bìa rừng. Gỗ đá ầm ầm lao xuống một lúc trên núi Ngõa Cương lại lặng phắc không có bóng quân tướng Đường triều nào cả. Phùng công tử hạ lệnh thu binh rồi triệu các tướng tới thương nghị. Phùng Công tử nói:

- Quả như Vũ tướng quân dự định. Đại quân giặc đã rút về Vũ Định rồi chúng chỉ để độ hơn nghìn quân giữ núi đề phòng quân ta tập kích phía sau. Nay ta cũng nhân đó rút đại binh về Phong Châu. Trong số các tướng, ai dám ở lại mai phục giặc?

Phùng công tử vừa dứt lời, hai tướng Đoàn Phương và Đặng Siêu cùng bước ra nói:

- Tiểu tướng chưa lập được công lao gì, xin Phùng công tử cho ở đây chặn giặc. Quyết không để giặc kia vượt qua được chiến lũy này.

Phùng công tử cảm kích nói:

- Hai tướng Đoàn Phương, Đặng Siêu cùng với Bồ tướng quân không quản đường xa ngàn dặm, vượt núi băng đèo đem đội tượng binh từ vùng Hoan - Diễn đã lập công lớn nay tình nguyện trấn thủ ở đây quả đáng khâm phục. Hai tướng hãy giữ lấy ba mươi thớt voi cùng quân bản bộ ở lại chặn giặc. Lệnh cho tướng quân Đỗ Lăng điểm một nghìn tinh binh lui xuống một dặm hạ trại tiếp ứng. Lương thảo binh khí sẵn sàng. Nếu giặc kia khiêu chiến chỉ cần giữ cho thật vững mà không được ham đánh một mặt cấp báo về Phong Châu tất có tinh binh mãnh tướng trợ chiến. Các tướng hãy nhớ giặc kia thủ hiểm giữ núi ta cứ trường kỳ mai phục đào chiến lũy, đặt kỳ binh tất có thể chống nhau dài lâu với chúng. Toàn bộ quân tướng theo ta về Phong Châu.

Các tướng vâng mệnh ai vào việc nấy.

*

Nay nói tiếp chuyện Phan Đường tiên sinh cắt đặt công việc ở Phong Châu.

Kể từ khi chiếm được thành Phong Châu, Phan Đường cho sửa sang lại bốn mặt thành và tòa đại điện khang trang, vững trãi. Vốn nhân từ độ lượng, lại đinh ninh lời dặn dò của Phùng trại chủ lấy việc vỗ về dân chúng làm đầu, Phan Đường cho đám tùy tướng đi mời các thổ hào chức sắc địa phương, nhất là các bậc lão trượng quanh vùng thượng du, hạ bạn khắp trong ngoài đất Phong Châu đến để hỏi han kế sách. Một mặt, họ Phan mở kho phát thóc gạo cho dân chúng quanh vùng. Mấy chục thuyền quân lương, nông cụ, sản vật Vũ Khánh chuyển tới bằng đường thủy thảy đều phân phát cho dân chúng Phong Châu. Dân chúng Phong Châu và các vùng lân cận nô nức kéo đến chúc mừng. Luôn mấy tuần liền, bảy mươi bảy vị bô lão trong đó có bảy cụ trên chín mươi tuổi râu tóc bạc phơ ngày ngày đàm đạo với họ Phan thân mật lắm. Phan Đường từ mấy hôm trước đã gửi chim bồ câu đưa thư về Đường Lâm báo tin thắng trận đồng thời chuẩn bị  mọi mặt để đón Phùng trại chủ lên tế núi Nghĩa Lĩnh. Họ Phan cho sửa sang ngôi đình cổ trên đỉnh núi có từ thời các vua Hùng dựng nước. Phan Đường cũng cho sửa sang mấy trăm bậc đá lên đỉnh núi vừa cùng các bô lão, những thợ khéo tay phục dựng lại cờ lọng, xe kiệu, đồ thờ cúng rất tỉ mỉ. Đang khi bận rộn, bỗng chim đưa thư tới báo Phùng trại chủ đang cùng đám tùy tướng theo đường thủy đã tới Bạch Hạc chỉ hai hôm nữa sẽ cập bến Lô giang. Vừa khi ấy lại có tin báo Cao Chính Bình đã lui đại binh khỏi núi Ngõa Cương, Phùng công tử cùng Vũ Khánh, Bồ Phá Giang và đại quân Đường Lâm đã rút về cổng Tây thành Phong Châu. Phan Đường phấn chấn lắm cho mời các bô lão vào ngôi chính điện mới được sửa sang còn thơm mùi gỗ để chuẩn bị đón Phùng công tử và các tướng. Mọi người vừa an tọa cũng là lúc Phùng công tử dẫn các tướng tiến vào ngôi chính điện. Phan Đường thong thả bước ra đón chào tươi cười nói:

- Phùng công tử, giặc kia đã lui binh trăm họ đều mừng. Đất trời Phong Châu dường như cũng đang sáng ra vậy.

Các bô lão đồng loạt đứng lên vái chào các tướng thắng trận trở về. Phùng công tử cùng các tướng ân cần hỏi thăm từng cụ một đoạn chia nhau ngồi xuống hai dãy bàn ghế gỗ được phủ vải điều rực rỡ. Mọi người yên vị, Phan Đường đứng lên vái chào hai bên hàng ghế thong thả nói:

- Thưa các bậc lão trượng, thưa Phùng công tử, thưa các vị tướng quân. Nhờ phúc trạch dồi dào của An Nam ta, đức sáng của Phùng trại chủ, sự dũng mãnh của binh tướng Đường Lâm nay chưa đầy một tháng ta đã lấy được Phong Châu đuổi giặc Đường sang bên kia núi Ngõa Cương quả là cổ kim chưa từng thấy vậy. Nay Phong Châu lại về tay người An Nam ta cũng là lòng trời ban cho vậy. Nay quân tướng Đường Lâm vâng mệnh Phùng trại chủ đuổi giặc khỏi đất Phong Châu để bá tánh yên ổn làm ăn là cái đức sáng của bậc quân trưởng cũng là lòng người mong mỏi, tổ tông giúp rập. Phùng trại chủ cũng đang trên đường tới đây để tế bái tổ tông người An Nam ta. Xưa kia các bậc vua Hùng khai sáng đất Phong Châu đời đời chăm dân, giữ yên bờ cõi. Giặc kia hung mạnh, tàn ác bao nhiêu năm nay lấy dân ta làm trâu ngựa cho chúng nay đã đến ngày dân ta theo Phùng trại chủ vùng lên đánh đuổi, quét sạch chúng ra khỏi bờ cõi. Hỡi các bậc lão trượng. Hỡi các tướng quân. Buổi tế núi Nghĩa Lĩnh cũng là để con dòng cháu giống An Nam ta kính cáo tổ tiên rằng đã đến ngày người nước Nam ta phải được tự chủ. Giặc phương Bắc đã đến lúc phải về nước chúng. Nếu chúng cố tình gây nạn binh đao thì người An Nam chúng ta quyết đánh cho chúng không còn manh giáp. Nay ta thuận mệnh trời, theo lòng người cùng nhau sửa sang lại giềng mối của An Nam ta, để dân chúng an hưởng thái bình như vậy cũng là phúc ấm của mọi nhà vậy.

Phan Đường vừa dứt lời, một cụ bô lão râu tóc trắng như cước có lẽ là cao niên nhất trong bảy mươi bảy lão trượng đứng lên cất giọng nói:

- Thưa Phùng công tử, Phan tiên sinh cùng các vị tướng quân. Lão hủ sống trên chín mươi năm nay những tưởng nhắm mắt xuôi tay không được nhìn thấy người An Nam ta vùng lên đánh đuổi lũ giặc phương Bắc. Nay Phùng trại chủ cử binh tướng xuống Phong Châu đuổi giặc lấy lại nước lão hủ cùng muôn dân mừng rỡ xiết bao. Chúng lão hủ từng biết rằng Phùng trại chủ xưa kia từng khuông phò vua Mai Hắc Đế ta. Trời đất vần vũ, luân chuyển khôn lường, giặc nhà Đường xâm lấn, đàn áp dân Phong Châu đã mấy chục năm nay mới có ngày dân ta thoát khỏi ách đô hộ của chúng. Cứ theo ý lão hủ cùng các bậc lão trượng ở đây, xin được đón rước Phùng trại chủ lên tế núi Nghĩa Lĩnh, các bậc trưởng lão vùng Phong Châu cùng muôn dân muốn tôn Phùng trại chủ làm bậc quân trưởng của một nước, hưng dân mở đất, dồn quân tích lương đợi ngày tiến về Tống Bình đuổi tên Trương đô hộ sứ về Đường triều mới là công quả của bậc hiền đức An Nam vậy.

Lời cụ già vừa dứt, bảy mươi bảy vị lão trượng đồng thanh cất lên:

- Xin Phan tiên sinh hãy thay mặt muôn dân chuyển lời mời Phùng trại chủ đảm đương ngôi quân trưởng.

Tiếng các bô lão trầm hùng âm vang ngôi chính điện. Phan Đường, Phùng công tử, chúng tướng ai nấy đều thấy tâm chí nao nao. Không ngờ đức sáng của Phùng Trại chủ đã từ lâu cảm hóa muôn dân vùng Phong Châu chỉ chờ đợi một ngày này. Phan Đường và Phùng công tử thay nhau hỏi han các bậc lão trượng mọi công việc của buổi tế lễ rồi cùng với chúng tướng bàn việc đón Phùng trại chủ đang trên đường thủy từ ngã ba Bạch Hạc tiến lên bến Lô giang.

*

Bến Lô giang buổi sáng tinh sương. Mặt sông hiền hòa như dải lụa bạch uốn lượn bên những tầng rừng xanh miên man. Tiếng gà gáy sáng vẳng lên thanh bình. Mặt trời còn chưa ló trên mặt sông năm chiếc thuyền gỗ lớn đã cập bến từ lúc nào. Trên con đường xuống bến, Phan Đường, Vũ Khánh cùng mấy viên tùy tướng dắt theo hơn chục con ngựa trắng xuống đến sát mép nước. Trên chiếc thuyền lớn, Phùng trại chủ tươi cười chỉnh lại khăn áo bước lên mũi thuyền cũng là lúc tấm ván lớn được bắc ghếch vào mạn bến Lô giang. Phan Đường, Vũ Khánh cùng đám tùy tướng vội xuống ngựa chắp tay thi lễ:

- Phùng trại chủ an khang. Mời Phùng trại chủ lên ngựa về Phong Châu. Các lão trượng, tướng sĩ và muôn dân Phong Châu đang chờ Phùng trại chủ.

Phùng trại chủ dáng vẻ khoan thai bước lên bờ ân cần nắm tay Phan Đường nhìn suốt lượt mọi người thong thả nói:

- Phan tiên sinh cùng các tướng đã lập đại công. Đât Phong Châu nay không còn bóng giặc cũng là hồng phúc của dân ta nước ta vậy.

Phùng trại chủ vỗ vỗ vào lưng Vũ Khánh:

- Vũ tướng quân tài trí anh dũng khác thường quả là thành đồng vách sắt của Đường Lâm, của An Nam ta vậy.

Vũ Khánh quá xúc động không nói lên lời chỉ nhìn mãi vào mái đầu đã bạc trắng như cước của Phùng trại chủ.

Núi Nghĩa Lĩnh buổi sáng mùa thu trời cao xanh thăm thẳm. Bảy mươi cụ bô lão trên sáu mươi tuổi vận áo tía, quần thụng, đi hia xanh, đầu chít khăn nhiễu vàng, tay chống gậy trúc mặt mày rạng rỡ đứng trang nghiêm ngay sát bậc đàn tế. Phía trên là bảy cụ bô lão trên tám mươi tuổi vận áo đỏ thêu phượng, đi hia tía, đầu chít khăn nhiễu đỏ, tay chống gậy trúc đầu rồng bịt vàng ngồi uy nghi trên bảy chiếc ghế trúc chạm rồng dáng vẻ ai nấy tiêu dao tự tại. Phùng trại chủ trong vai chủ lễ mình bận bộ áo vàng thêu rồng, đầu đội mũ bình thiên, lưng thắt đai ngọc, chân đi hia tía thêu rồng thành kính hướng về đàn lễ được bày biện trang trọng. Hai bên Phùng trại chủ hai hàng văn võ đứng nghiêm trang. Một bên các văn thần đứng đầu là Phan Đường dung mạo uy nghi bận đồ xanh, đầu chít khăn xanh chân đia hia trắng. Một bên là các võ tướng mặc võ phục gọn ghẽ, gương mặt người nào người nấy trang nghiêm đĩnh đạc.

Chín hồi chuông lớn vang lên. Trong khói hương trầm nghi ngút, Phùng trại chủ cùng các cụ bô lão và văn thần chúng tướng phủ phục thể hiện tấm lòng thành với trời đất nơi đỉnh núi Nghĩa Lĩnh.

Việc tế lễ đến hết giờ Tỵ thì xong. Theo mệnh lệnh của Phùng trại chủ và nguyện vọng của dân chúng thành Phong Châu, hội được mở ra với các trò chơi dân gian như đu quay, đánh vật, bơi chải... nhưng đặc sắc nhất có lẽ là bãi chọi trâu.

Phong Châu vốn là vùng bán sơn địa đồng ruộng phì nhiêu bát ngát trâu bò vô số kể. Xưa vẫn có tục hết mùa vụ, vào lúc nông nhàn dân Phong Châu thường tổ chức chọi trâu cho khắp vùng. Cả miền thượng du và vùng hạ bạn cũng đưa trâu đến hội góp vui. Mấy chục năm qua, từ khi giặc Đường đô hộ, chúng sợ dân tụ tập manh động đã cấm tiệt. Dân khắp vùng hàng năm vẫn lặng lẽ dắt nhau cho trâu chọi nén để khỏi mất đi một tập tục đã được tiên tổ lưu truyền. Nay giặc Đường không còn, được công khai mở hội chọi trâu, dân chúng Phong Châu phấn chấn lắm. Mấy chục cặp trâu chọi tranh tài từ sáng sớm. Đến hết giờ Tỵ cũng vừa còn bốn cặp đã thắng các địch thủ gặp nhau để tranh giải cao. Tiếng trống, tiếng chiêng thúc ầm ầm. Tiếng người la hét vang động cả một vùng rộng lớn. Bãi chọi trâu đông đến mấy nghìn người. Độ hơn canh giờ thì chỉ còn lại một cặp trâu vào tranh giải nhất.

Cặp trâu tranh giải nhất một con của vùng thượng du mình đen như hắc ín, lông dày cộp, cổ vại cỡ người ôm, sừng cánh lá nhọn hoắt, cặp tai cụp xuống sát hai con mắt xanh lét rờn rợn như mắt cọp ăn đèn. Tấm lưng và hai đùi sau đã dính những đòn từ các trận trước máu đen xỉn lại bết vào đám lông rậm. Trâu còn lại thuộc vùng hạ bạn ức nở eo thon, hai chân sau choãi xuống như cọc lim đóng trên mặt đất. Cặp sừng cánh cung hơi hếch về phía trước. Đôi tròng mắt đen thẫm thoạt nhìn có vẻ hiền nhưng vô cùng linh động. Suốt từ sáng sớm, trâu này lì đòn nhất hội. Đã dính những đòn chí tử nhưng vẫn trụ được và thắng đối phương. Tiếng cồng vừa dứt, cách năm mươi bước chân, hai trâu được tháo sợi song mây khỏi mũi gườm gườm nhìn địch thủ rồi bất thần lao thẳng vào nhau. Hai khối thịt khổng lồ đen thẫm chĩa bốn chiếc sừng nhòn hoắt cùng thực hiện miếng hổ lao, miếng hiểm nhất của trâu chọi.

“Rầm!” hai khối đen thẫm thúc thẳng vào nhau tưởng cả hai cùng văng ra toi mạng trong sự kinh hoàng và phấn khích của đám đông nhưng cả hai trâu đều trụ vững và ghìm cứng sừng đối phương trên mặt đất. Dường như hai trâu đều choáng váng lúc lắc cặp đầu mài qua mài lại trên đất sỏi khiến máu ở cằm dưới trào ra. Hai trâu ghìm nhau đến nửa khắc không rời bốn chân choãi ra như đóng xuống mặt đất. Bỗng trâu vùng thượng du quỳ hai chân trước xuống ghiêng đầu sử dụng miếng cáng hòng lách sừng móc vào yết hầu trâu vùng hạ bạn. Không chút nao núng, trâu vùng hạ bạn xoay cần cổ lạng cặp sừng đón đòn của trâu kia đồng thời ghì chặt xuống tưởng như gẫy cần cổ trâu vùng thượng du đến nơi. Nhưng nòi trâu vùng thượng du vốn cần cổ rất ngắn lại vạm vỡ nên vòng sừng trâu hạ bạn không ôm hết thành thử đòn độc không thành nhưng cũng khóa được cặp sừng cánh ná mà vít oằn sang một bên. Hai cặp chân sau của hai trâu cào đất rào rào thành những vũng lõm lớn. Khoảnh khắc, hai trâu buông nhau chờn vờn rồi lại bất thần đổ ập vào nhau ra đòn chí tử.

Tiếng trống thúc dồn. Sóng người hai bên reo hò ầm ĩ. Bất thần trâu vùng hạ bạn xoay ngang người nhanh như chớp lao cặp sừng cong vào thẳng yết hầu trâu kia móc được sừng vào dưới cổ họng xách ngược trâu kia lên. Trâu kia dính đòn độc bất thình lình rúm bốn vó ngã nghiêng xuống. Trâu vùng hạ bạn thắng thế sấn thẳng tới cứ thế ghiêng sừng xách ngược lên. Trâu kia chới với hai chân trước, bị xách bổng lên, mắt lồi trắng dã, hai chân sau co rúm lại. Một lát, chừng như trâu vùng thượng du quá nặng, trâu hạ bạn mỏi cổ vội vẩy sừng hất xuống. Dính đòn độc máu ra lênh láng, phải trâu khác chắc đã chết ngay tại trận nhưng trâu vùng thượng du chỉ loạng choạng rồi bất thần bỏ chạy.

Vòng người rẽ ra, trâu bại trận tuông về phía trước. Dường như còn hăng máu, trâu thắng trận cặp mắt ngầu đỏ, một bên sừng vừa rút khỏi cổ hỏng đỏ lòm máu lúc lắc rồi rùng rùng đuổi theo địch thủ. Mấy tráng đinh vội huơ cờ nhử trâu thắng trận bắt về nhưng trâu này hất tung cờ khiến mấy tráng đinh suýt trúng đòn. Xưa nay chọi trâu thắng khi tráng đinh dụ cờ lập tức dừng lại nay không ngờ trâu này quá hăng máu hoặc do chọi nhiều trận từ sáng đã nổi điên lao thẳng vào đám tráng đinh cầm cờ. Mọi người thất kinh. Đám tráng đinh thoăn thoắt chạy vòng quanh sân bãi tình thế rất nguy cấp. Đang khi cặp sừng chỉ còn cách người tráng đinh chạy sau cùng hai ba thước bỗng có một tiếng hét lớn rồi một bóng người loang loáng lao theo con trâu điên một tay tóm sừng vừa lựa theo chiều chạy của trâu vừa từ từ ghìm lại.

Dân chúng nơi bãi chọi không khỏi kinh hoàng thấy con trâu điên thắng trận bị ghìm chạy chậm dần rồi dừng lại hẳn. Người tráng sĩ thân cao tám thước, cởi trần đóng khố đứng tấn chếch với chạy của trâu điên hai tay vận công ôm cứng cặp sừng bết máu ghì nghiêng xuống.

Con trâu đánh thắng mọi trâu khác đoạt giải nhất bị người tráng sĩ nắm chặt cặp sừng cánh cung khổng lồ sử dụng miếng vật hiểm ghì chắc xuống thở hồng hộc được một lúc thì ngã vật sang một bên giơ bốn vó lên trời. Đám tráng đinh cầm cờ sau hồi chạy toán loạn giờ mới định thần quay trở lại vẫn thấy người tráng sĩ choãi chân nắm chặt cặp sừng trâu chọi như bắt vít xuống mặt đất. Tiếng vỗ tay ầm ầm át cả tiếng chiêng tiếng trống. Bỗng có những tiếng hô hớn:

- Phùng công tử đấy! Phùng công tử thật dũng lực phi phàm.

Tiếng reo như tiếng sóng miên man vùng đất Phong Châu.

*

*     *

Tin Phong Châu rơi vào tay quân tướng Đường Lâm bay về thành Tống Bình.

Đô hộ sứ Trương Bá Nghi lập tức cho triệu các văn thần võ tướng thành Tống Bình lại thương nghị.

Khi mọi người an tọa, Trương Bá Nghi cất giọng nói:

- Ta không ngờ giặc cỏ Đường Lâm to gan lớn mật dám tiến chiếm Phong Châu thật. Chúng đã đặt kế hư thực lừa ta giam chân binh tướng Tống Bình điềm nhiên lấy Phong Châu chỉ trong chưa đầy một tuần trăng. Hiệu úy Cao Chính Bình chẳng những không mau chóng cất viện binh lại còn nửa đường lui quân ngay núi Ngõa Cương khiến khí thế giặc cỏ càng lên cao. Chúng ngang nhiên lập đàn tế trên núi Nghĩa Lĩnh, tuy là chưa xưng vương xưng bá nhưng thâm ý của chúng đã quá rõ. Nay Tống Bình cách Đường triều vạn dặm, lại đang ở lúc giặc cỏ nổi lên, lòng dân nước chúng phân hóa, phía Nam giặc biển Côn Lôn, Chà Và lăm le xâm lấn, ta thì quân lính lâu ngày không lâm trận, binh lực phân tán, của cải hao hụt, kho tàng trống trải thật là lúc khó khăn lắm vậy. Trương gia ta tiếng là được Đường triều phân phong quan tước, cho đời đời thế tập chức An Nam Đô hộ sứ xong thực ra chỉ là con chó giữ đất cho Đường triều mà thôi. Nay thiên hạ nhiễu loạn, anh hùng cát cứ, Trương gia ta rơi vào thế hiểm chưa biết tiến thoái ra sao. Các ngươi đã bao nhiêu năm nay theo cùng Trương gia vào sinh ra tử lập nhiều công tích nay muốn các ngươi nói thẳng, dù có thế nào chăng nữa Trương mỗ đây quyết không bắt tội. Cổ nhân có dạy: Nước xa không cứu được lửa gần. Chúng ta nay đã cùng hội cùng thuyền chỉ còn cách tiến lên thì trời cao biển rộng mà lùi xuống bị bắt tất thịt nát xương tan vậy. Mong các văn thần võ tướng hiểu cho nỗi khổ của ta.

Các văn thần võ tướng thấy Trương Bá Nghi bộc bạch tâm can ai nấy đều trầm ngâm suy nghĩ. Một lúc lâu, đại tướng Trương Thành, người đứng đầu các võ tướng tiến lên thận trọng nói:

- Bẩm Trương đô hộ sứ! Thưa các vị đại nhân, các vị tướng quân. Tình thế của thành Tống Bình hôm nay, dầu khó khăn tuyệt đối chưa phải là không còn phương cách chống giữ. Phong Châu kia tuy đã mất nhưng bọn chúng ắt phải chia binh một nửa giữ Phong Châu một nửa giữ Đường Lâm cũng là cái yếu của chúng. Giặc biển Chà Và, Côn Lôn mạnh về thủy binh chỉ ưa cướp phá chứ không giỏi đánh thành, giữ đất chỉ là cái lo ngoài da thịt. Giặc cỏ Đường Lâm chưa đủ binh lực để tiến đánh Tống Bình trong một vài năm tới. Vậy chi bằng chúa công chấn chỉnh binh lực, ngoài thì khuyến khích các thổ hào, châu mục gia tăng binh lực, một lính trữ lương, tăng cường phòng bị, bên trong thành cao hào sâu, tăng quân tuyển tướng, đặc biệt là lập tức cho thành lập đội thủy quân thao luyện trên đầm Sương Mù phòng khi giặc đến ta thủy bộ liên hoàn tất có kế thắng giặc. Lại nữa, ta cho người hai đường cấp báo về triều đình xin viện binh, lương thảo, nhất là kỵ binh. Cao Chính Bình kia tất không thể ngồi im mà y sẽ rình rập đoạt lại Phong Châu. Ta phải có kế sách khích vào cái chí tham tàn cuồng vọng của y vậy. Các văn thần võ tướng Tống Bình có tới hàng trăm, binh mã cũng còn dư vài vạn, chúa công bất tất phải lo lắng quá.

Đại điện Tống Bình im phăng phắc.

Một lúc lâu, có viên quan văn chuyên coi công tác thư từ cùng với Dương Ôn, vốn có mẹ là người An Nam nên được làm tới chức Chủ bạ thong thả đứng lên nói:

- Bẩm chúa công, Trương đại tướng quân nói đúng lắm. Nay địch còn chưa đến ta phải gây dựng sĩ khí cho quan quân mới là thượng sách. Nhớ khi xưa, khi Tần Thủy Hoàng đế Nam chinh Bắc chiến thống nhất thiên hạ đã phải kiêng dè mảnh đất phương Nam này lắm. Khi Tần Thủy Hoàng sai Hiệu úy Đồ Thư đem ba mươi vạn đại quân Nam chinh đánh các vùng đất của bộ tộc Bách Việt ở Lĩnh Nam, thành lập nên các quận mới là Nam hải, Quế Lâm, Tượng Lâm toan thừa thắng đem quân xuống đánh Âu Lạc đã bị vua nước Âu Lạc là Thục Phán An Dương Vương đưa tinh binh mãnh tướng từ Cổ Loa lên chống lại. Thục Phán kia không những là người có tài cầm quân mà núi rừng Âu Lạc khi ấy quá hiểm trở nên quân Đồ Thư tuy đông hàng chục vạn, tướng giỏi có dư trăm viên đã phải ôm đầu máu bại trận. Thế mới thấy, ở nơi hiểm yếu, quân ít có thể địch được quân nhiều, đất nhỏ dân thưa có thể chống lại cường địch mà lập ra nước cùng tồn tại trong thiên hạ vậy. Thục Phán còn biết nhìn xa trông rộng, ngay sau khi đánh bại đại tướng Đồ Thư đã ngay lập tức xin giảng hòa, chịu làm phiên thuộc cho Tần Thủy Hoàng đế lại còn cử tướng giỏi nhất của mình là Lý Ông Trọng sang tận Tần quốc làm tin. Tần Thủy Hoàng đế vốn vì thế mà càng yêu thích, phong Lý Ông Trọng làm tướng quân, sai đi đánh Hung Nô ở phía Bắc lập được công to. Lý Ông Trọng được Tần vương phong đến chức Hiệu úy. Khi Lý Ông Trọng mất, người nước Hung Nô đem quân quấy phá Tần vương phải cho đúc tượng gỗ, khoác áo giáp giả làm Lý Ông Trọng vẫn còn sống khiến giặc Hung Nô khiếp vía mà bỏ chạy đủ thấy đất Cổ Loa - Vũ Ninh nhân tài đời nào cũng có vậy. Chỉ là việc chúa công sớm tìm về giúp dập mà thôi. Lại nữa, Đầm Sương Mù kề sát thành Tống Bình nếu có đại đội thủy quân hùng mạnh tiến lên có thể đối địch với giặc biển Chà Và, Côn Lôn, giữ vững có thể tạo thế liên hoàn thủy bộ với Tống Bình. Ta lại cho trữ lương thảo lên thuyền phòng khi việc đánh giữ phải kéo dài giặc kia ắt không ngờ tới. Hạ quan tuy bất tài, xin được đi một chuyến tới vùng Vũ Ninh phủ dụ các thổ hào, châu mục địa phương, đặc biệt là đất Kẻ Chủ - Phong Khê - Cổ Loa, nơi xưa kia Thục Phán An Dương Vương từng đóng đô để tìm người tài, chiêu mộ binh mã, chặt cây xẻ gỗ, cung cấp binh lương cho Tống Bình, không biết chúa công có thuận cho không.

Trương Bá Nghi ân cần đứng lên tiến tới viên quan Chủ bạ họ Lục nói:

- Lục Khiêm tiên sinh quả là người học nhiều biết rộng, thông thuộc cổ kim, biết được lẽ còn mất trong buổi nhiễu loạn này thật là hiếm thấy. Tiên sinh lại có tấm lòng lo cho Đường triều, Tống Bình và Trương gia ta. Nay ta sắc phong cho tiên sinh chức chinh Nam tướng quân, tước Phong Khê hầu, kiêm quản các vùng Phong Khê, các hạt, trấn thuộc Vũ Ninh, cho được toàn quyền trưng tập binh lính, người ngựa, thuế khóa. Các nơi rừng rậm hạt Tam Ngạn, Tứ Ngạn, Lục Ngạn cho phép ngươi đốn chặt cây to thuật dòng chuyển về đầm Sương Mù để Trương Thành mở xưởng đóng thuyền. Mọi điều động cần gì cứ gặp thẳng ta sẽ chu toàn cho.

Lục Khiêm cúi đầu lạy tạ. Các văn thần võ tướng Tống Bình lục tục ai vào việc nấy. Trương Bá Nghi ra hiệu cho Trương Thành ở lại. Khi chỉ còn hai người, Trương Bá Nghi nhỏ giọng nói:

- Trương đại tướng quân! Ở đời phàm lúc lâm nguy cũng là khi anh hùng xuất hiện. Lục Khiêm kia bao năm ẩn nhẫn coi việc thư từ mà đến lúc có việc trọng đã chân thành đề xuất mưu lược quả là phúc dầy của họ Trương vẫn còn vậy. Ngươi phải thấy được điều đó để cùng với Lục Khiêm giúp dập ta trong đại sự. Việc thành lập đại đội thủy quân ta giao cả cho ngươi. Ngươi nên nhớ rằng, đại đội thủy quân có mạnh Trương gia ta mới có thể hùng cứ nơi An Nam này. Vạn nhất trời không tựa lòng người, Tống Bình thất thủ chúng ta còn có đường lùi ra biển gửi thân lập chí vạn dặm nơi vùng đất mới. Ngươi thừa biết nếu Tống Bình thất thủ, hoàng đế đại Đường tất không tha cho toàn gia họ Trương. Vậy việc lập đại đội thủy quân với thuyền lớn binh nhiều là lẽ sống còn của Trương gia vậy.

Trương Thành mặt đầy biểu cảm cúi rạp xuống nói:

- Mạt tướng xin lĩnh mệnh!

                                                                          (Còn nữa)