(Thứ năm, 29/10/2020, 09:35 GMT+7)

THAM LUÂN HỘI THẢO KHOA HỌC
THƯỢNG TƯỚNG PHÙNG THẾ TÀI -
THÂN THẾ, CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP

 NGHIÊN CỨU HỒ CHỦ TỊCH CÀNG SÁNG RÕ HƠN VỀ
THƯỢNG TƯỚNG PHÙNG THẾ TÀI

PGS.TS Nguyễn Thanh Tú

         Tên bài viết này tôi định đặt là Tôi biết rõ hơn về Thượng tướng Phùng Thế Tài khi nghiên cứu về Bác Hồ để nhấn mạnh tới đối tượng chính nhưng ngẫm nghĩ những tâm sự của Bác Tài rất thần tượng Bác Hồ nên đặt lại như trên. Vả lại cũng đúng với công việc chính của tôi. Thôi thì cứ thật thà mà nói, biết gì nói vậy, cái chính là sự trung thực của người viết!
         Không phải là khoe nhưng cũng phải nói ra để “bảo hiểm” cho nội dung trình bày dưới đây là tôi có dăm ba quyển sách nghiên cứu về Bác Hồ, trong đó có cuốn Hồ Chí Minh -Một tâm hồn nghệ sỹ có chủ đề khắc họa chân dung con người nghệ sỹ Bác Hồ. Thế nên ngoài văn bản do chính Bác Hồ viết thì một nhiệm vụ quan trọng nữa là đi tìm những nhận xét, cảm nghĩ, đánh giá của các đồng chí bên cạnh Bác. Mà Phùng Thế Tài thì không thể không đọc, và đọc nhiều người thì tự nhiên chân dung mỗi cá nhân, do có sự soi chiếu lẫn nhau nên hiện lên càng rõ. Lại có thuận lợi nữa là khi công tác tại Tổng cục II - Bộ Quốc phòng tôi buộc phải đọc tài liệu Mật thám Pháp, Phòng Nhì Pháp, CIA... bằng tiếng Anh, Pháp nên không thiếu dữ liệu, sự kiện, chỉ sợ thiếu tài để khái quát sinh động mà thôi.

  1. Bác Hồ và Phùng Thế Tài như cha con.

       Có những chi tiết nhiều người biết nhưng theo lô gich bài viết tôi vẫn xin phép được nhắc lại. Về tuổi tác Bác Hồ cũng tương đương tuổi cha tướng Tài. Về công việc, nhất là hồi bên Trung Quốc, cả sau này ở Việt Bắc (trước 1944) thì càng thế, vì họ thường đóng giả cha con. Về quan hệ càng vậy. Bác Hồ rất mực yêu quý người “con trai”, còn người “con trai” ấy, đúng với chức phận con mà theo đến cả khi “cha” về “với thế giới người Hiền” và mãi mãi học và làm theo tư tưởng của Người Cha ấy!
       Thời bí mật ở Việt Bắc, tài liệu của ta ghi lại Bác Hồ có tài hóa trang và chính Người là người Thầy hướng dẫn những tình báo viên nổi tiếng của ta. Tổng cục 2 coi Bác Hồ là người Cha đẻ của ngành. Chỉ cần một bộ quần áo chàm, một cái khăn, một ít cơm nguội và nhựa sung (trám vào răng) Bác Hồ thành một người dân tộc “chính hiệu”, khi cần là một thầy cúng “chính hiệu” còn bên cạnh thì thường là đứa con trai (Phùng Thế Tài) mang “tay nải” đựng giấy bút, bùa chú, đồ cúng... Hẳn nhiên họ phải nói tiếng dân tộc (Tày, Nùng, Cao Lan...) và hiểu phong tục, tập quán một cách “chính hiệu”.


Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc Tết một đơn vị Không quân. Đồng chí Phùng Thế Tài đứng ngoài cùng bên trái của Bác

       Ngược trở về những năm cuối 1930 bên Trung Quốc. Bác Hồ được tổ chức giới thiệu một cậu thiếu niên làm cận vệ. Tất nhiên có những yêu cầu tối thiểu: giỏi tiếng Trung, biết võ, nhanh nhẹn, trung thành tuyệt đối... Cũng hẳn nhiên Bác Hồ phải chọn. Chưa thấy sách nào nói chuyện cách Bác Hồ chọn người. Ở đây chỉ xin kể một cách Bác chọn, lại rất “cổ điển” là vô tình hay hữu ý ăn cơm cùng người đó. Đồng chí Vũ Anh kể cậu bé Thụ (13 tuổi) nhiều lần bị đói nhưng khi ăn, dù còn rất trẻ bao giờ cũng ăn một cách từ tốn, khoan thai, điềm đạm...
       Cậu bé ấy là Phùng Văn Thụ đẻ ra trong một gia đình nghèo (xã Văn Nhân, Phú Xuyên, tỉnh Hà Nội. Năm 1933, khi 13 tuổi, Thụ theo người làng lang thang kiếm sốngrồi phiêu bạt sang Trung Quốc. May mắn được giác ngộ cách mạng, mà người Thầy đầu tiên là đồng chí Vũ Anh. Năm 1939, chính đồng chí Vũ Anh giới thiệu cậu Thụ kết nạp ông vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tổ chức đưa cậu vào học Trường Quân sự Hoàng Phố có thẻ thông hành đặc biệt của chính quyền Tưởng Giới Thạch. Trưởng thành nhanh chóng, cậu được gặp ông Trần (tức Bác Hồ).
       Ông Trần chọn Thụ làm “đồng chí con” (cận vệ) và đặt tên mới là Phùng Hữu Tài. Với bản tính khiêm tốn, được học nhiều từ Bác Hồ, thấy mình dù biết tiếng Pháp, tiếng Trung, biết võ,... nên càng thấy mình chưa xứng với kỳ vọng “hữu tài” của Bác và đoàn thể nên (năm 1952),Hữu Tài xin Bác đổi lại là Phùng Thế Tài.Bác đồng ý.
       Trong Hồi kýThượng tướng Phùng Thế Tài kể lại đi bảo vệ nhưng chẳng có súng ống gì, chỉ một quả đấm sắt và một con dao. Tết Tân Tỵ (năm 1941), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, theo phân công Phùng Thế Tài ở lại Côn Minh hoạt động. Ông được “cài” vào quân đội Tưởng làm trongcơ quan tình báo chuẩn bị cho kế hoạch “Hoa quân nhập Việt”. Vừa làm vừa học nghiệp vụ tình báo trong trường quân sự Hoàng Phố. Đây là “bình phong” tối cần thiết để hoạt động, vừa che mắt tình báo Quốc dân đảng, vừa bảo vệ lãnh tụ (Bác Hồ và các đồng chí khác) khi họ quay lại Trung Quốc công tác. Vì lẽ này mà sau năm 1945 Phòng Nhì Pháp xếp Phùng Thế Tài là người đầu tiên trong danh sách điệp viên Việt Minh. Dĩ nhiên là người đầu tiên cần theo dõi sát sao, là đối tượng cần bắt cóc.
       Đầu năm 1942, tổ chức giao nhiệm vụ Tài chuyển vũ khí về nước. Tài ở lại Pác Bó với Ké Thu (Bác Hồ) làm tổ viên bảo vệ mà tổ trưởng là Phùng Chí Kiên, rồi Lê Quảng Ba, Đinh Đại Toàn, Đặng Văn Cáp, Dương Đại Lâm… Tổ này còn làm nhiệm vụ liên hệ với đồng bào và tự tăng gia lấy lương thực. Vì thế mà Tài nói đươc nhiều thứ tiếng dân tộc. Cũng là lẽ tự nhiên. Cuộc sống bắt buộc như thế, tạo ra thế. “Phi ngoại ngữ bất thành điệp báo” (không có ngoại ngữ không thể làm điệp báo). Đấy là “truyền ngôn” của lính Tổng cục 2. Không mới. Châm ngôn này đã thành cổ điển. Với trường hợp cụ thể dưới đây, “điệp viên” Phùng Thế Tài chứng minh đấy là tất yếu. 
       Tháng 8 năm 1944, Bác Hồ sang Trung Quốc gặp đại diện đồng minh để tranh thủ sự giúp đỡ. HữuTài được giao đi cùng bảo vệ.Trên đường đi và về vẫn đóng vai hai cha con người, khi từ Việt Nam sang thì là hai cha con người Nùng đi buôn, khi về là hai cha con người Mán. Sang đất bạn, gần đến nơi thì một người thành “sỹ quan Tưởng”, người kia là “Thượng cấp”. Ông kể lại: “Lần ấy chỉ có một mình tôi đi bảo vệ Bác. Tôi mặc bộ dạ sỹ quan Tưởng oai lắm. Tôi nói thạo tiếng Trung Quốc, lại có sẵn giấy thông hành đặc biệt của chính quyền Tưởng Giới Thạch cấp hồi còn học ở trường quân sự Hoàng Phố nên yên trí. Bác mặc bộ quần áo của quân đội Tưởng, người ngoài cuộc chỉ có thể cho Bác cháu tôi là anh lính trẻ đi với ông lính già. Khi đến Tĩnh Tây, cơm chưa xong, Bác vào làm việc tại trụ sở của Quốc dân đảng Trung Hoa và là tổng hành dinh của Trung tướng Trần Bảo Xương. Tối hôm đó, Bác ngủ ngay ở chỗ làm việc. Tôi không rõ Bác liên lạc với Trần Bảo Xương để làm gì, nhưng không dám hỏi vì nguyên tắc bí mật. Một điều bất ngờ làm tôi lạnh cả xương sống. Trên đường về phòng nghỉ, Bác đã bỏ quên mũ ở phòng khách bảo tôi quay lại lấy. Và chính trong tình huống này tôi đã nghe lỏm được bọn Trần Bảo Xương đang bàn trong phòng kín tìm cách bắt giữ hai Bác cháu tôi lại. Tôi vốn là một chàng trai không biết sợ là gì, nhưng nghe chúng bàn nhau như vậy, tim tôi như có ai bóp chặt. Tôi lại nghĩ đến cảnh tù đầy qua mấy chục nhà giam của chính quyền Tưởng Giới Thạch mà Bác phải chịu năm 1942. Và vai trò của Bác trong những ngày sắp tới đối với cách mạng Việt Nam, tôi bình tĩnh lại và nhẹ nhàng quay lại báo ngay với Bác. Nhưng khác với tôi, Bác rất bình tĩnh, chỉ thoáng một chút đăm chiêu. Suy nghĩ một lúc, Bác quyết định quay về Việt Nam ngay trong đêm hôm đó.
       Nhưng làm sao mà ra khỏi hai cánh cổng sắt có lính gác của tổng hành dinh Trần Bảo Xương được? Như hiểu được ý tôi, Bác khẽ nói:
       - Ta đi không mang hành lý gì, đi người không, giả bộ với lính gác ra ngoài mua bao thuốc lá!
       Thoát khỏi được tổng hành dinh của Trần Bảo Xương, hai Bác cháu quên cả mệt đi như chạy ra khỏi Tĩnh Tây và cuốc bộ một mạch không nghỉ. Sáng hôm sau trông thấy Bác quá mệt, người phờ phạc lòng tôi quặn lại. Đời người lính cận vệ có biết bao điều khó lường có thể xảy ra. Nhưng với tôi, một khi đã kiên trì lòng trung thành với Đảng và cái tâm sáng thì điều khó lường ấy dù có nguy hiểm đến mấy cũng có thể vượt qua kể cả phải hy sinh tính mạng của mình. Càng thương Bác tôi càng ý thức được trách nhiệm của mình, bảo vệ Bác an toàn tuyệt đối”.
      2. Bác Hồ và Phùng Thế Tài là Thầy trò.
       Bác Hồ là Thầy học trực tiếp và gián tiếp của hầu hết những cán bộ lãnh đạo tiền khởi nghĩa. Một phương diện vĩ đại của Người cần được nghiên cứu hệ thống, sâu sắc hơn chính là giáo dục. Một điều dễ thấy nhất là hầu hết học trò của Người trở thành tài năng, có người kiệt xuất. Cách giáo dục của Bác Hồ thật cụ thể, nhẹ nhàng mà thấm thía. Hữu Tài trở thành “tướng tài” với một nhân cách đáng kính, trước hết là do được làm học trò gần gũi của Bác Hồ. Ông kể lại: “Vào một buổi sớm tinh mơ mùa thu năm 1941, khi trong hang còn lờ mờ chưa sáng, mình vừa vùng dậy nhìn sang chỗ Bác nằm - sạp tre trên phiến đá, không thấy Bác đâu cả. Lo quá, vội nhảy bổ ra ngoài bờ suối, thì thấy Bác đang loay hoay cố sức vần một cái chum lớn của đồng bào hứng lấy nước mưa bị đổ nghiêng từ lúc nào. Mình vui mừng, nhưng lại thắc mắc nên hỏi Bác vần cái chum ấy làm gì, Bác vừa ốm dậy, người đang gầy yếu, Bác để cháu vần cho”.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài (thứ ba từ phải sang) và các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ trình bày kế hoạch chống địch tập kích đường không bằng B52 vào Hà Nội năm 1972

       Nghe thế, Bác nhìn mình vừa cười hồn hậu, vừa ôn tồn bảo: Chú Tài này, đồng bào biết bác cháu ta đang ở đây và rất ủng hộ mình, vậy ta đừng để bà con hiểu nhầm rằng việc nhỏ như một cái chum nước của đồng bào bị đổ nghiêng trước cửa nhà mình mà ta không dựng lên được, thì Đảng nói làm việc lớn như đánh Tây, đuổi Nhật ai tin! Làm cách mạng để giành chính quyền đem lại độc lập cho dân tộc, xây dựng đất nước là một việc lớn, nhưng cũng phải biết làm việc nhỏ.
       Sự việc này và lời dạy ân cần sâu sắc của Bác đã gieo vào tâm hồn mình một ý tưởng lớn của Người từ thuở ấy không thể nào quên. Qua đó mình tự rút ra một điều - để làm việc lớn, phải biết làm từ việc nhỏ đem lại lợi ích cho dân. Bác thường dặn: Việc gì có lợi cho dân thì làm, việc gì có hại cho dân thì phải tránh”.
       Những chi tiết cụ thể này ngày nay phải được phổ biến sâu rộng cho toàn dân, nhất là cán bộ đảng viên, đoàn viên. Học và làm theo Bác Hồ không thể và cũng không nên từ những điều to tát mà phải thật cụ thể, dù nhỏ như trên nhưng mang ý nghĩa lớn. Bác Hồ dạy chữ cho trò cũng là dạy cách gần dân, cách lao động để tạo ra thành quả. Vẫn tướng Tài kể. Lần ấy “vào buổi chiều cuối năm 1941, khi những tia nắng ấm còn đọng lại trên sườn núi, hai Bác cháu đang lom khom trồng mấy luống môn trên mép suối bên cạnh hang Pác Pó, bỗng Bác quay lại bảo mình: Này chú Tài, để thư giãn, chú thử đối lại câu đối này nhé: “Trồng môn trước cửa”, đối đi! Mình lúng túng một thoáng... rồi cũng vừa kịp nghĩ ra, thưa Bác xin đối lại: “Bắt ốc sau nhà”. Nghe vậy, Bác cười vui và gật đầu bảo: Thế là chú Tài nhanh trí và đối được đấy. Môn cũng là cửa - chú đối lại Ốc cũng là nhà, đúng thế.
       Nhân thể Bác nói luôn: cách mạng nhất định sẽ lớn mạnh và quân đội cách mạng rồi cũng sẽ ra đời và phát triển để bảo vệ Tổ quốc. Đến lúc ấy biết đâu chú sẽ được tổ chức cử làm tướng để tham gia chỉ huy quân đội ta. Phàm là làm tướng thì trí tuệ phải thông làu, minh mẫn, nhạy bén, linh hoạt, để ứng phó mau lẹ với mọi tình huống. Cho nên làm tướng cũng phải học từ việc nhỏ qua thực tế”.
       Những lời Bác nói sao sâu sắc vô cùng. Lại được người học trò yêu kể thuật lại càng thấy giữa họ hầu như không có khoảng cách. Gần gũi, ấm áp, chân tình. Đấy là phong cách Hồ Chí Minh. Đấy cũng là phong cách Thượng tướng Phùng Thế Tài sau này!
       Hữu Tài có khiếu chỉ huy quân sự, lại từng trải, cũng theo nguyện vọng cá nhân, Bác đồng ýcho “con” ra chiến trường (tháng 12/1944).Người dặn: “Chú sẵn sàng đi chiến đấu, thế là tốt, nhưng nhớ đừng có “hữu dũng, vô mưu” đó nhé...”.Bắt đầu là Tiểu đội trưởng thuộc Quân Giải phóng sau chuyển sang làm cán bộ quân sự Ủy ban khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Thất Khê - Cao Bằng 8 - 1945). Nên nhớ, trước đó khi trong chính quyền quân sự Tưởng, Hữu Tài đã mang “lon” Thiếu tá nhưng với nhiệm vụ cách mạng, ông chỉ được giao “Tiểu đội trưởng”, dĩ nhiên chưa có quân hàm... Đấy cũng là bài học rất đáng học với người cách mạng: làm bất cứ nhiệm vụ gì cách mạng cần!
       Từ đó cuộc đời Hữu Tài rồi Thế Tàigắn bó với quân ngũ, làm nhiều trọng trách, chỉ huy. Cương vị nào ông cũng hoàn thành tốt. Đang là Đại tá Tư lệnh quân chủng Phòng không - Không quân (1967), ông được phân công chức Phó Tổng tham mưu trưởng. Mãi sau năm 1975 ông mới được thăng cấp Trung tướng, rồi Thượng tướng. Năm 1990 ôngmới nghỉ hưu.

  1. Vị tướng hiện thân cho việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh.

       Nhờ được là học trò gần gũi của Bác Hồ mà Thượng tướng Phùng Thế Tài là một vị tướng tài năng. Trước hết là nhờ thiên tài chọn người chọn việc. Bác Hồ chưa chọn người, chọn việc sai bao giờ. Đây là chuyện hiếm hoi trên thế giới. Không có chuyện “tâm linh” gì ở đây cả. Nghiên cứu về Bác tôi biết. Chỉ có cách giải thích là nhờ vốn học vấn cực kỳ sâu rộng, một tình yêu lớn, một tinh thần trách nhiệm đến tuyệt đối đã phú cho Bác một trực giác đặc biệt. Tại sao Người chọn Võ Nguyên Giáp làm Tổng Tư lệnh cũng tương tự như Người chọn Phùng Thế Tài phụ tráchmặt trận Phòng không. Năm 1963, Quân chủng Phòng không - Không quân được thành lập, theo đề nghị của Bác Hồ được Bộ Chính trị thông qua, Đại tá Phùng Thế Tài giữ chức Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng.
       Cũng xin sơ qua chiến công đầu của Bộ đội Phòng không - Không quân đã bắn rơi 8 máy bay địch, bắn hỏng 3 chiếc khác và bắt sống giặc lái đầu tiên ở miền Bắc (8/1964). Người có công xây dựngvà phát triển lực lượng không quân Việt Namlà Tư lệnh Phùng Thế Tài và Chính ủy Đặng Tính.
       Tháng 5/1963 thành lập Trung đoàn Không quân Tiêm kích 921 (mật danh Đoàn Sao Đỏ).
       Tháng 8 năm 1965 Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 (mật danh Đoàn Yên Thế)với biên chế hai đại đội, 17 phi công MiG-17. 
       Tháng 3 năm 1967, Sư đoàn Không quân Thăng Long (phiên hiệu quân sự 371) được thành lập gồm các Trung đoàn 921, 923, 919 và đoàn bay Z. Đây là Sư đoàn Không quân đầu tiên của Quân đội ta.
       Tiên đoán được ý đồ của Mỹ sẽ đưa máy bay B-52 tham chiến, Bác hỏi Phùng Thế Tài: “Chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B-52 chưa?”. Bác nói tiếp: “Nói thế thôi chứ chú có biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay cao hơn mười cây số mà trong tay chú hiện chỉ có cao xạ thôi… nhưng từ nay, là Tư lệnh bộ đội Phòng không, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay này”.Tại sao khi ấy Bác Hồ đã biết về B52 xin phân tích vào dịp khác, chỉ biết được Bác nhắc nhở Tư lệnh Phùng Thế Tài chỉ thị cho các cơ quan tham mưu tác chiến, quân báo thu thập, phân tích tính năng của B-52.
       Năm 1965, Mỹ cho B-52 ném bom Bến Cát -Tây Bắc Sài Gòn.
       Năm 1966, B-52 máy bay Mỹ đánh Quảng Bình, Vĩnh Linh.
       Bác Hồ cho mời Tư lệnh Thế tài lên gặp và chỉ thị Quân chủng Phòng không - Không quân: “B-52 đã đánh bom miền Bắc. Phải tìm cách đánh cho được B-52. Trách nhiệm này Bác giao cho các chú Phòng không - Không quân”.
       Thiên tài của Bác Hồ được vị Tư lệnh ghi lòng tạc dạ. Bác dạy về sách lược đánh “Muốn bắt được cọp phải vào tận hang của chúng”.Về cách đánh, Bác dạy: “Các chú phải học tập đồng bào miền Nam đánh giặc bằng cách nắm lấy thắt lưng địch mà đánh!”.
       Tháng 5 năm 1966, Trung đoàn tên lửa 238 vào tuyến lửa Vĩnh Linh đánh B-52. 
       Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 238 bắn rơi một B-52!
       Đầu năm 1968, Bác Hồ cho mời Phùng Thế Tài (Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam) và Đặng Tính (Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân) căn dặn điều hệ trọng, để rồi hơn 4 năm sau là chìa khóa mở ra trận đại thắng Điện Biên Phủ trên không để kết thúc chiến tranh: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
       Đồng chí Phùng Thế Tài và Chính ủy Đặng Tính chính là những người có công lớn trong việc quân ta tiêu diệt B52 trên bầu trời Hà Nội. Cứ nói theo Bác Hồ, để có thành công cực kỳ vĩ đại đó, tức “mục đích 1”, thì “kế hoạch 10, quyết tâm phải 20”. Chúng tôi xin phép không mô tả lại những trận đánh “vít cổ Thần Sấm” từ lưới lửa phòng không và “nắm lấy thắt lưng” địch của máy bay Mic, nhất là có sự tiên đoán của người chỉ huy và năng lực trinh sát (Cục 2) như “vẽ ra trên giấy” đường bay của B52. Xin ghi lại lời của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp để thấy rõ hơn sứ mệnh của bộ đội Phòng không Hà Nội ngày ấy: “Cả nước đang hướng về. Toàn thế giới đang hướng về Hà Nội. Từng giờ, từng phút, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương theo dõi chặt chẽ cuộc chiến đấu của Hà Nội. Vận mệnh của Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội”.
      Việt Nam thắng Mỹ vì Việt Nam có văn hóa giữ nước, có quyết tâm cao, có trí tuệ lớn, có những vĩ nhân kiệt xuất như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, có những tài năng lớn như Phùng Thế Tài, như Đặng Tính...
       Chỉ tiếc ngày Chiến thắng không có Bác Hồ!
       Ít người biết, ngoài những việc quân cơ đại sự bên Quân chủng Phong không - Không quân, Phùng Thế Tài còn nhận nhiệm vụlà một trong những người chỉ đạo công việc bảo quản thi hài Bác. Trong giọng kể của ông về giữ gìn thi hài Bác có sự thổn thức của đứa con yêu và nỗi đau khôn nguôi của người học trò: “Tôi đứng kiểm tra anh em tập, nhìn chiếc quan tài nằm trên vai các chiến sĩ mà nước mắt cứ trào ra vì nghĩ rằng rồi đây trong chiếc quan tài đó sẽ là thi hài của Bác, một việc mà tôi không bao giờ muốn nghĩ đến sẽ có ngày xảy ra. Những đêm tập như thế thường có đồng chí Kim Chi, Cục trưởng Cục Bảo vệ đứng bên cạnh tôi và tôi phải cố sức kiềm chế để không cho ai biết mình đang khóc. Thường khoảng 4 giờ sáng buổi tập mới xong, tôi lên xe trở về nhà buồn không nói đâu cho hết. Vợ con hỏi đi đâu về, tôi cũng không buồn trả lời, thực ra là không dám trả lời vì phải giữ bí mật tuyệt đối”.
      Ai cũng biết việc chuẩn bị lễ tang, việc giữ gìn thi hài Bác trong điều kiện chiến tranh cực kỳ ác liệt, nếu không có tình yêu,trí tuệ lớn, có trách nhiệm cao, có sự khổ công, kiên trì đặc biệt sẽ không hoàn thành...
      Không có sự tri ân của con người giàu ân nghĩa, không có sự tinh tế của một tâm hồn giàu cảm thông sẽ không có những suy nghĩ này về những chuyên gia Liên Xô (cũ) giúp ta bảo vệ thi hài Bác: “tôi (tức Phùng Thế Tài) cứ suy nghĩ mãi về những con người này, về chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, với cương vị của mình, chắc chắn họ có đủ điều kiện để sống một cuộc sống đầy đủ tiện nghi, bên cạnh gia đình, vợ con. Thế mà giờ đây họ vui vẻ, sẵn sàng chấp nhận một cuộc sống gian khổ, thiếu thốn, buồn tẻ trong một khu rừng vắng để góp phần giữ gìn thi hài cho lãnh tụ một đất nước xa xôi cách quê hương họ nửa vòng trái đất”. Đấy là những suy nghĩ của một vị tướng lại cho thấy, thì ra cái gốc của một tài năng vẫn là tình yêu con người, sự trân trọng con người! Những suy nghĩ ấy càng cho thấy chi tiết Tướng Phùng Thế Tài chỉ thị cho Đoàn trưởng Nguyễn Gia Quyền cho người mua con vẹt cho một chuyên gia Liên Xô là thật nhân văn. Chả là vì, sang giúp Việt Nam, để đỡ buồn, vị chuyên gia ấy nuôi một con vẹt nhưng lần ấy nó bay thoát ra ngoài. Tướng Tài biết chuyện...Ông còn là nhân tướng, là lương tướng!
       Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, 2 Huy hiệu Bác Hồ và nhiều phần thưởng cao quý khác cho ông. Điều đó hoàn toàn xứng đáng. Nhưng cái Huân chương lớn nhất của ông là được lịch sử khắc ghi trong trí nhớ và sự kính trọng của Nhân dân!