(Thứ ba, 04/10/2022, 10:35 GMT+7)

Thực hiện sự chỉ đạo của Hội đồng họ Phùng Việt Nam; tiến tới kỷ niệm 02 năm ngày thành lập Hội đồng họ Phùng Việt Nam khu vực phía Nam (9/10/2020-9/10/2022); Ban Thường trực Hội đồng họ Phùng Việt Nam khu vực phía Nam tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại Nhà hàng Khách sạn ARISTO - Số 3 Vỗ Văn Tần, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động hết sức có ý nghĩa của các cành nhánh họ Phùng phía Nam trong khuôn khổ thường niên các hoạt động họ Phùng toàn quốc.

Theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam, nhà văn Phùng Văn Khai - Thường trực Hội đồng và phu nhân sẽ tới dự buổi Gặp mặt.

Năm 2020, Hội đồng họ Phùng Việt Nam khu vực phía Nam được thành lập và ra mắt thành công tại Thành phố Hồ Chí Minh. Kể từ đó đến nay, Hội đồng họ Phùng Việt Nam khu vực phía Nam đã tham gia tích cực, hiệu quả các hoạt động của dòng tộc họ Phùng trên toàn quốc. Đây là một số hình ảnh của buổi lễ ra mắt Hội đồng họ Phùng Việt Nam khu vực phía Nam.


Nhà văn Phùng Văn Khai - Thường trực Hội đồng họ Phùng Việt Nam cùng người dẫn chương trình tiến hành công chức tổ chức tại Lễ ra mắt Hội đồng họ Phùng Việt Nam khu vực phía Nam


Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam; Tiến sĩ Phùng Quốc Mẫn - Phó Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam phụ trách phía Nam tại Lễ ra mắt


Hội đồng họ Phùng Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với Hội đồng họ Phùng khu vực phía Nam


Các nàng dâu họ Phùng - thành viên chủ chốt, quan trọng của họ Phùng tại Lễ ra mắt

Sau đây, Hội đồng họ Phùng Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân về họ Phùng triều Nguyễn.

HỌ PHÙNG TRIỀU NGUYỄN (1802-1945)
TIẾP NỐI TRUYỀN THỐNG, HÀNH TRÌNH THIÊN DI, VÀ NHỮNG NHÂN VẬT TIÊU BIỂU

Nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân

Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, dòng tộc họ Phùng đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, biết bao triều đại phong kiến, nhưng ở bất kỳ giai đoạn nào cũng đều xuất hiện những nhân tài họ Phùng với lòng yêu nước nồng nàn, tham gia vào cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc trước thế lực ngoại xâm, khẳng định vững chắc độc lập tự chủ của dân tộc. Những tên tuổi như Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Phùng Tá Chu, Phùng Khắc Khoan sẽ tồn tại bất diệt trong những trang vàng chói lọi nhất của lịch sử cũng như trong tâm thức nhân dân với đầy sự tự hào. Nhưng không thể không kể đến những con người họ Phùng đã đóng góp sức lực của mình cho công cuộc mở mang bờ cõi quốc gia về phía Nam, cũng như giai đoạn phát triển phồn vinh của triều Nguyễn.

1. Truyền thống yêu nước và thượng võ được dòng tộc họ Phùng bảo lưu và phát huy xuyên suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, được cụ thể hóa nhất thông qua những vị anh hùng dân tộc, những chiến tướng, là những hiện thân của phẩm chất kiên trung dũng cảm, trí lực tuyệt vời, tinh thần thượng võ cùng sức khỏe vô song.

Vị võ tướng trứ danh đầu tiên của dòng họ Phùng là Đại tướng quân Phùng Lực thời Hùng Duệ Vương thứ XVIII. Tương truyền Phùng Lực sinh ra ở làng Thung Xá, huyện Đông An, phủ Khoái Châu, đạo Sơn Nam. Khi sinh ra, ông đã có thần phong tuấn tú nghiêm nghị, phong thái khôi ngô thần diệu, khắc hẳn người thường. Năm 16 tuổi, ông đã có sức mạnh nhấc nổi đỉnh lớn, bạt nghiêng núi, nên được cha đặt tên cho là Lực Công. Sau này Lực Công yết kiến Tản Viên Sơn Thánh, được Sơn Thánh giới thiệu phò tá Hùng Duệ Vương. Ông được Hùng Duệ Vương phong hiệu Đại Lực sỹ tướng quân. Phùng Lực đã cùng với Tản Viên Sơn Thánh đánh bại một vạn quân Thục Vương bộ chủ bộ Ai Lao tấn công, được Hùng Duệ Vương phong cho làm Đại Lực Hộ Quốc Thượng đẳng đại vương.
 
Kế đến phải kể tới Trạng Vật - Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa, người anh hùng có sự nghiệp gắn liền với sự nghiệp dựng nước và bảo vệ nước Vạn Xuân của Lý Bí (Lý Nam Đế, 503-548). Cho dù tuổi đời còn rất trẻ, Phùng Thanh Hòa đứng dậy chiêu tập nghĩa sĩ trong vùng, tham gia hợp quân với Triệu Quang Phục tả xung hữu đột giải vây cứu vua Lý Nam Đế ở hồ Điển Triệt, nhờ đó vua thoát vòng vây rút về động Khuất Lão. Vua Lý Nam Đế phong cho Triệu Quang Phục là Tả tướng quân, Phùng Thanh Hòa là Hữu tướng quân. Sau đó Phùng Thanh Hòa lui về An Hoa Trang, xứ Đoài để an cư lập ấp. An Hoa Trang sau này được đổi tên thành Phùng Gia Trang, và hiện tại là xã Phùng Xá, Thạch Thất. Phùng Xá vốn nổi tiếng giàu truyền thống với các sới vật, hội Vật được tổ chức từ mùng 6 đến mùng 10 tháng Giêng Âm lịch hằng năm. Các lò vật trứ danh ở làng Bùng luôn phụng thờ Phùng Thanh Hòa như một vị tổ nghề.

Vang danh oai hùng trong lịch sử chống ngoại xâm thời Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, chính là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Xuất thân là một hào trưởng, với sức khỏe phi thường “tay không đấm chết cọp,” Phùng Hưng đã tập hợp lực lượng và chỉ huy cuộc khởi nghĩa năm 767, với chiến tích đỉnh cao là đánh tan quân đội nhà Đường xâm lược và giải phóng thành Tống Bình vào năm 782. Sau khi qua đời, Phùng Hưng đã bước vào đời sống tâm linh của con người Việt Nam, được bất tử hóa và được phụng thờ tại nhiều điện, đền, miếu thờ. Uy đức dũng mãnh, khí chất quân vương phi thường của Phùng Hưng còn được ánh xạ trong truyền thuyết và thân tích, trong văn học trung đại và các lễ hội dân gian, được hậu thế sùng bái và tôn thờ rộng rãi.

Phụ quốc Thái phó Phùng Tá Chu, một trong những khai quốc công thần của nhà Trần, có những đóng góp tiêu biểu trong lĩnh vực chính trị - quân sự, thông qua việc tổ chức bộ máy cai trị, đào tạo binh lính và xây dựng kiến trúc. Hưng Nhân Đại vương Phùng Tá Chu còn là một trong số ít những người ngoại tộc được phong hàm Đại vương - tức là được coi ngang hàng với các đại vương trong tôn thất, thậm chí còn được tấn phong lúc sinh thời. Tuy Phùng Tá Chu qua đời vào năm 1241, nhưng ý tưởng của ông sau này đã được Trần Thái Tông cụ thể hóa bằng việc xây dựng Giảng Võ Đường vào năm 1253 làm nơi đào tạo tướng sĩ, giảng dạy binh pháp, thao diễn quân sự và luyện tập võ thuật tại kinh thành Thăng Long.

Những võ thần chiến vương, danh tướng lẫy lừng là niềm tự hào vĩnh cửu đối với hậu duệ họ Phùng, vô hình trung trở thành một truyền thống để toàn bộ con cháu noi theo và phát huy.

2. Người họ Phùng đã dịch chuyển di cư ở khắp các vùng miền Bắc - Trung - Nam. Nguồn gốc phát tích của dòng họ Phùng được đông đảo các học giả đồng thuận và đồng nhất với nguồn gốc phát tích của dòng họ Phùng Hưng ở Đường Lâm, Sơn Tây. Cho dù còn nhiều luồng ý kiến tồn nghi tranh cãi về nguồn gốc khai sinh thực sự của Phùng Hưng, nhưng việc sau khi qua đời ông đã được con cháu đưa về vùng đất Sơn Tây cổ dưới chân núi Ba Vì để an táng cũng là một căn cứ để xác nhận châu Phong (Hòa Bình, Sơn Tây, Phú Thọ, Hà Nội, Vĩnh Phúc ngày nay) là địa bàn cư trú chính của họ Phùng. Từ vùng đất trung tâm này, họ Phùng đã di cư tự do mở rộng ra toàn miền Bắc, hướng ra châu Trường và châu Ái rồi tiến biển. Căn cứ vào nguồn sử liệu và gia phả họ Phùng tại các địa phương miền Trung, có thể xác nhận sự vận động dịch chuyển “Nam tiến” của họ Phùng đã bắt đầu từ cuối thời Hậu Lê, và đặc biệt, gắn liền mật thiết với công cuộc khai khẩn phương Nam mở mang bờ cõi của các chúa Nguyễn.

Sự thiên di của dòng tộc họ Phùng mang hai đặc trưng thích ứng và cố kết điển hình. Khi định cư ở một địa danh mới, tộc họ Phùng đều mở mang đất đai, tổ chức canh tác nông nghiệp, phổ biến truyền dạy lục nghệ, duy trì phong tục truyền thống song song với kế quản thế mạnh địa phương, khuyến khích và chung tay cùng dân chúng bản thổ xây dựng nhà thờ tiền hiền. Ban đầu là sự cộng sinh hài hòa với môi trường xung quanh, cây họ Phùng bắt rễ sâu xuống lòng đất và làm giàu cho vùng đất họ sinh sống. Sử gia Tạ Chí Đại Trường, trên cơ sở tài liệu gia phả rải rác và các truyền thuyết được lưu lại, đã chỉ ra quy luật “người dân đi về Nam theo từng bước ‘cóc nhảy,’ vài trăm cây số với giai đoạn ngưng nghỉ lập nghiệp: những người trên vùng cổ Đại Việt đổ vào Bình Trị Thiên, những người ở đây đổ vào khu vực Nam Trung Bộ, và từ đây, đi vòng đất của vương quốc Chàm lay lắt tiến lên đất Đồng Nai để lại đổ vào dọc biển Campuchia.” Những người họ Phùng Nam tiến đầu tiên cũng không nằm ngoài quy luật đó, họ theo chân quá trình khai hoang của Nguyễn Hoàng để tiến vào khu vực miền Trung, với những dấu vết rải rác Quảng Bình, Quảng Ngãi và Quảng Nam.

Bối cảnh lịch sử đương thời rối ren là một tiền đề thúc đẩy quá trình di cư của họ Phùng vào phía Nam. Sự kiện bước ngoặt chính là khi Nguyễn Kim bị đầu độc năm 1545, con trai cả là Nguyễn Uông lên thay rồi bị em rể Trịnh Kiểm sát hại để đoạt quyền. Con trai thứ của Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng (1525-1613) nhận thức rõ sự nguy hiểm, nhờ chị gái là Nguyễn Thị Ngọc Bảo xin Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ ở Thuận Hoá. Thuận Hóa vốn dĩ là chốn phên giậu xa xôi, đất đai cằn cỗi, lòng dân lại chưa yên. Năm 1558, Nguyễn Hoàng đã cùng gia quyến, đồng hương và tướng sĩ thân tín thực hiện hành trình Nam tiến, rời đất Thanh -  Nghệ đi vào Thuận Hóa, qua cửa Việt Yên, đóng trại và chọn xã Ái Tử, huyện Vũ Xương (nay là huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) làm nơi lập thủ phủ, gọi là dinh Ái Tử. Năm 1569, Nguyễn Hoàng được giao làm Tổng Trấn Tướng Quân kiêm quản cả xứ Quảng Nam và xứ Thuận Hóa. Giai đoạn 1592-1600 ông tiến quân ra Bắc giúp họ Trịnh đánh nhà Mạc. Từ năm 1600 ông bắt đầu thiết lập nền tảng tự trị và mở rộng bờ cõi xuống phía Nam. Năm 1611, Nguyễn Hoàng phái tùy tướng là Văn Phong tiến đánh nước Chiêm Thành và lập ra phủ Phú Yên. Như vậy, năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng mới chính thức bắt đầu cuộc Nam tiến. Cho đến lúc ông qua đời, tức năm 1613, người Việt đã làm chủ một diện tích đất rộng lớn từ kéo dài đèo Cù Mông đến đèo Cả.

Nguyễn Hoàng trở thành chúa Nguyễn đầu tiên, sau khi thiết lập cương vực ở phía Nam, thống nhất lại các đơn vị hành chính thuộc quyền đã bắt đầu đặt tên mới cho vùng đất phủ Tiên Bình thành phủ Quảng Bình. Từ thời điểm này, danh xưng Quảng Bình chính thức được lịch sử xác nhận. Dưới thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, châu Bố Chính chia thành Bắc Bố Chính và Nam Bố Chính. Lấy sông Gianh làm giới hạn, Bắc Bố Chính thuộc Nghệ An, Nam Bố Chính thuộc Quảng Bình ngày nay. Đầu đời Gia Long, sau khi dành chiến thắng trước nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn đặt bốn dinh trực lệ tại khu vực phụ cận kinh đô miền Trung là Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức và Quảng Nam. Vào năm Minh Mạng thứ hai (1821) đổi dinh Quảng Bình làm trấn Quảng Bình và bỏ hai chữ trực lệ. Tới năm Minh Mạng thứ 12 (1831) trấn Quảng Bình được đổi thành tỉnh Quảng Bình. Lúc này, Quảng Bình có thiết chế hành chính cấp tỉnh. Các đơn vị hành chính ở Quảng Bình thời kỳ này đã trải qua những biến đổi như sau: Phủ Tiên Bình, vốn là Tân Bình, đời Hoằng Định (1600) đổi làm Tiên Bình; năm 1604 Nguyễn Hoàng đổi làm phủ Quảng Bình; năm Minh Mạng thứ 12 (1831) đổi làm Quảng Ninh. Huyện Khang Lộc: Thời Lê sơ là Kiến Lộc, sau đổi thành Khang Lộc; Năm Gia Long thứ 5 (1806) đổi làm Phong Lộc, lệ vào phủ Quảng Bình; năm Minh Mạng thứ 7 do phủ Quảng Bình (sau đổi làm phủ Quảng Ninh kiêm lý); năm Minh Mạng thứ 19 tách đất huyện Phong Lộc làm huyện Phong Phú sau bỏ tri huyện cho phủ kiêm lý. Địa vực hiện nay thuộc phần đất chủ yếu của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình ngày nay. Huyện Lệ Thủy có địa vực chủ yếu thuộc hữu ngạn phần trung lưu sông Kiến Giang, nay cũng là huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình. Châu Bố Chính: Thời Lê Trung Hưng Châu Bắc Bố Chính thuộc Nghệ An, Châu Nam Bố Chính thuộc Quảng Bình; thời Tây Sơn hai châu đổi làm châu Thuận Chính, đời Gia Long lại chia làm hai Châu Bố Chính nội và ngoại, sau đổi làm hai huyện Bố Trạch và Bình Chính đều lệ vào phủ Quảng Ninh; năm Minh Mạng thứ 19 (1838) tách đất hai huyện đặt thêm huyện Minh Chính lệ vào phủ Quảng Trạch; năm Tự Đức thứ 28 (1874) lại đặt thêm huyện Tuyên Hóa lệ vào phủ Quảng Trạch. Châu Bố Chính tương đương với đất các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa thuộc tỉnh Quảng Bình ngày nay. Đầu thế kỷ XVIII, xuất phát từ dòng họ Phùng ở Hà Nam và Sơn Tây, có hai anh em họ Phùng di cư vào Quảng Bình và lập nên dòng họ Phùng ở làng Vĩnh Tuy, Vĩnh Ninh, tỉnh Quảng Bình. Cho tới hiện tại, họ Phùng là một trong năm dòng họ lớn nhất ở làng Vĩnh Tuy, đến nay đã có 15 đời.

Năm 1558, Nguyễn Hoàng nhận nhiệm vụ trấn thủ Thuận Hóa. Năm 1602, trấn Quảng Nam đổi thành dinh Quảng Nam, phủ Tư Nghĩa (thuộc dinh Quảng Nam) đổi thành phủ Quảng Nghĩa/Ngãi (danh xưng Quảng Ngãi/ Nghĩa lần đầu tiên xuất hiện, phủ Quảng Nghĩa nay là tỉnh Quảng Ngãi). Năm 1771, Khởi nghĩa Tây Sơn, và tới năm 1776, nhà Tây Sơn đổi tên phủ Quảng Nghĩa thành phủ Hòa Nghĩa. Năm 1803, khi giành lại được quyền cai trị hành chính, nhà Nguyễn đổi phủ Hoà Nghĩa trở lại tên cũ là phủ Quảng Nghĩa. Năm 1807, xã Cù Mông (sau đổi là xã Chánh Mông rồi Chánh Lộ) được lựa chọn làm nơi xây dựng tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1813 đời vua Gia Long trấn Quảng Ngãi có phủ Tư Nghĩa và 3 huyện Bình Sơn, Chương Nghĩa, Mộ Hoa. Huyện Bình Sơn có 7 tổng, thuộc: tổng Hạ, tổng Trung, tổng Thượng, thuộc Đồn Điền, thuộc Hà Bạc, thuộc Hoa Châu và Nội phủ. Huyện Chương Nghĩa có 6 tổng, thuộc: tổng Hạ, tổng Trung, tổng Thượng, thuộc Đồn Điền, thuộc Hà Bạc, thuộc Hoa Châu. Huyện Mộ Hoa có 6 tổng, thuộc: tổng Hạ, tổng Trung, tổng Thượng, thuộc Đồn Điền, thuộc Hà Bạc, thuộc Hoa Châu. Như vậy 3 huyện đều có 6 tên tổng, thuộc gần như nhau (Hạ, Trung, Thượng, Đồn Điền, Hà Bạc, Hoa Châu), riêng huyện Bình Sơn có thêm Nội phủ. Năm 1832, Tỉnh Quảng Nghĩa/Ngãi được thành lập. Cả nước lúc này có 30 tỉnh và 1 phủ, với kinh đô là Thừa Thiên. Năm 1834, Lấy kinh sư Thừa Thiên làm trung tâm, triều đình nhà Nguyễn chia cả nước thành các trực kỳ trong đó tả trực gồm hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Năm Gia Long thứ 10 (1811), cải đổi tên chức Lưu thủ thành chức Trấn thủ, giữ nguyên chức Cai bạ và Ký lục. Dòng họ Phùng là một tộc họ lớn tại thôn Tuyết Diêm, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi từ khoảng thế kỷ XVI-XVII. Tộc họ đã sống tại vùng đất này hơn 10 thế hệ và là những người nắm đặc quyền về kinh tế tại vùng biển này trong suốt thời kỳ phong kiến.

Cần phải lý giải thêm về vai trò kinh tế của vùng biển Quảng Ngãi trong thời phong kiến. Theo các tài liệu cổ, như Tống Thư của Trung Hoa, Ức Trai Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi, Vương quốc Chămpa (Un Royaume de Champa) của nhà nghiên cứu Pháp G. Maspero, thì Vương quốc Chămpa có 4 đại châu và tổng cộng có 38 châu, quận lớn nhỏ. Đại châu thứ nhất ở phía bắc gọi là Amaravati, một phần đại châu này bao gồm cả Quảng Nam và Quảng Ngãi, với hai kinh đô Trà Kiệu và Đồng Dương. Vùng đất tỉnh Quảng Ngãi ngày nay là một tiểu châu trong đại châu thứ nhất tên Amaravati, thuộc một trong ba châu Sung Châu, Nông Châu, Đãng Châu mà nhà Tùy đặt. Theo phỏng đoán, tỉnh Quảng Ngãi thuộc về Nông Châu, sau đổi thành Hải Âm quận. Bởi lẽ nếu như trên dải đất của huyện Tượng Lâm đời Hán kéo dài từ nam đèo Hải Vân cho đến Đại Lãnh, thì Đãng Châu (Tỵ Ảnh quận) phải nằm ở phía nam thuộc vùng Bình Định, Phú Yên. Trong khi đó Sung Châu nằm ở phía Bắc thành Lâm Ấp quận, nay là tỉnh Quảng Nam, có kinh đô Trà Kiệu… Nông Châu nằm ở đoạn giữa là vùng đất Quảng Ngãi ngày nay. Bờ nam sông Trà Khúc có di tích của một tiểu quốc cổ ở Cổ Lũy - Phú Thọ. Phía bờ bắc sông Trà Khúc có thành Châu Sa là thành đất xây dựng quy mô của người Chăm. Thành Châu Sa có hai vòng, thành nội và ngoại, có tuyến đường thủy đi ra hai cửa biển là cửa Đại và cửa Sa Kỳ. Người Chăm là những thương nhân rất giỏi, đặc biệt là giao thương qua đường biển, đồng thời một mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng của họ là cây Trầm lại là một loại cây phổ biến ở Quảng Ngãi. Khai thác và xuất khẩu trầm hương trở thành một thế mạnh của người Chăm, là mặt hàng được ưa chuộng nhất ở thế giới Ả Rập. Do đó, Quảng Ngãi, nhờ vào địa hình có rừng và biển, cùng sản vật địa phương sẵn có, trở thành một trung tâm thương mại biển quan trọng của người Chăm. Một thế mạnh khác trong hải thương của người Chăm, đó là kỹ thuật đào giếng, tận dụng hệ sinh thái nước ngọt để khai thác và cung cấp nước cho các thuyền buôn nước ngoài. Mặt khác, vùng biển Quảng Ngãi lại có một vị trí quan yếu trên con đường thương mại biển trong nước lẫn hải thương khu vực, là huyết mạch giao thương thủy bộ. Bắt đầu từ nửa cuối thế kỷ XVII, do bất ổn chính trị ở Nam Trung Quốc, lẫn sự hoành hành của nạn hải tặc khiến cho vị trí thương mại của khu vực Vịnh Bắc Bộ và bán đảo Lôi Châu không còn điều kiện phát huy như trước, và cửa ngõ buôn bán giao thương dần chuyển dịch dần xuống phía Đông Nam. Như vậy, việc tộc họ Phùng có ưu thế vượt trội trên vùng biển Quảng Ngãi từ thế kỷ XVI, thể hiện việc kế thừa các cơ sở hạ tầng từ thời Chămpa, kiểm soát nguồn nước, phát triển đóng thuyền bè, đồng thời kết hợp đánh bắt cũng như khai thác các sản vật địa phương nhằm phục vụ cho việc trao đổi buôn bán đường thủy. Đến giữa thế kỷ XVII, những thanh niên trai tráng khỏe mạnh, bơi lội giỏi của họ Phùng ở Quảng Ngãi được tuyển vào Hải đội Hoàng Sa của chúa Nguyễn và trở thành những thành viên nòng cốt của hải đội này, với mục đích ban đầu khai thác hải sản và thu nhặt các hàng hóa do các tàu buôn bị đắm và trôi dạt vào quần đảo Hoàng Sa. Lê Quý Đôn từng ghi chép lại về hải đội Hoàng Sa trong tác phẩm Phủ biên tạp lục: “Ngày trước, họ Nguyễn có thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã An Vĩnh bổ sung vào. Mỗi năm luân phiên nhau đi, tháng giêng nhận giấy làm sai dịch, được cấp phát mỗi người sáu tháng lương, chèo năm chiếc thuyền câu nhỏ ra ngoài biển, phải mất ba ngày ba đêm mới đến đảo. Ở đó họ tha hồ bắt chim, bắt cá mà ăn. Họ thu được những đồ vật của tàu (bị đắm) như gươm và ngựa bằng đồng, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, thiếc khối, chì, súng, ngà voi, sáp ong vàng, chiêng, đồ sứ,...Họ còn lượm thật nhiều vỏ đồi mồi, hải sâm và hạt ốc vân. Đến tháng 8 thì họ trở về, và cửa Yêu rồi tới thành Phú Xuân để nạp các thứ lượm được. Sau khi cân, phân loại và định giá mới cho họ bán riêng vài thứ như ốc vân, hải ba và hải sâm. Xong, họ được lãnh bằng để về nhà, những thứ lượm được khi nhiều, khi ít không nhất định, có lần họ cũng phải về không.”

Dấu vết của sự thiên di họ Phùng còn xuất hiện tới tận Quảng Nam, với điểm hội tụ là làng Trà Long và có cơ sở khởi phát từ thời Hậu Lê. Họ Phùng là một trong những dòng họ sáng lập lên làng. Cho tới đầu thời Nguyễn, Địa bạ thời Gia Long chép vị trí làng/xã Trà Long xưa như sau: “Đông giáp xã Trà Sơn, xã Tuân Dưỡng, xã Vinh Hoa Chính lập cột đá làm giới/Tây giáp xã Kế Xuyên, thôn Phú Long, xã Tuân Nghĩa/Nam giáp xã Tuân Dưỡng, xã Vinh Hoa Chính/Bắc giáp xã Phố Thị, xã Kế Xuyên, xã Trà Sơn, lấy bờ ruộng làm giới.” Trong các địa danh giáp giới bốn bên trên, nay xã Vinh Hoa Chính và thôn Phú Long đã mất tên, còn các xã khác vẫn nguyên tên trên địa bàn các thôn của hai xã Bình An và Bình Trung, huyện Thăng Bình. Thời vua Gia Long, làng/xã Trà Long thuộc địa bàn tổng An Thái Trung, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa; đến thời vua Đồng Khánh, Trà Long vẫn giữ nguyên tên và là một trong 37 xã, thôn, phường thuộc tổng, huyện như cũ của phủ Thăng Bình. Theo một bản sao địa bạ còn lưu ở Trà Long, phía Tây và Tây Nam làng có đường thiên lý dài 756 tầm 2 thước; phía Nam giáp xứ đất Thực Lòng của xã Tuân Dưỡng, phía Bắc giáp xứ đất Lồi Trai của xã Kế Xuyên. Tập biên soạn về tiền hiền làng Trà Long, với tên gọi là Truy tầm kê biên tư liệu tiểu sử nguồn gốc dòng tộc tiền hiền làng Trà Long, đã được các vị cao niên trong làng hợp soạn, dựa trên cơ sở là một tập tư liệu chữ Nho có xuất xứ từ thời Minh Mạng và được bổ sung qua nhiều đời vua sau đó. Trong đó có ghi chép về những dòng họ sáng lập lên làng, bao gồm sáu tộc La Viết, Lý Văn, Lê Văn, Nguyễn Địch, Lý Ngọc và Phùng Văn là những tộc họ đầu tiên từ các vùng Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị đến khai phá và dựng làng Trà Long. Địa bàn cư ngụ ban đầu của các tộc được ghi như sau: Họ La cư trú tại trung tâm làng - xứ Cây Rõi - Bồ Đề. Họ Nguyễn Địch cư trú tại xứ Trà Long hạ và Cây Rõi - Bồ Đề. Họ Lê Văn cư trú tại xứ Dương Tháp và xứ Trà Long thượng. Họ Lý Văn cư trú tại xứ Trà Long hạ. Họ Lý Ngọc cư trú tại xứ Trà Long thượng. Họ Phùng Văn cư trú tại xứ Châu Biên và xứ Thù Kế. Cách an táng các vị tiền hiền, hậu hiền làng Trà Long cũng được ghi chép khá rõ. Đó là cách an táng ở các địa điểm giáp giới với các làng lân cận để “giữ đất,” như mộ ông tổ Phùng Văn Dũ của dòng họ Phùng Văn được táng phía Nam giáp đất làng Tuân Dưỡng.

Bởi vậy, có thể thấy dòng họ Phùng là một trong những dòng họ đầu tiên tham gia vào công cuộc khai khẩn mở mang bờ cõi Đại Việt do chúa Nguyễn chủ trương một cách tích cực. Các nhánh của dòng họ Phùng nối tiếp nhau định cư trên bờ biển miền Trung Việt Nam từ Quảng Bình trở vào, cùng làm nghề trồng lúa và đánh bắt. Tại mỗi địa danh cư ngụ, họ đều duy trì được tinh thần cố kết của dòng họ, đồng thời phát huy các truyền thống sinh kế để phát triển dòng họ và làm giàu cho mảnh đất mình sinh sống. Các thế hệ của dòng họ Phùng đời đời nối tiếp nhau, và có những nhân vật tiêu biểu của dòng họ đã nắm giữ vai trò quan trọng trong triều chính nhà Nguyễn.

3. Phát huy truyền thống của dòng họ, những hậu duệ của Phùng Hưng đã cống hiến sức lực cũng như tài năng của mình cho sự khai lập, ổn định bờ cõi và phát triển thịnh trị của triều Nguyễn. Một trong những nhân vật tiêu biểu đầu tiên của họ Phùng góp sức cho triều Nguyễn từ giai đoạn chiến tranh giữa Chúa Nguyễn và Tây Sơn (1787-1802) là Phùng Văn Nguyệt. Theo Đại Nam thực lục và Hoàng Việt hưng long chí, Phùng Văn Nguyệt làm Tổng nhung cai cơ, chức quan chuyên coi thu thuế nhà nước, dưới trướng vua Gia Long. Năm 1788, được cất lên làm Lưu thủ Trấn Biên (Đồng Nai). Tháng 4 năm Canh Tuất (1790), vua Gia Long cho Lê Văn Quân làm tổng chỉ huy, cùng với Võ Tánh và Nguyễn Văn Thành mang 5.000 quân thủy bộ ra đánh nhau với quân Tây Sơn ở Bình Thuận. Tháng 6 năm 1790, Phùng Văn Nguyệt cũng nhận lệnh tham gia vào trận đánh, Chưởng cơ Nguyễn Văn Nghĩa thay thế nhậm chức Lưu thủ Trấn Biên. Trận đầu quân Gia Long thắng lớn, chiếm lại được thành Bình Thuận. Nhân đà thắng lợi, Lê Văn Quân muốn tiếp tục khởi binh tiến đánh luôn Diên Khánh (Khánh Hòa), nhưng Nguyễn Văn Thành can ngăn nên Lê Văn Quân đành phải đóng quân ở Phan Rang chờ thời. Sau đó, Võ Tánh và Nguyễn Văn Thành được lệnh rút quân về Gia Định. Lực lượng Tây Sơn nhân cớ đó truy kích thẳng vào dinh trại của Lê Văn Quân vào mùa thu. Thế quân địch mạnh như vũ bão, không sao địch nổi, tướng sĩ bị thiệt mạng quá nhiều, buộc Lê Văn Quân phải đưa thư cấp báo cầu viện. Nhận thư, Nguyễn Văn Thành khuyên Võ Tánh cùng nhau đem quân ứng cúu, nhưng Võ Tánh không đồng thuận do mâu thuẫn từ trước với Lê Văn Quân, do đó chỉ có mình Nguyễn Văn Thành trở lại đánh giải vây rồi cùng Lê Văn Quân về giữ Phan Rí. Quân Tây Sơn tiếp đà vây đánh liên tục khiến Lê Văn Quân đổ bệnh, toàn quân nhụt chí. Do Gia Long thấy Lê Văn Quân bệnh lâu chưa khỏi, chia quân ra, cho Khâm sai Tổng nhung cai cơ Phùng Văn Nguyệt coi Trung chi và Nguyễn Văn Lợi coi Tiền chi giữ Bà Rịa, Nguyễn Văn Tính coi Hậu chi giữ đạo Đồng Môn. Vua Gia Long kế đến lại sai Phùng Văn Nguyệt đóng quân ở Hưng Phước, cũng là để xem xét tiến triển bệnh tình của Lê Văn Quân. Mùa xuân Tân Hợi năm 1791, Lê Văn Quân khỏi ốm, từ Hưng Phước về Gia Định. Đến năm 1793, Phùng Văn Nguyệt được lệnh cùng với Tham quân Lê Đình Kiêm đốc thúc việc thu thuế ở Quy Nhơn. Phùng Văn Nguyệt vốn tính khí dũng cảm nhưng suy tính cẩn trọng, trong trận mạc thì xung pha, trong hành chính thì đôn đáo liêm khiết, cả đời tận tụy trung thành với vua Gia Long nên được vua quý mến, giao cho những nhiệm vụ quan yếu như yểm trợ, thủ thành và thu thuế.

Hoàng đế Gia Long nổi tiếng là người khôn ngoan, tài trí, biết dùng người, dụng nhân như dụng mộc. Một mặt, ông rất nghiêm khắc, kỷ luật, cương quyết, ép các quan thuộc cấp làm việc nặng nề cho xứng với kỳ vọng của mình. Mặt khác, ông cũng tế nhị, bao dung, trọng dụng người tài bất kể lai lịch xuất xứ, biệt đãi người có công. Đây là kết quả của sự tôi luyện trưởng thành qua khốn khó, mà Tạ Chí Đại Trường từng có nhận định “Gia Long là một Nguyễn Ánh được tập thành trong biến cố. Tuổi trẻ, gặp gia biến quá sớm, trước một kẻ thù gần như là vô địch, bị rượt đuổi tận hang cùng ngõ hẻm, ông mang nhiều mặc cảm yếu ớt, hay than thở và bị bắt buộc mong đợi, trông cậy ở người nhiều. Nhưng tình thế giúp ông tự chủ dần dần.” Quốc sử Đại Nam thời Nguyễn mô tả về tính cách của Gia Long “biết chia ngọt sẻ bùi với thuộc tướng,” ứng phó rất lẹ làng với các tình thế, đồng thời lại có khả năng lãnh đạo và điều hòa một đội ngũ quan - binh tương đối phức tạp với nhiều sắc tộc và xuất thân khác nhau. Dưới triều đại vua Gia Long cũng có những nhân vật họ Phùng khác được trọng dụng. Năm 1791, Phùng Văn Tiêm được vua Gia Long giao chức Phó trưởng chi Trung chi, chỉ huy một đơn vị quân đội cấp cao chỉ sau cấp đồn và cấp dinh. Năm 1801, khi Gia Long chiếm được Hội An, chia quân đuổi Tây Sơn, một nhân vật khác của họ Phùng là Phùng Văn Súy đang là Trưởng hiệu được cất lên giữ chức Phó vệ úy Thần dũng. Theo quan chế triều Nguyễn thời Gia Long, Phó vệ úy thuộc hành tòng tam phẩm.

Một nhánh họ Phùng đã được xác lập tại làng An Du, huyện Minh Linh (xưa là châu Minh Linh, nay thuộc huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị), với nguồn gốc phát tích liên quan đến thân mẫu Nguyễn Thị Hoàn của vua Gia Long. Ban đầu phải kể đến Phùng Thế Thanh là người họ ngoại (bên mẹ) của vua Gia Long. Năm 1802, khi lên ngôi, vua Gia Long “Miễn binh dao và thuế thân cho dân An Du. An Du là làng cũ của Quốc mẫu. Vua nhớ ơn Thích lý (làng họ ngoại) nên đặc biệt miễn cho. Phàm những người binh đinh lệ thuộc các dinh cơ vệ hiệu đội các quân đều cho về dân. Lại cho người họ ngoại là Phùng Thế Thanh chức hàm khám lý hàm tòng thất phẩm.” Còn có Phùng Thế Hòa là người An Du, huyện Minh Linh. Trước khi lên ngôi, quốc mẫu của vua Gia Long phải ẩn lánh, ông thờ phụng rất kính cẩn vì thế, khi lên ngôi, vua cho Phùng Thế Hòa làm Cai đội, giữ Cửa Sót. Một nhân vật họ Phùng khác ở làng An Du được vua Gia Long tin nhờ là Phùng Thế Xứng. Vào năm 1812, vua cấp 5 mẫu ruộng thờ cho họ Phùng ở An Du, sai cai đội Phùng Thế Xứng coi giữ việc thờ cúng dòng họ. Điều này thể hiện sự trân trọng và ưu ái đặc biệt của vua Gia Long đối với dòng họ Phùng ở An Du.

Đến thời hoàng đế Minh Mạng, nội trị được cải cách và nền khoa cử Nho giáo được duy trì phục hồi, đồng thời vua cũng chú trọng việc đôn đốc khai hoang ở ven biển Bắc Kỳ và Nam Kỳ, bởi vậy đã xuất hiện những vị quan họ Phùng đạt kết quả cao trong thi cử, tham gia vào nội chính và đảm nhiệm những chức vụ quan trọng tại các địa phương. Phùng Huy Giảng vào năm 1809 được lấy làm Hàn lâm viện, sau thăng lên Thiêm sự Hình bộ. Năm 1817 ông được bổ làm Hiệp Trấn Kinh Bắc. Năm 1820, ông vì ốm yếu mà được miễn chức. Năm 1821, ông lại được phục chức cũ. Năm 1830, năm Minh Mạng thứ 11, ông được cất lên làm Chủ sự Hình bộ. Năm 1832, năm Minh Mạng thứ 13, ông được kiêm Thự tham hiệp Phú Yên. Cùng năm, ông được đổi sang làm Thự Án sát sứ. Tới năm 1833, ông bị giáng một cấp. Nguyên nhân là do biền binh Phú Yên khi giao chiến với giặc ở Biên Hòa không hăng hái tiến lên, vua quy tội cho lãnh binh và các quan cai quản đã không làm tròn chức trách huấn luyện binh sĩ. Phùng Huy Giảng qua đời năm 1833.

Phùng Đắc Ninh có tên trong 53 người đỗ Hương công tại trường thi Thăng Long khoa thi Kỷ Mão năm 1819. Ông làm Thự Lang trung bộ Hộ dưới triều vua Minh Mạng. Năm 1834, năm Minh Mạng thứ 15, ông được sai đi làm Từ hàn trong quân đánh giặc Kiệu Huống và Khâm Khuyết. Năm 1835, ông được điều bổ làm Thự Án sát Hà Tĩnh. Năm 1837, ông làm Án sát Hà Tĩnh, cùng năm lại đổi sang làm Án sát Nghệ An. Năm 1839, Phùng Đắc Ninh được thăng Bố chính Quảng Yên.

Vào năm 1821, năm Minh Mạng thứ 2, Phùng Nghĩa Phương là một trong 40 người đỗ Hương cống trong kỳ thi Hương ân khoa ở trường Quảng Đức. Quê ông ở làng Tô Xá, Bố Chánh (nay là xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình). Ông làm Viên ngoại lang Bộ Lại, đến năm 1836 được đổi làm Án sử phú Sơn Phủ, rồi làm Sơn Tĩnh Tuyên phủ sứ. Năm 1841, năm Thiệu Trị thứ nhất, ông được đổi làm Lang trung Bộ Lại, rồi làm Bố chính tỉnh An Giang. Năm 1842, ông có công trong việc trấn yên giặc, được trọng thưởng kỷ lục một thứ. Cho đến năm 1844, Phùng Nghĩa Phương vì mắc tội mà bị miễn chức.

Một nhân vật họ Phùng ưu tú khác có sự nghiệp nhiều biến cố thăng trầm triều Nguyễn là Phùng Hữu Hoà, làm Quản cơ Trung dũng dưới triều vua Minh Mạng, trật Chánh tứ phẩm, chỉ huy một cơ có quân số 500 lính. Ông là người có tướng mạo uy dũng, thần lực hơn người, tinh thông võ nghệ và giỏi cầm quân. Binh nghiệp của ông để lại nhiều công trạng hiển hách nhưng cũng nhiều chông chênh gập ghềnh. Năm 1834, ông đem 500 binh dõng, hiệp lực với Quản phủ Vĩnh Tường, Lê Huy Trị, đánh giặc ở xã Ngoại Trạch thuộc Yên Lãng, đánh tan giặc. Vua ra dụ chỉ cho bộ Binh thưởng cho ông thụ Vệ úy, trật Tòng tam phẩm. Cùng năm này, ông tham gia tiễu giặc ở Thanh Ba, có công được gia tăng quân công kỷ lục một thứ. Vua ban tặng ông cùng những người tham gia đánh giặc mỗi người một cái nhẫn pha lê mặt đỏ. Tiếp sau đó ông cũng là người có tên trong dụ chỉ ban thưởng tiền và quần áo vì có công đánh giặc. Cùng năm ông được bổ làm Lãnh binh Tuyên Quang. Ông dẫn quân tham gia trận đánh lấy hai đồn Đại Man và Trịnh Nghi, khiến quân giặc phải thoái lui. Vua Minh Mạng khi nhận được tin báo lập tức hạ phê: “Đi đến đâu, giặc đều đổ giạt, thế mà binh lính ta không ai bị chết, rất tốt.” Vua liền xuống dụ thưởng cho bọn Phùng Hữu Hoà, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Văn Phượng và Nguyễn Văn Vinh mỗi người được gia quân công kỷ lục hai thứ. Sau đó vì có đơn tham hặc tội hội quân chậm trễ nên ông bị xóa hai kỷ quân công gia thăng trước đó. Do có kẻ ghen ghét gièm pha, tiếp tục lại có thư tham hặc vì tội tiến quân chậm, ông lại bị giáng hai cấp. Thực chất ông dẫn quân từ Lang Can, bị giặc phục chặn đánh, ông quả cảm tả xung hữu đột giao chiến chém được bảy đầu giặc. Nhờ “đầu danh trạng” này, ông lại được khôi phục những cấp bị giáng. Năm 1835, ông được đổi làm Lãnh binh Bắc Ninh. Năm 1840, ông được đổi làm Lãnh binh Hà Nội. Cùng năm, ông có công hộ đê, được gia thưởng quân công và 200 quan tiền. Đến năm 1842, để chuẩn bị cho việc tiếp đón sứ nhà Thanh, ông được sung việc hậu tiếp ở công quán Gia Thụy. Cùng năm, sử chép, ông có tội, bị miễn chức (không ghi rõ tội gì), sau phục lại làm Phó lãnh binh Hà Nội. Năm 1843, ông được thăng Thự Lãnh binh Tỉnh Quảng Bình. Năm 1844, không rõ vì lí do gì, ông bị giáng một cấp. Năm 1845, ông lại được thăng thụ Chưởng vệ. Năm 1846, ông được sung Đề đốc dinh Tả. Có công hộ lễ, được ban thưởng bạc. Năm 1847, được thăng Thự Thống chế dinh Hồng Nhuệ, sau đó được sung làm Bồi liễn đại thần. Khi ông về hưu, hàng năm đều có tiền thưởng ban tặng.

Phùng Tường Vân xuất thân từ thôn Tân Lý, huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường (nay là Châu Thành, Tiền Giang). Theo Đại Nam thực lục, ông là một trong 20 người đỗ Cử nhân tại trường thi Gia Định khoa thi Bính Ngọ năm 1846, năm Thiệu Trị thứ 6. Năm 1846 là năm “tứ tuần đại khánh” của vua Thiệu Trị (1807-1847) nên tất cả khoa thi đều được cho là ân khoa. Sách Quốc triều Hương khoa lục của Cao Xuân Dục nói về khoa 1846: “Nhân dịp tứ tuần đại khánh của vua nên mở ân khoa, tăng số lấy đậu, chính khoa thì triển hạn năm sau.” Khoa này, được vinh dự đón vua Thiệu Trị ngự giá đến ngự lãm một số bài thi, một điều rất hiếm đối với các khoa thi Hương. Sách Đại Nam thực lục viết: “Vậy các quan tư xem ngay bên ngoài trường chỗ nào cao ráo rộng rãi, dựng vọng lâu đến kỳ đệ nhị ta sẽ thân đến coi… Truyền chỉ cho quan trường đợi sau khi chấm quyển xong, chọn những quyển văn có thể xem được, lấy dăm ba quyển phong kín tiến lãm.” Cùng khóa Bính Ngọ với Phùng Tường Vân, còn có Đặng Xuân Bảng (làm đến tuần phủ Hải Dương và đốc học Nam Định), Nguyễn Lương Ngạn (sau đổi thành Nguyễn Lương Năng, làm đến chức Ngự sử), Nguyễn Tạo (điền sứ Sơn phòng Quảng Nam). Sau này, Phùng Tường Vân làm quan tới chức tri phủ, vì thất thủ bị cách chức rồi được phục chức làm tri huyện Phù Cát. Huyện Phù Cát, Bình Định vốn là một địa giới mới được xác lập nên đất rừng rậm rạp hiểm trở, thú dữ, nạn trộm cướp còn nhiều. Phùng Tường Vân đã ra sức vỗ yên tình hình, mở mang ruộng đất, thanh trừng trộm cướp, đồng thời lại làm quan thanh liêm, công bằng, được thuộc lại và nhân dân tin phục. Ông cũng luôn thỉnh cầu vua tạo điều kiện để làm thủy lợi giúp cải thiện canh tác nông nghiệp, miễn trừ thuế, hoãn tuyển quân để hồi sức dân. Con dân Phù Cát dưới sự quản trị của ông nhân dân được hưởng ấm no, phát triển nông nghiệp, bốn mùa no đủ không hạn ách tai ương.

Đến thời Tự Đức, trong gian phía đông và phía tây của đền Trung Nghĩa ở Huế thờ những người có công đánh giặc, trong đó có ghi danh những người con họ Phùng đã dũng cảm chiến đấu bảo vệ tổ quốc chống giặc ngoại xâm như Phùng Văn Thìn, Phùng Tiến Lao (được chuẩn thờ năm 1856), Phùng Sáng, Phùng Trọng Chân, Phùng Văn Hoan, Phùng Đăng Cận (được chuẩn thờ năm 1880). 

Tựu trung, với nhân cách, đức nghiệp và công lao sáng ngời, những con người họ Phùng đã có đóng góp đáng kể, vun đắp cho sự phồn vinh và cường thịnh của triều Nguyễn ở phía Nam trong lịch sử Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đại Việt sử lược, Nguyễn Gia Tường dịch, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1993.
2. Địa bạ Dinh Quảng Nam, Nxb Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, 2010
3. Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, Viện Sử học Việt Nam dịch, Nxb Giáo dục Hà Nội,1998.
4. Việt điện u linh tập, Lê Hữu Mục dịch.
5. Cao Xuân Dục, Quốc triều Hương khoa lục, Nxb Lao động, 1992.
6. Keith Weller Taylor, The Birth of Vietnam(Việt Nam khai quốc), University of California Press, 1991.
7. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, tập 2, Nxb Giáo dục, 2007.
8. Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên… soạn thảo, Đại Việt sử ký toàn thư, Viện Khoa học - Xã hội Việt Nam dịch, Nxb Khoa học Xã hội, 1993.
9. Ngô Giáp Đậu, Hoàng Việt hưng long chí, Ngô Đức Thọ, Mai Xuân Hải, Nguyễn Văn Nguyên dịch, Nxb Văn học, 1993.
10. Nhiều tác giả, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng - Thân thế, Cuộc đời và Sự nghiệp, Nxb Văn học, 2019.
11. Nhiều tác giả, Họ Phùng Việt Nam, tập 1, Nxb Văn học, 2018.
12. Nhiều tác giả, Họ Phùng Việt Nam, tập 4, Nxb Văn học, 2020.
13. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Viện Sử học, Nxb Giáo dục, 2007.
14. Tạ Chí Đại Trường, Lịch sử Nội Chiến Việt Nam 1771- 1802, Nhà Xuất bản Văn Sử Học, Sài Gòn, 1973.
15. Tạ Chí Đại Trường, Thần, người và đất Việt, Văn nghệ - California, 1989.
16. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb Văn hóa - Thông tin, 2001.