"Lên ngôi" là cách ngôn ngữ Việt mô tả các hiện tượng văn hóa đại chúng trở thành chủ đạo trong đời sống. Một cách dùng từ đặc sắc: nó có tính dân chủ. Ai, cái gì, lên ngôi đều qua bầu chọn.
Trong ngôn ngữ Anh, thứ ngôn ngữ phổ biến nhất khi bàn đến văn hóa đại chúng, người ta thường dùng từ "dominate" (thống trị) để mô tả các hiện tượng văn hóa nổi bật. Các từ khác, như "widespread" (lan tràn) hay nhẹ hơn là "emerge" (nổi lên) đều là động từ có tính chất chủ quan, nghĩa là chủ thể tự làm được. Khi nói, "Nhạc rap đang thống trị các bảng xếp hạng", ngôn ngữ bắt chúng ta tư duy một chiều: nhạc rap tự làm việc đó bằng quyền lực nội tại của nó.
Nhưng "lên ngôi" trong ngôn ngữ Việt lại khác. Biện pháp hoán dụ này cho phép người ta đặt câu hỏi: Ai đã đưa nó lên ngôi? Cách dùng từ này không tuyệt đối hóa quyền lực nội tại của cái chủ thể đó. Kể cả thời phong kiến đi nữa, ai lên ngôi cũng phải thông qua một cuộc chiến, một cuộc thâu tóm quyền lực và nhận được sự ủng hộ của đa số kia.
Đó là câu hỏi của ngày hôm nay: Khi chúng ta nhìn thấy một hiện tượng văn hóa xấu "lên ngôi", thực ra ai đã làm điều đó? Và ngược lại, tại sao văn học nghệ thuật, các sản phẩm văn hóa có giá trị khác lại không thể "lên ngôi"? Ai đã không làm điều đó?
Khi hàng triệu người vào xem một livestream cãi lộn về chuyện ngoại tình của những người nổi tiếng; khi một diễn viên "tổ chức họp báo" để thanh minh vì bị tố cáo ngoại tình, khi những người có ảnh hưởng sẵn sàng làm những trò lố lăng tục tĩu để có thêm tương tác, rất nhiều lần, câu hỏi "Tại sao?" đã được đặt ra.
Nhưng nếu nhìn vào các cơ chế giám tuyển, những cơ chế có trách nhiệm đưa cái này hoặc cái kia "lên ngôi" ở Việt Nam, ta sẽ dễ dàng trả lời: vì có ai đưa cái gì khác lên ngôi đâu? Thứ thuận tiện nhất, dễ tiếp cận nhất, là nội dung mạng xã hội, sẽ luôn chiến thắng.
Suốt lịch sử, bất chấp sự bùng nổ của thị trường giải trí, các nền văn hóa luôn tìm cách duy trì những cơ chế giám tuyển độc lập. Người ta có thể chê giải Oscar vào mùa này, hoài nghi giải Emmy ở mùa khác, hay thậm chí là phủ nhận cả giải Nobel (có nhà văn vì bất mãn trả lại cả giải), nhưng có một thực tế: chúng được thiết kế để giám định văn hóa độc lập với đám đông. Người ta có thể thừa nhận hoặc phủ nhận, nhưng họ đi theo lối bình chọn của riêng mình. Oscar không trao giải cho phim kiếm nhiều tiền nhất, Emmy không quan tâm đến phim có rating cao nhất, và Nobel Văn chương không đoái hoài đến số lượng sách của tác giả.
Tại Việt Nam, từ lâu, đã có các ý kiến bất mãn của giới nghệ sĩ với các cơ chế giám tuyển này. Chúng rất ít: một vài giải thưởng của các hội nghề nghiệp và cơ quan thông tấn. Chúng không gây được hiệu ứng lên đại chúng, và thậm chí không trở thành niềm tự hào của người làm nghệ thuật. Một số danh hiệu, ví dụ như trong lĩnh vực kiến trúc, còn gần như tàng hình trước truyền thông. Điều này dẫn đến một bức tranh quái lạ: hầu hết các cơ chế giám tuyển, hay nôm na là cơ chế "giới thiệu cái hay" cho cộng đồng ngày nay đều do chính... nhà buôn của lĩnh vực đó làm.
Nếu bạn nhận giấy mời về một hội thảo về "kiến trúc tương lai", khả năng rất cao rằng nó bị chi phối hoặc thậm chí tổ chức bởi một ông chủ đầu tư bất động sản. Nếu bạn tham gia một tọa đàm về "Hội họa Việt Nam trong kỷ nguyên mới", rất dễ đó là sự kiện do một nhà đấu giá hoặc gallery tổ chức. Một hội thảo về sách, về tâm lý học, cũng thường xuyên là sản phẩm của các công ty xuất bản. Đây là một nghịch lý, khi sứ mệnh của các tổ chức này là tạo ra lợi nhuận từ việc bán hàng. Chúng ta không nên trông vào một ông bán nhà khi cần giới thiệu kiến trúc.
Ai giới thiệu, ai bầu chọn cho thứ gì lên ngôi? Các trường đại học, các bảo tàng, các viện nghiên cứu. Những người sống bằng việc nghiền ngẫm "cái gì là giá trị". Nếu đặt ra câu hỏi đó ở bất kỳ quốc gia nào, câu trả lời chắc là thế. Nhưng ở Việt Nam, câu trả lời là: các nhà buôn, thuật toán mạng xã hội, và công chúng tự loay hoay.
Nhiều ý kiến ngoài nghi về "gu thưởng thức" và "thị hiếu" của giới trẻ trong kỷ nguyên số. Nhưng đó không phải thứ có thể tự hình thành giữa một biển thông tin hỗn độn được tạo ra bởi các nền tảng số. Những nền tảng đó, cũng như một nhà buôn, có trách nhiệm với cổ đông của họ, về việc giành giật sức chú ý của công chúng cho-bất-kỳ-thứ gì. Nó không có nghĩa vụ giám tuyển, không có nghĩa vụ với cái hay, không có nghĩa vụ với bất kỳ giá trị nào ngoài giá trị cổ phiếu.
Ai có nghĩa vụ với việc thứ gì sẽ "lên ngôi"? Nếu chúng ta cương quyết công chúng phải tự xây dựng bộ lọc của riêng mình, câu trả lời đã luôn có trong suốt một thập kỷ qua rồi. Bất kỳ thứ gì, miễn bàn giá trị.
Theo ĐỨC HOÀNG / Báo AN NINH THẾ GIỚI CUỐI THÁNG