(Thứ hai, 30/10/2023, 01:54 GMT+7)

Thế hệ những người sinh vào thập niên 70 của thế kỷ trước, rất nhiều trong số đó vẫn còn nhớ tới một bài văn từng được đăng trong sách giáo khoa - bài văn viết về một người gác đèn biển cửa Nam Triệu tên là Phùng Văn Bằng được khắc họa qua ngòi bút ký sự chân thực và sống động của nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Trong những năm tháng cắp sách tới trường, hình ảnh kiên cường, hiên ngang, dũng cảm của người công nhân ấy đã trở thành một trong những biểu tượng rạng ngời, một tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo. Hàng chục năm đã qua đi, anh hùng lao động Phùng Văn Bằng giờ đây đã không còn nữa nhưng những ký ức về ông vẫn luôn là niềm tự hào của những người làm công tác bảo đảm an toàn hàng hải hôm nay.


Ông Phùng Văn Bằng (1936-2000) - Danh hiệu Anh hùng Lao động (1962)
quê ở làng My Động, xã Tiền Phong, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương

Trong căn nhà khang trang, rộng rãi và ấm cúng, anh Phùng Văn Chúng, con trai cả của ông Phùng Văn Bằng cho chúng tôi xem những kỷ vật của cụ mà gia đình còn lưu lại được. Thực ra cũng không nhiều lắm, nhất là những gì liên quan tới thời trai trẻ đầy hào sảng. Thứ hiện hữu duy nhất ở đó giúp chúng tôi có thể hình dung phần nào về ngoại hình và một phần tính cách của người gác đền một thuở đi vào thi văn là bức ảnh đen trắng chụp ngoài đảo. Nhìn bức ảnh, rồi lại nhìn người con trai cả của ông, chúng tôi không khỏi bật cười: Sao lại giống nhau đến thế? Dáng người gầy gầy, xương xương, nét mặt cương nghị mà khắc khổ, cho người đối diện cảm giác về một con người với tính cách trung thực, chân thành, cần mẫn và đầy nghị lực. Qua lời kể của anh Chúng về người cha của mình, chúng tôi lại càng thêm tin tưởng hơn vào cảm nhận ấy...
 
Ông Phùng Văn Bằng (1936-2000) quê ở làng My Động, xã Tiền Phong, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, con thứ hai của cụ ông Phùng Văn Phiên (tức cụ Cát) và cụ bà chính thất Phạm Thị Tơ. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước: Người anh trai ông là Phùng Văn Phan đã anh dũng hy sinh thân mình để bảo vệ tới cùng sự an toàn của tổ chức và đồng đội trước sự truy lùng tàn sát dã man của giặc Pháp. Còn ông Bằng, với lòng căm thù giặc sâu sắc, ngay từ khi còn rất trẻ cũng đã tích cực tham gia đoàn cứu quốc, trong đội quân du kích.
 
Năm 1952, sau khi người con trai cả Phùng Văn Phan bị giặc Pháp sát hại, vợ chồng cụ Phiên cùng các con buộc phải xa quê My Động để đến với Hải Phòng. Lớn lên, ông Phùng Văn Bằng làm công nhân tại Ty Hải đăng với nghề đốt đèn biển. Bấy giờ, hệ thống đèn biển nước ta vẫn còn sơ sài lắm. Trạm đèn Nam Triệu, nơi ông làm việc, không chỉ có một đèn mà gồm nhiều đèn biển khác nhau. Mỗi đèn lại có một người gác. Hàng sáng tắt đi, hàng tối lại thắp lên bằng dầu. Phương tiện đi lại thì vô cùng khó khăn, chỉ là những chiếc thuyền nạn đơn sơ trở nên vô cùng bé nhỏ giữa biển. Sự khó khăn và cách biệt của các đèn càng khắc họa hình ảnh cô quạnh kiên cường của những người giữ đèn khi ấy. Vậy nên mới có chuyện về những người gác đèn bị ốm, thậm chí chết mà vài ngày sau mới phát hiện ra. Cũng vào những năm đó, tác phẩm Người gác đèn cửa Nam Triệu đã ra đời. Sau này, trong một bài hồi ký, nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã viết: "Người gác đèn biển Phùng Văn Bằng được tôi thể hiện trong một bài ký dài với tất cả lòng yêu mến đăng trên báo Kiến thiết". Có lẽ chính vì sự yêu mến, khâm phục xuất phát từ đáy lòng ấy mà trong tác phẩm, tác giả đã có chút phóng đại khi miêu tả nhân vật chính trong lúc chèo thuyền đã dùng mái chèo mà đánh cá mập (vì thực tế vùng nước này không có cá mập). Hoặc cũng có thể đây là chủ ý nghệ thuật của tác giả khi hình tượng hóa sự nguy hiểm, khắc nghiệt giữa biển khơi mà một người gác đèn như ông Phùng Văn Bằng đã phải đối mặt. Song dù vì lý do gì thì tác phẩm cũng chính là sự khắc họa và ghi nhận lớn lao về những đóng góp thầm lặng, kiên cường của ông Phùng Văn Bằng nói riêng và những người gác đèn nói chung trong những năm tháng gian nan cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 của thế kỷ trước.
 
Nhiều năm đã trôi qua, ký ức của con trai ông - anh Phùng Văn Chúng về thuở nhỏ một lần ra thăm nơi làm việc của cha ở đảo Hòn Dáu đã không còn rõ ràng, nhưng anh vẫn nhớ... Khi ấy cũng là ngày Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra thăm trạm, cậu bé Chúng đã được Thủ tướng bế và âu yếm xoa đầu. Điều ấy khiến cho cậu bé dù chưa thể hiểu hết nỗi vất vả mà cha mình phải trải qua nhưng đã thấy rất tự hào và vô cùng ngưỡng mộ. Có lẽ, những điều ấy đã dần dần được nuôi dưỡng và sau này trở thành động lực để không chỉ anh Chúng nối nghiệp cha mà hai người con khác của Anh hùng Lao động Phùng Văn Bằng cũng đi theo con đường của bảo đảm an toàn hàng hải.
 
Suốt những năm tháng công tác, ông Phùng Văn Bằng trong con mắt của đồng nghiệp luôn là người nêu cao tinh thần trách nhiệm, xung phong nhận nhiệm vụ tại nơi sóng gió, hải đảo xa xôi. Dù trong điều kiện sống thiếu thốn, khắc nghiệt, ông vẫn luôn biểu hiện tinh thần làm chủ, lôi cuốn phong trào, động viên mọi người hăng hái lao động sản xuất. May mắn vì từng được đi học, ông và một số đồng nghiệp khác đã nhiệt tình truyền lại con chữ cho các anh em thiệt thòi hơn, nêu cao tinh thần ham học dù trong gian khó. Nhờ những người gác đèn như ông mà cây đèn biển vẫn luôn được thắp sáng, dẫn đường cho các con thuyền của nhân dân qua lại an toàn; cho các chuyến tàu chở hàng hóa của bè bạn quốc tế được thông suốt; cho các con tàu chở súng đạn, lương thực vào ra Cảng Hải Phòng, xây dựng đất nước, chi viện cho chiến trường để tiến tới giải phóng Miền Nam thống nhất Tổ quốc.
 
 
Ngày 3 tháng 5 năm 1962, ông Phùng Văn Bằng được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất vì đã lập nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1961.
 
Tròn một năm sau đó - cũng ngày 3 tháng 5 năm 1963, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Danh hiệu Anh hùng Lao động vì "Đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, xung phong công tác nơi xa đất liền, bền bỉ chịu đựng gian khổ, luôn luôn biểu thị tinh thần làm chủ, tích cực vượt khó khăn, lôi cuốn được mọi người hăng say công tác, bảo vệ tốt hệ thống đèn biển, đảm bảo thường xuyên ánh sáng cho tàu các nước ra, vào cảng an toàn; Có công xây dựng Tổ gác đèn biển là một tập thể gương mẫu nhất Ty Bảo đảm hàng hải".
 
Ngoài ra, trong cuộc đời công tác của mình, ông Phùng Văn Bằng còn nhận được rất nhiều Bằng khen, Giấy khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải. Sau này, trên cương vị đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, ông đã góp những tiếng nói tích cực đại diện cho quyền lợi của nhân dân. Trải qua nhiều cương vị công tác, vị trí cao nhất mà ông đảm nhiệm là cương vị Bí thư Đảng ủy Công ty Bảo đảm Hàng Hải I (nay là Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc). Phòng truyền thống đảo Hòn Dấu ngày nay vẫn còn lưu niệm những hình ảnh, kỷ vật từ khi ông còn làm việc với đồng chí, đồng nghiệp ngoài biển khơi.
 
Dù khi là một người công nhân hay khi đã trở thành lãnh đạo, người anh hùng lao động Phùng Văn Bằng vẫn luôn sống chan hòa, thanh bạch, giản dị. Anh Phùng Văn Chúng kể lại: "Tôi còn nhớ khi nhỏ mấy anh em thường hỏi cha: Sao cha cũng làm lãnh đạo mà nhà mình lại nghèo thế? Ông đã trả lời: Nhà mình tuy khó khăn, nhưng còn biết bao nhà khác khó khăn hơn mình. Vậy nên cần phải biết bằng lòng với cuộc sống, nỗ lực phấn đấu, quan tâm và chia sẻ với người khác chứ đừng chỉ biết đòi hỏi cho bản thân". Bằng chứng cụ thể nhất cho tính cách này của ông đó là sau khi được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, ông từng được thành phố phân cho một ngôi nhà khang trang ở đường Hồ Xuân Hương nhưng ông đã không nhận mà vẫn sống trong căn tập thể chật hẹp, đơn sơ của mình.
 
Ngày 20 tháng 10 năm 2000, ông Phùng Văn Bằng qua đời tại nhà riêng ở Hải Phòng. Tên ông được ghi trang trọng trong các văn bia, sổ truyền thống và gia phả dòng họ Phùng Quốc Công. Trong kỷ yếu “Họ Phùng Việt Nam, trong các tư liệu lịch sử của tỉnh Hải Dương, thành phố Hải Phòng, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Bắc đều nhắc đến tên ông.
 
Ngày 23 tháng 11 năm 2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã ban hành quyết định số 22/2012/QĐ-UBND, trong đó lấy tên người anh hùng lao động Phùng Văn Bằng để đặt tên cho một phố tại thị trấn Thanh Miện, huyện Thanh Miện: Phố Phùng Văn Bằng - điểm đầu là phố Nguyễn Nghi, điểm cuối là phố Vũ Văn Dũng có chiều dài 181,7m; chiều rộng 7m. Đây là một sự ghi nhận, vinh danh lớn lao mà tỉnh Hải Dương đã dành cho người con ưu tú từng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương - Anh hùng lao động Phùng Văn Bằng.
 
Với sự kính trọng và yêu mến dành cho ông, một người cùng trong dòng họ Phùng thuộc thế hệ đời sau đã viết tặng ông 4 câu thơ:
 
PHÙNG tộc thanh danh quyện khói hương
VĂN bia đại tự sáng từ đường
BẰNG son tộc phả còn in dấu
Hậu duệ ANH HÙNG đẹp tấm gương.

(Tác giả: Phùng Quang Lâm)
 
Còn với chúng tôi, những người chắp bút nên bài viết này qua lời kể của những người đã từng sống hoặc làm việc với ông thì luôn tin rằng: Phùng Văn Bằng sẽ mãi mãi trở thành một cái tên được nhắc đến với đầy lòng tự hào trong lịch sử của ngành Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam.
 
Ghi chép của Hồng Nhung
Theo lời kể của anh Phùng Văn Chúng - Phó giám đốc XN Khảo sát Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Bắc
và một số nhân chứng lịch sử khác

 
(KỶ YẾU 60 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG BẢO ĐẢM AN TOÀN HÀNG HẢI)