(Chủ nhật, 25/09/2022, 07:25 GMT+7)
Sinh ra, lớn lên và trưởng thành trên mảnh đất Liên Khê, anh Phùng Văn Vương, sinh năm 1989 đã quyết tâm làm giàu và biến mảnh đất khô cằn quê hương thành những vườn cây đơm hoa trái ngọt.
 

Anh Phùng Văn Vương, hội viên nông dân thôn 6 xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên chăm sóc mô hình cây ăn quả tại gia đình
 
Đến thăm gia đình anh Phùng Văn Vương, hội viên nông dân thôn 6 xã Liên Khê vào một sáng cuối tháng 11. Ai cũng trầm trồ và không khỏi ngạc nhiên bởi vườn cây trái xanh ngút ngàn. Anh Phùng Văn Vương chia sẻ:  Năm 2012, anh xây dựng gia đình với vợ là chị Nguyễn Thị Hoàng Yến (sinh năm 1993). Hai vợ chồng trẻ tuổi, kinh tế hai bên nội ngoại không dư dả nên anh chị phải tìm mọi cách bươn chải, kiếm sống. Hai anh chị từng làm đủ nghề trên Hà Nội, từ công nhân khu công nghiệp, đến công nhân đóng gói hàng xuất khẩu, làm vườn thuê… Năm 2014, anh bàn với vợ quyết tâm trở về quê hương Liên Khê an cư lập nghiệp. Anh trăn trở về ruộng đất bỏ hoang tại quê hương mình. Sinh ra và được nuôi lớn lên từ mảnh đất quê hương, cả tuổi thơ anh gắn liền với từng khoảnh ruộng, con trâu, cái cày, cái bừa. Nay nhìn mảnh đất ngày càng xơ xác, tiêu điều anh càng quyết tâm phải làm, phải cải tạo, phải xây dựng từ mảnh đất đã nuôi lớn mình. Gia đình bên vợ có sẵn nghề trồng ổi, trồng đào, quất Tết. Anh về tận quê vợ tại Hưng Yên để học nghề. Anh lên mạng tự mày mò, nghiên cứu các kỹ thuật chăm sóc và trồng giống ổi lê Đài Loan. Thấy con rể quyết tâm làm giàu trên ruộng vườn, lại thương hai con mình vất vả, bố vợ anh Vương khăn gói lên đường về tận Liên Khê hướng dẫn. Những ngày đầu lập vườn, cải tạo đất vợ chồng anh đã không ít lần muốn bỏ cuộc. Nhưng với sự động viên của gia đình, sự giúp đỡ của Đảng ủy, chính quyền địa phương, của Hội Nông dân xã; lại thêm quyết tâm cao của bản thân, anh chị từng bước vượt qua những khó khăn ban đầu. Vườn cây sau 5 năm bắt đầu cho quả thu hoạch đều. Với diện tích gần 2 mẫu, anh trồng chủ yếu là ổi lê Đài Loan, xen lẫn cau, na bở, na dứa Đài Loan, na Thái. Anh lựa chọn chăm sóc và trồng ổi theo hướng hữu cơ. Từng quả ổi được vợ chồng anh cần mẫn bọc từ khi trái còn bé; rồi toàn bộ “thức ăn” của ổi đều là từ đỗ tương xay, bột ngô ủ lên men, cá ủ… Đến nay,  thu nhập hàng năm khu vườn mang lại cho gia đình anh  trung bình khoảng 200 triệu đồng/năm. Với những kinh nghiệm làm giàu của chính mình, anh luôn sẵn lòng chia sẻ cho mọi người có nhu cầu muốn học hỏi. Anh tâm sự đã chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn cậu ruột của mình (tại Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên) trồng và chăm sóc ổi, hiện tại vườn ổi của cậu anh cũng đang bước đầu cho ra quả. Khi được hỏi về mong muốn của mình trong tương lai, anh nông dân trẻ tuổi 8X cười thân thiện: Tôi chỉ muốn mọi người thoát nghèo, làm giàu từ mảnh đất quê hương mình. Tôi sẵn lòng chia sẻ những kinh nghiệm của mình đến những ai có mong muốn đó.
 
Nói về hội viên Phùng Văn Vương, chị Bùi Thị Huế, Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Khê cho biết, anh Vương là tấm gương sáng vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng ở địa phương. Anh luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động của địa phương, của thôn xóm; vận động tuyên truyền bà con nhân dân bám đất làm giàu. Mô hình kinh tế của anh không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương mà còn là động lực, sức lan tỏa để hội viên nông dân, người dân trong xã học tập, thi đua phát triển kinh tế.
 
Rời mô hình của anh Phùng Văn Vương mà trong tôi còn lưu luyến mãi câu ca dao được mẹ dạy khi thơ bé ” Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang. Bao nhiêu tất đất, tấc vàng bấy nhiêu. Rủ nhau đi cấy đi cày. Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu”.
 
Theo Nguyễn Thị Nhung - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thủy Nguyên
Hội Nông dân thành phố Hải Phòng