(Thứ bảy, 29/06/2019, 04:46 GMT+7)

CÁC NHÀ KHOA BẢNG VÀ CỬ NHÂN

HỌ PHÙNG THỜI PHONG KIẾN

Tiến sỹ sử học Đinh Công Vĩ

I. Lần tìm mốc thời gian có thể biết về các nhà khoa bảng họ Phùng.

Năm 1075, Lý Nhân tông tổ chức cuộc thi Nho học đầu tiên với tên: Khoa thi “Tuyển minh kinh bác học và Nho học tam trường” Lê Văn Thịnh đỗ đầu trở thành bậc khai khoa của các nhà khoa bảng Việt Nam. Tiếp theo còn 5 khoa thi nữa của triều Lý. Năm 1227, nhà Trần tổ chức thi tam giáo. Khoa thi Nho học đầu tiên của nhà Trần tổ chức vào năm Kiến Trung (1232) đời Trần Thái tông. Tiếp theo còn nhiều khoa thi nữa ở đời Trần. Nhà Hồ: Mới lên ngôi (năm 1400) Hồ Quý Ly đã cho thi Thái học sinh lấy đỗ các danh nho lẫy lừng như Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên… Năm Khai Đại thứ 2 (1404) Hồ Hán Thương xuống chiếu quy định 3 năm thi Hội một lần… Vậy mà suốt mấy triều đại ấy chưa tìm được một tư liệu nào nói về người họ Phùng đỗ đạt. Sao vậy? Có thể lâu hơn nữa. Và ngay từ thời chống Bắc thuộc xa hơn các triều đại kia, họ Phùng đã nổi bật lên với danh nhân Phùng Hưng được cả nước tôn kính gọi là “Bố cái đại vương”, thành niềm tự hào cho xứ Đoài là “vùng đất hai vua”. Đời Trần vang dậy tiếng của danh nhân Phùng Tá Chu, vị khai quốc công thần của đế nghiệp Đông A. Cha Phùng Tá Chu là Phùng Tá Thang, nho, y, lý số thông tuệ, phép thuật quảng đại thần thông… Những danh tài ấy không phải là không có khả năng hái hoa trong các khoa thi Tam giáo hoặc Nho học. Nhưng cho đến nay mù mịt như một làn sương. Khoa thi mở màn nhà Lý chỉ nói tới Lê Văn Thịnh, nhưng cùng khoa với Lê Văn Thịnh còn ai nữa, sách không nói rõ. Năm khoa thi của nhà Lý tiếp theo thưa thớt và cách nhau quá xa (Vào các năm: 1086, 1152, 1165, 1185, 1193). Đặc biệt các khoa thi vào các năm 1152 [Đại Định thứ 2 thời Lý Anh Tông], 1165 [Chính Long Báo Ứng thứ 4 thời Lý Anh Tông] và 1193 [Thiên Tư Gia Thụy thứ 8 thời Lý Cao Tông] thì tư liệu chỉ ghi tên khoa thi mà không ghi tên người đỗ. Làm sao có thể biết trong các khoa thi ấy có người họ Phùng đỗ hay không? Khoa thi Tam giáo đời Trần năm 1227 chỉ diễn ra có mấy năm sau khi nhà Trần cướp ngôi nhà Lý, lúc đó cha con Phùng Tá Thang và Phùng Tá Chu đang được vua nhà Trần trọng dụng. Hai vị có thi đỗ hay không sử sách không nêu rõ. Vả lại, hai vị đang được phong quan tước hoặc có đủ điều kiện để thi thố tài năng thì cần gì phải thi cử nữa? Đời Hồ, vào năm Khai Đại 3 (1405) số cử nhân các nơi trong nước về kinh đô kiểm tra ở bộ Lễ được trúng cách là 170 người, nhưng tên danh của 170 người ấy sử sách không ghi rõ. Sau đấy, các vị trúng cách chưa kịp thi Hội thì chiến tranh xâm lược của giặc Minh nổ ra.

Vậy phải đến đời Hậu Lê (Lê sơ và Lê Trung Hưng) và nhà Mạc ta mới có thể biết được các nhà khoa bảng họ Phùng.

 

II. Các nhà khoa bảng họ Phùng

Thời Lê sơ, chưa giải phóng Đông Đô, Lê Lợi đã tổ chức thi ở dinh Bồ Đề. Năm Thuận Thiên thứ 2 (1429) Thái tổ Lê Lợi mở khoa thi Minh kinh bác học. Những khoa thi này chưa đi vào qui mô, định lệ rõ ràng nên chúng ta khó khảo cứu được họ tên người đỗ, để biết người họ Phùng có tham gia thi hay có đỗ không?

Năm Thiệu Bình thứ nhất (1434), vua Lê Thái Tông xuống chiếu: “Muốn có nhân tài thì trước hết phải chọn người có học. Phép chọn người có học thì thi cử là đầu. Nước ta từ khi trải qua binh lửa, anh tài ít như lá mùa thu, tuấn kiệt thưa như sao buổi sớm. Thái Tổ ta mới dựng ngay trường học nhưng lúc mới mở mang chưa đặt khoa thi [có định lệ chặt chẽ]… Nay định điều lệ khoa thi hẹn đến năm Thiệu Bình thứ 3 (1438) thì thi Hương ở các lộ, đến năm thứ 6 (1439) thì thi Hội ở đô sảnh đường. Khoa thi Hội năm Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442) được chuẩn bị rất chu đáo. Theo qui định của Lê Thái Tông, từ khoa thi năm 1442 này trở đi, các tân khoa đều được ban mũ áo tiến sỹ, được ban yến ở vườn Quỳnh Lâm và được cấp ngựa tốt, lính hầu đưa rước về quê vinh qui bái tổ. Đó là ân điển cực kỳ long trọng cho riêng người đỗ đại khoa được duy trì đến tận thời Nguyễn sau này. Hẳn người đỗ đại khoa họ Phùng nếu có sẽ không ra ngoài ân điển vinh dự ấy.

Năm Quang Thuận thứ 3 (1462) Lê Thánh Tông cho mở thi Hương ở các trường thi trong nước qui định 3 năm tổ chức một kỳ thi: Các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thi Hương, các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thi Hội. Danh hiệu của các người đỗ thi Hội từ đây cũng có sửa đổi: Vẫn chia người đỗ thi Hội thành 3 giáp (như thể lệ đời Trần) nhưng định thêm danh hiệu cập đệ và xuất thân: 3 người đỗ cao nhất (tam khôi) thuộc hàng Đệ nhất giáp từ nay sẽ gọi là: Đệ nhất giáp tiến sỹ cập đệ theo thứ tự trên dưới với các thuật ngữ: Đệ nhất danh, đệ nhị danh, đệ tam danh (»Trạng nguyên + Bảng nhãn + Thám hoa). Sau Tam khôi là Tiến sỹ thuộc Đệ nhị giáp gọi là Đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân (» Hoàng giáp, không phân thứ bậc, chỉ khi yết bảng thì ghi theo thứ tự số điểm cao thấp). Tiếp đến Đệ tam giáp gọi là Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân.

Phùng Đốc, vị tiến sỹ khai khoa của họ Phùng có thể biết, chiếm được bảng vàng vào niên hiệu Cảnh Thống thứ 2 (1499) đời ông vua là con trưởng trực tiếp của Lê Thánh Tông) và các tiến sỹ họ Phùng kế cận tiếp sau tất phải nằm trong các định lệ khoa cử từ năm Quang Thuận thứ 3 (1462) trở đi. Phùng Đốc là người xã Nguyễn Xá thuộc Thạch Thất (nay vẫn gọi là huyện Thạch Thất nhưng thuộc Hà Nội). Năm 34 tuổi Phùng Đốc đỗ Hoàng giáp khoa Kỷ Mùi niên hiệu Cảnh Thống thứ 2 (1499) đời Lê Hiến Tông, làm quan đến chức Giám sát Ngự sử. Học vị Hoàng giáp bắt đầu có từ khoa thi năm Giáp Thìn niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1304) đời Trần, với người khởi đầu là Nguyễn Trung Ngạn trọng thần và bậc văn nhân nổi tiếng. Học vị này chỉ sau bậc Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) và trên hàng nhiều Tiến sỹ khác tỏ rõ Phùng Đốc đỗ cao. Cùng đỗ khoa thi này với Phùng Đốc có các bậc tài danh nổi tiếng từng có những cống hiến đáng kể cho đất nước như: Trạng nguyên Đỗ Lý Khiêm người xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình làm quan tới chức Phó Đô Ngự sử, từng làm chánh sứ sang nhà Minh (năm 1510 mất trên đường đi sứ. Bảng nhãn Lương Đắc Bằng người làng Hội Triều, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, làm quan tới chức Lại bộ Thượng thư, kiêm Đông các Đại học sỹ tước Đôn Trung bá. Lương Đắc Bằng là thầy dậy Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cụ đã truyền thụ cuốn “Thái ất thần kinh” cho học trò nổi tiếng tài hoa của mình. Hoàng giáp Hoàng Trừng người làng Yên Hồ, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) là cháu ngoại Nguyễn Biểu, bậc tiết liệt thời Hậu Trần đã hùng hồn ứng đối và hy sinh oanh liệt trước mặt tướng Minh là Trương Phụ. Hoàng Trừng làm quan đến chức Lễ bộ Tả thị lang, Tham chưởng Hàn lâm viện sự. Cụ để lại cho đời tác phẩm Nghĩa sỹ truyện và 1 bài thơ trong Hoàng Việt văn tuyển. Tất cả đã tôn vị trí và vai trò khoa thi Phùng Đốc đã đỗ cao, làm vẻ vang thêm cho cụ. Không phải khoa thi nào cũng được thế.

Nhà khoa bảng thứ 2 sau Phùng Đốc là Phùng Hữu Hiệu người xã Viên Kiều, huyện Sơn Minh nay thuộc xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa (Hà Nội), đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Quý Mùi niên hiệu Thống Nguyên thứ 2 (năm 1523) đời Lê Cung Hoàng làm quan tới chức Thừa chính sứ, tước Ly Trai bá. Điều đáng lưu ý là khoa thi này đã nối tiếp khoa thi năm Nhâm Ngọ (1522), do có việc xung đột giữa phe tôn phù vua Lê Chiêu Tông (Quang Thiệu đế) và phe Mạc Đăng Dung tôn phù vua Lê Cung Hoàng (Thống Nguyên đế) nên chưa kịp mở khoa thi Hương. Đến khoa này, Phùng Hữu Hiệu cùng sỹ tử 4 trấn thi chung ở bãi giữa sông Nhị Hà, lấy đậu 36 người. Học vị Đệ tam giáp Đồng tiến sỹ xuất thân của Phùng Hữu Hiệu vốn đã có từ khoa thi nho học đầu của nhà Trần mở vào năm Kiến Trung 8 (1232) đời Trần Thái Tông. Lúc đó, bắt đầu định lệ chia người trúng tuyển làm Tam giáp (3 giáp - 3 hạng). Sau Phùng Hữu Hiệu, các nhà khoa bảng họ Phùng khác như Phùng Ông, Phùng Trạm đều nối tiếp học vị đệ tam rất phổ biến này.

Vào thời nhà Mạc tiếp theo, thể chế thi cử vẫn theo định lệ của nhà Lê. Ngay cả những năm chiến tranh Lê Trịnh với Mạc lan rộng, nhà Mạc vẫn đều đặn mở các khoa thi tiến sỹ. Kể từ khoa thi năm Kỷ Sửu (Minh Đức thứ 3 - 1529) đến khoa Nhâm Thìn (Hồng Ninh thứ 2: 1592) nhà Mạc đã tổ chức được 21 khoa thi, lấy đỗ 460 tiến sỹ.

Cùng trong một thế kỷ XVI có người họ Phùng đỗ tiến sỹ, thời Mạc đã có 3 khoa thi nổi tiếng lấy được 3 danh nhân thời đại: Năm Đại Chính thứ 3 Nhâm Thìn (1532) đời Mạc Đăng Doanh lấy đỗ Trạng nguyên Nguyễn Thiến, một trong những vị tổ gần gũi của thi hào Nguyễn Du về sau. Năm Ất Mùi (1535) lấy đỗ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, cây đại thụ của nền văn học và tư tưởng thế kỷ 16, ngát hương muôn đời. Năm Mậu Tuất (1538) lấy đỗ Trạng nguyên Giáp Hải nhà ngoại giao lẫy lừng cả hai nước Trung Việt. Nối tiếp các khoa thi vẻ vang ấy, họ Phùng có Phùng Ông, người xã Tuần Xuyên, huyện Tiên Phong (nay là thôn Tuần Xuyên, xa Vạn Thắng, huyện Ba Vì - Hà Nội) đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Đinh Mùi niên hiệu Vĩnh Định thứ nhất (1547) đời Mạc Phúc Nguyên năm 24 tuổi, làm quan đến Thừa chính sứ. Họ Phùng nối tiếp còn có Phùng Trạm người xã Dương Sơn, huyện Yên Thế, (nay là xóm Chiềng, xã Tân Sỏi, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Giáp Tuất niên hiệu Sùng Khang thứ 9 (1574) đời Mạc Mậu Hợp, làm quan đến chức Tự khanh. Sánh với Phùng Trạm, cũng đỗ Đệ Tam giáp khoa này còn có Hà Nhậm Đại, người Bình Sơn, Lập Thạch (Vĩnh Phúc) là tác giả tập thơ “Khiếu vịnh thi tập” nổi tiếng, tỏ rõ khoa cử lúc đó lấy được những người tài, thực học.

Thời Lê Trung Hưng mở ra chế khoa, tức là khoa thi lâm thời chứ không phải chính thức với qui mô đầy đủ, do hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt của Lê Trịnh với Mạc đang diễn ra. Chế khoa được tiến hành ở hành cung Yên Trường, sách Vạn Lại (thuộc tổng Yên Trường, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Thiên - sau thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Cuộc thi chế khoa lần thứ 4 niên hiệu Quang Hưng thứ 3 năm Canh Thìn (1580) đời Lê Thế Tông đã lấy đỗ Phùng Khắc Khoan, người xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất. Phùng Khắc Khoan tuy chỉ đỗ Hoàng giáp nhưng là bậc thực tài, có nhiều cống hiến với đất nước, để lại nhiều giai thoại hấp dẫn trong lòng dân nên vẫn được đời xưng tụng là “Trạng”, tôn kính khi nhắc tới cái danh bất hư truyền: Trạng Bùng. Phùng Khắc Khoan đã hai lần đi sứ Trung Quốc đều được vua Minh tôn kính không xưng tên, làm quan đến chức Hộ bộ Thượng thư kiêm Quốc tử giám tế tửu, tước Mai quận công. Cụ thọ 86 tuổi, được phong phúc thần, để lại cho đời các tác phẩm: Mai lĩnh sứ hoa thi tập, Ngôn chí thi tập… nổi tiếng và các nghề dệt lụa, nghề trồng ngô đầy công trạng mang từ nước ngoài về…

Nhà Lê Trung Hưng sau khi đuổi nhà Mạc lên Cao Bằng vẫn tiếp tục mở nhiều  khoa thi đi vào ổn định. Đời Lê Thần Tông, họ Phùng có Phùng Thế Triết người xã Kim Bí, huyện Tiên Phong (nay là thôn Kim Bí, xã Tiên Phong, huyện Ba Vì - Hà Nội) đỗ tiến sỹ khoa Quý Hợi niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 5 (1623) năm 39 tuổi, làm quan đến chức Hiến sát sứ. Họ Phùng còn có Phùng Viết Tu người xã Đinh Luân, huyện Gia Lâm (nay thuộc xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) đỗ Hoàng giáp khoa Nhâm Thìn niên hiệu Khánh Đức thứ 4 (1652) cùng đời Lê Thần Tông, làm quan đến chức Thiên đô Ngự sử. Phùng Viết Tu cùng đỗ một khoa với các người nổi tiếng một thời, để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử như: Hồ Sĩ Dương, người Quỳnh Lưu, cháu xa đời Hồ Tông Thốc, là tác giả của “Trùng san lâm sơn thực lục”, “Gia lễ” và 9 bài thơ chữ Hán lưu hành trong “Toàn Việt thi lục”…

Nhà khoa bảng cuối cùng của họ Phùng thời phong kiến là Phùng Bá Ký, người xã Vĩnh Mô, huyện Yên Lạc (nay là thôn Đông, xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc). Cụ thi Hương đỗ đầu và mới 22 tuổi đã đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sỹ xuất thân khoa Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) đời Lê Dụ Tông, làm quan đến chức Hàn lâm viện đãi chế tri hộ phiên. Phùng Bá Ký đỗ cùng một khoa mở đầu thế kỷ 8 với các bậc tài danh lừng lẫy một thời như: Nguyễn Quí Ân người Thiên Mỗ, Từ Liêm, một trong “Tam thế đại vương” của danh gia vọng tộc Nguyễn Quý, Nguyễn Công Thái Tham tụng, lại bộ thượng thư nổi tiếng thẳng ngay liêm khiết và Nguyễn Kiều tác giả những bài thơ đi sứ nổi tiếng, chồng của Hồng Hà nữ sỹ Đoàn Thị Điểm. Chứng tỏ khoa thi mà Phùng Bá Ký đoạt được bảng vàng cũng là một khoa đặc biệt đáng nhớ.

Thế là từ Phùng Bá Ký trở lên đến Phùng Đốc, họ Phùng đã có tới 8 vị đỗ đại khoa tiến sỹ. Trong đó nổi tiếng nhất là Phùng Khắc Khoan, danh nhân  lẫy lừng cả hai nước Trung - Việt, vang dội tới các nước phương Đông khác như Triều Tiên, Nhật Bản.

Ta có thể chắc chắn là cũng như Phùng Khắc Khoan, bảy vị tiến sỹ còn lại cũng là những bậc thực học, thực tài. Cách thi cử, chọn người thời ấy cũng tạo điều kiện để lọc ra những người như thế: Dù đầu đời Cảnh Hưng có những mối tệ sinh ra trong việc thu tiền thông kinh. Triều đình dụng binh tốn kém, Thự phủ Đỗ Thế Giai đề xuất biện pháp cho người thi Hương nộp 3 quan tiền thì không phải qua khảo hoạch. Trường thi khó tránh khỏi việc làm hộ hay mang sách vào… khiến dân gian có câu “sinh đồ 3 quan”. Thế nhưng dù có qua “sinh đồ 3 quan” vẫn phải tiếp tục thi nữa với những thủ tục nghiêm khắc những người học lực kém làm sao có thể khảo hoạch sỹ tử có bổ sung thêm, chương trình, cách thực chọn đề thi cũng sửa đổi nhiều làn để kén người thực học. Ngay từ năm Cảnh Thống thứ 2 (1499), năm ra đời vị tiến sỹ khai khoa của họ Phùng, triều đình Lê - Trịnh đã định lệ: cứ đến kỳ thi thì các xã trưởng phải đảm bảo về học trò trong xã. Các sinh đồ đều phải là con em nhà lương thiện, có học hạnh, biết làm văn mới cho dự thi. Nhưng giới hạn xã lớn hơn 20 người, xã vừa 15 người, xã nhỏ 10 người có phân biệt xã nào không đủ số thì thiếu chứ không được lấy lạm người không xứng đáng. Ngày vào thi, thí sinh bị khám rất ngặt ở cổng trường, nếu có ai đem sách vở vào hay đi thi hộ thì bắt sung quân ở bản phủ 3 năm, trọn đời không được đi thi. Lệ ấy bắt đầu từ đây. Lại ngày sỹ tử vào thi thì các giám sinh sinh đồ nếu có lý do gì đó đang ở quê thì phải tới trình diện, điểm danh ở bản phủ. Người nào vắng mặt, bị phát giác thì cũng bị sung quân ở bản phủ. Người nào lén vào trường hoặc thi dùm đều bị trị tội như đã qui định. Vậy người kém tài, kém đức làm sao thi đỗ?

Để khuyến khích người đỗ, chọn được người tài, triều đình Lê - Trịnh với các nhà khoa bảng đãi ngộ trước sau vẫn trọng hậu. Ở sách “Kiến văn tiểu lục”, Lê Quý Đôn cho biết: “Bản triều từ lúc trung hưng tới nay đối với người đỗ khoa tiến sỹ đãi ngộ rất hậu, bổ dụng rất cao gồm: 1. Ban cho mũ áo, cân đai triều phục, cho vinh qui về quê hương có đủ các hạng cờ quạt, nghi trượng, phường trống và phường nhạc đón rước. 2. Viên quan có trách nhiệm bắt dân làng trước hết dựng phủ đệ cho tiến sỹ. 3. Không những người đỗ tam khôi hoặc ứng thí chế khoa trúng cách được bổ vào viện Hàn lâm mà cả người đỗ đồng tiến sỹ cũng được bổ chức quan khoa đạo, không phải bổ làm quan ở phủ huyện. 4. Trong mỗi khoa một người đỗ trẻ tuổi nhất dược bổ chức Hiệu thảo. 5. Người nào bổ quan ở ngoài các trấn thì bổ vào hai ty Thừa chính hoặc Hiến sát đều trao chưởng ấn chính thức, không phải giữ chức tá. Năm ân điển này so với việc đạt khoa mục ở Trung Quốc từ xưa đến nay chưa từng có.

Các nhà khoa bảng họ Phùng ở trong hoàn cảnh ấy lại càng ra sức dùi mài kinh sử để trở thành người thực học đỗ cao, xứng đáng với dòng họ, gia đình và đất nước. Tám vị tiến sỹ trên là kết quả của sự dùi mài ấy, cũng là kết quả của chế độ khoa cử nghiêm túc chính sách trọng dụng hiền tài của vương triều thuở ấy.

III. Các cử nhân họ Phùng

Sang thời Nguyễn, ta không thấy người họ Phùng đỗ đại khoa tiến sỹ mà chỉ thấy những cử nhân họ Phùng. Học vị cử nhân đứng sau tiến sỹ nhưng dưới thời phong kiến vị trí của nó không phải là không quan trọng. Ở Trung Quốc nhà Hán nhà Ngụy là những vương triều có những danh nho nổi tiếng. Nhà Hán từ phù nổi tiếng, cha con Tào Tháo, Tào Phi, Tào Thực, nữ sĩ Thái Diễm và văn cốt Kiến An lừng lẫy mở ra nhà Ngụy văn chương điển lễ rực rỡ. Vậy mà nhà Hán nhà Ngụy về sau chỉ coi trọng và lấy đỗ 2 khoa thi tú tài và hiếu liêm (tức cử nhân), phải từ nhà Tùy trở đi mới có học vị tiến sỹ. Còn ở nước ta, đời Trần Thuận Tông năm Quang Thái thứ 9 (1396) lần đầu tiên trong lịch sử khoa cử định lệ về việc thi cử nhân, cũng lần đầu tiên có sự phân cấp thi Hương, thi Hội. Vậy tên gọi cử nhân chỉ người đõ khoa thi Hương đã có từ đời Trần mà về sau triều Nguyễn dùng lại. Trước triều Nguyễn, họ Phùng đã có những người đỗ cử nhân nhưng tư liệu mờ mịt, khó xác định. Điều chắc chắn là 8 vị đại khoa tiến sỹ trên của họ Phùng hẳn phải qua đỗ khoa thi Hương với học vị cử nhân (hay tương lương) rồi mới thi Hội đỗ tiến sỹ.

Ở triều Nguyễn: Khi chưa lên ngôi Hoàng đế, chỉ là các chúa Nguyễn thì nói như Lê Quý Đôn trong phủ biên tạp lục “Nhân tài thơ văn”. “Họ Nguyễn trước chuyên giữ một phương chỉ mở thi Hương song chuyên dùng lại tư không chuộng văn học ít thu lượm được người tuấn dị. Mỗi khi có khảo thí thì lẫy học sinh hoa văn nhiều gấp 5 lần chính đồ và những nơi quan yếu thì cũng cho họ hàng coi giữ mà cho người đậu hoa văn giúp việc. Khi Gia Long lên ngôi tình hình xã hội phức tạp, các lực lượng chống đối chưa hết nên việc học hành phải mất mấy năm mới dần khôi phục được. Cho nên phải đến năm Đinh Mão Gia Long thứ 6 (1807) mới tổ chức được khoa thi Hương đầu tiên mà cũng chỉ tổ chức được thi Hương ở những trường thuộc Bắc Hà. Khoa thi này không thấy tư liệu nói người họ Phùng đỗ.

Năm 1821, Minh Mạng đặt ân khoa thi Hươong. Trước gọi là Hương Cống, từ đây đổi gọi là Cử nhân. Thi Hương đỗ 3, trường trước gọi là sinh đồ nay đổi gọi là Tú tài. Vì lần đầu tiên thi Hội nên khoa thi Hội tiếp liền khoa thi Hương này Minh Mạng chỉ lấy đỗ 8 tiến sỹ. Khoa sau năm Minh Mạng thứ 7 cũng chỉ lấy đỗ 10 người… Số đỗ tiến sỹ như vậy là ít hơn so với các khoa thi tiến sỹ triều Lê, số nhà khoa bảng càng ít hơn, một trong những lý để giải thích rằng vì sao ta khó tìm thấy những nhà khoa bảng họ Phùng thời Nguyễn. Cũng còn những lý do khác nữa: Ân khoa thi Hương đã có rồi nhưng ân khoa thi Hội chỉ đến đời Tự Đức mới đặt ra. Mất 3 tỉnh Nam Bộ nên vua Tự Đức giảm lệ ban yến, dạo phố xem hoa của các tiến sỹ. Pháp đánh chiếm kinh đô Huế, dẫn đến hiệp ước Pat tơ nốt năm 1884 làm đảo lộn các cuộc thi cử sau đó, các triều đình Hàm Nghi, Đồng Khánh không mở được thi Hội. Phải đến năm Ất Sửu (1889) sau khi Thành Thái lên ngôi các khoa thi tiến sỹ mới lại mở như thường lệ 3 năm 1 khoa. Nhưng ở cuối triều Thành Thái sang Duy Tân… do tiếng vang của các cuộc cách mạng xã hội như cách mạng tư sản Pháp, công cuộc Minh Trị duy tân ở Nhật Bản, tư tưởng của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu… cho nên xã hội ngày càng phê phán lối học khoa cử. Các sỹ phu Đông kinh nghĩa thục nhiều người đề xuất tân học, cải cách khoa cử đề đào tạo nhân tài thực học, chấn hưng dân khí, mở mang dân trí. Vậy khoa cử phải thật sự chấm dứt vào năm Kỷ Mùi (1919). Như thế nên đến đời Nguyễn số lượng tiến sỹ phải giảm, hẳn nhà khoa bảng họ Phùng càng khó tìm ra thì ông Cử, ông Tú ngược lại dễ thấy hơn. Sách sử hiện nay có thể biết còn có những tư liệu về 11 vị cử nhân họ Phùng.

1. Năm Kỷ Mão (1819) trường Thăng Long lấy đậu 23 người, trong đó có Phùng Đắc Ninh người xã Dương Xá, huyện Siêu Loại, tỉnh Bắc Ninh đỗ cử nhân, làm quan đến Án sát Hà Tĩnh. Cùng khoa này với cụ có Lý Văn Phức người phường Hồ Khẩu (Hà Nội) từng đi sứ Trung Quốc và vài nước Đông Nam Á để lại các trang sách rất quý về nước ngoài.

2. Năm Minh Mạng thứ 2 Tân Tỵ (1821) có ân khoa. Trường Thăng Long lấy đỗ 23 người, trong đó có Phùng Văn Bằng người xã Phú Lâu, huyện Minh Nghĩa (nay là huyện Tùng Thiện) đỗ cử nhân làm quan tới chức Tri huyện Trường Trực Lệ lúc ấy lấy đỗ Phùng Nghĩa Phương.

3. Năm Minh Mạng thứ 6 Ất Dậu (1825) trường Thăng Long lấy đậu 28 người, trong đó có Phùng Kiệt người phường Yên Thái, huyện Vĩnh Thuận đỗ cử nhân, làm quan tới chức Ngự sử, bị giáng xuống hàm bát phẩm. Khoa này đỗ cùng Phùng Kiệt có các danh nhân như Thần Siêu (Nguyễn Văn Siêu), Nguyễn Văn Lý, Trần Văn Vi, Vũ Tông Phan có vai trò rất quan trọng với Hà Nội.

4. Năm Thiệu Trị thứ 1 Tân Sửu (1841) có ân khoa trường Thừa Thiên lấy đậu 40 người, trong đó có Phùng Văn Hổ người xã Minh Hương, huyện Hương Trà.

5. Năm Thiệu Tri thứ 6, Bính Ngọ (1846) nhân tứ tuần đại khánh của vua nên mở ân khoa, tăng số lấy đậu. Trường Gia Định lấy đậu 18 người, trong đó có Phùng Tường Vân người thôn Tân Lý, huyện Kiến Hưng đỗ cử nhân làm quan tới chức tri phủ, vì thất thủ bị cách chức rồi lại được phục chức, ra làm tri huyện Phù Cát.

6. Năm Tự Đức Đinh Mão (1867) trường Hà Nội lấy đậu 26 người, trong đó có Phùng Duy Huệ người xã Kim Giang, huyện Sơn Minh làm quan tới chức Giáo thụ cụ cùng đỗ với anh hùng chống Pháp Nguyễn Cao người để lại tấm gương tiết liệt hào hùng.

7. Năm Tự Đức Kỷ Mão (1879) trường Hà Nội lấy đậu 25 người, trong đó có Phùng Huy Chiểu người xã Cù Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Sơn Tây đỗ cử nhân, làm tới tri huyện rồi cáo bệnh về quê.

8. Năm Kiến Phúc nguyên niên Giáp Thân (1884) trường Hà Nội - Nam Định lấy đậu 52 người (nguyên trúng 50 người. Bộ duyệt lấy thêm 2 người. Khóa này, mới giảng hòa với Pháp ở Bắc Kỳ, trường thi chưa kịp tu bổ nên 2 trường thi chung ở Thanh Hóa). Trong 52 người đỗ, có Phùng Xuân Huy người xã Hòa Xá, huyện Mỹ Đức đỗ cử nhân. Cùng đỗ khóa này còn có các danh nhân cả nước đều biết tên: Thám hoa Vũ Phạm Hàm, Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền.

9. Năm Đồng Khánh thứ 3 Mậu Tý (1888) trường Hà Nam lấy đậu 56 người, trong đó có Phùng Khắc Nhuận người xã Vân Cốc, tỉnh Sơn Tây đỗ cử nhân, Cụ Nhuận từng làm Huấn đạo.

10. Năm Thành Thái thứ 9 Đinh Dậu (1897) trường Hà Nam lấy đậu 80 người, trong đó có Phùng Văn Khôi người xã Phú Nghĩa, huyện Bất Bạt tỉnh Sơn Tây đỗ cử nhân.

IV. Những tác phẩm có thể biết của các nhà khoa bảng… họ Phùng hiện còn lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm: Tam sao thất bản nhiều, rất tiếc là còn một ít như sau:

- Phùng Khắc Khoan có trên 20 tác phẩm còn giữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

- Quyển Yên (An) Lãng thượng thư công gia phả 1 bản 18 trang (26x15), ký hiệu A. 1605 nói về lại bộ thượng thư làng Yên Lãng tức làng Láng Hà Nội là Nguyễn Duy Thời. Trong đó, có niên phả của tiến sỹ Phùng Bá Kỳ.

- Sách Danh thi hợp tuyển 1 bản 31 trang (24x3) ký hiệu VH v298 có bài thơ vịnh bèo của Phùng đại nhân Phùng Đặc nhân đỗ đạt ra sao? Cần khảo cứu.

Có sách Vọng hài tập và 1 bài thơ (văn) chép trong Toàn Việt thi lục của Phùng Thạc. Phùng Thạc người cuối thế kỷ XV, ở làng La Giang, tên tự là Hoành Phủ, tên hiệu là Phúc Trai. Ông làm chủ bạ tại phủ Kiến Vương Tân. Đỗ đạt, sinh, mất năm nào? Khó biết.

Tuy thế, cũng phải nêu ra đây để độc giả tiện tham khảo thêm.

Các vị đỗ đạt trên có thể tóm tắt bằng bảng sau:

 

Số TT

Tên Họ

Quê gốc

Trường thi

Đời vua

(tên hay Miếu hiệu)

Niên hiệu

Năm âm  lịch và dương lịch

1

Phùng Đốc

Nguyễn Xá Thạch Thất

Kinh đô

Hiến tông

(Lê)

Cảnh Thống thứ 2

Kỷ Mùi

(1499)

2

Phùng Hữu Hiệu

Đông Lỗ

Ứng Hòa

Kinh đô

Tung Hoàng

(Lê)

Thống Nguyên

thứ 2

Quý Mùi

(1523)

3

Phùng Ông

Vạn Thắng

Ba Vì

Kinh đô

Phúc Nguyên

(Mạc)

Vĩnh Định thứ 1

Đinh Mùi (1547)

4

Phùng Trạm

Tân Sỏi

Yên Thế

Kinh đô

Mậu Hợp

(Mạc)

Sùng Khang

thứ 9

Giáp Tuất

(1574)

5

Phùng Khắc Khoan

Phùng Xá

Thạch Thất

Kinh đô

Thế tông

(Lê)

Quang Hưng

thứ 3

Canh Thìn

(1580)

6

Phùng Thế Triết

Tiên Phong

Ba Vì

Kinh đô

Thần tông

(Lê)

Vĩnh Tộ

thứ 5

Quý Hợi (1623)

7

Phùng Viết Tu

Tân Quang

Văn Lâm

Kinh đô

Thần tông

(Lê)

Khánh Đức

thứ 4

Nhâm Thìn (1652)

8

Phùng Bá Kỳ

Minh Tân

Vĩnh Lạc

Kinh đô

Dụ tông

(Lê)

Vĩnh Thịnh

thứ 11

Ất Mùi

(1715)

Cử nhân

1

Phùng Đắc Ninh

Dương Xá Siêu Loại

Thăng Long

Thế tổ

Cao Hoàng đế

Gia Long

thứ 18

Kỷ Mão

(1819)

2

Phùng Nghĩa Phương

Tô Xá Bố Chánh

Trực Lệ

Thánh tổ

Nhân hoàng đế

Minh Mạng

thứ 2

Tân Tỵ

(1821)

3

Phùng Văn Bằng

Phú Lâu Minh Nghĩa

(Tùng Thiện)

Thăng Long

Thánh tổ Nhân hoàng đế

Minh Mạng

thứ 2

Tân Tỵ

(1821)

4

Phùng Kiệt

Phường Yên Thái, Vĩnh Thuận

Thăng Long

Thánh tổ Nhân hoàng đế

Minh Mạng

thứ 6

Ất Dậu

(1825)

5

Phùng Văn Hổ

Minh Hương Hương Trà

Thừa Thiên

 

Hiến tổ Chương Hoàng đế

Thiệu Trị

thứ 1

Tân Sửu

(1841)

6

Phùng Tường

Tân Lý

Kiến Hưng

Gia Định

Hiến tổ

Chương Hoàng đế

Thiệu Trị

thứ 6

Bính Ngọ

(1846)

7

Phùng Duy Huệ

Kim Giang

Sơn Minh

Hà Nội

Dực tông

Anh Hoàng đế

Tự Đức

thứ 17

Đinh Mão

(1867)

8

Phùng Huy Chiểu

Cù Sơn,

Yên Sơn,

Sơn Tây

Hà Nội

Dực tông

Anh Hoàng

đế

Tự Đức

thứ 31

Kỷ Mão

(1879)

9

Phùng Xuân Hùng

Hòa Xá

Mỹ Đức

Hà Nội

Nam Định

Giảng tông

Nghi Hoàng

đế

Kiến Phúc

thứ 1

Giáp Thân

(1884)

10

Phùng Khắc Nhuận

Vân Cốc

Sơn Tây

Hà Nam

Cảnh tông

Thuần

Hoàng đế

Đồng Khánh

thứ 3

Mậu Tý

(1888)

11

Phùng Văn Khôi

Phú Nghĩa

Bất Bạt

Sơn Tây

Hà Nam

Hoài Trạch công

(Phế đế)

Thành Thái

thứ 9

Đinh Dậu

(1897)

 

Như thế, họ Phùng chỉ có 8 vị đỗ đại khoa tiến sỹ được liệt vào hàng khoa bảng và 11 cử nhân. Số cử nhân thời phong kiến có thể còn nhiều hơn nhưng tài liệu xác định còn thiếu nên con số 11 là con số có thể biết? Về 8 nhà khoa bảng: Không thể sánh được với các họ lớn nhiều người đỗ cao như các họ Vũ, họ Nguyễn, họ Lê, họ Trần… Nhưng so với nhiều họ khác, con số 8 vẫn là con số đáng kể, không đến nỗi quá ít như: Họ Biện, họ Cái, họ Cù, họ Cấn, họ Điệp, họ Dư mỗi họ chỉ có duy nhất 1 người đỗ tiến sỹ, họ Bạch có 4 người đỗ tiến sỹ, họ Tô có 5 người đỗ tiến sỹ, họ Doãn có 6 người đỗ tiến sỹ, họ Cao, họ Mạc, họ Phí mỗi họ chỉ có 7 người…(1) Vậy con số 8 vẫn là con số đáng tự hào, tỏ rõ học vấn sáng suốt của dòng họ Phùng. Tấm gương của các nhà khoa bảng họ Phùng thật đáng nêu cao.

(1) Căn cứ theo sách “Các nhà khoa bảng” của nhóm Ngô Đức Thọ, Nguyễn Hữu Mùi, Nguyễn Thúy Nga (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) và một số tài liệ Đăng khoa lục khác.