(Thứ năm, 16/04/2020, 09:09 GMT+7)

Chân dung vị “lương tướng” từ một góc nhìn

    Nhà phê bình Nguyễn Thanh Tú

   
Trung tướng Phùng Khắc Đăng (phải) trò chuyện cùng Nhà sử học Dương Trung Quốc
tại Hội thảo Khoa học Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng năm 2019

   Cổ nhân dùng hai chữ “lương tướng” để chỉ những vị tướng tâm tài song toàn, đánh trận giỏi, ít hao tổn tinh binh lại am hiểu nhân tình thế thái, thương dân, thương lính. Sách Đông y cổ thường có câu răn “Lương y như lương tướng”. Thời nay ít dùng chữ này nhưng tôi thích dùng lại để gọi ông - Phùng Khắc Đăng, Trung tướng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
   Tôi nguyên là lính quân báo có nhiệm vụ chủ yếu là nắm địch và tham mưu cho cấp trên nên tự nhiên có hai thuận lợi: một là, nắm kỹ địa hình, địa vật, nắm rõ tình hình, thực lực và âm mưu đối phương; hai là thường xuyên tiếp cận với các cấp chỉ huy (tùy thuộc tính chất mặt trận), nên ngoài quen biết cũng hiểu thêm về tình hình, tâm lý, dư luận quân ta… Hình như trong cuộc đời mỗi người đều có chữ “duyên”, duyên với người này, với nghiệp này, nghề kia mà không duyên với người nọ, nghiệp khác, nghề khác… Nhất là với cánh lính chiến chúng tôi, thời trực tiếp cầm súng thì việc ấy càng rõ. Phải chăng sống trong không gian mong manh giữa sự sống và cái chết mà linh giác người ta càng nổi rõ, nổi bật hơn. Tôi có duyên với tướng Phùng Khắc Đăng hình như cũng vậy, từ thời tôi là lính ở cánh rừng vùng Đông bắc Cam-pu-chia.


Nhà phê bình; PGS.TS Nguyễn Thanh Tú - Tạp chí Văn nghệ Quân đội

   Thời đó trung đội tôi có nhiệm vụ nắm địch ở một địa bàn rộng, một hôm tôi cùng trung đội trưởng đi địa bàn, chuyện đi chuyện lại anh kể nơi này mấy năm trước quân “ông Đăng” đánh nhau ở đây, phục như thế này, vu hồi như thế kia..trong khi đó lính rất đói, thiếu thốn vô cùng, có khi cả ngày chỉ vài lát lương khô... Tôi chả biết “ông Đăng” nào nhưng qua cách nói thì thấy anh phục ghê lắm, có phần “thần tượng”. Rồi anh nói cứ như dạy cho tôi phải nhớ về lịch sử: tháng 8 năm 1977, bọn Pol Pot đã xua quân tấn công trên 1.000 km đường biên  rồi thảm sát dã man dân thường. Tháng 9 năm1977, chúng giết hàng trăm dân ta ở Tân Lập, Tân Biên bằng cách chặt đầu, moi gan, mổ bụng. Đặc biệt, tháng 4/1978 ở Ba Chúc, chúng giết hơn ba ngàn đồng bào ta… Là lính mới, tôi chỉ biết nghe trong tâm trạng có phần mỏi mệt “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Khoảng hơn tuần sau họp giao ban, đại trưởng xuống rút kinh nghiệm, liên hệ thế nào lại nói về “ông Đăng”. Tự nhận là lính “ông Đăng”, rồi anh kể, ngắn thôi:ông nguyên là Phó Chính ủy Trung đoàn 368 Sư đoàn 2, Quân khu 5. Sau tháng 5/ 1975, Sư đoàn (mà đại trưởng tôi là lính quân báo trực thuộc) đóng quân tại Quảng Nam - Đà Nẵng vừa xây dựng doanh trại, huấn luyện, vừa tham gia chiến đấu truy quét Fulrô ở rừng núi Tây Nguyên. Anh kể “ông Đăng” sát lính và thương lính lắm, đặc biệt có tài dân vận hay nhắc đám quân báo trung đoàn muốn có tin địch phải bám sát dân. Mà “ông Đăng” cũng từng là lính trinh sát, hình như là pháo binh thì phải… Chúng tôi biết anh lấy chuyện “ông Đăng” để nhắc khéo đám lính mới chúng tôi. Dần dần tôi biết thêm “ông Đăng” là ai. Sau này khi gặp và biết ông nhiều hơn thì lần ấy, ở Nghĩa trang Đức Cơ, nơi an nghỉ của những người lính tình nguyện Việt Nam ngã xuống vì nền hòa bình của dân tộc anh em đã thoát nạn diệt chủng… tôi đã chứng kiến những giọt nước mắt của “ông Đăng”. Ông khóc không thành tiếng, mắt đỏ hoe, rớm lệ. Tự nhiên tôi nhớ về lời kể của trung đội trưởng, đại trưởng của tôi… Tôi biết lòng ông quặn đau tiếc nhớ xót xa về đồng đội.
   Rồi tôi được rút về biên giới phía Bắc.Nghề tôi thì chả ổn định chỗ nào, nay đây mai đó nếu lệnh trên yêu cầu. Tôi đã nghe nói “ông Đăng” về làm Chủ nhiệm chính trị sư đoàn 2.
   Và mãi sau tôi lại được gặp ông. Lần ấy, tháng 10 năm 1994, khi chúng tôi cùng lực lượng chuyên trách Quân khu 1 chuẩn bị đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên Nguyên Bình - Cao Bằng(nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân) để khánh thành Khu di tích lịch sử quân sự nhân dịp 50 năm ngày thành lập. Lúc này “ông Đăng” đã là Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu. Tôi được làm việc trực tiếp với ông và ông không thể biết từng người chúng tôi. Đấy là nguyên tắc. Ông nói nhỏ mà thấm. Ông chưa bao giờ nổi nóng quát mắng ai dù cái sai của người đó đã rõ ràng. Gặp việc không vừa ý ông chỉ chau mặt lắc đầu rồi ôn tồn phân giải… Cánh lính chúng tôi phục ông sát đất, vừa phục vừa sợ, nể nhiều hơn là sợ. Dĩ nhiên chúng tôi phải theo sát Đại tướng và “ông Đăng”. Tôi nghe rõ lời Đại tướng khen ông hiểu biết lịch sử không chỉ của Quân khu mà của cả nước, nghe được cả lời nhắc nhở của Đại tướng về bài học nhân dânđã che chở cho cách mạng. Hình như Đại tướng tâm đắc với “ông Đăng” nhiều điều lắm vì thấy hai người luôn cạnh nhau, vẻ mặt Đại tướng như rạng rõ lên khi nghe “ông Đăng” nói… Chỉ tiếc tôi không được phép chụp ảnh hai vị tướng của hai thế hệ, một già một trẻ mà “đồng thanh tương ứng” và nghĩ chắc “ông Đăng” phải thực tài mới được Đại tướng - một thiên tài quân sự, một nhà văn hóa lớn, một tầm nhìn thời đại, ứng xử như vậy.
   Rồi tôi chuyển nghề. Vẫn trong quân ngũ nhưng nghề mới, không lạ - nghề phóng viên. Nói không lạ vì nghề mới này chẳng khác gì nghề cũ, khác chăng là nhiệm vụ mà thôi. Vì quân báo là nắm địch bằng nghiệp vụ moi tin, hẳn nhiên là tin mật còn phóng viên thì cũng là điều tra để nắm tin, không còn là địch ta, mà tin từ sự kiện, hiện tượng, có khi tốt, khi xấu… Chả trách các cơ quan tình báo nước ngoài thường cử tình báo viên đi “công tác” với vỏ bình phong rất phù hợp và hợp lý là “phóng viên”.
   Tôi lại có duyên với “ông Đăng”!


Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam

   Để làm tốt nhiệm vụ về nội dung tổng kết Công tác Đảng - Công tác chính trị trong quân đội giai đoạn 1975 - 2005, tháng 5 năm 2005, “ông Đăng” lúc này đã ở cương vị Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đến báo cáo và xin ý kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi là phóng viên ảnh có nhiệm vụ ghi lại cuộc gặp gỡ. Tự nhiên tôi liên tưởng lại cuộc gặp của hai vị tướng 11 năm về trước ở hai không gian. Cả hai đều đã khác. Đại tướng đã già đi nhiều nhưng vẫn thể hiện sự tinh anh khác thường còn “ông Đăng” thì từng trải, có phần “đạo mạo” hơn. Kết thúc buổi làm việc, Đại tướng vỗ vai thân mật khen “ông Đăng” điều gì đó vì tôi thấy người được khen hơi đỏ mặt, lúng túng vài giây… Rồi cả hai cùng cười.
   Ấn tượng với tôi hơn cả là khi “ông Đăng” là đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá 13. Cũng dĩ nhiên là ông bị cánh phóng viên chúng tôi “vây” vì thích ông, thích cách trả lời thẳng, không quanh co.Có câu hỏi “xoáy” ông suy nghĩ gì khi có người ở vị trí chủ chốt mà chỉ đạt trên 60% phiếu thuận. Ông nói điều đó bình thường. Cũng là một thông điệp để chúng ta cùng suy nghĩ và nâng cao trách nhiệm với dân với nước. Ba điều ông băn khoăn, thứ nhất là giám sát các vụ án oan sai đã gây ra nhiều hệ lụy và sứt mẻ lòng tin trong dân với hệ thống tư pháp; thứ hai là giám sát hoạt động kinh tế; thứ ba là để nợ công tăng cao. Cho đến ngày hôm nay, thì như chúng ta thấy, đây là ba vấn đề nổi cộm đang có sự nỗ lực hết mình để giải quyết của cả hệ thống chính trị.
   Là nhà quân sự, ông có quan niệm về đối nội và đối ngoại quân sự không né tránh sự nhạy cảm, đi thẳng vào vấn đề, tinh tế mà chắc chắn. Khi được hỏi về có tổ chức nước ngoài xếp hạng tiềm lực quân sự của Việt Nam đứng thứ 17/126 và cảm nhận cá nhân về con số này, ông rất tỉnh táo cho rằng đây chỉ là cảm nhận của một số tổ chức chứ không hề là quy chuẩn quốc tế. Mỗi quốc gia có một tiêu chí khác nhau, không có điểm chung. Số lượng không nói được chất lượng, số lượng chỉ biểu hiện về mặt hình thức thống kê, do vậykhông nên quan tâm đến các thứ hạng mà cần quan tâm đến việc khí tài của mình có đảm bảo được nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền không. Còn đánh giá vũ khí, khí tài hiện đại mà tinh thần của người sử dụng kém thì vũ khí chỉ là cục sắt. Cả khán phòng ồ lên thán phục, kính trọng. Vì đúng quá, không chỉ đúng với lịch sử chiến tranh vệ quốc của Việt Nam mà còn đúng với bất kỳ cuộc kháng chiến chính nghĩa nào. Trả lời về việc mua sắm vũ khí hiện đại, ông trả lời đó là việc phải làm với một một đất nước vì mục đích bảo vệ hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ. Trong chiến tranh, điều quan trọng nhất là sức mạnh tổng hợp từ nhiều yếu tố chứ vũ khí không quyết định. Nên Việt Nam sắm vũ khí cũng vừa sức, phù hợp với các điều kiện Việt Nam. Ông nhấn mạnhphải chủ động trọng việc sản xuất vũ khí trong nước.
   Những câu trả lời thật thỏa đáng, hợp lòng người, tình người, hợp với lòng yêu chuộng hòa bình của dân tộc ta.
   Khi được hỏi “khó” có phần “móc máy” về ý nghĩa chiến lược của cảng Cam Ranh trong việc liên minh quân sự với nước ngoài, ông trả lời thuyết phục, đúng với quan điểm độc lập của Nhà nước ta, cũng là một dịp khẳng định tinh thần yêu hòa bình, tôn trọng và không can thiệp tới nước khác: Việt Nam không cho nước ngoài thuê nhưng cho phép tàu nước ngoài cập cảng Cam Ranh để làm công tác hậu cần, sửa chữa. Việt Nam không dùng đất đai của mình để đánh đổi hay liên minh, liên kết với bất kỳ ai để chống nước thứ ba. Văn hóa đối ngoại quân sự đánh giá cao sự điềm đạm, đúng mực có chủ kiến, không làm phương hại đến ai. Câu trả lời sau của ông nằm trong quan niệm ấy: Người ta có thể nhìn việc làm của Việt Nam dưới nhiều góc độ khác nhau, nhưng Việt Nam phải khẳng định, để hội nhập quốc tế, Việt Nam làm nhiều cách để bạn bè quốc tế  tin cậy và đến với mình.

   Khi Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được triển khai và nhận được sự hưởng ứng tích cực của dư luận, điều ông trăn trở là vấn đề xây dựng niềm tin, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng. Đây thực sự là vấn đề then chốt, vì bao giờ cũng vậy, ở đâu cũng thế, có niềm tin là có tất cả, mất niềm tin là mất hết. Ông quan niệm vấn đề này phải được quan tâm thường xuyên, liên tục, không thể lơ là. Cần luôn nâng cao nhận thức, nhất là nhận thức về chính trị, lập trường, quan điểm đúng đắn cho từng cá nhân trong sự tác động của mặt trái của kinh tế thị trường. Được hỏi về tâm trạng các cựu chiến binh trước nhiều hiện tượng suy thoái, ông cho rằng có sự bức xúc là đương nhiên, sự bức xúc của bản lĩnh chính trị luôn đấu tranh để làm rõ phải trái, đúng sai trong xã hội. Đó là những thái độ, những góp ý mang tính xây dựng. Tuy nhiên, có những trường hợp cá biệt do tiếp nhận thông tin không đầy đủ, thiếu kiểm chứng nên dẫn đến thái quá. Có lẽ một phần là do chúng ta chưa chủ động cung cấp thông tin trung thực. Vì vậy mà cấp các lãnh đạo, chỉ huy phải chủ động, nhanh nhạy, linh hoạt trong việc quản lý con người; phải thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao ý thức tự giác để họ biết cách lựa chọn, tiếp nhận thông tin phù hợp… Cho nên truyền thông là cực kỳ cần thiết và quan trọng. Báo chí hôm nay có nhiều ưu điểm, nhưng cũng có nhược điểm, như cùng một sự kiện, vụ việc mà mỗi báo đưa tin một nội dung khác nhau, dẫn đến độc giả không biết tin trên báo nào là chính xác. Ở nông thôn hiện nay vẫn còn tính trạng “đói” báo… Với lớp trẻ trong việc đấu tranh chống diễn biến xấu từ nước ngoài, ông nhắn nhủ phải thông thạo ngoại ngữ, phải giúp bạn bè quốc tế hiểu một cách đúng đắn, khách quan về tình hình Việt Nam.
   Ông chưa bao giờ nói to, nói gắt, càng chưa bao giờ nặng lời trong sự nóng nảy mà luôn nhẹ nhàng, thấm thía. Sự điềm tĩnh của sự từng trải, kinh lịch và thật sự chân thành nên luôn có sức lôi cuốn lớn với mọi người. Mà được như thế đâu có nhiều người. Tôi gọi ông là “lương tướng” một phần là vì thế.