(Thứ tư, 03/01/2024, 03:00 GMT+7)

TRƯỚC MỘ ÔNG TỔ NGHỀ THÊU LÊ CÔNG HÀNH
 
Phùng Văn Khai
 
Mùa thu cao rộng quá
Mây thanh thản khơi xa
Nhãn vườn đan mắt lá
Chợt đâu đây tiếng gà.
 
Bên mộ Thanh Lương hầu[1]
Hương thơm hiền như đất
Hoa thắm sắc mây trời
Cỏ cây rưng rưng mắt.
 
Hậu nhân bên bia mộ
Quan Thượng thư bộ Công
Người nằm đây, bình dị
Mà cao vời, mênh mông.
 
Trời Trung Hoa mây phủ
Sứ đoàn vâng mệnh vua[2]
Giữ mối giềng lân quốc
Giang sơn vẹn cõi bờ.
 
Lầu cao kia thử sứ[3]
Dò lòng biển nông sâu
“Phật tại tâm” thăm thẳm
Trời riêng của ai đâu?
 
Lầu cao sao khóa nổi
Cánh chim bằng phương Nam
Bắc phương sao hiểu nỗi
Vị dân của sứ đoàn.
 
Tài hoa trong thiên hạ
Riêng đâu của một nhà
Tinh hoa từ bách nghệ
Càng riêng gì Trung Hoa?
 
Sắc vóc gấm hoa kia
Mồ hôi dân thơm thảo
Võng tía lọng xanh kia
Đền thờ dân cơm áo.
 
Bên mộ Thanh Lương hầu
Bốn trăm năm mây trắng
Hậu nhân kính dâng ngài
Chút hương hoa tươi thắm.
 

Chân dung Ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành - Ảnh: Thư viện Lịch sử


HÃY XÚM TAY VÀO

(Nhân đọc Kỷ yếu Danh nhân văn hóa - lịch sử Lê Công Hành)
 
Nguyễn Ma Lôi
 
Làng có người làm nghề rồi
Lẻ tẻ, bập bõm, mấy hồi đều đâu
Binh lửa mới qua chưa lâu
Cuộc sống vất vả, nhu cầu hiếm hoi.
 
Lệnh vua đi sứ xa xôi
Xứ người thử thách đưa ngồi lầu cao
Đấu trí khó khăn biết bao
Tìm may trong rủi, bập vào là say.
 
Những điều cần học là đây
Về nước, xin được mở ngay làng nghề
Từ triều đình đến thôn quê
Thêu thùa lớn nhỏ, xin về nơi đây.
 
Nhờ nghề mà được đủ đầy
Nhớ ơn tạo dựng nơi đây lập đền
Đền Tổ nghề thêu là tên
Muôn năm hương khói không quên ơn dày.
 
Đền sơ khoáng khói hương bay
Nơi thờ vị Tổ thế này được sao?
Đừng để lòng thẹn trời cao
Hãy xúm tay vào tu tạo đền xưa.

 
HÃY THỂ HIỆN CHÚT LÒNG
 
Khéo tay, nhanh mắt, kiên nhẫn, sáng tạo
Vẫn không quên thiên chức của mình
Nói đến phụ nữ, là nói thêu thùa may vá
Quê gốc ngoài kia, Huế là nơi em sinh.
 
Dẫu chẳng giàu có, nghề cho em cuộc sống
Sản phẩm thêu tay Việt Nam, đến nhiều nước xa xôi
Đền thờ vọng nơi đây, vẫn quanh năm hương khói
Ước mong về thăm quê hương Tổ nghề, ám ảnh mãi không thôi.
 
Quất Động, Ngũ Xã, đền thờ Tổ đây rồi
Chút gì đó xót xa, sao chẳng như mình nghĩ
Ai đang làm nghề và những ai quan tâm nữa
Hãy thể hiện chút lòng mình với vị Tổ nghề xưa.
 
 
NGƯỜI ĐÃ BIẾN LỢI THẾ THÀNH HIỆN THỰC

(Kính dâng ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành)
 
Làng Quất Động không xa kinh đô Thăng Long là một lợi thế
Ham học hỏi, biết chút nghề, được cử đi sứ, tiếp xúc với nơi
có ưu việt về thêu thùa là một lợi thế.
 
Người đã biến những lợi thế đó thành hiện thực
Quất Động là một làng nghề nổi tiếng khắp đó đây.
 
Công lao của Tổ nghề dân luôn ghi nhớ
Đền Ngũ Xã muôn đời ngan ngát khói hương bay.
 
 
SẼ CHẲNG GÌ THAY ĐƯỢC
 
Hai tấm vải thêu rất đẹp
Nhìn qua có vẻ giống nhau
Xem soi kỹ lại thấy có nét khác
Chỉ tấm vải thêu máy giống hệt mẫu ban đầu.
 
Chất liệu hai tấm vải thêu không khác
Giá cả tấm thêu tay lại đắt hơn nhiều
Phải chăng người mua thương cảm người cầm kim vất vả
Hay đã thấy tâm hồn, công sức người làm truyền vào tấm vải
và trên hình thêu còn ẩn chứa nhiều điều?
 
Khi được người đời trân trọng ghi nhận công sức của mình
Người thêu chỉ đơn giản nghĩ đó là lộc của Tổ nghề để lại
Quất Động mấy trăm năm bao thăng trầm, biến đổi
Làng nghề thêu vẫn đây, đền thờ Tổ vẫn còn!
 
Có những sản phẩm, có những giá trị, sẽ chẳng gì thay thế được thêu tay
Dẫu thêu máy, trí tuệ nhân tạo đang ào ào phát triển
Nối nghề xưa, luôn học hỏi đổi thay để hòa nhập cùng tiến
Thanh thản bước vào đền, thắp nén nhang, cúi lạy Tổ nghề.

  
Di tích quốc gia đình Tú Thị là nơi thờ Lê Công Hành, người được coi là ông Tổ nghề thêu cổ truyền Việt Nam

 
NHỚ TỔ NGHỀ THÊU
 
Lê Anh Dũng
 
Nhớ về thời Lê Trung Hưng
Ở làng Quất Động vui mừng reo ca
Bên tao nôi tỏa hương hoa
Lời ra dìu dặt sinh ra nhân tài.
 
Quốc Khái, họ Trần truyền tai
Lệnh vua đi sứ nhập vai học nghề
Thêu tay, làm lọng say mê
Vua ban quốc tính tên Lê Công Hành.
 
Thượng thư, Quận công rạng danh
Nhân dân ca tụng tôn thành Tổ thêu
Nhờ nghề hết mọi eo sèo
Làng nghề khắp chốn hết nghèo, an khang.
 
Nghề thêu, lọng đã truyền loan
Nhiều vùng truyền nối dặm ngàn xứ xa
Qua kinh thành Huế, vào, ra
XQ Sử Quán ngôi nhà mười phương.
 
Tây, Tàu, Âu, Á bạn đường
Nghệ nhân cho đến thợ phường thăng hoa
Cây kim, sợi chỉ nhân hòa
Tay tiên như múa lụa là gấm thêu.
 
Nhà biệt thự, nhà tre pheo
Chân dung, phong cảnh cũng đều lên tranh
Tay tiên nhỏ nhắn, mong manh
Qua tranh thêu đã hóa thành núi sông.
 
Tái hiện nguồn cội Lạc Hồng
Sáng danh con cháu Tổ tông lưu truyền
Thanh tao, thơm thảo tay tiên
Tranh thêu đi khắp mọi miền thế gian.
 
Thường Tín, Hà Nội, Langbiang
Xứ Huế, xứ Quảng, Nha Trang, xứ dừa
Tay tiên nhộn nhịp đong đưa
Dệt thành lễ hội sớm trưa các làng.
 
Hồn nghệ sĩ thích lang thang
Đã cùng Sử Quán dọc ngang phố phường
Từ sông Hoài đến sông Hương
Sông Hàn, sông Cái, sông Hồng mênh mang.
 
Chảy thành ký ức thời gian
Kết vàng đá sáng muôn ngàn năm sau
Xanh bãi bể, xanh nương dâu
Xanh cội rễ thắm sắc màu dân gian.
 
Đàn ông lịch lãm cao sang
Thiếu nữ thanh lịch đài trang áo dài
Dịu dàng bên những gót hài
Tranh thêu cội tùng, trúc, mai.
 
Túi thơ, bầu rượu dâng Ngài
Tổ sư thêu ở trên ngai làng nghề
Diễu hành phố thị, sơn khê
Hàng Gai, Cẩm Tú - Huế về XQ.
 
Rước tranh thêu, đàn, ca, thi
Áo dài duyên dáng thiên di mọi nhà
Mai, đào, cúc, thọ nở hoa
Dâng lễ giỗ Tổ đậm đà tri ân.
 
Tay tiên nâng niu ân cần
Tái sinh hồn nước, hồn làng cố hương
Tranh thêu thiên di bốn phương
Di sản Việt vượt thị trường Á, Âu.
 
Ai đi đâu, ai về đâu
Nhớ về Quất Động hát câu thêu thùa
Tranh thêu tay càng được mùa
Càng ơn thầy Tổ ơn vua làng nghề.
 
Tâm nhang trầm tỏa hồn hề
Linh thiêng đức Tổ sư về với dân
Lê Công Hành giữa lòng dân
Khúc diễn ca xin kính dâng ơn Ngài.
 
25 tháng 12 năm 2023


[1] Tước phong của Lê Công Hành.
[2] Theo sử sách, Lê Công Hành vâng mệnh đi sứ Trung Quốc (1646).
[3] Theo sử sách, khi đi sứ Trung Quốc, người Trung Quốc đã thử Chánh sứ Lê Công Hành bằng cách đưa ông lên lầu cao chót vót rồi cất thang đi. Lê Công Hành bình tĩnh xem xét thấy có bức tượng Phật ngực đề ba chữ “Phật tại tâm” và chum nước, bên trên có cắm lọng thờ bèn mỉm cười thản nhiên bẻ tay tượng Phật ăn và múc nước ở chum uống, dành hết tâm trí nghiên cứu và nhập tâm cách thức thêu trên lọng. Sau nhiều ngày ông thong dong cầm lọng nhảy từ trên lầu cao xuống đất an toàn khiến người Trung Quốc kính phục sự tài trí của ông.