(Thứ ba, 19/09/2023, 09:18 GMT+7)
“Chuyện tình khó quên” của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, chắc chắn không ai hiểu rõ bằng hiền thê Nguyễn Thị Xuyên gắn bó với ông từ năm 18 tuổi. Quen nhau và cưới nhau khi cả hai vừa rời trường trung học ở Hải Phòng, bà Nguyễn Thị Xuyên là nguyên mẫu “áo tím” trong ca khúc “Đường về Việt Bắc” mà nhạc sĩ Đoàn Chuẩn viết năm 1948: “Chiều nao áo tím nhiều quá, lòng thấy rộn ràng nhớ người”.

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn qua nét vẽ Trần Thế Vĩnh.
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn qua nét vẽ Trần Thế Vĩnh

Người đẹp áo tím Nguyễn Thị Xuyên thổ lộ về “chuyện tình khó quên” của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn: “Chồng tôi lãng mạn và đa tình lắm. Có vậy, ông mới viết bài hát hay như thế. Ông muốn ngang thì ngang, muốn dọc thì dọc, tôi chiều ông hết. Bổn phận của tôi là chăm sóc chồng, nuôi con, lúc nào cũng an phận chịu đựng. Ông không biết đến sinh kế gia đình, con cái… Đời ông phóng khoáng. Nghe nhạc ông, lúc nào tôi cũng ngạc nhiên: “Sao ông tài thế!”. Mỗi bài hát là kỷ niệm một mối tình đi qua đời ông. Đôi khi tôi cũng buồn vì ông viết tình ca tặng cho người phụ nữ khác. Nhưng lấy chồng nghệ sĩ, số mình chịu vậy”.
 
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sinh năm 1924, mất năm 2001, là một trong những gương mặt tiêu biểu của dòng nhạc lãng mạn Việt Nam thế kỷ 20. Dù không nằm trong hàng ngũ nhạc sĩ tiền chiến, nhưng Đoàn Chuẩn lại kết hợp với Từ Linh để viết rất nhiều ca khúc gợi nhắc thanh âm trữ tình ở một lớp người mơ mộng, như “Thu quyến rũ”, ‘Chuyển bến”, “Gửi gió cho mây ngàn bay”, “Cánh hoa duyên kiếp”, “Lá đổ muôn chiều”, “Gửi người em gái miền Nam”...
 
Nếu “áo tím” của bà Nguyễn Thị Xuyên chỉ xuất hiện một lần “Đường về Việt Bắc”, thì “áo xanh” lại bay lượn mơ màng trong nhiều ca khúc Đoàn Chuẩn. Không chỉ rạo rực “Với bao tà áo xanh đây mùa thu/ Hoa lá tàn, hàng cây đứng hững hờ” và không chỉ nuối tiếc “Anh mong chờ mùa thu tà áo xanh nào về với giấc mơ/ Màu áo xanh là màu anh trót yêu/ Người mơ không đến bao giờ”, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn có hẳn ca khúc “Tà áo xanh” viết năm 1952.
 
Không viết về mùa thu trực tiếp như nhiều ca khúc khác của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, “Tà áo xanh” chỉ nhắc đến mùa thu như một sự nuối tiếc. Hay nói đúng hơn, đó là sự nuốc tiếc một "chuyện tình khó quên" đã ra đi giữa mùa thu. “Gió bay từ muôn phía, tới đây ngập hồn anh, rồi tình lên chơi vơi/ Thuyền anh một lá ra khơi, về em phong kín mây trời/ Đêm đêm ngồi chờ sáng, mơ ai/ Mộng nữa cũng là không/ Ta quen nhau mùa thu, ta thương nhau mùa đông, ta yêu nhau mùa xuân, để rồi tàn theo mùa xuân, người về lặng lẽ sao đành”.
 
Danh ca Thanh Hằng (1935-2021) gợi cảm hứng cho ca khúc
Danh ca Thanh Hằng (1935-2021) gợi cảm hứng cho ca khúc "Tà áo xanh"
 
Công chúng từng đoán già, đoán non về “Tà áo xanh”. Thậm chí, những người cùng thời với nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cũng úp mở nhiều chuyện riêng tư, nhưng “tà áo xanh” vẫn nằm trong vùng bí mật. Sau 60 năm, kể từ khi ca khúc “Tà áo xanh” bay lơ đãng vào lòng người nghe, thì mỹ nhân được viết tặng bài hát này mới công khai xác nhận. Đó là danh ca Thanh Hằng nổi tiếng tại các phòng trà Hà Nội những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ 20.
 
Danh ca Thanh Hằng tên thật là Lê Lệ Hảo, sinh năm 1935 tại Hà Nội. Nhạc sĩ Tu Mi đã phát hiện tài năng của cô gái Lê Lệ Hảo đang làm nghề lồng tiếng cho đội múa rối Mạnh Quỳnh, và đưa bà lên đến sân khấu với nghệ danh Thanh Hằng. Thời gian biểu diễn ở rạp Đại Đồng, Thanh Hằng đã hội ngộ Đoàn Chuẩn.
 
Đúng như lời ca của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, danh ca Thanh Hằng không dan díu với tác giả “Tà áo xanh”, mà đã lặng lẽ theo chồng là nghệ sĩ đàn accordeon Nguyễn Đăng Tư về nơi ấm êm. Vì vậy, có lúc tái bản ca khúc “Tà áo xanh”, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đổi tên thành “Dang dở” như một niềm tâm sự ngậm ngùi.
 
Lý do người viết “Tà áo xanh” không thể gắn bó lâu dài với “Tà áo xanh” cũng rất đơn giản, như danh ca Thanh Hằng giải thích: “Tôi biết nhưng mà không thể tiến tới tình yêu được là vì ông ấy có vợ rồi. Bà Nguyễn Thị Xuyên có tới gặp tôi và hai người nói chuyện với nhau. Bà ấy bảo giữa em và chị có một người phải hi sinh. Tôi bảo thế thì tôi là người hi sinh. Ông ấy là người có vợ rồi thì tôi không thể yêu”.
 
Mối tình lơ đãng ngắn ngủi ấy, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đành gửi vào âm nhạc: “Biết nhau để mà nhớ, nhớ nhau để sầu dâng. Tình trần ôi mong manh/ Người mơ một sớm đến anh, rồi đi đi mãi cho anh sầu".
 
 
Sau năm 1954, danh ca Thanh Hằng ở lại Hà Nội và đổi nghệ danh thành Lê Hằng. Chuyển sang hát nhạc cách mạng, Lê Hằng cũng được mến mộ với ca khúc “Trước ngày hội bắn” và được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Nguyên mẫu “Tà áo xanh” lìa bỏ nhân gian ngày 18/3/2021, để lại nhiều dư âm trong các ca khúc Đoàn Chuẩn.
 
Theo TUY HÒA / Báo NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM