(Thứ bảy, 08/07/2023, 05:53 GMT+7)
Ngựa hay chẳng quản đường dài
Nước kiệu mới biết tài trai anh hùng 
(Ca dao)
 
Tiêu đề câu chuyện Con ngựa già của chúa Trịnh mà Phùng Cung viết gợi đến những truyện kể trung đại theo lối bao biếm vẫn được các nhà nho sử dụng. Bản thân tên gọi đã chứa đựng đầy đủ những motif cần thiết mà người đọc có thể nhận ra sau khi đọc hết truyện. Nó giống như một câu văn rút gọn chứa đựng gần như toàn bộ những diễn biến câu chuyện sẽ được triển khai: chủ ngữ và đề ngữ. Nhưng dù có thiếu vị ngữ, con ngựa đó làm sao, con ngựa ấy như thế nào, thì người ta cũng có thể giả định một kết cục không vui lắm. Bởi với người xưa, hình ảnh ngựa già trở thành một thứ ký hiệu thể hiện sự bất lực sau một đời tài năng. “Da ngựa bọc thây” là một ẩn dụ tuyệt diệu về những tráng sĩ gắn bó cùng những tuấn mã vượt qua thời gian. Cho nên “mỹ nhân tự cổ như danh tướng, bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”.


Cuốn sách "Truyện ngắn Phùng Cung"
 
Phùng Cung như muốn thể hiện rõ ý định đánh lừa người đọc, không giấu giếm rằng đây là một hư cấu, một thứ “bịa” khi tạo ra những chi tiết lịch sử phi lịch đại rõ rệt. Mở đầu câu chuyện là việc lấp lửng xác lập bối cảnh như lối truyền thống: “Trong làng có lão già họ Nông, hai đời chuyên nghề buôn ngựa. Ông cụ sinh ra lão ngày trước là mã phu của triều Trần; khi mãn lính, trở về làng làm nghề buôn ngựa. Năm mười bốn tuổi, lão đã theo cha ra chợ Đan Lâm học nghề. Lớn lên, lão đã nổi tiếng khắp vùng về môn xem tướng ngựa”. Thế mà, nhà Trần kết thúc với Trần Thiếu Đế năm 1400 khi Hồ Quý Ly tiếm ngôi. Nhà Trịnh bắt đầu được thành lập từ 1545 bởi Trịnh Kiểm khi ông tiếm xưng là ngôi vị Thái sư Lạng quốc công. Khoảng cách 145 năm của “hai đời chuyên nghề buôn ngựa” nhà họ Nông khiến người đọc phải giật mình nghi hoặc nếu biết rằng các thế hệ người Việt từ thế kỷ XIX trở về trước có tuổi thọ rất thấp. “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, và năm mươi tuổi đã có thể cáo lão ẩn cư. Không thể khẳng định xem sự sai biệt này thuộc về chủ ý tác giả hay do sự nhãng quên trong lúc viết. Dù thế nào đi nữa, những chi tiết lịch sử phi lịch đại được Phùng Cung đưa vào câu chuyện không nhằm nhấn mạnh đến tính có thực của lịch sử, mà chỉ là một cái phông nền, một điểm tham chiếu cho phép đặt câu chuyện về con ngựa vào đó. Đây là câu chuyện của thời xưa, một thời không liên quan đến ngày nay. Nhưng vì thế, quy tắc của nghệ thuật khiến người ta có thể nghĩ là nó ẩn dụ cho bất kỳ thời nào. Giả như có chút nhầm lẫn đánh máy, thì việc thay những cái tên như nhà Trịnh nhà Trần bằng những cặp tên khác như nhà Nguyễn nhà Lê, Nhà Lý nhà Trần… thì cũng không ảnh hưởng lắm đến kết cấu của câu chuyện. Bằng cách nháy mắt với người đọc như thế, người kể Phùng Cung đề xuất một thỏa thuận ngầm, câu chuyện không kể lại lịch sử, không phản ánh hiện thực trung thành mà kể lại một giả định đầy tiềm năng, đầy chủ quan, và do thế đầy tranh cãi. Người kể muốn tạo ra một ẩn dụ đích thực thời hiện đại khi kể lại những motif quen thuộc.
 
Câu chuyện có thể được chia làm bốn phần không đều nhau. Phần đầu tiên chiếm chưa đến 1/10 (300) dung lượng kể lại việc ông lão nuôi dạy được tuấn mã Kim Bông hay nhất trong vùng và được chúa Trịnh vời đến để phục vụ chiến trân bình định giang san. Phần hai chiếm khoảng 1/5 (1095) dung lượng tiếp theo kể lại những thành công của đời ngựa chiến Kim Bông phụng sự chúa Trịnh. Phần còn lại do thế chiếm già nửa dung lượng (7/10) kể lại những ân sủng mà chú ngựa được hưởng nhờ vào những công trạng của Kim Bông thực hiện khi tung hoành trong các trận chiến cho đến cuộc đua cuối cùng. Phần cuối cùng có dung lượng tương đương phần đầu tiên kể lại cái chết của Kim Bông trong trận đua cuối cùng. Như vậy, không khó để nhận ra rằng người kể câu chuyện muốn người đọc chú ý tập trung vào cuộc đời êm ấm của chú ngựa chiến mã oai hùng đã lập bao công trạng cho chúa Trịnh. Tính ẩn dụ nổi bật của câu chuyện lên qua việc nhân vật chính không phải là người lái ngựa, mà là chú tuấn mã được đưa vào phủ Chúa. Hơn thế nữa, con ngựa ấy có những suy ngẫm phức tạp như con người. Người kể không ngần ngại cho rằng chú tuấn mã Kim Bông dù có lúc ao ước sự oai hùng chiến trận, vẫn đầu hàng những sự cám dỗ nơi phủ chúa. Cách dùng phó từ chỉ thời gian cùng với liên từ chỉ quan hệ tương phản cho thấy rõ điều ấy: “Nhưng chẳng bao lâu, những chậu thóc trộn mật vừa ngọt vừa bùi, những bó lá trúc quân tử vừa thơm vừa giòn sậm sựt đã cùng những buồn tủi sầu muộn, cùng những ước mơ trôi qua ruột, tống ra ngoài trả lại cho quá khứ”. Đây là sự tương phản theo đánh giá của riêng người kể chuyện, tức là mang theo cách nhìn chủ quan. Đánh giá theo lối đầy chủ quan từ đó đi đến hết câu chuyện khi nhẩn nha kể lại những sự sung sướng mà tuấn mã chiến trận được hưởng trong phủ Chúa. Vô vàn những sự tương phản tương tự được người kể bầy ra từ đó cho đến hết truyện: hai đầu nạm vàng sáng lóe nhưng là hai cái lá đa che ngang hai bên mắt; hai càng gỗ sơn son thếp vàng nhưng hai càng gỗ dúi mạnh một cái; tài nó cũng đã mòn mổ nhưng Nó vẫn tưởng nó còn sức chạy dư ngàn dặm… Người kể cũng chẳng ngần ngại mượn lời của chú chiến mã giờ đang đóng vai một mã lệnh, một chú ngựa kéo xe, cho chúa Trịnh để cho những sự đánh giá kia thêm phần thuyết phục, thêm phần khách quan vì đó đích thực là điều đã diễn ra, là mong muốn: “Chà! Mắt nhìn mặt, ta uy nghi lộng lẫy đến thế này ư? Kìa hai lá đa che mặt ta có khác gì hai cánh mũ của vị đại thần? Hai càng gỗ khác gì tay ngai ngày ngày chúa vẫn ngự! Phải chăng giời đã an bài cho số phận ta!”. Lối mượn lời này thể hiện rõ một định hướng diễn giải mà người kể chuyện muốn hướng cho người đọc: chiến mã kiêu hùng không ai thay thế được nơi sa trường đang tự hào vị thế kéo xe mà bất kỳ một mã lệnh nào thuần tính cũng có thể làm được.
 

Nhà văn Phùng Cung và nhà thơ Hoàng Cầm
 
Câu kết thúc của lời kể là một cú quay cận cảnh vào cái chết của chú ngựa trên đường đua cuối cùng của mình. Có thể nói đến một lối montage trong cách viết ở đây. “Trước hơi thở cuối cùng, nó lấy hết sức tàn, ngóc đầu lên cao, co co hai chân trước, thẳng thẳng hai chân sau, chừng như để cố giữ lấy cái thế cao đầu phóng vĩ”. Câu văn đặc tả động tác của con ngựa: ngóc đầu lên cao, co co hai chân trước, thẳng thẳng hai chân sau. Nếu với một người kể kiệm lời, chừng đó là đủ. Nhưng người kể Phùng Cung còn thêm vào hai lời kể khác: “Trước hơi thở cuối cùng, nó lấy hết sức tàn” và “chừng như để cố giữ lấy cái thế cao đầu phóng vĩ”. Hai lời kể này thực chất là những lời bình luận, đánh giá về tình huống đang xảy ra với con ngựa. Cả hai đều là những giả định về tình trạng của con ngựa, về mong muốn của nó. Nhưng giờ đây người kể đã đứng tách khỏi đối tượng được kể để nêu ra các giả định. Sự khác nhau nằm ở những định đề. Lời kể thứ nhất là một giả định nhưng chắc chắn, khách quan. Lời kể thứ hai cũng là một giả định nhưng mang đậm tính chủ quan và vì thế giống như một bình luận. Lời bình luận này nhắc lại một chi tiết đã được nói đến hai lần. Lần thứ nhất là ở nửa đầu câu chuyện khi chưa được 1/15 mạch kể: Lão đã từng đi nhiều nơi mà chưa thấy có con nào tướng phách toàn mỹ như nó; có sức vượt hàng nghìn dặm với cái thể “cao đầu phóng vĩ” của nòi ngựa chiến. Còn lần thứ hai khi người kể đã nhẩn nha thêm 60% nội dung câu chuyện và nhắc đến nước chạy phi thường của chú chiến mã trong lời của chính con ngựa: Với cái sức khỏe bay hàng nghìn dặm, với cái thể cao đầu phóng vĩ hùng dũng như ta, đã bao phen sông pha trận tuyến, đời ta tù túng như thế này thì ta sống sao được? Liệu có thể nói cao đầu phóng vĩ là một thần chú mở cánh cửa vào thế giới loài ngựa của Phùng Cung? Quả là chi tiết này được lặp lại ở những bước ngoặt quan trọng của lời kể chuyện. Bước ngoặt thứ nhất là quan sát của ông lão chăm ngựa họ Nông về tướng mạo và giá trị của con tuấn mã. Bước ngoặt thứ hai là lời của chiến mã về cuộc sống nhạt nhẽo của mình trong chốn cung cấm dù đầy vàng son. Không phải không có lúc nó thấy chán nhưng vẫn chấp nhận bởi làm gì còn lựa chọn nào khác? Lần cuối cùng, chi tiết này thuộc về lời của chính người kể về con tuấn mã khi con chiến mã có quyền được lựa chọn. Lời kể mang giá trị một tiếng nói phán xét cuối cùng và đầy nghiệt ngã của người kể Phùng Cung về cái chết của con ngựa “cao đầu phóng vĩ” trong những bước chạy cuối cùng của tự do. Chính là trong những lúc được tự do lựa chọn, chú chiến mã đã chấp nhận nước chạy đó mà nó khao khát bao lâu dù biết là bi kịch. Kể rằng chiến mã “đắc chí ngoái đầu lại” nhìn bạn ngựa, có lẽ người kể như đang có cùng tâm trạng của Kim Bông háo hức muốn chứng minh mình? Phải chăng khát vọng tự do của chiến mã Kim Bông mang một kích thước lớn hơn những gì mà người kể có thể hình dung và phán xét?
 
Truyện kể luôn là mảnh đất đầy tiềm năng cho phép gieo vào đó những hạt giống hư cấu. Từ đó, cái cây lớn lên mang đến những hoa trái bất ngờ. Cùng với Phùng Cung, ta cũng có thể gieo những hạt mầm khác. Con tuấn mã có phải sinh ra để làm chiến mã hưởng những vinh quang mà con người giả vờ trao lại? Nếu chú tuấn mã không được giao vào kinh thành cho sự nghiệp bình định giang san của chúa Trịnh, liệu những chuyến tỉ thí nơi đồng nội có mang lại vinh quang cho nó? Nếu tuấn mã vẫn tung vó nơi chiến trường, cái chết nào đang chờ đợi nó? Nếu khi được thả cương cho cuộc đua cuối cùng nơi thao trường, Kim Bông rũ bờm đứng lại thì có phải là một kết quả tất yếu của những năm tháng làm mã lệnh kéo cho chúa? Nếu nó không tham gia cuộc đua, cái chết yên bình của một con ngựa có phải là một điều đáng mơ ước cho bất kỳ sinh vật nào? Bởi chẳng phải như người xưa vẫn nói, đường xa mới biết ngựa hay? Cũng như Phùng Cung vẫn hằng mơ về những nước kiệu thời gian.
 
PHÙNG NGỌC KIÊN / VIỆN VĂN HỌC
Sau đây là một số hình ảnh:
 





Nhà văn Phùng Cung và các bạn văn


Nhà văn Phùng Văn Khai phát biểu tại buổi ra mắt sách
(trong đó có cuốn "Truyện ngắn Phùng Cung") của Viện Nhân học Văn hóa





Các khách mời tham gia buổi gặp mặt và ra mắt sách của Viện Nhân học Văn hóa