THAM LUẬN HỘI THẢO KHOA HỌC
BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG PHÙNG HƯNG
CUỘC NỔI DẬY CỦA PHÙNG HƯNG
BÀI HỌC ĐẮT GIÁ CỦA THỜI CƠ LỊCH SỬ
Nhà văn VŨ BÌNH LỤC
Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, có biết bao cuộc nổi dậy của nhân dân, chống lại bọn xâm lược ngoại bang, chủ yếu chúng đến từ phương Bắc.
Theo chính sử nước ta, cuộc nổi dậy của nhân dân các tộc Việt ở phía Nam núi Ngũ Lĩnh, dưới sự lãnh đạo của Triệu Đà (Triệu Vũ Đế) là một trong những ví dụ rất sinh động. Các nhà sử học nước ta thời xưa, từ Trần Thế Pháp, Lê Văn Hưu (đời Trần), Phan Phu Tiên, Vũ Quỳnh, Ngô Sĩ Liên-Chủ biên bộ sách ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ (đời Hậu Lê), đều chép rằng Triệu Đà nhân lúc nhà Tần suy loạn, nổi lên chiếm lấy toàn bộ vùng Lĩnh Nam, vốn là đất đai của hàng trăm tộc Việt (Bách Việt), lập ra nước NAM VIỆT, lên làm vua, xưng là Triệu Vũ Đế ( 257 tr. cn-137 tr. cn). Triều đại nhà Triệu kết thúc, chính là thời điểm mở đầu thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc.
Trước đó, Thục Phán (người nước Thục ở Tứ Xuyên, Trung Quốc) đánh bại Hùng Vương, chiếm lấy nước Văn Lang, rồi chuyển đô từ Phong Châu về Phong Khê, xây thành Cổ Loa, tự xưng là An Dương Vương. Triệu Đà nhân lúc An Dương Vương ăn chơi hưởng lạc, theo lời sàm tấu của gian thần, giết hại các công thần, như Cao Lỗ, Đinh Toán, Nồi Hầu…liền đem quân diệt Thục, sáp nhập Âu Lạc vào với Nam Việt. Sau nhà Hán diệt Tần, Triệu Vũ Đế lãnh đạo dân Bách Việt tiếp tục chống nhau với nhà Hán, thực hiện sách lược “nội cương ngoại nhu”, khôn khéo bảo tồn được nước Nam Việt kéo dài hàng trăm năm. Nguyễn Trãi (1380-1442) đã viết về sự kiện lịch sử này trong ĐẠI CÁO BÌNH NGÔ. Rằng:
“Như nước Đại Việt ta từ trước / Vốn xưng nền văn hiến đã lâu / Núi sông bờ cõi đã chia / Phong tục Bắc Nam cũng khác / Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập / Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên hùng cứ một phương / Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau / Song hào kiệt đời nào cũng có”! (Duy ngã Đại Việt chi quốc / Thực vi văn hiến chi bang / Sơn xuyên chi phong vực ký thù / Nam Bắc chi phong tục diệc dị / Tự Triệu, Đinh, Lý, Trần chi triệu tạo ngã quốc / Dữ Hán Đường, Tống, Nguyên nhi các đế nhất phương / Tuy cường nhược thời hữu bất đồng / Duy hào kiệt thế vị thường phạp)…
Chính sử nước ta đều xem Triệu Vũ Đế là người dựng nước đầu tiên, được chép vào BẢN KỶ, tiếp nối sự nghiệp của các vua Hùng.
Tuy nhiên, cũng có trường phái nghiên cứu lịch sử gần đây thì có quan điểm ngược lại, cho rằng Triệu Vũ Đế gốc người Trung Quốc, hệ thống quan lại thuộc quyền cũng người Trung Quốc, cho nên, đó là sự thống trị của ngoại bang với người Bách Việt.
Nếu theo cái gọi là quan điểm “biện chứng” này, thì chúng ta còn rất nhiều vấn đề phải bàn, không nằm trong nội dung bài viết này. Chúng tôi theo quan điểm truyền thống của các nhà viết sử thời xưa, được xem là chính sử nước ta !
Vậy, thời cơ lịch sử mà Triệu Vũ Đế nhận thấy ở đâu ? Thứ nhất là nhà Tần đã suy yếu, nội bộ chúng tan rã, chỉ lo việc giành giật ngôi báu, không đủ sức lo các việc ở phương xa. Thứ hai là lòng dân ta đã vô cùng oán giận giặc Tần tàn bạo.
Năm 40 sau c.n, hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị nổi dậy chống lại bọn thống trị nhà Hán, giải phóng toàn bộ nước Nam Việt thời Triệu Vũ Đế, bao gồm toàn bộ đất đai các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, kéo dài đến bán đảo Hải Nam của Trung Quốc ngày nay. “Đô thành đóng cõi Mê Linh / Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta” (Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái). Thời cơ ở đâu ? Là bởi bọn xâm lược đã gây ra quá nhiều tội ác với dân ta, lòng dân oán hận không sao chịu được. Khi có ngọn cờ lãnh đạo phất lên, muôn người một ý chí, thành công ắt sẽ đến !
Trước đó, nước ta là Giao Châu, thuộc Đường. Cụ Phùng Hạp Khanh, cha của Phùng Hưng, người đã từng tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan (Mai Hắc Đế) chống lại quân xâm lược nhà Đường. Thành quả cuộc chiến đấu chống xâm lược của Mai Thúc Loan tuy không nhiều, nhưng nó báo hiệu tinh thần quật khởi của người Việt sẽ được dấy lên, sẽ được tiếp nối không ngừng. Cuộc chiến đấu đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường cuối cùng thất bại, cụ Phùng Hạp Khanh về quê Đường Lâm xây dựng lực lượng, mở đầu bằng việc xây dựng kinh tế, trở thành một hào trưởng rất có thế lực, lại nổi tiếng là người hiền đức. Đó chính là yếu tố quan trọng, tạo ra cơ sở vật chất, uy thế và binh lực cần thiết, chuẩn bị cho sự kế thừa của Phùng Hưng và Phùng Hải.
Các tài liệu chính sử, hoặc dã sử ghi chép có sự khác nhau ít nhiều về gia thế, năm sinh năm mất của của Phùng Hưng. Tuy nhiên, ngoài Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục là chính sử, các sách như Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên…rồi Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ, An Nam chí lược của Lê Tắc… cũng đóng góp những tư liệu tham khảo rất quý, góp phần dựng lên chân dung một thời kỳ lịch sử vẻ vang và hình ảnh người anh hùng dân tộc Phùng Hưng.
Phùng Hưng, con trai của Phùng Hạp Khanh, người đất Đường Lâm (còn gọi là Cam Đường), Giao Châu, thuộc Đường. Thời ấy, Đường Lâm là vùng rừng núi rậm rạp, hoang vu. Chàng trai trẻ Phùng Hưng nổi tiếng về sức khỏe. Được nhân dân trong vùng ngưỡng mộ và ủng hộ, Phùng Hưng chiêu hiền đãi sĩ, lại được Đỗ Anh Hàn giúp thêm mưu lược, Bồ Phá Cần là một dũng tướng giúp việc quân sự, Phùng Hưng dần xây dựng lực lượng vũ trang, chinh phục các tù trưởng xung quanh để mở rộng đất đai, tăng cường thế lực, đợi thời. Và thời cơ có một không hai đã đến.
Thời cơ ấy là gì vậy ? Đó chính là lúc nhà Đường chính sự rối loạn. Vua Đường Huyền Tông say mê sắc đẹp của Dương Quý Phi, bỏ bê triều chính. Chính sự rơi vào tay Dương Quốc Trung và hoạn quan Cao Lực sĩ. Lòng dân oán giận, các quan trong triều bất lực ngậm tiếng im hơi. Lợi dụng thời cơ thuận lợi, An Lộc Sơn và Sử Tư Minh, tiết chế các đạo quân ở miền biên viễn đã đem mấy chục vạn quân Hồ tiến về Trường An. Vua Đường Huyền Tông phải bỏ Trường An, đem theo mỹ nhân Dương Quý Phi chạy trốn. Chính sự nhà Đường xuống dốc từ đó.
Khoảng niên hiệu Đại Lịch (766-780) nhà Đường, ở Giao Châu, Phùng Hưng dấy binh, tự phong làm Đô Quân, tiến về phía đông, đóng đại bản doanh tại làng Triều Khúc, huyện Thanh Trì ngày nay, rồi đem quân bao vây thành Tống Bình. Cao Chính Bình, nguyên là Hiệu úy châu Vũ Định, thay thế An Nam Kinh lược sứ Trương Bá Nghi ra sức chống cự. Cuộc chiến quyết liệt và dằng dai, khiến Cao Chính Bình uất sức, lo nghĩ phát bệnh mà chết. Nhà Đường trong tình thế trong nước rối loạn như vậy, không thể đem binh xuống phương Nam cứu viện. Năm 791, cuộc chiến kết thúc. Phùng Hưng vào thành Tống Bình, làm chủ đất nước.
Sự nghiệp vẻ vang của Phùng Hưng cho thấy bài học vô giá của sức mạnh đoàn kết dân tộc, đồng thời là bài học về thời cơ chiến lược, quyết đánh và quyết thắng trong lịch sử quân sự mấy ngàn năm ở nước ta. Sự nghiệp của Phùng Hưng tuy không dài, nhưng nó đã tạo ra tiền đề cho một người đồng hương của ông là Ngô Quyền dấy binh đánh bại quân Tống trên sông Bạch Đằng năm 938, giành lại quyền tự chủ, chấm dứt thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc, mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Bài học từ thời cơ lịch sử, chính là yếu tố có tính chất then chốt nhất trong nghệ thuật quân sự, được cha ông ta phát huy ở nhiều thời điểm khác nhau trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Thời cơ đến, tức vận nước đã đến. Những bậc anh tuấn của dân tộc trong suốt quá trình xây dựng quốc gia độc lập và bảo vệ Tổ quốc, từ Ngô Vương Quyền, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê… đến công cuộc đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ gần đây, bài học về thời cơ lịch sử luôn được phát huy tích cực, tạo điều kiện căn cốt cho chiến thắng cuối cùng.
Sự nghiệp và tấm gương oai dũng của người anh hùng đất Đường Lâm, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, vẫn còn sống mãi trong trái tim người Việt !