(Thứ sáu, 24/11/2023, 07:51 GMT+7)

Trong hai ngày 22 và 23 tháng 11 năm 2023, tại Nhà khách Bộ Quốc phòng, 266 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội đã diễn ra Đại hội Đại biểu họ Phùng Việt Nam lần thứ II nhiệm kỳ 2023-2028. Đây là một hoạt động lớn của Hội đồng họ Phùng Việt Nam trong năm 2023.

Về tham dự Đại hội có 54 đoàn đại biểu các tỉnh, thành phố, huyện, xã thuộc các cành nhánh họ Phùng trên toàn quốc với 387 đại biểu. Ban Tổ chức đã bố trí nơi ăn, ở cho các đoàn, nhất là các đoàn từ xa tới như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh... tận tình, chu đáo trong không khí thân tình, ấm áp, kết đoàn của dòng họ Phùng Việt Nam.

Chiều ngày 22 tháng 11, Ban Tổ chức đã thực hiện chuẩn bị 300 bộ tài liệu gồm 01 Văn kiện Đại hội; 01 báo cáo trung tâm; 02 tập sách Họ Phùng Việt Nam trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước (Khái lược), Danh nhân văn hóa - lịch sử Phùng Tá Chu; 02 đầu báo và phần quà tài trợ của doanh nhân Phùng Thu Hoài. 15h00 cùng ngày, Hội đồng họ Phùng Việt Nam đã tổ chức cuộc họp phiên trù bị với các thành phần: Thường trực Hội đồng; Ban Cố vấn; các trưởng đoàn có mặt cùng một số thành viên chủ chốt trong dòng họ. Nhà văn Phùng Văn Khai - Thường trực Hội đồng họ Phùng Việt Nam - Trưởng Ban Tổ chức đã báo cáo công tác chuẩn bị Đại hội. Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam thay mặt Hội đồng đã báo cáo trình bày tổng quan chương trình Đại hội. Hội đồng đã cho các ý kiến về công tác nhân sự; công tác tổ chức, công tác thi đua - khen thưởng, Quy ước hoạt động của dòng họ, Quy chế tài chính và các Ban Chuyên môn công khai, dân chủ, trong sáng, trên tinh thần xây dựng phát triển của dòng họ một cách bền vững và hiệu quả. Phương án nhân sự gồm Hội đồng họ Phùng Việt Nam: Chủ tịch Hội đồng; các Phó Chủ tịch; Tổng Thư ký; các Ủy viên Thường trực; các thành viên Hội đồng toàn quốc; các Ban Chuyên môn với tinh thần thống nhất cao.

Trong ngày 23 tháng 11, Đại hội chính thức diễn ra trang nghiêm, chặt chẽ và ấm áp. Từ 8h00, mở đầu Đại hội đã trình chiếu phim tài liệu Họ Phùng Việt Nam trong tiến trình lịch sử. Tiếp đó là chương trình ca nhạc chào mừng của Đoàn Văn công Quân khu 1 biểu diễn hoành tráng thể hiện tinh thần quê hương đất nước khang trang trong thời kỳ Đổi mới.

Tham dự Đại hội Đại biểu họ Phùng Việt Nam lần thứ II, về phía khách tới dự có: Trung tướng Lê Phúc Nguyên - Chủ tịch họ Lê Việt Nam; nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng họ Dương Việt Nam; Trung tướng Mai Hồng Bỉnh - Phó Chủ tịch Hội đồng họ Mai Việt Nam; Trung tướng Phí Quốc Tuấn - nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; các vị đại biểu đại diện các dòng họ Vũ - Võ, Nguyễn, Trần, Hoàng, Phí, Đồng, Phạm, Bùi, Phan... đã tới dự và có Lẵng hoa chúc mừng Đại hội. Đại hội đã trân trọng đón nhận Lẵng hoa của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Lẵng hoa của gia đình Đại tướng Phùng Quang Thanh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - nguyên thành viên Ban Cố vấn Hội đồng họ Phùng Việt Nam cùng trên 30 Lẵng hoa tươi thắm của các đoàn đại biểu đã thể hiện sự trân trọng với Đại hội họ Phùng toàn quốc lần thứ II.

Sau lễ chào cờ trang nghiêm, 387 đại biểu chính thức lắng nghe báo cáo trung tâm của Đại hội do Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam trình bày đã khái quát toàn diện, sâu sắc những hoạt động tiêu biểu trong nhiệm kỳ 5 năm lần thứ I (2018-2023). Báo cáo đã thể hiện phương hướng hoạt động và các kết quả đạt được của họ Phùng Việt Nam thời gian qua là đúng đắn, nhân văn, kết đoàn, bền vững.

Tiếp đó, Tiến sĩ Phùng Thảo - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng họ Phùng Việt Nam đã trình bày bản Quy ước hoạt động của Hội đồng họ Phùng Việt Nam (đã chỉnh sửa, bổ sung) và được toàn thể Đại hội thông qua với 100% nhất trí. Đây chính là sự biểu thị tâm huyết của các đại biểu với Quy ước hoạt động của Hội đồng họ Phùng Việt Nam trên tinh thần vì sự phát triển, đoàn kết bền vững của dòng họ.

Tiếp đó, ông Phùng Văn Lực - Ủy viên Thường trực Hội đồng họ Phùng Việt Nam lên trình bày Quy chế tài chính của Hội đồng họ Phùng Việt Nam được toàn thể đại biểu lắng nghe và nhất trí cao. Đây thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ và các hoạt động cụ thể trên tinh thần cơ chế tài chính công khai, minh bạch, khoa học cũng chính là nền tảng đoàn kết, thống nhất của dòng họ.
Sau một số ý kiến phát biểu, Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam, được sự ủy nhiệm của Hội đồng đã vận đồng thành lập Quỹ họ Phùng Việt Nam. Đây cũng là tâm tư, nguyện vọng của các cành nhánh họ Phùng trên toàn quốc và nhất là 387 đại biểu chính thức trong Đại hội. Quỹ họ Phùng Việt Nam ngay lập tức đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, sôi nổi của toàn thể Đại hội và ngay lập tức đã có sự đóng góp lớn, rộng khắp của toàn bộ đại biểu.

Tiếp đó, Đại hội đã tiến hành công tác khen thưởng với: 09 Bằng Vinh danh; 23 Bằng Ghi nhận; 05 Bằng Ghi nhận Tiến sĩ trẻ trong nhiệm kỳ thứ I; 04 Bằng Ghi nhận Người có công đóng góp lớn với dòng họ Phùng. Điều đặc biệt, trong số các Bằng Vinh danh có sự hiện diện của Mẹ Việt Nam anh hùng Phùng Thị Độ trên 90 tuổi ở xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây chính là sự trân trọng, biết ơn, sự ghi nhận những cố gắng của các cá nhân tiêu biểu dòng họ Phùng trong nhiệm kỳ thứ I (2018-2023).

Sau khi bế mạc Đại hội, các đoàn dự tiệc liên hoan ấm áp, trọng thị, vui vẻ, phấn khởi đã thể hiện sự thành công đặc biệt của Đại hội Đại biểu họ Phùng Việt Nam lần thứ II (2023-2028).

Sau đây là báo cáo trung tâm của Đại hội:
 

XÂY DỰNG HỌ PHÙNG VIỆT NAM ĐOÀN KẾT,
TỰ TRỌNG, XỨNG ĐÁNG TRUYỀN THỐNG CHA ÔNG
 
(Báo cáo của Hội đồng họ Phùng Việt Nam khóa I năm 2018-2023
tại Đại hội Họ Phùng Việt Nam lần II)

Đại hội Đại biểu họ Phùng Việt Nam diễn ra sau 14 năm vận động hình thành tổ chức và sau 5 năm hoạt động của khóa I với danh xưng Hội đồng họ Phùng Việt Nam.

Đại hội Đại biểu họ Phùng Việt Nam là Đại hội của tinh thần thân tộc với tư tưởng xuyên suốt là: “Đoàn kết, đổi mới, truyền thống, hội nhập, phát triển”.

Đại hội có nhiệm vụ tổng kết đánh giá hoạt động của dòng họ trong 5 năm qua, đề ra phương hướng mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp triển khai năm năm tới.

PHẦN THỨ NHẤT
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ
ĐẠI HỘI LẦN THỨ NHẤT 2018-2023

A. KHÁI QUÁT HOẠT ĐỘNG CỦA BAN LIÊN LẠC HỌ PHÙNG TỪ NĂM 2009 ĐẾN KHI ĐẠI HỘI 2018
 
- Năm 2009 tại Thiên Sơn - Suối Ngà, Ba Vì, Hà Nội, những người tâm huyết với dòng họ đã tập hợp nhau bàn việc kết nối và duy trì tình thân tộc trong cả nước.

Gồm các ông: Phùng Khắc Đăng, Phùng Hệ, Nguyễn Thị Mạch, Phùng Thảo, Phùng Toàn, Phùng Hữu Nghị, Phùng Tuấn Anh.
Các ông Phùng Văn Lực, Phùng Danh Thắm, Phùng Văn Khai đồng ý tham dự, tham gia, nhưng vì công việc đột xuất nên không về kịp.

- Ban Liên lạc họ Phùng toàn quốc đề nghị ông Phùng Khắc Đăng làm Trưởng Ban lâm thời.

- Ban Liên lạc đã triển khai một số việc sau:

+ Bố Cái Đại Vương - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp
+ Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa
+ Thượng tướng Phùng Thế Tài
+ Họ Phùng Việt Nam trong tiến trình xây dựng và giữ nước

- Xây dựng được 4 bộ phim về danh nhân họ Phùng, nhờ phối hợp với Đài truyền hình Trung ương và Hà Nội như: Hai danh nhân họ Phùng trên đất Thăng Long: Phùng Hưng, Phùng Khắc Khoan.

Sau hội thảo, đã in ấn sách cấp phát cho các chi họ sách về Đại tướng Phùng Quang Thanh, Thượng tướng Phùng Thế Tài; Họ Phùng Việt Nam tập 4; Họ Phùng Việt Nam tập 5; Ba vị họ Phùng với Hồ Chủ tịch... với số lượng hàng nghìn cuốn.

- Động viên các chi họ trên cả nước với tinh thần ăn quả nhớ người trồng cây, hưởng ứng lời kêu gọi của Hội đồng về trùng tu, tôn tạo, xây mới những nơi thờ tự của tổ tiên. Trong nhiệm kỳ, họ Phùng đã xây dựng được hai ngôi đền. Tại Lâm Đồng, đền thờ xây dựng khang trang trên khuôn viên 4.000m2 đất, đúc 3 pho tượng đồng Phùng Hưng, Phùng Tá Chu và Phùng khắc Khoan, kinh phí 18 tỷ đồng.

Tại Tây Đằng, Ba Vì, sau hội thảo năm 2016, Hội đồng họ Phùng Việt Nam đã tổ chức quyên góp xây dựng đền thờ Thái phó Phùng Tá Chu với 3 hạng mục: Đền thờ chính, Lăng mộ, Nhà bia. Kinh phí hơn 2 tỷ đồng.

Tại Quảng Nam, Đà Nẵng, gia đình ông Phùng Tấn Viết đã chủ động xây dựng nhà thờ, đúc tượng vua Phùng Hưng, báo cáo Hội đồng mong muốn được coi là một điểm để anh em miền Trung tụ họp.

Theo báo cáo của các chi họ Phùng, trong 14 năm qua đã xây dựng mới và sửa sang được 14 nhà thờ họ như Hưng Yên, Bắc Ninh, Ba Vì, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hải Phòng, Bắc Giang, Đông Anh...

Để xây dựng được những nơi thờ tự như vậy là nhờ nỗ lực đóng góp của nhiều người, phải kể đến các ông bà: Phùng Văn Luyến, Phùng Văn Quyến, Phùng Lực, Phùng Hệ, Phùng Quang Tài, Phùng Thị Thúy, Phùng Hiệu và tấm lòng của vợ chồng ông Phùng Tấn Viết...
 
B. VỀ CÔNG TÁC TỔ CHỨC
 
- Đã tích cực vận đồng thành lập được Hội đồng họ Phùng miền Trung - Tây Nguyên do ông Phùng Tấn Viết - Phó Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam phụ trách.

- Vận động xây dựng được Hội đồng họ Phùng phía Nam do ông Phùng Quốc Mẫn - Phó Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam phụ trách.

Như vậy tính đến nay, về cơ cấu tổ chức, chúng ta có Hội đồng họ Phùng cả nước và hai khu vực, từng khu vực đã chủ động kết nối được các chi họ Phùng trên địa bàn cả nước, một số nơi hoạt động kết nối giao lưu dòng họ làm khá tốt như Giao Thủy - Nam Định, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... Hiện nay, Vĩnh Phúc đang hoàn thành cơ cấu tổ chức dòng họ theo 3 cấp, đây là mô hình rất hay để liên kết dòng họ động viên nhau trong học tập, công tác và xây dựng quê hương.

- Đã chủ động kết nối họ Phùng thông qua các ngày lễ tưởng niệm danh nhân. Hàng năm, đã có hàng trăm con dân họ Phùng về dâng lễ nơi thờ đức Bố Cái Đại Vương. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 409 năm ngày mất của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan năm 2022 đã có gần 800 con cháu họ phùng các nơi về dâng lễ tưởng nhớ tiền nhân.

- Tổ chức chương trình khuyến học, tính đến nay đã có hơn 1.000 cháu được nhận Giải thưởng Phùng Khắc Khoan, vì đã trúng tuyển vào Đại học.

Đặc biệt, năm 2019 đã có 7 tiến sĩ trong đó có 2 tiến sĩ ở Pháp đề nghị được dòng họ cấp phần thưởng khuyến học (tổng số tiền hơn 700 triệu đồng).

- Hàng năm, Hội đồng vẫn duy trì cuộc gặp gỡ các nhân sĩ, trí thức gắn bó với dòng họ qua các cuộc điền dã, hội thảo đóng góp tư liệu, viết bài cho các tập sách của họ Phùng. Gần đây, nhà văn Hoàng Quốc Hải và tiến sĩ Đinh Công Vỹ đã nhận lời đứng làm chủ biên cuốn sách về danh nhân Phùng Tá Chu rất sang trọng và bề thế. Hội đồng họ Phùng cũng mở rộng quan hệ gắn kết với các dòng họ khác vừa để học hỏi vừa xây dựng mới đoàn kết dân tộc như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
- Thường xuyên quan tâm chỉ đạo động viên Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ họ Phùng, mang lại kết quả khá tốt.

- 5 năm qua, dù bị dịch bệnh chi phối (gần 3 năm) nhưng với nỗ lực của Hội đồng, sự động viên, khích lệ của các chi họ, chúng ta đã triển khai được nhiều việc mang lại kết quả rõ ràng, như Hội thảo khoa học, kết nối dòng tộc, khuyến học, khuyến tài, xây dựng nơi thờ tự, giữ tốt quan hệ với các dòng họ, với các nhân sĩ, trí thức và những người tâm huyết với họ Phùng. Tinh thần thân tộc được đề cao, tình đoàn kết phấn đấu là yêu cầu chủ đạo. Các hoạt động đúng hướng, đúng chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không có người lợi dụng hoạt động của dòng họ để chống đối Đảng, Nhà nước. Nhiều tấm gương tận tụy vì dòng họ rất đáng hoan nghênh.

- Tại Đại hội lần này chúng ta dành những tình cảm thân quý nhất để tôn vinh các ông bà: Phùng Thảo, Nguyễn Thị Nhung; Phùng Hệ, Nguyễn Thị Mạch; Phùng Lực, Nguyễn Thị Hiền; Phùng Quốc Mẫn, Nguyễn Thị Hồng Sâm, Phùng Xuân, Nguyễn Thị Duyên; Phùng Quyến và Phùng Luyến... đã bỏ sức người, sức của và trí tuệ đóng góp cho hoạt động của dòng họ. Đặc biệt là vợ chồng ông bà Hệ - Mạch, ông bà Lực - Hiền, ông Thắm... là những cánh chim đầu đàn đóng góp tiền bạc rất lớn cho dòng họ.

- Chúng ta chân thành cảm ơn các ông Cố vấn là chỗ dựa tinh thần và có những góp ý rất quý báu giúp cho hoạt động của dòng họ.

- Chúng ta cũng dành những tình cảm quý trọng cho các bà mẹ, bà vợ đã đồng hành, động viên khích lệ chồng con tham gia cống hiến cho dòng họ.

PHẦN THỨ HAI
PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CỦA
HỘI ĐỒNG HỌ PHÙNG VIỆT NAM KHÓA II (2023-2028)

5 năm tới, chúng ta hình dung một bức tranh rất tốt đẹp về sự phát triển của đất nước, nó là cơ sở thuận lợi cho hoạt động của dòng họ Phùng chúng ta. Song, cũng nhìn nhận một cách thực tế khách quan là mâu thuẫn quốc tế, khu vực, những khó khăn phát sinh của đất nước hiện nay để có nỗ lực, quyết tâm hơn trong việc kết nối và xây dựng dòng họ ngày càng bền chặt. Muốn vậy, chúng ta cần tập trung làm tốt 1 số việc sau đây:

1. Tiếp tục tôn vinh các danh nhân, danh thần, danh tướng, những người có công làm rạng danh cho dòng họ, cho quê hương, đất nước, tìm hiểu tư liệu, tài liệu, tổ chức hội thảo làm cơ sở khoa học, tiến tới xây dựng Phả hệ của họ Phùng Việt Nam.

2. Củng cố và phát triển việc kết nối dòng họ trong từng vùng, từng khu vực theo mô hình 3 cấp (huyện, tỉnh, Trung ương) như mô hình tỉnh Vĩnh Phúc đang làm.

3. Thực hiện tốt công tác khuyến học trong dòng họ, tổ chức thực hiện cụ thể do các chi họ. Hội đồng sẽ vinh danh những người có học vị tiến sĩ tại mỗi kỳ Đại hội.

4. Động viên các chi họ trùng tu, tôn tạo phát triển nơi thờ tự, phấn đấu trong nhiệm kỳ có từ 5 đến 7 chi họ được làm mới.

5. Xây dựng Câu lạc bộ Doanh nhân của họ Phùng Việt Nam với mục đích khích lệ, động viên, giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh lớn mạnh, vừa để hội nhập và phát triển trong nước và quốc tế, vừa góp phần xây dựng cho quê hương, đất nước, đồng thời hỗ trợ cho dòng họ hoạt động.

6. Công tác tuyên truyền; duy trì trang web của dòng họ để thông tin các hoạt động, nêu gương người tốt việc tốt của dòng họ.

7. Công tác thi đua khen thưởng duy trì các hình thức khen thưởng như hiện nay.

8. Về Quỹ hội: Các chi họ, Hội đồng mỗi cấp tự chủ về tài chính. Hội đồng họ Phùng Việt nam xây dựng và duy trì quỹ từ 10 tỷ trở lên (từ hội phí của các chi họ đóng góp theo qui định và tự nguyện từ các cá nhân, các nhà hảo tâm). Để thực hiện được những nhiệm vụ nêu trên, Hội đồng kêu gọi con em trong dòng tộc đoàn kết, tin tưởng, trách nhiệm luôn nêu cao tính tự giác, tự hào, tự trọng của dòng họ, xứng đáng với các tấm gương tiêu biểu của bậc tiền nhân. Không lợi dụng tổ chức của họ để hoạt động sai mục đích như nói xấu Đảng, chế độ, chia rẽ khối đoàn kết của dòng họ, không trục lợi cho các cá nhân và gia đình. Hội đồng tin tưởng với kinh nghiệm đã tích lũy được trong những năm vừa qua, những thành tích đã đạt được, chúng ta sẽ xây dựng dòng họ Phùng bền chặt, vững mạnh. Chúng ta nguyện đoàn kết cùng với các dòng họ trong cả nước phấn dấu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như tinh thần Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra.

Sau đây là một số hình ảnh:











































Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật tin bài và phóng sự ảnh trong các bài viết sau.