(Thứ tư, 26/07/2023, 02:44 GMT+7)

Thạc sĩ PHÙNG VĂN LỰC
Thành viên Hội đồng họ Phùng Việt Nam

Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Giải phóng miền Nam Việt Nam, là một trong mười sáu vị Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Phùng Quang Thanh trưởng thành từ Binh nhì phấn đấu trở thành Đại tướng trong sự trưởng thành chung của quân đội ta. Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với nhiều sự kiện, dấu mốc lớn của quân đội và đất nước. Ông là anh hùng quân đội nhân dân đồng thời cũng là một thương binh. Nhân Kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/7, chúng tôi giới thiệu bài viết của Thạc sĩ Phùng Văn Lực về ông.

 

Thật vinh dự và đầy tự hào khi tôi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất địa linh nhân kiệt Sơn Tây, Ba Vì, Hà Nội. Nơi đây có truyền thuyết về Tản Viên Sơn Thánh, một đất hai vua lừng danh sử Việt là Phùng Hưng - Ngô Quyền và cũng chính nơi đây là nơi yên nghỉ của Cụ Phùng Tá Chu - Thái Phó hai triều Lý - Trần tại Đền Cao, Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội.

Tôi nhớ như in vào ngày mùng 8 tháng Giêng năm Kỷ Hợi 2019 - ngày giỗ đức vua Phùng Hưng, vào chiều tối ngày mùng 7, Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam điện cho tôi và nói: “Ngày mai có Đại tướng Phùng Quang Thanh và phu nhân Nguyễn Thị Bích Lộc lên Đền Cụ Phùng Hưng thắp hương. Chú trong Ban Tổ chức Lễ hội chuẩn bị nhé”. Sau khi nhận được tin, tôi cùng mọi người trong Ban Tổ chức Lễ hội rất phấn khởi, ai cũng nhận rõ trách nhiệm của mình. Hôm sau, tiết trời còn lạnh nhưng không ai bảo ai, mọi người đều đến sớm, hết lòng chuẩn bị.

Vào hồi 8 giờ 30 phút, Ban Tổ chức báo anh Thanh đến rồi, tôi nhanh chóng ra đón anh. Năm ấy, sức khỏe anh còn rất tốt. Tôi ấn tượng cái bắt tay ấm áp và nụ cười phúc hậu của anh. Dáng người anh cao lớn, khuôn mặt nghiêm nghị nhưng vẫn giữ vẻ hiền từ, bình tĩnh, ôn hòa. Anh khiêm tốn cúi người chào hỏi các cụ, bắt tay thăm hỏi mọi người trong dòng họ cũng như chính quyền và nhân dân tham dự buổi Lễ, Ban Tổ chức rồi vào thắp hương Cụ Phùng Hưng.

Sau khi thăm khuôn viên thờ phụng, anh động viên Ban Tổ chức trông nom, gìn giữ, tôn tạo cho sạch đẹp trang nghiêm, xứng đáng với danh xưng Phùng Hưng - vị vua, vị Anh hùng dân tộc. Anh cũng không quên động viên bà con trong dòng họ gìn giữ tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng để xây dựng dòng tộc cũng như xây dựng tinh thần kết nối tại địa phương. Mọi người rất xúc động, lắng nghe, ghi nhớ lời anh dặn rồi tiễn anh ra xe. Tôi tiếp tục đưa Đại tướng và phu nhân lên khu vực Đền Cao (Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) - nơi an nghỉ của Cụ Phùng Tá Chu - Thái phó hai triều Lý - Trần, vị công thần được vua Trần Thánh Tông phong “Hưng Nhân Đại Vương” duy nhất trong lịch sử Việt Nam. Chức danh này được phong khi Cụ còn sống, là niềm vinh hạnh cho các con cháu dòng họ Phùng trên mọi miền Tổ quốc.

Khi lên Lăng thờ Cụ Phùng Tá Chu, tôi cảm nhận được ánh mắt trầm sắc và nghiêm nghị nhà binh của anh. Anh nhìn khắp một lượt, hết lòng khen ngợi, vị thế này đẹp quá, thế đất rất phong thủy. Bước lên Đền thờ Cụ, làm lễ xong, anh bước ra sân bắt tay từng cụ già, ân cần hỏi thăm, động viên mọi người và tỏ lòng rằng: “Nơi đây thờ phụng Cụ Phùng Tá Chu vừa uy nghiêm nhưng vẫn mộc mạc, giữ gìn bản sắc dân tộc, Ban Xây dựng cố gắng tôn tạo Lăng mộ cho xứng tầm với công trạng của Cụ, mà các vị vua các triều đại đã phong tặng”. Tôi vẫn nhớ trên đường về, được cùng anh trò chuyện đôi điều, anh hỏi: “Vùng này dân có đông không? Đời sống có ổn định, khá giả hay không? Họ Phùng có nhiều và có đoàn kết không? Chú có ở gần vùng này không? Công ty của chú làm ăn có phát triển không? Có nhiều công nhân không?” Tôi đáp lời từng câu hỏi và mời anh ghé thăm công ty gần đấy. Anh nhận lời đồng ý thăm mô hình sản xuất kinh doanh. Anh khuyên tôi nếu muốn phát triển phải tính chiến lược ổn định lâu dài, quan tâm tới đời sống, tâm tư của cán bộ công nhân viên, và đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động để họ gắn kết với mình thì mới bền vững được. Tôi thực sự thấu hiểu lời dạy của anh. Tuy chỉ hơn 2 tiếng gần gũi, nhưng tôi có dịp để hiểu và cảm nhận rõ ràng về anh - một vị tướng tài ba nhưng giản dị, mộc mạc giữa đời thường. Anh am hiểu cách đối nhân xử thế trong cả môi trường kinh doanh. Anh khuyến khích động viên các lớp trẻ giữ vững tinh thần đoàn kết để xây dựng quê hương nơi cội nguồn của dòng họ.

Hôm nay, khi tôi viết những trang này, tiếc thay, anh đã không còn nữa.

Anh đã đi xa trong một buổi sáng đầu thu 11/9/2021, Hà Nội trở gió, tiếng mưa còn rả rích trước hiên nhà. Dù biết trước tình bình sức khỏe của anh nhưng lòng tôi không khỏi hụt hẫng. Ngày anh ra đi, người tuôn nước mắt, trời tuôn mưa. Những ký ức và lời căn dặn của anh mãi mãi còn trong tâm trí tôi. Nhớ mãi về anh Phùng Quang Thanh, vị Đại tướng mẫu mực tài ba, người con họ Phùng có tư tưởng lớn về sự khiêm tốn, mộc mạc, giản dị, giàu tình yêu thương trong dòng họ. Tôi nguyện phấn đấu hết lòng, thực hiện những điều anh dặn, cố gắng dựng xây quê hương, dòng họ.

Đêm đã về khuya, chiếc đồng hồ hiệu ODO 36 gióng lên tiếng chuông dài. Ngoài trời kia im ắng đến lạ thường, chỉ nghe thấy loáng thoáng những tiếng lá rơi xào xạc. Cơn gió mùa thu se quyện cùng hương ổi phả vào không gian làm lòng tôi bồi hồi nhớ lại những ký ức “thơm ngát” về anh. Anh đã làm rạng danh dòng họ Phùng, quê hương nơi được coi như cội nguồn dấu tích họ Phùng. Anh là hiện thân của nhân cách cao đẹp - anh bộ đội Cụ Hồ - nhân cách Phùng Quang Thanh.

Vĩnh biệt anh - vị Đại tướng dân tộc, vị anh hùng ái quốc - thương dân, nhân hậu, tài ba - Phùng Quang Thanh.

Sau đây là một số hình ảnh: