(Thứ bảy, 03/06/2023, 04:12 GMT+7)
Đầu thế kỷ thứ XVIII, dòng họ Phùng Văn nổi danh khai phát về khoa bảng khi 2 chú cháu cùng đỗ nhất, nhì tại khoa thi hương, hay người cha nuôi dạy 12 con thành danh và 2 cha con được vua ban cùng vinh quy bái tổ khi người con đỗ tiến sĩ.
 
Dòng họ Phùng Văn là một trong những dòng họ danh giá ở làng Vĩnh Mỗ xưa (nay thuộc thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc). Đây là dòng họ có 2 chú cháu cùng đỗ nhất, nhì trong khoa thi hương. Dòng họ này còn nổi danh với câu chuyện về một người cha nuôi dạy 12 người con đỗ đạt, đóng góp cho đất nước trong cả ngạch quan văn và quan võ. Người cha ấy chính là vị quan tri phủ Tán trị Thừa chánh sứ Tư hữu Tham nghị Phùng Khoa Hân.
 

Từ đường họ Phùng Văn tại thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, nơi thờ tự danh nhân Phùng Khoa Hân, thủy tổ chi tộc Phùng Văn Vĩnh Mỗ
 
Theo gia phả và những tư liệu lịch sử, cụ Phùng Khoa Hân, người được coi là Thủy tổ họ Phùng ở chi tộc Vĩnh Mỗ sinh năm Kỷ Dậu 1669 tại làng Ốc Trù, Hội Hạ (ngày nay thuộc xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc). Phùng Khoa Hân có tên húy là Hân, tên chữ là Thiệu Toản, tên hiệu là Thận Trai. Năm 26 tuổi thi hương đỗ Tứ Tràng, năm 30 tuổi đỗ Tam Tràng trong khoa thi hội.
 
Theo ông Phùng Khánh Chuông, chủ tịch Hội đồng họ Phùng thị trấn Yên Lạc, sau khi đỗ đạt, Phùng Khoa Hân được bổ nhiều chức quan: “Cụ Phùng Khoa Hân, cụ thủy tổ của chúng tôi ở thị trấn Yên Lạc khi sinh ra cụ ở Hội Hạ, đến khi trưởng thành cụ lập nghiệp ở Yên Lạc và đồng thời làm quan từ tri huyện, tri phủ đến chức Tán Trị Thừa Chánh sứ Tư Hữu Tham Nghị (thường gọi là quan Tham Nghị) - Ông Phùng Khánh Chuông nói.
 

Ông Phùng Khánh Chuông, Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Văn thị trấn Yên Lạc trò chuyện cùng phóng viên VOV2
 
Với các chức quan được triều đình giao phó, Phùng Khoa Hân gắn bó và sinh cơ lập nghiệp tại làng Vĩnh Mỗ (thị trấn Yên Lạc ngày nay). Vốn sinh ra trong gia đình túc nho chân chính, nghĩa khí thấm đậm tâm can nên dù ở cương vị chức sắc nào, cụ cũng giữ lòng hiếu trung sắt son. Không những cần mẫn trong việc giúp nước an dân, quan Tham Nghị Phùng Khoa Hân còn chuyên tâm dạy dỗ cháu con, vun đắp nền nếp gia phong, duy trì kỷ cương của tôn tộc. Ông Phùng Khánh Chuông cho biết, quan Tham Nghị sinh được 12 người con trai đều được dưỡng dục thành tài.
 

Chi tộc Phùng Văn thị trấn Yên Lạc còn lưu giữ được cuốn gia phả cổ
 
Có một câu chuyện đặc biệt nữa dưới triều vua Lê Dụ Tông ( trị vì từ 1705-1729) mà trong sách “Lịch triều hiến chư­ơng loại chí” của sử gia Phan Huy Chú có ghi: "Triều đại vua Lê Dụ Tông kỷ cương vững vàng hoàn bí, đất nư­ớc t­ương đối thái bình, các hình phạt bị giảm nhẹ, việc ban khen được chú ý”. Do đó, khi người con trưởng của quan Tham Nghị Phùng Khoa Hân tên là Phùng Bá Kỳ đỗ Đệ Tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân ở tuổi 21, trẻ nhất khoa thi năm Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 11 (tức năm 1715), lại biết thầy dạy chính là người cha, quan Tham Nghị Phùng Khoa Hân, vua Lê Dụ Tông liền ban sắc khen. Trong đó có đoạn:
 
Đế vị: Giáo tử đăng khoa ưng long quốc sủng
 
Nghĩa là: Vua bảo: Dạy con đỗ đại khoa đáng được nhà nước khen ngợi.
 
Đồng thời cho phép 2 cha con cùng vinh quy bái tổ.
 
Đây là trường hợp hiếm có trong lịch sử khoa bảng, trước đó vào cuối thể kỷ 16, năm 1592 có 2 cha con Ngô Trí Tri - Ngô Trí Hòa thuộc dòng họ “ngũ đại liên trúng” (tức 5 đời liên tiếp đỗ đại khoa) ở Diễn Châu, Nghệ An cùng đăng khoa Tiến sĩ và cùng vinh quy bái tổ. Có lẽ, trường hợp quan Tham Nghị Phùng Khoa Hân được cùng vinh quy bái tổ khi con đỗ đạt là trường hợp duy nhất trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến nước ta.
 
Điều đáng nói hơn cả, cùng với con trưởng Phùng Bá Kỳ, những người con khác của cụ Phùng Khoa Hân cũng đều thành danh và có công với dân với nước. Cụ thể: Con trưởng Phùng Bá Kỳ, Tiến sĩ, Giám sát Ngự sử, sau thăng tới chức Đông Các Đại học sĩ. Phùng Khoa Xưởng, quan viên tử, tiền hậu vệ; Phùng Năng Kính, tước bá; Phùng Đĩnh Lập, tri huyện Thúy Vân; Phùng Thế Oánh, quan chánh vô úy; Phùng Khoa Chủng, tri huyện Trung Thuận; Phùng Du Thảo; Phùng Đôn Nghĩa, tri huyện liêm binh, tước bá; Phùng Khuông Lục, tước hầu; Phùng Dong Oánh, chức Đô Chỉ huy sứ, sau truy tặng tước Quận công Oánh Trung hầu; Phùng Trung Tín, thị nội mật sát trung úy hầu; Phùng Tôn Dục, quan viên tử.
 

Bên trong từ đường còn lưu giữ được những bức đại tự, câu đối
 
Cùng với việc dạy dỗ các con, quan Tham Nghị Phùng Khoa Hân rất chú trọng đến giáo dưỡng dòng tộc. Cụ đã lập 2 bia đá mang tên “Tham Nghị Quan huấn giới tử tôn bi”, nghĩa là: Bia dạy dỗ con cháu của quan Tham Nghị, một bia để ở từ đường xã Vĩnh Mỗ, một bia đặt ở Hội Hạ để lưu truyền những lời dạy của mình cho con cháu. Hiện nay 2 bia vẫn còn, được hậu duệ trùng tu khôi phục rõ nét.
 
“Tính từ Cụ Tham đến tôi thì tôi là đời thứ 10, Cụ cách thế hệ chúng tôi hơn 300 năm rồi nhưng qua các tài liệu lưu trữ, chúng tôi rất tự hào và khâm phục cụ. Cụ đã để lại hai bia đá ở hai nơi: quê gốc và quê mới là Minh Tân, nay là thị trấn Yên Lạc. Trong bia đá cụ dạy con cháu rất nhiều điều, trong đó tôi thấy rất tâm đắc điều cụ nói là: con cháu ta phải nhớ quê hương gốc và kể trong 9 đời phải coi nhau như người trong một nhà. Làm quan thì phải cẩn trọng, thanh liêm, không được tham nhũng. Làm chồng thì không được nghe lời xúc xiểm của vợ để hại tình ruột thịt và không được chè chén say sưa để hỏng việc. Tôi thấy đến ngày nay vẫn còn có giá trị rất thiết thực”. Ông Phùng Đức Nhã chia sẻ.
 

Bia dạy con cháu của quan Tham Nghị Phùng Khoa Hân tại từ đường họ Phùng Văn ở thị trấn Yên Lạc
 
Trải qua bao đời, qua bao năm tháng cùng những biến cố thăng trầm của đất nước, nhiều tư liệu phả tộc đã mất nhưng bia đá vẫn còn để lại những cứ liệu vô cùng quý giá để cháu con tin tưởng, thấu hiểu công đức, sự nghiệp của tổ tiên. Một đời thanh liêm chính trực, ngày 25/2 âm lịch năm 1740, quan Tham Nghị Phùng Khoa Hân qua đời, hưởng thọ 72 tuổi.
 
Hàng năm, vào ngày này, con cháu họ Phùng Văn ở Hội Hạ và Vĩnh Mỗ lại tề tựu tại từ đường của dòng họ để thành kính dâng hương tưởng nhớ tổ tiên. Tại nhà thờ họ Phùng Văn ở thị trấn Yên Lạc ngày nay cũng còn lưu giữ được một số sắc phong, các bức đại tự, câu đối thể hiện công lao dấu tích của các bậc tiền nhân xưa.
 
Với những đóng góp của mình cho sự nghiệp khoa bảng, quan Tham Nghị Phùng Khoa Hân xứng đáng được hậu thế tôn ngưỡng và biết ơn. Nhà thờ họ Phùng Văn, nơi thờ tự quan Tham Nghị Phùng Khoa Hân tại thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh vào tháng 2 năm 2015.
 

Một cuốn gia phả khác của dòng họ Phùng Văn
 
Bên cạnh đó, ngày nay tại thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc còn nhiều dấu tích minh chứng về dòng họ Phùng Văn nổi danh cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18 như nhà thờ thủy tổ họ Phùng Văn, bia đá “Tham Nghị quan huấn giới tử tôn bi” ở thôn Đông, đền thờ danh nhân Phùng Dong Oánh thị trấn Yên Lạc.
 
Hơn nữa, tên tuổi của 2 trong số 12 con của vị quan đặc biệt này là Phùng Bá Kỳ và Phùng Dong Oánh được đặt tên cho các đường phố ở TP Vĩnh Yên và thị trấn Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Những dấu tích đó tôn thêm niềm tự hào và lòng biết ơn của con cháu họ Phùng Văn đối với các bậc tiền nhân.
 
Con cháu họ Phùng ngày nay luôn ghi nhớ và tuân theo lời răn dạy của cha ông thuở trước, trong đó nhiều người đỗ đạt là Tiến sĩ, Thạc sỹ, kỹ sư, cử nhân, hàng năm trao phần thưởng cho hàng trăm cháu đạt thành tích cao trong học tập… để nối dài thêm truyền thống khoa bảng của dòng họ Phùng Văn.
 
Theo Thu Hà / VOV2