(Thứ ba, 13/08/2024, 03:34 GMT+7)

Do công việc và tính cách cá nhân, tôi thường được gặp gỡ và làm việc với đạo diễn - NSND - Đại tá Lê Thi, một trong những đạo diễn nổi trội của Điện ảnh Quân đội nhân dân. Ông năm nay đã tròn 80 tuổi nhưng vẫn còn rất nhanh nhẹn và sức vóc.

Tôi từng viết kịch bản phim tài liệu cho Điện ảnh Quân đội nhân dân và rất mừng khi biết phim đó ông làm đạo diễn. Đó là phim Người cận vệ của Bác Hồ về Thượng tướng Phùng Thế Tài - Nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Rất kì lạ là ông chủ động tìm gặp tôi để trao đổi về kịch bản tôi sẽ viết. Tôi mừng như bắt được vàng bởi mình còn non yếu mọi mặt, nhất là khoảng cách từ một phóng viên truyền hình với lên tầm biên kịch điện ảnh, nếu không có thầy cầm chắc sẽ thất bại. Lê Thi chính là ông thầy của tôi trong biên kịch phim tài liệu. Tôi viết văn quen thói lùa thùa, dây cà dây muống, nói như Lê Lựu: “Cậu viết chán bỏ mẹ, lằng nhà lằng nhằng, may còn có chút văn chứ không thì về quê Hưng Yên cày ruộng hoặc ra cầu Long Biên đánh giày cho đỡ rách việc”.


Đạo diễn Lê Thi

Tôi không dám cãi thầy Lê Lựu, càng không dám trưng ra bằng cớ những trang văn của Lê Lựu còn luộm thuộm hơn nhiều. Có trang vài chục dòng không hề chấm phẩy. Các biên tập viên Nhà xuất bản in sách của Lê Lựu rất mệt. Khi mệt quá để mặc kệ Lê Lựu chính ông cũng không biết chấm phẩy ra sao nữa.

Đạo diễn Lê Thi hoàn toàn khác hẳn.

May mà kịch bản Người cận vệ của Bác Hồ đến tay ông từ sớm được ông góp ý, thậm chí cầm tay chỉ việc mới có hình hài rõ nét nếu không chưa biết sẽ ra sao. Từng là một quay phim lừng danh ở chiến trường, Lê Thi dường như thuộc tất cả các thước phim chiến trận trong kho tư liệu. Bởi vậy ông đã chỉ rõ cho tôi chi tiết này phải đưa vào kịch bản, trường đoạn kia đã có hình các cuộc họp chuẩn bị đánh B52, các vị tướng xuống trận địa kiểm tra... đã cho tôi một cái nhìn khác hẳn về biên kịch điện ảnh. Là một đạo diễn có tên tuổi, ông hoàn toàn có thể chọn một cách làm việc khác, thậm chí thẳng thừng gạch bỏ, thay đổi các chi tiết theo ý mình, song Lê Thi đã không làm như vậy. Ông trao đổi kĩ lưỡng từng trường đoạn, thậm chí từng câu văn với biên kịch tuổi tác sau ông cả thế hệ một cách chân thành, gần gũi và rất trọng thị. Chúng tôi khâm phục ông về nghề càng quý trọng ông về nhân cách vì như thế.

Lê Thi là một trong những người may mắn trở về từ chiến trường đạn bom khốc liệt và say nghề đến ngưỡng U80 hôm nay luôn khiến chúng tôi luôn phải tự nhìn lại mình trong công việc và cuộc sống thường ngày. Dường như những người chiến sĩ trong đó có văn nghệ sĩ từ nơi sinh tử trở về đều có cách ứng xử với cuộc sống như thế chăng? Những đồng đội đã hi sinh không trở về đã khiến các ông phải sống tốt hơn, sống thay phần đời những người đã khuất? Các ông đã trả lời bằng những việc làm cụ thể, những tháng ngày sống có ích nhất. Đó là những cống hiến lặng thầm của thế hệ văn nghệ sĩ chống Mỹ trong đó có đạo diễn Lê Thi.

Tôi nhớ có một lần, Lê Thi dắt tôi lên gian thờ các liệt sĩ của Điện ảnh Quân đội nhân dân. Lê Thi run run châm hương cắm trước di ảnh các liệt sĩ. Tôi thấy đôi vai gầy nhỏ của ông như sút xuống, cứ thế rung nhẹ rất lâu. Lê Thi khóc! Tôi chừng như nước mắt cũng đã rỉ ra tự lúc nào. Gia đình tôi cũng có nhiều liệt sĩ. Hai chú tôi là Phùng Văn Hữu, Phùng Văn Huy hi sinh ở mặt trận phía Nam khi mới vừa tròn 20 tuổi. Các chú đều chưa biết đến một lần yêu.

Không thể hình dung cuộc chiến tranh chống Mĩ của dân tộc ta thiếu đi những người lính của Điện ảnh Quân đội nhân dân. Càng không thể hình dung nền Điện ảnh cách mạng Việt Nam hơn nửa thế kỉ vắng bóng những người nghệ sĩ - chiến sĩ. Từ hàng triệu thước phim đã phải trả bằng máu, nối nhau hiện ra những năm tháng hào hùng, chiến đấu và hi sinh, suy tư và day dứt, những trăn trở, những bước ngoặt, những khát khao hòa bình, độc lập - tự do - thống nhất của một dân tộc luôn ở trên tuyến đầu đấu tranh giữ gìn phẩm chất tốt đẹp nhất, tiến bộ nhất của loài người. Từ những thước phim ấy, người xem trong nước và nước ngoài nhận ra vẻ đẹp của con người Việt Nam. Từ những thước phim ấy, vẻ đẹp của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đụng đầu lịch sử đã hiện lên chân thực, sinh động và xúc động đã đánh thức hàng triệu trái tim khắp toàn cầu. Đó là những thước phim được sinh ra trong lòng cuộc chiến đấu, được ghi lại bởi những người vừa cầm súng vừa cầm máy ngay tại chiến hào.

Đạo diễn Lê Thi sinh năm 1944 tại xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Từ tấm bé, Lê Thi đã vô cùng chăm chỉ và rất có năng khiếu âm nhạc. Năm 1962 Lê Thi tốt nghiệp trường âm nhạc Việt Nam và làm việc tại Sở Văn hóa Hà Nội. Lê Thi còn có một đam mê khác đó là quay phim và ông đã quyết tâm theo học thêm ngành này để từ đó phim ảnh gắn chặt với ông tới tận hôm nay. Năm 1966 Lê Thi nhập  ngũ làm chân quay phim cho Điện ảnh Quân đội nhân dân. Đó là những tháng ngày không thể nào quên với chàng trai Lê Thi tuổi đôi mươi mang trên minh bộ quân phục và khát vọng được thể hiện những thước phim về chiến tranh bằng tất cả tâm huyết của người chiến sĩ. Đối với các văn nghệ sĩ trong chiến tranh chống Mỹ thì nghề quay phim là nghề nguy hiểm nhất bởi anh phải chĩa máy hướng thẳng vào nơi ác liệt nhất, chỗ máy bay đang bổ nhào thẳng đến trút bom, nơi trận đánh đang diễn ra hết sức ác liệt và đương nhiên hứng vào mình bom đạn. Đã có rất nhiều chiến sĩ quay phim Điện ảnh Quân đội nhân dân hi sinh giữa các trận đánh như thế.

Lê Thi là một trong những quay phim có mặt và quay những thước phim quý giá trong Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không mùa đông năm 1972. Mùa đông ấy, Thủ đô Hà Nội đã phải hứng chịu những trận bom dải thảm của B52 vô cùng khốc liệt. Phố Khâm Thiên, bệnh viện Bạch Mai, từng căn nhà, góc phố, phòng bệnh viện nơi Thủ đô yêu quý của chúng ta đã bị bom đạn quân thù trút xuống gây tội ác khiến loài người phẫn nộ. Lửa cháy đỏ rừng rực khắp nơi. Những con rồng lửa Thăng Long từ các trận địa vút lên trời truy kích và vít cổ pháo đài bay B52 Mỹ phải đền tội ngay tại Thủ đô Hà Nội. Chàng quay phim trẻ Lê Thi đã cùng với các đồng đội ngay trong lúc bom đạn ác liệt nhất ghi lại những thước phim cũng là những chứng tích lịch sử để tố cáo tội ác của kẻ thù. Không ít lúc, nước mắt người chiến sĩ Lê Thi đã rơi ra trước hi sinh mất mát của đồng bào ruột thịt. Người chiến sĩ Lê Thi đã dồn sự căm hờn của mình vào từng thước phim sau này đã được dựng lại, trình chiếu và mãi mãi trở thành nguồn tư liệu quý đến hôm nay.


Nhà văn Phùng Văn Khai cùng các nhà văn, nhà thơ tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Mãi sau này, tôi mới hiểu ra rằng, khi thực hiện phim Người cận vệ của Bác Hồ, Lê Thi đã có sẵn chủ ý từ lâu, ông đã ấp ủ từ lâu, tượng hình từ lâu vẻ đẹp của người chiến sĩ trong đó có người chiến sĩ - Thượng tướng Phùng Thế Tài với Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trên không năm 1972. Khi đó, Phùng Thế Tài là một trong những chỉ huy xuất sắc của Chiến dịch.

Tôi càng bất ngờ hơn khi được biết đạo diễn Lê Thi rất thân thiết với gia đình Thượng tướng Phùng Thế Tài. Ông rất thuộc vị tướng họ Phùng nhiều chiến công nhưng cũng đầy cá tính với nhiều giai thoại. Khi giúp tôi thực hiện kịch bản bộ phim, Lê Thi từng nói: “Làm phim tài liệu phải xác định sự khách quan, sự khoa học lịch sử nằm trong tổng thể chung chứ không phải để tôn vinh riêng một cá nhân, một con người cụ thể. Phim tài liệu càng không được dựa vào giai thoại hoặc những câu chuyện truyền miệng mà phải là những chi tiết trung thực, những dữ kiện đã diễn ra, đã được ghi lại bằng sử sách”.

Tôi như một cậu học trò nhỏ của Đạo diễn Lê Thi trong trường đời cũng như trường văn trận bút. Ông thậm chí còn gỡ rối cho tôi ở những chi tiết cảm tính của nhà văn đã đưa vào phim mà những người thiếu thiện chí đã xét nét và suy diễn. Những lúc như thế, tôi vô cùng xúc động và học hỏi được ở ông sự điềm tĩnh, biết lắng nghe và ứng xử thấu lý đạt tình. Đó cũng là nét cá tính rất đáng quý của đạo diễn Lê Thi.

Đạo diễn Lê Thi, với chúng tôi ông đích thực là lớp người đi trước không chỉ đáng kính trọng về nghề mà còn là cây cầu nối, cái gạch nối để chúng tôi bước về phía trước đường hoàng hơn, mạnh mẽ hơn trong nghiệp văn bút của mình. Kể từ lúc tôi nhìn thấy, cảm nhận được giọt nước mắt của Lê Thị trong gian thờ các liệt sĩ Điện ảnh Quân đội nhân dân tôi đã hiểu sâu hơn về điều đó.
 

Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI