Điêu khắc gia Điềm Phùng Thị (Phùng Thị Cúc)
ĐIỀM PHÙNG THỊ, “NHÀ NHO” TÀI NĂNG
Giáo sư Mady Ménier
Dành cho tác giả bài viết ngắn ngủi này niềm vinh dự và tình bạn thân thiết, Điềm Phùng Thị, người bạn kín đáo của chúng ta có lưu ý, chị để tâm nhiều đến hình ảnh thường được dùng để nói về chị là chiếc cầu nối phương Đông và phương Tây. Đúng ra, về thực chất, về bản thể, con người và tác phẩm của chị đã đủ tính nhân văn để trở thành phổ biến. Và chỉ thế thôi, cái cá biệt, cái không-có-gì-giống-thế đã vươn tới tầm vóc phổ biến; và người nghệ sĩ, như Courbet đã nói, chị là nghệ sĩ đối với mọi người khi đứng ở “mảnh đất của mình”. Mảnh đất Huế, đất vua, quí phái, tuyệt vời, nay đã được đưa vào di sản của nhân loại, Điềm Phùng Thị, công dân thế giới, có thể rời xa rồi trở về nhưng không hề chia cắt với mảnh đất này.
Là đứa con của thành phố trí tuệ ấy, có thiếu nữ Phùng Thị Cúc, tân thời, thông minh, ưa hoạt động, theo học bậc Đại học ở một ngành đòi hỏi sự chính xác, kỹ thuật và thẩm mỹ, nghề nha khoa mà cô nghĩ có thể hành nghề trên đất nước mình. Nhưng số phận lại định đoạt khác hẳn. Bị bệnh nặng, cô phải qua Pháp trị bệnh nhưng không gián đoạn học tập, càng không hề quên đi chính mình. Một thành viên Ban giám khảo luận án (Pháp) đã cấp bằng bác sĩ nha khoa cho cô vẫn nhớ mãi một kỷ niệm duyên dáng về việc cô ca ngợi những hàm răng đen, với tư cách vừa là thầy thuốc vừa là nhà thẩm mỹ, hàm răng đen có tác dụng ngừa sâu răng hiệu quả, lại là kiểu trang sức hiếm có: hàm răng đen ghép đôi hài hòa với đôi mắt nâu sậm, trên khuôn mặt ửng màu hồng - trà của người phụ nữ Việt Nam.
Cha và con (nhôm)
Một cảm quan thẩm mỹ như vậy chỉ có thể tìm được ở một biểu hiện nghệ thuật hơn là nha khoa, ít ra là nha khoa châu Âu, nghề của Điềm Phùng Thị ở Paris khi cô kết hôn và định cư ở đây với một người bạn thuở thiếu thời. Người thiếu phụ trẻ tưởng chỉ tìm sự thư giãn khi bắt đầu với nghệ thuật gốm. Không phải tính đặc thù của kỹ thuật gốm làm chị say mê, nhưng chị đã khám phá ra khả năng tạo hình không nghi ngờ gì của chính mình. Ở buổi ban đầu của tài năng, chị nặn đất sét thành những hình tượng phụ nữ rất phong phú. Thần Vệ nữ (1960), Đàn bà nằm vắt mây (1962), Người đàn bà ngồi xổm (1963)... là những thiên thần - mẹ với chất lượng hoàn hảo. Chị làm nghệ thuật tạo hình theo năng khiếu, nhưng chị khiêm tốn cho rằng đó là một nghề, và hễ là nghề thì có thể học được. Vận may, hay đúng hơn một phán đoán xác đáng đã đưa chị đến với Volti, cũng là người nước ngoài (ở Pháp) như chị và đã chịu một tai họa ghê gớm: trải qua 7 năm trong quân ngũ, ông trở về sau chiến tranh và thấy xưởng của ông bị bom san bằng, tác phẩm của ông bị tiêu hủy hoàn toàn. Điềm Phùng Thị bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật bên cạnh con người đang làm lại từ đầu ấy.
Em bé (đất nung)
Chị học tập ở nhà điêu khắc chuyên nghiệp ấy, và trong một thời gian, chị tự nhận thức được mối đồng cảm thẩm mỹ đối với sự hài hòa của thân thể người phụ nữ, đề tài duy nhất của ông ấy; nhưng sẽ rất sai nếu muốn tìm từ đó một ảnh hưởng nào đối với chị. Điềm Phùng Thị có thể có mối liên hệ bền chặt với một người bạn thân, một giáo sư; nhưng chị không có ai là thầy. Những khía cạnh khác nhau của cảm hứng, và nghề điêu khắc của chị nói chung, không phải nhờ vào một ai. Từ tác phẩm Em gái nhỏ Pháp (mà chị luôn giữ ở nhà), hình ảnh về một cái gì tươi mát, rất tinh tế của một thời đại, một giai kỳ, một địa điểm, một phân tầng xã hội, cho đến pho tượng Phật tổ (1966 - gỗ chạm 1,50m) đường bệ, không vay mượn từ bất cứ hình mẫu nào, tất cả đều là của chị. Lần đầu tiên, không cầu kỳ chuộng lạ hương xa, một nhà tạc tượng - trong số biết bao nhà tạc tượng khác từ Viễn Đông đến Paris - giành được chỗ đứng cho châu Á ngay ở trong lòng ngành điêu khắc rất hiện đại của Paris. Tác phẩm của một nghệ sĩ bậc thầy và tác phẩm tiên tri. Sự đơn giản hóa cao độ và tinh tế các hình thể hiếm có, tinh khiết, đan xen nhau, đã trực tiếp dự báo rõ rệt đặc điểm sau này của nghệ thuật Điềm Phùng Thị, một phong cách sáng tạo độc đáo, hoàn toàn mới mẻ chỉ có ở chị. Sợi dây Ariane[*] vững chắc về tài hoa đặc biệt đã đưa nhà tạc tượng trẻ, theo cách nói của Goethe, “trở thành chính mình”, qua những kinh nghiệm cực kỳ phong phú. Nghệ thuật của chị cũng nổi bật trong tác phẩm khắc họa gương mặt một con người bẹp dí, cày nát, hằn sẹo, nhăn nheo, theo xu hướng biểu hiện, mà chị đặt tên là Một cuộc đời (1963); về đề tài này nhiều người có lẽ đã xây dựng một phong cách, nhưng ngay từ lúc bắt đầu tạc tượng chân dung chị đã thực hiện thật hoàn hảo. Vẻ đẹp trinh nguyên của tượng Chân dung một người bạn (đất nung - 1961), mắt nhìn xuống, môi cong đáng yêu, tự nó như đã cắt nghĩa được sức quyến rũ của Việt Nam đối với những ai bước đến đất nước này, dù người ấy đến đây với tính cách vũ phu của kẻ đánh thuê tàn bạo. Phát huy tài năng rộng mở của mình, đến năm 1968, Điềm Phùng Thị đã diễn tả với độ chính xác cao tính cách dân tộc trong một tác phẩm thể hiện gương mặt thông minh của Người bạn gái Nam Triều Tiên (đất nung). Thế nhưng cũng chính năm ấy chị cho ra đời tượng “tô tem” nguyên thủy Thần điểu (đẫt nung và gỗ - 1968), ở đó sự kết hợp hiếm có của hai chất liệu, công phu nghệ thuật khắc khổ, sự giảm thiểu đến mức sơ khai nhất, đã cống hiến cho ta vừa nét lạ thường vừa sự tồn tại hiển nhiên của vật tổ. Là phụ nữ, lại là phụ nữ tạc tượng, Điềm Phùng Thị biểu lộ ở đây sự đồng cảm muôn thuở về giới tính của chị đối với cái tối tăm, cái hoang sơ, trong đó tham dự cả dục tính không cần che đậy qua tác phẩm Đợi chờ (1967/1990 - Đất nung), Đàn bà nằm vách mẩy (1963/1990 - Đồng), hoặc nét biểu trưng trong những hình thể trừu tượng hóa nhưng rất truyền cảm của pho tượng Chổng mông (1965 - Đất nung).
Em bé (đất nung)
Tuy nhiên, như Điềm Phùng Thị đã nói một cách rất chân thành, khiêm tốn và tin tưởng, - làm sao có thể gán cho sự may rủi tình cờ, cho tính chắt chiu nữ tính trong việc bếp núc, cái sẽ trở thành sự khám phá ngẫu nhiên về nét có tính đặc trưng nhất của nghệ thuật của chị, cái nó giúp ta nhận diện không do dự một tác phẩm do chính tay chị làm ra? Chị nói chị đã tìm thấy nó khi cúi xuống đất nhặt những mảnh vụn chất liệu mà những bạn đồng nghiệp nam giới ở Trường nghệ thuật trang trí không thèm để ý. Chị làm thế, và chỉ mình chị làm được vì chỉ có chị mới nhìn thấy nó; nhìn thấy đồng thời lại tìm được tính hẫp dẫn của hình thể, tính hoàn hảo bẩm sinh và khả năng tiềm ẩn mà chị cảm nhận được ở nó. Thật ra, có thể chị không nhận biết nó trong khoảnh khắc, mà chính là chị “nhận thức lại” được nó. Những hình thể ấy thuộc về chị. Nếu chị chấp nhận nó chính vì chị nhận ra cái sở hữu của riêng mình và thu nó về cho mình. Chị vươn tới nó, như một sự trở về, nhà tạc tượng cực kỳ khéo léo và tinh tế ấy đã tạo nên những hình người hết sức đơn giản, mà những hình thể đơn giản ấy, từng cái một, với một chút thay đổi có thể trở thành một người ngủ, người cầu nguyện, người gác đêm, người đàn bà nhỏ nhắn đang ngồi, người cục mịch đứng nghiêm...
Phế binh (đồng)
Đấy chính là những hình thể được chế tác theo kinh nghiệm mà chị đã tìm lại được, rất gần gũi, trước chị người ta xem là phế thải, trong dạng trinh nguyên của nó, chưa được ai khai thác. Điềm Phùng Thị, bác học mà giản dị, rất thông minh mà cực kỳ nhạy cảm, đã gạn lọc, sắp xếp, hoàn chỉnh nó theo hướng giảm thiểu tối đa, chọn ra một chục thành tố mà trước đó tưởng như vô nghĩa nhưng dưới bàn tay chị chúng đã mang những ý nghĩa rất phong phú, chúng là những hình thể chứ không phải là những ký hiệu. Ngoài ra, những hình thể ấy không phải “Đẹp” tự thân. Những “mô-đuyn” ấy, như nhà tạc tượng đã sáng tạo và đặt tên cho nó, nên so sánh nó với điều gì? Có phải theo chiều hướng mà lịch sử nghệ thuật gọi đó là sự phát minh, sự khám phá? Chúng không tạo nên một tự vựng bởi chúng vô nghĩa và là kết quả của ngẫu nhiên; nhưng - điều này rất quan trọng, từ hàng nghìn nghìn động tác ngẫu nhiên của nhà tạc tượng, gõ, đẽo, làm bật ra những mảnh hình thể luôn lập lại. Nghệ thuật Điềm Phùng Thị không phải là một ngôn ngữ mà là một tiếng nói trong đó các mô-đuyn không phải là những từ, cũng không phải những âm tố nhưng là một mẫu tự (alphabet), chất liệu trực tiếp của sự vật. Bảng mẫu tự ấy chị đã rút thật gọn những thành tố, từ đó chị mở rộng nó đến vô cùng bằng cách thay đổi kích thước, từ nhỏ nhắn thân thiết đến tầm vóc đường bệ, bằng cách biến đổi nó, tạo hình nó trong những chất liệu rất khác nhau mà đôi khi chị hoán chuyển theo ý thích. Chất nhôm, chất polystirène ở chị đạt đến mức lộng lẫy nghiêm mật và tinh tế không ngờ; nhưng Điềm Phùng Thị cẩn trọng giữ cho gỗ bản chất, sức sống của nó, cũng như với đồng giữ cho nó nét hào quang văn hóa, độ bóng, cả âm vang, thiên hướng về sự trường tồn.
Sự sáng tạo kỳ lạ ấy, vừa giàu về mặt hình thể đồng thời lại rất đơn giản dựng thành tượng, nó đã làm phong phú thêm nghệ thuật Điềm Phùng Thị đặc biệt ở lĩnh vực tượng đài, và tượng đài của chị thì rất nhiều. Có khả năng tạo hình, dễ thích nghi, luôn đổi khác, không giới hạn, mang nhiều ý nghĩa (hoặc không chấp nhận mọi ý nghĩa, hoặc khêu gợi một cách gián tiếp), những tượng đài bằng mô-đuyn của Điềm Phùng Thị làm trẻ con thích thú và có giám khảo nào chắc chắn hơn một đứa trẻ? những tượng đài ấy đã làm điểm tựa cho trí tưởng tượng của trẻ nhỏ. Cho nên chị đã được mời đến cộng tác với nhiều cơ sở giáo dục. Nếu nghệ thuật Điềm Phùng Thị nổi bật trong trò choi của nhiều trẻ nhỏ thì ở Huế tác phẩm Hồ Hân hoan (bê tông 6x3m), trong khu vườn ở Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị số 1 Phan Bội Châu - Huế, pho tượng Mẹ và Con nhắc cho tuổi trẻ, với sự trìu mến vô bờ rằng chiến tranh đã chấm dứt, rằng họ có quyền và có thời gian được trẻ trung. Tuy nhiên, cũng chính những hình tượng ấy, được cấu trúc một cách khác đi, tượng Im lặng lớn (tôn sơn - 1974, cao 3m) trong một nghĩa trang ở Marseille, lại mang chứng tích về sự đơn nhất của con người, về số phận tương tự của tất cả “những người anh em đến sau” (1), về những gì mà mỗi người phải chịu đựng, chấp nhận sự im lặng của cái chết, cái chết của mình và của những người khác.
Về lĩnh vực tạo hình theo nghĩa tổng thể của nó, Marlyse Glikmana đã nói một câu rất hay: “Sẽ hoài công khi tìm cách diễn đạt giá trị biểu trưng sui generis của những hình thể Điềm Phùng Thị vì lẽ sức mạnh khêu gợi của nó, đã được xây dựng và tái xây dựng trong mối đan xen thâm nhập lẫn nhau một cách thường xuyên của những “biến đổi” trong tác phẩm điêu khắc, liên quan hơn mọi cái đến nhân cách, sự nhạy cảm, quá trình đào tạo của mỗi người”(2).
Lô cốt (đồng)
Nói về Điềm Phùng Thị, phải luôn tránh mọi sự xếp loại. Cái có vẻ hiển nhiên nhất lại là cái dễ đánh lừa nhất. Cái đẹp tuyệt vời, mênh mang, bằng bêtông hay bằng đồng, trong không gian đô thị cũng như trong thiên nhiên, cũng là cái hoàn hảo, cái tuyệt diệu nhất trong quí kim, kích thước nhỏ nhắn, khâu nhẫn, vòng cổ vòng tay, kim gài, hoa tai. Những nhà tạc tượng nữ như Điềm Phùng Thị, Alicea Penalba, Catherine Fourniau đều biết làm nữ trang, được giới nữ tán thưởng, ở đó sự giàu sang không có tiếng nói. Đeo nữ trang ấy người phụ nữ có cảm giác là họ nổi bật một cách dịu dàng chỉ trong mắt người yêu mình. Từ sức quyến rũ của những hình thể ấy, như thần Protée[†] có khả năng thay đổi hình thể không bao giờ cạn kiệt mà chị luôn biết tận dụng, Điềm Phùng Thị đã biết cách không để bị tù túng. Đối với cái có thể có nhiều nghĩa hoặc vô nghĩa, đứng trước nhu cầu chứng thực cấp bách, chị đã cho nó có một ý nghĩa rõ rệt, mạnh mẽ. Một hình bán cầu, mũ chụp đầu của một loạt hình thể như nhau, dàng hàng ngang, tập hợp nặng nề như thế, và tiến bước, dọa nạt, uy hiếp, một tốp đông nhưng lại là những kẻ bại trận, những Sen đầm thế giới. Tương tự như vậy, không đứng mà cúi khom người, với ngầm gợi ý về chiếc nón lá, hình thể ấy lại toát ra với niềm trìu mến đầy nghĩa tình công việc đồng áng của người nông dân (Hòa Bình, đi gặt về - 1975). Làm sao quả tim Việt Nam lại không đập cùng một nhịp, lại không muốn cùng chiến đấu?
Điềm Phùng Thị xoay qua xoay lại mọi chất liệu, đưa vào sử dụng cả những vũ khí khủng khiếp - một sỉ nhục của loài người đã được dùng để chống lại Việt Nam. Những dụng cụ sát thương, giết người lại trở thành chất liệu tố cáo tội ác của chính chúng một cách rất thuyết phục, biện minh cho chính nghĩa tự vệ, như trong tượng Lô cốt (1965), Nữ chiến sĩ (1964), Chiến sĩ cụt tay (1964). Những mảnh vụn máy bay B.52, không phải là văn học hiện thực, nhưng được Điềm Phùng Thị tạo cho có một sức mạnh của những chứng tích sống, một cái gì bị cưỡng bức, bị tan hoang, thoáng bóng những hình người, tác phẩm Nhà tôi trong chiến tranh (nhiều tượng, tranh năm 1975). Trực tiếp hơn là tác phẩm Bom bi, thứ vũ khí ghê tởm, được đặt rất thật bên cạnh hình ảnh khắc họa một khuôn mặt đẹp, tái xanh với cặp mắt đỏ ngầu. Mô-đuyn duy nhất mà Điềm Phùng Thị sử dụng là cái trong những tác phẩm khác thường gợi hình ảnh một quả tim, nhưng ở đáy nó há hốc yếu ớt, rớm máu như một vết tử thương, như một cái miệng đang trút hơi thở cuối cùng.
Điềm Phùng Thị đang lắp ghép
Điềm Phùng Thị đạt đến kiệt tác trong lĩnh vực tượng đài kỷ niệm quốc gia, là tác phẩm khó hơn tất cả, pho tượng đài không thể quên của chị: Người chiến sĩ Giải phóng (1973, kết hợp những mảnh vụn máy bay bỏ bom B.52, cao 1m2) mà chúng ta phải lớn tiếng khẳng định đó là một trong những tác phẩm điêu khắc tầm cỡ của thế kỷ 20. Ở đây Điềm Phùng Thị đã đổi mới cả loại hình tượng đài, từ bỏ phép biểu dụ, từ bỏ sự tôn sùng phương thức tượng hình chân phương bằng cách phủ nhận chất liệu quí mà thay nó bằng chất liệu thu hồi lại (phế liệu), chất liệu này có ý nghĩa hàm súc khác hẳn. Những mảnh vụn máy bay Mỹ bị Việt Nam bắn hạ, được nhận ra ngay, được xếp cao như trong tình thế khẩn trương của một cuộc chiến đấu, cho ta ngay tức khắc hình tượng về ý tưởng kháng chiến, nổi dậy. Bạo lực được khắc ghi trong phế tích của những vũ khí giết người mù quáng ấy đã gắn liền với một thực tế lịch sử rất rõ ràng đồng thời được nâng lên tầm vóc ý nghĩa phổ biển. Ngợi ca một cách đúng đắn chiến thắng của dân tộc Việt Nam chống một kẻ thù trang bị mạnh hơn gấp bội, tượng Người chiến sĩ Giải phóng là hình tượng của tất cả những chiến sĩ du kích, tất cả những người không chịu khuất phục, nó vạch trần sự yếu ớt của sức mạnh vật chất thô bạo, tôn vinh sức mạnh vũ khí tinh thần của con người.
Nỗi đam mê đau đớn mà đất nước chị phải trải qua đã làm sâu sắc thêm lòng thương cảm của người nữ nghệ sĩ lớn đối với những người cũng phải gánh chịu sự bất công ở nhiều nơi khác, mà chị đã bộc lộ với sự chân xác và niềm kính trọng. Những phương tiện thô sơ khác (ở đây là vài viên gạch) khêu gợi nỗi đau về đất nước Liban với những tòa nhà cao tầng bị tàn phá ở thủ đô Beyrouth. Người ta không còn chết ở Liban nữa, mặc dù còn chết ở nhiều nơi khác. Điềm Phùng Thị cảm thấy sung sướng cho đất nước mình. Nước Việt Nam đã được tự do. Hòa bình đã trở lại. Một xã hội mới đang được xây dựng. Không cần đến những mô-đuyn nữa, mà trở lại những hình người giản lược và rất ý vị, dễ nhận biết, pha chút hài hước, trước đây là tượng Những chiến sĩ, đã trở thành tượng Người làm xiếc, Lực sĩ. Nhưng những mô-đuyn chưa nói lời cuối cùng. Đôi bàn tay phong phú vô tận của nhà tạc tượng sản sinh ra nghìn lẻ một kỳ quan, bức họa, tranh, giấy dán, thảm, bàn ghế hài hòa, tiện nghi, rẻ tiền. Hạnh phúc thay những học sinh Việt Nam sẽ làm việc trên những kiệt tác là cái bàn, cái ghế ngồi viết mà Điềm Phùng Thị đã sáng tác cho các em, mềm mại về hình thể và thanh lịch như những đóa hoa, dễ sử dụng, dễ làm.
Trẻ em, nhất là trẻ em bất hạnh (hai từ này đáng lẽ không bao gỉờ được đi cặp với nhau) là những đối tượng chị để tâm nhất. Trong cuộc triển lãm ở Hà Nội cách đây một phần tư thế kỷ, chính trẻ em đã đi vào nghệ thuật của chị, dễ dàng, hài hòa với đặc tính của chúng là vừa trang trọng lại vừa thích đùa. Đối với trẻ em, và đối với những người lớn còn tâm hổn trẻ thơ: Khả năng biết kinh ngạc thán phục, biết sung sướng khi nhận món quà đẹp, với sự giúp đỡ của chính quyến và nhân dân Huế, Điềm Phùng Thị đã mở một ngôi nhà và một khu vườn, trao tặng ở đó rất nhiều tác phẩm của chị. Huế - cái bà vĩ đại ấy, là nơi đầu tiên ở Việt Nam đã đón tiếp một ngành nghệ thuật hiện đại nhất, và nhân vật nổi tiếng ở Châu Âu cũng có hào quang tương tự ở thành phố quê mình, đất nước của mình, và sẽ có hào quang ở khắp nơi.
Để ngợi ca đúng đắn Điềm Phùng Thị, chúng ta hãy mượn những lời nói hay của những văn hào tên tuổi mà chỉ yêu mến. Chúng ta dành lời nói về hòa bình của hai nhá thơ đem đến cho chị từ hai nơi khác nhau, để tôn vinh người phụ nữ đã biết chuyển hoán tội ác tột cùng của chủ nghĩa thực dân thành nền văn hóa phổ biến mà chị đã làm thêm phong phú. Một nhà thơ người Pháp và một nhà thơ người Trung Quốc. Trong bài thơ, có thể là bài nổi tiếng nhất, bài “Mời gọi viễn du", Charles Baưdelaire(3) điểm xuyết cho giấc mơ tình yêu của mình bằng cái “Huy hoàng Phương Đông”:
Mọi cái sẽ được nói ở đó
Với linh hồn thầm kín
Bằng ngôn ngữ quê hương dịu dàng
Đó phải chăng cũng chính là ngôn ngữ mà Điềm Phùng Thị nói cho mọi người và cho mỗi người?
Với nữ nghệ sĩ lớn biết nói lên một cách thật xé lòng về cái chết dữ dội đổ ập lên đầu bao người vô tội và để an ủi oan hồn của họ, chúng ta há chẳng dám thay đổi một từ của nhà thơ người Trung Quốc bị sát hại hay sao? - nhà thơ Vĩnh Khương (4), trong bài “Tiếng hát lên đường”:
“Đã đến thời mà vị tướng của trăm chiến sĩ
(ít) được quí trọng hơn một “nho sĩ” tài năng”.
Mady Ménier
Giáo sư ưu tú Đại học Paris I. Sorbonne
Tháng 1/1997
Ghi chú:
1. Francois Villon, “Bài thơ người bị treo cổ”: Những người anh em sống sau chúng tôi, Hãy đừng để quả tim chai cứng đối với chúng tôi”.
2. Marlyse Glikmana: “Đóng góp vào việc nghiên cứu nhà tạc tượng Điềm Phùng Thị - Tác phẩm tượng đài”, khóa luận đặt dưới sự hướng dẫn của Mady Ménier; Đại học Paris I - Sorbonne 1994-1995. Xin lưu ý là cũng trong Đại học này, một cuộc nghiên cứu cô đọng hơn cũng được thực hiện về những nữ trang của Điềm Phùng Thị.
3. Charles Baudelaire, tác phẩm “Hoa tội lỗi”, L.III, “Mời gọi Viễn du”.
4. Cũng cần nhắc lại nguyên văn những câu thơ nổi tiếng (ở đây theo bản dịch của Hervey Saint Denys): Thế là bây giờ đã trở lại thời mà người chỉ huy 100 chiến sĩ được quý trọng hơn một nhà nho tài giỏi.
Vĩnh Khương, người đã từ quan để trở thành chiến sĩ đã viết những câu thơ này trước khi bị Võ Hậu (Võ Tắc Thiên) ra lệnh xử tử năm 690 sau Công nguyên.