(Thứ sáu, 08/11/2024, 02:07 GMT+7)

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và hệ thống di tích lịch sử văn hóa danh thắng Đền Hùng một biểu tượng sức mạnh đại đoàn, là điểm hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay - Trong đó có Đình Hội (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1995 thờ vua Hùng Vương thứ XVII hiệu là Hùng Nghị Vương húy Bảo Quang Lang (đang làm hồ sơ công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia). Cả nước tôn thờ một vị Quốc Tổ - Đó là một mỹ tục độc đáo, là nếp sống đậm đà đầy bản sắc và bản lĩnh văn hóa tộc Việt. Xã Tuy Lộc tôn vinh vua Hùng Nghị Vương trong cuộc kháng chiến chống giặc Thục, trên đường đi Vua đã trú chân tại địa phương, nơi đây cùng một số vị Thần đã có công dẹp giặc cứu nước, dậy dân trồng nông trang và để lại nhiều di sản vật thể (thần phả, 10 đạo sắc phong, nhiều cổ vật, hiện vật...) và phi vật thể có gia trị cao trong ngôi Đình Hội.

Thật vậy, theo Đức Phật, một đất nước muốn cường thịnh thì nhân dân trong nước ấy cần hội đủ bảy điều (... trong đó thường tôn trọng tông miếu, kính nể quỷ thần). Trải dài trên dải đất hình chữ S Việt Nam thân yêu, là các ngôi đình mang đặc điểm kiến trúc nghệ thuật tinh xảo và gắn liền với đời sống sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của người dân xã Tuy Lộc và địa phương quanh vùng từ hàng nghìn năm nay. Vượt qua phạm vi công năng của một nơi để bàn việc làng, tổ chức cúng tế, hát xướng... ngôi Đình Hội còn là chứng tích đối với chặng đường hình thành và phát triển của mỗi vùng quê trong huyện Cẩm Khê. Đình làng ở Việt Nam có niên đại từ rất sớm (đời vua Trần Thái Tông 9/1231, triều đình cho lập các đình trạm trên đường nghỉ chân cho người đi đường và xuống chiếu “trong nước phàm chỗ nào có đình trạm đều phải tô tượng Phật để thờ”, nhất dưới triều nhà Trần vào thế kỷ XIII, đình làng được hình thành như một thiết chế tổng hợp đa chức năng vừa là nơi thờ cúng, vừa là nơi diễn ra các hoạt động của làng. Chính vì vậy, đình làng bên cạnh sự uy nghiêm vẫn luôn có sự gần gũi ấm áp và thân quen đối với mỗi người dân địa phương. Với vai trò quan trọng gắn với sinh mệnh của cả làng, đình làng thường được xây dựng tại những nơi có địa thế tốt theo thuyết phong thủy. Vì vậy, đình làng ở đâu thì tạo ra trung tâm làng ở đó và hầu như làng xã nào ở vùng quê Bắc Bộ cũng có ngôi đình làng gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương, đây là nơi thờ Thành Hoàng làng. Mỗi di tích lịch sử dù lớn hay nhỏ, đều được hun đúc từ truyền thống Việt Nam, tâm hồn Việt Nam, bản sắc cốt cách Việt Nam từ đời này qua đời khác gìn giữ, bảo vệ tu bổ và tôn tạo các di tích trong đó có đình làng cũng chính là chúng ta đang thực hiện thông điệp của tiền nhân gửi lại cho hậu thế hôm nay và mai sau.

Về với đất Tổ, trước bàn thờ các Vua Hùng, mỗi một chúng ta ai cũng đều xúc động và tự hào hướng về cội nguồn dân tộc, thành kính tri ân công đức Tổ Tiên, đúng như các thế hệ ông cha chúng ta đã tạc ghi câu đối ở Đền Hùng:

Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản, sông Đà, non nước vẫn quy về đất Tổ
Văn minh đương đổi mới, con Hồng, cháu Lạc, giống nòi còn biết nhớ mồ ông

Thời đại Hùng Vương là thời đại mở đầu rực rỡ của lịch sử dân tộc Việt Nam, mà cách đây mấy ngàn năm, cha ông chúng ta đã kiên cường, dũng cảm, khai sơn, phá thạch cùng nhau gây dựng nêm bờ cõi, non sông đất nước, lập nên quốc gia độc lập, có chủ quyền đầu tiên của người Việt. Các Vua Hùng từ đời này sang đời khác (đến đời thứ 17 là Hùng Nghị Vương được thờ ở Đình Hội) đã xây dựng nước Văn Lang với một nền văn minh lúa nước, đã đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân, tạo tiền đề phát triển đất nước và một nền văn minh Sống Hồng rực rỡ từ các văn hóa Tiền Đông Sơn đến văn hóa Đông Sơn, một nền văn hóa nghệ thuật truyền thống phong phú, độc đáo. Từ đó, đất Tổ Hùng Vương trở thành cội nguồn dân tộc, ví chính nơi đây đã diễn ra bao sự kiện trọng đại đối với dân tộc trong buổi đầu dựng nước và giữ nước - Là trung tâm sinh tụ và phát triển của người Lạc Việt cổ, nơi các Vua Hùng đã đến để tiến hành nhưng nghi lễ tín ngưỡng của dân, dạy dân làm ruộng, đánh giặc và bàn bạc các việc hệ trọng của đất nước.


Thạc sĩ Phùng Quang Trung - tác giả bài viết

Theo Đại Việt sử ký toàn thưLĩnh Lam Chích quái: Lạc Long Quân là hậu duệ của Thần Nông Vua Đế Minh (cháu ba đời họ Viêm Đế Thần Nông) có hai người con, “con trưởng là Đế Nghi, con thứ là Lộc Tục”. Nhà vua yêu Lộc Tục hơn nên muốn cho Lộc Tục làm vua phương Bắc. Lộc Tục là người khiêm nhường nên đã nói với cha nhượng cho anh. Vua cử Lộc Tục làm vua phương Nam. Đất Văn Lang tức nước Xích Quỷ có nhiều phong cảnh thanh kỳ. Dải Lĩnh Nam trùng trùng, điệp điệp, xanh như chàm, xa trông như rồng uốn khúc. Lộc Tục lấy hiệu là Kinh Dương Vương lấy Long Nữ con gái vua Động Đình Quân, sinh ra Sùng Lãm tức Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy hiệu là Hùng Hiền Vương di chuyển kinh đô về Nghĩa Lĩnh rồi lấy nàng Âu Cơ con gái Đế Lai chúa tể động Lăng Xương. Âu Cơ có mang sau 3 năm 3 tháng 10 ngày mới chuyển dạ và sinh ra một cái bọc. Long Quân cho quần thần dựng đàn tế cáo trời đất, trong lúc cử hành lễ bái thì trời nổi mây ngũ sắc, năm người cao lớn dị thường đầu đội mũ Kim Quang, mặc áo bào xanh, lưng đeo đai ngọc tuyên bố: “Ngọc Hoàng Thượng Đế cử chúng ta xuống để thi hành nhiệm vụ đặc biệt. Hoàng hậu sinh ra một cái bọc đó là điềm vô cùng tốt đẹp, trong bọc có một trăm trứng. Chúng tôi có bổn phận biến ra thành một trăm con trai, những người con này sẽ giúp nhà vua trị dân giữ nước”. Đúng ngày rằm tháng Giêng năm sau, mây ngũ sắc lại tái hiện, ngôi nhà rực sáng, bọc trứng tự nở ra một trăm người con trai. Vua bảo Âu Cơ “Ta vốn là con cháu thủy thần, nàng thuộc loài tiên, nước lửa khắc nhau, không thể kết hợp lâu dài được. Vậy xin chia tay để giữ lấy dòng giống. Nàng nên đem 50 con lên núi, ta đem 50 con xuống biển, cùng nhau khai cơ mở nghiệp, tạo thế cho con cái và dân chúng dài lâu”. Âu Cơ vâng lời, truyền lệnh đem 50 người con về đất Phong Châu, phong con trưởng nối ngôi vua Quốc hiệu Văn Lang, truyền ngôi được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương. Long Quân cùng 50 người con xuôi đường lần ra Nam Hải. Đến đất Bình Đà bây giờ, cách biển không xa, truyền cho các con dừng chân dựng trại, thấy thế đất lục long chiêu hội, lưỡng phương giao phi màu mỡ, sông suối lượn quanh, nhiều thềm đất cao mang dáng rồng chầu, hổ phục, bèn chọn làm nơi xây dựng cơ nghiệp, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, lấn biển, làm nhà, đuổi diệt thú dữ, khai khẩn đất đai, mở mang bờ cõi. Chẳng bao lâu, cả vùng đất với trung tâm là Bảo Cựu cuộc sống dân lành đã trở nên trù phú, mọi thảo khấu trong vùng bị dẹp tan. Ruộng đồng, làng xóm ngày một mở rộng, hình thành nên những làng xóm đầu tiên của châu thổ sông Hồng. Kiến trúc nghệ thuật ở đền Nội, đình Ngoại có nhiều bảo vật, cổ vật có giá trị di sản văn hóa đặc sắc và độc đáo. Bức phù điêu giá tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân với nhiều lớp hình ảnh được trạm khắc, truyền ngôn: Dài 2,8 mét, rộng 2,2 mét, 5 tầng; đầu 20 vị quan văn mặc áo thụng, tay cầm hốt, đầu đội mũ cánh chuồn; 16 vị quan võ cân đai bố tử hung dũng, quắc thước, cầm long đao; 18 thị nữ áo dài nếp mỏng mềm mại dâng hòm sớ với cờ quạt, tàn, tán, ô, lọng; có voi, ngựa và nhóm dân binh đội mâm dâng hoa quả; dòng nước mênh mang hiện lên những con thuyền rồng cong mũi đang rẽ sóng lao nhanh; từng thuyền rồng các cặp đôi hai hàng trai tráng, mình trần khỏe mạnh, gò mình mải miết tay chèo; nổi bật chiếm phần tư diện tích là chân dung tượng Lạc Long Quân ngự trên ngai vàng, đầu đội vương miện chạm lưỡng long chầu nguyệt, khoác áo hoàng bào vóc dáng bệ vệ, khuôn mặt hiền từ, phúc hậu, thể theo 36 quý tướng nhà Phật.. toát lên đầy đủ cảnh sinh hoạt thuộc về triều đại Hùng Vương. Tục truyền, bức phù điêu được khởi dựng từ thời nhà Đinh, khi Đinh Tiên Hoàng lên làm vua đã cho xây đền Thượng tại Phong Châu để thờ các vua Hùng với mỹ tự “Hùng Vương sơn nguyên Thánh Tổ, người đã giao cho Hoàng hậu Đan Gia và Đinh Quốc công Nguyễn Bặc đặc trách, cùng với Bộ Lễ tuyển các thợ giỏi để chế tác bức phù điêu này”...

Từ bao đời nay, đồng bào ta luôn tôn kính và ngưỡng mộ các Vua Hùng đã có công dựng nước. Đền Hùng là nơi quy tụ con lạc, cháu hồng ở khắp mọi miền của Tổ quốc. Mọi người Việt Nam thuộc các dân tộc, tầng lớp, thế hệ, già trẻ, gái trai... dù trong nước hay đang sinh sống ở nước ngoài đều có trung một Tổ, chung một ngày Giỗ Tổ (Mùng 10 tháng 3), chung một cội nguồn - Giỗ Tổ cũng trở thành biểu tượng của giá trị văn hóa, tinh thần vô cùng sâu sắc và độc đáo của dân tộc Việt Nam, thể hiện niềm tự hào, sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân và truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, góp phần tạo nên sức mạnh dân tộc trong tiến trình dựng nước và giữ nước. Con cháu các Vua Hùng đời đời khắc cốt, ghi tâm người Việt Nam là anh em trong cùng một bọc, noi gương Tổ Tiên và các anh hùng dân tộc để có Văn Lang, có Đại Việt và có Việt Nam hôm nay.

Căn cứ Quyết định số 1878/QĐ-UBND ngày 29/7/2024 của UBND huyện Cẩm Khê về việc phê duyệt thiết kế bản vẽ và thi công xây dựng công trình: Tu bổ, tôn tạo di tích Đình Hội (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ). Đồng thời, được sự nhất trí của UBND, Phòng VHTT huyện Cẩm Khê, Đảng ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ xã Tuy Lộc và Ban Quản lý di tích lịch sử Đình Hội tổ chức Lễ Khởi công xây dựng Đình Hội và các công trình phụ trợ - Kêu gọi các quý khách thập phương gần xa đóng góp ủng hộ xây dựng các hạng mục “Vườn tượng Thập Bát Hùng Vương; núi Nghĩa Lĩnh; mô hình 50 người con lên rừng, 50 người con xuống biển; tượng tái hiện Quốc tổ Lạc Long Quân, Quốc mẫu Âu Cơ; nhà Tả vu, nhà Hữu vu, nhà Tạo soạn; Phòng triển lãm tái hiện lại thời đại Hùng Vương và thời đại Hồ Chí Minh”.

Chúng tôi hoàn toàn đồng tình và đánh giá rất cao chủ trương trên, cụ thể là:

1. Thả hoa đăng cầu nguyện cho người dân tử nạn do bão Yagi và thế giới hòa bình (từ 20 giờ ngày 9/11/2024)
2. Lễ dâng hương và khởi công xây dựng Đình Hội và Tổ chức Hội thảo “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” (từ 7 giờ ngày 10/11/2024)

Diễn ra tại địa điểm Đình Hội (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ).

Thạc sĩ Phùng Quang Trung,
nguyên Trưởng phòng Văn học thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch