Bên cạnh đơn hàng truyền thống có tín hiệu phục hồi, ngành gỗ nội thất và dệt may chủ động tìm thêm khách lẻ qua kênh online xuyên biên giới của Amazon.
Là hai mặt hàng chủ lực mang về hàng chục tỷ USD mỗi năm cho Việt Nam, gỗ nội thất cùng với dệt may đang có tín hiệu phục hồi. Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,9 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, tăng 25% so với cùng kỳ 2023. Riêng sản phẩm gỗ đạt 3,35 tỷ USD, tăng đến 27,7%.
Cùng giai đoạn, dệt may mang về 10,42 tỷ USD, tăng 6,7%, theo Tổng cục Hải quan. Ngành này được dự báo có thể đạt mục tiêu cả năm 44 tỷ USD, khi doanh nghiệp đã đủ đơn hàng đến hết quý III và đang đàm phán cho quý IV.
Ngoài đơn hàng để xuất khẩu truyền thống, các hiệp hội ngành gỗ nội thất và dệt may đang tìm cách kiếm thêm khách hàng bán lẻ trên kênh trực tuyến xuyên biên giới của Amazon.
Hôm 24/5, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest); Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas); Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (Hawa) cùng một số hội khác công bố hợp tác với Amazon Global Selling Việt Nam trong sáng kiến liên kết ngành nghề.
Ông Phùng Quốc Mẫn, Phó chủ tịch Hawa phát biểu tại sự kiện sáng 24/5 tại TP HCM. Ảnh: AGS
Theo đó, các doanh nghiệp thuộc những ngành này sẽ được Amazon hỗ trợ tiếp cận các kỹ năng, kiến thức, nguồn lực kỹ thuật số, kết nối mạng lưới các nhà cung cấp dịch vụ để mở gian hàng xuất khẩu trực tuyến.
Động thái diễn ra trong bối cảnh đồ nội thất, dệt may muốn đa dạng hóa ngoài hoạt động gia công và nắm bắt cơ hội các mặt hàng này đang được người tiêu dùng quốc tế yêu thích trên nền tảng Amazon.
Ông Phùng Quốc Mẫn, Phó chủ tịch Hawa chỉ ra xuất khẩu gỗ nội thất chậm lại năm 2023 nhưng doanh số online tăng vượt bậc. "Tuy nhiên, mức độ tham gia xuất khẩu qua thương mại điện tử của doanh nghiệp còn hạn chế khi phần lớn chủ yếu gia công theo đơn hàng và mẫu mã của các nhà phân phối nước ngoài", ông nói.
Tương tự, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Vitas cho rằng dệt may vẫn phụ thuộc nhiều vào đối tác xuất khẩu, chưa được khách hàng biết đến rộng rãi do phần lớn gia công cho thương hiệu nước ngoài.
"Tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới là cơ hội tốt để doanh nghiệp dệt may Việt Nam xây dựng thương hiệu", ông Cẩm nói. Theo ông, ưu thế của Việt Nam khi lên sàn là giá cả khi trực tiếp sản xuất, tay nghề và chất lượng tốt.
Amazon Global Selling xác nhận đồ nội thất và may mặc đang thuộc top 5 nhóm sản phẩm tăng trưởng tốt nhất của các nhà bán hàng Việt Nam 5 năm qua, cùng với sức khỏe, chăm sóc cá nhân và làm đẹp.
Về may mặc, người mua ưa chuộng các thương hiệu giá hợp lí, phù hợp đi làm lẫn đi chơi, ít lỗi thời và bền. Trong khi, đồ nội thất, thủ công mỹ nghệ phong cách hiện đại, tối giản, vật liệu thân thiện đang được mua nhiều.
"Ngoài đồ trang trí và gia dụng trong bếp, có xu hướng sản phẩm gỗ ngoại thất Việt Nam được ưa chuộng và tăng trưởng nhờ doanh nghiệp có kinh nghiệm sản xuất và giải pháp logistics cho hàng cồng kềnh dần tối ưu hơn", ông Gijae Seong, CEO Amazon Global Selling Việt Nam bổ sung.
Amazon Global Selling không công bố số lượng nhà bán hàng Việt Nam cụ thể đang hoạt động trên sàn mà chỉ nêu "hàng nghìn". Tuy nhiên, họ tiết lộ số nhà bán hàng có doanh thu từ một triệu USD mỗi năm đã tăng gấp 10 lần trong 5 năm qua.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Bộ Công Thương) cho biết xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới tăng trưởng khoảng 40-50% mỗi năm. Tuy nhiên, quy mô còn rất nhỏ, khoảng 5-6 tỷ USD so với tổng kim ngạch hơn 350 tỷ USD năm ngoái. Do đó dư địa để phát triển rất lớn.
Theo chuyên gia, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ bắt đầu quan tâm đến xuất khẩu online từ thời Covid-19. Ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc khu vực miền Nam Amazon Global Selling Việt Nam nói hiện nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp tiếp cận và chủ động đề nghị tham gia.
Ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CVI Pharma nói đây là thời điểm vàng để tham gia. "Tôi cho rằng cánh cửa xuất khẩu online xuyên biên giới đang mở toang, đặc biệt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có kinh nghiệm. Bởi lẽ công nghệ, thủ tục pháp lý và logistics đã sẵn sàng", ông nói.
Theo ông Gijae Seong, các nhà bán hàng Việt Nam lên sàn này thường có 2 nhóm: đã am hiểu kinh doanh online, có kỹ năng bán hàng trên môi trường số và bắt xu hướng tốt. Bên cạnh đó là nhóm sản xuất truyền thống, chưa biết cách xây dựng thương hiệu trực tuyến và tận dụng các công cụ, giải pháp có sẵn trên nền tảng.
"Doanh nghiệp nên tận dụng các công cụ phân tích dữ liệu để biết nhu cầu thị trường quốc tế và cung cấp sản phẩm phù hợp, cùng với đầu tư xây dựng thương hiệu", ông khuyến nghị.
Theo VIỄN THÔNG / VNEXPRESS