Sáng 1-10-2023, bữa ăn sáng cuối cùng của Hội nghị nhà văn lão thành. Chỉ vài giờ sau các cụ chia tay người Nam kẻ Bắc. Nhà ăn khách sạn Giấc mơ Rồng (Dream Dragon Resort) phủ kín những mái đầu bạc quyết liệt và những mái đầu bạc lưỡng lự. Thở phào, ơn giời, thế là không cụ nào phải cấp cứu, không cụ nào bị sóng non tơ Đồ Sơn hạ gục.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam trân trọng trao cuốn sách “Một con người, một con đường và một lịch sử - Hồ Chí Minh - Thư gửi nước Mỹ” tặng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng
Gom gần 200 cụ già trên 70 tuổi khắp Trung Nam Bắc về đây đâu phải chuyện đơn giản (Danh sách mời 250 cụ, có 80 cụ vắng mặt với nhiều lý do). Phải ghi nhận sự cố gắng của BCH Hội Nhà văn khóa 10 và anh chị em Văn phòng Hội. Nhớ hồi Hội nghị Lý luận phê bình trên Tam Đảo, nhà văn Nguyễn Văn Hạnh xuất huyết não, những người tổ chức lo cháy ruột tìm cách đưa về bệnh viện Vĩnh Yên cấp cứu.
Hội nghị đại biểu nhà văn lão thành lần thứ Nhất thật trang trọng, ấm áp, chu đáo. Được Chủ tịch nước và các cơ quan Hải Phòng đến thăm, tặng quà. Bài nói của chủ tịch nước Võ Văn Thưởng kết thúc một câu thật khiêm nhường: Tôi xin không nói dài nữa sợ múa dìu qua mắt các cụ lão thành. Các cụ ăn nghỉ 5 sao, quà cáp lại có mấy tờ mệnh giá đỉnh cao mua thuốc huyết áp, thuốc khớp…Nhưng hoan hỷ nhất là gặp nhau, bắt tay một cái, cười một nụ là sướng cái bụng. Theo thống kê, có hai cụ cao niên nhất sinh năm 1936 là cụ Trần Nguyên Vấn (Hà Nội) và cụ Nguyễn Hữu Nhàn (Phú Thọ). Các cụ xếp sau sinh năm 1937 là Phong Lê, Hoàng Quốc Hải…
Còn mấy tham luận của các cụ nghe cũ như hội nghị những năm 90 thế kỷ trước. Thôi tuổi già cũng chả tránh được cái sự cũ của mình. Hoan hỷ!
Nhà văn có vệ sĩ
Nói thế cho oách, thực ra là có ba cụ có người nhà đi trợ giúp.
Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn hơn 10 năm vắng bóng, không tham gia các sinh hoạt họp hành gì. Nghe nói cụ có tý trầm cảm, chỉ ở trong phòng ngẫm nghĩ cái sự đời. Nay bỗng có mặt với một vóc dáng rất khác, không hùng dũng, hóm hỉnh như hồi ở báo Tiền Phong. Cụ được cô con gái thứ hộ tống đi cùng. Cụ hiền, nhu mỳ chỉ khẽ cười, quên nhớ lung tung. Khi xe đến trạm dừng chân Hưng Yên, tôi nhìn thấy cụ, mừng quá, cứ định đến thăm mà chưa thể, nay thấy cụ đi hội nghi được là rất OK. Tôi đến bên cụ hỏi: Ai đây ? Cụ nói khẽ Trần Nhương. Trời đất cụ Sơn vẫn nhớ lão già, vui quá, thế ra trong bộ nhớ của cụ vẫn có tên lão ham vui. Ấy vậy khi gặp một số bạn thì cụ chả nhớ cụ nào, phải nhắc tên cụ Sơn mới à một tiếng nhẹ như gió thoảng…
Cụ thứ hai có vệ sỹ là cụ Thanh Thảo từ Quảng Ngãi ra. Cậu con trai cường tráng dẫn cụ đi lại đỡ cho đôi giò của cụ trên bảo dưới không nghe. Cụ Thanh Thảo khu trung ương chỉ đạo vẫn ngon, nói cười với bạn bè ríu rít.
Cụ thứ ba là Ngọc Bái. Cụ rời miền rừng Yên Bái cùng phu nhân với trang bị đầy mình. Ngoài xe lăn còn gậy 4 chân và nhiều công cụ hỗ trợ như mấy chú cảnh sát hình sự.
Cụ còn khoẻ phần trên, phần hạ lưu coi như hỏng. Cụ bị ngã gẫy xương đùi, phải đóng tiểu đội đinh vào mà vẫn ngúc ngắc. Hồi tháng 3 tôi và Kim Chuông, Đình Đắc…đánh xe lên thăm cụ tít trong phía rừng Yên Bái. Nay gặp lại cụ Bái vẫn khoẻ, cười tươi và rất quyến rũ. Cụ Bái có thời là lính bám trụ Hang Rơi trên Vị Xuyên đánh bọn Trung Quốc xâm lược. Hồi ấy cụ viết cái ký “Tất cả tên vai người lính” rất hay nhưng cụ bị lên bờ xuống ruộng. Cụ chuồn ra làm báo, làm văn nghệ ở Yên Bái rồi lên làm Giám đốc Sở Văn hoá, Chủ tịch Hội Văn nghệ. Cụ có Giải Nhà nước về VHNT chứ không phải thường…chỉ mỗi đôi chân là phản động.
Nhà thơ Trần Nhương và nhà hơ Lê Huy Mậu
Đỗ Chu chân đất
Nhà văn Đỗ Chu tuổi Giáp Thân, quê Kinh Bắc. Cụ gày, cao, tóc râu bạc giống như đang thời bao cấp. Tạng cụ thế chứ đâu phải thiếu thốn. Cụ đến hội nghị với phong thái rất Lão Hạc, nhẹ nhàng không ồn ào, nồng nhiệt làm gì cho cho mệt.
Tối hôm 30-9-2023 cụ nhớ lại tuổi xuân xa ngái, cụ xuống tầng 4 thăm Nguyễn Thị Ngọc Hải. Nghe đâu cái ngày xưa ấy hai người có tý nổi gió nhưng không thành bão. Bây giờ sau mấy chục năm gặp lại, đúng là “tình cũ không rủ cũng về”. Khi Nguyễn Thị Ngọc Hải mở cửa đón cụ cụ Đỗ Chu vào thì phát hiện Đỗ tiên sinh đi đất. Cụ Hải kêu lên: Sao anh đi đất thế, cụ Chu bảo: Ô giày mình đâu nhỉ. Cụ Hải lấy đôi dép Thái Lan đi trong nhà ấn vào chân cụ. Cụ Chu giãy nảy: Không phải đôi này. Cụ Hải nhờ mấy cháu phục vụ lên phòng cụ Đỗ Chu tìm giày. Các cháu lục tung cả phòng cụ lên, mãi mới tìm được đôi giày của cụ cũng cũ như người. Sau khi có giày cụ Chu tự tin hẳn lên và ôn lại cái ngày xưa thơ mộng…
Khi Hội nghị vinh danh ba nhà văn Ma Văn Kháng, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, nhà thơ Nguyễn Hữu Hà ngồi cạnh cụ Đỗ Chu nói: Nay mai đến lượt Đỗ Chu chứ còn ai nữa. Cụ Đỗ Chu vui ra mặt hỏi: Thế bao giờ nó làm mày nhớ báo tao nhé…Nguyễn Hữu Hà cười, đáp: Thì vưỡn…
Sáng 1-10-2023 xe đưa các cụ về Hà Nội. Đến trạm nghỉ Hưng Yên thì nhà thơ Hoàng Cát ngẫu hứng đọc “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi” của nhà thơ Nam Hà. Cụ Đỗ Chu hỏi thơ của ai, Hoàng Cát bảo của Nam Hà tạp chí VNQĐ đấy. Cụ Chu cãi tao ở quân đội mãi lạ gì, cóc có ai là Nam Hà. Tôi nói xen vào: Anh Nam Hà nhà bên trong Lê Lựu ở ngõ số 8 Lý Nam Đế đấy. Cụ Chu vẫn nhất quyết cóc có Nam Hà...
Cụ Chu hoá ra rất nhiều người chăm sóc trong đó có Nguyễn Trí Huân nhiều lần hớt hải tìm cụ Chu lúc đưa túi, lúc đưa giày. Khi xe về đến 9 Nguyễn Đình Chiểu, Ngô Thế Oanh hỏi: Thấy cụ Chu đâu không? Tôi bảo vừa nhìn thấy cụ ra cổng. Ngô Thế Oanh cằn nhằn: Bỏ mẹ, bà Nhu (vợ cụ Chu) dặn phải dẫn cụ Chu về tận nhà giao tận tay. Nói rồi Ngô Thế oanh ba chân bốn cằng đi tìm Đỗ Chu…
Ôi cái tuổi già khi sáng khi tối, khi nhớ khi quên. Nguyễn Hữu Hà bảo cụ Chu hay cầu diễn lắm, không biết vừa rồi cụ có bưởi diễn không ?
Hoàng Cát trúng mánh
Đi hội nghị, nhà thơ Hoàng Cát - Ông bố của "Cây táo ông Lành", mang hẳn hai va ly, một bé đựng tư trang, một to đựng thơ và bao phụ tùng cho cái chân giả làm thay cái chân thật gửi lại chiến trường đánh Mỹ. Hoàng Cát vừa ra đại tuyển tập, dày 1000 trang bìa cứng, nặng 4,5kg. Kẹp trong tập thơ là mảnh giấy ghi rõ: Tôi tặng thơ cho bạn, xin bạn hãy tặng lại tôi số tiền giá bìa hoặc tuỳ tâm... Chà, cụ Cát chơi rất sòng phẳng, rất kinh tế thị trường. Tập thơ ghi giá bìa 1.250.000 rất khủng. Đúng thôi, dày thế, chứa mấy trăm bài thơ như thuốc nổ thì giá hơn một triệu là quá rẻ. Hoàng Cát ghi tặng tôi: Bản của Trần Nhương thân yêu. Tôi rút 500k đưa tặng Cát và nói: Có tý thôi, thông cảm nhé. Cát cười: Riêng mày thì cho tao nhiều rồi, một thằng bạn đáng yêu nhất. Buổi chiều tôi và Tô Hoàng, Nguyễn Chí Cư về Hải Phòng thăm Đình Kính ốm mấy năm nay. Hoàng Cát lạch bạch chạy theo gửi tập thơ tặng Đình Kính. Cát bảo nói với Kính là tao nhớ chuyến đi Trung Quốc với nó lắm. Nghe nói lúc tan hội nghị, Hoàng Cát mang va ly không về Hà Nội. Thế là trúng đậm còn gì...
Nguyễn Thái Sơn ngơ ngẩn Đồ Sơn
Sắp lên xe tôi gặp Nguyễn Thái Sơn. Cụ nói: ngày mai mới bay vào, hôm nay biết nương tựa vào đâu. Ôi nghe thương quá. Cụ Sơn lục tung cả ba lô tìm vé lẩm bẩm: vé đâu rồi. Tôi tìm hộ cụ một lúc thì thấy vé. Tôi chạy tìm Chánh văn phòng Hội Dương Dương Hảo nhờ giúp. Hảo tìm đoàn thành phố Hồ Chí Minh để lo giúp. Quay lại Hảo bảo tôi: nhờ chị Trần Thị Thắng đưa về Hải Phòng hộ rồi anh. Chả biết một đêm một ngày ở Hải Phòng, Nguyễn Thái Sơn thế nào. Sơn cùng học Nguyễn Du khoá 1 với tôi. Hồi chiến tranh biên giới, cụ bị nó bắn lòi ruột, anh em lấy cái bát ăn cớm úp vào vết thương rồi khiêng đi cấp cứu. Giờ già, cụ sống đơn lẻ, tách bạch, ăn chay trường, ít giao lưu. Hình như có lúc cụ Sơn vào chùa tá túc. Các cụ ở Sài Gòn bảo cụ ấy thế chứ các con cụ Sơn thành đạt lắm. Ôi cái thời gian như bọn thù địch đang tấn công vào các cụ cao niên...
Hội nghị lần thứ Nhất các bô lão nhà văn đã khép lại với cuộc vui gặp gỡ hiếm có. Mong cho đến hội nghị lần Hai các cụ vẫn có mặt để tay bắt mặt mừng..
Ghi chép vội vàng này nếu có gì không phải xin được lượng thứ.
Theo TRẦN NHƯƠNG / Tạp chí VĂN HÓA VÀ PHÁT TRIỂN