(Thứ bảy, 02/09/2023, 10:10 GMT+7)
Mỗi lần có dịp chọn thơ cho một "show" trình diễn nào đó, tôi thường thích chọn bài thơ Chiều Hương Giang của Nguyễn Khoa Điềm.
 
Tôi yêu bài thơ giản dị này, và yêu nhất là cái con người, cái "nhân vật" nhà thơ trong bài thơ bình thản đánh bạn với… con bò, trong một chiều nghi ngút cô đơn:
 
Chiều Hương Giang
 
Sau chiều nay, còn buổi chiều khác nữa,
Có thể mây cao, có thể nắng vàng,
Cơn gió thổi những buổi chiều chưa tới
Tóc bao người bay rợi cả không gian...
Nhưng chiều nay, con bò gặm cỏ,
Bên dòng sông, như chưa biết chiều tan.
Tôi với nó lặng im, bè bạn
Mắt nó nhìn dìu dịu nước Hương Giang.
Những buổi chiều, những buổi chiều quê hương,
Tôi đã sống và tôi chưa được sống,
Nhưng chiều nay, vô tình trong nắng muộn,
Mắt tôi nhìn trong suốt nước Hương Giang...
 
(1981)
 
Nguồn: Thơ Nguyễn Khoa Điềm, tuyển tập 40 năm do tác giả chọn, NXB Văn học, 2012.
 
Tôi rất khâm phục một nhạc sĩ Mỹ đã nhận ra chất nhạc kín đáo, trong trẻo nhưng đầy gợi ý của bài thơ này, và ông đã sáng tác một giao hưởng thơ dựa hẳn vào lời bài thơ.

Nhà thơ Việt Nam hiện đại: Giản dị như thơ Nguyễn Khoa Điềm  - Ảnh 1.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (Tư liệu)
 
Thơ Nguyễn Khoa Điềm thường lặng lẽ, như con người anh, tính cách anh. Nhiều lần ngồi uống bia hay uống chai vang với anh ở Huế, Nguyễn Khoa Điềm thường nói với tôi về bài học buông bỏ của Đức Phật. Anh uẩn súc Phật học, tìm tới Phật giáo nguyên thủy để tự lý giải cho mình những câu hỏi về cuộc sống hiện tại. Với Nguyễn Khoa Điềm, sự ẩn mật của thơ chính là sự tường minh. Thơ anh giản dị nhưng không dễ hiểu, và anh chấp nhận điều đó. Để giữ mình cho thơ, và giữ bản chất không thay đổi của thơ cho mình.
 
Vì vậy, chỉ 4 câu thơ trong bài Chiều Hương Giang, chúng ta có thể đọc được cái trong suốt của tâm hồn nhà thơ:
 
Nhưng chiều nay, con bò gặm cỏ,
Bên dòng sông, như chưa biết chiều tan.
Tôi với nó lặng im, bè bạn
Mắt nó nhìn dìu dịu nước Hương Giang
 
Sự thanh thản ấy nhà thơ có được sau khi đã trải qua không ít những thăng trầm. Thật không dễ để giữ được sự trong suốt của tâm hồn mình. Nhưng Nguyễn Khoa Điềm đã giữ được.
 
Tôi nhớ, khi còn đương chức, Nguyễn Khoa Điềm đã có bài thơ ngắn viết vào dịp tết, trong đó có hai câu: "Anh mải miết trên đường hoạn lộ/Ngoảnh về quê hư ảo một vầng trăng" (Bài Viết cuối năm - tháng 12 năm 1997). Vầng trăng quê ấy, có lúc tưởng như hư ảo, nhưng ánh sáng của nó là ánh sáng thật, nó không rời tâm tưởng của nhà thơ.
 
Còn một bài thơ này nữa, nó giản dị như bản chất thơ Nguyễn Khoa Điềm:
 
Mẹ và quả
 
Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những mùa quả lặn rồi lại mọc
Như mặt trời, khi như mặt trăng.
Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.
Và chúng tôi, một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?
 
(1982)
 
Nguồn: Thơ Nguyễn Khoa Điềm, tuyển tập 40 năm do tác giả chọn, NXB Văn học, 2012.
 
Ở bài thơ này, có 3 nhân vật chính: Mẹ, Quả, và Lũ chúng tôi. Mẹ nâng niu chăm sóc cả Quả và Con, dù con thì lớn lên, quả thì lớn xuống, giống những giọt mồ hôi của mẹ. Lớn lên hay lớn xuống không quan trọng bằng nỗi hoảng sợ của những đứa con khi mẹ đã già, tay đã mỏi, mà những đứa con cứ còn "một thứ quả non xanh?". Non xanh là chưa trưởng thành, nhưng trưởng thành như thế nào, mới là điều quan trọng.
 
Thơ Nguyễn Khoa Điềm không nói hết, và đó chính là sự ẩn mật của thơ anh.
 
Tôi yêu thơ Nguyễn Khoa Điềm từ những gì anh không nói hết ấy. Chúng ta sống trên đời, không phải cái gì cũng biết, cái gì cũng có thể "nói một lần cho xong". Sự dằn vặt, nỗi ám ảnh cứ theo qua mỗi bài thơ của nhà thơ này. Nó chỉ giãi bày, không triết lý, chỉ nhỏ nhẹ, chẳng ồn ào, vậy mà thấm vào lòng người đọc thơ lúc nào không biết.
 
Tôi lại nhớ, bài thơ Ngày về của Nguyễn Khoa Điềm viết để tưởng nhớ người bạn học của mình ở Trường Chu Văn An ngày trước. Người bạn học ấy là chị Đặng Thùy Trâm.
 
Ngày về là một bài thơ đứng vào hàng buồn nhất trong thơ Nguyễn Khoa Điềm. Và theo tôi, đó cũng là bài thơ đứng vào hàng hay nhất của thơ anh.
 
Ngày về
 
Kính tặng chị Thùy Trâm
 
Ngồi lại nghe chị nói gì trong đất
Cùng cây giang, cây dẻ của ngày xưa
Chiếc hầm cũ đau như tròng mắt
Nhìn vào ta thăm thẳm, bơ vơ...
Người bạn gái gục trước lằn đạn lửa
Một sườn đồi cháy nát dưới ban trưa,
Giờ xanh ngắt một cánh rừng khép ngủ
Lá im che những đau đớn không ngờ
Dòng nhật ký cuối cùng đã viết
Giọt máu cuối cùng cũng trả lại đất đai
 
Thật bình thản, không có gì nói nữa
Cả chiến tranh và khúc hát ngày về...
Giờ yên ả thì thầm con suối nhỏ
Giờ buôn xa tiếng trẻ gọi trâu về,
Giờ xao xác cánh cò trên mặt nước
Giờ nỗi buồn theo gió cũng tan đi...
 
(Tháng 4 năm 2006)
 
Rất buồn. Nhưng nhà thơ đã đứng dậy được. Như một người kháng chiến cũ.

Theo Thanh Thảo / Báo Thanh Niên