(Thứ hai, 13/01/2020, 09:25 GMT+7)

Hạnh phúc bình dị
của người anh hùng Điện Biên

     

PHÙNG TRANG

 
Đại tá Phùng Văn Khầu - Anh hùng LLVT nhân dân trong trận Điện Biên Phủ

         Những ngày này, trong không khí tưng bừng chào mừng thắng lợi của cách mạng tháng Tám lịch sử, ngôi nhà của Đại tá, anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phùng Văn Khầu tại Sơn Tây, Hà Nội ngập tràn hạnh phúc và tự hào khi có nhiều người thân, bà con lối xóm những đơn vị quân đội, các cấp chính quyền và đoàn thể… tới thăm hỏi, tri ân.
    Ở cái tuổi xưa nay hiếm, mái tóc đã bạc, nhưng đôi mắt vẫn tinh anh, giọng nói hiền hậu “Là người lính Cụ Hồ, là người chiến sĩ Điện Biên, vì những  người đồng đội của mình đã hi sinh, tôi sẽ luôn cố gắng nhiều hơn nữa..." - lời tâm sự mở đầu của anh hùng Phùng Văn Khầu khi tiếp chúng tôi.
CHÀNG TRAI NÙNG MÙ CHỮ VÀ NHỮNG CHIẾN CÔNG ĐẦU TIÊN
       Đại tá Phùng Văn Khầu sinh năm 1929 trong một gia đình nghèo người dân tộc Nùng. Mẹ mất khi ông vừa chập chững những bước đi đầu đời, cậu bé người Nùng mới lên ba tuổi đã phải đi ở nhờ, làm thuê cho địa chủ để kiếm ăn. Đến cuối năm 1946, theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, ông bỏ trốn khỏi nhà địa chủ, rời quê hương đến thị xã Cao Bằng tìm gặp bộ đội cách mạng. Tại đây, ông được nhận nhiệm vụ về đơn vị pháo binh.
     Những ngày đầu, do thể trạng gầy yếu không thể vác pháo, ông được biên chế làm anh nuôi. Mua bán thực phẩm, nhu yếu phẩm cho đơn vị nhưng hiềm một nỗi, ngày đó Khầu chưa biết chữ. "Nhận tiền từ chỉ huy mà dọc đường về nhà bếp, tôi chỉ biết khóc. Mù chữ nên giờ không biết nên làm cách nào để chi tiêu rõ ràng, khỏi nhầm lẫn, thất thoát tiền đơn vị..." - đại tá Phùng Văn Khầu tâm sự. Tuy nhiên, với sự thông minh sáng dạ, anh nuôi Khầu khi đó đã sáng tạo ra cách chi tiêu độc nhất vô nhị là tính tiền bằng các viên sỏi.
      Đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến, năm 1949, anh nuôi Khầu được chọn đi học làm pháo thủ. Sau một khóa học cấp tốc, người chiến sỹ trẻ dân tộc Nùng được phân công làm pháo thủ số 2, thuộc tiểu đoàn 275, Trung đoàn 675.Vị trí pháo thủ số 2 cũng đã đặt ông vào một tình huống khó xử bởi chàng trai Nùng lúc này vẫn chưa biết chữ, không thể sử dụng được máy ngắm.Cũng do đặc thù sơn pháo 75 tầm bắn gần, do vậy ông quyết định ngắm bắn trực tiếp qua nòng súng. Có lẽ đây là cách sáng tạo độc đáo nhất trong lịch sử pháo binh Việt Nam.


Anh hùng Phùng Văn Khẩu chia sẻ những câu chuyện với phóng viên

GIỌT NƯỚC MẮT NUỐT NGƯỢC VÀO TIM TẠI ĐỒI E1
    Chàng thanh niên dân tộc Nùng ngày đầu vào bộ đội còn không đủ sức vác pháo, vậy mà từ năm 1949 đến 1954, chiến sĩ pháo binh Phùng Văn Khầu đã tham gia 7 chiến dịch lớn, đánh hàng chục trận. Chiến dịch nào, trận đánh nào anh bộ đội Khầu cũng tỏ ra dũng cảm, mưu trí, khênh pháo vận động giỏi, chuyển đạn, thao tác pháo nhanh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
      Ngày 14/3/1954, khi quân ta giành chiến thắng đợt 1 tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đội Sơn pháo 755 của Phùng Văn Khầu nhận  được lệnh tiến thẳng vào chiến dịch. Tại đây, khẩu đội của Phùng Văn Khẩu làm nhiệm vụ bắn phá đồi E1.
     Đồi E1 được quân Pháp xây dựng thành một cứ điểm rất mạnh trong phòng ngự không khác gì Him Lam, có hệ thống giao thông hào bao quanh nối dọc, ngang rất cơ động trong tác chiến. Với vị trí quan trọng như vậy nên trận chiến đấu ở đồi E1 luôn trong tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”, đã là người lính chiến đấu ở đây, chắc chắn ai cũng phải “bền gan, ngoan cường, mưu trí, dũng cảm”. 
      Suốt 35 ngày đêm, mặc dù pháo binh địch bắn phá ác liệt, đồng đội nhiều người bị thương, nhưng anh bộ đội Khầu vẫn ngoan cường bám trận địa, tích cực tiến công địch, chi viện đắc lực cho bộ binh chiến đấu ở các điểm cao 203, 207, 507 và đồi C. Dưới mưa bom bão đạn, những người đồng đội của ông lần lượt nằm xuống. Thậm chí, người đồng đội còn lại là Khẩu đội phó kiêm pháo thủ Lý Văn Pao - người anh em cùng vào sinh ra tử cùng ông bao lâu nay cũng bị trúng đạn, mất đi bàn chân trái."Ngay tại thời điểm đó, tôi chỉ biết dồn hết tâm trí vào nòng pháo để bắn hạ từng mục tiêu địch. Đồng đội của tôi ngã xuống quá nhiều rồi. Phải chấm dứt trận đánh thì không ai bị thương nữa" - đại tá Phùng Văn Khầu rưng rưng chia sẻ.
NIỀM HẠNH PHÚC BÌNH DỊ


Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu cùng vợ trong chương trình truyền hình "Việc tử tế" của Đài THVN

      Trong miên man câu chuyện về những ngày xưa cũ, một giọng nói nhẹ nhàng, đôn hậu bỗng cắt ngang: "Mời cô chú nghỉ ngơi chút, ăn miếng kẹo lạc, uống chén trà xanh, rồi tiếp tục làm việc. Ông Khầu nhà tôi khoái nhất món này". " Món này chỉ xếp thứ  hai thôi chứ thật ra tôi khoái nhất vẫn là bà Cay nhà tôi...". Nói rồi, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa nhanh chóng giới thiệu về người phụ nữ có giọng nói dịu dàng vừa mời chúng tôi món đặc sản vùng Sơn Tây địa linh nhân kiệt kia - là vợ của ông - bà Hà Thị Cay.
       Nhắc lại câu chuyện tình yêu của mình, Đại tá Phùng Văn Khầu vui vẻ nhớ lại ngày đầu tiên gặp mặt. Năm 1955, người chiến sĩ trẻ dân tộc Nùng được cử đi tham dự Hội nghị Liên hoan Sinh viên Thế giới tổ chức tại Ba Lan. Tại đây, chàng thanh niên như bị hút hồn bởi cô gái Thái Bình có đôi mắt to đen láy láy "Từ lần đầu tiên nhìn thấy cô ấy là tôi đã cảm mến rồi. Sau này khi biết cô ấy bị mất cả gia đình  trong nạn đói năm 1945, tôi càng thương hơn. Thương lắm... " - người chiến sĩ Điện Biên năm xưa bồi hồi. Thời gian đoàn đi công tác, ông Khầu được phân làm nhóm trưởng gồm bốn người, trong đó có cả cô gái Hà Thị Cay mà ông thầm mếm. Mỗi ngày, chàng trai trẻ dân tộc Nùng đều thầm lặng quan tâm, hỏi han động viên; thỉnh thoảng mới dám "đánh liều" đưa ra một cái liếc mắt đưa tình nhưng "không một tín hiệu đáp lại". Cũng trong thời gian đó, ông phát hiện được tư trang của cô gái Hà Thị Cay chả có gì ngoài hai bộ quần áo. Sau thời gian dành dụm chút tiền lương ít ỏi, anh bộ đội pháo binh đã mua tặng cô gái thanh niên Hà Thị Cay một chiếc lược, một cái khăn rửa mặt và một hộp kem đánh răng. "Tôi đưa đến lần thứ hai thì cô ấy mới nhận. Thế mà tối hôm sau, trong cuộc họp của Đoàn công tác, cô Cay đứng dậy "tố cáo" việc tôi tặng đồ trước toàn thể mọi người... May mà hai người còn lại trong nhóm đứng ra làm phân trình lại sự tình", đại tá Phùng Văn Khầu kể lại.
       Câu chuyện tình chưa kịp chớm nở đã vội tắt, bởi khi quay trở về Việt Nam, họ mỗi người một nơi. Ông tiếp tục công việc tại thủ đô, còn bà về công tác tại Tỉnh đoàn Thái Bình. Không điện thoại, không một tấm hình chụp riêng,  muốn viết thư mà không biết chữ. Mỗi ngày, nỗi nhớ da diết cứ dâng lên. Điều duy nhất ông có thể làm là đem tấm ảnh tập thể cả đoàn ra để ngắm, bởi chỉ có trong đó mới gặp được bà, nhưng “càng xem, tôi càng nhớ”, ông Khầu tâm sự.
         May mắn thay, ông được gặp lại người thương trong Triển lãm Nông Nghiệp (1956), khi tỉnh Đoàn Thái Bình cũng tham dự. Ngày nhìn thấy người con gái mình thương, tay chân người chiến sĩ Điện Biên run rẩy, “trống ngực to hơn trống làng”. Xác định đây là cơ hội cuối cùng, chàng lính pháo binh đánh liều nhờ bạn viết một lá thư gửi đến cô gái mình thương. Nói là thư nhưng thật ra chỉ là mẫu giấy ghi vọn vẹn bảy từ: "Cay có đồng ý lấy anh không?". Sau thời gian chờ đợi, bức thư hồi âm ghi "Em cũng đồng ý thôi" được trao đến tay người con trai dân tộc Nùng. "Lúc nhận được thư, tôi không hiểu ý của cô ấy là gì? Cả đêm trằn trọc, tôi nhờ bạn viết thêm lá thư " Em đồng ý thôi hay là đồng ý thật?" để gửi lại. Thương quá rồi nên phải hỏi cưới bằng được. “Bộ đội Điện Biên phải chiến đấu đến cùng", ông Khầu vui vẻ tâm sự.Cuối cùng, bà Cay cũng nhận lời tỏ tình của ông. Vài năm sau, họ nên duyên vợ chồng.


Anh hùng Phùng Văn Khầu nên duyên cùng cô chiến sĩ Hà Thị Cay và bên cạnh hai thiên thần nhỏ

        Nắm tay nhau trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, anh hùng Phùng Văn Khầu và vợ của mình luôn là tấm gương sáng cho con cháu và biết bao thế hệ trẻ Việt Nam noi theo. Ở độ tuổi xưa nay hiếm, nhưng người chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn luôn cống hiến hết mình cho những hoạt động xã hội, kinh tế, chính trị của quê hương. Nắm tay vợ, ông Khầu không quên nhắc đến nỗi lòng với quê hương: “Tôi vẫn sẽ tiếp tục cống hiến sức lực của mình để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
         Dù trong thời chiến hay thời bình, những người lính Điện Biên luôn tỏa sáng lung linh phẩm chất tốt đẹp. Họ viết lên trang sử vẻ vang và tự hào của dân tộc về chống giặc ngoại xâm, giữ nước và xây dựng Tổ quốc. Như chính hình ảnh năm xưa, khi cờ trắng của địch giơ cao dọc khắp các chiến hào Điện Biên, những người lính sung sướng hô vang: Chiến thắng! Chiến thắng rồi, Hồ Chủ tịch muôn năm!”.