HỌ PHÙNG TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ
(KHÁI LƯỢC)
Tiến sĩ Phùng Thảo
Dân tộc Việt Nam có mấy trăm dòng họ (trong cuốn sách Gia phả, NXB Văn hóa dân tộc năm 1998 có ghi: Việt Nam có 207 dòng tộc, còn trong cuốn sách Tông phả kỷ yếu Tân biên, NXB Văn hóa dân tộc (tác giả Phạm Côn Sơn năm 2006) có ghi: Việt Nam có 576 dòng tộc). Họ Phùng Việt Nam là một dòng họ Việt trong mấy trăm dòng họ nói ở trên. Đến nay chưa có một công trình khoa học, một văn kiện tổng kết được công bố chính thức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về số nhân khẩu (dân số) của mỗi dòng họ Việt Nam. Có ý kiến cho rằng, hơn 10 dòng họ lớn ở Việt Nam chiếm khoảng 80% dân số, 20% dân số còn lại thuộc nhân khẩu của mấy trăm dòng họ.
Trong buổi bình minh của đất nước, các vị tiền liệt của họ Phùng Việt Nam đều có gốc Sơn Tây. Sau này, trong 8 vị họ Phùng đỗ Đại khoa Tiến sĩ thời phong kiến từ thế kỷ thứ 15 đến thế kỷ thứ 18, có 5/8 vị quê ở tỉnh Sơn Tây, 1/8 vị quê tỉnh Hà Đông, 1/8 vị quê tỉnh Hưng Yên, 1/8 vị quê tỉnh Vĩnh Phúc, 1/8 vị quê tỉnh Bắc Giang. Trong số 11 vị họ Phùng đỗ cử nhân thế kỷ thứ 19, thì số đông quê tỉnh Hà Đông và tỉnh Sơn Tây. Gần đây, Niên giám tổ chức hành chính Việt Nam 2004-2005 và năm 2009 của Bộ Nội vụ và Viện Khoa học Tổ chức nhà nước đã công bố kết quả những người trúng cử Chủ tịch UBND xã trong cả nước đầu thập kỷ của thế kỷ XXI, trong đó có người họ Phùng như sau: Hà Nội (gồm Hà Nội xưa, Hà Đông, Sơn Tây) có 16 xã, Hà Giang 1 xã, Phú Thọ 4 xã, Cao Bằng 2 xã, Bắc Kạn 1 xã, Tuyên Quang 3 xã, Lào Cai 1 xã, Lai Châu 1 xã, Yên Bái 4 xã, Thái Nguyên 1 xã, Lạng Sơn 2 xã, Quảng Ninh 3 xã, Hải Phòng 2 xã, Bắc Giang 2 xã, Vĩnh Phúc 2 xã, Bắc Ninh 1 xã, Hưng Yên 1 xã, Thái Bình 1 xã, Hà Nam 1 xã, Nam Định 2 xã, Ninh Bình 2 xã, Thanh Hóa 1 xã, Nghệ An 1 xã, Hà Tĩnh 1 xã, Quảng Bình 1 xã, Đà Nẵng 1 xã, Bình Định 1 xã, Khánh Hòa 2 Xã, Bình Thuận 1 xã, Lâm đồng 1 xã, Bình Phước 1 xã, TP Hồ Chí Minh 1 xã, Long An 1 xã. Căn cứ vào các tài liệu trên, kết hợp nghiên cứu các tài liệu khác như: Lịch sử họ Phùng Việt Nam tập I, tập II... Qua điền dã ở một số địa phương, nghiên cứu về họ Phùng ở một số địa chỉ: Xã Đường Lâm, thị trấn Tây Đằng, xã Phùng Xá, xã Bát Tràng, thị trấn Như Quỳnh, đình làng Triều Khúc, đình làng Quảng Bá, nhà thờ họ Phùng ở Thọ Am xã Liên Ninh (Thanh Trì), đình Kim Mã, lăng Bố Cái Đại Vương ở phường Cát Linh, họ Phùng và lăng Thái phó Phùng Tá Chu ở thị trấn Tây Đằng, nhà thờ họ Phùng ở xã Chu Minh, nhà thờ họ Phùng ở xã Yên Luật, tỉnh Phú Thọ, họ Phùng ở làng Nôm tỉnh Hưng Yên, họ Phùng ở xã Thái Sơn và phường Nam Hải thành phố Hải Phòng, họ Phùng ở thị trấn Ngô Đồng tỉnh Nam Định, nhà thờ họ Phùng ở xã Nam Cường, huyện Nam Đàn, xã Nghi Thu thị xã Cửa Lò, xã Phú Thành huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An, họ Phùng và nhà trưng bày nghệ thuật ở số 1 Phan Bội Châu thành phố Huế, nhà thờ họ Phùng ở phường 9 thành phố Vĩnh Long. Từ đó có thể suy ra, họ Phùng Việt Nam là dòng họ không lớn, số nhân khẩu không đông, nhưng họ Phùng Việt Nam lại được hình thành từ khá lâu đời - từ thời Hùng Duệ Vương thứ 18. Trong buổi đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc, họ Phùng Việt Nam có thể đã định cư, sinh sống chủ yếu ở vùng đất trung tâm của nước Đại Việt, đó là đất Sơn Tây, Phú Thọ, Hà Đông, Hà Nội, Vĩnh Phúc ngày nay. Trải qua các cuộc chiến tranh, qua quá trình mở rộng biên cương của đất nước về phía Nam, quá trình di cư tự do, quá trình hôn phối giữa các dòng họ qua các thời đại, và ngày nay qua chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới… người họ Phùng đã di chuyển sinh sống ở khắp các vùng miền Bắc - Trung - Tây Nguyên - miền Nam, và ở ngoài nước. Căn cứ truyền thuyết còn lại, thế kỷ VII-VIII trước Công nguyên đã xuất hiện các dòng họ:
Họ Nguyễn Tuấn, tức Sơn Tinh, Tản Viên sơn thánh.
Họ Trần Giới, Trần Hà - hai tướng của vua Hùng.
Họ Lý Tiến, một tướng của vua Hùng.
Họ Mai An Tiêm.
Họ Cao Lỗ, một tướng của vua Hùng.
Họ Phùng Đại Lực, Hộ Quốc đại vương, một tướng của Hùng Duệ Vương, và nhiều dòng họ khác.
Theo dòng lịch sử, các dòng họ Việt đều có chung một gốc, đó là từ một bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ. Vị tổ đầu tiên của các dòng Việt là Lạc Long Quân và Âu Cơ. Từ trước Công nguyên - Hùng Duệ Vương, đã có ông Phùng Đặng và vợ là bà Lưu Thị Tuấn là người đức hạnh ở làng Thung Xá, huyện Đông An, phủ Khoái Châu, đạo Sơn Nam sinh ra một người con trai, “cha mẹ đặt tên là Lực, cho theo học thầy Hiên Đường. Chỉ mấy năm mà văn chương thấu suốt nơi cửa Khổng Mạnh, tài thao lược đâu kém Tôn, Ngô. Từ thiên văn, địa lý, nhân sự đều am tường, ai ai cũng coi là thánh đồng, bạn bầu cùng lứa đều thán phục tài nghị luận”([1]). Năm 40 sau Công nguyên, có nữ thần tướng Phùng Thị Chính, đã phất cao ngọn cờ nương tử theo Hai Bà Trưng đền nợ nước trả thù nhà; nữ thần tướng song sinh Phùng Thị Tú, Phùng Thị Huyền (Ả Tú, Ả Huyền) là hai chị em song sinh ở thôn Rau Cốc chiêu mộ binh sĩ góp sức theo Hai Bà Trưng cứu nước; năm 528 có Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa; Bố Cái Đại Vương - Phùng Hưng thế kỷ thứ VIII năm 791; Thái phó lưỡng triều Lý - Trần Phùng Tá Chu thế kỷ XIII; dưới thời Lê Thái Tổ có Phùng Nhậm làm đến Tả thị lang; thế kỷ thứ XV, có Giám nghị đại phu Phùng Tiến Đạt và con gái là Phùng Thị Thục Giang sau này là Hoàng hậu Phùng Thị Thục Giang; năm 1528-1613, thời Lê có Thái tế mai quận công Hoàng Giáp - đệ nhị Giáp tiến sĩ Phùng Khắc Khoan, và nhiều nhà khoa bảng, trí thức họ Phùng trong các triều đại phong kiến có đức, có tài đã đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ và chấn hưng đất nước. Nối tiếp truyền thống các bậc tiền nhân họ Phùng, từ đầu thế kỷ XX đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta đã trải qua nhiều cuộc kháng chiến lâu dài anh dũng chống giặc ngoại xâm và trong sự nghiệp xây dựng chấn hưng đất nước, các thế hệ người họ Phùng tiếp tục đồng hành cùng bách họ Việt Nam đóng góp mồ hôi, xương máu, vật lực, tài lực, trí tuệ… cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, và xây dựng CNXH trên đất nước Việt Nam. Trong bài viết này do hạn chế về nguồn tư liệu và còn nhiều khó khăn khác chưa thể vượt qua, tác giả bài viết mới tập hợp và chỉ có thể giới thiệu được một số thông tin dưới đây.
CÁC BẬC TIỀN NHÂN HỌ PHÙNG TRƯỚC CÔNG NGUYÊN,SAU CÔNG NGUYÊN VÀ THỜI PHONG KIẾN.
Đại tướng quân Phùng Lực - Thời Hùng Duệ Vương thứ 18([2]).
“… Ngày tốt tháng trọng xuân năm Kỷ Tỵ
Phả ghi chép về Công thần đại lực Hộ Quốc đại vương triều Hùng Duệ Vương. (Bộ thứ 2 hàng Thượng đẳng thần, chi Khảm), theo bản chính ở Bộ Lễ quốc triều.
Nước Việt xưa, trời Nam khởi vận, núi non sông biển phân giới ở địa phận sao Dực, Chẩn. Đất nước thủơ mới phân phong chạy thẳng theo hướng địa phận sao Đẩu sao Ngưu.
Từ thời triều Hùng khởi vận, các bậc thánh tổ gánh vác cơ đồ, một dòng nước biếc, các đời khởi Thánh đế đều là bậc minh vương. Núi xanh vạn dặm, cơ đồ thành đô cung điện được khai sáng. Mở mang muôn vật, cứu vớt muôn dân, thống trị 15 bộ, thế lực đại vượng hùng mạnh.
Các đời vua trị nước có tới hơn 2800 năm, đất nước vững vàng như bàn thạch. Đến đời vua Duệ Vương, lập đô ở vùng gần sông Bạch Hạc (Việt Trì), xây dựng quốc hiệu là Văn Lang, quốc đô là Phong Châu.
Hùng Duệ Vương là bậc đại lực hùng tài, tư chất kiêm thánh triết, kế nghiệp xây dựng, bồi đắp cơ nghiệp của tổ tiên suốt 17 đời cường thịnh. Bên trong thì tu sửa văn hoá, bên ngoài thì phòng bị bốn phía, tất cả đều tốt đẹp hưng bình, lấy đó yên ổn đất nước.
Đương thời gian đó, ở làng Thung Xá, huyện Đông An,phủ Khoái Châu, đạo Sơn Nam nước Việt ta có một người thi thư quán thế, hiếu đễ truyền gia, họ Phùng tên Đặng; vợ là Lưu Thị Tuấn cả đời tích đức hành nhân, “tam sinh hương hoả”([3]).
Một đời phong lưu, yểu điệu xinh đẹp phong thái thư thả có thừa. (Nhưng) trong nhà, gia cảnh bần hàn, lấy nghề y làm nghiệp, cứu nhân độ thế, tạo phúc tu nhân, không mảy may hại người, không tơ hào ham lợi, chẳng chút nghĩ cho riêng mình. Phàm những việc cứu người tạo phúc không việc gì không dốc hết sức thi hành. Con người ta tin rằng hành thiện tất sẽ được báo đáp.
Một hôm trời trong xanh gió mát, hai vợ chồng Phùng công cùng ngồi trước sân nhà, uống rượu gảy đàn, rượu ngọt ngà ngà say, tự nhiên chìm vào giấc mộng, rồi bỗng thấy có ánh sáng màu đỏ rực khắp nhà, lại thấy có con rồng vàng tựa như con thằn lằn xuất hiện, biến hóa thành một đôi khổng tước. Khi tỉnh dậy mới biết đó là giấc mộng Hoàng Lương([4]). Từ đó([5]) (bà họ Lưu mang thai. Trong suốt thai kì cho đến kì mãn nguyệt khai hoa bà thường nghe thấy tiếng thầm đọc rằng: đại tài trời định, sẽ giáng thần đầu thai), do thần tác thành, tài năng siêu quần hơn người thường, văn chương quán triệt, võ giỏi thao lược. Vào ngày mùng 9 tháng 3 tiết xuân năm Giáp Dần, đang lúc đêm xuống vợ chồng Phùng công cùng ngồi trước sân, đến nửa chừng canh ba, mơ màng tựa như chìm vào giấc mộng, bỗng bên tai thấy có tiếng nói rằng: Cha hề mẹ hề, phụng mệnh thiên đình đầu thai vào cha mẹ nhà ta. Con mong được mở cửa. Phùng công run rẩy trở dậy, ra ngoài mở cửa. Nhìn ra bốn phía không thấy bóng dáng người nào. (Ông) bái vọng, ngước mặt nhìn trời cao, chỉ thấy trăng trong gió mát. Duy có một đám mây màu vàng từ phía Tây bay tới. Phùng công thấy thật kì lạ, rồi trở vào trong nhà. Trong khoảnh khắc ấy thì bà Lưu thị lâm bồn. Đến giờ Dần ngày 10 tháng 3 bà Lưu thị sinh hạ được một bé trai.
Thần phong tuấn tú nghiêm nghị, phong thái khôi ngô kì lạ, hơn hẳn người thường. Năm lên 16 tuổi, (cậu bé) đã có sức mạnh nhấc nổi đỉnh lớn, bạt nghiêng núi. Cha đặt tên cho là Lực Công.
Lúc cậu bé lên 8 tuổi đã được cha cho theo học cụ Hiên Đường tiên sinh. Học được vài năm mà cậu bé đã có văn chương quán triệt, năng lực ghi nhớ hết cả chữ trên tường nhà Khổng (Tử), Mạnh (Tử), tứ khóa tam khôi không gì không thuộc. (Võ) giỏi thao lược Tôn Ngô([6]). Phàm tất cả việc trên trời cho đến địa lý dưới đất không việc gì là không biết; không vật gì mà không hiểu. Người thời đó đều gọi ông là Thánh Đồng. Ông đặc biệt giỏi cung tên, thích đọc binh pháp. Lúc nào có thời gian đều ngồi đàm đạo bàn nghị, khiến tất cả bạn hữu không ai không kinh ngạc và kính phục. Ông thường nói rằng: Làm người, từ xưa đến nay, các bậc thánh hiền đều phải lập được công danh; không tới chốn sa trường, lấy da ngựa bọc thây thì cũng coi như đồ hỏng. (Làm được những việc như thế) mới là kẻ đại trượng phu có gan lớn. Nhân đó ông làm một bài thơ rằng:
Nhĩ mục tu mi thiên phú chi,
Công danh, sự nghiệp chính đương kì,
Vi nhân tử giả đương như thị
Khứng tác sa trường cách cổn thi.
Tạm dịch:
Tai, mắt, râu tóc trời đã phú cho
Công danh sự nghiệp lúc đương thì
Làm người chí trai đương như vậy
Sao chẳng làm da ngựa bọc thây.
Đến khi ông 20 tuổi, cơ hồ vận trời đã làm ra như vậy ư?!!! Chỉ trong một năm mà cả cha và mẹ ông đều nối tiếp nhau qua đời. Lực Công gào khóc gọi trời xanh, nhưng vận trời đã định làm sao có thể níu kéo được!.
Thế là ông bèn chọn nơi đất tốt rồi hành lễ mai táng, hương hỏa trong nhà phụng thờ suốt ba năm ròng. Ông vẫn thường than rằng: Cha mẹ có công ơn dưỡng dục sinh thành. Ta vô cùng sót thương cha mẹ. Công lao dưỡng dục, nay tình cảnh hóa ra như vậy mà vẫn chưa có mảy may báo đáp. Ngày sau dẫu có muôn chung vạn tứ([7]) những mong xin được báo đáp chăng?
Từ đó ông thường nuôi chí lớn, đàn hạc trăng thanh gió mát, chu du khắp nơi từ chân trời tới góc bể, từ vùng núi tới đồng bằng, những nơi nào thôn dã thoáng rộng cùng lặn lội tìm đến. Cũng có lúc dạo chơi nơi dòng sông bến nước, có lúc lại đội trăng trong theo dòng nước chảy xuôi.
Một hôm, Lực Công nghe thấy ở vùng động Lăng Sương huyện Gia Hưng phủ Hưng Hóa đạo Sơn Tây có vị Tản Viên Sơn Thánh, có nhiều phép biến hóa thần thông, kẻ sĩ trong thiên hạ đua nhau kéo về học tập. Lực Công bèn tìm đến yết kiến Sơn Thánh. Sơn Thánh nhìn thấy ông, văn võ song toàn, thông minh dĩnh ngộ, là một trong những bậc tuất kiệt nên tôn trọng, tiếp đón ông như thượng khách, khoản đãi hậu hĩnh.
Lại nói, lúc đó cơ nghiệp vua Hùng đã sắp hết, ý trời đã cáo chung. Nhà vua sinh được 20 Hoàng tử và 5 công chúa nhưng tất cả đều lần lượt trở về với quê hương của đế, chỉ còn có hai công chúa: Người thứ nhất tên là Tiên Dung Công chúa, đã gả chồng là người cùng quê với Lực Công[8]. Người đó tên là Chử công Đồng Tử. Còn Công chúa thứ hai là Ngọc Hoa công chúa, trăng tròn đến độ, mặt ngọc chánh phong, trong sáng đoan trang lương duyên tốt đẹp, nhưng quế hoè chưa định. Duệ Vương bèn cho xây lầu ở cửa thành Việt Trì, ban chiếu chỉ cho thần dân trong thiên hạ, ai thông minh tài trí, đức độ anh hùng để định kế gả chồng cho công chúa và nhường ngôi cho.
Ngày hôm đó, trên sông tầu thuyền đậu kín, dưới lầu xe ngựa hàng vạn dăng hàng, văn chương múa bút như rồng bay phượng múa, sao sa sông lạnh. Võ trận tung hoành như hổ báo hồn kinh, sấm vang chớp động lôi đình. Chân trời góc bể, anh hùng trong bốn biển đều được thi thố nhưng đều thất bại, lục tục kéo nhau ra về, chưa có vị nào được toàn tài, xứng đáng như trong chiếu chỉ thông báo. Bài thơ Đào yêu([9]) chưa có người cùng ngâm câu cầm sắt. Người đời sau có thơ nói rằng:
Nhất trường gia quốc thôi tình động
Tứ hải anh hùng lão nhan ngung
Bất mịch việt thành xuân toản thược
Nhi thùy khởi thủ vị thùy phong.
Tạm dịch:
Một nhà gia quốc tình sao động
Bốn bể anh hùng mòn mắt trông
Việt Trì thành xuân còn khóa chặt
Ai có thể giang tay mở gió.
Lúc đó, Tản Viên Sơn Thánh nghe thấy chuyện đó mới nói với Lực công rằng: Từ xưa để xứng với giai nhân khó có anh hùng. Huống chi lại còn để lấy được công chúa ư? Nay kinh thành đế nữ([10]) thực có vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, ta không quản ngại đường xa mà đến cầu thân. Ta sẽ đích thân đến. Nói xong ngài chầm chậm đến trước lầu. Duệ Vương ngự ở đó xem thi đấu, khi nhìn thấy Sơn Thánh có nhiều tài lạ thông thiên triệt địa, có thể dời núi ngăn sông. Duệ Vương cho rằng đây là bậc kì tài nhất trong thiên hạ nên đã triệu công chúa đến mà gả cho. Sơn Thánh làm lễ bái tạ. Lễ xong rồi rước nàng trở về sơn động sinh sống. Sơn Thánh vẫn giữ Lực Công bên mình để trợ giúp Duệ Vương. Duệ Vương thấy Lực Công dung mạo đường hoàng, lẫm liệt uy phong, ngay ngày hôm ấy cho bái tạ phong tướng quân, cai quản các cánh quân và phong cho hiệu là Đại Lực sỹ tướng quân, thưởng cho không biết bao nhiêu mà kể.
Từ đó trở đi ân đức thánh trạch, mưa móc trời cao, cá nước cơ duyên. Duệ Vương lại cho phép Đại Lực tướng công tuần phong khắp thiên hạ. Trên các đạo từ Lạng Sơn dưới cho đến Quảng Đông. Lực Công phụng mệnh, tuần hành khắp thiên hạ, không nơi nào ông không tuần đến. Tất cả đều ra sức để lại công lao to lớn yên ổn cho dân. Không đêm nào ông không đi canh phòng, kiểm tra; cửa nhà ông cũng không có thời gian qua lại.
Một hôm Lực Công xa giá đến trang Cá Chử huyện Từ Kỳ, Hồng Châu đạo Hải Dương. Lực Công thấy một dòng nước, thế nước rồng ấp, quanh co uốn khúc, sao Phong dẫn mạch, các sao chầu về; bốn bề ôm ấp, rồng cuộn hổ phục, nghĩ rằng đây là nơi thắng cảnh phong quang, bèn ngâm một câu thơ rằng:
Ngân bình ngọc thiếp chu toàn
Cẩm hộ ngọc liêm thứ đệ khai
Hội khí chung thành duy tiểu mạch
Anh cư chân khả kiếm đô doanh.
Tạm dịch:
Vàng che thiếp đỡ thật chu toàn
Nhà gấm rèm ngọc những chu toàn
Hội khí tinh anh thành dòng nhỏ
Đẹp đẽ đất này đúng nơi xây dinh.
Ngay trong ngày hôm đó, ông cho gọi binh sĩ và nhân dân (trong khu) xây dựng hành cung ở ngay bên dòng nước của trang, một bên để làm nơi nghỉ; một bên để làm nơi tiêu dao ngắm trăng trong gió mát, cùng dân vui vẻ. Ông lại dùng nhân nghĩa cố kết lòng dân, lấy hòa mục mà đào luyện thành mỹ tục[11], dạy dỗ nghề nông, trồng dâu nuôi tằm; lấy lợi trừ hại. Nhân dân từ già đến trẻ ở trang Cá Chử đều đội ân ông, coi ông như mặt trăng mặt trời, như cha mẹ của họ vậy.
Lại nói, lúc đó Duệ Vương ở ngôi được 5 năm, Thục Vương (là Bộ chủ bộ Ai Lao, cũng là con cháu chi phái họ Hùng) nghe tin vua Hùng đã già yếu mà 20 người con trai đều lần lượt quy tiên, không có người nối dõi nên đã thừa cơ phát động chiến tranh, cầu viện láng giềng, chỉnh đốn quân đội, binh lính hơn vạn người, ngựa tới tám nghìn, chia làm 5 đạo quân: 1 đạo theo đường Thập Châu, Hoàng Tùng, Quỳnh Nhai ven theo núi đi; một đường từ Minh Linh, châu Bố Chính xuống; một đạo theo đường Lạng Sơn, Tuyên Quang mà đi; một đạo theo đường Hải Dương, Sơn Nam châu Ái xuất quân; một đạo đi theo hướng cửa biển Hội Thống châu Hoan. Quân thủy, lục cùng tiến quân, tiếng tăm vang dội.
Duệ Vương có ý rất lo lắng mới mời Sơn Thánh và Đại Lực Tướng quân cùng đến để tham vấn kế sách. Sơn Thánh và Lực Công đều tâu rằng: Hơn hai ngàn năm, đều là các bậc thánh hiền kế nối suốt 17 đời, tạo ân trạch sâu dày nhân nghĩa rộng khắp, tưởng chừng như gân cốt kề nhau mà nay “quốc phú dân cường”, bệ hạ uy đức vang khắp ngoài bể. Người Thục không tự bảo trọng, dám không khuất phục thì chỉ chuốc lấy thất bại mà thôi. Trong ngày sẽ mang chúng về để cho bệ hạ hỏi tội, muôn dân quy phục. Bệ hạ mà cho công chiến, chớ phải lo lắng gì đánh mà không thắng. Nay chuyện xảy ra, chúng thần nguyện nhận gian lao thay thánh giá, xin thêm 30 vạn quân, Thục Vương bất quá cũng chỉ nửa tháng là bình xong hết.
Duệ Vương vô cùng vui mừng đồng ý cho phép.
Thế rồi vào cáo trong Thái miếu. Duệ Vương thân chinh tay cầm búa giao cho Sơn Thánh, Sơn Thánh cầm búa và nói: Tòng thử thượng chí thiên giả([12]). Sơn Thánh cầm quân chính lại có Đại Lực tướng quân hỗ trợ, chia làm các cánh quân: Phía dưới từ các nhánh sông giao cho các tướng quân phụ trách, còn Sơn Thánh và Lực Công lãnh mệnh tiến quân theo đường bộ, khí thế hừng hực lên đường.
Ngày hôm đó Lực Công dẫn binh trở về trang Cá Chử, lấy ở mỗi họ tộc trong trang Cá Chử vài người để làm gia thần thủ túc. Công việc xong xuôi ông cho cử binh vừa thuyền vừa ngựa song hành thẳng tiến. Sấm nổ vang trời hai bên bờ sông, tiếng quân thuỷ - lục cùng tiến rầm rập, âm thanh vang động cả ngàn dặm, uy danh chấn động khắp nơi, khí thế đại phá tưng bừng, tiến thẳng đến chỗ quân Thục để đại chiến. Quân Thục đại bại, không thể chạy thoát, binh mã không còn một bóng. Sơn Thánh cùng Lực Công làm biểu tấu.
Báo tin mừng chiến thắng. Nhà vua ban chiếu mời về triều, mở đại tiệc ăn mừng, gia ban phong thưởng cho ba quân tướng sĩ. Phong cho Sơn Thánh làm Nhạc phủ kiêm Thượng đẳng thần. Phong cho Đại Lực Tướng quân làm Đại Lực Hộ Quốc Thượng đẳng đại vương, lại ban cho cả búa sắt và cùng nước hưởng yên vui.
Lực Công lại dâng biểu tấu xin với Duệ Vương chuẩn cho trang Cá Chử được miễn các việc binh, tô thuế và cho phép thờ thần sau khi thần trăm tuổi.
Duệ Vương đồng ý cho phép. Lực Công nghênh sắc trở về trang Cá Chử. Ngay ngày hôm đó, nhân dân trong trang Cá Chử làm lễ bái tạ chúc mừng. Lực Công cho mở đại tiệc, khao thưởng nhân dân rất hậu.
Xong việc Lực Công lại trở về triều đình.
Thời gian đó, nhà Thục cầu hoà, chăm chỉ làm ăn, xưng là phiên thần và thường xuyên cống tiến. Duệ Vương hỏi ý kiến Sơn Thánh. Sơn Thánh tâu rằng: 18 đời vua Hùng, lòng trời có hạn mới khiến ra nhà Thục thừa cơ xâm phạm; 20 Hoàng tử lần lượt ra đi. Trong lúc Bệ hạ thống nhất cõi Nam làm sao cưỡng lại ý trời? Thục Vương tuy là Bộ chủ của Ai Lao nhưng cũng là tông phái với Hoàng gia([13]); trước còn ương ngạnh nhưng sau đã xin cầu hoà, biết tiến biết thoái thì cũng là bậc hiền quân tử. Nếu nhường ngôi cho Thục Vương xong thì thần và bệ hạ cùng vui chốn thần tiên. Nếu phải chết đi thì tiêu dao chốn quê hương không tuổi([14]). Lầu phượng đài rồng, chẳng dính bụi trần. Duệ Vương nghe thấy Sơn Thánh nói vậy bèn cho triệu Thục Vương đến để nhường ngôi cho. Mọi việc xong xuôi, Duệ Vương cùng Sơn Thánh, Đại Lực công cùng nhau thăng thiên giữa ban ngày, hóa sinh vào cõi bất diệt. (Đúng vào giờ Thìn là ngày mồng 5 tháng 12).
Thục Vương lên ngôi, cảm cái ơn đã được Duệ Vương nhường ngôi nên đã trùng tu miếu vũ cung điện ở trên núi Nghĩa Lĩnh để làm nơi thờ tự.
Dân đã lập miếu vũ thờ các bậc liệt thánh triều Hùng ở núi Tản Viên làm nơi thờ tự. Lại lập miếu ở trang Cá Chử để làm nơi thờ phụng Lực Công, các triều đại đều gia phong mỹ tự là Thượng đẳng phúc thần, muôn năm hương hỏa thờ cúng, lâu dài mãi mãi. Thật là thịnh thay!.
Tặng phong Đại Lực Hộ quốc linh ứng thánh thần tiền liệt đại vương. Chuẩn cho trang Cá Chử được phép thờ phụng. (Sau này đổi tên là xã Nhân Giả).
Lại nói, từ đó trở về sau, trải các triều Tiền Lý, Hậu Lý, Đinh, Lý, Trần, Lê các đời vua khai sáng cơ đồ nhà Hùng thường giúp nước cứu dân, vô cùng linh ứng, vì thế được nhiều triều đế vương gia phong mỹ tự, lấy đó làm huyết thực ngàn năm, vạn đời còn mãi, dài lâu bất tận, yên ổn tốt đẹp thay!
- Phụng vào ngày sinh hóa các tiết cùng tên húy nhất thiết cấm dùng chữ Lực, sắc phục màu vàng cũng nhất thiết cấm.
- Ngày sinh của thần vào mồng 10 tháng 3 thì ngày mồng 8 đã hành lễ chay, lễ dưới thì dùng trâu bò, xôi rượu xướng ca.
- Ngày hóa mồng 5 tháng 12 trên dùng cỗ chay, dưới dùng lễ bằng lợn đen, xôi, rượu.
- Ngày Khánh hạ (lễ chúc mừng) vào mồng 6 tháng Giêng làm lễ và xướng ca 2 ngày.
- Ngày Khánh hạ mồng 10 tháng 8, lễ dùng lợn đen, xôi, rượu và xướng ca 2 ngày.
- Ngày Khánh hạ mồng 5 tháng 5, lễ dùng lợn, xôi, rượu và xướng ca 1 ngày.
- Ngày Khánh hạ mồng 10 tháng 10 lễ dùng lợn, xôi, rượu và xướng ca 1 ngày.
Ngày tốt tháng quý xuân (tháng 3) niên hiệu Hồng Phúc nguyên niên (1572), Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ thần Nguyễn Bính soạn.
Ngày tốt tháng mạnh đông (tháng 10) Hoàng triều Vĩnh Hựu năm thứ 4 (1738) Quản giám bách thần gia điện Hùng lĩnh thiếu khanh thần Nguyễn Hiền phụng sao lại theo bản chính.
Ngày tốt tháng trọng xuân (tức tháng 8) năm Đinh Tỵ (nhân dân) thôn Nhân Giả xã Vinh Quang huyện Vĩnh Bảo hạ bút thừa sao lại theo bản chính.