Có thể nói, Người thầy đã góp phần viết nốt phần còn lại về cuộc đời nhà tình báo vĩ đại Ba Quốc - Đặng Trần Đức. Với những gì mọi người đã viết, đã nói về ông đều ở dạng tiếp cận nhất thời ở phía ngoại đạo, cho dù đó là các nhà văn, nhà báo thì cũng bị những giới hạn nhất định, còn Người thầy được viết bởi một người hiểu ông Ba Quốc nhất, một nhà tình báo cấp dưới được ông đào tạo, và nhất là lại là người đã có hai mươi năm gắn bó tâm đầu ý hợp. Bởi thế, cuốn sách này là bức chân dung đầy đủ nhất về Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức, một huyền thoại tình báo Việt Nam.
(Tiếp theo kì trước)
Hơn cả một người thầy
Ông Ba Quốc - Đặng Trần Đức và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh có lẽ còn hơn một mối quan hệ thầy - trò. Không hẳn là vì Nguyễn Chí Vịnh là con trai duy nhất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được các lãnh đạo cấp cao khi đó gửi gắm để bồi dưỡng, rèn luyện, mà còn có một cảm tình đặc biệt khó giải thích trước những gì ông Ba Quốc - Đặng Trần Đức dành cho Nguyễn Chí Vịnh.
Từ chỗ là một cậu ấm con cưng được đích thân ông Sáu Nam (Đại tướng Lê Đức Anh) khi đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng gửi gắm cho Đoàn 817 tại Mặt trận 719 trên chiến trường Campuchia mà ông kiêm vị trí Tư lệnh, và được giao về dưới quyền ông Ba Quốc, khi đó là Đoàn phó Đoàn 817 phụ trách Phòng N đề kèm cặp vào năm 1984. Ông Ba đã thẳng thắn bảo, sang đây chỉ có một việc là chú tâm vào làm việc, không làm được thì nói để ông báo cáo lên trên cho về hay chuyển công việc khác. Câu nói đó đã chạm vào tự ái của người lính trẻ sau khi ra trường đã lên gặp lãnh đạo cấp cao của Bộ, là một người đồng đội lớp sau của bố, không phải để chào mà là để xin đi Campuchia chiến đấu.
Bài học đầu tiên trên đất Campuchia của cậu học viên vừa tốt nghiệp sĩ quan thông tin là khi cậu mặc nguyên quân phục cân đai mũ mão đến gặp Đoàn Phó phụ trách Phòng N thì ông Ba Quốc nhìn cậu bật cười bảo: Ở đây việc đầu tiên là cất hết quân phục, cứ liên quan đến quân đội thì cất hết đi. Từ quân phục, giày, mũ, đến đôi tất... cất hết, trừ khi đi họp ở trên Đoàn mới sử dụng đến.
Đầu tiên cậu làm những việc "long tong" ở Phòng N, sau đó được cho xuống Đội X là đội đảm đương những nhiệm vụ trọng yếu nhất của phòng. Sau khi được cho thử viết báo cáo và trải qua một vài thử thách Nguyễn Chí Vịnh trở thành trợ lí cho ông Ba Quốc. Từ đó, mỗi bữa cơm chiều trên đất bạn Campuchia hai thầy trò vẫn rỉ rả những câu chuyện công việc, chuyện đời thường. Cũng từ những bữa cơm chiều với những câu chuyện vu vơ nơi xa xứ ấy mà toàn bộ quãng đời hoạt động trong lòng địch của ông Ba tự lúc nào đã thấm vào người học trò tâm đầu ý hợp của ông Ba. Sau này hồi tưởng lại, Nguyễn Chí Vịnh mới thấm thía những gì ông Ba dành cho mình, mới cảm thấu được tầm cỡ của người thầy về tài năng và nhân cách cũng như những cư xử đặc biệt ông dành cho cậu.
Có những ứng xử mà ngay khi còn trẻ Nguyễn Chí Vịnh cũng chưa thể hiểu hết ý nghĩa đằng sau một hành động lạ lùng nào đó. Như là phép thử khi có lần ông Ba Quốc giao cho cậu trợ lí trẻ khai thác một tên tù binh lọc lõi phía bên kia để hắn giở ra những ngón nghề hiểm độc khiến cậu nóng mắt, qua nắm bắt ông đã bí mật cho ém quân hỗ trợ khiến Nguyễn Chí Vịnh cảm thấy không được tin tưởng và tôn trọng. Cậu đâu biết rằng người thầy lớn đã lo xa cho tương lai của cậu, không muốn để người trợ lí trẻ dính sâu vào tình báo địch, làm việc với tình báo địch. Phải hơn mười năm sau Nguyễn Chí Vịnh mới ngộ ra điều này khi hai thầy trò nhắc lại chuyện cũ. Những gì ông Ba Quốc giải thích khiến Nguyễn Chí Vịnh nghe mà sởn da gà bởi tầm nhìn của người thầy. Lúc ấy cậu mới thấm thía những tình cảm âm thầm, sự lo lắng thực lòng từ rất sớm ông Ba Quốc dành cho mình.
Có một chuyên án do chính Nguyễn Chí Vịnh lên kế hoạch và chuẩn bị, nhưng khi triển khai vào trận thì cậu lại bị gạt ra khỏi danh sách. Lần này, đã gần với ông Ba Quốc hơn, cậu gặp thẳng nêu thắc mắc ấy chứ không chịu nhẫn nhịn như lần trước. Ông Ba Quốc nói rằng, các chuyên án sau cậu tham gia thế nào cũng được, nhưng bây giờ vợ cậu gần sinh cậu hãy ở nhà. Đó là điều mà Nguyễn Chí Vịnh, một người trẻ tự trọng cao, say mê với nghề không hề nghĩ tới. Ông lo cho tính mạng của cậu hơn cả cậu ở những tình huống như thế. Những ứng xử mà chỉ những người từng trải, hiểu đời và có một trái tim nhân ái mới có.
Ở Người thầy có những câu chuyện về tình thầy trò sâu nặng khiến người đọc rơi nước mắt. Như hồi ức về lần trở lại Campuchia năm 1997 của Nguyễn Chí Vịnh. Tình thế vô cùng ngặt nghèo, nhiệm vụ gây dựng mạng lưới và tổ chức hoạt động trong trong tình trạng có thể bị dồn đến bước đường cùng bất cứ lúc nào. Một người với 24 năm hoạt động đơn tuyến trong lòng địch như ông Ba Quốc, không tình huống nào chưa chứng kiến, chưa trải qua, ông hiểu mức độ nguy hiểm trong chuyến đi lần này của người học trò. Trước khi chia tay, Ba Quốc trao cho người cấp dưới một vòng dây gai xâu những chỉ vàng để phòng thân. Đó là những con bài bất đắc dĩ mà khi dồn đến đường cùng người cán bộ tình báo sẽ phải dùng đến để thoát thân, để mua mạng sống.
Trong những tình thế nút thắt như thế, ông Ba Quốc đã có những ứng xử khiến người học trò Nguyễn Chí Vịnh không bao giờ quên được.
Thầy trò Ba Quốc - Đặng Trần Đức - Nguyễn Chí Vịnh năm 1994. Ảnh: TLNXBQĐND
Chuẩn bị cho tương lai của ngành
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chung, ông Ba Quốc đã chuẩn bị tốt nhất cho cậu học trò đặc biệt những hành trang để có thể đảm đương công việc ở những vị trí cao, phần nào không phải thế mạnh của ông thì ông gửi gắm sang những người thầy khác. Và luôn luôn muốn người trò ấy ngồi vào vị trí mình đang quản lí nhanh nhất, xứng đáng nhất, theo một cách hơi cực đoan và quyết liệt. Ông đã đưa Nguyễn Chí Vịnh vào vị trí Cục phó Cục 12 ở tuổi 37, rồi vị trí Cục trưởng, sau nữa là Phó Tổng cục trưởng, rồi đảm đương vị trí Tổng cục trưởng Tổng cục II vào năm 2000 khi Nguyễn Chí Vịnh mới 41 tuổi, còn các cán bộ ngang cấp thì đều đã sáu bảy mươi. Ngay lúc đó thì còn có thể có những ý kiến khác, nhưng sau này nhìn lại sẽ thấy đó là một bước đi rất sớm, một bước chuẩn bị rất xa cho sự chuyển giao thế hệ và quan trọng hơn là chuyển tiếp nhiệm vụ mới của ngành tình báo quân đội một cách ngoạn mục, để Quân đội có thể gánh vác những trọng trách mới, ở những lĩnh vực hoàn toàn mới và vẫn hoàn thành xuất sắc. Như có lần ông từng nói: Ngành tình báo phải có sự đổi mới, và muốn đổi mới thì phải có con người mới. Cậu phải cố để là một trong những người như vậy.
Bên cạnh chuyện công việc và sự nghiệp tình báo vốn là sự kết dính chính thì đời tư hai thầy trò cũng có sự gắn kết sâu sắc. Việc hôn nhân của Nguyễn Chí Vịnh với con gái ông Vũ Chính cũng được ông Ba Quốc hậu thuẫn nhiệt thành và ý nhị. Ở một mức độ nào đó, ông đối với Nguyễn Chí Vịnh còn hơn cả những người ruột thịt. Ngay cả khi Thiếu tướng Đặng Trần Đức đã nghỉ hưu thì mối quan hệ giữa hai người vẫn không hề thay đổi, cho dù người học trò khi xưa nay đã ở vị trí lãnh đạo cấp cao. Sự qua lại, thăm nom và hàn huyên, trao đổi nghề nghiệp giữa họ vẫn diễn ra thường xuyên cho đến những năm cuối đời của Đặng Trần Đức. Sau khi ông mất thì Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với gia đình người thầy của mình, cả người vợ trước của ông là bà Phạm Thị Thanh cùng hai người con ở Hà Nội cũng như người vợ sau, bà Ngô Thị Xuân và các con ở TP. Hồ Chí Minh.
Ở một khía cạnh khác, dù là cuốn sách viết về Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức, nhưng trong Người thầy tác giả đã vẽ nên chân dung của rất nhiều những người thầy khác. Đó là ông Sáu Nam (Đại tướng Lê Đức Anh, trước là Tư lệnh Mặt trận 719, sau đó làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng rồi Chủ tịch nước) với những quyết sách cực kì nhạy bén trước những dự báo tình hình đất nước, kể cả khi còn là vị tướng chỉ huy ở các cương vị khác nhau trong Quân đội hay khi đã ở cương vị Chủ tịch nước. Đó là các tướng tình báo Hai Trung (Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn), Tư Văn (Trung tướng Nguyễn Như Văn, Tổng cục trưởng Tổng cục II đầu tiên), Vũ Chính (sau này là Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục II), Sáu Trí (Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm, nguyên Trưởng phòng Tình báo Miền J22), Ba Quang (Đại tá Trang Công Doanh, nguyên Trưởng phòng N, Đoàn 817),... Tất cả những người thầy ấy cũng đã góp phần vào việc chuẩn bị cho ngành tình báo quân đội một ứng viên vào vị trí lãnh đạo ngành. Và thực tế cho thấy, Nguyễn Chí Vịnh sau đó đã đảm đương xuất sắc vai trò đứng đầu ngành tình báo quốc phòng, mở ra những trang mới cho Tình báo Quân đội.
Trong Người thầy, Nguyễn Chí Vịnh viết: "Như vậy, trong khoảng 3 - 4 năm tôi phải đi theo học ba người thầy, một người dạy về chỉ huy tình báo, điệp báo, một người dạy về truyền thông báo chí, tình báo hướng ngoại và một người dạy về công tác kế hoạch tình báo". Có thể nói, từ cách đào tạo tổng hợp như thế của ông Ba Quốc đã làm nên một Nguyễn Chí Vịnh trên những cương vị, chức trách sau này.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh thời trẻ và vợ chồng ông Ba Quốc. Ảnh: TLNXBQĐND
Lời nhắc nhớ về một con người bất tử
Đó là lời của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dành cho người thầy vĩ đại của mình. Với sự tận tuỵ cống hiến và năng lực bẩm sinh, ông Ba Quốc đã trải qua cả ba vị trí của ngành tình báo, là một điệp viên, người chỉ huy tình báo điệp viên, lưới điệp viên, và làm lãnh đạo hàng đầu chỉ đạo hoạt động của ngành. Ở mỗi vị trí ông đều bước giữa lằn ranh của sự thành - bại, sống - chết.
Hoạt động trong hàng ngũ địch, làm chuyên viên tại Sở nghiên cứu Chính trị Xã hội của Phủ Tổng thống, sau đó làm sĩ quan trợ lí cho cục trưởng Cục Tình báo Quốc nội tại Phủ Đặc uỷ Trung ương Tình báo Sài Gòn của chính quyền Việt Nam Cộng hoà ông có tên Nguyễn Văn Tá. Ông giữ lối sống thanh đạm, không ăn chơi, không bài bạc. Lương của ông ở Phủ Đặc uỷ rất cao thường được ông chia làm ba phần, một phần dành học tiếng Anh để tiếp xúc và nắm tin tức từ những người Mĩ, một phần đưa vợ nuôi con và một phần để bồi dưỡng cho các nguồn tin, vì thế cuộc sống trở nên eo hẹp trong khi những người khác sống ăn chơi dư dả. Bởi lối sống ấy, ông vẫn được đồng sự gọi là Tá “Bụt” với hàm ý ông kham khổ như thầy tu. Gần người thầy của mình bao nhiêu năm, Nguyễn Chí Vịnh biết cả những thói quen ăn uống, ngủ nghỉ của ông Ba Quốc. Dù hoạt động trong môi trường cuộc sống quan chức cao cấp của chế độ Việt Nam Cộng hoà phải hoà nhập nhưng sau này ông vẫn giữ thói quen, ngủ thì chỉ thích ngủ chiếu, còn tắm thì chỉ thích múc bằng gáo giội lên mình. Sự khắc kỉ, giản đơn gần như đã thành bản năng gốc, khó mà thay đổi.
Lối sống nén mình xuống, quên mình đi ấy cũng được ông áp dụng với cả gia đình và những người thân. Ở Người thầy, người đọc rớt nước mắt trước những chi tiết lần đầu tiên được một người cấp dưới, một học trò đặc biệt kể về cuộc đời Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức. Từ món quà gửi Nguyễn Chí Vịnh mang từ Campuchia về dịp tết năm 1986 khi cấp dưới về phép với lời dặn: Cậu đem cái này về cho bà nhà tôi, nói là tôi vẫn khoẻ. Khi về nước Nguyễn Chí Vịnh tìm đến nhà trao món quà đóng gói kín với ba từ "Gửi bà nó" bên ngoài, bà Thanh vợ ông mở ra thì đó là một gói mì chính Ajmonoto. Bà sai người con rể chia gói mì chính 2,5 lạng ấy ra làm 4 phần cho những người khác nhau. Dù quản lí trong tay cả tấn mì chính cùng bao thứ vật chất quý giá khác nhưng ông cũng chỉ mua một gói bằng tiền lương của mình để gửi về nhà. Một lần gửi quà về nhà khác khi ông đã về công tác tại TP. Hồ Chí Minh gửi một người thân của gia đình là phi công quân sự khi anh ra Hà Nội, cũng là một thùng quà bọc kín. Về Hà Nội, người phi công ấy chở quà bằng xe máy qua cầu Long Biên để sang Đông Anh đưa cho bà Thanh khi ấy đang trông con cho cậu con trai ở khu tập thể Nhà máy Z125 thì bị công an giữ lại bắt khui ra kiểm tra vì nghi là hàng lậu. Món quà của "con át chủ bài tình báo" vì thế bị phơi bày gồm 6 gói mì ăn liền, 2 tút thuốc lá Phù Đổng và vẫn là mấy lạng mì chính. Tất cả chỉ có thế ở cái thời mà người người đánh hàng từ Nam ra Bắc, tận dụng mọi cơ hội để làm giàu. Có thể nói ông Ba Quốc - Đặng Trần Đức đã cống hiến, hi sinh đến kiệt cùng và thực hành một cuộc sống khiêm nhường đến khắc khổ với cả bản thân và gia đình.
Sinh thời ông cũng không muốn mọi thứ mình đã làm được hé lộ và nhắc đến, ông muốn chúng được khép lại và quên đi. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói rằng, trước đây, khi ở cương vị Tổng cục trưởng Tổng cục II (Tổng cục Tình báo Quân đội), để mọi người hiểu hơn về ngành tình báo Quân đội ông đã động viên các thủ trưởng cũ, động viên “những ông già tình báo” chịu khó nói về mình, về những gì mình đã từng làm với truyền thông, phải rất khó khăn ông mới kết nối được các nhà văn, nhà báo với những nhà tình báo hàng đầu, hòng gặp gỡ tiếp xúc để viết về cuộc đời của họ, trong đó có ông Ba Quốc. Vì thế một phần cuộc đời ông và một số nhân vật tình báo hàng đầu của đất nước mới được hé lộ. Và cho đến cuốn sách này, cuốn sách do chính người trò mà ông đào tạo, người học trò, người cấp dưới đã đồng hành cùng ông nhiều năm tháng viết thì chân dung của nhà tình báo vĩ đại càng trở nên rõ nét hơn bao giờ hết. Dù vẫn còn đó nhiều khuất lấp, vẫn còn những vùng mờ, vẫn còn những điều phải giữ kín, nhưng ông đã trở nên bất tử trước hết là trong lòng người học trò mà ông “đắc ý” nhất, trong lòng Tổ quốc và nhân dân.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói rằng, ông đã đọc hết những cuốn sách viết về ông Ba Quốc nhưng nhận thấy chẳng có một dòng nào người thầy ấy nói về mình. Thế nên, là người trong cuộc, lại am hiểu hơn ai hết về những người ông luôn dành một sự kính trọng đặc biệt, bởi vậy ông đã dặn mình sẽ làm công việc “điền vào chỗ trống ấy” khi có thể. Và bây giờ ông đã phần nào làm được bằng một cuốn sách khổ lớn có độ dày ngót 500 trang in. Nhưng, cũng giống như những người thầy đáng kính của mình, người đọc không nhận thấy một chút tự đề cao mình của tác giả khi đọc Người thầy.
Khi những trang cuối của Người thầy khép lại, trong tôi là sự bồi lắng của những cảm xúc, của sự thấu hiểu, trân trọng, khâm phục và biết ơn. Gấp cuốn sách lại, tôi cứ phảng phất ý nghĩ, một ngày nào đó, sẽ lại có một cuốn sách khác do một nhà tình báo nào đó thế hệ hôm nay viết về một người thầy của mình, và người thầy đó là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Theo NGUYỄN XUÂN THỦY / VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI