(Chủ nhật, 10/04/2022, 02:39 GMT+7)

Sáng 9 tháng 4 năm 2022 (tức 9 tháng 3 Âm lịch), Đoàn Hội đồng họ Phùng Việt Nam do Thạc sĩ Phùng Quang Trung, nguyên Trưởng phòng Văn học thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Chánh Văn phòng; Thạc sĩ Phùng Anh Đông, Phó Chánh Văn phòng; Thạc sĩ Phùng Xuân Hưng, đại diện Câu lạc bộ Tuổi Trẻ họ Phùng Việt Nam đã đến dự, dâng hương và viếng lăng mộ kính lễ Nữ Thần tướng Phùng Thị Chính “Nhất vị Đại Vương Công chúa Nội thị Tướng Quân Trung Lương Tướng, cánh tay phải của Trưng Nữ Vương nhị vua Hai Bà Trưng năm 40 sau Công Nguyên” tại đền Thanh Lãm, phường Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội.

Tham gia phối hợp cùng dâng hương và viếng lăng mộ có ông Phùng Tiến Vững (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Ba Vì, Chi hội trưởng Người Cao tuổi), ông Phùng Văn Quỳnh (Bí thư Chi bộ); ông Nguyễn Đức Ban (Trưởng thôn) là đại diện quê gốc của Nữ Thần tướng Phùng Thị Chính (thôn Tuấn Xuyên, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội); đông đảo cán bộ, dân thôn, Ban Quản lý Di tích “Đình, Đền, Miếu, Chùa, Lăng mộ” và toàn thể bà con thập phương quan tâm tới bản sắc di sản truyền thống của làng Thanh Lãm.

Đền Thanh Lãm, dân gian vẫn gọi là đền “Linh Tiên Từ” tức là Thờ người con gái rất linh thiêng (xưa thuộc trang Thuần Lãm Nhất, thôn Nhất Xã, huyện Thanh Oai, Phủ Ứng Thiên, đạo Sơn Nam). Theo Thần tích thì Nữ Thần tướng Phùng Thị Chính sinh ngày 10 tháng 4 Âm lịch, là con quan Lạc hầu Phùng Văn Bổng và bà Hùng Thị Tuyết (họ Hùng Vương) gọi bà Man Thiện (thân mẫu của Hai Bà Trưng bằng dì. Năm mười hai tuổi, mồ côi cha mẹ phải ở với dì, lớn lên kết duyên với Đinh Lượng (là bộ tướng của Thi Sách gọi Thi Sách bằng cậu), cả hai cậu cháu cùng nhiều tướng lĩnh bị Tô Định sát hại. Thù chồng, nợ nước, mặc dù khi đó mang thai nhưng bà vẫn tham gia đạo quân khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và trở thành danh tướng xuất sắc, một nữ trinh sát viên đầu tiên Việt Nam mưu trí, dũng cảm, có tài xuất quỷ nhập thần, được Hai Bà Trưng cử đi dò xét tình hình và bố trí lực lượng của giặc Hán trong thành Luy Lâu do Thái thú Tô Định chiếm giữ. Vốn người kiên trung gần dạ, mưu lược, bà thường cải trang làm người ăn xin rách rưới để ra vào thành dễ dàng nắm vững đường đi lối lại cùng binh tình đồn sở và sự bố trí lực lượng của giặc Hán. Nhờ vậy, nghĩa quân nhanh chóng đánh hạ thu 65 thành trì của giặc rộng lớn trên cả nước Việt tới hồ Động Đình, thu giang sơn bờ cõi của Nam bang về một mối. Nữ chủ Trưng Trắc lên ngôi vua, ban thưởng và phong chức cho các tướng sĩ. Nữ tướng Phùng Thị Chính được ban tước “Trưởng Nội thị Tướng quân, tức Tướng quân chỉ huy trông coi các nữ hậu cần”.

Khi Hán Quang Vũ sai Mã Viện mang quân sang đánh chiếm lại nước ta, Trưng Vương phái Bình Khôi công chúa Trưng Nhị cùng Phùng Thị Chính Trưởng Nội thị tướng quân lĩnh ấn tiên phong, đem quân đến vùng Lãng Bạc ứng chiến. Tại địa danh này, trận ác chiến sinh tử diễn ra giữa quân Hán và binh lực của nhị vương Hai Bà Trưng. Nhưng chính lúc ấy, Phùng Thị Chính bị động thai, rồi sinh ra một mụn con trai, ngay giữa chiến trường. Quân Hán đang bao vây bốn phía, Phùng Thị Chính một tay bồng con, còn tay kia múa trường kiếm tả xung hữu đột chém tỳ tướng của Nhà Hán đến hơn 10 tên. Phùng Thị Chính phá được vòng vây, chạy về. Hai Bà Trưng hạ lệnh rút quân về Cấm Khê. Rồi sau nhiều trận chiến đấu, quân ta lâm vào thế bị bao vây, Hai bà Trưng không chịu rơi vào tay giặc, đã nhảy xuống dòng sông Hát tự tận. Nhiều vị nữ tướng khác cũng noi theo gương của hai Bà. Tuy nhiên, cũng còn những nữ tướng và nhiều quân sĩ khác, đã kịp tản đi các nơi, tránh được sự truy lùng của quân giặc. Phùng Thị Chính bồng con chạy đến miền núi Tuấn Sơn sống mai danh ẩn tích được ba tháng. Nhưng thật không may, vào lúc ấy miền này lại xảy ra nạn lụt, dân chúng lâm vào cảnh vô cùng khốn khó. Bà nữ tướng bèn đưa hết của cải còn lại của mình chu cấp cho dân, trong khi, chính đứa con của bà cũng không cứu được. Nạn đói của vùng này, vì thế, được cứu vãn.Còn lại một thân một mình, bà nữ tướng đã sống như một thường dân. Nhưng sau đó, lại xảy ra một chuyện không may khác: Tên tướng cai trị nhà Hán thấy bà xinh đẹp, đã cho quân đến bắt về làm vợ. Quyết không để lọt vào tay quân giặc, bà chạy thẳng ra bờ sông, rồi lao mình xuống nước xiết quyên sinh rồi tự dưng mất hút. Lúc Ngài hóa bỗng nổi cơ mưa gió vần vũ, song cuộn ầm ầm, trời đất tối tăm, quân nhà Hán đều chạy tán loạn cả. Hôm đó vào ngày 6 tháng 9 Âm lịch. Xác của Nữ Thần tướng theo dòng sông Hát cổ trôi dạt qua trang Thuần Lãm, dân thôn Thuần Lãm làm lễ phục hồn cho bà và xây Lăng mộ, đền, miếu thờ bà - Tôn bà Phùng Thị Chính làm Thành hoàng làng thờ cho đến ngày nay. Dân thôn làng Thanh Lãm lấy ngày phục hồn cho bà là ngày Giỗ vào ngày 9 tháng 3 Âm lịch hằng năm.

Hiện ở đình, đền, miếu Thanh Lãm có bộ long  ngai cổ (thời Lê Mạc), bài vị, câu đối cổ, chuông đồng, bia đá cổ có sắc chỉ “Phùng Thị Chính Trưởng Nội Thị Tướng Quân Trung Lương, Tướng Trung Đẳng Thần Linh vị”.

Có các bài thơ rằng:

“Trung với Vua, vẹn nghĩa cùng chồng
Tiếng thơm còn mãi với non sông
Nàng Phùng tuy mất danh còn đó
Đền miếu lưu truyền với núi sông”


Hay: “Giết Hán tạc giữ tròn đạo nghĩa
Phù Trưng Vương xung trận quên mình”


Hay: “Thời Trưng Vương non sông lưu dấu tích
Dòng Hát Giang miếu điện vẫn linh thiêng”


Hay: “Nơi đền trang nghiêm thờ nữ tướng
Đất thiêng khí sánh với thiên thần”


Hay: “Một dải sông trong quanh có dòng ngọc 
Đất thiêng ngàn năm sừng sững miếu thờ”


Hay: “Giữ tấm lòng trung với vua vẹn nghĩa cùng chồng
Danh tiết xứng đáng để lưu truyền với non song
Phùng Nương tuy qua đời tên tuổi vẫn ở lại
Đền miếu còn đây mãi trên quê hương nước ta”.

(Thạc sĩ Phùng Quang Trung, nguyên Trưởng phòng Văn học thuộc Bộ VHTTDL
 - Chánh Văn phòng Hội đồng họ Phùng Việt Nam lược ghi, đêm 9/4/2022)

Sau đây là một số hình ảnh: