(Thứ ba, 13/09/2022, 10:15 GMT+7)

Hội nghị Đà Lạt là một sự kiện quan trọng diễn ra từ ngày 19 tháng 4 đến ngày 11 tháng 5 năm 1946 tại Đà Lạt. Hội nghị còn có tên gọi khác là Hội nghị trù bị Đà Lạt, bởi nó đóng vai trò là tiền đề chuẩn bị cho hội nghị điều đình chính thức giữa Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đệ tứ Cộng hòa Pháp diễn ra tại Fontainebleau tháng 7 cùng năm.

Nguyên nhân dẫn đến hội nghị Đà Lạt là do sự trì hoãn thi hành và vi phạm những điều khoản đã ký trong Hiệp định sơ bộ ngày 3 tháng 6 năm 1946. Bản thân Hiệp định sơ bộ do Jean Sainteny đại diện ký với Hồ Chí Minh và Vũ Hồng Khanh là sản phẩm lập trường của Philippe Leclerc, người lãnh trọng trách tái thôn tính lãnh thổ thuộc địa cũ, để có thể đổ bộ quay trở lại Bắc Bộ mà không phải đối đầu với sự kháng cự của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhiều chính trị gia Pháp và Mỹ đã phản đối Leclerc, bởi họ tin rằng Hồ Chí Minh là một phần của kế hoạch thôn tính thế giới của Liên Xô, nhưng Leclerc cảnh cáo rằng “chống Cộng sản là vô ích trừ khi giải quyết được vấn đề dân tộc chủ nghĩa[1]”. Ông thậm chí còn thẳng thừng tuyên bố: “Đàm phán bằng mọi giá![2]”. Nhưng lập trường này lại đối lập với quan điểm của Georges Thierry d'Argenlieu, Cao ủy Pháp tại Đông Dương, chức vụ mới lập thay thế danh hiệu Toàn quyền Đông Dương cũ. Cao ủy d'Argenlieu[3] chủ trương xác lập lại sự cai trị thực dân của Pháp tại Đông Dương, đơn cử bằng hành động đơn phương tán thành việc thành lập Cộng hòa tự trị Nam Kỳ ngày 27 tháng 5 năm 1946 và ra tuyên cáo công khai vào ngày 1 tháng 6. Để củng cố và làm rõ Hiệp định sơ bộ Pháp - Việt, Hồ Chí Minh muốn xúc tiến một hội nghị chính thức được tổ chức tại Pháp giữa hai chính thể có địa vị ngang bằng, nhưng ý hướng này bị d'Argenlieu ra sức phản đối. Rõ ràng d'Argenlieu chỉ muốn “giải quyết nội bộ” bằng một hội nghị địa phương diễn ra ở Đông Dương. Sau khi gặp gỡ d'Argenlieu trên tuần dương hạm Emile Bertin vào ngày 24 tháng 3 năm 1946, Hồ Chí Minh đã yêu cầu thống nhất ba điểm: 1) Sẽ có một phái đoàn Quốc hội Việt Nam do Phạm Văn Đồng sang Pa-ri thăm hữu nghị Quốc hội Pháp vào tháng 4 năm 1946; 2) Đồng thời điểm trên sẽ tổ chức hội nghị trù bị Pháp - Việt tại Đà Lạt; 3) Một đoàn đại biểu của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ sang Pháp để điều đình chính thức với Chính phủ Pháp (chính là hội nghị Fontainebleau sau này). 

Sáng sớm ngày 16 tháng 4 năm 1946, phái đoàn Việt Nam rời khỏi Hà Nội và đến Đà Lạt vào tối ngày 17 tháng 4 năm 1946. Nhân sự cụ thể của đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị như sau[4]:

1. Nguyễn Tường Tam: Trưởng đoàn, Bộ trưởng ngoại giao Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam, nhà văn, bút hiệu Nhất Linh.
2. Võ Nguyên Giáp: Phó đoàn, Chủ tịch Quân ủy hội kiêm Trưởng ban quân sự Phái đoàn, Bộ trưởng Nội vụ (1946), Quốc phòng kiêm tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam, Ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Đông Dương (Việt Nam), Phó Thủ tướng Chính phủ.
3. Vũ Văn Hiền: Tổng thư ký phái đoàn, Luật sư, Tiến sĩ.
4. Hoàng Xuân Hãn: Trưởng ban Chính trị, Giáo sư, nguyên Bộ trưởng Giáo dục - Mỹ thuật của chính phủ Trần Trọng Kim.
5. Nguyễn Mạnh Tường: Trưởng ban văn hóa, Tiến sĩ văn chương, Tiến sĩ Luật.
6. Dương Bạch Mai: Phái viên. Nhà báo, Thành viên Ủy ban hành chính Nam Bộ (Lâm ủy Nam bộ), đại biểu Quốc hội khóa I Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thanh tra chính trị miền Đông Nam Bộ, chủ tịch Hội hữu nghị Việt Xô, Ủy viên Thường vụ Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
7. Phạm Ngọc Thạch: Phái viên, Bác sĩ Y khoa. Bộ trưởng Y tế đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
8. Bùi Công Trừng: Phái viên, Nhà Hoạt động chính trị.
9. Cù Huy Cận: Phái viên, Kỹ sư Nông lâm, Nhà thơ. Từng giữ chức Bộ trưởng bộ không bộ (1945). Thứ trưởng bộ Canh nông (1946).
10. Trần Đăng Khoa: Phái viên, Kỹ sư công chánh, Bộ trưởng bộ Công chánh trong chính phủ “Liên hiệp Quốc gia”.
11. Trịnh Văn Bính: Phái viên, Trưởng ban kinh tế và tài chánh của phái đoàn. Tốt nghiệp trường Cao học Thương mại Pa-ri, Giám đốc nhà Đoan Quan thuế Hà Nội. Tháng 11 năm 1946 chính phủ “Liên hiệp quốc gia” thay đổi thành phần nhân sự, ông giữ chức thứ trưởng bộ Tài chánh.
12. Nguyễn Văn Luyện: Phái viên, Bác sĩ. Tốt nghiệp bác sĩ Y khoa, tham gia ban sáng lập và thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa I Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946.

Bên cạnh đó, phía Việt Nam còn có đoàn cố vấn giám định chuyên môn, gồm:

1. Phạm Khắc Hòe: Cố vấn Phái đoàn, Ngự tiền văn phòng Tổng lý cho vua Bảo Đại tại Huế trước năm 1945. Sau cách mạng tháng Tám, giữ chức Giám đốc Nha pháp chính, Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ, Vụ trưởng vụ pháp chế phủ thủ tướng.
2. Nguyễn Văn Huyên: Cố vấn, Giáo sư, Tiến sĩ Văn chương tại đại học Sorbonne, Cựu Bộ trưởng Bộ giáo dục (1946-1975).
3. Tạ Quang Bửu: Cố vấn phái đoàn, Giáo sư, cựu Bộ trưởng, đại biểu Quốc hội khóa I Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, rồi thứ trưởng cùng Bộ. Sau đó tham gia ủy viên Hội đồng Quốc phòng Tối cao vừa được thành lập, Chánh văn phòng Quân ủy Trung ương.
4. Hồ Hữu Tường: Cố vấn phái đoàn, Thạc sĩ toán học, nhà báo, nhà văn.
5. Nguyễn Tường Thụy: Cố vấn phái đoàn, Kỹ Sư. Anh ruột nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.
6. Đinh Văn Hớn: Cố vấn phái đoàn, kỹ sư canh nông.
7. Kha Vạng Cân: Kỹ sư, Cố vấn phái đoàn. Nguyên Đô trưởng Sài Gòn - Chợ Lớn của chính phủ Trần Trọng Kim và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
8. Hồ Đắc Liên: Kỹ sư, Cố vấn phái đoàn, về sau làm Cục trưởng Cục Khoáng chất.
9. Nguyễn Duy Thanh: Kỹ sư, Cố vấn, Chuyên viên truyền tin, đại biểu Quốc hội khóa I Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
10.  Kiều Công Cung: Thiếu tá, Tùy viên quân sự.
11. Nguyễn Văn Tình: Kỹ sư.
12. Nguyễn Văn Phác: Đại úy, tùy viên quân sự.

Về phía đoàn đại biểu Pháp gồm 14 người, nhưng thực tế là 13 người do trưởng đoàn vắng mặt:

1. Georges Thierry d'Argenlieu: Đô đốc hải quân, Cao ủy Pháp tại Đông Dương, tốt nghiệp học viện Hải quân Pháp. Trưởng đoàn.
2. Max André: Nghị sĩ, cố vấn hạt Seine, nguyên Giám đốc ngân hàng Pháp Hoa, Hà Nội. Phó đoàn. Thực tế d'Argenlieu không tham dự hội nghị Đà Lạt nên Max André thay thế làm trưởng đoàn.
3. Bourgoin: Trưởng ban kinh tế, tài chánh, phái viên.
4. Pierre Messmer: Đổng lý văn phòng Bộ Pháp quốc hải ngoại, Trưởng ban chính trị.
5. Bousquet: Quan cai trị, nhân viên Bộ Pháp quốc hải ngoại, phái viên.
6. D'Arcy: Chánh văn phòng Bộ Quân lực, phái viên.
7. Pierre Gourou: Giáo sư, nhà nghiên cứu địa lý nhân văn, chuyên gia về văn hóa Việt, Trưởng ban văn hóa.
8. Torel: Cố vấn pháp luật - Nhân viên cao ủy phủ Đông Dương, phái viên.
9. Clarac: Cố vấn ngoại giao, phái viên.
10. Gonon: Cố vấn tài chánh.
11. Ner: Thạc sĩ triết học, cố vấn giáo dục.
12. Guilanton: Thạc sĩ kinh tế, cố vấn kinh tế.
13. Salan: Thiếu tướng, Tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Đông Dương, phái viên.
14. Léon Pignon: Cố vấn chính trị của đô đốc D'Argenlieu (cố vấn phái đoàn).

Ngoài ra, theo trí nhớ của Hoàng Xuân Hãn, đi cùng phái đoàn Việt Nam còn có các nhân viên giúp việc như Trần Văn Tuyên phụ trách nội vụ và lễ nghi, Võ Hữu Thu phục trách về văn phòng, Duông phụ trách vô tuyến truyền tin và một sĩ quan chuyên trách nhiệm vụ bảo vệ Võ Nguyên Giáp (Hoàng Xuân Hãn không nhớ tên)[5]. Vị sĩ quan khuyết danh này là ai?

Phùng Thế Tài chính là vị sĩ quan bảo vệ phái đoàn đàm phán của Chính phủ tham dự hội nghị Đà Lạt giữa năm 1946. Nhiệm vụ chính của ông là giữ an ninh cho phó trưởng đoàn Võ Nguyên Giáp, kiêm liên lạc viên vô tuyến để báo cáo và nhận chỉ thị trực tiếp từ Hồ Chí Minh. Sau khi nhận nhiệm vụ, ông cũng được Hồ Chí Minh hứa thăng hàm trung tá đi Pháp với tư cách cận vệ của “Bác”, nhưng do không biết tiếng Pháp nên không dám nhận. “Nguyễn Tường Tam lúc bấy giờ là bộ trưởng Ngoại Giao làm trưởng đoàn. Nhưng thực chất mọi công việc đều do đồng chí Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm...” Phùng Thế Tài cũng cho biết thêm: “... Bác kéo tôi lại gần và nói nhỏ: ‘Lần này Bác cử chú đi theo đoàn với hai nhiệm vụ quan trọng. Nhiệm vụ thứ nhất là bảo vệ phái đoàn, đặc biệt là bảo vệ anh Văn (tức Võ Nguyên Giáp). Kẻ địch nham hiểm lắm, không được coi thường. Nhiệm vụ thứ hai là chú tìm mọi cách để Bác và anh Văn thường xuyên liên lạc kịp thời. Mọi diễn biến hội nghị Bác phải nắm được ngay trong ngày và chuyển gấp những ý kiến của Bác đến tận anh Văn và chỉ riêng anh Văn thôi[6]”. Để thực hiện nhiệm vụ này, ông mang theo hai nhân viên, một điện đài và một mật mã.

Tại sao Phùng Thế Tài lại được Hồ Chí Minh tin tưởng và giao phó cho một nhiệm vụ quan trọng đến vậy? Là bởi hai lý do. Lý do thứ nhất, do Phùng Thế Tài là một cận vệ trung thành được Hồ Chí Minh tuyệt đối tin tưởng trong thời gian hoạt động tại Côn Minh giai đoạn 1941-1945. Ông từng tháp tùng Hồ Chí Minh trong những nhiệm vụ quan trọng: đi cùng Bác đến cột mộc 108 để trở về nước năm 1941; đầu năm 1942 chịu trách nhiệm chuyển vũ khí về nước và bảo vệ Bác ở Pắc Bó; hộ tống Bác đem phi công Mỹ trao trả cho lực lượng quân Đồng Minh và cứu bác thoát khỏi âm mưu bắt giữ của quân đội Tưởng vào năm 1944. 

Lý do thứ hai, Phùng Thế Tài đã được trang bị các nghiệp vụ an ninh nội bộ và giao liên tình báo cần thiết. Ở Côn Minh, được sự giao phó của cấp trên, ông đã theo học lớp Tình báo ở trường Quân sự Hoàng Phố của quân đội Tưởng Giới Thạch, sau khi kết thúc khóa học được phong cấp Thiếu hiệu (Thiếu tá) và giấy tờ đi lại để tiện bề hoạt động. Cho đến sau thời điểm Hiệp định sơ bộ được ký kết vào tháng 3 năm 1946, ông được Hoàng Văn Thái điều động về làm trưởng ban 2 Bộ Tổng Tham mưu, phụ trách công tác tình báo.

Mặt khác, ngay từ thời gian hoạt động ở Côn Minh, Phùng Thế Tài đã đảm nhiệm công tác bảo vệ nội bộ của Đảng Cộng sản Đông Dương tại đây. Phùng Thế Tài đã luôn có thái độ cảnh giác và lập trường cứng rắn đối với Việt Nam Quốc dân Đảng của Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, ông luôn gọi người của tổ chức này là Việt gian, phản động. Phùng Thế Tài thuật lại có lần đã đánh lãnh tụ Vũ Hồng Khanh và làm cho các tay sai của ông này khiếp sợ, đồng thời cũng nhiều lần bảo vệ các đồng chí cán bộ và ngăn chặn sự phá rối của Việt Quốc trong những cuộc diễn thuyết trước đông đảo quần chúng[7]. Mặc dù vậy, Phùng Thế Tài vẫn nhớ lời Hồ Chí Minh khuyên “phải gia nhập tổ chức của phe đối lập, hầu lợi dụng nó mà thu phục quần chúng” và nhớ lại một chuyện: “Anh Bình báo cáo với Bác là cơ sở Đảng tốt, kiều bào vẫn hướng về Hội Giải Phóng... Về tình hình Quốc dân Đảng, lập mặt trận Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh, Vân Nam phân hội, để tranh giành quần chúng với ta, nhưng các anh không vào hội ấy, để dứt khoát phản đối chúng. Bác nhận định ngay: ‘Không vào là sai rồi. Tại sao không vào? Chúng mở cửa cho ta vào nắm quần chúng, sao ta lại quay đi? Chúng mở được hội, thì chúng có khả năng triệu tập quần chúng. Ta phải lợi dụng khả năng ấy. Phải vào mà biến tổ chức địch thành tổ chức ta.”[8] Trước ý kiến khuyên bảo của Hồ Chí Minh, Phùng Thế Tài đánh giá: “Sau này, vâng theo lời Bác, các anh ở Vân Nam thấy có tác dụng. Ta vận động quần chúng tốt cùng ta vào Việt Nam cách mạng đồng minh hội. Lý lẽ của ta đúng, lập trường của ta rõ, bọn Vũ Hồng Khanh phải bỏ Việt Nam cách mạng đồng minh hội, lại dựng lại cái xác Quốc dân Đảng. Đó là một thất bại lớn của chúng[9]”.

Phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Đà Lạt vấp phải vô vàn khó khăn. Đầu tiên là việc Cao ủy Pháp Georges Thierry d'Argenlieu với tư cách trưởng đoàn không dự họp và thay thế bằng phó đoàn Max Andre, thể hiện sự cao ngạo của phía bên Pháp. Phái đoàn của Pháp cũng thiên về hành chính, không có thẩm quyển để bàn về việc ngừng bắn và từ chối lời kêu gọi lập một ủy ban đình chiến. Sáng ngày 18 tháng 4 năm 1946, Chính quyền Pháp tới khách sạn đòi trục xuất Tạ Quang Bửu lấy cớ do không có tên trong danh sách định trước. Đến ngày 23 tháng 4 xảy ra sự kiện Phạm Ngọc Thạch bị quân đội Pháp bắt giữ đưa quay trở lại Sài Gòn do cáo buộc ông tham gia vào “hoạt động chính trị bí mật”. Cùng ngày, d’Argenlieu gửi Nguyễn Tường Tam một văn bản ngoại giao yêu cầu phái đoàn Việt Nam phải tắt máy vô tuyến điện của mình cho tới khi được chính quyền Pháp cho phép sử dụng. Điều này khiến cho việc trao đổi liên lạc thông tin giữa phái đoàn Việt Nam và chính phủ ngoài Bắc gặp nhiều trục trặc. Không những vậy, Pháp còn giám sát thường trực nhất cử nhất động phái đoàn của ta và giăng bẫy đón lõng thông tin mật báo. Phùng Thế Tài kể: “Sau những phiên họp đầu tiên, tôi thấy dịch mật mã của ta quá phức tạp, mất rất nhiều thời gian để mã địch, có những việc khẩn cấp không đáp ứng được yêu cầu, tôi liền nghĩ ra một bảng mã mới, đơn giản, bằng hình thức thay chữ: a thay bằng b. Chữ b thay bằng chữ c… kết quả ta nhận được nhanh hơn, nhưng chỉ vài hôm là điện bị lộ và lập tức được lệnh ngừng lại. Đây lại thêm một ‘cú liều’ nữa của tôi, nhưng lần này không thành công, hay nói cách khác là chỉ thành công một nửa…”[10]

Trong con mắt của Phùng Thế Tài, tuy Nguyễn Tường Tam là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm trưởng đoàn, song, Võ Nguyên Giáp mới là người toàn quyền quyết định mọi công việc theo ý kiến chỉ đạo của Hồ Chí Minh qua bộ phận thông tin mật mã. Bởi lẽ, nội tại Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau bản Hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946 đã dần đánh mất sự đoàn kết: mâu thuẫn giữa Việt Minh và Việt Nam Quốc dân Đảng lên đến đỉnh điểm. Phái Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách Mệnh Đồng minh hội cũng mất điểm tựa khi quân đội Trung Hoa dân quốc đồn trú tại Việt Nam bị thay thế bởi quân Pháp sau kết quả của Hiệp định sơ bộ. Trong khi trước đó, tại Quốc dân Đại hội Tân Trào tổ chức ngày 16 tháng 8 năm 1945 ở Tuyên Quang, Hồ Chí Minh đã thống nhất được sự ủng hộ cho Mặt trận Việt Minh. Do đó, những ý kiến của đại diện Việt Minh trong phái đoàn được đánh giá là đa số quyết định.

Hoàng Xuân Hãn cho biết thêm về vị thế khó xử của Nguyễn Tường Tam: “Danh là Bộ trưởng Ngoại giao cầm đầu phái bộ điều đình. Nếu phải nhượng bộ những điều từ trước trong đảng mình đã gọi là việc bán nước của Việt Minh thì đồ đảng không theo; nếu phải dùng cản lực để che chở độc lập, thì đảng mình lẻ lỏi; mà nếu muốn bám vào sức quần chúng thì phải tranh thủ với Mặt trận Việt Minh, như thế cũng không làm được. Vì thế, tuy ra Hội trường, ảnh làm trọn phận sự, nhưng ảnh ít dự vào những sự soạn bàn[11]”.

Quan điểm cho rằng Nguyễn Tường Tam vì bất đồng với Võ Nguyên Giáp nên không tham gia hầu hết các phiên họp cũng bị sử gia người Mỹ David G. Marr bác bỏ, bởi ông cho rằng Nguyễn Tường Tam là người phát ngôn có năng lực và giúp giải quyết một số tranh cãi về chiến thuật đàm phán trong đoàn[12]. Thậm chí sau khi Phạm Ngọc Thạch bị bắt giữ đưa trở về Sài Gòn, trong phiên họp toàn thể lần hai vào ngày hôm sau, Nguyễn Tường Tam ngay lập tức đứng lên phản đối việc bắt giữ Phạm Ngọc Thạch. Về sự vắng mặt và không nắm bắt được thông tin của Nguyễn Tường Tam, David G. Marr lý giải là do nội bộ phái đoàn Việt Nam đã nhất trí rằng Nguyễn Tường Tam không phải tham dự vào các cuộc họp của tiểu ban mà chỉ dự các phiên họp toàn thể, để nhấn mạnh vị thế của ông ngang với trưởng đoàn Pháp d'Argenlieu đã vắng mặt, và cao hơn Max André người dự cuộc họp của hai tiểu ban[13].

Hội nghị Đà Lạt, tuy không thống nhất được đa số vấn đề đặt ra, nhưng không phải không có kết quả. Kết quả của nó chính là hội nghị Fontainebleau được đồng ý nhóm họp tại Pháp quốc. Còn đối với riêng Phùng Thế Tài, ông cảm nhận được một kết quả khác. Thời gian diễn ra hội nghị ở Đà Lạt, ông đã hộ tống Võ Nguyên Giáp đi vài nơi thăm hỏi đồng bào. Chính trong những buổi đi thăm này, đồng bào đã phản ánh lại về 100 ngôi mộ của chiến sĩ đã hy sinh khi chiến đấu bảo vệ Đà Lạt cuối năm 1945 đầu năm 1946. Võ Nguyên Giáp đã dặn dò Phùng Thế Tài tranh thủ sự có mặt của phái đoàn Chính phủ để nắm tình hình mộ chí và vận động đồng bào quyên góp xây dựng. Ông đã tổ chức huy động và xây dựng một khu nghĩa trang quy tập hàng trăm phần mộ liệt sĩ rải rác. Liên hệ đến dịp được Hồ chủ tịch nói về đạo làm tướng cốt ở “nhân tướng”, Phùng Thế Tài càng cảm nghiệm được ý nghĩa sâu sắc việc làm tri ân của mình ở Đà Lạt.


[1] Stanley Karnow, Vietnam: A History, Viking Press, 1983, tr.175.
[2] William Mortimer Moore, Free France's Lion: The Life of Philippe Leclerc, De Gaulle's Greatest General,Casemate Publishers, 2011, tr.449.
[3] Võ Nguyên Giáp nhận định về lập trường thực dân bảo thủ của d’Argenlieu là “một con người từng trải và xảo quyệt, tự phụ và nhỏ nhen. Một con người như vậy chỉ có thể là con người của dĩ vãng, của chính sách thực dân.” Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không thể nào quên, Nxb Trẻ, 2015, tr.229.
[4] Nguyễn Q. Thắng (ngày 16 tháng 3 năm 1996), “Sơ lược tiểu sử của các phái viên và cố vấn của Phái đoàn dự hội nghị Đà Lạt”, Một vài ký vãng về Hội nghị Đà Lạt, Nxb Văn hóa, 1996. http://www.dalat.gov.vn/web/books/KivangDL/bai8.htm- truy cập ngày 24 tháng 10 năm 2020.
[5] Hoàng Xuân Hãn, Một vài ký vãng về hội nghị Đà Lạt, Tập San Sử Địa, 1971, tr.16.
[6] Phùng Thế Tài, Bác Hồ - Những kỷ niệm không quên, Nxb Quân đội Nhân dân, 2002, tr.113.
[7] Phùng Thế Tài, tlđd, tr.79.
[8] Phùng Thế Tài, tlđd, tr.100.
[9] Phùng Thế Tài, tlđd, tr.100.
[10] Phùng Thế Tài, tlđd, tr.115.
[11] Hoàng Xuân Hãn, tlđd, tr.235-236.
[12] David G. Marr, Vietnam: State, War, and Revolution (1945-1946), University of California Press, 2013, tr.422.
[13] Điều này dẫn đến việc Võ Nguyên Giáp hiểu nhầm và đánh giá thấp vai trò của Nguyễn Tường Tam vì ông này một vài lần là người duy nhất không xuất hiện trong các cuộc họp của các tiểu ban. David G. Marr, Sau 60 năm nhìn lại hội nghị Đà Lạt, Tạp chí Xưa và Nay, số 4/2006, tr.10.
 
Phó giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Lai Thúy 
Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa