(Thứ bảy, 11/11/2023, 10:11 GMT+7)
Không một nhân vật lịch sử nào lại không có vai trò của mình, với tư cách là một cá nhân, hay với tư cách là một thành tố trong tập thể, trong việc kiến tạo nên bề dày lịch sử dân tộc. Việt Nam, với đặc trưng lịch sử là sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nền độc lập, trong những trang vàng của mình sản sinh ra rất nhiều nhân vật lịch sử hiển hách.
 
Phùng Thanh Hòa: Từ nhân vật lịch sử đến ông trạng dân gian
Cổng làng Bùng
 
Không một nhân vật lịch sử nào lại không có vai trò của mình, với tư cách là một cá nhân, hay với tư cách là một thành tố trong tập thể, trong việc kiến tạo nên bề dày lịch sử dân tộc. Việt Nam, với đặc trưng lịch sử là sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nền độc lập, trong những trang vàng của mình sản sinh ra rất nhiều nhân vật lịch sử hiển hách. Song, rất nhiều nhân vật lịch sử đã bị khuất lấp và lãng quên, bởi bối cảnh điều kiện lịch sử hỗn mang, cũng như bởi sự khan hiếm của dữ kiện sử liệu. Phục dựng lại một nhân vật lịch sử, vì thế, nhằm góp phần tìm ra những phát hiện mới, không chỉ đối với cá nhân họ, mà còn đối với lịch sử thời đại của họ. Những mảnh ghép được phủi lớp bụi mờ lịch sử, sẽ sáng rõ thành tựu, và cuối cùng mang lại một bức tranh toàn cảnh về lịch sử đương thời như một chỉnh thể toàn vẹn.
 
Phùng Thanh Hòa là một nhân vật lịch sử như vậy. Ông là một ẩn số. Thử một phép thống kê điểm trên các tài liệu được coi là chính sử/ chính thống nổi tiếng, như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử lược, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục,… thì tần suất xuất hiện tên của Phùng Thanh Hòa chỉ mang lại con số rất nhỏ. Tuy nhiên, vị thế của Phùng Thanh Hòa lại được xác lập trong kho tàng dân gian và lịch sử địa phương (cụ thể là xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội). Bởi vậy, đặt ra một định đề thú vị, đó chính là minh định nhân vật Phùng Thanh Hòa. Ông là ai? Vị trí của ông trong lịch sử ra sao? Thành tựu nào ông để lại?
 
Bởi vậy, nghiên cứu nhân vật lịch sử Phùng Thanh Hòa không có nghĩa đi vào ngõ cụt nếu thiếu sử liệu. Thay vì đi vào sử sách, Phùng Thanh Hòa đã đi vào dân gian. Trên thực tế, những manh mối đầu tiên của Phùng Thanh Hòa lại đến từ thần phả đình Phùng Thôn (làng Bùng, xã Phùng Xá, Thạch Thất) được soạn vào khoảng thế kỷ XVII: “Đại vương họ Phùng, húy là Thanh Hòa, sinh ngày 12 tháng 11 năm Mậu Thân (tức ngày 8/12/528) ở trang Hồng Vinh, quận Nam Xương nay thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Bố là Phùng Thủy, mẹ là Hoàng Thị Mai. Ông bà ăn ở phúc đức, hiền lành, gia tư thuộc hạng trung lưu, hay làm việc thiện nên được thiên thần phù hộ sinh ra Ngài”. Căn cứ vào đoạn chép thần phả nói trên, thì Phùng Xá không phải là nơi xuất thân của Phùng Thanh Hòa. Thế nhưng ông lại được người dân tôn thờ là Thành hoàng làng nơi đây, đồng thời, tên gọi Phùng Xá xuất phát từ Phùng Gia Trang (trang của họ Phùng) và tên gọi này chỉ xuất hiện kể từ khi Phùng Thanh Hòa lui về đây lập nghiệp, bởi trước đó nơi đây có tên gọi là An Hoa Trang, thuộc Câu Lậu, Giao Châu. Đoạn trích thần phả sau đây đặc biệt quan trọng, góp phần làm sáng tỏ vị trí sự nghiệp của ông: “Ngày 11 tháng 8 năm Bính Dần, Đại vương (tức Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa) dẫn quân đến Liên Trang, hợp binh cùng nhà vua (Lý Bí) đóng tại hồ Điển Triệt, ra sức sửa sang và đóng nhiều thuyền chiến dàn kín mặt hồ, làm cho quân Lương thấy mà khiếp sợ...” Thần phả đã xác nhận Phùng Thanh Hòa là một nhân vật lịch sử thế kỷ VI, cũng như đi đến một kết luận quan trọng hơn: Sự nghiệp của ông gắn liền với sự nghiệp dựng nước và bảo vệ nước Vạn Xuân của Lý Nam Đế.
 
Phùng Thanh Hòa: Từ nhân vật lịch sử đến ông trạng dân gian
Lễ hội làng Bùng vẫn được duy trì để tưởng nhớ công ơn giúp nước, giúp dân của Phùng Thanh Hòa
 
Nếu coi năm 544 là dấu mốc thành lập nhà nước Vạn Xuân, thì sự nghiệp của Lý Bí có thể chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, là giai đoạn Lý Bí phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi thứ sử Giao Châu lúc đó là Vũ Lâm hầu Tiêu Tư vào năm 541 và chiếm thành Long Biên. Tiêu Tư vốn vơ vét bóc lột một cách hà khắc tàn bạo, dân chúng không khỏi lầm than. Còn Lý Bí là một hào trưởng tài kiêm văn võ nhận được sự ủng hộ của các thủ lĩnh địa phương, và quy tụ dưới trướng của ông là những quan tướng tài đức như Tinh Thiều, Phạm Tu, Triệu Túc. Đầu năm 542, nhà Lương ép Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng cất quân sang đánh nhưng thất bại tan tác ở Hợp Phố, thiệt hại đến sáu, bảy phần quân. Ở phía Nam, thì Lâm Ấp cũng cướp quận Nhật Nam vào mùa hạ năm 543, khiến Lý Bí phải cử Phạm Tu phá tan quân Lâm Ấp ở Cửu Đức. Cho tới năm 544, khi những mối hiểm họa từ phía Bắc lẫn phía Nam đã tạm thời được dẹp yên, Lý Bí quyết định lên ngôi xưng Đế và xác lập nhà nước Vạn Xuân, lập trăm quan, bổ nhiệm Triệu Túc làm Thái phó, Tinh Thiều đứng đầu ban văn, Phạm Tu đứng đầu ban võ. Họ là những nhân vật chủ chốt trong giai đoạn đầu tiên của Lý Nam Đế.
 
Sang đến giai đoạn thứ hai, bắt đầu từ năm 545, khi nhà Lương cho Dương Thiêu là thứ sử Giao Châu và Trần Bá Tiên làm tư mã, tập hợp quân đội ở châu Quảng và định nhập với quân của thứ sử Định Châu là Tiêu Bột để tiến đánh Giao Châu. Trần Bá Tiên thúc quân đi trước đánh bại Lý Nam Đế ở Chu Diên, rồi lui về cửa sông Tô Lịch thì thua tiếp, Triệu Túc, Tinh Thiều, Phạm Tu tử trận. Chính ở giai đoạn hai này, cùng với Triệu Quang Phục, thì vai trò của Phùng Thanh Hòa mới nổi lên sáng rõ. Trước tình cảnh các công thần dày dạn kinh nghiệm lần lượt hy sinh, Lý Nam Đế đặt niềm tin vào những vị tướng trẻ dũng cảm là Triệu Quang Phục (lúc này 21 tuổi) và Phùng Thanh Hòa (lúc này 18 tuổi). Triệu Quang Phục được phong là Tả tướng quân, Phùng Thanh Hòa được phong là Hữu tướng quân. Cho dù tuổi đời còn rất trẻ, Phùng Thanh Hòa đứng dậy chiêu tập nghĩa sĩ trong vùng, tham gia hợp quân với Triệu Quang Phục tả xung hữu đột giải vây cứu vua Lý Nam Đế ở hồ Điển Triệt, nhờ đó vua thoát vòng vây rút về động Khuất Lão. 
 
Tháng 4 năm Mậu Thìn (548) vua Lý Nam Đế qua đời, Triệu Quang Phục rút về lập căn cứ tại Dạ Trạch, Hưng Yên, xưng là Triệu Việt Vương (548-571), trong khi Phùng Thanh Hòa lui về An Hoa Trang, xứ Đoài để lập nghiệp. Trước đó, Lý Nam Đế đã ủy cho Triệu Quang Phục giữ việc nước. 
 
An Hoa Trang, nằm trong đại bình đồ Câu Lậu, Giao Châu, sau này là một bộ phận của vùng văn hóa xứ Đoài, chính là cái nôi, vùng đất bản địa của người Việt - Mường. Mang địa hình bán sơn địa núi đồi xen kẽ đồng bằng, đồng chiêm ô trũng xen kẽ với những đầm hồ vực lớn cùng mạng lưới hệ thống sông ngòi dày đặc, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Có lẽ, Phùng Thanh Hòa là người tiếp nối triệt để tinh thần giữ cho dân chúng thái bình của Lý Nam Đế nhất, giống như tên nước Vạn Xuân với ý nghĩa khao khát mong cho xã tắc thanh bình, dân tộc độc lập, thịnh vượng đến muôn đời sau. Ông đã nhìn thấy đây là một vùng đất lý tưởng để an dân lập ấp, phát triển cơ nghiệp về lâu dài. Nhưng sẽ không có một hòa bình vĩnh cửu nếu đất nước vẫn phải chịu mối đe dọa ngoại xâm. Tầm nhìn xa của Phùng Thanh Hòa, là muốn xây dựng một cơ sở địa phương vững chắc, cố kết và ổn định, để luôn sẵn sàng phối hợp ứng chiến một khi vấn nạn chiến tranh xảy ra. An Hoa Trang (sau này được đổi tên là Phùng Gia Trang, rồi Phùng Xá), vì lý do đó, chính là lựa chọn của Phùng Thanh Hòa, một vùng đất an bình, có địa thế thuận lợi nằm giữa sông Đáy và sông Tích Giang. Khi đến đây, ông bắt đầu cho triển khai canh tác trồng trọt, làm thủy lợi, dạy chữ, dạy nghề. Đến năm Kỷ Tỵ 549, trong khi hoài bão vẫn còn dở dang, ông đột ngột qua đời. 
 
Song, Phùng Thanh Hòa được lưu giữ trân trọng trong tâm thức địa phương. Ông, với tư cách vừa là một nhân vật lịch sử, vừa là Phúc thần của làng, vừa là vị tổ họ Phùng, được ánh xạ vào các hoạt động lễ hội truyền thống của làng Bùng. Để tưởng nhớ công ơn giúp nước, giúp dân làm nghề thì người dân nơi đây tổ chức lễ hội làng vào mùng 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Ngoài phần lễ được tiến hành bởi các hương lão tại đình làng, thì phần hội được tổ chức quy mô lớn với nhiều hoạt động như thi vật, đu, các trò chơi dân gian. Nhưng đặc biệt nhất trong số đó là hội Vật, được tổ chức từ mùng 6 đến mùng 10 tháng Giêng Âm lịch. Phùng Xá vốn nổi tiếng giàu truyền thống với các sới vật, “Bùng không vật thì lúa chiêm không tốt.” Những lò vật trứ danh ở làng Bùng luôn phụng thờ Phùng Thanh Hòa như một vị tổ nghề. Bởi đối với người dân, ông là hiện thân của phẩm chất kiên trung dũng cảm, tinh thần thượng võ, sức khỏe phi thường.
 
Theo Nhà nghiên cứu PHẠM MINH QUÂN / Tạp chí NGƯỜI HÀ NỘI