1. Bối cảnh đất nước thời Thủy Tổ
Thủy Tổ Phùng Quốc Công sinh trưởng vào khoảng giữa, cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX (1735-1805). Đầu thời kỳ này nước Việt Nam có quốc hiệu là Đại Việt, thuộc triều đại Lê Trung Hưng nhưng thực chất quyền hành vẫn nằm trong tay họ Trịnh ở Đàng Ngoài (bắc Đại Việt) và họ Nguyễn ở Đàng Trong (nam Đại Việt). Tuy vậy thế lực của cả Trịnh và Nguyễn ngày càng suy sụp, cộng với sự xuất hiện người anh hùng Nguyễn Huệ, tất cả đã tạo ra một thời kỳ lịch sử nhiều biến động của đất nước.
Xem các sách sử thì thấy thời kỳ 1730-1740, Trịnh - Nguyễn không đánh nhau gì mấy, nhưng triều đình Nhà Lê và phủ chúa Trịnh ở Đàng Ngoài ngày càng suy sụp, lắm giặc giã, nhân dân loạn lạc và đói khổ lắm. Việt Nam Sử Lược chép: “… khi Trịnh Giang lên nối nghiệp chúa, giết vua Lê, hại cả các quan đại thần như Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn và làm lắm điều tàn ác. Tính ông ấy đã tàn ngược lại hay tiêu dùng xa xỉ, thuế má một ngày một nhiều, sưu dịch một ngày một nặng, dân tình khổ sở, giặc giã nổi lên khắp cả mọi nơi, đường sá trạm dịch đi không được, phải làm đồn hỏa hiệu ở trên đỉnh núi để phòng khi có việc gì thì đốt lửa báo (…) Trịnh Giang thất chính cho nên trong thời kỳ này có lắm giặc giã, quan quân phải đánh đông dẹp bắc trong ba bốn năm trời, thành ra không làm được việc gì ích lợi, đến nỗi dân nghèo nước yếu, chính trị điêu tàn, bởi vậy cho nên chẳng bao lâu mà nhà Trịnh đổ, nhà Lê cũng mất”.
Trong khi đó, vào những năm 1771-1774, ở Đàng Trong, chúa Nguyễn cũng đang rơi vào vận “trung suy”, phía nam Tây Sơn dấy binh, phía bắc quân Trịnh đánh vào.
Đến năm 1786, Nguyễn Huệ nhà Tây Sơn giúp vua Lê dứt hẳn được họ Trịnh nhưng triều Lê vẫn không thể bình định được đất nước, lại có ý nhờ nhà Thanh can thiệp để chống giữ quân Tây Sơn. Năm 1788 quân nhà Thanh mượn tiếng sang cứu Nhà Lê, chiếm giữ thành Thăng Long, có ý muốn lấy đất Đại Việt, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế đặt niên hiệu là Quang Trung, đánh đuổi được quân Thanh lại dẹp yên được họ Nguyễn, bình định được đất nước. Thời vua Quang Trung (1788-1792) trị vì, nước Đại Việt được thanh bình, yên ổn làm ăn, tiếc rằng vua Quang Trung lại mất sớm nên công cuộc phát triển đất nước không có thành tựu gì lớn.
Sau khi vua Quang Trung mất, vào năm 1802, Nguyễn vương Phúc Ánh, dứt được Nhà Tây Sơn, lên ngôi tôn niên hiệu Gia Long, lập ra Nhà Nguyễn, đổi quốc hiệu thành Việt Nam.
2. Thủy Tổ Phùng Quốc Công (1735-1805)
Thủy Tổ Phùng Quốc Công tự Minh Đạt Phủ Quân, gia phả họ Nguyễn Đức (gốc họ Phùng tại Thanh Lương, Vĩnh Bảo, Hải Phòng) ghi tên Thủy Tổ là Nguyễn Quý Công tự Pháp Nghiêm.
Ông sinh trưởng tại nước Đại Việt, trấn Hải Dương, đạo Hạ Hồng, huyện Vĩnh Lại, tổng Hu Trì (nay là làng An Trì, xã Thanh Lương, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Ông bà Thủy Tổ làm nghề chài lưới ven sông Tranh, sông Luộc. Theo những dữ liệu và thông tin để lại, có thể luận giải Thủy Tổ Phùng Quốc Công sinh vào khoảng năm 1735, mất vào khoảng năm 1805 (xem thêm ở phần ngoại phả trong gia phả Phùng Quốc Công).
Về ngày giỗ, tại My Động (xã Hồng Phong, Thanh Miện, Hải Dương) theo giỗ Thủy Tổ ngày 25/8, tại An Trì theo giỗ Thủy Tổ ngày 6/1. Theo thông tin ban biên tập thu thập được thì ngày 25/8 là giỗ cụ ông, ngày 6/1 là giỗ cụ bà.
Ông bà Thủy Tổ sinh hạ 2 con trai là Phùng Quốc Bảo và Phùng Văn Hu.
Ông Phùng Quốc Bảo (Nguyễn Quý Công tự Hải Tiêm - theo gia phả họ Nguyễn Đức tại Vĩnh Bảo) làm ăn, sinh sống tại quê Hu Trì. Sau sự cố 1890, phần lớn họ Phùng ở Hu Trì đổi thành họ Nguyễn Đức, một phần ít vẫn giữa nguyên họ Phùng.
Ông Phùng Văn Hu (hay Phùng Quốc Huy) định cư tại My Động, khai sinh ra 3 ngành (ngành 1, ngành 2, ngành 3) dòng họ Phùng tại My Động. Mộ ông được táng tại đống Ma Lét, mộ bà táng tại đống Bông(cạnh sân bóng đá xã).
3. Tổ quán và di cư
3.1. Hu Trì (1735)
Tổng Hu Trì, huyện Vĩnh Lại, đạo Hạ Hồng thuộc trấn Hải Dương (này là xã Thanh Lương, Vĩnh Bảo, Hải Phòng) là một vùng đồng bằng ven biển, sông ngòi nhiều tôm cá, con người thì thân thiện, yêu chuộng hòa bình, chịu thương chịu khó… Nhưng rủi thay, vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, thời kỳ suy vong của triều Lê và chúa Trịnh, trung suy của chúa Nguyễn, đời sống nhân dân nhiều nơi vô cùng cực khổ. Trấn Hải Dương thuở ấy, từ Đông Triều đến Vĩnh Lại, Thanh Miện, đều trong cảnh khổ chung của đất nước.
Thuở ấy“có một gia đình nghèo không đủ ruộng cày, hai vợ chồng cùng hai con trai phải ra sông Tranh kiếm cá, rồi lại ngược sông Tranh ra sông Luộc, tiếp tục ngược sông Luộc tới làng Thượng là chỗ ngã ba: sông Cửu An, đổ ra sông Luộc gọi là xóm Cửa Sông”. Đó là gia đình ông bà Thủy Tổ Phùng Quốc Công cùng hai con trai Phùng Quốc Bảo và Phùng Văn Hu.
Ngày nay khi trở lại đất tổ xưaVĩnh Bảo, chúng ta dễ nhận ra một vùng đồng bằng ven biển, cây trồng tốt tươi, cuộc sống thanh bình. Dòng sông Chanh Dương và sông Hóa như mạch sống chạy xuyên suốt xã Thanh Lương (và vùng phụ cận) sang đến ngã ba Sông Luộc tại làng Chanh Xuyên, nuôi sống bao thế hệ con em họ Phùng. Vùng đất thiêng liêng này là nơi khai sinh dòng họ Phùng Quốc Công, tổ tiên của 12 thế hệ với hơn 3.000 hậu duệ. Đến nơi đây, một khung cảnh dễ nhận ra là những dặng dừa hai bên bờ sông Chanh Dương và các mương thủy lợi, cánh đồng lúa và cây thuốc lào.
3.2. My Động (1780) - Cuộc di cư thứ nhất
“Làng Thượng lúc ấy còn chung với làng Hạ, Sỹ Quý, Thị Giang gọi là My Động xã (nhất xã tam thôn). Chỗ này sẵn cá, ba cha con dựng lều, kéo vó và làm chài. My Động xã lúc ấy lơ thơ thưa thớt. Nông dân nhiều nơi đến khai khẩn đất bãi và dựng lên làng xóm. Ba cha con ông chài cũng lên bãi nhận đất cấy trồng và xây dựng cơ ngơi vững chắc”.
Sau thời gian củng cố nghề nông và nghề cá vững vàng, kinh tế ổn định, người cha là Phùng Quốc Công bàn với người mẹ, đưa người con cả là Phùng Quốc Bảo trở về quê cũ Hu Trì để củng cố quê hương. Người con thứ là Phùng Văn Hu được ở lại xóm Cửa Sông với nhân dân làng Thượng và được cha mẹ hỗ trợ, xây dựng gia đình, mở mang cơ nghiệp, cùng với các dòng họ khác trong làng Thượng xây dựng lên xã My Động ngày càng đông đảo, giàu mạnh.
Thời kỳ này là giai đoạn ổn định của đầu Triều Nguyễn - Gia Long, đất nước thanh bình, nông dân được xả hơi và có điều kiện tăng gia sản xuất. Anh em ông Bảo, ông Hu là những người vùng biển cao to, sức khỏe hơn người, lao động cần cù sáng tạo, kinh tế mau thịnh vượng. Cả hai nơi (Hu Trì và My Động) đều làm ăn phát đạt, kinh tế dồi dào, gia đình hạnh phúc”.
Vào khoảng năm 1780, gia đình Thủy Tổ đã có lần di cư thứ nhất từ Hu Trì - Vĩnh Lại tới My Động - Thanh Miện. Sau đó người con trái thứ định cư lâu dài tại My Động, người anh và bố mẹ định cư và sau này mất tại quê cũ Hu Trì. My Động xã cách Hu Trì 30 km về hướng tây. Ngày nay hậu dệ dòng họ Phùng Quốc Công sinh sống nhiều nhất tại Làng Mè (tức thôn My Đồng và My Động, xã Hồng Phong, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương).
3.3. Khả (1845) - Cuộc di cư thứ hai
Tại Hu Trì, hai cháu nội của ông Phùng Quốc Bảo (2) đã có cuộc di cư về Bến Lậu (thôn Khả, Duyên Hải, Hưng Hà, Thái Bình ngày nay), đây là cuộc di cư lớn thứ 2 của dòng họ.
Vào khoảng thập niên 40, 50 của thế kỷ XIX, thực dân Pháp tràn vào đô độ Việt Nam, họ Phùng tại Hu Trì di tản khắp nơi kiếm kế sinh nhai. Hai anh em ruột ông Phùng Văn Hề (1810?) và ông Phùng Văn Đạt (1815?) - là hậu duệ đời thứ 4 của Thủy Tổ Phùng Quốc Công - làm nghề buôn bán bông vải, men theo sông Tranh, sông Luộc về Bến Lậu định cư, sinh cơ lập nghiệp. Bến Lậu là một khu đồng bằng, được phù sa bồi đắp, đất đai phì nhiêu, dân cư còn thưa thớt. Cách Bến Lậu khoảng 7km về hướng bắc là My Động xã, xóm Cửa Sông, nơi đây họ Phùng tại My Động đã lập nghiệp và phát triển được gần trăm năm. Họ Phùng thôn Khả cách quê cũ Hu Trì khoảng 30km về hướng Tây.
3.4. Quán (1850) - Cuộc di cư thứ ba
Ông bà Phùng Văn Viên, ngành 3, đã đưa con cháu vượt sông Luộc sang thôn Quán, xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình định cư, nhận đất cày cấy. Nơi đây đã phát triển ra một chi họ Phùng Quốc Công với con cháu ngày càng đông đảo.
3.5. Trà Dương (1889) - Cuộc di cư thứ tư
Năm 1889, để tránh sự truy sát của người Pháp, ông Phùng Văn Chúng (thế hệ 5) đã bỏ trốn vào Trà Dương, Phù Cừ, Hưng Yên đổi họ thay tên là Đỗ Văn Dưỡng, rồi lập gia đình và định cư tại đây. Từ đó hình thành một nhánh họ Đỗ gốc Phùng tại Trà Dương. Đây được xem là một cuộc di cư lớn của dòng họ Phùng Quốc Công.
Trà Dương nay thuộc xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Nơi đây nằm ven theo tả ngạn sông Luộc, cách My Động khoảng 5km về hướng tây nam.
Tính đến năm 2013, họ Đỗ gốc Phùng đã phát triển đến thế hệ 7, trở thành một dòng họ lớn tại Trà Dương.
3.6. Đĩnh Đào (1900) - Cuộc di cư thứ năm
Vào đầu thế kỷ XX, vợ chồng ông Phùng Văn Thục (thế hệ 6) - thuộc chi 1 ngành 1 - đã đưa các con (Phùng Văn Nhỡ, Phùng Văn Được và Phùng Thị Chiều) tới Đĩnh Đào làm ăn, sinh sống. Họ Vũ tại Đĩnh Đào nhận nuôi ông Nhỡ và ông Được, khi hai ông trưởng thành, lại gả con gái họ Vũ cho hai ông. Kể từ đó ông Phùng Văn Nhỡ và ông Phùng Văn Được xây dựng gia đình và định cư tại Đĩnh Đào.
Thôn Đĩnh Đào, thuộc xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, cách My Động 20km về hướng đông bắc.
Tính đến nay 2013, họ Phùng tại Đĩnh Đào đã trải qua gần 7 thế hệ, trở thành một dòng họ lớn tại đó.
3.7. Một số cuộc di cư khác
Còn nhiều cuộc di cư khác, con cháu Phùng Quốc Công đã tỏa đi khắp 4 phương xây dựng cơ nghiệp. Có thể kể đến các địa điểm: huyện Thanh Hà, TP Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Yên Bái (Nghĩa Lộ), Thanh Hóa, Lạng Sơn (Đình Lập), Quảng Ninh (Uông Bí, Hạ Long), Hà Nội, Bình Dương, Bình Phước, Lạng Sơn,…
3.8. Số lượng hậu duệ và nơi cư trú
Kể từ khi Thủy tổ Phùng Quốc Công khai sinh ra dòng họ tới nay đã gần 300 năm, trải qua hơn 11 thế hệ, thế hệ 12 đang bắt đầu phát triển. Theo khảo sát chưa đầy đủ năm 2012, dòng họ Phùng Quốc Công đã có tới 3.191 hậu duệ, trong đó có 1.435 nam, 1.001 nữ và 755 dâu. Hiện nay các hậu duệ sinh sống khắp mọi miền tổ quốc, một số nơi đông nhất phải kể đến: xã Hồng Phong (Thanh Miện- Hải Dương), xã Thanh Lương (Vĩnh Bảo - Hải Phòng), xã Duyên Hải (Hưng Hà-Thái Bình), xã Tống Phan (Phù Cừ - Hưng Yên), xã Đoàn Thượng (Gia Lộc-Hải Dương),… Dòng Họ Phùng Quốc Công chia làm 4 ngành lớn gồm: ngành Vĩnh Bảo (gồm Chi Khả và 5 chi tại Vĩnh Bảo, số lượng tính từ khởi tổ đến hiện tại lên tới 702 người, trong đó có 331 nam, 208 nữ và 163 dâu); ngành 1 (My Động, gồm 3 chi đã kể những nơi xa, số lượng tính từ khởi tổ đến hiện tại lên tới 718 người, trong đó có 288 nam, 265 nữ và 170 dâu); ngành 2 (My Động, số lượng tính từ khởi tổ đến hiện tại lên tới 916 người, trong đó có 523 nam, 307 nữ và 238 dâu), ngành 3 (My Động, gồm cả ngành 4 sát nhập, số lượng tính từ khởi tổ đến hiện tại lên tới 694 người, trong đó có 291 nam, 221 nữ và 182 dâu).
4. Truyền thống dòng họ Phùng Quốc Công
4.1. Mộ tổ
Thủy tổ Phùng Quốc Công sinh thời có nhiều năm cụ gắn bó nghề chài lưới và dựng nghiệp cho con trai thứ Phùng Văn Hu ở My Động. Khi đã cao tuổi, cụ về với con cả Phùng Quốc Bảo rồi tạ thế tại Hu Trì. Vào khoảng năm 1805, cụ mất và được con cháu an táng tại quê Hu Trì. Sau ngày cụ mất, cứ đến ngày 25/8 Âm lịch hàng năm, họ Phùng ở khắp nơi, lại kéo nhau về Vĩnh Bảo cúng giỗ.
Mãi tới năm Canh Dần 1890 (sự cố 1890), mộ cụ được đưa về My Động phục táng tại Đống Bắn (tọa độ: N20o42’21.96”,E106o14’57.46”), cách Bến Trại 800m về hướng đông. Ngôi mộ tổ hình tháp rất dễ nhận ra trong khoảng cách 1km, cho dù nhìn từ hướng nào, từ đê đại hà sông Luộc, từ đường 20 đoạn gần Bến Trại, hay nhìn từ cánh đồng My Động, hoặc từ xã Diên Hồng…
Ảnh chụp một số con cháu bên mộ thủy tổ Phùng Quốc Công năm 1996
Đống Bắn là một đồi đất hình mâm xôi, đường kính 30m, cao 2m so với mặt đồng lúa. Mộ Tổ được phục táng “tọa bắc, hướng đông, thâm trùng thập xích”, tức là táng tại phía bắc làng My Động, nhìn về phương Đông (là quê cũ Vĩnh Bảo), chiều sâu là 10 thước ta (4m). Tương truyền là phải dùng thang lớn, chão dài mới đưa được tiểu xuống đáy mồ. Thế là ngôi mộ này nguyên táng tại Hu Trì, Vĩnh Bảo khoảng gần 100 năm, phục táng tại Đống Bắn từ đó đến nay đã hơn 130 năm. Cả họ quyết tâm xây mộ tổ cao to, bền vững để mộ trở thành một công trình văn hóa và di tích lịch sử thiêng liêng của họ nhà. Giai đoạn này là đầu năm 1992, cả xã Hồng Phong chưa có ngôi mộ nào cao tới 2m, chưa họ nào xây mộ tổ ở đất này.
Trên tháp có lầu 6 mặt, 6 mái cao 1,2m, trên đỉnh tháp là thu lôi.
Toàn bộ công trình cao 8,5m so với mặt đồng lúa.
Để hoàn thành, công trình đã sử dụng 2 vạn viên gạch, 1 tấn vôi, hai tấn xi măng, 5 mét khối cát và 5 tạ sắt thép. Công trình nằm ở giữa đống, xa làng xóm, xa đường giao thông đến vài trăm mét. Người họ Phùng chỉ dùng đôi vai chuyển các thứ vật liệu tới xây dựng. Số nhân lực các gia đình góp mỗi ngày 10 người, làm thông tầm, ăn cơm trưa tại đồng, nghỉ trưa 30 phút rồi lại làm luôn. Đêm phải cử người trông coi vật liệu.
Đợt 1: làm bệ, chân đế và tháp đài ròng rã 6 tháng cuối năm 1993.
Đợt 2: làm tiếp kè thềm và hai cánh gà lại kéo dài 3 tháng cuối năm 1995. Ngày 20/01/1996 công trình hoàn thành có dáng vẻ như hiện nay. Công trình này từ thiết kế, thi công, trang trí hoa văn, khắc ghi chữ Hán, đều do bàn tay khối ốc người họ Phùng. Do đó mộ đài này là nhân văn, là tinh hoa khí phách của một gia tộc lưu truyền mãi cho các thế hệ mai sau.
Đến nay, mộ đài hiện tại này đã qua gần 30 năm, chịu đựng bao mưa gió, bão giông, nhưng vẫn nguyên vẹn và không lạc hậu với thời đại.
Tại xã Thanh Lương, đống Ma Cả làng An Trì có một ngôi mộ ghi là “Một Tổ Nguyễn Đức – giỗ ngày 1/6” được cho là mộ của thủy tổ bà hoặc của người con trai cả Phùng Quốc Bảo. Nhiều khả năng hơn đó là thủy tổ bà hoặc cũng có thể cả hai mẹ con cụ cùng được đặt tại đó? Là ai thì chưa dứt khoát hẳn được nhưng chắc chắn đó là mộ tổ của cả dòng họ.
4.2. Nhà thờ tổ
Tại My Động. Trước năm 1945, họ Phùng đã có một ngôi từ đường ba gian bằng gỗ lim nằm trên đất tổ tiên nhà cụ trưởng tộc Phùng Văn Doan (thế hệ 8), nằm cạnh bờ tả ngạn sông Luộc. Sau hai cuộc kháng chiến trường kỳ, Từ đường này đã hư hỏng, bị tàn phá, đất bị xói lở.
Đầu thế kỷ XXI, cụ Phùng Quang Lãm (thế hệ 8) đã đề xuất dự án xây dựng từ đường mới, dự án này đã được cả họ hưởng ứng. Sáng ngày 16 tháng 3 năm Nhâm Ngọ (tức 19/4/2002), khai móng Từ đường, sau khi hoàn thành móng, thi công luôn, ngày nào cũng 5 thợ chính và 5 người giúp việc liên tục.
Chiều mồng 8 tháng chạp, đồ tế tự chở tới Từ đường, 3 ngày tiếp theo gấp rút hoàn thành nền hè, tường, vách. Đêm 11 tháng chạp, mọi người dọn dẹp, kê kích và treo đồ thờ để sớm 12 tháng chạp làm lễ nhập thần.
Nhà thờ họ Phùng Quốc Công tại xóm Cửa Sông, thông My Đồng, xã Hồng Phong, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, cổng nhà thờ hướng đông nam, từ đường hướng nam (tọa độ: N20o41’30.30”,E106o14’50.97”)
Thế là qua 8 tháng 26 ngày, Từ đường mới tạm xong để rước Tổ Tiên vào nhà thờ mới.
Lễ nhập thần là một khoa lễ thuộc tâm linh của người Việt, thiêng liêng và kính cẩn. Hội đồng gia tộc cử bác Chiên trưởng ngành 2 (thế hệ 10) đi tìm các thay danh sư về hành tế làm lễ. Các hậu duệ trong hội Phật giáo của xã cũng về theo lễ. Bà Bằng (vợ anh hùng lao động Phùng Văn Bằng (thế hệ 9) cùng các cháu cũng về dự lễ).
Suốt hai ngày 12 tháng chạp, 3 thầy pháp đã làm đủ mọi thủ tục của khóa lễ nhập thần, nào sớ tấu tôn nhang, hô thần nhập điện. Các bà trong hội Phật giáo thì cầu Tổ ban phúc giải họa cho các hậu duệ ở mọi chi ngành.
Thế là từ ngày 12 tháng chạp năm Nhâm Ngọ (tức 14/1/2003), họ Phùng đã có nhà thờ Tổ, các hậu duệ của tổ học tập và lao động tại mọi miền đất nước đã có nơi gửi gắm tâm linh, có nơi đặt tình cảm thiêng liêng, có nơi gửi tình thương nỗi nhớ mỗi khi về quê thắp nén nhanh trước bàn thờ Tổ.
Trước cửa Từ đường đặt một lưu hương cao 1,2m, hai bên lư hương là hai chậu sứ trồng hai cây vạn tuế, 3 thứ này đặt trên một thềm cao 1m. vừa tới trước Từ đường ta đã thấy dáng vẻ cổ kính và uy nghiêm, lư hương này là do cụ Nghiêm (con rể thế hệ 8 họ Phùng), ông là một nghệ nhân, gia công và công đức cho họ.
Năm tiếp theo, xây cổng nhà thờ, trang trí hoa văn và câu đối chữ Nho để Từ đường thực sự là nơi thờ Tổ tôn nghiêm, là một công trình văn hóa thiêng liêng và kiên cố, lưu truyền các thế hệ mai sau.
Đúng tiết Thanh Minh, ngày đẹp trời, giờ lành tháng tốt ngày mồng 4 tháng 3 năm Quý Mùi 2003, Hội đồng Gia tộc quyết định mở lễ hội với nghi thức đại lễ, khánh thành Từ đường Phùng tộc với hơn 300 đại biểu gồm 17 chi trên mọi miền của đất nước và 3 ngành sở tại quê My Động, cùng các vị đại biểu đại diện cho các Ban ngành chính quyền địa phương về dự.
4.3. Lễ Hội
Bàn thờ đại lễ tại Lễ hội năm 2012
Quang cảnh Lễ hội
Theo quy ước dòng họ, cứ ba năm (vào những năm có hai số tận cùng chia hết cho 3) mở Đại lễ một lần tại Từ đường dòng họ.
Trước ngày đại lễ một tháng, Hội đồng gia tộc thành lập Ban tổ chức Lễ hội, gửi thư triệu tập đến các chi ngành trong cả nước để mọi người chuẩn bị về dự đúng ngày giờ lễ hội.
Các hậu duệ về dự đại lễ sẽ đi từng đoàn, có trưởng đoàn lãnh đạo theo các chi ngành ghi trong Gia phả, về tới Từ đường thì Trưởng phó đoàn báo cáo với Ban tổ chức đại lễ. Ban tổ chức sẽ sắp xếp từng đoàn vào Từ đường một cách có tổ chức.
Ngày lễ hội chính thường được chọn vào ngày chủ nhật dịp Thanh Minh. Ngoài ra, ngày thứ 7 hôm trước ngày lễ chính, các chi ngành đón các đoàn đại biểu ở xa về.
Lễ hội thường có các nghi thức phần lễ: lễ dâng hương bái tổ, lễ tế, lễ cầu siêu; các hoạt động phần hội: ghi tên nhận diện, khảo cứu và bổ sung gia phả, giao lưu gặp gỡ, mít tinh, hội thảo, liên hoan tiệc mặn,…
Phần lễ dâng hương: thường diễn ra lúc buổi sáng, các đoàn chuẩn bị mâm lễ sẵn ở cổng nhà thời, Ban tổ chức giới thiệu theo vào dâng hương lễ tổ theo từng đoàn, thường thì đoàn nào đến trước sẽ được mời lễ trước, hoặc cũng có khi sắp theo thứ tự ghi trong gia phả.
Phần lễ tế: thường có một đoàn tế, ăn mặc theo nghi thức đặc trưng, có chủ xướng lễ tế, có trống chiêng phụ nhạc. Cuối lễ tế thường sẽ là nghi thức tưởng nhớ tổ tông, tất cả hậu duệ đứng nghiêm trang, kính cẩn hướng về phía bàn thờ đại lễ, người chủ xướng đọc văn tế và mọi người dành một phút yên lặng thiêng liêng để tưởng nhớ tổ tông cùng tiếng chuông ngân vang, chậm rãi. Phần lễ tế thường diễn ra sau lễ dâng hương của các đoàn.
Phần lễ cầu siêu: thường tổ chức vào buổi chiều ngày hôm trước. Lễ cầu siêu được diễn ra trong khuôn viên nhà thời họ, với nghi thức đậm nét truyền thống.
Ngoài phần Lễ hội chính, dòng họ thường tổ chức đoàn đi tảo mộ, gồm: mộ thủy tổ Phùng Quốc Công tại đống Bắn, mộ tổ các ngành, viếng nghĩa trang liệt sĩ. Các danh mộ khác do các chi, nhánh, gia đình tổ chức.
4.4. Gia phả
Kể từ khi Thủy Tổkhai sinh dòng họ (khoảng năm 1735) cho đến nay (2021,dòng họ Phùng Quốc Côngđã có 13 thế hệ(từ gia phả cũ năm 1993thì suy ra đã có 17 thế hệ có sự bất hợp lý, được sự nhất trí cao của Hội đồng Gia tộc, phần ghi chép thế hệ đã được điều chỉnh rút xuống còn 13 thế hệ. Theo đó từ thế hệ theo gia phả cũ: 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, sang gia phả mới sẽ là: 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13).
Từ thế hệ 4 trở đi, dòng họ bắt đầu có quan tâm đến việc lưu giữ thông tin thông qua các câu chuyện gia đình, thông qua ghi chép, cúng giỗ. Tuy nhiên cho đến nay, những ghi chép xưa cũ đã hầu như không còn, những ký ức và ghi chép ít ỏi còn lại thì cũng không được liên tục và đầy đủ như kỳ vọng của con cháu sau này.
Một điều giá trị là các thông tin về tổ tiên được lưu trữ, truyền miệng từ đời này sang đời khác bằng những câu chuyện gia đình, bằng những ghi chép cúng giỗ. Đó là những câu chuyện về Thủy Tổ, về các cuộc di cư, về sự ly tan, về sự đoàn tụ, thậm chí cả những câu chuyện về giai đoạn suy yếu, những mâu thuẫn cục bộ của dòng họ. Có rất nhiều gia đình để lại những ghi chép về ngày giỗ của tổ tiên tới 3, 4, 5 thế hệ. Tất cả đều hết sức sống động, giá trị thông tin cao, đáng trân trọng và cần phải được ghi chép lại một cách chân thực, khoa học và đầy đủ để giáo dục truyền thống cho các thế hệ.
Những ghi chép xưa nhất về dòng họ còn lưu trữ được là gia phả họ Nguyễn Đức gốc Phùng (bởi ông Nguyễn Đức Tuyển - thế hệ 8 - chủ biên), gia phả họ Phùng thôn Khả (bởi ông Phùng Văn Hưởng - thế hệ 7- chủ biên), gia phả họ Phùng My Động (xuất bản năm 1993 bởi ông Phùng Văn Anh -thế hệ 9- chủ biên).
Ngoài cuốn gia phả 1993 và các bản ghi thông tin kèm theo trên, chúng ta còn phải kể đến cuốn “lịch sử và sự phát triển dòng họ Phùng thôn My Động, xã Tiền Phong, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương” gồm 15 trang A4, do ông Phùng Quang Lãm (thế hệ 8) chủ biên cùng Hội đồng gia tộc xuất bản tháng 3 năm Bính Tuất (tháng 4 năm 2006).
Năm 2015, một bản gia phả khá toàn diện đã được biên soạn và ra mắt bản thảo. Cuốn gia phả này đặt tên là “Gia phả dòng họ Phùng Quốc Công”, được manh nha từ năm 2009. Tuy nhiên công việc thực sự có nhiều tiến triển mạnh vào đầu năm 2012 nhân sự kiện “Lễ hội Thanh minh Giỗ Tổ lần thứ 7”. Việc xây dựng và đặt tên cuốn gia phả này -“Gia phả dòng họ Phùng Quốc Công” - là sự quyết tâm rất lớn, vượt qua những suy nghĩ cục bộ, tăng cường sự đoàn kết toàn dòng họ, thể hiện sự trân trọng Thủy Tổ, người khai sinh ra dòng họ. Vì thế nó đã được các ông chủ tịch Hội đồng Gia tộc tại My Động, tại Vĩnh Bảo, tại thôn Khả và nhiều người có tâm huyết với dòng họ ủng hộ, cổ vũ mạnh mẽ.
Để xây dựng thành công gia phả này, hàng chục chuyến đi điền dã đã được tiến hành như: khảo sát, chụp ảnh các khu mộ; phỏng vấn trực tiếp các nhân chứng; thu thập, chụp ảnh các gia phả, các ghi chép tại các gia đình, các chi ngành tại xã Tiền Phong-Thanh Miện, xã Vinh Quang-Vĩnh Bảo-Hải Phòng, xã Duyên Hải-Hưng Hà- Thái Bình, xã Tống Trân và Tống Phan- Phù Cừ- Hưng Yên. Nguồn tư liệu quý giá cho gia phả này chính là các Gia phả họ Phùng My Động năm 1993, Gia phả họ Nguyễn Đức và Gia phả họ Phùng thôn Khả.
Theo kỳ vọng, Gia phả này được dựng một cách khoa học và toàn diện, theo hướng phản ánh tính trung thực lịch sử, tình đoàn kết của gia tộc, truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Gia phả hướng tới bố cục gồm các phần sau: lời nói đầu, phả ký, phả đồ, phả hệ, ngoại phả và phụ khảo. Trong đó phần phả đồ sẽ được in thành khổ lớn có đầy đủ họ tên toàn gia tộc từ Thủy Tổ đến hiện tại, chỉ rõ anh em, bố mẹ, ông bà, tổ tiên. Ngoài ra một số phả đồ nhỏ sẽ được tách ra bổ sung cho phần phả hệ được tường minh. Phần phả hệ sẽ được trình bày theo phương pháp tổng hợp (kết hợp phương pháp theo chiều ngang và phương pháp theo chiều dọc): cắt dọc phả hệ ra từng phần nhỏ (ngành, chi, nhánh, gia đình), ở phần nhỏ trình bày theo phương pháp chiều ngang. Với phương pháp trình bày phả hệ này sẽ khắc phục những nhược điểm của các giả cũ như đã nêu ở trên. Phần phả ký sẽ là những ghi chép phản ánh lịch sử một cách trung thực. Đặc biệt phần ngoại phả và phụ khảo là những phần mới mà những gia phả cũ không có.
Tác giả: Phùng Gia