Mùa xuân 2024, Di Li tự tin tung ra cuốn Tật xấu người Việt. 48 bài đề cập đến các biểu hiện kém lành mạnh của người Việt, được dẫn dắt khéo léo, văn phong linh hoạt, lập luận uyển chuyển.
Không ít người Việt vẫn mong mỏi có một cuốn sách tương tự Người Trung Quốc xấu xí của Bá Dương (tên khai sinh Quách Định Sanh, 1920-2008). Bá Dương được giới nghiên cứu phương Tây xem là “Voltaire của Trung Quốc”.
Trong cuốn Người Trung Quốc xấu xí do Nguyễn Hồi Thủ dịch, một phương pháp “giấu bệnh, giấu dốt” của người Trung Quốc là khi được/ bị ai nhắc đến cái dở của mình thì lập tức chống chế bằng thần chú “họ có ý đồ gì đó”.
Đọc Người Trung Quốc xấu xí cũng có thể nhìn thấy hình ảnh của người Việt Nam, chỉ khác biệt chút ít giữa “văn hóa nước tương” và “văn hóa nước mắm”.
Thực tế, trước khi Người Trung Quốc xấu xí xuất hiện, ở nước ta đã có cuốn Cao đẳng quốc dân của Phan Bội Châu (1867-1940) với nhiều trang gay gắt chỉ ra những hạn chế của người Việt Nam.
Danh sư Phan Bội Châu viết trong Cao đẳng quốc dân mấy lời thống thiết: “Than ôi, cái tư tưởng gia nô, cái trí thức gia nô! Bệnh gia truyền làm nô đó không biết tự bao giờ để lại cho chúng ta, bắt ta phải gông đầu khóa miệng, xiềng tay xiềng chưn, mà chịu gánh gia nô cho già đời mãn kiếp”.
Đầu thế kỷ 21, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn đã bỏ công sưu tầm những “thói hư tật xấu của người Việt trong con mắt các nhà tri thức nửa đầu thế kỷ 20”, sau đó in thành cuốn Người xưa cảnh tỉnh. Cách làm ấy chỉ mang tính tập hợp, và không bắt cá nhân nào phải chịu trách nhiệm (nếu có) phản ứng của người đương thời.
Mùa xuân 2024, Di Li tự tin tung ra cuốn Tật xấu người Việt. 48 bài đề cập đến các biểu hiện kém lành mạnh của người Việt, được dẫn dắt khéo léo, văn phong linh hoạt, lập luận uyển chuyển.
Di Li viết giỏi, với sở trường được thừa nhận của một cây bút thể loại trinh thám. Thế nhưng, đọc Tật xấu người Việt, thấy kỹ năng của một diễn giả, nhiều hơn cốt cách của một nhà văn.
Vì sao? Vì những câu chuyện Tật xấu người Việt diễn đạt khá hấp dẫn, nhưng chưa có những dòng được khái quát lên hoặc những đoạn được đúc kết lại, để trở thành quan điểm xã hội hay thái độ thẩm mỹ của tác giả.
Nói cách khác, Tật xấu người Việt thưa vắng những câu văn tư biện, để độc giả phải giật thót hoặc phải thở dài về căn tính dân tộc khiến hẩm hiu giá trị con người và cản trở tiến bộ cộng đồng.
Dù sao, có được một cuốn như Tật xấu người Việt cũng không dễ. Chúc mừng Di Li!
Theo Nhà thơ LÊ THIẾU NHƠN / VIETNAMTODAY