(Thứ sáu, 25/08/2023, 09:07 GMT+7)
Mỗi cá nhân có quyền có sự lựa chọn riêng, và giống như phần đông những chí sĩ xứ Nghệ thường trung thành suốt đời với sự lựa chọn của mình, cụ Phan Ngọc đã làm như vậy mà không vì bất cứ một sự tư lợi nào.
 
Nhân ngày giỗ 3 năm của học giả Phan Ngọc (26/8/2020, tức 8/7 Canh Tý), tôi xin thắp một nén nhang tưởng nhớ đến cụ. Về học giả Phan Ngọc, ai đã tìm hiểu đều có thể đặt ra hai câu hỏi:
 
Thứ nhất: Vì sao cụ Phan Ngọc sinh ra trong gia đình quan lại, nhưng lại tin tưởng vào Việt Minh, vào Hồ Chủ tịch, chọn con đường đi theo cách mạng, tuy không gia nhập Đảng Cộng sản (ĐCS), vẫn suốt đời trung thành với sự lựa chọn của mình?
 
Thứ hai: Cuốn Mỹ học (Heghen) do cụ dịch tại sao lại khiến một vài người chê trách, thậm chí, còn bị nhà văn nữ nổi tiếng Phạm Thị Hoài cho là “dịch sai hết cả”. Một số người, ngay cả quý mến cụ, cũng tỏ ra tin vào đánh giá của nữ nhà văn nọ. Lẽ nào bên cạnh hàng loạt tuyệt phẩm dịch, như Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoy, Sử ký của Tư Mã Thiên, Hàn Phi Tử của Hàn Phi, Nho lâm ngoại sử (Chuyện làng nho) của Ngô Kính Tử, David Copperfield Oliver Twist của Charles Dickens, Kịch Sếch-xpia, Giáo trình ngôn ngữ học đại cương của Saussure, Các phương pháp của ngôn ngữ học cấu trúc luận của Harris, Những nguyên lý âm vị học của Trubeskoj… cụ Phan Ngọc lại có một tác phẩm quá tệ như vậy?
 

Học giả Phan Ngọc

Bằng sự hiểu biết của tôi về cụ, tôi cố gắng đưa ra câu trả lời, hẳn là chưa đầy đủ, nhưng ít nhiều giúp hiểu đúng hơn về cụ.
 
Về câu hỏi thứ nhất
 
Thế hệ lớn lên sau 1954 chưa trải qua nên khó lòng hình dung đầy đủ nỗi nhục của người dân mất nước. Đặc biệt, giới trí thức thời kỳ đó càng thấm hơn nỗi đau nô lệ. Cho nên vào những năm 1945-1946, khi Việt Minh giương cao lá cờ giải phóng dân tộc và trên thực tế trở thành lực lượng duy nhất lãnh đạo công cuộc giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp thì phần đông các trí thức Việt Nam khi ấy, bất kể xuất thân như thế nào, ở trong hay ngoài nước, đều hăng hái đi theo.
 
Một số trí thức, sau một thời gian đi theo thấy không hợp, đã từ bỏ Việt Minh, đặc biệt là vào năm 1954, khi họ được tự do lựa chọn nơi sống, Nam hay Bắc. Nhưng với rất nhiều trí thức khác, thì việc cụ Hồ và ĐCS giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ là điều cốt yếu nhất, mọi chuyện khác không quan trọng bằng. Cụ Phan Ngọc đã trung thành với sự lựa chọn của mình. Đó là hiện tượng phổ biến, không phải riêng một mình cụ Phan Ngọc.
 
Cụ Phan Ngọc tin vào cụ Hồ còn vì thái độ ấy nhất quán với phương châm sống của cụ. Không ít lần cụ nhắc đến thành ngữ “đời người như bóng câu ngang qua cửa sổ”, và nói thêm, “chỉ có đời sống dân tộc và nhân dân là có ý nghĩa, còn đời sống cá nhân đáng kể gì!”. Cụ đặt cuộc đời chớp bóng của mình dưới đời sống trường tồn của dân tộc. Cụ luôn tâm niệm và cả cuộc đời cụ là minh chứng cho điều cụ nói: “Tôi sống nhỏ bé, nhưng cố gắng làm vài việc có ích cho dân cho nước”.
 
Nhà văn Sơn Tùng, bạn thân của cụ, là người dành cả đời nghiên cứu và viết về Hồ Chí Minh, có nhiều tài liệu, kể cả những tài liệu “trái chiều”, mang đến cho cụ xem, người viết bài này nhân cơ hội mượn đọc. Cụ bảo: “Phải căn cứ vào cái kết quả quan trọng nhất mà cụ Hồ đã đem lại là giành độc lập cho dân tộc để có cách nhìn cho đúng”. Thế hệ sau mỗi người có thể suy nghĩ khác nhau và không giống cụ, nhưng theo tôi, nên hiểu những người như cụ. Mỗi cá nhân có quyền có sự lựa chọn riêng, và giống như phần đông những chí sĩ xứ Nghệ thường trung thành suốt đời với sự lựa chọn của mình, cụ Phan Ngọc đã làm như vậy mà không vì bất cứ một sự tư lợi nào. Cả cuộc đời giản dị, nghèo về vật chất, nhưng lao động và cống hiến phi thường của cụ minh chứng cho điều đó.
 
Về câu hỏi thứ hai
 
Nhà văn Phạm Thị Hoài viết bài Sấm Heghen, dẫn một số câu trong Mỹ học (Heghen) bản dịch của cụ Phan Ngọc, đối chiếu với câu tương ứng trong bản gốc tiếng Đức và cho rằng cụ Phan Ngọc dịch sai, rồi kết luận, không cần phải tìm hiểu thêm, động đến câu nào cũng sai, nói chung, toàn tác phẩm dịch sai hết cả.
 
Tôi hoàn toàn không đủ trình độ (về tiếng Đức, về Mỹ học Heghen) để đánh giá nội dung việc phê phán của chị Hoài là đúng hay sai, tôi chỉ thấy cách làm của chị không thỏa đáng. Ở đây tôi trình bày ý kiến của mình về cách làm của chị Hoài, để hy vọng sau này nếu có ai phê bình bản dịch của cụ Phan Ngọc thì có cách làm thuyết phục hơn, và nhờ vậy, bổ ích hơn cho những người sau này tiếp bước cụ dịch Heghen. 
 
Ta chú ý rằng, cụ Phan Ngọc dịch Heghen từ bản tiếng Nga, cụ có tham khảo thêm bản tiếng Nga khác cùng các bản tiếng Pháp, Trung và Đức. Dịch cuốn sách gần 2.000 trang như vậy, chắc chắn không ai dịch mỗi câu lại tham chiếu 5 bản khác nhau. Chỉ khi gặp một câu khó hiểu, khó chọn từ cho đúng, khó dịch, thì người dịch mới tham khảo sang bản tiếng khác. Vả lại, không phải cụ Phan Ngọc có đủ đồng thời cả 5 bản Mỹ học của Heghen khi dịch, mà hình như thoạt đầu cụ chỉ có bản tiếng Nga, sau nhiều năm mới lần lượt tìm mượn được các bản khác để đối chiếu.
 
Ta đều biết, một bản dịch dù hoàn hảo cũng sẽ không tránh khỏi ít nhiều có thay đổi ý tứ của bản gốc, do phải thông qua cách hiểu của người dịch. Do đó, có người quan niệm người dịch là đồng tác giả. Người dịch nhiều khi phải chuyển một câu nguyên tác thành nhiều câu, có khi đưa câu sau, ý sau lên trước, và không ít khi cùng một từ, một cụm từ, một thuật ngữ trong bản chính, tùy văn cảnh, tuỳ giai đoạn nó xuất hiện, khi chuyển ngữ phải dịch khác nhau. Sự “vênh váo” giữa các ngôn ngữ khiến người dịch buộc phải linh hoạt.
 
Thêm vào đó, Mỹ học của Heghen là tập hợp các bài giảng của ông ở những thời gian khác nhau trong khoảng hơn 10 năm, do học trò ghi lại, thì không thể đòi hỏi nó tuyệt đối thống nhất được. Bản thân bộ óc vĩ đại của Heghen tất nhiên luôn luôn “chuyển động”, tư tưởng của Heghen không phải một thứ nhất thành bất biến. Mỹ học của Heghen, do đó, sẽ chứa đựng nhiều chỗ ý tứ vênh nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau. Bản dịch đương nhiên kế thừa điều ấy. Quá trình từ tiếng Đức, sang tiếng Nga, rồi sang tiếng Việt càng khiến bản dịch không tránh khỏi nhiều “xô lệch” so với bản gốc.
 
Vả chăng, cụ Phan Ngọc một mình dịch một tác phẩm khó như Mỹ học của Heghen gần 2.000 trang thì không tránh khỏi có chỗ, có lúc sai sót, nhầm lẫn, vụng về, nên sự phê phán của bạn đọc là cần thiết. Nhưng khi phê phán thậm tệ người dịch như chị Hoài, theo tôi, cần thận trọng hơn. Phan Ngọc dịch từ bản tiếng Nga nào thì người phê phán bản dịch của ông nên chọn đúng bản tiếng Nga ấy để đối chiếu, xem xét, chứ việc dùng bản tiếng Đức như chị Hoài là chưa thuyết phục. Những chỗ mâu thuẫn nhau trong bản dịch, những thuật ngữ, khái niệm mà chị cho là Phan Ngọc dịch sai lẽ ra nên được đối chiếu thêm với các bản tiếng khác, nhất là bản tiếng Nga, trước khi đưa ra kết luận phũ phàng như chị đã làm. 
 
Nhưng điều chủ yếu khiến tôi không đồng ý với chị Hoài là ở chỗ khác.
 
Như trên đã nói, nhiều người bị thuyết phục bởi bài Sấm Heghen của chị Hoài. Điều đó theo tôi không lạ. Chị là người viết văn hay, văn phê phán lại càng hay. Hơn nữa, nhiều người đọc bản dịch của cụ Phan Ngọc không hiểu, và do vậy dễ tin theo ý kiến của chị.
 
Bản thân tôi có lẽ cũng tin rằng chị Hoài phê phán đúng, nếu… không có trải nghiệm cá nhân. Tôi từng ít nhiều làm công việc dịch thuật từ tiếng Nga và tiếng Pháp, nhưng điều ấy không có ý nghĩa gì trong chuyện này. Heghen và Phan Ngọc vượt quá xa tầm của tôi! Trải nghiệm cá nhân tôi muốn nói ở đây là quá trình tôi đọc hiểu một cuốn sách thuộc tư tưởng Đức, cuốn Tư bản luận. Tôi nghĩ cuốn này còn dễ hiểu hơn Mỹ học của Heghen nhiều. Cuốn Mỹ học của Heghen, như trên đã nói, không thể chặt chẽ và thống nhất, còn Tư bản luận, nhất là quyển I, quyển quan trọng nhất của nó, được C. Mác viết đi viết lại nhiều lần, rất chặt chẽ, và như ông nói, ông cố viết giản dị nhất để những người công nhân lao động cũng có thể hiểu được.
 
Để thuật lại trải nghiệm cá nhân, tôi buộc phải dài dòng như sau:
 
Năm 18 tuổi, tốt nghiệp phổ thông, tôi vào học Khoa Kinh tế - Chính trị Đại học Tổng hợp Hà Nội. 5 năm học ở đây, tôi được trang bị kiến thức không nhiều, nhưng tập trung vào chuẩn bị kiến thức nền để đọc cuốn Tư bản luận của C. Mác. Đầu tiên, chúng tôi được học về toán cao cấp (mấy môn giải tích, đại số tuyến tính, vận trù…, mấy môn này có lẽ không cần lắm, chả hiểu sao số tiết học lại nhiều?), học mấy môn phụ khác (tâm lý học, luật học…) kiểu cưỡi ngựa xem hoa, học lịch sử kinh tế thế giới, lịch sử tư tưởng (Phương Tây và Phương Đông) sơ sài, dựa vào bài giảng ghi chép lại hoặc sách dịch của Liên Xô, học về chủ nghĩa xã hội khoa học, về triết học Mác-Lênin (hai môn này được coi là quan trọng, học kỹ hơn, học cả một số tác phẩm của các nhà kinh điển C. Mác, F. Enghels, V.I. Lê-nin), rồi bắt đầu học các cuốn giáo trình kinh tế chính trị học của trường đảng Nguyễn Ái Quốc, thực chất là dạng sách phổ thông hóa Tư bản luận, nhằm trang bị kiến thức cơ bản của kinh tế chính trị học.
 
Dù đã được học những kiến thức bổ trợ, được giảng về những khái niệm cơ bản, học môn kinh tế chính trị học… nhưng vào năm thứ năm, khi đọc thẳng vào Tư bản luận, có thầy giảng từng chương, chúng tôi cũng chỉ nắm được lơ mơ, thực chất là chưa hiểu. Hầu hết chúng tôi đánh vật trên từng câu của Tư bản luận. Ra trường tôi lại tiếp tục đọc bộ sách này nhiều lần, nhiều năm, đọc thêm nhiều sách nghiên cứu khác về nó, do môn kinh tế chính trị học, thực chất với chúng tôi chỉ là cuốn Tư bản luận, được coi là một trong ba môn thi nghiên cứu sinh kinh tế chính trị học.
 
Có thể nói rằng, ngoài 35 tuổi, tôi mới dám tự coi là hiểu Tư bản luận khi có được một chút ý kiến riêng của mình: Mác nói rằng, ông nghiên cứu giá trị trong mối liên hệ với giá trị sử dụng, nhưng trên thực tế, theo tôi, ông đã thoát ly giá trị sử dụng. Cụ thể, ông cho rằng trong nền kinh tế hàng hóa, do áp lực của cạnh tranh, hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm, nhà tư bản phải không ngừng đầu tư vào kỹ thuật sản xuất, nâng cao năng suất lao động.
 
Cuộc chạy đua vô tận này dẫn đến V (phần giá trị phục hồi sức lao động cho người công nhân) ngày càng nhỏ, M (giá trị thặng dư) ngày càng lớn, biểu hiện ra về mặt xã hội là mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và giới chủ ngày càng gay gắt, tất yếu đến một lúc nào đó sẽ bùng nổ cách mạng. Nhưng theo tôi, trên thực tế người công nhân sống bằng giá trị sử dụng chứ không phải bằng giá trị. Cho nên, dẫu cho V ngày cảng nhỏ đi, nhưng giá trị sử dụng mà nó chuyển hóa thành ngày một tăng lên, thì đời sống người công nhân vẫn mỗi ngày được cải thiện, cách mạng sẽ không xảy ra.
 
Lập luận trên của tôi đúng hay không ở đây không quan trọng, nhưng phải gần hai chục năm liên tục học tập, tôi mới tự mình rút ra điều ấy, kể từ đó mới dám cho rằng mình hiểu được một tác phẩm trong tư tưởng Đức. Tất nhiên, tôi là người bình thường, không phải người thông minh lỗi lạc, nên mới nhọc nhằn như vậy. Nhưng qua trải nghiệm bản thân, tôi hiểu rằng với người bình thường, nếu chưa qua đào tạo chuyên biệt, thì đọc C. Mác thôi, chứ chưa nói đến đọc Heghen, chắc chắn không khác gì đọc sấm.
 
Một thuật ngữ, như giá trị, bây giờ ai cũng nói được, bác nông dân, bác nghệ nhân rối nước, cô hướng dẫn viên du lịch… ai cũng có thể nói nào “giá trị truyền thống”, nào “giá trị văn hoá”, nào “hệ giá trị đạo đức”, vân vân và vân vân, nhưng trong Tư bản luận thì giá trị lại mang một ý nghĩa khác, là lao động trừu tượng xã hội tích luỹ lại trong hàng hóa. Bác nông dân, bác nghệ nhân, cô hướng dẫn viên du lịch… thử đọc Tư bản luận xem, có hiểu nổi không? Bạn không thể đem cái tiếng Việt thông thường, dù bạn nắm rất vững, để đọc một cuốn sách lý luận chuyên sâu được!
 
Heghen càng không phải dành cho mọi người. Chị Hoài viết: “Mỹ học của Heghen trong nguyên tác không phải là tác phẩm khó đọc và khó hiểu nhất” (?). Cứ cho là chị đúng, thì Mỹ học của Heghen vẫn là một trong các tác phẩm khó đọc và khó hiểu nhất, như thế cũng đủ để không dành cho mọi người. Các tác phẩm đỉnh cao của tư duy lý luận của nhân loại thì đừng mong dễ hiểu. Chị Hoài dù giỏi tiếng Đức đến đâu, cũng chỉ hiểu được tiếng Đức trong một vài lĩnh vực quen thuộc nào đó. Tôi chắc chắn, nếu chị đọc một tác phẩm khoa học cao cấp trong lĩnh vực toán học, y sinh học, địa chất học… thì không thể hiểu nổi, kể cả đọc bằng tiếng Việt.
 
Sách Heghen với chị cũng thế mà thôi. Chị quá chủ quan khi cho rằng Heghen không khó hiểu. Chị viết: “Ngôn ngữ của các bài giảng ấy là một ngôn ngữ hàn lâm trừu tượng nhưng tương đối sáng tỏ, phần lớn là đủ mạch lạc, nhiều đoạn dài còn có vẻ giản dị. Không hề là ngôn ngữ sấm”. Đồng ý với chị, không chỉ Heghen, theo tôi suy đoán, căn cứ vào C. Mác, F. Engels mà tôi có đọc, thì các nhà tư tưởng Đức nói chung có lẽ đều diễn đạt tư tưởng của họ bằng một ngôn ngữ sáng tỏ, mạch lạc, dù đôi lúc cầu kỳ, lật đi lật lại. Vấn đề là sự khó hiểu nằm ở bản thân tư tưởng của họ, chứ không phải ở sự diễn đạt.
 
Với đa số người đọc, họ vẫn viết “sấm”. Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên, tuy quý mến cụ Phan Ngọc, nhưng bị thuyết phục bởi bài Sấm Heghen của chị Hoài, và qua đó tin vào khả năng của chị, đề nghị chị dịch Mỹ học Heghen. Nhà văn Thảo Hảo cũng vậy. Từ thời điểm ấy đến nay đã 20 năm trôi qua, tôi cũng hy vọng nhìn thấy bản dịch của chị, dù chỉ một chương, nhưng chưa!
 
Không ai buộc chị phải dịch Heghen, nhưng giả sử chị có dịch, tôi tin cũng không thể dịch nổi. Từ chê người khác đến tự mình làm, trường hợp dịch Mỹ học Heghen, là một biển trời cách biệt. Chị chọn một vài câu của tác phẩm ấy, nghĩ là hiểu và dịch theo cách hiểu của mình thì được, “được” theo nghĩa nào đó thôi. Bản thân tôi đọc Tư bản luận từng câu tuần tự, đến lúc hiểu được hệ thống, quay trở lại đọc từng câu, hiểu về mỗi câu ấy khác đi. Đọc truyện, bạn có thể chõm lấy một câu ở bất cứ trang nào cũng hiểu được (tất nhiên, không phải truyện nào cũng vậy). Nhưng đọc một cuốn sách thuộc tư tưởng cổ điển Đức thì đòi hỏi không chỉ đọc từng câu, từng đoạn, mà phải tiến đến nắm được cả hệ thống, rồi quay lại từng câu, từng đoạn mới hiểu được đúng đắn câu ấy, đoạn ấy.
 
Cụ Phan Ngọc nói “hiểu Heghen phải chân truyền”, tức là phải có người giảng giải, hướng dẫn, phải qua đào tạo chu đáo những kiến thức về triết học Đông Tây, trước Heghen và cùng thời với ông, về tư tưởng Đức nói chung, về tư tưởng Heghen nói riêng, phải hiểu cả hệ thống của ông, v.v... mới hiểu được đúng từng chương, từng đoạn, từng câu. Thế nên đọc Heghen khác hẳn với đọc truyện, và thậm chí, khác với tất cả các tác phẩm lý luận bình thường khác, những thứ chẳng cần chân truyền chi hết. Nhà báo Kiều Mai Sơn cũng vì yêu quý cụ Phan Ngọc, tỏ vẻ tiếc cho cụ: Sao cụ không dịch từ bản tiếng Pháp nhỉ (là thứ tiếng mà anh biết cụ rất giỏi), mà lại dịch từ bản tiếng Nga! Dường như là anh không tin hẳn vào khả năng tiếng Nga của cụ Phan Ngọc. Thực ra, anh chưa hoàn toàn hiểu cụ Phan Ngọc thôi.
 
Với dịch giả cỡ như cụ Phan Ngọc, thì dịch từ tiếng nào cũng thế thôi, Nga, Anh, Đức, Pháp… như nhau hết. Vấn đề không còn ở ngôn ngữ nữa. Chiến tranh và hòa bình cụ dịch từ tiếng Nga hay như thế nào, chúng ta đã thấy. Có lần cụ nói đại ý, một khi đã nắm vững tiếng Latin thì các ngôn ngữ châu Âu khác học rất nhanh, và nếu đã biết đến 3 tiếng châu Âu thì học tiếng châu Âu thứ 4 thứ 5 rất dễ. Yêu cầu cụ Phan Ngọc dịch một tác phẩm toán học hay y sinh học cao cấp thì kể cả dịch từ tiếng Pháp cụ cũng không nhận lời, vì giản đơn là cụ không thể hiểu được. Nhưng Heghen thì cụ dịch, vì thứ nhất, cụ có kiến thức nền phi thường về tư tưởng đông tây kim cổ. Không như thế không dịch nổi Heghen, bởi Heghen có thể xem là tập đại thành tri thức nhân loại đến thời của mình; thứ hai, cụ được chân truyền (ông Trần Đức Thảo giảng cho cụ về Heghen); và thứ ba, vì cụ là người có trí tuệ lỗi lạc.
 
Tôi không ít lần kinh ngạc vì không chỉ hỏi cụ về Phật Thích Ca, Lão Tử, Trang Tử, Khổng Tử… mà hỏi cụ về K. Mác, về William Petit, về Saint Simon… cũng đều được cụ giảng giải rõ ràng. Sau khi cụ mất tôi mới biết, cụ là một trong những người tham gia dịch Tư bản luận ở Việt Nam (các sách của C. Mác ở Việt Nam, như Tư Bản luận, tiếc là không ghi tên những người dịch). Dịch C. Mác thì cụ phải tìm hiểu các nhà tư tưởng Anh, Pháp, Đức là chuyện đương nhiên. Nhưng theo tôi, những nhà tư tưởng phương Tây đã được cụ đọc và tìm hiểu sớm hơn nhiều, ngay từ những năm dùi mài ở ngôi trường danh tiếng Providance Huế. Họ nằm trong chương trình đào tạo tú tài thời đó. Tôi nghĩ đến nay vẫn còn nhiều cụ đang còn sống, từng có bằng tú tài, hay tú tài ban triết học thời Pháp, có thể làm chứng về điều đó.
 
Cụ Phan Ngọc đã khai phá Heghen và đến một lúc nào đấy, sẽ có những người được đào tạo chuyên sâu và bài bản hơn về Heghen tiếp bước cụ, để rồi sẽ ra đời những bản dịch tiếng Việt tốt hơn. Nhưng ít nhất trong khi chờ đợi, theo tôi nghĩ, phải có một thái độ trân trọng và công bằng với những nỗ lực của cụ.
 
Nhìn vào khối lượng đồ sộ sách dịch và viết của học giả Phan Ngọc, không ai không khâm phục, bởi chúng chỉ có thể là thành quả của sự kết hợp may mắn giữa một trí tuệ lỗi lạc với một cuộc đời làm việc miệt mài, không ngừng nghỉ. Người như thế thì đâu còn tâm trí dành cho những toan tính tư lợi. Người ta phục tài cụ, nhưng những người có nhiều dịp gần gũi cụ như tôi thì còn khâm phục nhân cách của cụ không kém.
 
Hưng Yên, 18/8/2023
Tài liệu tham khảo
 
1. Phạm Thị Hoài, Sấm Heghen - 2002
2. Phạm Xuân Nguyên, Cụ Ngọc và cô Hoài - 2020
3. Thảo Hảo, Tôi nghi ngờ ông Heghen! - 2002
4. Trần Tuấn Cường, HỌC GIẢ - DỊCH GIẢ PHAN NGỌC (1925-2020): THƯ MỤC SÁCH ĐÃ XUẤT BẢN (sơ soạn) - 2020
5. Son Kieu Mai, https://tinyurl.com/2zhmvp3p
 
Theo ĐẶNG THẾ ĐẠI / Vietnam Today