(Thứ bảy, 20/02/2016, 09:18 GMT+7)

Theo cuốn sách Họ Phùng Việt Namđược biên soạn, tổng kết từ Hội thảo khoa học Họ Phùng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước qua các thời kỳ do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Ban Liên lạc Họ Phùng Việt Nam tổ chức long trọng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám ngày 19 tháng 3 năm 2011 đã khẳng định: “Trong các dòng họ, sự hình thành, phát triển và trưởng thành, chung lưng đấu cật đánh giặc và giữ nước, góp phần tô thắm các trang vàng lịch sử suốt hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, dòng họ Phùng là một trong những dòng họ có võ công, có văn hiến, có nền nếp kỷ cương, có nhiều nhân tài, một trong những dòng họ quang minh chính đại bậc nhất trong lịch sử dân tộc”.

Cũng trong cuốn sách Họ Phùng Việt Nam đã khẳng định: “Dòng họ Phùng trong tiến trình lịch sử, thời nào cũng xuất hiện các nhân tài về: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội...

Trong các cuộc chiến tranh vệ quốc sau này, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, những người con họ Phùng ở mọi lứa tuổi, tầng lớp đều sẵn sàng nghe theo tiếng gọi của non sông, đóng góp công sức trí tuệ và không ít máu xương của mình, góp phần làm lên ngày toàn thắng. Có không ít anh hùng dũng sĩ và rất nhiều liệt sĩ mang dòng máu họ Phùng. Người họ Phùng cùng với con em các dòng họ khác luôn trung dũng, kiên cường, là thành trì vững chắc ở những nơi gian khổ ác liệt nhất.

Trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những người con ưu tú họ Phùng luôn có mặt và đảm đương các trọng trách ở nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, khoa học kỹ thuật... và luôn biết hướng đến những điều tốt đẹp, tiến bộ, nhân văn nhất, góp phần đưa đất nước Việt Nam cường thịnh, sánh vai với bè bạn năm châu.

Hiện nay, các cành nhánh họ Phùng trên toàn quốc đang nỗ lực phấn đấu mọi mặt để phát huy truyền thống dòng họ, góp phần cùng các dòng họ khác trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

*

*   *

Hơn 590 năm trước đây, hai cụ tổ dòng họ Phùng, hai anh em ruột Cụ Phùng Văn Dưỡng và cụ Phùng Văn Bạo là những người đặt dấu ấn đầu tiên của dòng họ Phùng tại nơi này, phát hiện đây là vùng đất địa linh, với vị thế đẹp thuận tiện về giao thông thủy bộ, có phố Nả, có đồi Ngọc (tức chùa Gừng), có xóm Tiên Thịnh, có con sông Cả tức sông Hồng, có đò ngang, có núi Tản, có sông Đà, có chỗ Cầu Học là nơi Bùi tự đến linh thiêng chùa Nả chùa Gừng thật là sơn thủy hữu tình. Bởi, vậy các cụ nhà ta đã cùng các cụ dòng họ khác phát triển thành làng xã và lập nghiệp tại đây. Thuở ấy, khi vùng đất này còn rậm rạp hoang sơ, Tổ Tiên chúng ta đã phải vượt qua bao nguy hiểm khó khăn để khai hoang, mở rộng diện tích mới tạo dựng được địa danh an nghiệp và truyền lại cho chúng ta như ngày hôm nay phát triển thành một dòng họ có thế lực. Sau nhiều đời tiếp bước truyền thống cha ông, biết bao thế hệ con, cháu hậu duệ của tổ, mang trong mình dòng máu của cụ tổ Phùng Văn Dưỡng. Vì mưu sinh cuộc sống đã tỏa đi khắp muôn phương tạo dựng cơ nghiệp, nay có người đã tìm về được với tổ tiên và cũng còn những người do thăng trầm của cuộc sống hay do thất truyền của các bậc tiền nhân vẫn chưa tìm về được.

Năm 1780 cách nay đã 233 năm hai Cụ Phùng Văn Bẩm và Cụ Phùng Văn Tịnh là hậu duệ của cụ Phùng Văn Dưỡng đã không quản ngại gian lao ra đi tìm vùng đất mới gây dựng cơ nghiệp. Sau đó các cụ dừng chân ở xã Yên Luật, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Tại đây, với bản chất của người họ Phùng cần cù và sáng tạo các cụ đã khai sơn, lập địa, lấy vợ sinh ra con cháu các hàng và nuôi dạy con cháu trưởng thành. Thế rồi cũng truyền thống ấy, cũng dòng máu ấy lại tiếp bước tổ tiên tỏa ra khắp trong và ngoài nước đang tiếp tục gây dựng cơ đồ nhưng vẫn mong tìm về quê cha đất tổ. Trải qua nhiều năm tìm kiếm khó nhọc thế rồi nhờ trời phật tổ tiên phủ hộ, năm 2009 hậu duệ của các cụ đã tìm về được nơi có nguồn gốc dòng máu của mình. Qua kiểm chứng bằng chứng cứ là gia phả ở Hạ Hòa và di huấn của các bậc tiền nhân ở Vĩnh Phệ, năm 2010 đại gia đình ta chính thức lại được đoàn tụ sau 230 năm xa quê cha đất tổ. Năm nay 2013, chi tổ họ Phùng đã tổ chức giỗ tổ chi vào ngày 04 tháng 11 âm lịch Tại nhà tờ tổ chi họ Phùng Yên Luật.

Hiện tại ở thôn Vĩnh Phệ, gia tộc họ Phùng chúng ta đã có 114 hộ gia đình với trên 400 nhân khẩu đang sinh sống, ở Hạ Hòa cũng có 95 hộ gia đình và gần 400 nhân khẩu.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, con cháu dòng họ Phùng vẫn giữ được những nét thuần phong mỹ tục của Tổ Tiên để lại. Đó là lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, luôn coi trọng luân thường đạo lý, sống nghĩa tình đoàn kết keo sơn, phát huy truyền thống hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, tinh tế trong ứng xử, lối sống giản dị, gần gũi, thuỷ chung và đặc biệt đó là lòng yêu nước, thương nòi, ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm, làm cho dân giàu nước mạnh, nêu cao ý thức cộng đồng trong xã hội, biết gạt bỏ những cái nhỏ nhen tầm thường trong quá khứ và trong cuộc sống hằng ngày để giữ lấy cái nghĩa tình cao đẹp trong gia đình họ tộc, trong cộng đồng xã hội. Nét truyền thống đó như là một di sản, một tinh hoa của làng nước, của họ Tộc, nó được giữ gìn, vun đắp qua bao thế hệ, từ đời này sang đời khác tiếp tiếp nối dài theo sự phát triển cùng với lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Trải qua 590 năm tồn tại và phát triển, với truyền thống hiếu học và cần cù lao động, ở bất kỳ lĩnh vực công việc nào các thế hệ con cháu họ Phùng của chúng ta cũng thể hiện được sự thành công và nét tài hoa nhất định, có nhiều vị đã thành danh ở nhiều ngành nghề khác nhau như: nghề  Mộc, nghề Nề, khai thác thủy sản, đi câu và đặc biệt là nhiều đời làm nghề thầy giáo, nghề thầy thuốc, thầy kiện (luật sư), nghề thầy cúng... và đã truyền lại cho các đời và phát triển đến tận ngày nay. Hiện nay, các thế hệ con cháu họ Phùng, đã và đang bắt nhịp theo sự phát triển chung của xã hội, hiện đang hoạt động trong hầu hết tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, ngành nghề khác nhau, khắp trong và ngoài nước.

Từ xưa đến nay việc thờ cúng tổ tiên và chăm lo việc họ là nét đẹp văn hoá đặc sắc, là truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Từ những bậc thánh hiền, quân vương đến muôn dân đều lấy đạo hiếu phụng thờ Tổ Tiên, ông bà, cha mẹ làm chuẩn mực đạo lý ở đời.

Các thế hệ con cháu họ Phùng  cũng không thể nằm ngoài quy luật đó, đời nào cũng mong ước xây được nhà thờ họ để thờ cúng Tổ tiên và cũng là thể hiện sự hiếu thảo, báo đáp công đức sinh thành dưỡng dục của Tổ tiên và để định hướng đạo đức giáo dục con cháu các thế hệ hiện tại và mai sau.

Điều quan trọng nhất là cần nhận thức đúng đắn ý nghĩa của việc xây dựng nhà thờ không phải chỉ để ngắm nhìn, khoe khoang với thiên hạ, hay để tổ chức tiệc tùng linh đình mà tạo nên công trình mang dấu ấn tốt đẹp về nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản chất dân tộc, nhắc nhở con cháu giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống đạo lý, gia phong tốt đẹp của tổ tiên ông bà truyền lại.

Rất tiếc, ước nguyện giản dị mà lớn lao đó vẫn chưa trở thành hiện thực, vì vậy mà biết bao nhiêu thế hệ, các cụ các ông các bà của dòng họ, đã phải canh cánh trong lòng, mang theo ước nguyện đó về với thế giới bên kia. Gần đây nhất, như cụ Phùng Văn Lư, cụ Phùng Văn Chí, Cụ Phùng Văn Dậu, Cụ Phùng Văn Lệnh, cụ Phùng Văn Đảm v.v.... Kính lậy vong linh các cụ thật là Tấm gương:

Hiếu trung tình nghĩa vẹn tròn.

Cõi dương khuất bóng vẫn còn tiếng thơm.

Hôm nay con cháu các thế hệ nối tiếp, thực hiên ước nguyện của các bậc tiền nhân đã thống nhất trên dưới một lòng, chính thức Phục dựng từ đường.

Để có được buổi khởi công phục dựng nhà thờ họ Phùng làng Vĩnh Phệ, cũng là ý nguyện của tất cả các thế hệ Trai, Dâu, Gái, Rể trong dòng họ hôm nay. Chúng ta phải cảm tạ sự tham gia tích cực của Ban Chỉ đạo và hội đồng gia Tộc, sự nhiệt tình của các ban Tài chính, ban Xây dựng, ban giúp việc và sự đóng góp to lớn có tính quyết định của bà Trần Thị Khai là dâu trưởng của dòng họ cùng con cháu đã hiến 168 m2 đất để phục dựng nhà thờ Họ. Mặc dù diện tích mảnh đất tuy còn khiêm tốn nhưng  ý nghĩa vô cùng to lớn vì theo như di huấn của các bậc tiền nhân nơi đây chính là nơi phát tích của dòng họ Phùng chúng ta từ buổi sơ khai.

Sau một thời gian tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất trưng cầu ý kiến toàn dòng Họ về địa điểm xây dựng, thiết kế xây dựng, với sự đóng góp của các cụ cao tuổi là hậu duệ trai dâu gái rể của dòng họ đó là cụ Phùng Văn Chù 91 tuổi, cụ Trần Thị Má dâu họ gần 80 tuổi. Đặc biệt cụ Phùng Thị Phấn 91 là gái họ mặc dù điều kiện cũng hết sức đặc biệt mà cụ đã cố gắng phát tâm ủng hộ đến 500.000 đồng, cụ Phùng Thị Tí gái họ gần 80 tuổi, cụ Phùng Thị Sửu gái họ gần 80 tuổi...

Hôm nay ngày 15 tháng 9 năm 2013 tức ngày 11 tháng 8 năm Quý Tỵ, dòng họ Phùng Văn đã long trọng tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà thờ họ.

Về dự lễ khởi công có đông đủ bà con đại diện của các chi họ, đại biểu Ban Liên lạc Họ Phùng toàn quốc, đại biểu các chi họ Phùng đã có mặt trong buổi lễ khởi công long trọng hôm nay.

 

 

 

Sau đây là một số hình ảnh tại Lễ khởi công:

 

 

    Mô hình nhà thờ mới

 

Đại biểu tham gia lễ khởi công

 

Khu nền móng nhà thờ mới

 

Công tác đón tiếp đại biểu

 

Đại diện BLL họ Phùng Việt Nam đến dự: ông Phùng Hệ và ông Phùng Văn Khai

 

          Ông Nguyễn Đức Thịnh - Bí thư đảng ủy xã Chu Minh đến dự và tặng hoa chúc mừng

 

Đoàn đại biểu làm lễ tại mộ Tổ

 

Đoàn đại biểu làm lễ tại mộ Tổ

 

Đoàn đại biểu làm lễ tại nhà thờ cũ

 

Đại biểu đến dự lễ 

 

Đại biểu công đức

 

Ông Phùng Văn Chiến phát biểu khai mạc

 

Toàn cảnh buổi lễ

 

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm trước khuôn viên ngôi mộ Tổ

 

 

Bài: Phùng Văn Khai

Ảnh: Phùng Nguyên, Phùng Hảo

Tác giả bài viết: BBT