(Chủ nhật, 07/02/2016, 08:37 GMT+7)
NVTPHCM- Buổi ra mắt thơ Phùng Hiệu càng lúc càng “nóng”, từ không khí oi bức của căn phòng ở tầng 4 chưa được trang bị máy lạnh đến những vấn đề về thi pháp. Những câu thơ được trích dẫn, những bài thơ được bạn bè thể hiện qua cảm nhận từ tập thơ còn thơm mùi mực. Nhiều nhận xét xác đáng giúp Phùng Hiệu cháy bỏng hơn trong tình yêu thi ca…

Vào lúc 15 giờ, ngày 15.8.2014 tại Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh (tầng 4, số 81 Trần Quốc Thảo, quận 3) thuộc trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM đã diễn ra buổi ra mắt tập thơ Trong thế giới nguỵ trang của nhà thơ - nhà báo Phùng Hiệu, do nhà thơ Phan Hoàng chủ trì.

Nhà thơ Phùng Hiệu (bên trái), nhà thơ Phan Hoàng và quang cảnh mở đầu buổi ra mắt thơ

Đến dự có nhà văn Trần Văn Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà văn TP.HCM, ông Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc NXB Trẻ cùng gần 60 văn nghệ sĩ, nhà báo và bạn bè đến chia vui cùng Phùng Hiệu. Có những bạn thơ từ các tỉnh bạn không quản đường xa vẫn đến chia lửa thơ trong ngày ra mắt Trong thế giới nguỵ trang do NXB Trẻ và Công ty Sách điện tử Wikibook ấn hành.

Nhà thơ Phan Hoàng cho rằng so với hai tập thơ trước đây của Phùng Hiệu thìTrong thế giới nguỵ trang là một bước thay đổi mạnh mẽ của chính thơ anh. Từ bỏ lối viết cũ kỹ, thiên về vần điệu, Phùng Hiệu đã chuyển sang bút pháp mới, làm thơ tự do, đồng thời hướng cảm xúc của mình về đề tài thế sự, gần gũi với đời sống thực tế diễn ra hàng ngày.

Đồng tình với ý kiến của nhà thơ Phan Hoàng, các nhà thơ, nhà văn từng gắn bó với Phùng Hiệu từ nhiều năm trước như Phan Trung Thành, Hoa Nip, Nguyễn Thu Trân, Ngô Liêm Khoan, Trần Mai Hường, Bùi Tuyết Nhung, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Ngô Thị Hạnh, Nguyễn Tý, Mai Khoa, Ngô Thuý Nga,… cũng đều cho rằng đây là sự đổi mới bất ngờ đáng trân trọng của một người yêu thơ và dám thay đổi như anh. Điều này chẳng hề dễ dàng đối với một người làm thơ khi dũng cảm dứt bỏ thói quen cũ ăn sâu tiềm thức, cho dù không phải sự đổi mới nào cũng có thể thành công.

Nhà thơ Phan Trung Thành thổ lộ về sự yêu thơ kỳ lạ của Phùng Hiệu

Nhà thơ Hoa Nip - Phó giám đốc Wikibook nói về việc xuất bản Trong thế giới nguỵ trang

Trả lời câu hỏi của nhà thơ Trần Hữu Dũng vì sao từ bỏ được lối viết cũ, nhà thơ Phùng Hiệu chân thành bày tỏ rằng, anh vốn là người yêu thơ, trước đây chỉ đọc thơ trong sách giáo khoa rồi sinh hoạt trong các câu lạc bộ thơ quận huyện, nên cứ theo đó mà viết. Chỉ khi anh tiếp cận được các nhà thơ chuyên nghiệp, được kết nạp vào Hội Nhà văn TP.HCM, qua những cuộc giao lưu về thơ, anh thấy rằng mình cần phải thay đổi quan niệm và bút pháp. Nhờ đó mà tập thơ Trong thế giới nguỵ trang được hình thành.

Bên cạnh những ghi nhận, khích lệ về sự cố gắng trong sáng tạo của Phùng Hiệu, nhiều ý kiến của các nhà văn, nhà thơ đi trước như Trần Văn Tuấn, Hoàng Vũ Thuật, Hoàng Đình Quang, Bùi Chí Vinh, Lê Minh Quốc, Nguyễn Lương Hiệu, Xuân Trường, Văn Thuỳ,… cũng chỉ ra những mặt hạn chế trong tập Trong thế giới nguỵ trang. Theo nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, khi thơ viết về cái ly thì thông qua cái ly để chuyển tải đến bạn đọc những thông điệp tư tưởng mà nhà thơ muốn gửi gắm, chứ không chỉ đơn thuần là viết về cái ly. Còn nhà văn Trần Văn Tuấn cho rằng Phùng Hiệu “xông” vào đề tài thế sự và viết được như thế là khó là quý, nhưng phải trên cái nền trữ tình thì thơ mới cuốn hút…

Nhà văn Trần Văn Tuấn cho rằng Phùng Hiệu cần nâng thêm chất thơ trữ tình

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật từ Quảng Bình cũng đã có những chia sẻ về thi pháp...

Nhà thơ Hoàng Đình Quang nói về tình yêu thơ và sự dấn thân của Phùng Hiệu

Nhà thơ Trần Hữu Dũng khích lệ sự thay đổi bút pháp của Phùng Hiệu

Nhà thơ Bùi Chí Vinh bảo rằng Phùng Hiệu là “người chơi được thì làm thơ được"

Nhà thơ Lê Minh Quốc thì nói khi nghe ra mắt một tập thơ, dù không được mời đi nữa

anh vẫn đến chúc mừng bạn thơ, vì đó là cái đẹp ánh lên giữa đời sống tối tăm...

Nhà văn Thu Trân xúc động trước sự cố gắng lớn của Phùng Hiệu để tự đổi mới thơ

Buổi ra mắt thơ Phùng Hiệu càng lúc càng “nóng”, từ không khí oi bức của căn phòng ở tầng 4 chưa được trang bị máy lạnh đến những vấn đề về thi pháp. Những câu thơ được trích dẫn, những bài thơ được bạn bè thể hiện qua cảm nhận từ tập thơ còn thơm mùi mực. Nhiều nhận xét xác đáng giúp Phùng Hiệu cháy bỏng hơn trong tình yêu thi ca. Anh đã “lột xác” chính mình, vượt qua kiểu thơ vần vè điệu đà từ câu lạc bộ để trở nên hiện đại hơn, chuyên nghiệp hơn. Thơ anh đã lao đến hiện thực, đến từng phận người giữa cuộc sống bộn bề để chia sẻ, đồng cảm và phát hiện vẻ đẹp thế giới xung quanh. Có thể nói Trong thế giới nguỵ trang là điểm nhấn, là bước ngoặt trên con đường thi ca gập ghềnh mà nhà thơ, nhà báo Phùng Hiệu đang đam mê dấn bước.

Buổi ra mắt thơ Phùng Hiệu kết thúc bằng lời ca bay bổng của một người bạn anh là ca sĩ Dương Quốc Hưng.

Từ khi Hội Nhà văn TP.HCM chuyển sang trụ sở mới, đây là lần thứ hai có buổi ra mắt sách do Ban Nhà văn trẻ tổ chức. Sau tập thơ Những tấm ván trên cầu Hiền Lương của Ngô Liêm Khoan và Trong thế giới nguỵ trang của Phùng Hiệu, dự kiến vào sáng thứ sáu tuần tới (22.8.2014) sẽ có buổi ra mắt Gió mặn - tập thơ đầu tay của Trần Huy Minh Phương.

Tác giả bài viết: BÀI: THANH DUNG - NAM TRẦN ẢNH: TRƯƠNG ANH QUỐC - NGÔ THUÝ NGA