(Thứ ba, 30/11/2021, 04:57 GMT+7)

Ngô Vương được Phùng Văn Khai viết khá hay và hấp dẫn, truyện cuốn hút người đọc từ đầu đến cuối. Có thể nói trong các tiểu thuyết viết về lịch sử ở nước ta thì Ngô Vương chính là một trong những tiểu thuyết lịch sử xứng đáng được liệt vào hàng hay nhất.

Nội dung Ngô Vương

   Năm Mậu Tuất 938, với chiến thắng Bạch Đằng vang dội, dân tộc ta đã thực sự đè bẹp được ý chí xâm lược của kẻ thù. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 được ghi vào sử sách như một chiến công hiển hách, bất diệt đánh dấu một bước ngoặt lịch sử  vĩ đại, chấm dứt hoàn toàn ách đô hộ hơn 1000 năm Bắc thuộc, mở ra một kỷ nguyên mới độc lập lâu dài và phát triển rực rỡ của dân tộc ta.

   Sau chiến thắng Bạch Đằng, Ngô Quyền (897 – 944), người anh hùng dân tộc đã lên làm vua, đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh – Hà Nội ngày nay), đặt ra các quan văn, võ, đặt ra lễ nghi triều đình thể hiện nền độc lập tự chủ của đất nước ta. Đất nước ta thực sự trở lại là một quốc gia độc lập hoàn toàn sau thời kỳ Bắc thuộc kéo dài đằng đẳng cả ngàn năm.

   Ngô Quyền lên làm vua, thành lập ra một triều đại mới, đó là vương triều nhà Ngô trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Công lao to lớn của Ngô Quyền đã được sử sách ghi lại… cho đến những năm gần đây bổng xuất hiện một “người chép sử” họ Phùng, tên là Phùng Văn Khai ghi chép về thân thế và sự nghiệp của Ngô Quyền in thành một cuốn sách dày, cuốn sách đó có tên là Ngô Vương (tiểu thuyết lịch sử).

   Ngô Vương một cuốn tiểu thuyết chương hồi, ngay phần mở đầu nhập thoại (vào chuyện): “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” (nghĩa là sông Đằng từ xưa máu còn đỏ)  đây là câu đối đáp của sứ thần nước ta là Giang Văn Minh (1573 -1638) đời vua Lê Thần Tông (1607 – 1662), khi ông đi sứ nhà Minh. Sứ thần Giang Văn Minh đã nhắc đến 2 lần quân phương Bắc thua trận nhục nhã trên sông Bạch Đằng vào năm 938 (Ngô Quyền) và năm 1288 (Trần Hưng Đạo).

   Đó là những trận quyết chiến chiến lược, không những chấm dứt mưu đồ xâm lược của các triều đại phong kiến phương Bắc, mà còn mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử đất nước ta Trong đó, chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền đã khẳng định sự tồn tại vững chắc của dân tộc ta, mở ra một kỷ nguyên độc lập lâu dài và phát triển rực rỡ của đất nước trong gần 5 thế kỷ, từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XV, qua các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ.

   Đọc những trang sách đầu tiên do nhà văn Phạm Lưu Vũ viết kể về Ngô Vương phát tích hay hồi mở đầu. Đây không phải là một cách viết thông thường như viết lời giới thiệu cho cuốn sách, hay tóm tắt nội dung cuốn sách, mà đây là một cách viết đặc biệt như thể nhà văn viết lời giới thiệu và tác giả là cùng viết chung vậy, mỗi người viết một phần, người viết phần đầu, người viết tiếp phần cuối vậy. Điều này chứng tỏ nhà văn Phạm Lưu Vũ đã phải làm việc rất nghiêm túc, sau khi đọc xong Ngô Vương để viết được hồi mở đầu của cuốn sách.

   Phải đến trang cuối của hồi mở đầu, sau hơn 20 trang sách thì đây mới chính là lời giới thiệu cho cuốn sách: Có chàng họ Phùng, tên Văn Khai kể chuyện về bậc đại anh hùng Ngô Quyền trong tiểu thuyết Ngô Vương. Văn chương khoát hoạt, sang trọng, lời thoại theo lối tiên tụng hậu phê, hơi giống chính văn Trung Quốc xưa. Tiểu thuyết Ngô Vương của Phùng Văn Khai viết chi tiết như thực lục, mạch lạc như đường quang, phấn chấn như dọn cỗ…

   Ngô Vương bao gồm 18 hồi kể về quá trình từ thời Dương Đình Nghệ thân chinh Bắc phạt đến hồi kết thúc Ngô Quyền lên làm vua, đóng đô ở Cổ Loa, đặt ra các quan văn, võ, đặt ra nghi lễ triều đình thể hiện nền độc lập tự chủ của đất nước ta.

   Ở Giao Châu, nhân Trung Nguyên nội loạn, nhà Đường diệt vong, thổ hào địa phương các nơi nổi lên đánh đuổi quan quân nhà Đường về nước. Trog những thổ hào nổi trội nhất là Khúc Thừa Dụ, với tài năng và binh lực hùng mạnh đã đánh đuổi quân tướng nhà Đường, chiếm giữ phủ thành Đại La tự xưng là Tiết độ sứ. Sau khi Khúc Thừa Dụ mất, Khúc Hạo lên thay làm Tiết độ sứ, Khúc Hạo mất, con là Khúc Thừa Mỹ lên thay. Khúc Thừa Mỹ nhận chức Tiết độ sứ của nhà Lương chứ không thuần phục nhà Nam Hán mới được thành lập ở vùng Hoa Nam (vùng Quảng Đông – Quảng Tây ngày nay của Trung Quốc).

   Vì việc trên, vua nhà Nam Hán là Lưu Cung cử đại tướng Lý Khắc Chính đem 5 vạn quân sang xâm lược nước ta, quân tướng của Khúc Thừa Mỹ chống đỡ không nổi thua trận, Khúc Thừa Mỹ bị bắt đóng cũi đua về Phiên Ngung (kinh đô nhà Nam Hán) xử tội. Nhà Nam Hán trên danh nghĩa chiếm được Giao Châu, nhưng quyền của Lý Tiến, Thứ sử nhà Nam Hán trên thực tế không ra khỏi phủ thành Đại La. Ở khắp các nơi trong nước, các tướng lĩnh cũ của họ khúc và các hào trưởng vẫn giữ vũng quyền tự chủ ở từng vùng. Bấy giờ Dương Đình Nghệ người Dương Xá, Ái Châu (Thanh Hóa), là một viên tuóng dưới quyền của Khúc Hạo, ông là một người có tài thao lược và có chí lớn, chiêu tập nghĩa binh đứng lên mở cuộc tiến công vào thành Đại La.

   Thứ sử nhà Nam Hán là Lý Tiến phải chạy trốn về Trung Quốc, vua nhà Nam Hán liền cử tướng Trần Bảo đem quân sang đánh Dương Đình Nghệ, nhưng Trần Bảo bị giết tại trận, quân nhà Nam Hán đại bại, sau chiến thắng Dương Đình Nghệ tự xưng là Tiết độ sứ. Trong chiến thắng này Ngô Quyền cũng là người có công rất lớn. Ngô Quyền người đất Đường Lâm (ngày nay thuộc Sơn Tây – Hà Nội), thân sinh là Ngô Mân, là một hào trưởng địa phương có tài, có đức. Ngô Quyền lớn lên trên quê hương có truyền thống bất khuất, nơi đây đã từng sản sinh và nuôi dưỡng người anh hùng dân tộc Phùng Hưng. (Về Phùng Hưng – nhà văn Phùng Văn Khai cũng đã từng viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương).

   Sau chiến thắng quân nhà Nam Hán, Dương Đình Nghệ ở lại thành Đại La, Ngô Quyền được nhạc phụ Dương Đình Nghệ cho về cai quản vùng đất Ái Châu (Thanh Hóa). Trong thời gian này, Ngô Quyền đã đem lại sự yên vui cho nhân dân ở đây, và tỏ rõ là người có tài có đức, và qua ngòi bút của nhà văn Phùng Văn Khai cho thấy Ngô Quyền sau khi vào Ái Châu đều đích thân thử qua mọi việc, xem xét kỹ lưỡng trước sau. Vốn có uy lớn trong toàn quân, lại hết lòng vì mọi việc, nên muôn dân Ái Châu và các vùng phụ cận đều hết lòng tin cậy châu mục Ngô Quyền, Ái Châu kể từ ngày đó càng cường thịnh.Trước tình hình trên, Ngô Quyền đã nhanh chóng đem quân ra Bắc giết chết tên phản bội Kiều Công Tiễn và chuẩn bị đón đánh quân nhà Nam Hán. Quân nhà Nam Hán chia làm hai đường thủy, bộ tiến vào nước ta, chủ yếu là bằng đường thủy. quân Nam Hán sẽ tiến vào của biển sông Bạch Đằng, và để chống lại giặc, Ngô Quyền đã đua ra kế sách độc đáo, ông cho bố trí một trận địa cọc nhọn bịt sắt cắm xuống lòng sông Bạch Đằng. Khi nước thủy triều lên, Ngô Quyền liền cho quân đi thuyền nhẹ ra khiêu chiến, rồi giả đò thua chạy, nhử cho chiến thuyền của giặc tiến vào bãi cọc, vào trận địa mai phục của quân ta.

   Ngô quyền trực tiếp chỉ huy chiến trận, cầm cự chiến đấu với quân giặc, đợi cho nước thủy triều xuống, Ngô Quyền bắt đầu ra lệnh cho quân ta tấn công dữ dội, đánh vỡ mặt vào hai bên sườn, làm cho thuyền giặc tháo chạy va vào cọc nhọn bị đắm gần hết, quân Nam Hán chết quá nửa. Giao vương Hoằng Tháo chết tại trận, quân nhà Nam Hán thua tan tác. Vua nhà Nam Hán đang trên đường đem quân đi tiếp ứng cho Giao vương, nghe tin Giao vương bại trận, rụng rời chân tay, kéo quân về nước, không dám xâm phạm vào bờ coi nước ta nữa.

   Sau chiến thắng Bạch Đằng, Ngô Quyền liền bãi bỏ chức Tiết Độ sứ, Ngô Quyền xưng Vương, đóng đô ở Cổ Loa, đặt ra nghi lễ triều đình, thể hiện nền độc lập tự chủ của đất nước ta. Từ đây đất nước ta thực sự trở lại là một quốc gia độc lập hoàn toàn sau thời kỳ Bắc thuộc kéo dài đằng đẵng cả ngàn năm.

Về giá trị lịch sử có thể đóng góp nhiều tư liệu quý cho người nghiên cứu

   Trong rất nhiều sử sách ghi chép về chiến thắng Bạch Đằng vỹ đại năm 938, hầu hết chỉ nói lướt qua việc Ngô Quyền cho bố trí trận địa cọc nhọn bịt sắt cắm xuống lòng sông Bạch Đằng… Nhưng qua ngòi bút của Phùng Văn Khai, ông miêu tả: “Loay hay mất hằng khác không sao cắm nổi cây gỗ lớn xuống vị trí đánh dấu nơi sa bàn, các tướng của Ngô Quyền là Lê Lân, Trịnh Báo cùng đám tùy tướng Ái Châu nghĩ ra một mẹo, cho người lấy thang tre néo ngang trói chặt thân cọc rồi cứ thế tuồn từng cây nghiêng xuóng lòng sông mới dựng đứng lên, đoạn bốn tráng sỹ đứng trên hai đầu thang dập dềnh như đánh đu. Từng cây gỗ lớn hai đầu vạt nhọn cứ thế được cắm chắc san sát xuống lòng sông. Có những chỗ sạn cát đá dưới lòng sông cứng quá không thúc được đầu cọc sâu xuống, các tướng đã nghĩ ra mẹo néo từng chùm cọc lớn ba bốn chiếc xuyên chéo theo hình bàn chông giữa buộc xích sắt cột đá tảng đặt thẳng xuống của biển. Lại có kẻ hiến kế làm giáo tre bắc từng thành dãy trên mặt nước để thuận tiện cho việc cắm cọc hình chữ Chi vừa đều vừa vững, lại biết chỗ đá đánh dấu để thuyền ra vào khỏi vướng cọc. Ở những nơi xung yếu, các tướng cho ngầm buộc những cây luồng dài xuôi theo từng dãy cọc liên hoàn rồi cột thêm đá tảng néo giữ vô cùng chắc chắn” (trang 341 - 342).

   Hồi thứ mười lăm thông qua nhân vật Giao vương Hoằng Tháo khi đem quân xâm lược nước ta, Giao vương Hoằng Tháo cũng lo ngại nay đại quân Nam Hán theo đường thủy tiến đánh Giao Châu cũng là đưa binh vào đất khách, lợi hại khó lường. Và từ suy nghĩ của Giao vương , nhà văn Phùng Văn Khai đã cho người đọc biết về lịch sử của các quan lại người phương Bắc được cử xuống cai trị người An Nam từ thời Hán Vũ Đế, đến thời Khúc Thùa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ người bản xứ tự nổi lên xưng chúa kiêm quản đất An Nam. Từ trang 387 – 391 đã có 91 nhân vật lịch sử đã được nhà văn liệt kê, điều này chứng tỏ nhà văn phải đọc rất nhiều sách sử của Trung Quốc, hoặc phải tìm hiểu rất kỹ về các đời Thái thú của người Trung Quốc xuống cai trị nước ta thì mới viết chi tiết từng tên tuổi chính xác đến như vậy.

   Việc  Lưu Cung (889 – 942)  thay anh trai Lưu Ẩn làm Tiết Độ sứ Thanh Hải Quân, quản lý vùng Quảng Đông, Quảng Tây. Sau khi nhà Đường sụp đổ, Lưu Cung tự xung làm Hoàng đế đóng đô ở Phiên Ngung, đặt quốc hiệu là Việt, sau đổi lại thành Hán, sử gọi là nhà Nam Hán. Viết về Hán đế Lưu Cung, cũng như viết về Giao vương Hoằng Tháo, viết hay được như thế, chúng tỏ nhà văn cũng phải rất am hiểu sử Tàu thời kỳ Ngũ Đại – Thập Quốc.

   Hán đế Lưu Cung có 19 Hoàng tử, sau khi xưng đế, Lưu Cung nghe theo lời của Tể tướng Tô Chương phong vương cho các Hoàng tử, đồng thời cho phép các Hoàng tử cầm quân ra trận, trong số các Hoàng tử đó, Lưu Cung giao quyền thống suất thủy binh cho Hoằng Tháo, người từng theo sát Hán đế nam chinh bắc chiến (trang 276). Việc Hán đế Lưu Cung sai Giao vương Hoằng Tháo đem quân xâm chiếm nước ta và bị Ngô Quyền đánh cho tan tác trên sông Bạch Đằng. Chiến thắng của quân và dân ta, đặc biệt là dưới sự chỉ huy tài giỏi của Ngô Quyền, đã được nhà văn Phùng Văn Khai tường thuật rất chi tiết, rõ ràng, đọc mới thấy được cái hay, hấp dẫn như đang đọc những trang lịch sử hào hùng của dân tộc ta vậy.

Về mặt Lễ hội, văn hóa, ẩm thực

  Trong truyện Ngô Vương cũng có nhiều lần nhà văn viết về ẩm thực: “Đặc biệt nhất phải kể đến món cơm cá rô. Cá rô phải là cá rô đánh bắt trong đầm Dạ Trạch vàng ươm to cỡ nửa bàn tay úp chuyên ăn thóc tháng mười từ những vạt lúa trời mọc hpang trong đầm chỉ vùng này mới có. Cá rô bắt về làm sạch, đánh vảy, bóc mang, ướp muối để cho cứng rồi dùng nước mưa đựng ở chum sành luộc chín. Sau đó vớt để thật nguội mới thong thả gỡ từng dẻo thịt hai bên lườn, dùng mở gà và hành khô sào cho săn chắc, thêm chút gừng, hạt tiêu. Nước luộc cá chính là nước để nấu cơm với gạo nếp vùng đất bãi bồi thơm nức. Đặc biệt ở chỗ, xôi được nấu trong chõ đất nung, chỉ đun lắp xắp sôi, rồi vùi xuống tro nóng, rải lên trên lượt trấu để lửa bén nghi ngút. Đến khi xôi chín gỡ vung nồi xới xôi ra ngoài, bớt một lượt dưới đáy chõ, rồi cứ thế rải một lượt thịt cá rô một lượt xôi. Xong xuôi, rưới nước mỡ gà lên trên đậy vung lại, đổ thêm một lượt lửa trấu nữa. Xôi nếp cá rô vùng đầm Dạ Trạch ngon nức tiếng…” (trang 458).

   Về văn hóa, lễ hội: “Ở vùng đất cửa biển Hải Triều, mỗi dịp đón xuân, người dân cửa biển thường tổ chức hội đi cà kheo ngay tại bãi bồi sát đình làng do gia tộc họ Ngô mấy đời trước hung công xây dựng… Ở vùng đất Cổ Loa, những lễ hội đầu xuân được khôi phục. Tiêu biểu là hội chơi đu nơi các sân đình trong khắp ngoài vùng đất Cổ Loa. Những giá đu lớn phải dùng tới mười sáu cây tre, lại phải chọn những cây tre bánh tẻ dẻo dai để làm cật đu. Mỗi cặp đu trai gái tranh tài đều có trưởng làng đứng làm chủ khảo…” (trang 459). Ngô Quyền còn truyền cho các hương thôn làng xã đều được mở hội vui xuân. Những là hội vật, hội cờ, những là chọi gà, bắt dê, ném còn, đánh đu, rước cờ, rước trống… (trang 462).

   Nhìn chung Ngô Vương là một cuốn tiểu thuyết khá hay của “người chép sử” Phùng Văn Khai. Nói về lịch sử là phải nói tới các đời đế vương, nhà sử học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) đã từng viết: “Hoàng đế đăng quang và đặt ra niên hiệu, trăm họ theo đó để tính thời gian, các sử quan cũng theo đó mà chép việc, cho nên phàm phải nói tới sử là phải nói tới các đời đế vương. Biết được tuần tự giềng mối của xã tắc cũng tức là đã biết được chỗ căn bản của quốc thống rồi vậy”.

   Nói về sử là phải nói tới các đời đế vương, đế vương trong cuốn tiểu thuyết này là Ngô Quyền, người anh hùng trong lịch sử của dân tộc ta đã được Phùng Văn Khai viết khá hay và hấp dẫn, truyện cuốn hút người đọc từ đầu đến cuối. Có thể nói trong các tiểu thuyết viết về lịch sử ở nước ta thì Ngô vương chính là một trong những tiểu thuyết lịch sử xứng đáng được liệt vào hàng hay nhất.

   Như chúng ta đã biết, trong lịch sử Ngô Quyền sau chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm 938 đã lên làm vua, Ngô Quyền làm vua được 6 năm thì mất. Trong truyện Ngô Vương, nhà văn Phùng Văn Khai viết: “Khi trăm quan nhìn thấy Ngô Vương ngự trên ngai vàng, tất cả đã quỳ xuống tung hô rung động ngôi đại điện: -Ngô hoàng vạn tuế! Vạn vạn tuế!”. Và kết thúc truyện. Thực ra 6 năm làm vua của Ngô Quyền, nhà văn có thể viết tiếp, người đọc có thể biết thêm về toàn cảnh cung đình đầu thời nhà Ngô trong lịch sử nước ta. Tác giả viết tiếp hay không, người đọc chờ xem hồi sau sẽ rõ.

Vương Quốc Hoa

HPVN