Lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Thượng tướng Phùng Thế Tài là một người cộng sản kiên trung, một vị tướng tài ba của Quân đội ta.
Trọn một đời theo Đảng, theo Bác Hồ tham gia cách mạng và kháng chiến, Thượng tướng Phùng Thế Tài là một đảng viên rất mực trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đồng chí là một người được rèn luyện trưởng thành từ chiến sĩ trở nên một vị tướng có tài của Quân đội ta.
Đồng chí sống trung thực, thẳng thắn, chiến đấu dũng cảm, chỉ huy chiến đấu quyết đoán, thông minh, sáng tạo; hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Bác Hồ và Quân đội giao phó. Chiến công và thành tích của đồng chí trong quá trình cách mạng và kháng chiến đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Hà Nội, ngày 3 tháng 8 năm 2007
Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP
*
* *
Từ cuối năm 1967, với cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng phụ trách Phòng không - Không quân, Đoàn 559, Hải quân kiêm phụ trách hoạt động của đường Hồ Chí Minh trên biển, Phùng Thế Tài cùng các đồng chí trong Bộ Tổng Tham mưu luôn bám sát mọi diễn biến chiến trường, chủ động, sáng tạo, bằng mọi cách chi viện cho chiến trường miền Nam. Những thách thức mới được đặt ra, những công việc mới phải giải quyết. Trong điều kiện thời chiến, quân và dân miền Bắc tiếp tục viết lên những huyền thoại.
Trong hồi ký của mình, Phùng Thế Tài nhớ lại: “Cuối năm 1967, khi xăng dầu trở thành vấn đề thời sự trong các cuộc giao ban hàng ngày, tôi được cử thay mặt Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu dự cuộc giao ban do Bộ Tổng Tư lệnh triệu tập, tập trung bàn về công tác giao thông vận tải chi viện cho chiến trường. Tất cả các binh trạm cửa khẩu gặp khó khăn trong vận chuyển nên cả tháng 12 năm 1967, tuyến Trường Sơn chỉ nhận được 20 tấn xăng. Nguồn xăng cạn đến mức chỉ dành cho cấp cứu, chỉ phát khi có lệnh của chỉ huy trưởng binh trạm trở lên. Cũng do thiếu xăng nghiêm trọng, lực lượng cơ giới trên tuyến gần như ngừng hoạt động. Hàng vũ khí, đạn dược và nhất là lương thực, thực phẩm không đưa vào sâu được phía trong, nên ở một số nơi bộ đội ta bị đói. Bữa ăn hàng ngày giảm xuống chỉ còn bốn lạng rồi hai lạng. Muối cũng không đủ ăn.
Sau cuộc họp, anh Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, bước vào phòng làm việc của tôi ở nhà Con Rồng - Nơi làm việc của cơ quan Bộ Tổng Tham mưu.
Tôi chưa hết ngạc nhiên về sự viếng thăm bất ngờ này thì anh đã nói:
- Tôi muốn bàn với anh một việc quan trọng!
Tiếp đó anh tự kéo ghế ngồi rồi hỏi tôi:
- Nghe nói năm ngoái anh sang Liên Xô, trong phái đoàn của anh Đồng để xin viện trợ quân sự có đề cập đến đường ống của Hồng quân Liên Xô trong Đại chiến thế giới thứ hai…
Tôi trầm ngâm một lúc, có nhớ lại, rồi đập tay xuống bàn nói với anh Thiện:
- Đúng rồi! Chính tôi gợi ý với mấy cậu Cục 10 của Bộ Quốc phòng Liên Xô về vấn đề này. Họ đã chấp nhận để báo cáo lên trên nghiên cứu. Nhưng cậu Cục trưởng Cục Vật tư Bộ Quốc phòng, cũng được đi theo đoàn, gạt đi, cho là nước ta rừng núi, đèo cao, sông suối nhiều thì làm sao đặt đường ống được.
Chính ý kiến của cậu ấy đã làm cho anh Đồng phân vân nên cuối cùng vấn đề không được đặt ra trong cuộc hội đàm.
Nghe tôi nói thế, anh Đinh Đức Thiện cũng đập tay xuống bàn:
- Thế thì bây giờ ta làm. Không có đường ống, thì không thể giải quyết được vấn đề xăng dầu, mà xăng dầu hiện nay, như cuộc họp hôm nay cậu đã rõ, đang là vấn đề sống còn của cuộc kháng chiến.
Tôi nhớ từ sau ngày kho dầu Thượng Lý, rồi sau đó là kho dầu Đức Giang bị bom Mỹ đánh cháy, các đồng chí chuyên gia Liên Xô đã hỏi tôi mỗi khi dầu của Liên Xô viện trợ cấp bến Hải Phòng thì các đồng chí chuyển dầu về các nơi như thế nào?
Thế là vấn đề lớn nhất, quan trọng nhất chưa được bàn đến trong cuộc họp liên tịch vừa rồi thì anh Thiện và tôi bàn ngay trong phòng làm việc của tôi.
Dứt khoát là phải làm đường ống.
Sau hơn một giờ trao đổi, anh Thiện đứng lên kết luận như đinh đóng cột. Ra về anh còn thống nhất với tôi:
- Sáng mai cậu với tớ sang trình bày với anh Đỗ Mười vấn đề này. Rồi còn phải gặp cả anh Lê Đức Thọ nữa. Vì đây là vấn đề rất lớn, liên quan đến nhiều ngành, trong đó có vấn đề tổ chức.
Xăng dầu là một vấn đề lớn, cốt tử mà lâu nay nó chỉ là một phòng xăng dầu, phải tách nó ra thành một cục hẳn hoi, mới đảm đương được yêu cầu to lớn hiện nay.
Anh Thiện rỉ tai tôi nói nhỏ:
- Vấn đề này tớ đã bàn trong Đảng ủy Tổng cục rồi và đã có văn bản đề nghị. Nhưng ta vẫn phải có cách riêng. Từ dưới đề nghị lên, từ trên thúc xuống may ra mới tiến hành nhanh được.
Cuộc làm việc với anh Mười và anh Thọ diễn ra rất tốt đẹp. Lúc bấy giờ anh Mười là Phó Thủ tướng phụ trách xây dựng, anh Thọ là Trưởng ban Tổ chức Trung ương, hai tiếng nói rất có sức nặng, cả hai anh đều nhất trí với đề xuất của chúng tôi, trước hết là thành lập Cục Xăng dầu”.
Với tác phong của những người lính chiến, không thể để chậm thêm một giờ một phút nào nữa, phải có tuyến đường ống xăng dầu vào chiến trường. Được sự nhất trí của trên, sự chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Hậu cần, Cục Xăng dầu được thành lập, các khóa huấn luyện chuyên biệt về đường ống được cấp tốc tổ chức ở Đông Quan, Phú Xuyên, Hà Tây. Bộ đội đặc công, công nhân gang thép Thái Nguyên và các sinh viên vừa tốt nghiệp đại học lập tức được điều vào ngành xăng dầu Quân đội. Các chuyên gia Liên Xô cùng với kỹ sư của ta đảm đương giảng dạy những vấn đề cơ bản nhất.
Ngày 20 tháng 4 năm 1968, Công trường 18 đảm đương thi công tuyến ống xăng dầu trên địa bàn Quân khu 4 được thành lập. Công trình đầu tiên X.42 vượt qua vùng “tam giác lửa” Vinh - Nam Đàn - Linh Cảm được khẩn trương tiến hành dưới sự bắn phá ác liệt của địch. Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng phân công Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài đặc trách vào hẳn vùng tuyến lửa “Cán soong” tổ chức hiệp đồng các lực lượng phòng không đánh máy bay bảo vệ đường ống. Các trung đoàn pháo cao xạ 210 và 214 trực tiếp bảo vệ khu vực công trường tại bến đò Vạn Rú bên dòng sông Lam. Ngày 22 tháng 6 năm 1968, tuyến đường ống vượt sông Lam được bắt đầu. Đây là lần đầu tiên đường ống vượt sông. Mọi công việc được tiến hành ban đêm và sử dụng sức người để tránh bị lộ. Đúng 21 giờ, hiệu lệnh vượt sông bắt đầu. Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài và Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện đã có mặt trong thời khắc lịch sử.
Tuyến đường ống vượt qua mưa bom bão đạn vươn dài vào chiến trường. Mạch máu được nối thông. Người chiến sĩ bớt hi sinh gian khổ hơn. Những chi viện cho miền Nam ruột thịt khẩn trương và hiệu quả hơn để tiến tới ngày toàn thắng.
*
* *
Vai trò của Bộ Tổng Tham mưu trong các chiến dịch giải phóng miền Nam thống nhất đất nước trong đó có sự đóng góp của Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài đã được sử sách, tài liệu ghi nhận đầy đủ. Vốn dày dặn kinh nghiệm, đặc biệt là tư duy chiến lược sắc sảo, quyết đánh và đánh thắng giặc Mỹ qua Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, Phùng Thế Tài cùng các cơ quan chức năng Bộ tổng Tham mưu đã có nhiều phương án đề xuất kịp thời, táo bạo, chuẩn bị những thông tin đầy đủ nhất về khả năng của địch, sức mạnh của ta để Bộ Chính trị có quyết định chuẩn xác nhất.
Sau hiệp định Pa-ri, Quân ủy Trung ương dự kiến hai khả năng: Một là, do phong trào đấu tranh của cách mạng miền Nam hòa bình được duy trì, hiệp định thi hành từng bước. Hai là, chiến tranh sẽ tiếp tục. Quân ủy cũng nhận định: Khó có khả năng Mỹ quay trở lại vì chính trường nước Mỹ, nhất là nhân dân Mỹ cực lực phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Một vấn đề lớn đặt ra là: Sau hiệp định Pa-ri, bên cạnh những thuận lợi ta phải đứng trước một khó khăn rất lớn: Liên Xô và Trung Quốc đều chấm dứt viện trợ cho ta. Trước tình hình đó, Bộ Tổng Tham mưu phải đánh giá toàn diện các mặt, đặc biệt là khả năng vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện có. Cân nhắc tính toán kỹ sức mạnh tổng hợp của hậu phương và các chiến trường miền Nam có thể huy động để hoàn thành nhiệm vụ chiến lược: Giải phóng miền Nam.
Trước bộn bề công việc, bằng kinh nghiệm và năng lực của mình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài đã tham gia xây dựng kế hoạch cho từng chiến trường, tổ chức hình thành các binh đoàn chủ lực, các sư đoàn ở chiến trường, các binh chủng kỹ thuật một cách bài bản và vững chắc, tăng cường sức cơ động khi có thời cơ. Trên các chiến trường, ta liên tiếp mở các cuộc tiến công lớn vừa đánh giá thực lực ta - địch làm tiền đề cho việc chuẩn bị giải phóng miền Nam.
Sau chiến thắng Thượng Đức (8-1974), Phước Long (1-1975) Bộ Tổng Tham mưu nhận định khả năng chiến đấu của bộ đội chủ lực của ta mạnh hơn chủ lực quân ngụy và xác định khả năng quân Mỹ quay trở lại miền Nam là không còn nữa, có thể tiến hành giải phóng miền Nam sớm hơn dự kiến.
Trong hồi ký của mình, Thượng tướng Phùng Thế Tài kể lại: “Chiều 18 tháng 12 năm 1974, tôi đang ở phòng làm việc chuẩn bị ra về thì có điện thoại.
Phía đầu dây bên kia là giọng nói quen thuộc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
- Chiều nay trên đường về tạt qua nhà mình tí nhé!
- Có chuyện gì thế anh? - Tôi hơi hồi hộp hỏi lại.
- Chuyện vui thôi. Cậu đã biết tin Bộ Chính trị vừa quyết định tặng thưởng quân đội ta Huân chương Sao Vàng chưa?
Quả thật là tôi chưa được biết tin này, một tin quá đặc biệt. Nhưng tôi hiểu ngay ý nghĩa của nó. Chỉ còn mấy hôm nữa là đến ngày kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 22 tháng 12.
Tôi đặt máy xuống, bồi hồi xúc động.
Thấm thoắt thế mà đã 30 năm (22/12/1944-22/12/1974) Quân đội nhân dân Việt Nam vừa tròn ba mươi tuổi. Bản thân tôi cũng vừa tròn ba mươi tuổi quân, năm mươi tư tuổi đời, 35 năm tuổi Đảng (1939-1974). Cùng với niềm tự hào chung của toàn quân, tôi cũng có niềm tự hào riêng của mình, trong đó điều may mắn hiếm có mà số phận đã ưu ái dành cho tôi là tôi được sớm gặp Đảng, sớm gặp Bác Hồ. Phải thú thực là tôi được gặp Đảng khi tôi chưa biết Đảng là gì? Được gặp Bác Hồ khi chưa biết Bác là ai? Mười lăm tuổi tôi đã được tham gia cách mạng trong tổ chức Thiếu niên Tiền phong của “Việt Nam hưởng ứng Trung Quốc kháng Nhật hậu viện hội”, Đảng Cộng sản Đông Dương. Các anh Phùng Chí Kiên và Vũ Anh trực tiếp theo dõi và giúp đỡ tôi.
Tháng 6 năm 1939, khi tôi vừa tròn mười chín tuổi, tôi được kết nạp vào Đảng, cũng do chính anh Phùng Chí Kiên và Vũ Anh giới thiệu.
Tháng 2 năm 1940, tôi được các anh giao nhiệm vụ bí mật bảo vệ đồng chí Trần - “một nhà cách mạng quan trọng mới từ nước ngoài về lãnh đạo cách mạng Việt Nam”. Cũng chính trong thời gian này lần đầu tiên tôi được gặp anh Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp mới từ trong nước ra gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để xúc tiến đẩy mạnh phong trào cách mạng Việt Nam trong bối cảnh phát xít Đức chuẩn bị tiến công nước Pháp. Tôi nhớ mãi hôm được anh Vũ Anh giao nhiệm vụ đặc biệt bảo vệ cuộc gặp đầu tiên giữa Bác và các anh Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp ở Thúy Hồ, một thắng cảnh giữa trung tâm phố Côn Minh. Cảm giác đầu tiên hôm ấy tôi còn nhớ mãi cho đến bây giờ là tôi được chứng kiến cuộc gặp của một người cha và những đứa con lâu ngày mới gặp lại nhau. Đây thực sự là một điều kỳ diệu. Một người quê Nghệ An, một người quê Quảng Bình, một người quê Quảng Ngãi, ba người ở ba vùng quê khác nhau trải dài dọc theo miền Trung dằng dặc, lần đầu tiên gặp nhau mà như thân thiết tự bao giờ. Hồi ấy Bác năm mươi tuổi, nhưng gầy nên trông già hơn tuổi nhiều, tóc đã muối tiêu, hai con mắt thì hõm sâu, sáng quắc. Còn anh Giáp thì quá trẻ, tuổi mới hai mươi chín, khuôn mặt trái xoan bầu bĩnh, nước da trắng hồng, nên trông càng trẻ, thật giống như một cậu con trai của Bác Hồ. Còn anh Phạm Văn Đồng, tuy đã ở tuổi ba lăm, nhưng so với Bác cũng chỉ là hàng con cháu… Trước khi gặp Bác, cả hai anh đều biết khá rõ về Nguyễn Ái Quốc, đã từng dõi theo từng bước chân của Nguyễn Ái Quốc trên các nẻo đường châu Âu, châu Mỹ và thế giới. Đặc biệt ngay từ những năm hai mươi của thế kỷ trước, các anh đã nâng niu ngấu nghiến đọc từng tờ báo Người cùng khổ từ Pháp gửi vể Tổ quốc, và những bài ký tên Nguyễn Ái Quốc bao giờ cũng làm lay động trái tim non trẻ của hai chàng thanh niên trí thức yêu nước.
Bốn năm sau cuộc gặp ở Thúy Hồ, Côn Minh, Trung Quốc, ngày 22 tháng 12 năm 1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập theo chỉ thị của Bác Hồ, trong khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc tổng Hoàng Hoa Thám, tỉnh Cao Bằng. Buổi chiều hôm ấy, trước mặt hàng quân gồm 34 chiến sĩ đầu tiên, đồng chí Võ Nguyên Giáp trân trọng và trang nghiêm đọc toàn văn chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Chính vì thế mà Bác Hồ trở thành người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân, còn Võ Nguyên Giáp được toàn quân thân thiết gọi là người anh Cả của mình.
Tại số nhà 30 Hoàng Diệu, khi tôi đến đã thấy anh Văn, anh Hoàng Văn Thái ngồi chờ ở phòng khách.
- Có nhiệm vụ đặc biệt giao cho cậu đấy!
Nhiệm vụ đặc biệt đó chính là tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và đón nhận Huân chương Sao Vàng trong đó có cuộc diễu binh lớn trên đường phố Hà Nội ngày 22/12/1974.
Ngày 22 tháng 12 năm 1974, trong không khí đầy phấn khởi của toàn quân, toàn dân ta trước những thắng lợi to lớn trong năm 1974 ở cả hai miền đất nước và chuẩn bị bước vào năm 1975 với những sự kiện trọng đại: Kỷ niệm lần thứ 45 ngày thành lập Đảng, kỷ niệm lần thứ 85 ngày sinh Bác Hồ vĩ đại và kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Quốc phòng và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ trọng thể kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và lễ trao Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta tặng thưởng cho các lực lượng vũ trang nhân dân.
Từ sáng sớm, hơn ba vạn nhân dân Thủ đô và đại biểu các đơn vị trong toàn quân đã có mặt đông đủ, ngồi kín các bậc quanh sân vận động Thủ đô rực rỡ cờ, hoa và những chùm bóng nhiều màu sắc.
Trước lễ đài, một cột cờ cao 15m được đặt trên bệ một khẩu pháo cao xạ 57. Dưới bóng cờ vinh quang của Tổ quốc tung bay phần phật trong gió sớm, trên sân vận động, tám sĩ quan và chiến sĩ đại diện cho cả ba thứ quân, các quân chủng, binh chủng hùng mạnh của các lực lượng vũ trang nhân dân ta đứng thành hàng thẳng tắp.
Phía trước đội hình các khối sĩ quan và chiến sĩ là vị trí của đội quân kỳ. Giữa hai hàng chiến sĩ danh dự mặc lễ phục, bồng súng đứng nghiêm, phòng không - không quân, hải quân, lực lượng công an nhân dân vũ trang và dân quân tự vệ, giương cao lá quân kỳ Quyết thắng tiêu biểu cho ý chí quật cường, khí phách anh hùng của dân tộc ta, Quân đội nhân dân ta. Đối diện với lễ đài, phía bên kia sân vận động, giữa mô hình tấm Huân chương Sao Vàng và mô hình chiếc quân hiệu treo trên nền nhung xanh, là bức tranh lớn cao 6,8m, dài 2,1m. Trên bức tranh nổi bật trên nền trời lồng lộng là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đứng trước dãy quân kỳ trùng điệp, tươi cười, trìu mến, giơ tay vẫy gọi toàn quân ta tiến lên phía trước, cùng toàn dân kiên quyết tiếp tục cuộc chiến đấu đưa sự nghiệp cách mạng vẻ vang đến thắng lợi hoàn toàn. Ba mươi năm qua, đội ngũ các lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam lớn mạnh không ngừng: Từ những đội du kích nhỏ bé nay đã là một đội quân hùng mạnh gồm 3 thứ quân và các quân chủng, binh chủng đã ghi vào lịch sử những chiến công oanh liệt cùng toàn dân đánh bại ba đội quân xâm lược của ba đế quốc lớn: Nhật, Pháp, Mỹ. Trên khán đài B, 5.000 học sinh Thủ đô vẫy khăn quàng đỏ, xếp thành dòng chữ lớn: “Nhớ ơn Bác Hồ”, “22.12.1944 - 22.12.1974”.
Đúng 8 giờ 30 phút, hòa trong tiếng nhạc hùng tráng, hơn ba vạn đại biểu dự lễ kỷ niệm đứng dậy vỗ tay nhiệt liệt hoan nghênh Đoàn Chủ tịch bước ra lễ đài.
Quốc thiều nổi lên hùng tráng hòa trong 21 loạt đại bác nổ rền. Trong không khí trang nghiêm, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc diễn văn khai mạc. Sau lời khai mạc của Thủ tướng, Chủ tịch Trường Chinh thay mặt Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đọc lời tuyên dương công trạng các lực lượng vũ trang nhân dân, đọc lệnh của Chủ tịch nước và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tặng thưởng Huân chương Sao Vàng cho các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Thượng tướng Song Hào, Trung tướng Đinh Đức Thiện vinh dự thay mặt toàn quân nhận tấm Huân chương cao quý của Tổ quốc.
Lễ duyệt binh hùng tráng diễn ra dưới nắng Ba Đình.
Khi ấy, ít ai nghĩ rằng chỉ bốn tháng sau khi Quân đội nhận Huân chương Sao Vàng, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta do Đảng lãnh đạo đi đến đích thắng lợi: Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước”.
*
* *
Năm 1974, nhận định chiến trường có nhiều chuyển biến, Bộ tổng Tham mưu chủ động trình lên những phương án tác chiến lớn gắn liền với công cuộc giải phóng miền Nam. Chuẩn bị đầy đủ các mặt nhân tài vật lực, vũ khí trang bị sẵn sàng cho cuộc quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Đầu năm 1975, sau các chiến thắng quyết định, các chiến dịch điểm huyệt lớn, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định giải phóng miền Nam trong năm 1975. Với cương vị Phó tổng Tham mưu trưởng, Phùng Thế Tài với kinh nghiệm và năng lực của mình đã chủ động tham mưu, tổ chức thực hiện hàng loạt kế hoạch trên tinh thần: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!".
Ngay sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Phùng Thế Tài nhận mệnh lệnh vào chiến trường đôn đốc cuộc hành quân trên các tuyến đường chiến lược. Hàng chục vạn quân, hàng nghìn xe pháo, tên lửa như dòng sông băng ra biển lớn. Ngày 21 tháng 3 năm 1975, Phùng Thế Tài dẫn đầu đoàn công tác đặc biệt Bộ Tổng Tham mưu vào chiến trường.
Điểm đầu tiên dừng chân là Đông Hà, nơi hội tụ những con đường vào Nam ra Bắc. Vừa vào đến nơi đoàn đã nhận được điện của văn phòng Bộ Tổng Tham mưu truyền đạt ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị Quân khu Trị Thiên và Quân đoàn 2 đánh sớm hơn dự kiến… các tuyến đường cần ưu tiên tuyệt đối chi viện cho bộ đội Quân đoàn 2 và Quân khu Trị Thiên”. Quân đoàn 2 nhận mệnh lệnh mở cuộc tiến công giải phóng thành phố Huế. Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng điện chỉ thị Phùng Thế Tài có mặt ngay ở Huế để tổ chức tiếp quản và ổn định tình hình. Hơn hai mươi năm trước, với cương vị Tham mưu trưởng Đại đoàn 320, Phùng Thế Tài đã có kinh nghiệm tiếp quản các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Phủ Lý, Thái Bình, Hải Dương, Kiến An, Hải Phòng. Khi ấy, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng giữ cương vị Đại đoàn trưởng Đại đoàn 320.
Ta giải phóng Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Chu Lai tạo thế hợp vây Đà Nẵng. Ngày 29 tháng 3, Quân đoàn 2 nổ súng tiến công Đà Nẵng đánh thẳng vào trung tâm thành phố. Quân địch ở Đà Nẵng tuy đông nhưng hỗn loạn và không còn tinh thần chiến đấu nên nhanh chóng tan vỡ. Ta giải phóng Đà Nẵng, Phùng Thế Tài lập tức có mặt ở sân bay Đà Nẵng. Khi kiểm tra thấy các máy bay chiến đấu của địch gồm 12 chiếc F5, 20 chiếc A37 còn nguyên vẹn Phùng Thế Tài điện báo cáo với Tổng Tham mưu trưởng xin chỉ thị dùng máy bay địch đánh địch. Đây là phương án táo bạo tạo tiếng vang, gây sự hoảng loạn cho địch góp phần thành công của chiến dịch. Biên đội bay do phi công Nguyễn Thành Trung dẫn đầu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ném bom Dinh Độc Lập.
Sau khi mất Phan Rang, Phan Thiết, Hàm Tân, địch chủ trương co cụm xung quanh Sài Gòn. Trên các chiến trường ta xốc tới hình thành thế bao vây Sài Gòn. Cả nước bừng bừng khí thế ra trận. Các tuyến đường sắt, đường bộ, đường thủy tấp nập tàu xe chở quân, chở đạn, chở gạo ra tiền tuyến. Ta mở tuyến vận tải trên không. Ngày 5 tháng 4, máy bay vận tải của ta hạ cánh ở Phú Bài, tiếp đó là Đà Nẵng. Hàng trăm tấn vũ khí, phương tiện kỹ thuật, đạn pháo xe tăng và cả bản đồ in còn thơm mùi mực được chuyển gấp ra mặt trận cho bộ đội.
Năm cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn trong sự vui mừng, đón nhận của các tầng lớp nhân dân.
Đại thắng mùa xuân năm 1975, non sông thu về một mối. Những người lính đi qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ như Phùng Thế Tài hơn ai hết thấy được sự quý giá, thiêng liêng của ngày toàn thắng. Người cận vệ của Bác Hồ luôn thầm nhắc đến Bác trong ngày hội lớn non sông. Ông càng thấm thía câu nói của Người: ''Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi''.
Lời Người đã thành sự thực nhưng Người đã đi xa. Người cận vệ của Bác Hồ nay đã là một vị tướng mang trọng trách lớn Quân đội giao cho luôn bâng khuâng nhớ về Người.
Trong hồi ký của mình, ngay sau giải phóng miền Nam, khi những nhiệm vụ bộn bề của ngày mới giải phóng đang mở ra với vị tướng họ Phùng, ông vẫn có những phút giây riêng để dành nhớ Bác. Trong hồi ký của mình, Người cận vệ của Bác Hồ nhớ lại: “Tôi thong thả bước từng bước lên bậc thềm vào ngôi nhà rộng lớn của Bến Nhà Rồng, sáng nay hết sức vắng vẻ sau những ngày sôi động cuối cùng của cuộc chiến tranh mà lòng thấy buồn man mác. Nhớ Bác vô cùng. Bác ra đi từ năm 1911, gần 30 năm sau thì trở về gặp tôi và anh Văn ở Côn Minh. Nhẩm tính lại thời gian thì có điều lý thú. Năm Bác ra đi là năm anh Văn cất tiếng chào đời. Phải chăng đây là ý định của trời đất[1]. Một ngôi sao ra đi thì một ngôi sao mới xuất hiện rồi cả hai ngôi sao cùng hội tự về cột mốc 108 trên biên giới Việt - Trung vùng Pắc Pó - Cao Bằng. Ngôi sao Hồ Chí Minh tỏa sáng bầu trời đất nước bằng Hội nghị Trung ương 8 lịch sử tháng 5 năm 1941, mở rộng đại đoàn kết dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, soi sáng cho ngôi sao Võ Nguyên Giáp, đêm 22 tháng 12 năm 1944 xuất hiện trong khi rừng Trần Hưng Đạo.
Khi ở Pa-ri vào tháng 12 năm 1920, Bác trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, thì ở một làng quê nghèo thuộc huyện Phú Xuyên tỉnh Hà Tây tôi cất tiếng chào đời. Như một sắp đặt của lịch sử, 20 năm sau tôi đã có mặt ở Côn Minh để đón Bác, đón anh Văn. Một người sau này lãnh tụ tối cao của Đảng của dân tộc, một người trở thành Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, đây quả thực là một sự tình ngẫu nhiên hiếm có, một sự tình cờ măn mắn và hạnh phúc đối với tôi.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài (thứ ba, từ phải sang) và các đồng chí trong Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ trình bày kế hoạch chống địch tập kích đường không bằng B-52 vào Hà Nội năm 1972. Ảnh tư liệu.
Ngày 22 tháng 12 năm 1944, trong Chỉ thị thành lập Quân đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này, bác đã hạ một câu như một lời tiên tri vĩ đại: “Đây là đội quân đàn anh mong cho nó có nhiều đội quân đàn em khác. Nó sẽ đi từ Bắc tới Nam, đi khăp đất nước Việt Nam”.
Bác ơi! Đội quân Bác gây dựng từ khu rừng Trần Hưng Đạo với 34 tay súng thô sơ nay đã là đôi quân hùng mạnh có cả hải lục không quân, trải qua cuộc trường chinh dài ba mươi năm, vượt Trường Sơn, vượt biển Đông hôm nay hợp quân về giải phóng Sài Gòn thành phố mang tên Bác…
Và suốt chặng đường ba mươi năm đó, lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn, mỗi chiến thắng của quân và dân ta đều in đậm dấu ấn thiên tài Hồ Chí Minh. Ngay từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, với lời hịch bất hủ: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ, ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm… Ai cũng phải đứng lên giết giặc cứu nước”.
Thực hiện lời hịch của Bác, đúng 20 giờ ngày 19 tháng 12 năm 1946, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp hạ lệnh cho toàn quân:
“Tổ quốc lâm nguy! Theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, tất cả tướng sĩ hãy xông lên giết giặc cứu nước…”.
Còn tôi lúc đó với cương vị Chỉ huy Liên khu 2, trong nội thành Hà Nội, theo hiệu lệnh của Pháo Đài Láng đã hạ lệnh cho các đơn vị nhất tề đánh thẳng vào quân Pháp ở Ô Chợ Dừa, khu vực Bạch Mai, nhà dầu SHELL… hòa nhịp với tiếng súng đều khắp của toàn thành phố làm cho đêm mở đầu của cuộc kháng chiến thần thánh mang màu sắc một bản anh hùng ca.
Đến chiến cuộc Đông Xuân năm 1953-1954 và trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, dưới ánh sáng đường lối chiến tranh của Đảng, thiên tài Hồ Chí Minh và nhà chiến lược quân sự Võ Nguyên Giáp lại một lần nữa tỏa sáng với 5 ngón tay của Bác Hồ bẻ gãy năm đòn chiến lược của viên tướng thực dân Na-va để cuối cùng hội quân ở Điện Biên Phủ làm nên thiên sử vàng bất hủ, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Pháp.
Một buổi sáng mùa Xuân năm 1954, trong một buổi giao nhiệm vụ, Bác Hồ căn dặn vị Đại tướng Tổng Tư lệnh đầu tiên của quân đội “Trận này phải thắng, có chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Có ai ngờ lời dặn giản dị đó, cùng với cây “Thượng phương bảo kiếm” bằng lời của Bác: “Tướng quân tại ngoại” lại chính là chìa khóa vạn năng để vị Tổng Tư lệnh mặt trận sáng tạo nên kỳ tích: “kéo pháo vào kéo pháo ra”, ngày nay đã trở thành huyền thoại quân sự Việt Nam và thế giới của thế kỷ XX.
Nghe kể lại, hôm ấy sau khi tiễn anh Giáp lên đường ra trận, Bác Hồ quay sang nói với Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng: “Chú điện ngay cho chú Tài đánh mạnh vùng đồng bằng Bắc Bộ phối hợp với chú Giáp ở Điện Biên Phủ…”.
Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, quân ta tiến về giải phóng Thủ đô. Trong cuộc mít tinh đón chào Chính phủ trở về Hà Nội, ngày 1-1-1955, Bác trịnh trọng tuyên bố: “Nam - Bắc là một nhà, là anh em ruột thịt, quyết không thể chia cắt được… Chúng ta phải đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ từ Bắc đến Nam, cùng đồng bào miền Nam đấu tranh giành tự do dân chủ… Quân và dân ta phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn giành lấy thắng lợi”[2].
Đúng 20 năm sau lời Bác căn dặn, thắng lợi đã hoàn toàn về ta. Trong đoàn quân tiến vào Sài Gòn, hôm nay có những cán bộ, chiến sĩ đã tiến vào Hà Nội năm ấy, họ đã trở thành những tướng lĩnh, những sĩ quan cấp cao cùng đoàn quân đi suốt chặng đường 21 năm chống Mỹ.
18 năm sau trận Điện Biên Phủ mặt đất là trận “Điện Biên Phủ trên không” vang dội. Trận đại thắng vĩ đại trên bầu trời Hà Nội tháng 12 năm 1972 này tuy Bác không còn nữa, nhưng thực ra quân và dân miền Bắc, trong đó nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân đã chiến đấu theo lời dạy của Bác, dưới ngọn cờ trăm trận trăm thắng.
Ngày 19 tháng 7 năm 1965 Bác dạy: “Dù đế quốc Mỹ lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay “bê” gì đi chăng nữa, chúng ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”.
Đêm 28 tháng 12 năm 1967, Bác trực tiếp chỉ thị cho Phó Tổng Tham mưu trưởng phụ trách chống chiến tranh phá hoại:
“Đế quốc Mỹ nhất định sẽ thua ở Việt Nam nhưng chúng chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”…
Theo tôi có lẽ đây là một trong những lời tiên tri vĩ đại nhất của Bác Hồ. Nhớ lại bối cảnh năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng ta mới thấy lời dạy đó của Bác sâu sắc biết chừng nào. Dù đã bị đẩy vào bước đường cùng sau nhiều thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, Hiệp định Pa-ri đã dự thảo xong, lịch ký đã được thỏa thuận:
23 tháng 10 năm 1972 ngừng bắn.
26 tháng 10 năm 1972 ký tắt.
31 tháng 10 năm 1972 ký chính thức.
Thế mà chúng vẫn ngoan cố lật lọng. Chúng tìm mọi cách làm cho Hội nghị Pa-ri tan vỡ và đổ lỗi hoàn toàn cho Bắc Việt. Ngày 13 tháng 12 năm 1972 Kít-xinh-giơ chia tay đồng chí Lê Đức Thọ rời Pa-ri về Oa-sinh-tơn. Cũng ngày hôm đó đồng chí Lê Đức Thọ rời Pa-ri về Hà Nội, Kít-xinh-giơ nói dối đồng chí Lê Đức Thọ là về xin ý kiến chính phủ Mỹ, chỉ vài hôm là sẽ trở lại Pa-ri bàn việc ký kết. Thế nhưng ngay đêm 13 tháng 12, Kít-xinh-giơ vừa về đến Oa-sinh-tơn, họ lập tức bí mật họp Hội đồng an ninh quốc gia và quyết định dùng B52 ném bom Hà Nội, hòng bắt chúng ta phải kết thúc chiến tranh theo những điều kiện của họ, trong đó có điều quan trọng nhất là Mỹ rút quân về thì Bắc Việt Nam cũng phải rút quân ra. Như vậy hóa ra là hòa cả làng và không biết đến bao giờ chúng ta mới giành được chiến thắng như hôm nay, để tôi có thể đến đứng trước bến Nhà Rồng tưởng nhớ đến công lao trời biển của Bác”.
Những dòng suy tưởng, những sự kiện lịch sử, những con số như biết nói như cuốn phim quay chậm rõ nét trong trí óc Người cận vệ của Bác Hồ. Đối với mỗi người chiến sĩ, không kể là những vị tướng mang nhiều trọng trách hay mỗi binh nhất binh nhì tuổi mười tám đôi mươi mỗi khi nhớ về Bác, hướng đến Bác đều một lòng một dạ sáng trong như thế.
*
* *
Cuộc đời Phùng Thế Tài luôn gắn bó mật thiết với Bác Hồ. Năm 1969, Bác Hồ mất, một nỗi đau vô hạn với Đảng ta, Nhân dân ta, Quân đội ta trong đó có người cận vệ trung thành nay đã là Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài. Như bao người lính, người dân ba miền Trung - Nam - Bắc, Phùng Thế Tài đau đớn tột cùng. Sự nghiệp thống nhất đất nước còn dang dở Bác đã sớm ra đi. Mới mấy tháng trước, Người còn cho gọi Phùng Thế Tài lên để căn dặn việc chuẩn bị đánh B-52 với cán bộ chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân. Lời Người còn vang bên tai mà Người đã đi xa về thế giới tiên hiền. Như mọi người con Việt Nam, Phùng Thế Tài như không tin đó là sự thực.
Nén đau thương thành hành động. Sau Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị quyết định thành lập "Ban phụ trách qui hoạch A", trong đó có các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Quốc Hoàn, Phùng Thế Tài. Ban phụ trách qui hoạch A chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng Lăng Hồ Chủ tịch.
Người cận vệ của Bác Hồ nhận nhiệm vụ trong một tâm trạng day dứt khó tả. Những ngày ấy, chiến tranh leo thang, Mỹ sử dụng máy bay bắn phá miền Bắc rất ác liệt. Bác mới mất, thi thể còn ấm nóng đã phải tiếp tục long đong trên những cung đường. Người cận vệ của Bác Hồ nhiều khi không cầm được nước mắt khi chỉ huy đưa thi hài Bác lên K9 - Ba Vì - Sơn Tây. Buổi trước kia, khi Người đi thuyền trên sông Đà ghé vào K9 thấy phong cảnh hữu tình đã dừng chân để từ đó địa điểm này đã nhiều lần trở thành nơi họp của Bộ Chính trị.
Người cận vệ của Bác Hồ lại ngày đêm thao thức bên thi hài Bác.
Tháng 1 năm 1970, Chính phủ Liên Xô cử một đoàn cán bộ sang Việt Nam bàn về thiết kế và giúp đỡ kỹ thuật trong thiết kế, xây dựng và trang bị cho Lăng. Phùng Thế Tài trong các cuộc họp với đoàn cán bộ Liên Xô đã có nhiều ý kiến sâu sắc để Lăng của Người sớm được hoàn thành. Các chuyên gia Liên Xô chuẩn bị 5 phương án về bố trí cụm tổng thể của Lăng. Phùng Thế Tài cùng kiến trúc sư, đoàn cán bộ của ta nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc từng phương án, bàn bạc thống nhất đến từng chi tiết nhỏ nhất.
Phùng Thế Tài báo cáo Bộ Chính trị "Dự thảo nhiệm vụ thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh" do các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam đưa ra. Bộ Chính trị xem xét, chỉnh sửa một số chi tiết và phê duyệt để Ban phụ trách quy hoạch A sớm thực hiện.
Trong quá trình tham gia chỉ đạo việc xây lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người cận vệ của Bác Hồ đã bằng cả trái tim và khối óc của mình, cùng với các chuyên gia Liên Xô, cán bộ chiến sĩ và nhân dân hoàn thành xuất sắc việc xây Lăng cho vị Chủ tịch kính yêu.
Về việc chuẩn bị lễ tang Bác Hồ và xây Lăng cho Người, trong hồi ký của mình, Thượng tướng Phùng Thế Tài kể lại: “Còn một chuyện nữa thật sự sâu sắc mà tôi muốn kể trong hồi ký này là tham gia tổ chức tang lễ của Bác. Đây là chuyện đã được nhiều người biết đến, nhưng tôi vẫn muốn kể riêng phần của tôi, với tình cảm đặc biệt riêng của tôi đối với Bác, với tư cách là một đứa con của Bác, một đứa con thực sự với tất cả tình yêu thương của một người con đối với một người cha. Nhớ có lần tôi đã tâm sự với bạn dọc, cha mẹ sinh ra tôi, nhưng chính Bác là người nuôi dưỡng, giáo dục tôi từ một cậu bé cầu bơ cầu bất, đêm đêm ngủ vạ vật trên ghế đá công viên Hạ Lầu thành phố Côn Minh - Trung Quốc… Từ năm 1939, 1940, tôi đã được tổ chức giao cho nhiệm vụ bảo vệ Bác, cho đến sau này trở thành một vị tướng.
Chính vì vậy, Bác Hồ đối với tôi đích thực là một người cha với đầy đủ ý nghĩa của nó. Ngay từ năm 1967, vào dịp sinh nhật lần thứ 77 của Bác, trong một cuộc họp tuyệt mật tôi được tham dự để phổ biến chủ trương của Bộ Chính trị về việc chuẩn bị lễ tang và giữ gìn thi hài của Bác. Tôi đã suýt bật khóc trước mọi người vì tưởng là Bác đã mất vì mới hôm qua Bác vừa gửi thư khen bộ đội phòng không bắn rơi chiếc A3J (RA5C) trên đường phố Lê Trực, sao hôm nay đã bàn chuyện tổ chức lễ tang cho Bác?
Nhưng tôi đã kịp kiềm chế được. Tôi được phân công tổ chức tiến hành từng bước chuẩn bị tang lễ cho Bác và cử sang Liên Xô, sang Bun-ga-ri, tìm hiểu cách thức tổ chức quốc tang Lê-nin, Đi-mi-trốp. Tôi phải sang tận Mông Cổ mua mấy con ngựa về đưa vào chương trình tập luyện, vì cũng có phương án dùng ngựa kéo xe quan tài.
Tôi là một trong những người phải trực tiếp đêm đêm chỉ huy bộ đội, chủ yếu là các chiến sĩ cảnh vệ Lữ đoàn 144, tập luyện cho các đồng chí khiêng linh cữu Bác trong quá trình lễ tang… Đây thực sự là những đêm đau lòng đến thắt ruột, thắt gan đối với tôi. Linh cữu chỉ có cát thôi, nặng khoảng 200kg, thế mà các chiến sĩ phải tập đi tập lại rất nhiều lần, phải đi sao cho thật nhẹ, thật êm, thật thăng bằng, sao cho bát nước đầy để trên linh cữu không được tràn ra ngoài dù là một giọt mới đạt yêu cầu, kể cả khi lên khi xuống các bậc thềm của Hội trường Ba Đình.
Tôi đứng kiểm tra anh em tập, nhìn chiếc quan tài nằm trên vai các chiến sĩ mà nước mắt cứ trào ra vì nghĩ rừng rồi, trong chiếc quan tài đó sẽ là thi hài của Bác, một việc mà tôi không bao giờ nghĩ đến sẽ có ngày xảy ra. Những đêm tập như thế thường có đồng chí Kinh Chi, Cục trưởng Cục Bảo vệ đứng bên cạnh tôi và tôi phải cố sức kiềm chế để không cho ai biết là mình đang khóc. Thường khoảng bốn giờ sáng buổi tập mới xong, tôi lên xe trở về nhà buồn không nói đâu cho hết. Vợ con hỏi đi đâu về, tôi cũng không buồn trả lời, thực ra là không dám trả lời vì phải giữ bí mật tuyệt đối. Biết trả lời sao đây?
Tất cả đều trong trạng thái tuyệt mật, không được hé ra với ai, kể cả người thân nhất, công việc mình đang làm.
Việc chuẩn bị lễ tang Bác, việc chuẩn bị giữ gìn thi hài Bác, việc di chuyển thi hài Bác từ Hà Nội lên khu Đá Chuông, rồi từ khu Đá Chuông về lại Ba Đình. Đó thực sự là những cuộc “hành quân” lịch sử… Tất cả tôi đều được giao phụ trách từ đầu đến cuối… Cho đến lúc này trong ký ức tôi còn đầy ắp biết bao kỷ niệm không thể nào quân. Có một hình ảnh làm tôi cứ xúc động mãi cho đến bây giờ. Đó là mỗi lần tôi lên kiểm tra khi Đá Chông, nơi giữ gìn thi hài Bác có mật danh K9, một vùng đồi hẻo lánh, vắng vẻ, tôi thường đến thẳng tổ chuyên gia Liên Xô giúp ta giữ gìn thi hài Bác, do giáo sư viện sĩ Đê Bốp phụ trách thăm hỏi ân cần. Mỗi lần như thế tôi cứ suy nghĩ mãi về những con người này, về chế độ xã hội chủ nghĩa Xô Viết đã đào tạo ra những con người như thế. Ở Liên Xô, với cương vị của mình, chắc chắn họ có đủ điều kiện để sống một chộc sống đầy đủ tiện nghi, bên cạnh gia đình vợ con. Thế mà giờ đây họ vui vẻ, sẵn sàng chấp nhận một cuộc sống gian khổ thiếu thốn buồn tẻ trong một khu rừng vắng để góp phần giữ gìn thi hài cho lãnh tụ một đất nước xa xôi cách quê hương họ một nửa vòng trái đất.
Để giải khuây, Đê Bốp nhờ anh em Việt Nam mua một con vẹt và một chiếc lồng thật đẹp để nhìn ngắm trêu đùa giúp quên đi nỗi buồn xa quê hương, đất nước.
Bỗng một hôm con vẹt sổng chuồng bay đi mất, trong lúc viện sĩ Đê Bốp đang ngủ say sưa sau một ca trực đêm căng thẳng. Mọi người lo lắng, nghĩ đến khi Đê Bốp tỉnh dậy không thấy con vẹt của mình thì sẽ buồn biết bao. Giữa lúc đó tôi tình cờ lên đến nơi. Tôi chỉ thị cho Đoàn trưởng Nguyễn Gia Quyền cho người đánh xe ngay về Hà Nội vào chợ Đồng Xuân mua một con vẹt khác. Dự đoán phải 10 giờ sáng Đê Bốp mới ngủ dậy nên hạn mua vẹt về phải trước 10 giờ.
Tôi cũng động viên anh em vào rừng tìm con vẹt may ra có thể thấy. Nghe tôi nói, anh em nhìn nhau cười “có vẻ chế nhạo” ý kiến của tôi. Một việc không tưởng.
Ấy vậy điều không ngờ đã xảy ra. Anh em đã tìm thấy con vẹt của Đê Bốp đang ngơ ngác đậu trên một cành cây gần nhà và tìm được cách đưa về.
Khi Đê Bốp tỉnh dậy rất ngạc nhiên thấy trong lồng chim có hai con vẹt.
Đê Bốp siết chặt tay tôi, rồi ôm hôn thắm thiết miệng liên tục nói: Khơ-ra-xô! Khơ-ra-xô! Rồi tiếp đó là cảm ơn rối rít “Xi-pa-xi-bơ! Xi-pa-xi-bơ!” (Cám ơn), đây là từ mà từ ngày đoàn chuyên gia Liên Xô sang ngày nào tôi cũng phải dùng đến hàng chục lần”.
Qua câu chuyện xúc động của vị Thượng tướng, càng thấy sâu sắc hơn quan hệ thắm tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô. Sau này, dù thế giới có nhiều biến động, dù chính thể nước Nga có nhiều đổi thay thì vẫn vẹn nguyên ở trong ấy những tấm lòng sáng trong như ngọc của tình hữu nghị Việt - Xô.
*
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ:
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên
Người cận vệ của Bác Hồluôn lắng nghe lời Bác, khi thực hiện các công việc kiêm nhiệm: Trưởng Ban phòng chống bão lụt Trung ương trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của không quân Mỹ. Năm 1976, ông kiêm chức Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam đến năm 1978. Phùng Thế Tài đã thể hiện bản lĩnh của người lính, sự chủ động, sáng tạo, quyết đoán trong điều hành công việc.
Những năm chiến tranh phá hoại, các công trình đê điều, cầu cống, đường sá hứng chịu hai thứ giặc: Giặc Mỹ và giặc thiên tai. Hậu phương lớn miền Bắc không ngừng vượt nắng, thắng mưa, chiêm mùa nối vụ thóc khoai dồn hạt gạo ra tiền tuyến lớn. Có những năm bão lụt triền miên, Trưởng ban lụt bão Trung ương Phùng Thế Tài cùng với quân và dân miền Bắc không quản ngày đêm chống lụt bão, giữ yên hàn đời sống nhân dân. Chính bản lĩnh người chiến sĩ đã cho ông thêm sức mạnh trên cương vị công tác này.
*
* *
Sau giải phóng miền Nam, nhiều vấn đề lớn được đặt ra trong đó có vấn đề Hàng không dân dụng. Vốn từng là Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, năm 1976 Phùng Thế Tài được bổ nhiệm Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam. Ngành Hàng không dân dụng non trẻ những ngày đầu