(Thứ hai, 19/11/2018, 03:25 GMT+7)
 

Nguồn gốc Phùng Hưng

Nhà nghiên cứu Tạ Đức

 
1. Họ Phùng của Phùng Hưng - một dòng họ quí tộc lớn
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết: Phùng Hưng là người Đường Lâm, huyện Phúc Lộc, Giao Châu.
Việt Điện U linh viết: họ Phùng truyền đời làm Quan lang của người Di châu Đường Lâm.
Nhà sử học Lê văn Lan, dẫn văn bia Quảng Bá cho biết cụ thể hơn: Phùng Hưng là cháu 7 đời của Phùng Tói Cái, người đã từng dự tiệc ở cung vua Đường Cao Tổ và làm quan lang ở đất Đường Lâm; là con của Phùng Hạp Khanh, người đã tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan, sau về quê trở nên giàu có, trong nhà có hàng ngàn nô tỳ.
Như vậy, ít nhất theoViệt Điện U linh và văn bia Quảng Bá, Phùng Hưng là dòng dõi “danh gia vọng tộc”. Vậy họ Phùng có nguồn gốc thế nào?
May mắn, trong cuốn Chim Hồng - hình ảnh về phương Nam thời Đường, học giả Schafer (1967:61-69) dựa trên sử liệu Trung Quốc, cho chúng ta biết cụ thể hơn:
- Vào thế kỷ 7, sau khi nhà Đường thống trị Lĩnh Nam (bao gồm Quảng Đông, Quảng Tây và Bắc Việt Nam), các cuộc khởi nghĩa của cư dân bản địa nổ ra chủ yếu ở Ung Châu và Dung Châu, nhất là ở vùng ven biển giữa Quảng Châu và Hà Nội. Đóng vai trò nổi bật trong các cuộc kháng chiến đó là hai bộ tộc Ninh và Phùng với các thủ lĩnh họ Ninh và họ Phùng.
- Họ Phùng (Hán Trung đại Byung, Hán hiện đại Feng) là một dòng họ rất có thế lực ở vùng ven biển phía Tây Quảng Châu. Ông tổ Phùng Áng có bố là người phương Bắc và mẹ là con gái một thủ lĩnh bản địa. Phùng Ánh là quan của nhà Tùy, từng đến kinh đô nhà Đường và sau đó thành quan nhà Đường ở Quảng Đông. Trong số các lãnh tụ các cuộc khởi nghĩa chống Đường của người Bách Việt ở Lĩnh Nam có một loạt người họ Phùng như Phùng Huyên ở vùng ven biển Liêm Châu (từ năm 623), Phùng Lân ở Quảng Châu (từ năm 728), Phùng Sùng Đạo (từ năm 769) và hai anh em Phùng Hưng, Phùng Hãi (từ năm 791) ở Bắc Việt Nam.
Như vậy, họ Phùng của Phùng Hưng là một họ quí tộc lớn của người Bách Việt, đã từng lãnh đạo nhiều cuộc khởi nghĩa chống nhà Đường.
 
2. Nguồn gốc Mân Việt - của họ Phùng.
Tư liệu ngôn ngữ - dân tộc học cho thấy nhiều tên gọi họ của các tộc khác Hoa ở Trung Quốc là một họ Hoa gần với tên tộc người của mình.
Ví dụ: họ Bàn của ông tổ người Dao Bàn Hồ và là một họ lớn quí tộc của người Dao có gốc từ Man/Mien là tên tự gọi của họ. Các tộc phía Bắc, Tây Bắc Trung Quốc mà người Hoa gọi là Hồ, Hồi, Kim, Mã, Địch sau cũng lấy các tên gọi đó làm họ. 
Tôi cũng đã chứng minh một số tên gọi họ chính của người Việt là các họ Hán Việt gần gũi với tên gọi tộc người hay nhóm địa phương tộc người. Cụ thể: Trần có gốc Đản/Tan; Lý, Lê là hai tên gọi khác của người Lạc Việt; Nguyễn có gốc Yuan, một tên gọi người Việt từ các tộc Khmer, Chăm, Tây Nguyên...
Có thể thấy họ Phùng có gốc từ tên bộ tộc Phùng. Vậy bộ tộc Phùng là bộ tộc nào?
Như đã nêu, bộ tộc Phùng là một dòng họ có thế lực ở vùng ven biển giữa Quảng Châu và Hà Nội.
Theo Toàn Thư, Phùng Hưng sau khi chết được tôn là Bố Cái Đại Vương, được lập đền thờ và thường hiển linh, là vị thần đã âm phù cho Ngô Quyền đánh thắng giặc trên sông Bạch Đằng. Em Phùng Hưng là Phùng Hãi là người có sức khỏe phi thường và có tài đi thuyền (đưa một chiếc thuyền con chở nghìn hộc đi hơn 7km).
Vị thần phù hộ cho Ngô Quyền đánh thắng giặc trên sông thường là một vị thần sông nước.Tài đi thuyền của Phùng Hãi cho thấy hai anh em họ Phùng có gốc là dân vùng ven biển.
K. Taylor (1972:208) nhận xét: thời Phùng Hưng là thời Bắc Việt Nam có buôn bán đường biển rất phát triển. Điều này một phần do trước đó, vai trò của Quảng Châu như một hải cảng chính ở biển Đông đã bị sa sút. Nguyên nhân chính là sự nhũng nhiễu của quan lại Quảng Châu đã khiến các lái buôn nước ngoài xa lánh, thậm chí vào năm 758, người Ả Rập và Ba Tư ở đó đã nổi dậy giết quan quân ở đó. Năm 792, thái thú Quảng Châu đã phải thừa nhận: “Gần đây, các thuyền buôn với hàng hóa quí hiếm đã đột nhiên chuyển sang Giao Chỉ”. 
Chúng ta biết, sự phát triển của thương mại biển vào thời Trần và thời Mạc có liên quan chặt chẽ tới việc hai họ Trần, Mạc có gốc Đản-Mân (Tạ Đức 2013).Sự phát triển của thương mại biển thời Phùng Hưng chắc cũng vậy. Họ Phùng là một dòng họ có thế lực ở vùng ven biển phía Tây Quảng Châu, đó cũng là nơi dấy nghiệp của họ Trần và họ Mạc. Như vậy, rất có thể họ Phùng  cũng có gốc Đản-Mân. Ông tổ phương Bắc có lẽ chỉ ông tổ từ Chiết Giang hay Phúc Kiến.
Schafer cho biết: Phùng trong tiếng Hoa Trung đại có âm Byung. Dễ thấy, Byung tương ứng với Bùng trong tiếng Việt. Theo Trần Quốc Vượng (1997:97), quê của Phùng Khắc Khoan hay Trạng Bùng là Phùng Xá, còn gọi là làng Phùng hay làng Bùng. Cả một vùng rộng lớn từ Đan Phượng (hay Đan Phụng) đến Phúc Thọ, quê Phùng Hưng đều có tên chung là Phùng. Điều này cho thấy đây là vùng đa số là người họ Phùng.
Được biết, tên gọi Mân trong tiếng Mân ở Nam Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam, Đài Loan là Bân (tương ứng B/M). Vì thế, tên gọi Byung/Bùng tương ứng với Mung.
Trong hai bài viết về nhân vật huyền thoại Thạo Hùng/Chương Han và về nguồn gốc người Sek (Sách) ở Vieetnam, Lào, Chamberlain (1998 a,b) đã kết nối tên gọi Phong trong Phong Châu, một vùng ở giữa sông Đà và sông Hồng, nơi có nhiều người Mường, những người tham gia tích cực vào các cuộc khởi nghĩa nổ ra từ Thanh-Nghệ; tên gọi Pọng của một số nhóm Việt-Mường, Khmu cổ ở Nghệ-Tĩnh và Lào; Pọng: tên gọi một đơn vị hành chính của người Thái Đen và người Lào; các từ phong/phung trong tên gọi của nhiều nhân vật lịch sử gốc ở Nghệ An như Phùng Hưng: người gốc Đường Lâm/Phúc Lộc vùng sông Cả - Nghệ An; Souvana Khamphong - ông nội vua Phạ Ngừm (vị vua đầu tiên của nước Lào); tên Phra Khaphung - vị thần bảo hộ cho nước Sukhothai(một nước cổ của người Thái ở Thái Lan)... Ông cũng nêu ra 9 điểm tương đồng giữa Phùng Hưng với nhân vật huyền thoại Chương Han của người Khmu, Lào.
Tuy nhiên, Chamberlain thừa nhận, với ông “nguồn gốc thực sự của từ Phùng vẫn là một bí ẩn”.
Trước đó, Ferlus (1996:20) cũng đã nhận thấy mối liên hệ họ hàng giữa Pọng/Phọng, tên gọi một nhóm Việt-Mường ở Tương Dương (Nghệ An) và ở Lào với Pọng, từ chỉ một đơn vị hành chính dưới mường của người Thái Đỏ ở Thanh Hóa; với Mường Pọng, tên gọi vùng núi Miến Điện và cả nước Miến Điện từ người Thái Đen và Thái Trắng. Ông đoán từ gốc của Pọngblong  nhưng không rõ nghĩa gốc của nó ra sao.
Từ một nghiên cứu về Họ Từ Người (Tạ Đức 1999) giờ đây, tôi có thể chỉ ra cả từ gốc và nghĩa gốc của tất cả các từ nêu trên là một tên tự gọi tộc người có nghĩa Người. Đó là một tên gọi Mon, họ hàng với các tên gọi Mông/Hmong/Mung, Miền/Man/Mán, Miến/Myan, Môn/Mân/Bân, Mol/Muan/Mường...
Các biến thể của tên gọi đó là Pọng/ Phong/ Phùng/Bùng(tương ứng m/b/p/ph). Tên gọi Mường Pọng chỉ miền núi hay nước Miến Điện bắt nguồn từ việc người Môn là một tộc người miền núi nhưng một thời có vai trò quan trọng ở Miến Điện.
Kết hợp địa vực cư trú vùng ven biển, truyền thống biển, sự chuyển biến M/B trong tên gọi Mân/Bân, Mung/Bung, có thể xác định Phùng Hưng gốc từ một nhóm Mân-Đản vùng ven biển Quảng Đông - đảo Hải Nam tương tự Mai Hắc Đế trước đó và các vua Đinh, Trần, Mạc sau này.
 
3. Quê gốc của Phùng Hưng
Vấn đề quê gốc của Phùng Hưng là một vấn đề từng được nhiều học giả nói tới và gây tranh cãi. 
Trong cuốn Đất nước Việt Nam qua các đời(1964:84) Đào Duy Anh khi dẫn Toàn Thư nói Ngô Quyền là người Đường Lâm, dẫn Cương Mục chú rằng xưa xã Đường Lâm ở huyện Phúc Lộc, sau Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây, dẫn Sơn Tây tỉnh chí viết Phùng Hưng và Ngô Quyền đều là người xã Đường Lâm, Sơn Tây đã ngờ rằng các tác giả thời Nguyễn nhầm Đường Lâm là tên huyện đời Đường thuộc châu Phúc Lộc ở Nam Hà Tĩnh thành tên xã Đường Lâm, huyện Phúc Thọ, Sơn Tây thời Nguyễn.
Trong bài viết Vài sai lầm về tài liệu của bộ “Đại Việt sử ký toàn thư(1966) Văn Tân ủng hộ Đào Duy Anh và khẳng định “Ngô Quyền phải là người huyện Đường Lâm châu Phúc Lộc (Hà-Tĩnh) chứ không phải người xã Đường Lâm, huyện Phúc Thọ (Sơn Tây).
Trong bài Về quê hương của Ngô Quyền (1967), Trần Quốc Vượng phản bác quan điểm của Đào Duy Anh và Văn Tân với 5 luận cứ sau:
1- Tình trạng cùng một xứ, cùng một thời có hai địa danh trùng nhau hoặc là cùng một xứ nhưng ở thời trước thì địa danh ấy chỉ một miền này mà ở thời sau cũng địa danh ấy lại chỉ một miền khác - vốn xưa (và cả ngày nay nữa) là một điều thường có. Thời thuộc Đường, ngoài Đường Lâm thuộc châu Phúc Lộc ở Nam Hà Tĩnh nay còn có Đường Lâm là một châu thuộc châu Giao (đồng bằng Bắc bộ) và đất Đường Lâm đó sau là một xã thuộc huyện Phúc Lộc, Sơn Tây.
2- Theo bia xã Đường Lâm thì khi Ngô Quyền lên ngôi vua (939), ông đã lấy Đường Lâm làm “thang mộc ấp”. Sau khi Ngô Quyền mất (944), loạn 12 sứ quân nổ ra. Một trong 12 sứ quân là Ngô Nhật Khánh thuộc dòng họ Ngô Quyền đã cát cứ ở Đường Lâm, quê hương nhà Ngô. Theo Việt Sử lượcToàn Thư năm 950 Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn (con thứ hai của Ngô Quyền) đi đánh 2 thôn Đường, Nguyễn ở Thái Bình và bị chết. Thái Bình là tên một huyện của Giao châu thời thuộc Đường. Đào Duy Anh đã xác định huyện Thái Bình là ở khoảng huyện Quốc Oai ngày nay. Thôn Đường thuộc Thái Bình là đất Đường Lâm, nơi Ngô Nhật Khánh cát cứ, còn thôn Nguyễn thuộc Thái Bình là nơi Nguyễn Khoan cát cứ. Việt Sử lược đã gọi Nguyễn Khoan là Nguyễn Thái Bình.
3- Việt điện u linh (tác phẩm đời Trần) dựa vào Sử ký của Đỗ Thiện (tác phẩm đời Lý hay đầu đời Trần) chép truyện Lý Phục Man nói Lý Phục Man là tướng của Lý Nam Đế, được Lý Nam Đế “giao cho đóng giữ hai đất Đỗ Động và Đường Lâm” và khi chết còn được thờ ở đó. Đền thờ Lý Phục Man nay hiện còn ở xã Yên Sở thuộc huyện Hoài Đức, Hà Tây. Đỗ Động, khu vực cát cứ của sứ quân Đỗ Cảnh Thạc nay cũng thuộc tỉnh Hà Tây. Vậy rõ ràng đất Đường Lâm ở cạnh Đỗ Động cũng phải thuộc vùng Sơn Tây cũ. Theo Toàn Thư ở thời 12 sứ quân hơn 500 con em Ngô Quyền ở Đỗ Động đã đem quân tới đánh Đinh Bộ Lĩnh. Đó là một chứng cớ nữa cho thấy quê hương, con cháu nhà Ngô đều ở đất Sơn Tây cũ.
4- Ở Đường Lâm hiện còn có đền thờ Phùng Hưng, có lăng Ngô Quyền trong khi đó ở Hà Tĩnh không có một di tích lịch sử nào liên quan tới hai vị. Tấm bia Đường Lâm dựng đời Trần(1390) nói rõ: Ngô Quyền ở ngôi 6 năm thì mất. Người tự lập làm vương sau đó lập miếu đình để làm nơi cho bản ấp phụng thờ, tế lễ.
5- Bia Đường Lâm do con cháu Phùng Hưng, Ngô Quyền dựng cuối đời Trần(1390) rất đáng tin cậy. Văn bia trích gia phả của hai họ, tóm thuật những điều cốt yếu cho ta biết một số điều mà sử sách chưa ghi chép nhưng hợp lý.
 
Tóm lại, Trần Quốc Vượng khẳng định quê hương Phùng Hưng trước sau chỉ là Đường Lâm, Sơn Tây.
Trong phụ lục I cuốn Sự ra đời của Việt Nam, học giả MỹKeith Taylor(1983: 327) cũng nêu ra mâu thuẫn giữa các nguồn tư liệu Trung Quốc và Việt Nam, một đằng nói An Viễn, Đường Lâm, Phúc Lộc là các địa danh thời Đường - thế kỷ 7 chỉ một miền ở vùng sông Cả, một bên nói đó là địa danh tại một miền phía Tây Bắc đồng bằng sông Hồng. Ông cho rằng đó là vấn đề chưa được giải quyết.
Trong bài Nguồn gốc của người Sek Chamberlain(1998b:) dựa vào Taylor (1983) nhận thấy phần lớn các lãnh tụ khởi nghĩa vào thế kỷ 9, 10 ở Việt Nam như Mai Thúc Loan, Dương Thanh, Đỗ Tồn Thành, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền, đều là quan lại quí tộc Việt từ vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh. Từ đó ông cho rằng cả Phùng Hưng và Ngô Quyền đều sinh ra ở phía Nam và dẫn quân ra chiến thắng ở phía Bắc, dẫn đến các địa danh như Phúc Lộc, Đường Lâm cũng di chuyển ra phía Bắc.
Trong bài Đường Lâm-Sơn Tây: một chặng đường huyền sử thế kỷ XX, hai nhà Hán-Nôm học Trần Trọng Dương và Nguyễn Tô Lan cho rằng bia đời Trần mà Trần Quốc Vượng dùng trong bài của mình có lẽ là một bia ngụy tạo do:
-Về mặt thư pháp và văn tự học, chữ khắc trên văn bia đều là lối chữ chân nhỏ, quy củ  của triều Nguyễn.
- Về địa danh học, văn bia vẫn vô tình để lại địa danh thời Nguyễn.
- Về mỹ thuật, bia có cùng một phong cách với nhiều bia cuối thời Nguyễn.
Mặt khác, Trần Quốc Vượng đã dùng sử liệu cấp hai để phủ định các sử liệu cấp một được viết vào đời Đường.
Tiếp đó, trong bài viết Đường Lâm là Đường Lâm nào, Trần Ngọc Vương-Trần Trọng Dương-Nguyễn Tố Lan (2011, 2012) từ các nghiên cứu của Lê Hải Nam - Tích Dã (2009), Nguyễn Tùng (2009), tổng hợp và khẳng định:
1- Châu  Đường Lâm -quê của Phùng Hưng, Ngô Quyền vốn từng có tên châu Phúc Lộc (gồm ba huyện Nhu Viễn, Đường Lâm và Phúc Lộc) nằm loanh quanh giữa vùng Thanh Hóa -Nghệ An.
2- Trong suốt lịch sử từ đời Hán cho đến năm 1964, khu vực Sơn Tây không hề có châu hay huyện hay làng nào tên là Đường Lâm.Tên “xã Đường Lâm”tại Sơn Tây ngày nay mới xuất hiện từ năm 1964 (ngày 21 tháng 11).  
Như vậy, theo Trần Quốc Vượng quê hương của Phùng Hưng trước sau như một chỉ là Đường Lâm ở Sơn Tây. Còn theo Trần Ngọc Vương, Trần Trọng Dương và Nguyễn Tố Lan quê hương của Phùng Hưng trước sau chỉ là Đường Lâm ở Thanh-Nghệ. Rõ ràng, đó là hai quan điểm đối lập và loại trừ nhau.
Các tác giả đó đều đã bỏ qua điều mà Chamberlain từng xác định: Phùng Hưng có quê gốc tại Đường Lâm, Thanh-Nghệ, nhưng khi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa dành độc lập thắng lợi, ông đã đưa họ hàng ra Bắc lập quê mới ở Sơn Tây với tên quê cũ Đường Lâm.
Việc di dân lấy tên quê hương cũ đặt cho miền đất mới là hiện tượng không hiếm trên khắp thế giới và ở Việt Nam.
Vì thế các sử liệu Việt Nam nói Đường Lâm ở Sơn Tây mà Trần Quốc Vượng đưa ra cũng là “tư liệu cấp một” bởi chúng phản ánh một sự thực lịch sử có sau thời thuộc Đường. Đó là những tư liệu của người Việt ghi về đất Việt nên đáng tin cậy.
Từ đó, bia Đường Lâm với các yếu tố Nguyễn, theo tôi, không phải là bia ngụy tạo mà là bia tái tạo hay phục chế thời Nguyễn. Các địa danh Phùng/Bùng ở Sơn Tây khẳng định sự có mặt đông đảo của con cháu Phùng Hưng ở vùng này.
Dựa trên mối liên hệ giữa tên nhóm tộc người và tên sông gắn với tộc người đó (Tạ Đức 2013), rất có thể đất (châu/huyện) Đường Lâm nằm ở vùng miền núi Yên Thành Nghệ An, nơi hiện có sông Bùng gọi theo tên bộ tộc Bùng/Phùng chảy qua.
Điều này cũng phù hợp với các sử liệu xác định Đường Lâm, quê hương Ngô Quyền ởTây Nam châu Ái/Thanh Hóa, thuộc miền biên viễn; phù hợp với các tư liệu dân tộc học về sự phân bố của các nhóm Pọng; với tư liệu văn hóa dân gian về những tương đồng giữa Phùng Hưng và nhân vật huyền thoại Chương Han, Thao Hùng.
 
Kết luận
1- Phùng Hưng dòng dõi họ Phùng, một danh gia vọng tộc của người Mân Việt ở vùng ven biển từ Quảng Châu tới Hà Nội. Cha ông Phùng Hưng làm quan cho nhà Đường nhưng cũng là những lãnh tụ khởi nghĩa của người Việt, một hiện tượng phổ biến thời Bắc thuộc.
2- Phùng Hạp Khanh, thân phụ Phùng Hưng, là quan nhà Đường trấn thủ tại châu/huyện Đường Lâm, nhiều khả năng huyện Yên Thành, Nghệ An nay. Đó cũng là quê hương của Ngô Quyền.
3- Khi ra Bắc trị vì, Phùng Hưng đưa họ hàng ra lập “đất thang mộc” hay quê mới mang tên Phúc Lộc/Đường Lâm tại Sơn Tây nay.

 

 Tư liệu tham khảo

Chamberlain James, R. 1998a A critical framework for the study of Thao Houng or Cheuang.International Conference on Thao Hung or Cheuang. Bangkok. Thammasat University.
Chamberlain: James R. 1998b The origin of the Sek, implications for Tai and Vietnamese History. http://sealang.net/sala/archives/pdf8/chamberlain1998origin.pdf
Đào Duy Anh 1964 Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb. KHXH, Hà Nội.
Tạ Đức1999 Nguồn gốc và sự phát triển của kiến trúc-biểu tượng và ngôn ngữ Đông Sơn
Trung tâm Tiền sử ĐNA-Hội Dân tộc học Việt Nam. Hà Nội.
Tạ Đức2013.Nguồn gốc Người Việt –Người Mường Nxb Tri Thức, Hà Nội.
Taylor Keith W. 1983. The birth of Vietnam University of California
Trần Ngọc Vương-Trần Trọng Dương-Nguyễn Tố Lan2011, 2012  Đường Lâm là Đường Lâm nào? http://vanhoanghean.com.vn, Tạp chí Xưa và Nay
http://www.vjol.info/index.php/ncpt-hue/article/view/3962
Trần Quốc Vượng, Về quê hương Ngô Quyền, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 101, 8/1967, tr. 60 – 62.
Trần Trọng Dương-Nguyễn Tô Lan2011 Đường Lâm-Sơn Tây: một chặng đường huyền sử thế kỷ XXhttp://www.khoavanhoc.edu.vn/index.php/nghiencuukhoahoc/cong-trinh-khoa-hc/hannom/898-ng-lam-sn-tay-mt-chng-huyn-s-th-k-xx.
SchaferEdward1967, The Vermilion Bird: T'ang Images of the South University of California Press. Berkeley and Los Angeles.