Liên tiếp trong 2 năm 2013, 2014 và tại Ngày thơ Việt Nam, bài thơ "Mộ gió" của nhà thơ Trịnh Công Lộc được vang lên hào sảng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Là một tác phẩm đoạt giải nhì cuộc thi sáng tác thơ, nhạc "Đây biển Việt Nam" (Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Báo Vietnam.net đồng tổ chức), giờ đây "Mộ gió" đã trở thành một tác phẩm được đông đảo bạn đọc yêu thích. Chuyên đề VNCA có cuộc trò chuyện với nhà thơ Trịnh Công Lộc.
Nhà thơ Trịnh Công Lộc
- Thưa nhà thơ Trịnh Công Lộc, giờ đây khi nhắc đến tên ông, hầu như những người yêu thơ ai cũng nhắc ngay đến "Mộ gió" - một bài thơ mà theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét: "Bài thơ ẩn chứa sự đau đớn, cảm phục và tôn vinh một cách toàn bích hình ảnh hy sinh dũng cảm của người chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió". Ông có thể chia sẻ cùng bạn đọc hoàn cảnh ra đời bài thơ này?
+ Với tôi, bài thơ "Mộ gió" giống như một sự "ăn may", một sự "trời cho" vậy. Từ lâu, tôi đã đọc nhiều tư liệu về tục đắp mộ gió trong sách lịch sử và trong những phong tục, tập quán của người dân vùng biển, nhất là trên đảo Lý Sơn. Tục lệ này có từ rất lâu đời ở nước ta. Đặc biệt thiêng liêng là những ngôi mộ đó được dành cho những người lính đã hiến dâng cả đời mình cho biển đảo quê hương.
Theo tục lệ, người dân làm những ngôi mộ gió và tổ chức lễ chiêu hồn cầu an cho những linh hồn nằm lại nơi biển cả gìn giữ lãnh hải Tổ quốc không trở về. Những mộ gió vô danh mà lay động lòng người. Tứ thơ nung nấu tôi rất lâu và khi cảm xúc thăng hoa thì tôi viết rất nhanh. Những câu thơ cứ tự nhiên gọi nhau. Tôi viết chỉ trong vòng mươi phút vào nửa đêm về sáng, tháng 8-2011.
Ban đầu, tôi không có ý định tham gia cuộc thi nhưng anh em bạn bè cứ động viên rồi gửi hộ vì lúc đó tôi chưa biết sử dụng máy tính (cười). Tôi hoàn toàn bất ngờ khi nghe tin mình được giải, bởi khi ấy thật sự "không ai biết mình là ai". Tôi nghĩ đơn giản thế này, những gì thuộc về dân tộc hoặc có liên quan đến những vấn đề hệ trọng của đất nước thì dễ chạm tới cảm xúc của số đông người nghe. Khi lên nhận giải, cũng giống như tinh thần lời đề từ của bài thơ Mộ gió "Dâng hương những chiến binh giữ biển đảo không về ", tôi phát biểu rằng, tất cả những ai có công giữ biển đảo đều xứng đáng được tôn vinh.
- Cùng với "Mộ gió", ông còn có khá nhiều bài thơ hay khác về biển, đảo, như: "Từ biển mà đi", "Lời của sóng", "Đại dương - rừng đảo", "Đảo vắng"… Ngay cả tập thơ đầu tiên của ông cũng có tên là "Cánh buồm nâu". Dường như đề tài biển đảo vẫn luôn là một đề tài khiến ông trăn trở và mang đến cho ông nhiều cảm xúc?
+ Tôi sinh ra ở Thái Bình nhưng phần lớn thời gian lại sống và công tác tại tỉnh Quảng Ninh - một địa phương có nhiều biển, đảo phía Đông Bắc của Tổ quốc. Bên cạnh đó, nghề nghiệp cho tôi cơ hội được đi nhiều và trải nghiệm nhiều. Trong tôi, biển đảo luôn chiếm một vị trí rất quan trọng mà không phải lúc nào cũng lý giải được, như là tình yêu, như là một phần máu thịt. "Chạm vào gió như chạm vào da thịt" (bài "Mộ gió"), "Mỗi đảo nhỏ, trái tim của biển/ Những trái tim, nhịp đập trùng khơi" (bài "Lời của sóng").
Mỗi vùng biển, mỗi hòn đảo luôn tạo cho tôi những cảm xúc riêng. Nhiều nhà thơ lớp đàn anh đã tâm sự với tôi rằng, từ sau những năm 80 của thế kỷ trước, chất sử thi, chất chính luận, chất anh hùng ca trong thơ dường như có một khoảng lặng. Gần đây, khi biển đảo có vấn đề thì chủ nghĩa yêu nước lại cuồn cuộn dâng trào, chất sử thi, anh hùng ca trong văn chương lại có điều kiện bùng lên. Những cuộc thi sáng tác về biển đảo được phát động có lẽ là chất xúc tác để cảm xúc trong các văn nghệ sĩ thăng hoa. Trong sự thành công của nhiều người thì tôi cũng may mắn chăng?
- Có thơ đăng Báo Văn nghệ và Văn nghệ Quân đội khi còn đang là sinh viên Khoa Văn Đại học Sư Phạm, vậy mà mãi tới gần 60 tuổi ông mới cho ra mắt tập thơ đầu tiên? Với ông, thơ có ý nghĩa như thế nào?
+ Sở dĩ vậy, vì công việc rất bộn bề, cho dù tôi vẫn đều đặn làm thơ. Với tôi, thơ là cái "cớ" để chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp, với mọi người xung quanh. Thơ có khả năng giải tỏa, đánh thức con người. Thậm chí, cả những nỗi buồn, nỗi trăn trở trong thơ cũng đem về cái đẹp, càng mang lại cho con người khát vọng. "Đem câu hát trải tóc/ Dịu dàng rồi buông lơi/ Nhặt thêm vần đắng đót/ Bỏ vào trái tim nhau" (bài “Nhịp cầu Kinh Bắc”), "Tay nào giấu đá ném qua/ Giấu mưa ném gãy mái nhà mà đau" (bài “Mưa ơi”).
- Một cảm nhận chung khi đọc những bài thơ của ông là dù viết về đề tài gì cũng tràn đầy nỗi niềm yêu thương con người và những day dứt, trăn trở, chiêm nghiệm về số phận, về nhân tình thế thái? Đó có phải là điều ông đau đáu nhất khi cầm bút sáng tác?
+ Ai cũng vậy, nhưng mỗi người mỗi khác. Văn học là nhân học, là sự vươn tới nhân văn. Cội nguồn và dân tộc là điểm hội tụ của mọi tư tưởng, ý thức và cảm xúc. Nếu biết bắt đầu từ đó thì đến gần với nhân loại (đồng loại) và nhân văn. Ngẫm lại những nền văn học lớn như Pháp, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ,… cội nguồn về con người và dân tộc sáng lên rực rỡ. Ngọn lửa ấy không bao giờ nguôi, đem đến cho nhân loại sự ấm áp, đồng cảm, làm cho con người xích lại gần nhau hơn. Giá trị văn chương đã trở thành giá trị văn hóa. Đầu năm 2013, Hội Nhà văn Việt Nam đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.300 năm Ngày sinh của nhà thơ Đỗ Phủ, một tài năng thơ kiệt xuất đời Đường, Trung Quốc. Đã có bao nhiêu sự tri ân, chia sẻ ngọt ngào…
"Gió biết thương cả gió/ Người thêm biết thương người" (bài "Có phải"). Tìm ra ở đấy một chút thôi cũng đáng quý lắm rồi. Tuy nhiên, cảm hứng về cội nguồn và dân tộc ở một mức độ nào đó đan xen với những nhân tình thế thái hiện hữu, đời thường nhiều khi đã thôi thúc tôi đến bức bách mà thành thơ. "Bỗng dưng cành trúc rung câu hỏi/ Treo vào khoảng vắng giữa trời xa" (bài “Dấu tích Ngọa Vân”).
- Lâu nay, vẫn tồn tại một cuộc tranh luận về việc đổi mới thơ ca, quan niệm của ông về vấn đề này như thế nào?
+ Theo tôi, đổi mới đầu tiên phải ngay từ hiện thực của đời sống. Mỗi nhà văn, nhà thơ phải khám phá một khía cạnh khác nhau trên nền của hiện thực. Sau đó mới tới sự đổi mới về hình thức như cấu trúc, ngôn ngữ, cách thể hiện… Nhưng đổi mới thế nào đi nữa cũng phải mang bản sắc dân tộc. Tác phẩm văn học phải gắn liền với cội nguồn dân tộc, phải cảm nhận và phản ánh một cách sâu sắc về thân phận con người trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể nào đó mới có khả năng lay động được độc giả. Bản thân tôi rất ý thức điều đó. Tôi cũng đã học được từ đồng nghiệp rất nhiều. Cuối cùng, những chuẩn mực nghệ thuật dân tộc vẫn là điểm xuất phát đầu tiên của mọi đổi mới thi ca đương đại. "Mỗi đỉnh núi, một bàn thờ Tổ Quốc/ Ngát linh hương nghi ngút trời mây" (bài "Đỉnh núi").
- Thưa nhà thơ Trịnh Công Lộc, vấn đề văn hóa lễ hội đang rất được dư luận quan tâm trong thời điểm này. Được biết, trước khi chuyển công tác về Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, ông từng có thời gian là Trưởng ban Quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh và có khá nhiều đóng góp quan trọng trong công tác này. Ông có thể chia sẻ ý kiến của ông xung quanh hoạt động lễ hội hiện nay?
+ Câu hỏi này có lẽ muốn nói đến một phần ý thức công dân của nhà thơ. Vâng, thêm một chút thế này: Tôi rất đồng tình với ý kiến của Giáo sư Lê Văn Lan và Trần Lâm Biền phát biểu rằng, lễ hội ngày nay đang bị biến tướng. Gốc rễ của vấn đề này chính là hiện đang bị thương mại hóa các dịch vụ lễ hội. Để làm lành mạnh lễ hội, chúng ta cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị địa phương đã làm đúng Luật Di sản hay chưa?
Ngày còn công tác tại Ban Quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu lịch sử thật kỹ lưỡng rồi mới triển khai lập quy hoạch tổng thể và chi tiết. Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể của 3 khu di tích cấp Quốc gia là khu di tích Yên Tử, khu di tích Nhà Trần tại huyện Đông Triều và di tích Bạch Đằng tại huyện Yên Hưng. Trong đó, 2 khu di tích Yên Tử và Bạch Đằng đã được công nhận là khu di tích cấp quốc gia đặc biệt. Đây là một thuận lợi lớn cho tỉnh Quảng Ninh, tạo thêm nguồn lực phát triển bền vững. Không biết có phải thế mà tôi có thêm lộc thơ chăng!
- Xin trân trọng cảm ơn nhà thơ!
Khánh Thảo (thực hiện) / Văn nghệ công an