Con người ta sống ở đời không vì danh thì cũng vì lợi, mà nếu không vì danh lợi thì là vì cái nghiệp cái nghĩa ở đời. Tô Hoài lúc ấy đã là tác giả của gần 150 đầu sách lớn nhỏ và cả những kịch bản phim truyện, một danh phận lẫy lừng. Tiền bạc ông cũng không thiếu, Ở tuổi 72 lúc ấy, ai bắt ông phải làm việc cật lực trong những ngày giáp Tết?
Tết đến, nhu cầu tiêu dùng của con người cao hơn, đời sống xã hội càng phát triển thì nhu cầu ấy càng tăng cao, buộc người sản xuất phải tập trung năng lực để có đủ hàng hóa phục vụ ba ngày Tết. Từ các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, rau quả đến cây cảnh, hoa lá, vải vóc, áo quần, thợ may, thợ giặt… thậm chí cho đến những mặt hàng ít ai để ý đến như hàng mã, nhang đèn, đồ cúng đến những tháng cuối năm cũng được các nhà sản xuất nghiên cứu thị trường và tập trung sản xuất một cách sôi động, không kém gì các mặt hàng nhu yếu phẩm.
Để thiết thực phục vụ cho đời sống vật chất và tinh thần cho mọi người, hầu như hoạt động ngành nào cũng sôi sục, may ra chỉ có các thầy cô giáo là nghỉ dạy để cho học trò về quê ăn Tết mà thôi. Ngay cả báo chí là lĩnh vực hoạt động để phục vụ cho đời sống tinh thần, từ mấy tháng trước Tết các nhà báo đã chuẩn bị bài vở, những người sản xuất chương trình truyền hình đã dàn dựng, những họa sĩ, những nhà nhiếp ảnh đã chuẩn bị thiết kế trang bìa… nói chung là ai cũng lo tập trung “làm hàng Tết” không kém gì những người hoạt động trên các lĩnh vực xã hội khác.
Báo chí là một hình thái ý thức chi phối các lĩnh vực đời sống xã hội, nên không chỉ các nhà báo chuyên nghiệp mới bận rộn vào dịp Tết, mà ngay cả những người hoạt động trên các lĩnh vực khác liên quan đến báo chí cũng bị sức hút của guồng máy này chi phối như các họa sĩ, nhà nhiếp ảnh quay phim, nhà in, đạo diễn phim truyền hình, thậm chí cả các nhà hoạt động chính trị, như các lãnh đạo cấp cao, những người làm công tác tuyên huấn cũng được mời tham gia… trong đó, đối với báo chí hiện đại, chi phối nhiều nhất là các nhà văn, nhà thơ - đặc biệt là các tác giả thời danh, những “cây đa cây đề”.
Cố nhà văn Tô Hoài - Ảnh: An Thành Đạt
Về việc này, tôi có một kỷ niệm với nhà văn Tô Hoài. Chuyện đã diễn ra từ năm 1992 nhưng tôi vẫn nhớ bài học đích đáng về công việc “làm hàng Tết” của ông. Do đam mê và vì cuộc mưu sinh mà từ năm 1991, ngoài công việc giảng dạy ở trường, tôi tham gia hoạt động báo chí, làm Trưởng Văn phòng đại diện báo Phụ nữ Việt Nam tại miền Trung và làm thêm cho Chương trình Phát thanh Văn nghệ Đài Phát thanh Thừa Thiên - Huế.
Đây là một trong những bước chuẩn bị ban đầu để đi đến việc xây dựng chương trình và làm hồ sơ xin mở mã ngành đào tạo báo chí của trường Đại học Khoa học Huế vào năm 1997 (công việc làm thêm ở hai cơ quan này kéo dài cho đến năm 2005, khi không phụ trách ngành báo chí nữa, tôi mới nghỉ). Chuẩn bị cho Chương trình Phát thanh Văn nghệ Tết Nhâm Thân (1992), trước đó hơn một tháng, tôi có việc đi Hà Nội nên kết hợp làm đề cương phỏng vấn nhà văn Tô Hoài với tiêu đề “Năm Thân, nhà văn tuổi Thân nói về mình”, và được Tổng biên tập duyệt ngay, bởi Tô Hoài tuổi Canh Thân (1920).
Chưa quen biết với nhà văn tài danh, cũng không biết nhà, tôi phải lòng vòng tìm hiểu. May quá, gặp nhà văn Nguyễn Hoàng Sơn, người đang phụ trách trang văn nghệ trên báo Tiền phong Chủ nhật, anh gọi điện và giới thiệu tôi với nhà văn Tô Hoài.
Tôi hơi hồi hộp trao đổi qua điện thoại về thân phận của mình, về mục đích cuộc gặp gỡ, tóm tắt yêu cầu và nội dung cuộc phỏng vấn v.v… Bằng chất giọng Hà Nội vừa thanh lịch cao sang, vừa thân tình ấm áp, qua điện thoại ông khen đài tôi có sáng kiến và cách làm chương trình Tết hay, độc đáo, hiếm có đài địa phương nào về tận Hà Nội để gặp gỡ nhân vật…
Tôi nghe như mở cờ trong bụng và sung sướng đến tận đáy lòng, dự định rằng khi gặp trực tiếp, ngoài nội dung phỏng vấn, tôi sẽ ghi âm cả những lời này nếu ông nhắc lại, để về mở cho Ban Giám đốc Đài nghe, chắc chắn ai cũng sẽ vui sướng như tôi.
Nhưng đột nhiên ở đầu dây bên kia nhà văn dừng lại mấy giây và nói một cách nhẹ nhàng: “Nhưng anh ạ, mong anh thông cảm, tôi không thể nào đáp ứng được yêu cầu của anh, vì dịp này tôi đang bận làm hàng Tết!”.
Tôi nghe hụt hẫng đến không ngờ, như đất đang sụt lở dưới chân mình và bắt đầu giở bài năn nỉ rằng công khó từ Huế ra đây, rằng độc giả Huế vốn yêu mến văn chương Tô Hoài, rằng bác nên dành tình cảm cho thính giả cố đô… Ở đầu dây bên kia nhà văn thoái thác một cách cương quyết: “Tôi không thể giúp anh được, vì đã lỡ nhận đơn đặt hàng nhiều nơi, mà anh biết tôi là người luôn trọng chữ tín - ông dừng một chút và cười ở đầu dây bên kia một cách hóm hỉnh rồi nói thêm - hay là anh đến phỏng vấn cụ Nguyễn Tuân đi, vậy nhé!”.
Phải mất một thời gian sau đó khá lâu, tôi mới hình dung và hiểu hết nụ cười hóm hỉnh của Tô Hoài, bởi nhà văn Nguyễn Tuân tuổi Canh Tuất (1910) chứ không phải Canh Thân (1920) như ông và đã qua đời trước đó gần tròn 5 năm (28-7-1987).
Con người ta sống ở đời không vì danh thì cũng vì lợi, mà nếu không vì danh lợi thì là vì cái nghiệp cái nghĩa ở đời. Tô Hoài lúc ấy đã là tác giả của gần 150 đầu sách lớn nhỏ và cả những kịch bản phim truyện, một danh phận lẫy lừng. Tiền bạc ông cũng không thiếu, với nhà cửa đàng hoàng, cuộc sống thong dong đáng cho ông tận hưởng. Ở tuổi 72 lúc ấy, ai bắt ông phải làm việc cật lực trong những ngày giáp Tết? Chỉ có thể là vì ông “đã lỡ mang lấy nghiệp vào thân”. Chính cái nghiệp của người cầm bút đã buộc ông suốt cả một đời lao động không biết mệt mỏi, cho đến hơi thở cuối cùng.
Danh phận, tiền tài không thể đặt trên ý thức nghề nghiệp, ý thức lao động, niềm đam mê, khát vọng sáng tạo và thiên chức của người cầm bút. Những cuốn sách ông tiếp tục cho ra đời sau đó như "Cát bụi chân ai", "Ba người khác"… đã khẳng định điều đó. Cuộc phỏng vấn của tôi lần ấy thất bại, nhưng cái được lớn nhất của tôi là bài học về nghề, thông qua chỉ một cuộc điện thoại ngắn với nhà văn.
Cũng qua công việc ở Đài Phát thanh Thừa Thiên - Huế thời đó, tôi đã có những cuộc gặp gỡ trao đổi, phỏng vấn với các tác giả người Huế xa quê như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, họa sĩ Tôn Thất Văn, các nhà văn, nhà thơ như Phùng Quán, Trần Thanh Đạm, Lê Văn Ngăn, hoặc các tác giả thời danh đã từng có quãng đời sáng tác gắn bó với Huế, như Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Nguyễn Văn Bổng, Khương Hữu Dụng, Thu Bồn, Băng Sơn, Trinh Đường, Nguyễn Văn Xuân… hầu hết trong số họ, nay đã trở thành người thiên cổ.
Tôi tự trách mình rằng lúc ấy tôi thiếu ý thức/trách nhiệm và không có điều kiện để lưu lại những đoạn băng ghi âm ấy, để đến nay nếu có điều kiện, thế hệ sau còn nghe được giọng nói của họ, hoặc có thể văn bản hóa ra để in thành một cuốn sách các văn nghệ sĩ nói về Huế. Ý thức được điều đó, cách đây gần chục năm, tôi có tìm đến Đài Phát thanh
Truyền hình Thừa Thiên - Huế (TRT) tìm gặp người phụ trách trực tiếp của tôi thời đó là nhạc sĩ, nhà văn, nhà báo Nguyễn Việt, Trưởng phòng Văn nghệ, xin vào kho băng lưu của Đài để xin sao chép lại, nhưng được trả lời rằng, do kinh phí khó khăn, chương trình phát xong một thời gian, phải xóa đi để dựng chương trình khác. Vậy là, “nhà đài” cũng như tôi, tác giả của những chương trình ấy, đều sớm lãng quên những con người/ giọng nói ấy, chỉ còn lưu lại chút ít trong tâm tưởng đầy nuối tiếc của tôi, trong mỗi dịp Xuân về.
Theo Phạm Phú Phong / Báo Công an nhân dân