(Thứ tư, 25/01/2023, 09:17 GMT+7)
Có phải vậy chăng mà văn mạch họ Phùng luôn được trao truyền từ đời này sang đời khác trải các triều đại hưng suy đều hiện lên tấm lòng ưu dân ưu nước, những vẻ đẹp cần lao nhân văn thấm đẫm tinh thần Phùng tộc luôn đồng hành với đất nước, non sông...
 
Họ Phùng phát xuất từ Sơn Tây - xứ Đoài, một vùng “đất sỏi chạch vàng”. Đất đá ong (“khô nhiều ngấn lệ” - Quang Dũng) và mây trắng (“Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm” - Quang Dũng) là hai nét đậm và nhịp mạnh của tâm thức và tính cách người Sơn Tây. Từ đó sản sinh ra những anh hùng và những nhà thơ. Trong số những dòng họ cư trú lâu đời và nổi tiếng ở vùng đất sông Đà - núi Tản và núi Thầy - sông Đáy, thì họ Phùng, họ Đỗ là những dòng tộc tiêu biểu. Riêng họ Phùng đã có những nhân vật văn võ song toàn như Phùng Hưng, Phùng Thanh Hòa, Phùng Khắc Khoan…
 
Về truyện ngắn của các nhà văn đương đại họ Phùng cũng rất phong phú, đa dạng. Nhưng, có lẽ, điểm khác biệt ấy mang dấu ấn phả hệ của dòng họ Phùng. Trước năm 1945, những cây bút truyện ngắn đại tài như Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Nam Cao… Sau năm 1945, đặc sắc hơn cả là truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp… Nằm giữa hai bờ thời gian này có một cây bút truyện ngắn độc đáo, xuất sắc, nhưng ít người biết đến là Phùng Cung. Truyện của ông viết về một thời kỳ bước ngoặt trong xã hội Việt Nam. Cái cũ đã chết nhưng chưa qua, cái mới đã định hướng nhưng chưa định hình. Tồn tại nhiều hình thái nửa dơi nửa chuột, nửa trăng nửa đèn, tranh tối tranh sáng. Điều này tạo ra sự xuống cấp văn hóa, tha hóa nhân cách. Truyện ngắn Phùng Cung xứng đáng in một tập riêng. Điều này hẳn nhóm nhà văn họ Phùng đã tính đến và trong thời gian tới sẽ tập hợp, biên soạn và đem tới dư vị riêng ấy đến độc giả.
 
Truyện ngắn tác giả họ Phùng (Nxb Văn học & Viện Nhân học Văn hóa, 2022)
 
Trong tuyển tập này, Truyện ngắn tác giả họ Phùng (Nxb Văn học & Viện Nhân học Văn hóa, 2022), Viện Nhân học Văn hóa giới thiệu 6 cây bút thuộc thế hệ đàn em Phùng Cung. Đó là Phùng Thành Chủng (sinh năm 1950), Phùng Phương Quý (sinh năm 1953), Phùng Quốc Hiển (sinh năm 1958), Phùng Kim Trọng (sinh năm 1962), Phùng Văn Khai (sinh năm 1973) và Phùng Gia Thế (sinh năm 1977). Đây là các nhà văn U50 đến U70, thuộc các thành phần xã hội khác nhau, sinh sống ở những không gian trong và ngoài xứ Đoài. Họ nổi tiếng không chỉ trong dòng tộc Phùng gia, mà trên cả nước, không chỉ ở lĩnh vực truyện ngắn mà còn cả ở thơ, tiểu thuyết, khảo cứu và lý luận phê bình. Trong lời giới thiệu, tôi xin khái quát ngắn gọn văn phong cũng như thành tựu về truyện ngắn của các tác giả họ Phùng.
 
Phùng Thành Chủng, quê ở Quốc Oai, Sơn Tây. Sau khi đi bộ đội về, ông học thêm chữ Hán, chữ Nôm, làm nghề dịch thuê gia phả, biên soạn địa chí xã, huyện, sưu tầm văn học dân gian Hội Rô. Ông còn viết báo, viết văn, làm thơ. Thơ Phùng Thành Chủng có cách tân về ngôn ngữ, cách cấu tứ và sáng tạo ý tưởng. Ngược với sự bay bổng của thơ, văn xuôi nói chung và truyện ngắn nói riêng của Phùng Thành Chủng lại thâm trầm, đáo để.
 
Ở mảng đề tài lịch sử, đúng hơn là dã sử, Phùng Thành Chủng dựa trên những tư liệu dân gian khi dịch gia phả, thần phả, để dựng lên những truyện giả - lịch sử, nhằm chuyên chở và giải đáp những vấn đề hiện đại. Ở đây, ngòi bút ông nghiêm cẩn, tri thức uyên thâm, quảng bác. Còn ở mảng đương đại - hài hước, sắc lạnh. Nối giữa hai mảng này là những mô típ báo ân báo oán, theo thuyết di truyền của nhà văn Émile Zola.
 
Phùng Phương Quý khoảng trên mười năm trở lại đây xuất hiện khá đều đặn trên các địa chỉ văn học lớn: Văn nghệ; Văn nghệ quân đội; Văn nghệ công an; Quân đội nhân dân... đã tạo được thiện cảm của bạn đọc với thể tài truyện ngắn. Đã có sự dụng công và nhuần nhuyễn từ văn phong tới cốt truyện. Tuy chưa nổi trội song những dấu ấn mà Phùng Phương Quý tạo dựng được đã xứng đáng là một nhà văn viết truyện ngắn bước đầu khẳng định được mình.


Nhà văn Phùng Quốc Hiển
 
Phùng Quốc Hiển là một cây bút mới xuất hiện. Văn phong chững chạc. Mạch truyện dồi dào, phản ánh khá đa dạng các vấn đề trong xã hội đã tạo lập sự tươi tắn và sum suê trong tập sách. Có cảm giác, Phùng Quốc Hiển đã dồn nén, tích lũy văn nghiệp từ lâu đến bây giờ mới bung nở. Một số truyện ngắn in trên Văn nghệ quân đội gần đây đã cho thấy nội lực tiềm tàng của một cây bút họ Phùng cũng là đóng góp đáng kể của Phùng Quốc Hiển ở chặng đường đầu tiên trên những trang văn.
 
Truyện ngắn Phùng Kim Trọng lại có thế mạnh ở một khu vực khác. Nhạy cảm và có phần phản biện quyết liệt, thêm tính hài hước, uy mua đã tạo cảm giác sắc ngọt và đau đớn trong mỗi truyện ngắn của ông. Xuất hiện cùng lứa với Sương Nguyệt Minh song Phùng Kim Trọng đã có nhiều khoảng lặng để bạn đọc phải đón chờ. Tập hợp chùm truyện của ông trong văn mạch họ Phùng là rất cần thiết để bạn đọc hình dung đầy đặn hơn về những sáng tác của ông.
 

Nhà văn Phùng Văn Khai là tác giả của những bộ tiểu thuyết như: Phùng Vương, Ngô Vương, Nam Đế Vạn Xuân, Triệu Vương phục quốc, Lý Đào Lang Vương, Lý Phật Tử định quốc...

Nghiệp văn của Phùng Văn Khai bắt đầu bằng truyện ngắn. Truyện của Khai có tính chất cổ điển, cốt truyện rõ ràng, kể tả rành mạch như truyện Ma Văn Kháng. Ngòi bút của Phùng Văn Khai nổi lên hai giọng điệu, hai chủ âm, hai hệ thống hình tượng. Một là giọng điệu trữ tình đằm thắm của vùng quê Hưng Yên của anh. Nơi có câu chuyện tình nổi tiếng, thiên cổ kỳ văn, của Tiên Dung và Chử Đồng Tử, có Đoàn Thị Điểm, Chu Mạnh Trinh, hai nhà thơ trữ tình nổi tiếng. Hai là giọng điệu hào sảng, phá cách và phá chấp, pha chút anh hùng thảo dã Lương Sơn Bạc.
 
Hai giọng điệu này tưởng như đối lập nhau, tương khắc, nhưng lại hòa quyện nhau, tôn nhau lên, tương sinh. Tôi còn nhớ truyện ngắn cũng là đầu tiên đọc Phùng Văn Khai, Hồn quỳnh, gây ấn tượng mạnh trên Tạp chí Văn nghệ quân đội. Đã đành đây là một truyện ngắn hay, nhưng đáng nói hơn nó ẩn chứa những yếu tố dự báo cho đời văn học của Phùng Văn Khai. Đó là anh sẽ trở thành một nhà viết tiểu thuyết lịch sử giàu tâm huyết và nhiều thành công như bây giờ. Tác giả của những bộ tiểu thuyết như Phùng Vương, Ngô Vương, Nam Đế Vạn Xuân, Triệu Vương phục quốc, Lý Đào Lang Vương, Lý Phật Tử định quốc, đều viết về các anh hùng dân tộc, các hoàng đế, quân vương đánh giặc trị quốc nổi tiếng của Đại Việt ta trong tiến trình lịch sử.
 
Phùng Gia Thế, quê Phú Thọ, cây bút trẻ nhất trong các tác giả truyện ngắn họ Phùng. Anh tốt nghiệp Đại học Sư phạm 2 Xuân Hòa - Vĩnh Phúc. Đi dạy nhiều năm ở miền núi, rồi trở về trường cũ giảng dạy và đảm đương các cương vị chủ chốt của nhà trường. Làm luận án tiến sĩ về văn học hậu hiện đại ở Việt Nam. Đây là một đề tài lúc bấy giờ còn hết sức mới mẻ, nên cũng rất khó khăn, nhưng đã thành công vang dội.
 
Phùng Gia Thế có nhiều công trình về lý luận phê bình, đặc biệt về hậu hiện đại. Hẳn vì thế khi viết truyện ngắn thì truyện ngắn của anh cũng có hơi hướng hậu hiện đại chủ nghĩa. Đấy là những câu chuyện được kể miên man, có khi không đầu không cuối, có khi như dòng ý thức tự trôi chảy. Nào là chuyện làng chuyện xóm. Nào là dạy học ở những điểm trường ở vùng núi cao sát biên giới. Nhưng đằng sau những tiểu truyện ấy là những vấn đề thời cuộc, những con người nhỏ bé bị cuộc đời xô đẩy, và sau hết, là cảm xúc, cảm nghĩ, tâm trạng của tác giả.
 

Nhà văn Phùng Gia Thế
 
Dường như đã từ lâu, sớm có một văn mạch họ Phùng. Từ thời Hùng Vương dựng nước đã sớm có một Phùng Lực Đại Vương tài văn tài võ đều nức tiếng đã giúp vua Hùng dựng nước được lưu truyền thờ tại nhiều nơi trên cả nước mà vừa qua Hội đồng họ Phùng Việt Nam phối hợp với Tiến sĩ Vương Thị Hường - cán bộ Viện Nghiên cứu Hán - Nôm dịch bản thần phả thần tích về đức ngài và đã trao tặng nơi thờ tự là Di tích Miếu Ba Vua tại xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Phùng Lực Đại Vương cũng là người giúp Hùng Duệ Vương định đô lập quốc chế định triều nghi đã được ghi vào sử sách cũng là khởi thủy của văn mạch võ công dòng dõi họ Phùng vậy.
 
Tiếp đó, phải kể đến Hưng Nhân Đại Vương Phùng Tá Chu - Thái phó lưỡng triều Lý - Trần tài văn đã đi vào sử sách. Nhiều bản tham tấu, nhiều tham mưu quyết sách của ông đều được nhà Lý và nhà Trần ghi nhận, thật xứng danh văn mạch họ Phùng.
 
Nổi tiếng đã trên dưới năm trăm năm, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan tài thơ văn thần thông diệu thủ của quan trạng không chỉ vang danh trời Nam mà còn kinh tâm phương Bắc khiến vua quan nhà Minh phải nể phục, các sứ thần Triều Tiên, Nhật Bản đều kính trọng là bậc quốc sĩ của một nước. Gần hai ngàn trang văn của đức cụ Trạng còn lưu truyền tới hôm nay.
 
Có phải vậy chăng mà văn mạch họ Phùng luôn được trao truyền từ đời này sang đời khác trải các triều đại hưng suy đều hiện lên tấm lòng ưu dân ưu nước, những vẻ đẹp cần lao nhân văn thấm đẫm tinh thần Phùng tộc luôn đồng hành với đất nước, non sông. Trên tinh thần ấy, Truyện ngắn tác giả họ Phùng là một dòng chảy nhỏ trong tâm thức lớn của ngàn năm Phùng tộc vậy.
 
Như vậy, Truyện ngắn tác giả họ Phùng là một tuyển tập của các cây bút họ Phùng, nhưng không chỉ nói về họ Phùng, mà nói về cả dân tộc, cả đất nước Việt Nam từ xưa đến nay. Tác giả đều là những người có cá tính, có trình độ học thức và trình độ văn hóa. Họ có bút pháp đa dạng, từ cổ điển đến hiện đại và hậu hiện đại. Tôi tin rằng đọc tuyển tập truyện ngắn này bạn đọc, cũng như tôi, sẽ có những trải nghiệm thú vị và bổ ích về văn chương, về cuộc đời. Tôi hân hạnh được chuyển nó đến tay bạn đọc.
 
PGS.TS. Đỗ Lai Thúy