Phóng sự ảnh số 1: Giới thiệu sách Tiến sĩ Phùng Thảo
Trong quá trình thực hiện cuốn sách Họ Phùng Việt Nam trong tiến trình Lịch sử dựng nước và giữ nước (Khái lược), tôi đã dành nhiều thời gian và tâm huyết, nhưng sách không thể hoàn thành được nếu như không có sự sẻ chia, gắn bó, giúp đỡ, động viên mọi mặt của đông đảo mọi người. Một cuốn sách được hoàn thành, dẫu chưa trọn vẹn mà đã thắm đượm tình máu mủ, ruột già. Những giúp đỡ chân tình, vô tư, hết lòng vì tiền nhân, vì lịch sử. Những khoảnh khắc vui buồn, lắng đọng, và nhất là sự đón chờ của các cành nhánh họ Phùng, những nơi có đình, đền, chùa, miếu mà tôi đã ghi chép được, đã thúc giục tôi hoàn thành tập sách này.
Thật khó nói hết thành lời mỗi khi trao đổi, trò chuyện, ghi chép về những sự kiện và con người đã thuộc về lịch sử từ hàng nghìn năm trước. Tư liệu tuy đơn sơ, trống vắng, có lúc như mò kim đáy biển nhưng vô cùng dẫn dụ, đam mê. Từ trách nhiệm với lịch sử, với tiền nhân, nhất là với tiên tổ họ Phùng đã giúp tôi có sự kiên trì theo đuổi công việc vốn khô khan, đòi hỏi tinh thần khoa học, nhân văn, nhất là thời gian khi tuổi tác đã dần cao.
Nói như thế để thấy rằng, một cuốn sách đến tay bạn đọc cũng như một cái cây tới độ trưởng thành đã phải trải qua rất nhiều gian lao, thử thách. Nhưng những gian lao, thử thách ấy cũng chính là hạnh phúc của người cầm bút, hạnh phúc được đem tới nguồn tri thức, nhất là những sự kiện, số liệu về các nhân vật lịch sử họ Phùng, thành tựu của các cành nhánh, con người họ Phùng từ thượng cổ tới thời đại Hồ Chí Minh.
Trong quá trình lao động để có được Họ Phùng Việt Nam trong tiến trình Lịch sử dựng nước và giữ nước (Khái lược), trước tiên, xin được trân trọng cảm ơn và ghi nhận tới Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam, người đã có những cống hiến xuất sắc với dòng họ Phùng. Làm việc lâu với anh Đăng, tôi cảm nhận sâu đậm tình cảm và trách nhiệm sâu sắc của anh với họ Phùng và với cá nhân tôi. Anh luôn động viên để tập sách sớm hoàn thành. Đây là nguồn động lực lớn để tôi hoàn thành tập sách.
Trong quá trình hoàn thiện tập sách cũng là quá trình tôi được phân công thực hiện tổ chức các cuộc Hội thảo họ Phùng trên toàn quốc. Đây cũng là điểm đặc biệt của họ Phùng và đặc điểm chính để hình thành lênHọ Phùng Việt Nam trong tiến trình Lịch sử dựng nước và giữ nước (Khái lược). Những cuộc đi điền dã khắp cả nước đã cho tôi không chỉ tri thức, tư liệu lịch sử mà cái cao hơn, sâu sắc hơn chính là niềm tin và khát vọng thực hiện những ước mơ, hoài bão, tiếp nối những thành tựu lớn của Tổ tiên trong đó có những nhân vật lịch sử họ Phùng có công với nước trong tiến trình dựng nước và giữ nước. Chính từ các cuộc đi điền dã, các cuộc Hội thảo khoa học đã tạo điều kiện cho tôi được tiếp xúc, làm việc, trao đổi, tranh luận, phản biện một cách hết sức khoa học với đội ngũ nhân sĩ trí thức, các nhà nghiên cứu, các nhà văn, nhà thơ đã nhiều năm đồng hành cùng họ Phùng làm nên chất lượng cao của các cuộc Hội thảo. Chính sự nhiệt thành và kiến thức sâu rộng của đội ngũ này đã giúp tôi có thêm quyết tâm để hoàn thành tập sách.
Xin cám ơn cố Thượng tướng Phùng Thế Tài, Cố Đại tướng Phùng Quang Thanh, các ông Phùng Quốc Hiển, Phùng Hữu Phú, Phùng Trần Hương, Tiến sĩ Phùng Văn Bảng, Bác sĩ Lê Thị Kim Hà, ông Tư Minh đã giúp đỡ cung cấp những tư liệu rất có giá trị và vô cùng quí giá để tôi hoàn thành các bài viết trong cuốn sách.
Xin cám ơn Tiến sĩ Đinh Công Vĩ, nhà báo Đinh Phong, Đại tá Phùng Danh Thắm, các ông đã không quản ngại khó khăn, đồng hành, chia sẻ cùng với tôi làm được khá nhiều việc góp phần cho thành công cho cuốn sách.
Và xin cám ơn các vị trong Ban quản lý các di tích lịch sử văn hóa - đền đình, các vị thủ từ trông coi di tích, các vị trưởng tộc họ Phùng - những nơi tôi đã có dịp đến tìm hiểu nghiên cứu để có tư liệu viết cuốn sách này.
Tôi đặc biệt cảm ơn vợ chồng ông bà Phùng Văn Hệ - Nguyễn Thị Mạch, vợ chồng ông bà Phùng Văn Lực - Nguyễn Thị Hiền đã luôn động viên giúp đỡ về tinh thần và vật chất, nhất là ngọn lửa yêu mến dòng họ, trách nhiệm và niềm tin vào Hội đồng dòng họ, vào các cá nhân trong đó có bản thân tôi, giúp tôi có thêm tâm huyết và nghị lực thực hiện và hoàn thành tập sách.
Tôi xin chân thành cảm ơn tới các nàng dâu họ Phùng trong đó có vợ tôi, bà Nguyễn Thị Nhung đã lặng thầm giúp đỡ anh em Phùng tộc chúng tôi, giúp tôi có được thời gian, có điều kiện để từng bước hoàn thành những công việc đã đặt ra. Phải nói rằng, trong thâm tâm cánh đàn ông họ Phùng, nhất là các thành viên trong Hội đồng họ Phùng Việt Nam, Ban Cố vấn Hội đồng họ Phùng Việt Nam đều rất biết ơn tới các chị - những nàng dâu họ Phùng vừa xinh đẹp, đảm đang, hiền hậu, vừa vô cùng yêu quý chồng con, nhất là rất có ý thức, có trách nhiệm với dòng tộc họ Phùng. Điều này thật là quý lắm thay! Cũng chính bởi vậy, anh em họ Phùng chúng tôi mới có thời gian và tâm huyết làm được một số công việc có ý nghĩa cũng là nhờ công sức của các nàng dâu họ Phùng.
Tập sách được ra đời với sự động viên của các nhân sĩ trí thức, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ. Các anh chị không chỉ động viên thường xuyên mà còn có những trao đổi học thuật, những tư liệu quý, những ý kiến sâu sắc góp ý trực tiếp với tác giả. Xin đặc biệt và vô cùng cảm ơn PGS.TS Đỗ Lai Thúy đã viết lời giới thiệu ngắn gọn, xúc tích, hàm chứa nhiều tâm tư, tình cảm, nhiều điều muốn nói của tác giả với độc giả. Đó cũng là sự tri ân của các anh chị với cá nhân tôi.
Tôi xin chân thành cảm ơn Nhà văn Phùng Văn Khai đã luôn đồng hành, động viên, luôn quyết liệt bám sát tiến độ để tập sách sớm hoàn thành. Làm việc với Nhà văn Phùng Văn Khai trên 10 năm, cũng là khoảng thời gian tôi cùng nhà văn thực hiện các việc Hội đồng họ Phùng phân công, cũng là biết bao tình cảm sẻ chia, những khó khăn phải vượt qua, những chặng đường hoạch định ở phía trước, để gắn kết thế hệ, bồi dưỡng tri thức và niềm tin trong chặng đường dài. Tập sách đã nhận được sự góp ý, biên soạn, cung cấp tư liệu ảnh một cách tận tình, công phu, sáng tạo của nhà văn.
Tập sách Họ Phùng Việt Nam trong tiến trình Lịch sử dựng nước và giữ nước (Khái lược) do có rất nhiều khó khăn khách quan và chủ quan, sách mới chỉ là những tập hợp bước đầu, những khái lược bao quát, những thống kê trên tinh thần kiến thức cá nhân, chắc chắn còn có thiếu sót, chắc chắn cần phải bổ sung, góp ý kiến, hoàn thiện để bộ sách trở thành công trình nghiên cứu khoa học có giá trị và hữu ích.
Kính mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình!
Sau đây là một số hình ảnh được lấy từ cuốn sách Họ Phùng Việt Nam trong tiến trình Lịch sử dựng nước và giữ nước (Khái lược):
TIẾN SĨ PHÙNG THẢO CÙNG CÁC THÀNH VIÊN
KHỞI XƯỚNG THÀNH LẬP BAN LIÊN LẠC HỌ PHÙNG VIỆT NAM
Tiến sĩ Phùng Thảo; Trung tướng Phùng Khắc Đăng cùng các thành viên đầu tiên
họp bàn thành lập Ban liên lạc họ Phùng Việt Nam, năm 2009
TIẾN SĨ PHÙNG THẢO VỚI HOẠT ĐỘNG
TRAO GIẢI THƯỞNG PHÙNG KHẮC KHOAN
Tiến sĩ Phùng Thảo - Phó Trưởng Ban Liên lạc họ Phùng Việt Nam;
Nhà văn Hoàng Quốc Hải tại Lễ trao giải thưởng Phùng Khắc Khoan năm 2013-2014
Tiến sĩ Phùng Thảo chụp ảnh lưu niệm với các Đại biểu
dự Lễ trao giải thưởng Phùng Khắc Khoan năm 2013-2014
Tiến sĩ Phùng Thảo - Phó Trưởng Ban Liên lạc họ Phùng Việt Nam;
Giáo sư Phùng Hồ tại Lễ trao giải thưởng Phùng Khắc Khoan năm 2014-2015
Tiến sĩ Phùng Thảo; Trung tướng Phùng Khắc Đăng chụp ảnh lưu niệm
với các Đại biểu dự Lễ trao giải thưởng Phùng Khắc Khoan năm 2014-2015
Tiến sĩ Phùng Thảo - Phó Trưởng Ban Liên lạc họ Phùng Việt Nam;
tại Lễ trao giải thưởng Phùng Khắc Khoan năm 2015-2016
Tiến sĩ Phùng Thảo; Tiến sĩ Phùng Quốc Hiển; Anh hùng Phùng Văn Khẩu
tại Lễ trao giải thưởng Phùng Khắc Khoan năm 2016-2017
Tiến sĩ Phùng Thảo - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng họ Phùng Việt Nam
trao giải cho các cháu học sinh giỏi tại chi nhánh Nam Cường - Nam Định, năm 2018
Tiến sĩ Phùng Thảo - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng họ Phùng Việt Nam;
Giáo sư Phùng Hồ Hải tại Lễ trao giải thưởng Phùng Khắc Khoan năm 2019-2020
TIẾN SĨ PHÙNG THẢO VỚI CÁC HỘI THẢO KHOA HỌC HỌ PHÙNG
Tiến sĩ Phùng Thảo - Phó Trưởng Ban Liên lạc họ Phùng Việt Nam cùng các đại biểu tại
Hội thảo Khoa học Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan - Cuộc đời và sự nghiệp tại Thạch Thất,
năm 2013
Toàn cảnh Hội thảo Khoa học
Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan - Cuộc đời và sự nghiệp tại Thạch Thất, năm 2013
Tiến sĩ Phùng Thảo đọc tham luận tại Hội thảo Khoa học
Nhà trí thức yêu nước Phùng Văn Cung với cách mạng miền Nam, năm 2013
Tiến sĩ Phùng Thảo; Nhà văn Phùng Văn Khai chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Tiến sĩ Phùng Thảo cùng các Nhà khoa học đi điền dã chuẩn bị cho Hội thảo về Thái phó
Lưỡng triều Lý-Trần Phùng Tá Chu tại Đền Cao - Tây Đằng - Ba Vì - Hà Nội, năm 2015
Tiến sĩ Phùng Thảo cùng ông Phùng Văn Lực và lãnh đạo thị trấn Tây Đằng
tại khu mộ Thái phó Phùng Tá Chu, năm 2015
Tiến sĩ Phùng Thảo đọc Tham luận tại
Hội thảo khoa học Phùng Tá Chu - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp, năm 2016
HPVN