PHÙNG HƯNG NHÌN TỪ VĂN HÓA QUYỂN XỨ ĐOÀI
Nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân[1]
Nhìn nhận trong lịch sử Việt Nam thời kì Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, trong công cuộc bền bỉ và kiên cường của dân tộc nhằm giành lấy độc lập tự chủ, có lẽ không nơi nào nổi bật ý thức quốc gia, tự cường yêu nước như vùng đất thiêng Đường Lâm - địa danh vốn gắn liền với hai vị vua đứng lên khởi nghĩa chống lại ách cai trị phương Bắc. Một trong hai vị vua đó, chính là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Bài viết này, kiến giải về sự xoắn luyến giữa nhân vật lịch sử Phùng Hưng và một xứ sở giàu truyền thống, để mở cánh cửa đến một vùng văn hóa.
1. Giữa con người, văn hóa, và lãnh thổ địa lý có một mối tương liên gắn kết bền chặt. Cũng có thể gọi đó là một mối “lương duyên” của lịch sử. Một khu vực địa lý, sẽ là môi trường phát lộ, di dưỡng, bảo lưu và truyền bá văn hóa đặc trưng của nó, và những giá trị cốt lõi của văn hóa sẽ được hun đúc trong con người của xã hội-văn hóa đó. Và những giá trị xuất sắc điển hình sẽ được kết tinh trong một con người điển hình nhất, biểu trưng đại diện cho văn hóa này. Ở chiều kích ngược lại, một con người nhận diện được căn cước thân phận của mình trong văn hóa và khu vực người này sống, từ đó trỗi dậy cảm xúc “thuộc về” đặc thù, mà ta thường gắn nó với những danh từ thiêng liêng như “quê hương,” “đất nước,” “tổ quốc.”
Vùng văn hóa, đề cập đến một khu vực địa lý trong đó có một tập hợp đồng nhất các lĩnh vực hoạt động của con người (tức văn hóa), hay nói khác là một phân vùng địa lý gắn với một văn hóa nhất định đặc trưng cho vùng đó. Vùng văn hóa không bị giới hạn bởi biên giới “cứng,” ví dụ như địa giới hay quốc gia lãnh thổ có biên giới xác định, bởi nó mang tính chất truyền bá lan tỏa. Song, để tìm một định nghĩa chính xác và nhất quán cho khái niệm vùng văn hóa, lại không hề đơn giản. Sự lúng túng trong việc xác định một nội hàm rõ ràng cho khái niệm “vùng văn hóa” đến từ cách sử dụng thuật ngữ trong chuyên ngành tương ứng.
Một đại diện sử dụng khái niệm vùng văn hóa như một điểm tham chiếu trong nghiên cứu địa lý, nhằm định vị và xác lập các khu vực khác nhau, là Glenn Stephenson. Ông thấy vùng văn hóa phù hợp để nghiên cứu những khác biệt vùng miền của con người. Bằng cách tập trung vào sự phân bố vùng văn hóa, nhà địa lý nhận diện được các đặc trưng khác nhau của vùng văn hóa. Từ đó, nhận thức được những đặc trưng này tạo ra sự cố kết xã hội trong khu vực đó, cũng như theo dõi được sự biến đổi của chúng trong một giai đoạn thời gian (Stephenson, 1967). Có thể thấy rõ, cách tiếp cận vùng văn hóa của Stephenson nhằm phục vụ mục đích phân chia vùng địa lý thuần túy, tuy nhiên, ông lại tìm thấy được một tiếng nói chung cho khái niệm vùng địa lý. Trong quá khứ, rất nhiều nhà địa lý thỏa mãn với việc chuyên ngành của họ chỉ cần quan tâm nghiên cứu về không gian (địa chí), còn việc nghiên cứu về thời gian (biên niên) là công việc của các nhà sử học. Một nhà địa lý sử dụng cách tiếp cận vùng văn hóa, không thể chỉ lý giải không gian một chiều, tức hiện tại; mà họ phải xem xét đến trình tự biên niên, bởi trên một khu vực nhất định có rất nhiều thế hệ sinh sống lần lượt nối tiếp nhau. Stephenson cho rằng, tập trung nghiên cứu các quá trình văn hóa của những dạng thức địa lý sẽ cho phép chúng ta hiểu được các vấn đề quá khứ, lựa chọn hiện tại và tiềm năng tương lai của con người trong bối cảnh khu vực địa lý, và nó có tầm quan trọng thiết yếu.
Trong nhân học văn hóa, cũng có hai cách tiếp cận khác nhau về khái niệm vùng văn hóa. Cách tiếp cận thứ nhất của trường phái Đức đầu thế kỷ XX, kulturkreis (văn hóa quyển), được xác lập bởi học giả người Đức Leo Frobenius, và sau đó được hai nhà dân tộc học Fritz Graebner và Wilhelm Schmidt phát triển. Graebner và Schmidt thừa nhận có một số lượng giới hạn các văn hóa quyển hình thành ở những thời điểm khác nhau, những địa điểm không gian khác nhau, đồng thời mọi văn hóa, cổ xưa hay hiện đại đều xuất phát từ sự truyền bá các đặc trưng từ những trung tâm văn hóa này. Các học giả theo trường phái này tin rằng có thể tái hiện lịch sử của mọi văn hóa bằng các phân tích các đặc điểm của nó, cũng như truy nguyên nguồn gốc của chúng tới một hay nhiều văn hóa quyển. Đây là quan niệm coi phức hợp văn hóa là một thực thể hình thành từ một nguồn cội trung tâm và truyền bá lan tỏa ra nhiều khu vực rộng lớn trên thế giới. Văn hóa được coi tồn tại theo các lớp phủ, mỗi một trong số chúng được truyền bá từ một hạt nhân trung tâm, dưới hình thức là các vòng tròn lan tỏa (quyển). Vấn đề nằm ở chỗ nhận diện được cơ tầng văn hóa và các lớp phủ, cũng như tìm kiếm nguồn gốc của nó.
Các học giả Bắc Mỹ chấp nhận khái niệm văn hóa quyển, nhưng họ lại sử dụng một khái niệm có quy mô nhỏ hơn, khu vực văn hóa (culture area), để phục vụ cho nghiên cứu dân tộc học. Sự khác biệt cơ bản giữa hai khái niệm đến từ lý thuyết gây ảnh hưởng tới chúng, văn hóa quyển của trường phái Đức nhận ảnh hưởng chính từ thuyết tiến hóa luận văn hóa đơn tuyến của thế kỷ XIX, còn khu vực văn hóa của trường phái Bắc Mỹ tuân theo thuyết tương đối văn hóa và truyền bá luận. Do vậy, để phân định vùng văn hóa của những nhà nhân học Bắc Mỹ sử dụng ba tiêu chí chính, đó là chủng tộc, văn hóa và ngôn ngữ. Trong văn hóa, bao hàm tín ngưỡng tôn giáo, nghệ thuật và hệ thống sinh kế. Alfred Kroeber là nhà nhân học Mỹ đặc biệt chú trọng nghiên cứu vùng văn hóa, đặc biệt là người da đỏ ở California. Để chỉ ra tính đặc thù của văn hóa người da đỏ Bắc Mỹ, ông xây dựng một hệ thống phân loại không gian dựa trên tập hợp dữ liệu về phương thức sinh kế, văn hóa vật chất, tổ chức xã hội, tôn giáo và thần thoại. Ưu điểm của cách tiếp cận khu vực văn hóa là khu biệt được một văn hóa tộc người cụ thể, nhưng nhược điểm là nó có quy mô hạn chế, cả về thời gian lẫn không gian, để có thể nghiên cứu sâu đồng thời nghiên cứu trong mối liên hệ tương quan với các văn hóa khác.
Vận dụng cách tiếp cận vùng văn hóa vào nghiên cứu văn hóa Việt Nam, đã có những kết quả đáng kể. Một nghiên cứu chỉ ra văn hóa Việt Nam gồm một văn hóa cơ tầng và ba lớp phủ, văn hóa bản địa, các lớp phủ Ấn Độ, Trung Hoa và phương Tây (Đỗ Lai Thúy, 2005). Một khái niệm về vùng văn hóa đã được đưa ra, như một vùng lãnh thổ có những tương đồng về mặt hoàn cảnh tự nhiên, dân cư sinh sống từ lâu có những mối quan hệ nguồn gốc và lịch sử, có những tương đồng về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, giữa họ diễn ra những giao lưu, ảnh hưởng văn hóa qua lại, nên hình thành những đặc trưng chung, thể hiện trong sinh hoạt văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của cư dân, có thể phân biệt với vùng văn hóa khác (Ngô Đức Thịnh, 1993). Từ khái niệm này, Ngô Đức Thịnh phân chia Việt Nam thành bảy phân vùng văn hóa: Tây Bắc, Việt Bắc, châu thổ Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ.
2. Phùng Hưng và dòng họ Phùng đã gắn bó nhiều đời với mảnh đất Đường Lâm. Trong sách
Việt điện u linh (1329) có chép: “Vương họ Phùng tên Hưng, thế tập Biên Khố Di Tù Trưởng châu Đường Lâm, hiệu là Quan.” Về huyết thống, Phùng Hưng là cháu bảy đời của Phùng Trí Cái - người đã làm quan lang ở đất Đường Lâm từ thời Đường Cao Tổ (niên hiệu Vũ Đức, 618-626). Cha ông là Phùng Hạp Khanh, từng tham gia khởi nghĩa Mai Thúc Loan, sau khi cuộc khởi nghĩa này thất bại, Phùng Hạp Khanh trở về Đường Lâm để lập điền trang, trở thành một hào trưởng giàu có. Như vậy, đến Phùng Hưng thì dòng họ Phùng đã được xác lập ở Đường Lâm hơn một trăm năm với bảy thế hệ, đồng thời cái tên Đường Lâm cũng đã phải có từ trước đó. Từ tư biện trên các tài liệu lịch sử và năm mất được ấn định của ông (791), thì có thể ước tính Phùng Hưng sinh vào khoảng những năm 760 thế kỷ VIII.
Không thể phủ nhận Phùng Hưng là một nhân vật lịch sử mang màu sắc thần bí. Phùng Hưng vốn có hai người em trai đồng sinh là Phùng Hải và Phùng Dĩnh. Ba anh em đều có có tư chất thông minh, sức khỏe phi thường, nhưng đặc biệt Phùng Hưng có trí tuệ và khí phách vượt trội. Tên tuổi của ông gắn liền với câu chuyện được dân gian lưu truyền về việc giết hổ dữ (có tài liệu ghi là đâm chết hổ, có tài liệu lại ghi là lập mưu).
Đại Việt sử ký toàn thư cũng có ghi: “Trước đây Phùng Hưng vốn là nhà hào phú, có sức khỏe, có thể vật trâu, đánh hổ.” Hình tượng con hổ trong dân gian, biểu tượng cho sức mạnh hung dữ không thể thuần phục, quyền uy chi phối muôn loài, mang lại nhiều mối lo cho con người. Khuất phục hổ, thể hiện tài trí vô song sức khỏe vô địch của con người trong việc chiến thắng con thú nguy hiểm, cũng như minh chứng cho cái khí khái cự phách của bậc anh hùng, mà Võ Tòng đả hổ trên đồi Cảnh Dương là một hình tượng điển hình. Nhân vật nào đả bại được hổ, ắt trở thành anh hùng trong thiên hạ. Giai thoại trên cho thấy sự phóng chiếu bản mệnh “chân mệnh thiên tử” vào hình tượng Phùng Hưng, lời tiên tri báo trước về một vị vua đứng lên chống giặc ngoại xâm, trở thành một trong những anh hùng bất diệt của dân tộc.
Sau khi qua đời, Phùng Hưng trở thành một nhân thần hiển linh được thờ phụng trong dân gian.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Con là An tôn xưng làm Bố Cái Đại Vương (tục gọi cha là Bố, mẹ là Cái, cho nên lấy [Bố Cái] làm hiệu). Vương thường hiển linh, dân cho là thần, mới làm đền thờ ở phía tây phủ đô hộ, tuế thời cúng tế (tức là Phu hựu chương tín sùng nghĩa Bố Cái Đại Vương. Đền thờ nay ở phường Thịnh Quang, ở phía đông nam ruộng tịch điền).” Sách
Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên còn chép rằng Phùng Hưng chính là vị thần đã hiển linh giúp Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng vào năm 938.
Vậy những câu chuyện truyền miệng trong dân gian, có mối liên hệ như thế nào đến vùng văn hóa? Các câu chuyện truyền miệng cho ta biết rất nhiều về văn hóa. Giống như quan hệ thân tộc và vũ trụ quan, chúng tiết lộ các thái độ bản địa phổ biến; và giống như các loại hình văn hóa biểu hiện như âm nhạc hay khiêu vũ, chúng tái hiện các thái độ này. Nhưng chúng không đơn thuần là dữ liệu thô về thái độ và hành động, những nỗi lo sợ và óc tưởng tượng, thể hiện mảnh ghép đời sống thường nhật, thay vào đó chúng chính là sự phản chiếu của văn hóa. Chúng được rút ra từ đời sống thường ngày, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, định hình bởi các tục lệ và thị hiếu địa phương. Các nhà nghiên cứu dân gian theo chức năng luận thường nhấn mạnh công năng xã hội của các chuyện truyền miệng, trong khi một phân tích theo hướng phân tâm học của Freud lại chỉ ra tính biểu tượng bên trong chúng, hay gần đây là về mỹ học, giới… Nhưng xem xét chuyện truyền miệng trong mối liên hệ với vùng văn hóa, một biến thể các chuyện có thể được tìm thấy trong một khu vực hay vùng văn hóa, và chúng có thể được so sánh để nhận diện những khác biệt về văn hóa. Từ đó, ngoài hiểu được vai trò của chuyện truyền miệng trong những bối cảnh cụ thể, còn biết thêm được cách chúng minh họa khác biệt hay tương đồng giữa các văn hóa.
3. Cho dù gần đây nảy sinh những tồn nghi nhất định, xét lại về nguồn gốc vị trí Đường Lâm trong lịch sử, nhưng trong khuôn khổ bài viết này xem xét Đường Lâm như một thành tố trong một tổng thể địa lý vùng văn hóa rộng lớn hơn, là xứ Đoài Sơn Tây.
Nhìn Đường Lâm trong không gian xứ Đoài theo phương diện địa văn hóa - lịch sử, Trần Quốc Vượng đã có một bài báo nổi tiếng, trong đó ông đã nhận diện vùng đất Đường Lâm tuân theo giả thuyết “tứ giác nước” do ông đề ra. Cụ thể là vùng đất này được bao bọc bởi sông Đà và sông Tích, một chi lưu nối sông Đà và sông Đáy (Trần Quốc Vượng, 2005). Mở rộng biên độ khảo sát, thì xứ Đoài nằm dưới chân núi Ba Vì nhìn ra ngã ba Hạc là nơi hợp lưu của ba con sông lớn là sông Thao, sông Đà, và sông Lô để rồi tụ thủy ở đầu sông Cái. Tựu trung nó mang đầy đủ đặc điểm tự nhiên điển hình của vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, với địa hình bán sơn địa núi đồi xen kẽ đồng bằng, đồng chiêm ô trũng xen kẽ với những đầm hồ vực lớn cùng mạng lưới hệ thống sông ngòi dày đặc gồm sông Hồng, sông Đà, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tích, sông Hát, sông Bùi, tạo thành nguồn phù sa trù phú, thích hợp với cơ tầng văn hóa nông nghiệp của khu vực này. Xứ Đoài lại nằm về phía chính Tây của kinh đô Thăng Long, do đó chính tên gọi xứ “Đoài” thể hiện đặc điểm địa lý này (quẻ Đoài trong bát quái đồ). Địa hạt của nó cũng có sự biến động thay đổi linh hoạt theo lịch sử, khi rộng khi hẹp. Thời Đại Việt, thì xứ Đoài là một thừa tuyên gồm 6 phủ, 24 huyện kéo dài sang bờ bên kia sông Hồng, nay là Vĩnh Phúc, Việt Trì, Phú Thọ. Đến thời Nguyễn thì nó lại nằm trong tỉnh Đoài, gồm các tỉnh phía Tây như Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang. Và hiện giờ nó thu hẹp lại hơn theo như hoạch định ngày nay, không còn là một địa hạt cứng về mặt địa lý lãnh thổ hành chính, nhưng vẫn bảo lưu về mặt không gian văn hóa.
Đến đây, ta đã định vị được vị trí vùng văn hóa xứ Đoài trong đại bình đồ văn hóa đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng để góp phần củng cố vững chắc luận điểm, có lẽ nên đánh giá thêm trên ba tiêu chí nữa đó là tộc người, văn hóa và ngôn ngữ (phương ngữ). Hai học giả, Trần Quốc Vượng và Kiều Thu Hoạch, đều tán thành quan điểm xứ Đoài - Sơn Tây với Ba Vì là cái nôi, vùng đất bản địa của người Việt - Mường trước sự chia tách thành hai tộc người riêng rẽ và phân hóa về địa bàn sinh sống sau này, đồng thời miền đồi núi cũng là nơi hình thành nhà nước sơ khai (Trần Quốc Vượng, 1998). Điều này kết hợp với yếu tố niên đại lịch sử ánh xạ vào kho tàng truyền thống giàu có, thể hiện qua những truyền thuyết và huyền tích xuất xứ từ nơi đây, như truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, Man Thiện cùng Hai Bà Trưng, rồi thiền sư Từ Đạo Hạnh... vô hình trung bồi tụ cũng như kiến tạo nên các đặc trưng văn hóa vật thể và phi vật thể của xứ Đoài vô cùng phong phú đa dạng. Điểm qua những đặc sắc kiến trúc của xứ Đoài, đầu tiên là gắn với đơn vị xã hội cơ sở của nông thôn Bắc bộ, đình làng, “đẹp đình So, to đình Chàng” có thể kể ngay đến đình So (Quốc Oai) và đình Chu Quyến (Ba Vì), chưa kể, đình Tây Đằng, đình Ngọc Than (Quốc Oai). Thứ nữa đây là xứ sở của các ngôi chùa Phật giáo, chùa Hương, chùa Thầy, chùa Mía, chùa Đậu, chùa Tây Phương. Gắn liền với văn hóa vật thể là văn hóa biểu hiện cùng hệ thống nghi lễ tín ngưỡng, một khía cạnh phản ánh đời sống tinh thần của con người. Văn hóa biểu hiện ở đây là các nghệ thuật biểu diễn dân gian như hát Chèo tàu, hát Dô, múa rối nước. Nơi đây cũng phát triển thành tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh, thờ cúng và phụng thờ các nhân vật văn hóa - lịch sử, các lễ hội truyền thống như hội đình, hội đền, hội chùa. Tất cả dẫn đến một kết luận, đây là vùng văn hóa có sự hỗn dung giữa tín ngưỡng bản địa truyền thống, Phật, Đạo, Nho. Ngoài ra, còn một tiêu chí sau cùng, tưởng chừng không quan trọng, nhưng lại là một yếu tố cốt yếu trong việc xác định một vùng văn hóa, đó là ngôn ngữ. Trong chính nội tại xứ Đoài, rất phong phú tiếng địa phương cổ với hệ thống từ vựng và cách phát âm khác nhau ở từng đơn vị xã hội (làng). Song, để nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này, có lẽ cần phải có sự quan tâm của các nhà ngôn ngữ, hay nhân học ngôn ngữ, mà người viết dưới góc độ nghiên cứu văn hóa xin phép dừng lại ở đây.
Vậy, từ Phùng Hưng, cũng là để đi đến minh định một vùng văn hóa, vùng văn hóa xứ Đoài.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-
Leo Frobenius, Die Weltanschauung der Naturvolker, E. Felber, 1898.
-
Fritz Graebner, "Kulturkreise and Kulturschichten in Ozeanien." Zeitschrift fur Ethnologie, 1903, 37:28-53.
-
Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên… soạn thảo, Đại Việt sử ký toàn thư, 1993, Viện Khoa học - Xã hội Việt Nam dịch, Nxb Khoa học Xã hội.
-
Alfred. L. Kroeber, “Cultural and Natural Areas of Native North America,” American Archaeology and Ethnology, XXXVIII, University of California Publications, 1939, tr. 1-242.
-
Ngô Đức Thịnh, Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 1993.
-
Ngô Đức Thịnh, Bản sắc Văn hóa vùng ở Việt Nam, Nxb Giáo dục, 2009.
-
Đỗ Lai Thúy, Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin, 2005.
-
Glenn V. Stephenson, “The Culture Area: A Geographic Frame of Reference,” Journal of Geography, 1967, 66:8, tr. 440-446.
-
Trần Quốc Vượng, “Về quê hương Ngô Quyền,” Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 101, 8/1967, tr. 60-62.
-
Trần Quốc Vượng, “Sơn Tây - xứ Đoài văn hiến,” trong Việt Nam cái nhìn địa - văn hóa, Nxb Văn hóa dân tộc, 1998.
-
Trần Quốc Vượng, “Đường Lâm dưới góc nhìn địa - văn hóa - lịch sử,” trong Bảo tồn, tôn tạo và xây dựng khu di tích lịch sử văn hóa Đường Lâm, Nxb Khoa học Xã hội, 2005, tr. 150-151.
-
“Phùng Hưng: Vị Vua lớn làng Đường Lâm,” http://hophungvietnam.com.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=Danh-nhan-ho-Phung-VN/Phung-Hung-Vi-Vua-lon-lang-Duong-Lam-812