(Thứ năm, 18/02/2016, 08:04 GMT+7)
Tiểu thuyết lịch sử Phùng Hưng của nhà văn Phùng Văn Khai đã in phần 1 dài 200 trang năm 2013 nhận được sự quan tâm nhất định của độc giả. Tiểu thuyết khái quát và phục dựng lại cuộc trường kỳ kháng chiến 24 năm của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của cha con Phùng Hạp Khanh - Phùng Hưng cùng tướng lĩnh, nhân sĩ khắp nơi trên cả nước đánh đổ ách thống trị nhà Đường, giành lại đất nước, mở ra thời kỳ độc lập dân tộc, một trang sử vàng trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số hồi của phần 2 tiểu thuyết lịch sử Phùng Hưng.

 

HỒI THỨ BẢY

Thành Tống Bình, Trương Thuận về nơi chín suối

Bãi Màn Trù, Vũ Khánh bắt sứ Chà Và

 

Lại nói tiếp chuyện cha con Trương Thuận, Trương Bá Nghi đắp La Thành.

Hiểu được tâm ý của cha cũng là dã tâm của chính mình, Trương Bá Nghi cùng bộ tướng không quản ngày đêm đôn đốc phu phen khẩn trương đắp La Thành. Vốn có chút kiến thức về phong thủy học được từ những ngày còn ở phương Bắc, Trương Bá Nghi dựa trên dấu vết thành cũ cho đắp bốn cửa chính. Cửa thành phía Bắc có ba tầng trên có địch lâu lớn đặt đại đội quân canh được làm bằng đá xám. Hai cửa Đông, Tây chỉ cho làm những địch lâu nhỏ. Riêng mặt thành phía Nam y cho mở tới năm cửa đều có đặt trống, chiêng, loa. Đây tuy là mặt phụ nhưng gắn liền với khu dân cư, phu phen tạp dịch đều đi qua cửa này. Để tiện bề trị nhậm, y cho chốt hai đại đội quân mã thường xuyên theo dõi, khám xét, sẵn sàng bắt bớ, đàn áp người dân. Mặt chính Bắc, trên luy lâu, y cho đắp thêm một đàn tế lễ để mỗi khi quan quân cử lễ có chỗ quỳ lạy hướng về phương Bắc. Điều này là nhất cử lưỡng tiện, vừa như tỏ lòng trung thành với Đường triều nhằm bịt miệng bọt tấu báo lung tung vừa là nơi để y ra oai với đám liêu thuộc sở tại.

Luôn mấy tháng ròng, việc phu dịch căng thẳng. Đám phu phen chỉ lăm le trốn chạy khiến Trương Bá Nghi không vui. Bản thân y cùng thuộc tướng ngày đêm canh giữ mà chúng vẫn tìm cách đào thoát. Thậm chí chúng không hề sợ chết. Mới biết ở cái xứ An Nam này, dân chúng cũng cứng đầu cứng cổ lắm và địa chất địa tầng ở đây cũng phức tạp, đôi chỗ rất khó lường. Có khúc thành theo phương vị ăn ra sát mép sông Tô cứ ngày đắp đêm lại lở ùm ùm như có ma quỷ quấy nhiễu. Một hôm, nhân trong người buồn bực, Trương Thuận gọi con đến bảo:

- Bá Nghi con! Đêm qua ta nằm mộng thấy một vị thần cầm roi dâu đến đánh vào vai phải của ta. Ta đau như lìa mất cánh tay, mồ hôi tháo ra đầm đìa, tỉnh ra mới biết là nằm mơ vậy. Không biết là điềm gì. Lành dữ còn chưa biết thế nào. Con mau triệu thầy Quách đến đoán xem sao.

Trương Bá Nghi cúi đầu suy nghĩ rồi nói:

- Chắc luôn mấy tháng đắp thành binh lính phu phen oán thán bị con giết nhiều quá mà oan hồn cỏ rác của chúng kết lại với nhau tác oai tác quái khiến phụ thân mộng mị chăng. Phụ thân tuổi đã cao cần bảo trọng. Cũng xin người bớt đi cái khoản mỹ nữ để thân thể khang kiện trở lại. Con xin tuân mệnh đi đón thầy Quách đến ngay.

Trương Thuận ừ ào:

- Ừ… Con đi đi. Lũ gái man di đúng là lũ mọi như quỷ hút hết sức lực của ta. Lại nữa ở đây mưa nắng bất thường khiến tâm trí ta nhiều lúc bất an. Con cũng phải giữ mình đấy. Theo mật báo của ta thì lũ giặc cỏ Chà Và và Côn Lôn năm nay sẽ lại vào cướp phá. Bọn chúng cũng gian giảo lắm. Cúng tiến chúng vẫn cúng tiến mà cướp phá thì vẫn cướp phá hành hoành khiến ta càng khó chịu. Bao giờ có binh hùng tướng mạnh nhất định ta sẽ thân chinh hỏi tội bọn chúng. Con đi đi.

Trương Bá Nghi đi rồi, Trương Thuận ngồi xuống chiếc bàn gỗ. Trên bàn là tấm địa đồ An Nam chằng chịt những nét gạch xóa. Ở phía góc bàn có tấm địa đồ nhỏ hơn thể hiện tòa La Thành trên giấy bồi mà thủ hạ vừa dâng lên hôm trước. Trương Thuận nhìn tấm địa đồ bất giác thở dài. Y chợt nhớ hôm tiễn y đi trấn nhậm phương Nam, vua Đường ân cần khẩu dụ: Vẫn biết ngươi phải đi vào vùng lam sơn chướng khí trăm nghìn khổ cực nhưng ngươi hãy vì thể diện của trẫm mà yên ổn phương Nam thời công ngươi lớn lắm đấy. Trẫm vẫn nghe rằng, An Nam có nhiều vùng quý địa có thể kết phát tới thiên tử. Đất ấy xưa nay không hiếm gì anh hùng hào kiệt luôn làm cho các triều đại phương Bắc không được ăn ngon ngủ yên là một mối lo trong lòng trẫm vậy. Nay ngươi hãy vì trẫm sang đó chú ý lưu tâm tới các mạch đất quý địa mà tìm cách trấn trị nó đi thời không những ngươi truyền đời con cháu được phân phong trị nhậm ở đó mà còn là đại kế lâu dài của Đường triều ta cũng là tránh cái họa sau này cho phương Bắc. Trẫm nói ít ngươi phải tự hiểu mà làm.

Trương Thuận cứ nhìn mãi vào tấm địa đồ mà còn nghe lời vua văng vẳng. Đang chìm vào luồng suy tưởng, bỗng đâu Trương Bá Nghi dẫn thầy Quách, viên quan chuyên coi việc trấn trại đã theo cha con họ Trương từ buổi đầu sang đất An Nam. Trương Thuận dợm đứng lên đang định nói điều gì với thầy Quách bỗng lảo đảo ngã sụm luôn xuống. Trương Bá Nghi thất kinh vội chạy lại đỡ Trương Thuận.

- Cha! Người sao vậy?

Thầy Quách cũng vội chạy đến dìu Trương Thuận tới chiếc sập gỗ bên phải, đoạn bắt mạch chăm chú lắm. Gương mặt thầy Quách thoắt trở lên căng thẳng. Thầy đờ đẫn bảo Trương Bá Nghi:

- Trương đại nhân nguy mất!

Trương Bá Nghi tâm trí rối bời, vội nói với thầy Quách giọng cầu khẩn:

- Phụ thân ta thực ra là mắc bệnh gì vậy. Ông là tâm phúc của phụ thân ta có điều gì ông cứ nói. Mọi chuyện còn có ta đây.

Thầy Quách trầm ngâm một lúc, đợi cho Trương Thuận đã thiêm thiếp sau khi uống thuốc mà thầy luôn mang theo rồi khẽ đứng dậy ra hiệu cho Trương Bá Nghi tới chiếc tràng kỷ góc bên trái, nơi vẫn dùng làm chỗ tiếp khách của Trương Thuận. Hai người nhìn quanh quất mãi thầy Quách mới nói:

- Ta cũng không giám giấu tướng quân nữa. Quả là chuyện hệ trọng chứ không phải tầm thường. Trương đại nhân cha ngài e rằng cũng không còn được lâu nữa. Mệnh trời khó cưỡng lắm. Hôm trước, Trương đại nhân đã bàn soạn với ta dùng phương cách để trấn trị mười bảy mạch đất của vùng này có khí số kết phát sinh ra những bậc tuấn kiệt, thần đồng. Đặc biệt là ngôi đất ở phía chính Nam có khí số kết phát đế vương bền vững của vùng đất phương Nam. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng cả tới phương Bắc chúng ta. Hôm phụ thân tướng quân nhận chức hành binh, hoàng đế Đại Đường đã gọi ta và Trương đại nhân đặc biệt dặn dò. Sang đến đất này, toàn bộ tâm tư của ta và phụ thân ngươi đều đặt cả cho việc đó. Nếu không kịp thời trị nhậm nó đi thời không biết đâu mà lường. Ngay như chính sinh mạng của phụ thân ngươi và ta cũng khó bảo toàn. Làm quan cho Đường triều vốn luôn như nằm trên hố gai miệng vực. Ngặt nỗi, vị thần chủ trì ngôi đất phát tích đế vương ấy là thần sông Lớn, một vị thần phúc trạch dồi dào lại rất quảng giao. Ngôi đất lại được dẫn mạch từ núi Tổ Ba Vì có thánh Tản Viên sơn cai quản nên không dễ gì trị được. Hôm trước, giấu tướng quân, Trương đại nhân đã cho lập đàn tế thần định mưu mời vị thần sông về rồi dùng gươm có máu gà chém cho mất thiêng đi. Chẳng dè phúc trạch của Trương tướng quân còn mỏng lại trong lúc thánh Tản Viên báo trước cho vị thần sông nên việc lớn thành ra hỏng cả. Hiện nay vị thần sông đã quyết định trừng trị chúng ta. Ngay như việc tướng quân dốc sức đắp La Thành cũng chưa biết thành bại ra sao đâu. Trương đại nhân từ đó lo nghĩ không yên mới kết phát thành bệnh trong tâm vậy. Luôn mấy hôm nay, lão phu cũng thường xuyên mộng mị. Vị thần sông đang nổi giận muốn lấy mạng chúng ta. Việc cũng gấp lắm rồi.

Trương Bá Nghi không khỏi kinh động thốt lên:

- Thảo nào! Phụ thân luôn mấy tuần nay toàn tính chuyện hậu sự. Thì ra người không muốn họa lớn giáng xuống đầu ta. Cái xứ An Nam chó chết này ta nguyện sẽ giết sạch, đốt sạch nếu chúng còn dám chống đối. Cả Đường triều nữa! Đã đưa cha con ta vào nơi lam sơn chướng khí mà hễ mở miệng tấu xin cái gì đều bị lũ lộng thần gạt sạch. Cha con ta quả tiến cũng không nổi, lùi cũng không xong. Mai kia bọn Chà Và, Côn Lôn thuận nước thuận gió tiến sang thì chúng ta chỉ còn nước treo cổ tự tận. Thầy Quách! Ông vốn nổi tiếng nhiều mưu ma chước quỷ mà thấy cha con ta chết mà không cứu hay sao?

Lão Quách chợt rúm người trên kỷ gỗ. Y quá hiểu sự thâm độc tàn bạo của cha con họ Trương. Có lẽ phải dùng mưu mới mong thoát được. Y vờ run rẩy nói:

- Trương tướng quân! Thực ra hùng tâm tráng trí của ngài còn hơn hẳn phụ thân mà quyền biến cơ mưu cũng ít người sánh kịp vậy. Hôm trước quả là Trương đại nhân cũng hồ đồ mạo phạm thần thánh nên sự thể mới như thế này. Theo ta, ngài cũng đừng nên đau xót quá mà lỡ việc lớn. Phụ thân mất rồi việc đầu tiên không phải là thương xót theo lối nữ nhi thường tình mà ngài phải mau chóng ổn định cục diện đường hoàng chấp chính mới là chí khí của bậc quân tử, khí phách vương giả của họ Trương. Ta biết ngài có điều khó xử. Nhưng còn ta đây, có lẽ nào vô dụng vậy sao?

Trương Bá Nghi ranh mãnh nhìn thầy Quách. Hóa ra lão thầy địa lý này đã biết đến cả tim đen của cha con y. Việc tháng trước, Trương Thuận cho làm giả chiếu chỉ của Đường triều tấn phong con y làm Chinh Nam đại tướng quân và gia tộc họ Trương được đời đời thế tập chức An Nam đô hộ sứ họ Quách cũng biết. Y điềm nhiên bảo:

- Quách lão tiền bối mãi mãi là cha mẹ của ta. Việc lớn trong thiên hạ không nhờ vào lão bối thì dựa vào ai. Một mai cha ta cưỡi hạc về trời thì Quách lão bối chính là trọng phụ vậy. Xem ra, tài làm giả chiếu chỉ của lão bối lại có lần nữa được thi thố. Ta nói như vậy chẳng hay lão bối có chấp thuận cho không?

Thầy Quách mặt cắt không còn giọt máu, miệng lắp bắp:

- Xin tuân lệnh đại tướng quân.

Trương Bá Nghi mặt đanh lại. Đôi mắt đầy lòng trắng quăng quắc nhìn về phía trước. Trên kỷ gỗ, thầy Quách không dám động cựa. Không gian như đặc quánh lại trước mưu ma chước quỷ. Cả hai người mỗi người theo đuổi dã tâm của riêng mình mà không hề hay biết trên chiếc sập gỗ phía góc sảnh đường, hồn Trương Thuận đã lìa khỏi xác từ lâu. Vị mệnh quan Đường triều chết mà mắt vẫn mở trừng trừng như vẫn còn muốn tiếp tục gây thù chuốc oán.

                                                                                       *

                                                                                    *      *

Vâng mệnh Phùng trại chủ, Vũ Khánh tuyển chọn trong đám tráng đinh vùng Đường Lâm một trăm người giỏi võ nghệ và bơi lặn thành lập đội quân chuẩn bị cho việc đón lõng đoàn tiến cống xứ Chà Và. Vũ Khánh cho sửa soạn bảy chiếc thuyền nhẹ bên ngoài trông như những thuyền đánh cá lặng lẽ nửa đêm rời khỏi Đường Lâm. Theo tính toán của Phùng trại chủ, chỉ khoảng cuối tuần trăng đoàn cống xứ Chà Và sẽ thuận buồn xuôi nước qua bãi Màn Trù. Trại chủ cũng dặn dò trước tiên hãy đến bàn bạc với Phan Đường xem có cao kiến gì không. Sau hai đêm lặng lẽ xuôi dòng, đoàn thuyền của Vũ Khánh đã ẩn tàng kín nhẹm nơi cửa sông Màn Trù. Bảy chiếc thuyền neo đậu ẩn khuất trong lau sậy um tùm. Ngay như lũ chim chóc cũng thản nhiên như không có chuyện gì. Vùng cửa sông êm đềm lóc bóc. Đang mùa gặt, đám dân chài cũng đã lên bờ hết. Đợi sáng hẳn, Vũ Khánh chọn chiếc thuyền nhỏ cùng hai tráng đinh bơi thẳng về phía căn nhà nhỏ bên lùm nhãn cổ, nơi hôm trước cùng Phùng trại chủ tới yết kiến Phan tiên sinh.

Bậc đá rêu phong dẫn lên căn nhà gỗ nằm thiêm thiếp bên mép sông. Vừa mới bước chân lên bậc đá, đã có tiếng cười sang sảng và bóng Phan tiên sinh nhanh nhẹn băng qua hàng hiên tiến về phía Vũ Khánh:

- Xin chào Vũ tráng sĩ! Chắc có việc gì cần kíp mà Phùng trại chủ cảm phiền Vũ đệ sớm quay lại tệ xá làm vậy?

Vũ Khánh vội rảo bước tiến lên thi lễ. Thấy sắc diện tươi nhuần của Phan tiên sinh, Vũ Khánh chợt thấy ấm lòng, khẽ nói:

- Kính chào Phan tiên sinh! Nhìn sắc diện an khang của tiên sinh chắc hẳn Phùng trại chủ ở nơi xa cũng rất vui mừng. Quả là tiểu đệ có chút công việc muốn thưa cùng tiên sinh. Chẳng hay công tử theo hầu học tiên sinh hai tuần trăng qua có điều gì sơ xuất khiến tiên sinh phải bận lòng chăng?

Phan Đường vừa nhẹ bước trở lại thư phòng cùng Vũ Khánh vừa ôn tồn phe phẩy chiếc quạt lông trên tay hồ hởi bảo:

- Vị công tử trưởng của Phùng gia quả thật thần đồng. Buổi sớm, ta mới mời công tử cùng Phan Lăng tiểu đồng vào phía đình trong thỉnh Phạm đại ca ra bàn việc. Chắc tới giờ Ngọ, hiền huynh cùng công tử sẽ có mặt ở tệ xá đây. Vũ hiền đệ! Phùng trại chủ có chủ kiến gì chăng mà sớm sai hiền đệ trở lại đây vậy?

Vũ Khánh đem câu chuyện Phùng trại chủ sai khiến thưa cùng Phan tiên sinh. Nghe xong, họ Phan lặng lẽ suy ngẫm, một lát tiên sinh ngẩng đầu bảo Vũ Khánh:

- Chủ trương của Phùng trại chủ thông qua việc cầm bắt đám cống sứ Chà Và khiến Tống Bình phải chịu sức ép chiến tranh là diệu kế. Ta ở đây đã nhiều năm nên cũng nắm được quy luật của cống sứ Chà Và. Độ cuối tuần trăng này, theo thông lệ, chắc bọn họ sẽ theo đường sông vào Tống Bình. Vũ đệ lên để anh em khảo sát luồng lạch thật kỹ lưỡng mới mong vẹn toàn công việc. Ngày mai, ta sẽ đích thân cùng hiền huynh đi cùng Vũ đệ. Hiền huynh cũng là một tay hảo hán sông nước của vùng này có lẽ sẽ hữu dụng trong công việc của Phùng trại chủ. Trong đoàn tiến cống chắc cũng có không ít cao thủ đâu. Nhưng hẳn là bọn họ cũng không ngờ đến kế hoạch của huynh đệ ta. Cái khó là phải bắt sống toàn bộ mà không được gây thương vong. Có lẽ ta phải dùng mưu mới mong kế hoạch được vẹn toàn. Để đợi hiền huynh đến xem có cao kiến gì chăng.

Hai người vừa uống trà đàm đạo được một lúc đã thấy con đường nhỏ men bờ sông thấp thoáng bóng người. Đi đầu là Phùng công tử. Mới hai tuần trăng không gặp đã như cao lớn hơn hẳn. Đi giữa là một lão ông tuổi trên lục tuần, vẻ cân quắc phong sương tóc râu nhuốm bạc. Phía sau là cậu tiểu đồng hầu trà hôm trước. Nhác thấy bóng con thuyền gỗ đậu nơi mép sông, công tử họ Phùng phấn chấn rảo bước, vẻ mặt rạng rỡ như đã đoán được bảy tám phần việc có mặt của đoàn người từ Đường Lâm trở lại.

Vũ Khánh và Phan tiên sinh cùng đứng dậy bước ra hàng hiên hoa thiên lý phơ phất rủ xuống mái dậu tre cũng là lúc lão ông cùng hai tiểu công tử tươi cười đi thẳng vào khoảng sân đất nện trong khuôn viên căn nhà gỗ. Lão ông cất giọng sang sảng:

- Phan hiền đệ hẳn có kỳ thủ phương xa tới chỉ giáo chăng mà cho gọi ngu huynh. Sức cờ hiền đệ mấy tháng nay cũng tiến bộ lắm kia mà. Luôn mấy tuần huynh bận việc bên ngoại không đến thăm đệ được. Ta cũng nhớ bến sông với món trà sen rượu cúc của tiểu đệ lắm rồi. Hôm nay có khách cùng tương kiến, nhất định phải say một trận mới thỏa.

- Phạm huynh! Đã bao giờ đệ thiếu trà thiếu rượu cho huynh dùng đâu. Thưa huynh, vị này là Vũ tiểu đệ, biệt khách của Phùng trại chủ ở Đường Lâm mà hôm trước tiểu đệ đã thưa chuyện cùng huynh vậy.

Phạm Khang tiến tới thi lễ chào Vũ Khánh, trang nghiêm nói:

- Hôm trước Phùng trại chủ cùng tráng sĩ đến Màn Trù mà Phạm mỗ chưa kịp tới chào thật là đắc lỗi vậy. Xin hỏi Phùng trại chủ hiện giờ có được khang kiện chăng?

Vũ Khánh nghiêm trang cúi chào, vừa nhìn thẳng vào Phạm Khang điềm đạm nói:

- Cảm ơn Phạm huynh đã hỏi đến tướng công tôi. Trại chủ tuy tuổi tác đã cao nhưng vẫn còn vững vượng lắm. Trại chủ cũng có lời mời các hiền huynh sớm ghé thăm Đường Lâm. Được hạnh ngộ nơi bản xá là tấm lòng mong mỏi của Phùng tướng công tôi vậy.

Phạm Khang, Phan tiên sinh cùng Vũ Khánh đàm đạo trong thư phòng. Câu chuyện ngày một xoắn bện cũng là lúc tiểu đồng mang lên một bình rượu cúc. Rót ra ba chung lớn, Phan tiên sinh khảng khái nói:

- Mời huynh đệ cạn chung rượu này! Chúng ta nguyện đồng tâm hoàn thành kế sách của Phùng trại chủ.

Ba người nâng cao chung rượu uống liền một mạch. Phạm Khang khảng khái tiếp lời:

- Ngu huynh xin chịu sự sắp đặt của các hiền đệ. Luồng lạch cửa sông Màn Trù này như trong lòng bàn tay huynh vậy. Cũng đã lâu không được giở ngón nghề huynh đây cũng ngứa ngáy lắm.

Vũ Khánh rót rượu đầy ra ba chung lên tiếng:

- Xin mời hai hiền huynh một chung. Mong sớm được hạnh ngộ tại Đường Lâm. Khi ấy tiểu đệ sẽ xin phép Phùng trại chủ uống thực say với Phạm huynh. Có sự giúp sức của các huynh, tiểu đệ đã vững tâm lắm vậy.

Ba người lại cùng nâng chung rượu. Ngoài kia, mặt sông giữa ngọ im lìm in bóng lau lách tịnh không một tiếng động. Nắng từ trên trời như rót thẳng xuống mặt sông lóa nhóa. Nơi căn nhà gỗ, tiếng cười sảng khoái thỉnh thoảng lại rộ lên.

Những ngày sau, Phạm Khang, Phan Đường cùng Vũ Khánh và đám tráng đinh Đường Lâm miệt mài nhưng kín đáo xuôi ngược khắp các luồng lạch bãi Màn Trù. Vốn có kiến thức đặc biệt về sông nước, Vũ Khánh nhanh chóng nắm bắt và hình thành một kế hoạch giăng lưới đoàn cống sứ Chà Và. Phạm Khang quả không hổ là một cao thủ sông nước bãi Màn Trù. Những ý kiến, tính toán của họ Phạm nhiều điều trùng khít với Vũ Khánh. Nhiều lúc Vũ Khánh giật mình trước suy nghĩ táo bạo nhưng kỹ lưỡng của họ Phạm, trong lòng không khỏi thầm khen. Quả là ông trời đem người hiền đúng lúc giúp Phùng trại chủ vậy. Khi kế hoạch đã được sắp đặt đâu vào đấy. Đám tráng đinh đã thông thạo các luồng lạch, từng khe lau lách, bùn lầy, dòng chảy, khúc quanh, chỗ ngoặt của vùng cửa sông Màn Trù cũng là cuối tuần trăng.

Các tráng sĩ Đường Lâm lặng lẽ nhưng cũng nóng lòng lập chiến công đầu tiên trong công cuộc đuổi giặc Bắc mà Phùng trại chủ và các huyng đệ đã bao năm lao tâm khổ tứ.

Đêm ấy, khi Phạm Khang, Phan Đường và Vũ Khánh đang thong thả vừa uống trà vừa rà soát cặn kẽ lại một lần nữa công việc bỗng hai tráng đinh bước vào vòng tay đứng nghiêm. Vũ Khánh hỏi ngay:

- Đã có tin tức của đoàn cống sứ rồi chăng?

Người tráng đinh nói nhỏ nhưng rành rẽ:

- Thưa hai tiên sinh! Thưa Vũ huynh! Trạm tiền tiêu phía hạ nguồn vừa báo về: Đoàn cống sứ gồm bốn thuyền gỗ lớn và hai thuyền nhỏ đêm qua đã neo đậu cách đây hơn mười dặm trong một đầm cuối hạ nguồn. Các thuyền cống sứ thường đi vào ban đêm, ban ngày họ dạt vào bờ neo đậu để phòng giặc cướp. Khi di chuyển thường theo đội hình hàng dọc. Thuyền nhỏ tiễu thính phía trước, các thuyền lớn chở đồ cống sứ và sứ bộ đi giữa. Phía sau là thuyền nhỏ quan sát động tĩnh. Các thủy thủ Chà Và đồng thời là giáp sĩ dũng cảm thiện chiến, đặc biệt là thủy chiến. Theo quan sát của trạm tiền tiêu, bọn chúng có khoảng trên năm mươi tên. Xin hai tiên sinh và Vũ huynh định liệu.

Phan Đường tiên sinh khẽ nhíu cặp lông mày lên tiếng trước:

- Năm nay chúng sang đông đúc vậy hẳn có ý đồ gì chăng. Ta xem ra chúng muốn thông qua bang giao để dò biết binh lực của Tống Bình mà tiện cho việc tính đến cướp vùng Hoan, Diễn chăng. Dã tâm của nó hẳn các huynh đệ cũng chả lạ gì. Dụng kế lần này tất chúng sẽ tương tàn lẫn nhau. Cũng nhân đây, Vũ hiền đệ nên đặc biệt lưu tâm cho tuyến đường sông này. Mai kia vào cướp phá Tống Bình, hẳn bọn chúng sẽ xử dụng. Bây giờ ta mới hiểu, mỗi khi chúng vào đất ta thường nhẩn nha bất kể ngày tháng. Thì ra chúng vừa đi vừa thăm dò luồng lạch nông sâu, luồng nước, bãi bồi, hiểm địa để mai kia tính chuyện đưa chiến thuyền vào cướp phá. Về lâu dài, vẫn phải có kế sách phá chúng mới được.

Phạm Khang khẽ vuốt chòm râu bạc, tươi cười nói:

- Phan hiền đệ quả nhìn thấu tim gan người khác. Vẫn tưởng đệ ưa nhàn tịch ai biết trong lòng vẫn ôm chứa một bầu nhiệt huyết sục sôi. Hóa ra là đệ đợi minh chủ để giúp đời giúp nước. Ngu huynh tuy không có con mắt nhìn xa trông rộng bằng đệ nhưng cuộc này nguyện cùng Vũ hiền đệ tóm gọn đoàn cống sứ để Phùng trại chủ tiện mưu tính đại sự.

Nghe nhắc đến mình, Vũ Khánh sốt sắng nói:

- Được hai hiền huynh bày mưu tính kế, nói rõ thực lực dã tâm của bọn giặc, tiểu đệ vững lòng vào trận. Theo ý tiểu đệ, ta tuyệt đối không thể kinh động gươm đao mà lỡ việc. Đoàn chúng cũng không phải ít người. Bắt sống toàn bộ mà không để máu chảy đầu rơi quả không phải dễ dàng gì.

Ba người chìm vào im lặng. Hai tráng đinh đã ra phía bên ngoài. Mặt sông đêm im lặng như tờ chỉ thi thoảng tiếng cá đớp nước lóc tóc. Ngọn nến nhỏ sôi rí rách trên mặt chiếc bàn gỗ mộc. Ba người đàn ông chung mối tâm sự ngồi im lặng như những pho tượng. Một lúc, Phạm Khang khẽ đập tay xuống bàn:

- Các hiền đệ. Ta có một kế nhỏ này. Không biết ý các đệ thế nào.

Vũ Khánh sốt ruột giục:

- Việc gấp rồi, huynh mau nói ra đi.

Phạm Khang sửa giọng nghiêm trang:

- Mệnh lệnh của Phùng trại chủ là bắt sống toàn bộ. Hai chiếc thuyền nhỏ đi trước đi sau thì dễ tính vì ta chỉ cần lừa vào trong vùng lau lách là anh em xử trí thuận tiện. Ngặt bốn chiếc thuyền lớn rất khó đột nhập lại được các giáp sĩ canh phòng cẩn mật. Chúng lại ngày đi đêm nghỉ nên chỉ còn cách dùng mưu mới xong. Người sứ Chà Và xưa nay vẫn mê đắm tửu sắc. Sắc thì anh em ta bây giờ cũng chẳng đào đâu ra. Có tìm được các cô nương chúng chí hướng mà đưa vào công việc e rằng phải đợi đến lần sau mất. Khi ấy tất lỡ việc nên chỉ còn cách dùng tửu kế mà thôi. Trong bốn thuyền lớn, thể nào cũng có một thuyền chuyên đảm bảo việc ăn uống cho đoàn cống sứ. Ban đêm chúng tất chè chén đến khuya vì trên sông nước làm gì có trò gì nữa. Việc này e ngoài Vũ đệ không ai làm được. Ta vốn từng nghe tài bơi lặn của đệ. Thấy bảo đệ ở dưới nước như đi trên cạn còn thần kỳ gần như không để lại dấu vết tiếng động gì. Đệ phải tiếp cận bằng được chiếc thuyền phục dịch của chúng, đánh thuốc mê vào các bình rượu thì mọi chuyện còn lại dễ như trở bàn tay. Ngặt một điều nếu chúng phát hiện ra mà bắt được đệ thì việc tất bại vậy. Chúng sẽ cảnh giác bội phần mà ta thì thời cơ lỡ mất. Chẳng hay ý của Vũ đệ thế nào?

Vũ Khánh nhìn hai người, nghiêm ngắn đáp:

- Tiểu đệ xin tuân lệnh hiền huynh. Việc dẫu muôn khó đệ nào dám từ nan. Đệ tin rằng việc lớn của Phùng trại chủ tất thành nên linh khí tổ tông sẽ phù trợ cho chúng ta. Huynh sớm tính toán lượng thuốc mê sao cho vừa đủ. Quá tay ra đấy bọn chúng ngỏm củ tỏi cả là tại huynh đấy.

Phan tiên sinh phe phẩy quạt lông mỉm cười:

- Vũ đệ yên tâm! Việc dùng tửu kế xưa nay vốn là sở trường của đại huynh đây. Cả đời mê man chè rượu hóa ra cũng có khi đắc dụng. Mong hiền đệ dốc hết sức cho cuộc này. Không vào hang cọp sao bắt được cọp. Ta và Phạm huynh sẽ chỉ huy anh em tráng sĩ hỗ trợ đệ. Ta cũng tin việc lớn tất thành.

Tối hôm sau, khi trời mới chạng vạng, một chiếc thuyền gỗ nhỏ lặng lẽ xuôi dòng về phía hạ nguồn. Đêm cuối tháng trời tịnh không một giọt sao. Chỉ ánh trăng suông mờ mờ càng tăng vào lòng sông cái không khí tịch liêu. Thi thoảng, tiếng quạ ăn đêm bay lạt sạt trên những chùm lau lách rùm ròa sát mặt nước. Trên thuyền, Vũ Khánh cởi trần đang lặng lẽ thoa lên mình chất chu sa xam xám màu nước đêm. Hai tráng đinh lặng lẽ chèo thuyền như không gây ra một tiếng động. Đến một khúc quanh, Vũ Khánh ra hiệu cho hai tráng đinh tấp thuyền vào sát bờ sông. Phía xa hiện lên mấy chấm nhỏ lấm tấm trên mặt sông. Ba người lặng lẽ không nói một câu. Các chấm nhỏ lớn dần lờ mờ hiện lên mấy chiếc thuyền dập dềnh tiến về phía bãi Màn Trù. Vũ Khánh nói nhỏ với giọng quả quyết:

- Ta xuống nước rồi các đệ lập tức xuôi thuyền về phía Màn Trù để tránh chúng phát hiện. Nhớ giữ khoảng cách cho thật tốt và bám sát về phía bờ Bắc. Xong công việc ta sẽ trở về thuyền ngay. Các đệ không được nóng ruột mà gây kinh động khiến hỏng việc lớn.

Hai người tráng đinh thốt nhìn nhau rồi nhìn vào đôi mắt sáng như đang rực lên của Vũ tráng sĩ. Càng gần gũi Vũ Khánh, các tráng đinh càng học tập được sự điềm tĩnh đến kỳ lạ của người con vùng Hoan, Diễn luôn dốc một lòng theo Phùng trại chủ. Dòng sông nhè nhẹ đón người tráng sĩ vào lòng mình gần như không gây ra một tiếng động. Con thuyền gỗ nhỏ từ từ quay ngược trở lại men theo mạn bắc bờ sông về hướng bãi Màn Trù.

Mãi đến gần sáng, khi hai tráng đinh bụng dạ nóng như lửa đốt đang tính chèo gấp thuyền về báo cho Phan tiên sinh sự biệt vô âm tín của Vũ Khánh thì ngay sát mạn thuyền gỗ, họ Vũ khẽ nhô người lên khỏi mặt nước. Chỉ một cái cuộn mình điêu luyện, họ Vũ đã ngồi ngay ngắn trên lòng thuyền sảng khoái nói:

- Các đệ chèo gấp về mau để ta cùng các hiền huynh bắt giặc.

Hai tráng đinh gấp tay chèo mà không cần hỏi. Chỉ cần nhìn gương mặt rạng rỡ của Vũ Khánh biết việc lớn đã thành. Đoàn cống sứ chắc chắn đã là những con cá nằm im trong giỏ.

 

HỒI THỨ TÁM

Giả chiếu chỉ Trương Bá Nghi giết thầy

Tha Sứ bộ Phan tiên sinh dụng kế

 

Đây nói tiếp chuyện cha con Trương Thuận, Trương Bá Nghi ở Tống Bình.

Rời phủ sở sau khi chứng kiến cái chết thảm của Đô hộ xứ Trương Thuận, thầy Quách không khỏi kinh hãi vội vã rảo bước về gian nhà thuốc góc Đông Nam thành Tống Bình. Đã cưỡi lên lưng cọp thì ngay việc rời khỏi đó cũng là muôn khó. Sực nhớ tới lời dặn dò của Hàn lâm Đại học sĩ Lý Tất, vị quan lừng danh khuông phò cha con Đường Huyền tông, Đường Túc tông, người đã hóa giải nhiều mâu thuẫn phức tạp trong nội bộ Đường triều, đã lập công xuất sắc trong loạn phiên trấn An Lộc Sơn - Sử Tư Minh, người đã mạnh dạn trọng dụng và luôn đứng về phía các tiết độ sứ tài danh như Quách Tử Nghi, Lý Quang Bật đồng thời cũng là bậc huynh trưởng của Quách Kiến. Hồi còn lang bạt ở Liêu Đông, quê gốc của họ Quách cũng là quê gốc của Lý Tất, họ Quách đã được nghe truyền tụng về tài học phi phàm của Lý Tất. Sau này có dịp thụ học cùng họ Lý, Quách Kiến khi ấy còn là một môn sinh nhỏ tuổi luôn được Lý Tất để ý. Khi ấy Lý Tất đã vang danh và thường thay mặt thầy quản chế các môn sinh cũng là những thiếu niên tuấn kiệt, những con cái nhà danh gia vọng tộc quan lại khi ấy. Bất giác nhớ đến tài năng và công nghiệp mà Hàn lâm Đại học sĩ họ Lý đã khuông phò, góp phần dẹp loạn, hưng thịnh Đường triều, Quách Kiến không khỏi thầm tâm phục khẩu phục mà lại nghĩ đến thân phận đầy bất chắc nơi thâm sơn cùng cốc của mình. Nhớ hôm theo cha con Trương Thuận, Trương Bá Nghi lên đường Nam chinh, Lý Tất đã gọi riêng Quách Kiến ra một chỗ hỏi:

- Hiền đệ đi phen này có nguyện vọng gì chăng?

Rơm rớm nước mắt trước tình cảm Lý đại quan dành cho mình, Quách Kiến cảm động nói:

- Việc hoàng đế giao phó, các đại nhân mệnh lệnh, hạ quan xin nhất nhất tuân theo. Hạ quan chỉ đau buồn là không phụng dưỡng được mẹ già, con dại và nhất là không được gần gũi với đại quan để sớm hôm ngài chỉ dạy cho điều hơn lẽ thiệt ở chốn quan trường.

Lý Tất cười ha hả mà rằng:

- Ta vẫn tự hào về tài trí và sự quyền mưu của hiền đệ. Phụ mẫu đệ ta sẽ lo liệu giúp. Còn cái việc đàn bà trẻ con đệ chớ bận lòng. Nam nhi đại trượng phu ở đời lập công danh phải biết gạt đi những điều nữ nhi thường tình. Ở trong triều, mọi việc còn có ta đây. Hôm qua, Trương Đô hộ sứ cũng có tới tư gia ta, tiếng là chào giã biệt xin kế vạn toàn cho công cuộc Nam chinh nhưng thực chất y thăm dò và cậy cục ta xin lên hoàng đế để cha con y mãi mãi được phân phong tước vị ở An Nam. Ta đã sớm thấy dã tâm một đi không trở lại của cha con y. Cái trò Ba Thục tuy nhỏ nhưng cũng là nơi hổ ngồi rồng cuộn của Lưu Bị khi xưa ta đâu có lạ gì. Cũng là cục diện Đường triều hiện nay đã xui khiến ra thế. Sở dĩ ta đã tâu lên hoàng đế Túc Tông để hiền đệ sang bên ấy một là thỏa chí tang bồng cả đệ muốn nghiên cứu cây thuốc, sản vật, phong tục phương Nam, đặc biệt là dò tìm trấn trị các huyệt đất phát tích của xứ ấy để tính kế lâu dài; hai nữa là - Lý Tất đột nhiên cười bí hiểm - Điều thứ hai, ta không cần nói hẳn hiền đệ cũng không muốn ta nói thẳng ra phải không?

Nói đến đó, vị Hàn lâm Đại học sĩ vuốt râu cười ha hả, cặp mắt sáng quắc đột ngột thắt nhỏ lại. Quách Kiên rùng mình toát mồ hôi. Không ngờ những điều chôn sâu trong gan ruột, Lý đại quan cũng đều biết cả. Thật không hổ danh thần đồng. Mãi sau này, khi nhiều đêm trằn trọc nơi lam sơn chướng khí, họ Quách mới thấy những nước cờ mà Lý Tất tính toán thật người thường không thể lường hết được. Tiếng Lý Tất vẫn còn như văng vẳng:

- Cha con Trương Thuận, Trương Bá Nghi tài năng và dã tâm không phải nhỏ đâu. Ta chỉ e mỗi một điều chúng quá ham đánh giết nên lòng dân ở xứ ấy sẽ không thuần phục là cái họa lớn cũng là mối nhục của Đường triều sau này. Con giun xéo mãi cũng quằn. Xứ An Nam xưa nay vốn không thiếu gì anh hùng hào kiệt. Vừa mới hiển nhiên cái loạn họ Mai xưng vương xưng tướng ngang nhiên chống lại Đường triều đó thôi. Ngày ấy, nếu Đường triều ta không xua binh hùng tướng mạnh sang làm cỏ đất chúng thì bây giờ chúng đã hùng cứ ở phương Nam rồi. Ngươi phải nên cẩn thận giữ mình. Nếu có bề gì, phải tìm cách thông tin cho ta biết. Ta cũng khuyên ngươi chớ sớm lộ diện đối đầu với cha con họ Trương bởi đám quân tướng sang phương Nam lần này đều là thủ túc của cha con y cả. Vạn nhất nếu cha con y sinh lòng phản trắc, làm giả thánh chỉ, hùng cứ phương Nam ngươi cũng không nên vọng động vội mà phải lặng lẽ khuông phò đợi chủ ý của Đường triều. Ngươi nên nhớ: Thà rằng để cha con họ Trương chiếm đất xưng vương còn hơn cho lũ man di mọi dợ phương Nam ngóc đầu trở lại. Dù gì cũng là dòng giống phương Bắc. Đại kế trong thiên hạ, có chỗ rồi dần dần ngươi sẽ hiểu.

Quách Kiên tâm thế u u mang mang cùng hành binh với cha con Trương Thuận, Trương Bá Nghi mà trong lòng chưa bao giờ được thanh thản là có nguyên do vậy.

Vừa đặt mình xuống chiếc sập gỗ gụ đen bóng, đầu óc vẫn đang chờn vờn những hình ảnh, lời nói đứt nối của vị Hàn lâm Đại học sĩ Lý Tất đã nghe bước chân người thình thịch ở ngoài. Biết có điều chẳng lành, Quách Kiên co mình nhỏm dậy đã thấy hơn mười binh lính gươm giáo lăm lăm, mặt mũi đằng đằng sát khí do phó tướng Trương Thành, người nổi tiếng dã man tàn bạo trong các cuộc đàn áp đám phu phen ập tới trước sập. Trương Thành lạnh lùng rít qua kẽ răng mệnh lệnh:

- Bắt tên giặc già này lại cho ta!

Quách Kiên ú ớ:

- Trương tướng quân nhầm người rồi…

Trương Thành cười khẩy, quắc mắt:

- Quân phản phúc! Ngươi còn già mồm sao. Chính ngươi đã đầu độc lão gia.

Đám quân lính ồ lên một tiếng xông vào trói nghiến Quách Kiên. Họ Quách định phân bua nhưng kịp nín nhịn. Quách Kiên bình thản để lũ binh lính trói dong về phía nhà ngục. Thế là hết. Thật ghê tởm. Không thể ngờ được Trương Bá Nghi lại hạ độc thủ với người y vẫn gọi là thầy sớm đến thế.

Trương Thành không khỏi ngạc nhiên trước sự bình thản của Quách Kiên, người giữ vai trò quan trọng chỉ sau Trương Đô hộ sứ và Đại tướng Trương Bá Nghi. Cùng hội cùng thuyền, lại là người được Trương Bá Nghi hết sức tin dùng, Trương Thành lờ mờ hiểu đằng sau sự việc ắt có điều mờ ám. Đang tuần tiễu, đôn đốc đám phu phen phía cửa Bắc, chợt có người mang mệnh lệnh triệu tập gấp về soái phủ. Chưa kịp chào xong, Trương Bá Nghi nét mặt hầm hầm chỉ về chiếc sập cuối gian phòng lớn, nơi Đô hộ sứ Trương Thuận thường nghỉ ngơi buổi trưa từ ngày trị nhậm ở Tống Bình. Trương Bá Nghi gằn giọng:

- Phản thần Quách Kiên vừa hạ độc gia phụ. Ta biết thì đã muộn. Ngươi hãy đem võ sĩ bắt ngay lão già hiểm độc tống ngục rồi về đây đợi lệnh.

Trương Thành ngây người như không tin vào mắt mình, tai mình. Trên sập gụ, Trương lão gia mặt mũi xám ngoét, thất khiếu ri rỉ những vệt máu đen đặc như người trúng độc cực mạnh. Y đứng như trời trồng không thốt được một lời. Thấy Trương Thành cứ đứng ngây như vậy, Trương Bá Nghi đột nhiên hét lớn:

- Còn chưa đi đi!

Trương Thành vừa lảo đảo thối lui vừa hô lên:

- Tiểu tướng lĩnh mệnh!

Vừa quát thét đám võ sĩ mau chóng tay đao tay kiếm tiến về phía Nam, nơi căn nhà Quách Kiên vừa ở vừa chế tác thuốc men cho đám quân tướng, Trương Thành vừa dần dần tĩnh trí cảm nhận vụ việc kinh hoàng đã xảy ra. Y lẩm bẩm: “Không thể nào… Không thể nào…” Chợt y cười gằn như ngộ ra điều gì đó ghê gớm trong lòng. Dãy nhà gỗ vẫn dùng để chứa thuốc chỉ độc Quách Kiên đang ở đó hiện ra trước mắt. Y thúc đám lâu la đập cửa xông vào.

Tống họ Quách vào căn phòng đặc biệt trong ngục thất, kiểm tra kỹ lưỡng một lần nữa, y quay ra nói với đám coi ngục:

- Các ngươi phải hết sức cẩn thận canh phòng. Từ bây giờ, Quách Kiên là trọng tội của Đường triều chứ không còn là quân sư của bản Đô hộ sứ nữa. Nếu có bề gì, ta sẽ lấy mạng các ngươi.

Đám cai ngục tên nào tên nấy vạm vỡ, vằn vện, xăm trổ đầy mình, trông như những hung thần nơi địa ngục cúi rạp xuống đồng thanh:

- Chúng tiểu nhân phụng mệnh tướng quân.

Khi Trương Thành quay trở lại soái phủ để báo cáo công việc y vừa hoàn tất đã thấy tiếng khóc lóc nỉ non của đám đàn bà con gái. Trong phòng khách lớn, một cỗ quan tài đỏ chóe đang được đám lâu la khênh đặt ở chính giữa. Thoáng thấy bóng Trương Thành, Trương Bá Nghi vẫy y vào gian phòng phía trong. Cánh cửa lim lớn đóng thuỳnh ngay lại khi y vừa lọt vào gian phòng kín. Tiếng Trương Bá Nghi vang lên chờn chợn:

- Gia phụ ta chẳng may trúng độc của tên gian thần. Việc chôn cất cho gia phụ ta đã định liệu cả. Nay phiền tướng quân hai việc. Một mặt giữ nghiêm lòng quân. Ngày chôn cất gia phụ cũng là lúc công bố tội trạng soán nghịch của Quách Kiên. Một mặt ngươi kén người tâm phúc đem thật nhiều vàng lụa, sản vật gấp rút đi Trường An tâu bẩm việc này. Vẫn có định lệ rằng, Đường triều phân phong vương vị cho Trương gia đời đời thế tập chức An Nam Đô hộ sứ, nhưng ngươi cũng biết đấy, các quan lại Đường triều ngay gian lẫn lộn khiến lòng thánh phân vân rồi chẳng biết thế nào. Trương gia có bề gì, không riêng gì ta mà cả nhà ngươi cũng không toàn mạng được đâu. Nên ta không tiếc gì ngọc ngà châu báu cho đám tham quan ở Đường triều để chúng không quấy nhiễu đại sự của Trương gia. Việc này phó thác cho ngươi cả. Nay gia phụ không còn. Tên giặc già Quách Kiên ta cũng sẽ giết đi để tế vong hồn thân phụ. Mọi việc lớn nhỏ ở cái xứ An Nam này ta sẽ định liệu cả. Mọi việc xong xuôi rồi ta sẽ phong ngươi là đại tướng thay ta. Ngươi có yêu cầu gì cứ xin nói thẳng.

Trương Thành toát mồ hôi, đôi mắt đục dại không dám nhìn thẳng vào Trương Bá Nghi. Từ lâu, y đã biết sự tham tàn hiểm độc của con người này. Để giữ mạng sống chỉ còn một cách duy nhất là tuyệt đối nghe theo những sắp đặt của họ Trương. Cố trấn tĩnh, Trương Thành khúm lúm:

- Đại tướng quân liệu việc như thần. Mọi sự sắp đặt tiểu tướng xin ghi nhớ. Tiểu tướng gan óc lầy đất cũng không báo đáp hết được sự tin tưởng của Đại tướng quân.

Trương Bá Nghi lạnh lùng mệnh lệnh:

- Cho ngươi lui!

Trương Thành mở cánh cửa nặng trịch bước ra ngoài. Phía ngoài, đám quan lại, binh sĩ thân cận, thê thiếp đang lục tục kéo đến đông đặc.

Còn một mình Trương Bá Nghi trong căn phòng kín. Y khẽ nhếch mép nở một nụ cười nham hiểm. Chờ đợi mãi rồi y cũng có ngày này. Bao nhiêu năm hao tâm tổn trí, trên mình khoác bao tiếng ác của nhân gian khi sắp bước đến đỉnh cao quyền lực y bỗng thấy có cái gì nặng trĩu đè vít xuống tâm can. Thấm thoắt, ngày cha con y rời khỏi Đường triều cũng đã mười mấy năm. Biết bao máu xương của binh lính, của đám dân đen vô tội đã đổ xuống mảnh đất xứ An Nam này. Cha y đã không có đường lui thì y càng không có đường trở về Bắc quốc nữa. Mọi việc đã đến nước này thì cứ để xuôi gió thuận buồm mà đưa đẩy thuyền đi. Ngặt một nỗi, mảnh đất hoang hóa đầy rẫy lam sơn chướng khí mà cũng chẳng mấy khi được yên ổn. Phía Nam, đám giặc cỏ Côn Luân, Chà Và năm nào cũng lăm le xua binh cướp đất quấy rối. Đã có nhiều nguồn tin báo về từ châu Đường Lâm có Phùng Hạp Khanh, bộ tướng của Vua Mai Hắc Đế xưa đang đêm ngày hưng dân, mở đất, thanh thế lẫy lừng không còn coi đám quan binh ra gì. Ở xứ An Nam này, anh hùng hào kiệt không đời nào dứt là mối lo trong xương tủy của họ Trương vậy. Đã thế, ngay trong nội bộ các quan lại dưới trướng của gia phụ cũng không ít kẻ có lòng kia khác mà gia phụ thì tuổi già sức kém cứ bị bọn chúng lấn lướt mãi. Việc cực chẳng đã, Trương Bá Nghi ta mới phải dùng đến độc kế. Cũng may còn có được nhiều tâm phúc giúp rập, nhất là việc lừa được tên cáo già họ Quách chứ không mọi việc mai kia lộ tẩy thì ắt Trương Bá Nghi ta không có đất chôn thây. Đang suy nghĩ mông lung, Trương Bá Nghi chợt lóe lên khi nghĩ đến họ Quách. Trương Bá Nghi lẩm bẩm một mình:

- Ta phải đí